Ở Việt Nam từ xưa đến nay, học giới ít dùng các khái niệm Nho học hay Nho gia, mà thường dùng thuật ngữ Nho giáo để chỉ toàn bộ hệ thống tư tưởng học thuật do Khổng tử và các học trò xây dựng nên rồi truyền bá và lưu hành ở Việt Nam. Thói quen sử dụng thuật ngữ đó phần thể hiện cách nhìn nhận phù hợp của học giới Việt Nam về chính bản thân nền Nho giáo nước nhà. Nếu hiểu Nho học là hệ thống giá trị học thuật bao trùm lên nhiều lĩnh vực khác nhau được xây dựng trên nền tảng tư tưởng Nho gia thì dường như Việt Nam chưa có một nền Nho học thực thụ. Còn nếu hiểu Nho gia với ý nghĩa là một trường phái triết học (chứ không phải một cá nhân thực hành đạo Nho, một nhà Nho) thì ở Việt Nam cũng thiếu vắng những triết gia, những học thuyết, những hệ tư tưởng mới mẻ, độc lập với tư tưởng Nho gia truyền thống. Vì vậy mà đạo Nho ở Việt Nam thường được hiểu theo hướng là một hệ thống tín điều, triết thuyết được giới Nho sĩ học tập, sùng bái, ngưỡng vọng và vận dụng. Nói cách khác, đạo Nho ở Việt Nam không mang nhiều màu sắc của một trường phái triết học, một hệ thống học thuật đồ sộ, bác học mà đậm đà màu sắc của một trường phải tín ngưỡng tôn giáo. Vì vậy, các khái niệm “Nho học”, “Nho gia”, “Nho giáo” được dùng ở Việt Nam mang nội hàm ý nghĩa gần như tương đồng nhau, và trên thực tế chúng ta quen nhất với cách gọi Nho giáo Việt Nam.
Thói quen đó chi phối luôn cách gọi về đạo Nho ở các nước và vùng lãnh thổ khác trong khu vực Đông Á, như Nho giáo Trung Quốc, Nho giáo Nhật Bản, Nho giáo Hàn Quốc, Nho giáo Đài Loan. Trên thực tế, việc phân biệt thuật ngữ Nho học, Nho gia, Nho giáo ở những nơi này rất rạch ròi mặc dù chúng vẫn có sự giao thoa với nhau. Nho học là một nền học thuật gắn liền với đạo Nho, Nho gia là một trường phái triết học trong sự đối sánh với các trường phái triết học khác, còn Nho giáo là một tôn giáo được xây dựng trên nền tảng tư tưởng Nho gia. Ở những quốc gia này, trên thực tế, đã từng tồn tại những nến Nho học, những trường phái Nho gia và những kiểu sùng bái Nho giáo riêng rẽ nhưng có quan hệ mật thiết với nhau.
…
Đến thời Tống, dù Nho giáo ở Trung Quốc đã có sự chuyển mình quan trọng, nhưng chưa đợi thành quả đó truyền sang thì người Việt Nam đã đứng lên đấu tranh giành được độc lập. Vấn đề ưu tiên số một của giới lãnh đạo đất nước thời bấy giờ là xây dựng nền phong kiến độc lập tự chủ, dẹp yên nội loạn, chống phương Bắc xâm lược, mô phỏng giáo dục và khoa cử nhà Đường để chọn nhân tài gánh vác trọng trách triều đình. Tinh thần Nho giáo về cơ bản vẫn là Hán Nho, lại phải cộng tốn với tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo vốn được triều đình coi trọng, nên Nho giáo ở Việt Nam không có những biến chuyển và cập nhật mới.
Đến nửa sau đời Trần, các nhà Nho dần chiếm lại ưu thế, tinh thần Nho giáo được lan rộng, Tống Nho được tiếp nhận một cách chừng mực để phục vụ cho mục đích giáo dục khoa cử và hoạt động triều chính. Nho sĩ Việt Nam chỉ chọn lọc những nội dung cần thiết, thực dụng trong kho kinh điển Nho gia để phục vụ mục đích của mình. Thời kì này, xuất hiện một cách hiếm hoi trào lưu bài Phật của các nhà Nho Lê Quát, Trương Hán Siêu, Lê Văn Hưu,… trong khi giới Nho sĩ Việt Nam hầu như không quan tâm tìm hiểu cặn kẽ về Nho học Trung Quốc. Đến nay chưa tìm thấy những công trình luận thuật, trao đổi, đánh giá của các nhà Nho Việt Nam về Nho học khu vực, càng không có những tác phẩm bàn luận, đối thoại, trao đổi học thuật giữa các nhà Nho trong nước về nền Nho học nước nhà. Trước tác Nho giáo chủ yếu thời kì này là những áng văn phản ánh tinh thần yêu nước, thơ ca ngâm vịnh thể hiện đạo đức và tình cảm nhà Nho, những công trình chọn lọc chương chú trong kinh điển Nho giáo phục vụ cho giáo dục và khoa cử.
Sau khi diệt nhà Hồ, triều Minh đã truyền vào Việt Nam nhiều kinh điển tính lí học của Trình – Chu như Tính lí đại toàn, Tứ thư đại toàn, Ngũ kinh đại toàn được biên tu dưới đời Vĩnh Lạc. Giới Nho sĩ Việt Nam cũng chỉ tiếp nhận ở mức độ hạn chế, ưu tiên hàng đầu vẫn là đánh đuổi giặc Minh ra khỏi lãnh thổ đất nước. Sau khi Lê Lợi giành được chiến thắng, nhà Hậu Lê lên cầm quyền, lựa chọn Nho giáo làm hệ tư tưởng xã hội chính thống. Nho giáo nhờ đó phục hưng mạnh mẽ ở Việt Nam, Nho học Tống Minh được phổ biến rộng rãi trong xã hội, giáo dục và khoa cử tuyển chọn hiền tài được hưng thịnh, giới Nho sĩ tích cực học tập và tiếp thu tư tưởng Tống Nho. Suốt thời gian dài từ Hậu Lê đến nhà Mạc, Lê – Trịnh, nhà Tây Sơn, Nho giáo dù suy yếu ít nhiều nhưng đạt được thành quả học thuật đáng kể, nhiều nhà Nho nổi danh thông cổ bác kim, tham gia chú giải kinh điển Nho gia xuất hiện như Lê Quý Đôn, Phùng Khắc Khoan, Phạm Nguyễn Du, Ngô Thì Sĩ, Bùi Huy Bích,…
Sang thời Nguyễn, Nho giáo được củng cố phát triển ở thời kì đầu, những nhà Nho viết sách bàn về kinh điển Nho gia có Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (vua Tự Đức)… Từ năm 1884, Việt Nam chính thức trở thành thuộc địa của Pháp, nhà Nguyễn chỉ còn quyền lực trên danh nghĩa, chế độ phong kiến suy yếu, nền tảng xã hội lung lay. Những mặt hạn chế của Nho giáo cũng dần lộ ra, chế độ khoa cử gắn liên kinh điển, thơ văn Nho giáo dần mất đi giá trị, giới Nho sĩ cũng mất dần nhiệt tình và động lực học tập, khiến Nho giáo Việt Nam lâm vào cảnh suy vi.
…
Vì thường xuyên đương đầu với ngoại xâm, tư liệu sách vở Nho giáo được truyền sang còn thiếu thốn, các học giả trong nước chỉ chú trọng rút tỉa những tư tưởng cần thiết, thực dụng, dễ học dễ hiểu để truyền bá, còn đa số người dân quen sống tình cảm hơn lí trí, ít tiếp xúc với nguyên tác, chưa quen với tư duy trừu tượng tính lí Nho học, nên việc tiếp thu tư tưởng Nho học ở Việt Nam có giới hạn, năng lực tư duy, luận thuật, biện bác tương đối yếu.
Nhà Nho Việt Nam không chỉ ít giao lưu tư tưởng với các nhà Nho Trung, Nhật, Hàn (hãn hữu có trường hợp Nho thần Việt Nam đi sứ phương Bắc dùng bút đàm để giao lưu với các quan lại, sứ giả các nước trong khu vực, hoặc các nhà hoạt động duy tân thời thuộc Pháp), mà cũng ít thấy sự đối thoại giữa các thế hệ nhà Nho trong nước trước sau hay cùng thời. Điều đó khiến cho sinh hoạt học thuật Nho giáo ở Việt Nam khá nhạt nhẽo và đơn điệu. Trong khi đó, các phong trào tranh luận học thuật như “Chu Lục dị đồng” ở Trung Quốc, “tứ thất chi biện” ở Triều Tiên, “tranh luận giữa các học phái Chu Tử” ở Nhật Bản, hay tình hình “Chu Tử học áp đảo Dương Minh học” ở Nhật, Hàn khiến cho Nho học ở các nước này vô cùng sôi động. Có thể nói, Nho giáo Việt Nam nghiêng về nhu cầu ứng thế, Nho giáo Nhật Bản, Hàn Quốc lại thể hiện cao độ nhu cầu tư biện để tìm ra chân lí.
Người Việt xem trọng lợi ích thực tế, chú trọng học hành thi cử để ra làm quan, thường dùng triết lí Nho học để đấu tranh đối phó quân xâm lược phương Bắc. Thế nên Nho giáo Việt Nam chú trọng về mặt ứng thế hơn là luận thuật tư tưởng cao siêu, trừu tượng. Những nhà Nho cá biệt có tư tưởng phong phú, giá trị, sâu sắc, giàu sức sống như Lê Quý Đôn thật hiếm hoi. Bên cạnh những nội dung ca ngợi luân thường đạo lí trung hiếu tiết nghĩa, Nho học Việt Nam cũng thỉnh thoảng đề cập đến các khái niệm lí khí, âm dương, thái cực, nguyên khí…. nhưng nhìn chung cũng chưa nhiều, chưa có hệ thống.
Lý Duy Kiệt, chuyên gia nghiên cứu Nho giáo Việt Nam người Đài Loan nhận xét, Việt Nam có tư tưởng Nho giáo nhưng không có lịch sử tư tưởng Nho giáo, có Nho học nhưng không có Nho học sử. Nho giáo Việt Nam có tư tưởng quan điểm của một vài nhân vật nổi trội cá biệt, nhưng nhìn chung không thấy tư tưởng riêng biệt của tự thân dân tộc. Nho học Việt Nam chỉ mang tính bộ phận chứ Không Có Tính Chỉnh thể, nên tư duy nhà Nho Việt Nam cũng mang tính đơn lẻ, không đạt đến độ toàn diện về mặt tư tưởng như Nho gia Nhật, Hàn.
Trích từ bài viết VÀI SUY NGHĨ VỀ NGHIÊN CỨU NHO GIÁO Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI – STUDIES OF CONFUCIANISM IN VIETNAM IN THE REGIONAL CONTEXT của tác giả Nguyễn Thanh Phong(Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh – Đại học An Giang, Đại học quốc gia-Hồ Chí Minh).