Đây không phải là loại mật ong ngọt đặc trưng mà bạn thường dùng pha uống vơi trà hay ăn cùng bánh mứt. Trên thực tế thì đây là một dạng mật ong có chứa loại độc tố ẩn mình mà nếu sử dụng quá mức có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm khôn lường. Trong lịch sử từng có nhiều trường hợp cả một đội quân bỏ mạng không phải vì cung tên, gươm giáo của kẻ thù mà chính vì bị đối phương lừa uống rượu hoặc nước có pha loại mật độc chết người này.
Mật ong điên, được ong sản xuất từ phấn hoa và mật nhụy hoa đỗ quyên, không có vị ngọt đậm như các loại mật ong thông thường mà chỉ ngọt thanh, với hậu vị hơi nhân nhẫn đắng. Tuy nhiên, giống như cần sa, nó có thể tạo ra cảm giác “ngọt ngào” trong đầu và một số người sử dụng nó như một cách để đạt được khoái cảm hoặc thậm chí cải thiện “hiệu suất phòng the”. Tuy nhiên, loại mật này không phải là không có tác dụng phụ tiêu cực: nó có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như ảo giác, nôn mửa, suy giảm ý thức, mờ mắt, co giật và thậm chí tê liệt.
Được phát hiện lần đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ và Nepal, loại mật ong màu đỏ này có nguồn gốc từ loài ong mật Himalaya khổng lồ. Mật ong điên đắt tiền và nguy hiểm, từng đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử suốt từ thời cổ đại.
MẬT ONG ĐIÊN LÀ GÌ?
Mật ong điên hay còn gọi là mật ong gây ảo giác, được tạo ra khi ong “ăn phấn hoa từ hoa đỗ quyên”, có màu hơi đỏ hơn mật ong thông thường và có dư vị hơi đắng.
Mật ong điên có nguồn gốc từ khu vực ven Biển Đen phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ, một địa điểm phổ biến để ong thụ phấn cho hoa đỗ quyên. Mật nhụy của một số loài hoa đỗ quyên có chứa chất độc Grayanotoxin, có thể gây phản ứng sinh lý nghiêm trọng ở người và động vật. Chất độc này có thể làm giảm huyết áp, tăng nhịp tim và có thể gây tử vong nếu hấp thụ quá nhiều.
Đọc thêm
NHỮNG CÔNG DỤNG TRONG LỊCH SỬ
Mật ong điên (Crazy Honey hay Mad Honey) đã tồn tại hàng chục nghìn năm, từ thời thượng cổ.
Một trong những người đầu tiên đề cập đến mật ong điên trong các nguồn sử liệu là Xenophon ở Athens, học trò của Socrates, một nhà sử học, chiến binh và lính đánh thuê người Hy Lạp. Xenophon viết rằng vào năm 401 trước Công nguyên, đội quân Hy Lạp do ông chỉ huy đã quay trở lại Hy Lạp dọc theo bờ Biển Đen sau khi đánh bại quân Ba Tư và họ đã được biết đến loại mật ong kỳ lạ này.
“Gần Trabzon (ở phía đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ), họ (quân lính của Xenophon) quyết định ăn mật ong địa phương được lấy ra từ các tổ ong gần đó. Sau vài giờ, các binh sĩ bắt đầu nôn mửa, tiêu chảy, mất phương hướng và không thể đứng vững được nữa; đến ngày hôm sau, tình trạng tồi tệ này qua đi và họ tiếp tục đi về Hy Lạp”.
Một trường hợp khác xảy ra vào năm 67 trước Công nguyên: người La Mã, do Pompey Đại đế lãnh đạo, trong khi truy đuổi quân Ba Tư đã phát hiện ra một lượng lớn mật ong này ở gần Biển Đen. Người Ba Tư biết rõ về tác dụng của mật ong điên nên đã cố tình để lại những hũ mật ong này khắp nơi để quân lính La Mã có thể tìm thấy.
Do ăn quá nhiều mật ong điên, quân La Mã trở nên mất phương hướng và không thể chiến đấu. Quân Ba Tư quay trở lại và tiêu diệt hơn 1.000 lính La Mã mà không chịu nhiều thương vong.
Năm 946, Công chúa Olga của Kiev và các đồng minh của bà đã lừa 5.000 người Drevlyans uống rượu pha mật ong điên. Khi họ rơi vào trạng thái loạn thần, quân Kiev đã giết chết những người bị đánh thuốc mê và chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến.
Năm 1489, Ivan Lôi đế và quân của ông đã noi gương Công chúa Olga thực hiện thủ đoạn tương tự đối với quân Tatar: để lại những thùng rượu pha mật điên cho quân địch nếm thử. Sau khi quân đối phương bắt đầu bị ảo giác, quân của Ivan tiến vào thành phố và ra tay chém gi.ết.
Vào thế kỷ 16-18, mật ong điên khá phổ biến ở châu Âu. Đàn ông pha trộn một lượng nhỏ mật này vào rượu của mình để tăng thêm năng lực cường dương và đạt khoái cảm nhanh hơn. Người Pháp gọi nó là “miel fou”, có nghĩa là “mật ong điên”.
Hồi thế kỷ 18, có một thời kỳ ở New Jersey (Hoa Kỳ) người ta đã sử dụng chất độc Grayanotoxin để sản xuất mật ong độc hại gây chóng mặt. Tuy nhiên, nó không mạnh bằng mật ong điên “truyền thống” vì chất độc Grayanotoxin này được lấy từ cây nguyệt quế trên núi chứ không phải từ cây đỗ quyên.
ƯNG DỤNG MẬT ONG ĐIÊN NGÀY NAY
Do khả năng gây hưng phấn và ảo giác nên mật ong điên được mọi người sử dụng như một phương tiện để đạt được cảm giác hồi hộp. Một số người cũng sử dụng mật này cho mục đích tình dục để thay thế cho Viagra, vì nó được cho là có tác dụng tăng hiệu suất phòng the. Theo Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Úc, “mật ong dại chủ yếu được đàn ông trung niên sử dụng để tăng cường hiệu suất tình dục”.
Kết quả, đây là loại mật ong đắt nhất thế giới, có giá 166 USD/kg, theo Trung tâm Nghiên cứu Texas A&M. Mật ong này cũng được sử dụng cho mục đích y học, trong nhiều trường hợp nó được kê toa để giảm huyết áp hoặc tăng cường năng lượng nếu một người đang trong tình trạng kiệt sức và căng thẳng.
Cho dù có được một số tác dụng hữu ích, mật ong điên vẫn ít được biết đến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, và do chi phí cao, các tác dụng phụ nguy hiểm tiềm ẩn cũng như lịch sử sử dụng không mấy hay ho nên nó không phải là sản phẩm có nhu cầu đặc biệt.