PGS. Nguyễn Quốc Hùng
1
Chỉ chưa đầy nửa thế kỷ từ khi lập quốc (1776), mặc dầu lãnh thổ còn đang mở rộng, các giới cầm quyền nước Mỹ đã bộc lộ những tham vọng bành trướng ra ngoài nước Mỹ. Đầu năm 1823, Tổng thống Mỹ Monroe đưa ra học thuyết mang tên ông – Học thuyết Monroe – với khẩu hiệu “Châu Mỹ của người châu Mỹ”, thực chất là nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của các nước châu Âu ra khỏi châu Mỹ. Vào lúc bấy giờ, học thuyết Monroe chưa mang lại kết quả thực tế nhưng đã vạch ra phương hướng quan trọng là bành trướng xuống khu vực Mỹ Latinh. Có thể xem đây là cái mốc khởi đầu cho những tham vọng toàn cầu của Mỹ, mà ngay từ thế kỷ XIX nhà cách mạng dân chủ vĩ đại Cuba Hosé Marti đã chỉ ra.
Vào nửa sau thế kỷ XIX, khi các nước tư bản châu Âu đua nhau xâm chiếm thuộc địa ở châu Á và châu Phi, nước Mỹ với nền kinh tế đang trên đà phát triển mạnh mẽ đã không thể không hành động. Khu vực Đông Á(1) đã nổi lên trên bản đồ bành trướng của nước Mỹ như một hướng quan trọng, sau Mỹ La tinh. Vào lúc này, nước Mỹ không dại gì đụng vào Canada ở phía Bắc là thuộc địa của đế quốc Anh đang hùng mạnh nhất thế giới. Nước Mỹ lại thật khó vươn sang châu Âu của những cường quốc hàng đầu thế giới như Anh, Pháp, Đức…
Theo hướng sang Đông Á, năm 1853 hạm đội Mỹ với 4 chiến thuyền do đô đốc Perry dẫn đầu đã đến “gõ cửa”, đòi Nhật Bản phải mở cửa thông thương. Trước sức mạnh của pháo hạm, năm sau người Nhật đã chấp nhận các yêu sách mở cửa, hạ bút ký vào các hiệp ước bất bình đẳng với Mỹ. Với những đặc quyền, đặc lợi được ưu đãi nhất ở Nhật, Mỹ đã đặt bàn chân đầu tiên của mình lên khu vực Đông Á.
Đến cuối thế kỷ XIX như “một mũi tên bắn trúng hai con chim”, chỉ trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi với Tây Ban Nha năm 1898, Mỹ đã chiếm được hai thuộc địa lớn nhất của nước đế quốc già cỗi, suy yếu này là Cu Ba và Philippines. Cả hai quần đảo Cu Ba và Philippines đều là hai vị trí chiến lược – bàn đạp để Mỹ tiến xuống Mỹ Latinh và vươn sang châu Á. Từ Philippines, Mỹ xâm nhập vào châu Á, nhất là vào nước Trung Hoa rộng lớn. Mỹ đã có thuộc địa đầu tiên ở Đông Nam Á và khác với các đế quốc Tây Âu, Mỹ không công khai thủ tiêu nền độc lập của Philippines. Philippines được gọi là một nước cộng hòa có quốc hội, có chính phủ riêng nhưng lại được hứa hẹn sẽ trao cho quyền tự trị…
Chưa đầy một năm sau, tháng 9-1899 ngoại trưởng Mỹ John Hay đã gửi thông điệp cho các nước Anh, Đức, Nga, sau đó là cho Nhật, Ý, Pháp. Thông điệp đòi “mở cửa” thị trường Trung Quốc với “khả năng đồng đều” cho tất cả các nước. Đằng sau những ngôn từ hoa mỹ chính là che đậy sự “chậm chân” của Mỹ trong cuộc xâu xé Trung Quốc. Dù chưa có kết quả nhưng thông điệp “mở cửa” đã như một tuyên ngôn, rằng Mỹ bắt đầu chen chân vào lãnh thổ rộng lớn này, cạnh tranh với các nước tư bản khác ở Đông Á.
Như thế, trong nửa sau thế kỷ XIX Mỹ đã có sự hiện diện ở khu vực Đông Á dù rằng lúc này còn những hạn chế về thế và lực. Nước Mỹ ngày càng dính líu vào các quan hệ quốc tế ở khu vực này.
Bước sang thế kỷ XX, ngay từ những năm đầu vị thế của Mỹ ở Đông Á lại có cơ hội được khẳng định, khi Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đứng ra làm trung gian hòa giải cho hai nước Nga và Nhật trong cuộc chiến tranh 1904 – 1905. Kết quả cuộc đàm phán Nga – Nhật đã theo đúng ý đồ kịch bản của Mỹ: không muốn nước Nga quá suy yếu và mất thể diện và cũng không để nước Nhật đang vươn lên lại không bị kiềm chế, nhất là sau cuộc chiến tranh Trung – Nhật 1895.
Với sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sau cuộc nội chiến 1861 – 1865, từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX nước Mỹ đã biến đổi nhanh chóng “từ một dân tộc nông thôn, nông nghiệp đã trở thành một cường quốc công nghiệp có nền tảng là thép và than, các con đường sắt và sức hơi nước” và “đã trở thành một cường quốc thế giới mà ảnh hưởng toàn cầu của nó lần đầu tiên được cảm nhận thấy trong Chiến tranh thế giới thứ nhất”(2).
Chỉ ngay sau Thế chiến I, với Hội nghị Washington (1921 – 1922) Mỹ đã giành được những ưu thế quan trọng ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, trở thành một nhân tố không thể thiếu được trong quan hệ quốc tế của khu vực.
Nước Mỹ vươn lên nhanh chóng.
Nếu như sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918), Mỹ trở thành một cường quốc thế giới thì sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945), Mỹ là nước đế quốc giàu mạnh nhất, đứng đầu phe tư bản chủ nghĩa, và là một cực của Trật tự thế giới hai cực sau chiến tranh.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), có thể nói, vị trí địa lý – chính trị của Đông Á càng trở nên nổi bật và quan trọng. Những quyết định của Hội nghị Yalta (2-1945) về xác lập một trật tự thế giới mới, thực ra chỉ có quan hệ trực tiếp với châu Âu và châu Á, đúng ra là Đông Á với những thỏa thuận về Trung Quốc, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên và Đông Nam Á. Đó là chưa kể tới những yêu sách của Liên Xô về Mông Cổ, đảo Sakhalin và quần đảo Kurin đều thuộc Đông Á mà Mỹ, Anh đã chấp nhận để Liên Xô tham chiến chống Nhật.
Sau Thế chiến II, ở Đông Á đã diễn ra những biến chuyển to lớn làm thay đổi bản đồ chính trị khu vực. Đó là cao trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á, là thắng lợi của cách mạng Trung Quốc với sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là sự xuất hiện của bốn nước xã hội chủ nghĩa từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và vào những năm 50 và 60 thế kỷ XX, hai nước Indonesia và Miến Điện (Myanmar) cùng các nước Ấn Độ, Ai Cập… đã khởi xướng Phong trào các nước không liên kết nổi tiếng trong khi ở Đông Á đã diễn ra nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của các nước đế quốc trong bối cảnh đối đầu giữa hai phe. Nhưng ở Đông Á cũng lại xuất hiện những hiện tượng mới. Đó là sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản từ những hoang tàn đổ nát của một nước bại trận. Chỉ trong khoảng hai thập niên, đến cuối những năm 1960 nền kinh tế Nhật Bản đã lần lượt đuổi kịp và vượt các nước Pháp, Anh, Đức và chỉ đứng sau Mỹ. Cũng từ đầu thập niên 1960, nhiều nước và lãnh thổ thuộc ảnh hưởng của Mỹ như Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore… đã tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và họ đã có những phát triển vượt bậc đáng kinh ngạc. Trong sự thành công của Nhật Bản cũng như Hàn Quốc, Đài Loan… không thể không nói tới nhân tố Mỹ với những ảnh hưởng quan trọng về chính trị và những viện trợ to lớn về kinh tế – tài chính. Vị thế của Mỹ ở Đông Á được khẳng định với những đồng minh liên kết song phương và đa phương chưa từng thấy.
Đông Á trở thành một chiến trường của chiến tranh lạnh và là khu vực địa – chính trị hàng đầu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Nước Mỹ đã đổ không ít tiền của, công sức vào khu vực này với những thành công và cả thất bại nặng nề….
2
Là một bộ phận của Đông Á, nhưng Đông Nam Á – một khu vực địa chính trị mới – chỉ hình thành chính thức trong Thế chiến II; lại đưa tới những bất ngờ trong chính sách của Mỹ đối với khu vực này. Do vị thế chiến lược trong bối cảnh chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường Xô-Mỹ, Đông Nam Á không phải là một trọng điểm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, nhưng cuối cùng Đông Nam Á lại trở thành một chiến trường thực sự của chiến tranh lạnh, và nước Mỹ đã từng bước bị lôi cuốn, rồi dấn sâu với những dính líu và can thiệp ác liệt nhất. Lần ngược trở lại lịch sử: Cuối tháng 11-1943, tại Teheran, Tổng thống Mỹ F. Roosevelt và Nguyên soái J. Stalin, người đứng đầu nhà nước Xô viết, đã có cuộc hội đàm riêng ngay trước lúc Hội nghị nguyên thủ ba cường quốc Xô – Mỹ – Anh chính thức khai mạc. Một nội dung quan trọng và nổi bật của cuộc hội đàm là Tổng thống Mỹ F. Roosevelt không muốn nước Pháp quay trở lại Đông Dương. Ông cho rằng: “Người Pháp cai trị Đông Dương đã 100 năm, nhưng cuộc sống của dân chúng ở đây lại tồi tệ hơn 100 năm trước đây” và chủ trương “cần chỉ định 3 – 4 nước đứng ra bảo trợ Đông Dương và chuẩn bị cho các dân tộc Đông Dương có đủ điều kiện tự trị sau 30 – 40 năm nữa”(3). Lúc bấy giờ, Tổng thống Mỹ F. Roosevelt có thái độ gay gắt đối với Pháp, rằng Pháp không còn là một cường quốc hạng nhất (để có đủ tư cách có được thuộc địa), là “người cùng họ ốm yếu đến phát ngấy”. J. Stalin đã hoàn toàn đồng ý với F. Roosevelt.
Nhưng thực ra là Mỹ muốn nhân cơ hội chiến tranh Thái Bình Dương để đẩy lùi ảnh hưởng của các nước Tây Âu, Anh, Pháp, Hà Lan ra khỏi khu vực Đông Nam Á. Mỹ muốn sau chiến tranh, thuộc địa của những nước này sẽ thuộc quyền cai quản của cái gọi là “Hệ thống bảo trợ quốc tế” mà Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn nhất. Vì thế, lúc đó Thủ tướng Anh W. Churchill đã phản ứng quyết liệt và tuyên bố thẳng thừng với Mỹ: “Chúng tôi có ý định duy trì những cái gì là sở hữu của chúng tôi… Tôi là Thủ tướng của Nữ hoàng không phải để làm chủ tọa sự tiêu diệt đế quốc Anh”(4). Sau này, do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể tới sự qua đời của Tổng thống Roosevelt (4-1945), Mỹ đã có những thay đổi trong chính sách ở Đông Nam Á theo chiều hướng nhân nhượng Anh, Pháp(5)
Những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ở Đông Á, Mỹ dồn sức quan tâm nhiều tới Đông Bắc Á, bởi những sự kiện mang tính thời sự nóng bỏng của khu vực này như việc Mỹ chiếm đóng và cai quản nước Nhật bại trận; những diễn biến phức tạp của cuộc đàm phán giữa hai đối thủ không thể đội trời chung là Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản ở Trung Hoa và nhất là cuộc nội chiến Quốc – Cộng lần thứ ba mà kết cục là sự thua chạy của Quốc dân đảng – Tưởng Giới Thạch phải kéo sang đảo Đài Loan; rồi các sự kiện ở bán đảo Triều Tiên với việc lập ra một chính phủ lâm thời và việc bầu cử Quốc hội thống nhất của hai khu vực Nam – Bắc đã không thành…Tuy nhiên, cũng không phải Mỹ hoàn toàn “bỏ mặc” Đông Nam Á. Hai sự kiện sau chứng tỏ điều đó. Một là, Mỹ không ngừng củng cố ảnh hưởng tại Philippines. Tuy đã tuyên bố trao trả độc lập cho nước này (7-1946), nhưng Mỹ vẫn cùng chính quyền Philippines đẩy mạnh việc đàn áp, truy nã lực lượng HUKBALAHAP của Đảng Cộng sản. Hai là, Mỹ đã chặn đứng mưu đồ nô dịch Thái Lan của Anh nhân cơ hội giải giáp, tước vũ khí quân Nhật ở đây. Anh đã thất bại và Mỹ lại đứng chân tại Thái Lan với những chính sách lôi kéo kịp thời các giới cầm quyền và tư sản, địa chủ nước này. Mỹ còn đồng hành, thúc đẩy các cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa ở Mã Lai, Đông Dương và Indonesia…
Từ đầu những năm 1950, nhất là sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ ngày càng dính líu và can thiệp vào Đông Nam Á. Lúc đó cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương đang đứng trước những nguy cơ thất bại hoàn toàn, lại trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe ngày càng căng thẳng quyết liệt. Bày tỏ sự lo ngại đó, đầu năm 1952, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tuyên bố: “Ách thống trị của Cộng sản dù đối với những biện pháp gì, đối với toàn bộ Đông Nam Á trước mắt gây nguy hại nghiêm trọng và về lâu dài gây nguy hại một cách nguy kịch đến lợi ích an ninh của Mỹ”(6). Sự dính líu ấy lại được nhấn mạnh và củng cố hơn nữa với “thuyết Domino” của Tổng thống Mỹ D. Eisenhower vào giữa những năm 1950 và chiến lược “những biên giới mới” của Tổng thống J. Kenedy vào đầu những năm 1960 với trọng tâm là nhằm vào các phong trào nổi dậy, cách mạng ở các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Cuối cùng, đỉnh cao của sự dính líu – can thiệp ở Đông Nam Á là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ với thời gian kéo dài nhất trong lịch sử chiến tranh nước Mỹ, với khối lượng khổng lồ về tiền của, bom đạn, và cả những chiến lược quân sự như “chiến lược phản ứng linh hoạt” từng được kỳ vọng và tung hô một thời ở các nước phương Tây. Tới mùa xuân năm 1975, Mỹ đã không tránh khỏi sự thất bại hoàn toàn, và “đây là cuộc chiến tranh mà rõ ràng đầu tiên Mỹ đã thua”, thậm chí “đã chôn vùi danh tiếng của những tướng bốn sao và những trí thức “thông minh nhất và tài giỏi nhất” của nước Mỹ”(7). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thua trận đầu tiên ấy. Sau gần 30 năm im lặng, trong Hồi ký của Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Mc Namara đã nêu lên 11 nguyên nhân chính từ nước Mỹ. Đáng lưu ý trong số đó là: “Chúng ta (Mỹ) đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt cộng) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó, và cho đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới”.
“Sự thiếu hiểu biết cơ bản của chúng ta về lịch sử văn hóa và chính trị của nhân dân trong vùng”.
…Và, “chúng ta (Mỹ) không có quyền tối cao để định hình mọi dân tộc theo hình ảnh của chính chúng ta, hoặc theo hình ảnh mà chúng ta chọn”.(8)
Nhưng xem ra nhiều đời tổng thống Mỹ vẫn cứ quên đi những lời cảnh báo, những bài học ấy, kể từ lời trăng trối của tướng Mc Arthur từ cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) đến cuộc chiến tranh Việt Nam (1954 – 1975), và ngày nay nhỡn tiền vẫn đang là cuộc chiến tranh ở Irắc đã kéo dài từ 2003.
3
Sau khi Trật tự hai cực tan rã, tình hình Đông Á và thế giới đã diễn ra những thay đổi to lớn và những tập hợp lực lượng mới.
Đối với khu vực Đông Á, sau Chiến tranh lạnh, Mỹ vẫn rất quan tâm, vẫn là một bộ phận cấu thành quan trọng trong chiến lược toàn cầu nhằm mưu đồ thống trị thế giới. Mỹ có những lợi thế lớn. Đó là những mối liên hệ lịch sử lâu dài ở khu vực; là lực lượng và sức mạnh vượt trội của Mỹ so với hầu hết các nước. Mỹ có những đồng minh chiến lược và lúc này chưa có một quốc gia nào có thể đủ sức cạnh tranh và đối đầu quyết liệt với Mỹ.
Nhưng cũng sau chiến tranh lạnh, tình hình ở Đông Á lại có những diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn đe dọa hòa bình an ninh và thách thức vai trò của Mỹ ở khu vực. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trước hết là Đông Á “là điểm hội tụ các mâu thuẫn về tín ngưỡng tôn giáo, truyền thống văn hóa, quan niệm chính trị, mô thức kinh tế giữa phương Đông và phương Tây, là khu vực tập trung nhất sức mạnh của các nước lớn”(9). Trong khi đó, về chiến lược quân sự – an ninh của Mỹ ở Đông Á lại “có những khoảng cách rất lớn ở chiến trường châu Á. Mật độ bố trí căn cứ của Mỹ và cơ sở hạ tầng trên tuyến đường đó thấp hơn so với những khu vực quan trọng khác. Mỹ cũng có ít sự bảo đảm hơn đối với việc tiếp cận các cơ sở ở khu vực này(10). Vì thế, theo bản báo cáo “Đánh giá quốc phòng 4 năm một lần” (9-2001) Mỹ chủ trương đưa vị trí của Đông Á lên trước châu Âu(11) và ở Đông Á, vấn đề an ninh được Mỹ quan tâm nhiều hơn là các vấn đề kinh tế khác(12). Đó là những chủ trương quan trọng, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Mỹ sao nhãng những quan hệ kinh tế với khu vực Đông Á. Không kể những thị trường lớn và quan trọng từ lâu đối với Mỹ như Nhật Bản, Trung Quốc, chỉ trong 10 năm trở lại đây quan hệ kinh tế giữa Mỹ và ASEAN đã phát triển nhanh chóng. Hiện Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong đầu tư vào ASEAN với mức 8,7 tỷ USD. Năm 2005 kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ – ASEAN là 152 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm trước(13).
Nhìn lại 15 năm qua, mối quan hệ của Mỹ với các nước Đông Á đã được tập trung vào những vấn đề quan trọng:
Một là, dựa vào những lợi thế chính trị, quân sự và kinh tế, Mỹ không ngừng xác lập và củng cố vai trò lãnh đạo của mình ở khu vực, duy trì hòa bình ổn định, và ngăn chặn bất kỳ một quốc gia nào hay một nhóm nước nào, kể cả những ý định lập ra các tổ chức có thể thách thức vai trò của Mỹ ở khu vực. Mỹ đã phản đối rất gay gắt việc đề xuất thành lập “Nhóm kinh tế Đông Á” (EAEC) của Thủ tướng Malaysia Mahadthia Mohamad vào đầu năm 1990 bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hoặc sau này vào đầu năm 2002 trong chuyến thăm 5 nước ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đưa ra tưởng thành lập “Khối cộng đồng Đông Á” với Nhật Bản và ASEAN làm cơ sở, đồng thời gồm cả ASEAN + 3 và mở rộng thêm Australia, New-Zealand. Tuy Mỹ không công khai phản đối, nhưng các nước ASEAN lại tỏ ra không mấy mặn mà thành ra ý tưởng của Thủ tướng Nhật Bản bị chìm lắng theo thời gian. Vào cuối năm 2005 theo sự thống nhất ý kiến về mục tiêu lâu dài của hợp tác Đông Á là thiết lập “Cộng đồng Đông Á” tại Hội nghị ASEAN + 3 lần thứ 8 (Lào, 11/2004), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ nhất đã họp tại Malaysia. Mỹ không phải là thành viên tham dự hội nghị, nhưng cũng hầu như không mấy bày tỏ thái độ. Bởi cuộc hội nghị ở Malaysia mới chỉ là mở ra những hy vọng mới về một sự liên kết của khu vực Đông Á vốn không đơn giản và dễ dàng. Vả lại, nhìn rộng ra toàn cầu, “sân chơi” Mỹ vẫn có sức hấp dẫn lớn, các nước không thể bỏ qua “sân chơi” ấy dù họ đang chơi ở nhiều “sân chơi” khác.
Hai là, từ sau Chiến tranh lạnh, Mỹ đã thực sự phải quan tâm và ngày càng coi trọng quan hệ với Trung Quốc. Với những phát triển mạnh mẽ và liên tục trong ¼ thế kỷ qua, ngày nay Trung Quốc đã có một nền kinh tế lớn đứng thứ tư trên thế giới, trở thành cường quốc khu vực và đang vươn nhanh là một cường quốc thế giới. Ngay từ năm 1993, Z. Brzezinski “không phải là tiên đoán mà là báo động khẩn thiết” (lời của ông ta), rằng: “Trung Quốc có thể được trao cho chiếc áo chỉ huy (thế giới). Trung Quốc sẽ tự mình thách thức sự bất bình đẳng trên thế giới. Đó là một nước khổng lồ với hơn một tỷ dân số đã tham gia một cuộc đấu tranh kéo dài và cho đến nay ít nhất cũng thành công chống lại bất bình đẳng. Nó không chỉ là một nhà nước, một quốc gia trong một thế giới gồm nhiều nhà nước như thế. Đó là một nhà nước duy nhất đồng thời là một nền văn minh thực sự rõ nét”(14). Ông còn viết: “Vào năm 2010, Trung Quốc có thể trở thành cường quốc kinh tế thế giới hàng thứ 4, sau Mỹ, châu Âu, Nhật Bản”(15). Ngày nay, Trung Quốc “đã trở thành quốc gia quan trọng nhất đối với nền ngoại giao Hoa Kỳ”(16). Đài Loan lại là một nhân tố quan trọng trong quan hệ Trung – Mỹ. Dù tuyên bố thừa nhận “Một nước Trung Quốc”, “Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ Trung Quốc nhưng Mỹ vẫn đứng sau Đài Loan. Rõ ràng vấn đề Đài Loan là một hàn thử biểu của quan hệ Trung – Mỹ, số phận của nó phụ thuộc vào quan hệ Trung – Mỹ.
Trong quan hệ Trung – Mỹ còn nổi lên từ nhiều năm qua là vấn đề vũ khí hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Vấn đề đã khá kéo dài và đầy những thăng trầm. Có tờ báo nước ngoài đã viết: “Con chuột” Bắc Triều Tiên đang vờn các “Đại gia”, bởi những tuyên bố, quyết định của nước này không hiếm những bất ngờ, thay đổi và khó lường trước được. Còn các đại gia lại nhìn nhau và khó có được những ý kiến và giải pháp thống nhất. Dư luận chung mong muốn bán đảo Triều Tiên hòa bình ổn định và không có vũ khí hạt nhân.
Ba là, một thành công của Mỹ ở Đông Á là Mỹ đã biến Nhật Bản từ một kẻ thù trong Thế chiến II thành một đồng minh chiến lược. Đó cũng là sự lựa chọn có ý nghĩa quyết định về sự tồn tại và con đường phát triển của Nhật Bản trong bối cảnh chiến tranh lạnh giữa hai phe, nhất là ở khu vực Đông Á. Mối quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật đã tồn tại hơn nửa thế kỷ và chắc sẽ tiếp tục không chỉ trong một tương lai gần. Tờ Sankei (Nhật Bản) trong số ra đầu tháng 9-2006 đã bàn về chính sách an ninh của Nhật Bản khi chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe thay thế chính quyền Koizumi: “Dù thế nào đi chăng nữa thì duy trì quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ vẫn là vấn đề ưu tiên nhất trong chính sách an ninh của Nhật Bản, cần thực hiện tái bố trí quân Mỹ ở Nhật Bản và xem xét lại đại cương phòng vệ”(17).
Nhật Bản đang cố gắng có một chính sách đối ngoại tự chủ hơn, trở thành một quốc gia bình thường, đúng hơn là một cường quốc chính trị nhưng tất cả vẫn trên cái nền căn bản quan hệ Mỹ – Nhật. Nhật Bản vẫn là một trụ cột trong chiến lược toàn cầu của Mỹ ở Đông Á.
Bốn là, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Đông Nam Á là khu vực mà Mỹ là cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất với những chính sách can thiệp và dính líu sâu nhất, và đã đẩy lùi thế lực của các cường quốc Tây Âu. Mỹ đã lập ra khối quân sự SEATO cùng nhiều căn cứ quân sự, ký kết nhiều hiệp ước đồng minh tay đôi và tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược… Sau chiến tranh Việt Nam, Đông Nam Á dường như rơi vào “khoảng trống quyền lực” và hình như không còn được sự quan tâm của Mỹ, Washington đã đóng cửa các căn cứ quân sự ở Thái Lan, đã trao trả hai căn cứ không quân và hải quan khổng lồ Clark và Subic cho chính phủ Philippines. Và nhất là trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997 – 1998 Mỹ hầu như đã bỏ rơi Thái Lan và các nước ASEAN. Dư luận cho rằng Mỹ đã hướng sự chú ý lên khu vực Đông Bắc Á đầy những diễn biến phức tạp, hơn nữa Mỹ lại đang bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố và bị sa lầy ở Irắc.
Nhưng thật ra tình hình lại không hẳn như thế. Bởi “Mỹ đang có những quan hệ đầu tư, thương mại rộng lớn với các nước Đông Nam Á và duy trì sự có mặt quân sự mạnh trong khu vực”(18). Đặc biệt sau sự kiện ngày 11-92001, Mỹ coi Đông Nam Á là chiến trường thứ hai của cuộc chiến tranh chống khủng bố bởi hàng loạt những sự kiện bi thảm do các nhóm khủng bố gây ra ở Indonesia, Philippines và miền Nam Thái Lan. Mỹ đã nhanh chóng viện trợ gần 300 triệu USD và phái hàng trăm binh lính sang giúp Philippines tiêu diệt các phần tử khủng bố ở nước này. Nhân cơ hội này, Mỹ chủ trương thiết lập căn cứ quân sự trên đảo Mindanao ở cực nam Philippines. Căn cứ đó không chỉ để chống khủng bố mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng ở chỗ “giúp hoàn chỉnh vòng cung an ninh của Mỹ, tạo sức mạnh bổ sung cho những căn cứ Mỹ đã có ở Nhật Bản, Hàn Quốc, và Haoai để ngăn ngừa sự phiêu lưu của Trung Quốc ở Đông Nam Á”(19).
Đông Á cũng như châu Á còn ngổn ngang tiềm ẩn bao thách thức và nguy cơ có xung đột. Khác với châu Âu, châu Á rộng lớn nhất lại chưa có được một cơ chế pháp lý bảo đảm hòa bình và an ninh. Đông Á cũng trong tình hình như vậy. Vì lẽ đó, các nước ASEAN đã chủ động và có nhiều cố gắng để bước đầu thiết lập những thiết chế an ninh cần thiết. Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) là một nỗ lực theo hướng đó và đã có được sự hưởng ứng tham gia của nhiều cường quốc ngoài ASEAN. Mỹ đã tham gia ARF với tư cách một thành viên đối tác cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Ấn Độ…
* * *
Kể từ khi đoàn chiến thuyền của Đô đốc Perry đến Nhật Bản năm 1853 cho tới nay đã hơn 150 năm Mỹ có quan hệ với khu vực Đông Á. Dù bối cảnh thế giới và khu vực có những thay đổi biến chuyển qua các thời kỳ lịch sử nhưng có một sự thật xuyên suốt trong hơn 150 năm ấy là thế mạnh thuộc về Mỹ, hầu hết các quốc gia dân tộc ở khu vực phải chịu những áp chế, bất công và bất bình đẳng…
Ngày nay, thế giới đã sang chương mới. So sánh lực lượng giữa các quốc gia đã diễn ra những thay đổi với nhiều nền kinh tế – chính trị nổi lên như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á liên kết với nhau trong tổ chức ASEAN. Nước Mỹ chắc chắn vẫn duy trì mối quan hệ và vai trò của mình ở Đông Á nhưng không thể không có những điều chỉnh để thích ứng với một trật tự thế giới mới phải là dân chủ công bằng, hòa bình ổn định và hợp tác phát triển.