1.VUA MINH MẠNG CHO ĐÚC CỬU ĐỈNH
Tháng 12 năm Kỷ Mão (đầu năm 1820), vua Gia Long qua đời. Tháng giêng năm Canh Thìn (1820), hoàng tử Nguyễn Phước Đảm lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Minh Mạng. Minh Mạng đã củng cố và phát triển nghiệp đế của nhà Nguyễn, xây dựng một chính quyền trung ương tập quyền mạnh, do đó, triều đại của vua Minh Mạng (1820-1841) thường được xem là thời kỳ hùng mạnh cuối cùng của chế độ phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, trong những năm trị vì của mình, vua Minh Mạng đã thực hiện một việc mang tính biểu tượng lớn lao để khẳng định quyền lực của bản thân và vương triều Nguyễn. Sau hơn 2000 năm Cửu Đỉnh Trung Hoa thất truyền, Minh Mạng đã sai các thợ đúc đồng Phường Đúc của kinh thành Huế đúc lại Cửu Đỉnh rồi đem đặt chúng trước Thế Miếu trong Tử Cấm Thành Huế.
Về việc vua Minh Mạng cho đúc Cửu Đỉnh, Đại Nam thực lục chép rằng: “Năm Ất Mùi, thập lục niên triều Minh Mạng (1835), vào mùa đông, tháng mười Âm lịch, bắt đầu đúc Cửu Đỉnh. Vua dụ Nội các rằng: Các Đỉnh, đối với chính vị, vì là ngưng tập Thiên Mệnh, thực là đồ quý trọng ở nhà Tôn Miếu. Xưa các minh vương thời Tam Đại, lấy kim loại do các quan mục bá cửu châu dâng cống mà đúc thành Cửu Đỉnh, dùng để lưu truyền đế chế và bảo đảm sự kế thừa hợp pháp. Đó là một tục lệ cao cả nhất và bền lâu nhất. Trẫm kính nối tiên nghiệp, và hằng nhớ tới các khuôn pháp cao cả các Ngài truyền lại. Nay muốn phỏng theo đời xưa mà đúc Cửu Đỉnh đặt ở Thế Miếu:
-Chính giữa: Cao đỉnh,
-Tả nhất: Nhân đỉnh,
-Hữu nhất: Chương đỉnh,
-Tả nhị: Anh đỉnh,
-Hữu nhị: Nghị đỉnh,
-Tả tam: Thuần đỉnh,
-Hữu tam: Tuyên đỉnh,
-Tả tứ: Dụ đỉnh,
-Hữu tứ: Huyền đỉnh.
Nhờ đó, việc truyền đế chế vạn niên vững bền minh hiển. Chuẩn cho quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc”. Sẽ phái hai viên Khoa đạo và hai viên quản vệ kiểm soát đôn đốc việc làm. Đường quan Bộ Công cũng sẽ theo sát công việc và đặt tâm vào công trình. Mặt khác, vua còn dụ Bộ Công: “Trên các đỉnh sắp đúc, phải cho khắc hình sông núi và mọi vật. Không cần phải khắc đủ, nhưng phải khắc rõ tên vật gì vào chỗ thích hợp, như là tài liệu giúp người ta biết cái gì vật gì. Y như ý định người xưa khi trình vẽ các vật khác nhau”[1].
Cho đến tận ngày nay, đại công trình đúc Cửu Đỉnh vẫn còn được truyền tụng bởi các nghệ nhân đúc đồng ở Phường Đúc thành phố Huế. Triều Nguyễn phải điều động đông đảo hàng trăm thợ đúc đồng từ kinh thành Huế và các phường đúc danh tiếng trong khắp cả nước. Để đúc mỗi đỉnh, người ta phải huy động khoảng sáu mươi lò nung, mỗi lò nung chảy khoảng sáu mươi cân ta đồng thau, để cho ra lượng đồng đủ dùng. Tổng số lượng đồng dùng để đúc Cửu Đỉnh lên tới hơn hai mươi tấn. Khuôn để đúc đỉnh được đặt ngược xuống đất, tức là khi đổ đồng vào khuôn, các thợ đúc sẽ rót đồng nóng chảy vào từ chân đỉnh. Sau khi đỉnh nguội và được tháo ra khỏi khuôn, người ta mới gắn đôi quai vào đỉnh. Cuối cùng mới đến công đoạn khắc hoạ các hình ảnh lên thành Cửu Đỉnh[2].
Hơn nửa năm sau, Đại Nam thực lục đã cập nhật tiến trình đúc Cửu Đỉnh trong bản văn thứ hai như sau: “Năm Bính Thân, thập thất niên triều Minh Mạng, mùa hạ, tháng năm Âm lịch. Cửu Đỉnh đã đúc xong. Người ta truyền chọn các thợ khéo tay nhất để đục và chạm hình ảnh các vật. Trước tiên tưởng thưởng một tháng lương tiền mặt, từ những ai đã tham gia giám sát công trình cho đến quan binh, các đội. Thợ chính và thợ phụ thì phân phát ban thưởng toàn bộ là ba trăm quan tiền. Vua dụ Nội các: Việc đúc đỉnh là công sức con người, nhưng việc hoàn thành một công trình quan trọng như thế chắc hẳn là có thần thánh độ trì. Vậy truyền lệnh cho quan Thượng thư Bộ Lễ chu đáo chuẩn bị lễ tạ”[3].
2.LIỆT KÊ CÁC HOẠ THƯ VÀ HOẠ TIẾT TRÊN CỬU ĐỈNH VIỆT NAM
Bản văn thứ ba trong Đại Nam thực lục ghi chép việc vua Minh Mạng cử hành nghi lễ “định” Cửu Đỉnh, cụ thể như sau: “Năm Đinh Dậu, thập bát niên triều Minh Mạng, vào mùa xuân, tháng giêng, ngày Quý Mão (1-3-1837), người ta đặt Cửu Đỉnh ở sân Thế Miếu. Trước đó người ta đã đúc Cửu Đỉnh. Các Đỉnh cao từ hơn năm thước đến hơn sáu thước, chu vi đo được từ mười một thước sáu tấc đến hơn mười một thước tám tấc, cân nặng bốn ngàn một trăm cân đến bốn ngàn hai trăm cân, tuỳ đỉnh. Phàm các thứ chim cá, giống thú cỏ cây cùng đồ binh khí, xe thuyền, cho đến thiên văn địa lý trong nước, lớn nhỏ đều đủ, đều theo hình ấy mà đúc”[4].
Bản văn thứ ba này cũng đã liệt kê cụ thể các hoạ thư và hoạ tiết trên Cửu Đỉnh, cụ thể là mỗi đỉnh có một hoạ thư thể hiện danh hiệu và mười bảy hoạ tiết, theo thứ tự như sau[5]:
-Cao đỉnh (Cao đã là thụy hiệu của vua Gia Long), khắc các hình: Nhật (mặt trời), Đông hải (biển Đông), Thiên Tôn sơn (núi Thiên Tôn, còn gọi là núi Triệu Tường, ở thôn Gia Miêu, Thanh Hóa), Ngưu Chữ giang (sông Bến Nghé ở Gia Định), Vĩnh Tế hà (kênh Vĩnh Tế ở An Giang), Trĩ (chim trĩ), Hổ (con hổ), Miết (con giải), Long (con rồng), Tử vi hoa (hoa tường vy), Ba la mật (cây mít), Canh (cây lúa tẻ), Trầm hương (chất trầm hương, một loại hương liệu quý), Thiết mộc (cây gỗ lim), Thông (cây hành lá), Đa sách thuyền (thuyền nhiều dây, tức là thuyền chiến kiểu phương Tây), Đại pháo (súng đồng lớn, nạp tiền, vũ khí chủ lực của quân nhà Nguyễn).
-Nhân đỉnh (Nhân sẽ là thuỵ hiệu của vua Minh Mạng), khắc các hình: Nguyệt (mặt trăng), Nam hải (biển Nam), Ngự Bình sơn (núi Ngự Bình), Hương giang(sông Hương), Phổ Lợi hà (sông Phổ Lợi ở Huế), Khổng tước (chim công), Báo (con beo), Đại mại (con đồi mồi), Nhân ngư (cá voi, còn được gọi là cá ông), Liên hoa (hoa sen), Nam trân(cây lòn bon), Nhu (cây lúa nếp), Kì nam (chất kỳ nam, một loại trầm hương cực phẩm), Ngô đồng (cây ngô đồng), Cửu (cây hẹ), Lâu thuyền (thuyền nhiều tầng, dành cho tôn thất), Luân xa pháo (súng cỡ trung đặt trên bệ đỡ có bánh xe).
-Chương đỉnh (Chương sẽ là thuỵ hiệu của vua Thiệu Trị), khắc các hình: Ngũ tinh (các sao Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ), Tây hải (biển Tây), Thương sơn (núi Thương, nay gọi là núi Kim Phụng, ở phía tây nam kinh thành Huế), Linh giang (sông Gianh), Lợi Nông hà (sông Lợi Nông ở kinh thành Huế, còn gọi là sông An Cựu), Kê (con gà), Tê (con tê giác), Linh Quy(Rùa Thiêng), Ngạc ngư (con cá sấu), Mạt lỵ (hoa nhài), Am la (cây xoài), Lục đậu(cây đậu xanh), Đậu khấu (cây đậu khấu), Thuận mộc (cây gỗ sưa), Giới (cây củ kiệu), Mông đồng thuyền (thuyền chiến có đáy nông, nhiều tay chèo, trang bị nỏ mạnh, có mái gỗ để che tên đạn), Điểu thương (súng hoả mai).
-Anh đỉnh (Anh sẽ là thuỵ hiệu của vua Tự Đức), khắc các hình: Bắc Đẩu (chòm Đại Hùng thất tinh), Hán Ngân (dải Ngân Hà), Hồng sơn (núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh), Mã giang (sông Mã ở Thanh Hoá), Lô hà (sông Lô), Khôi hạc (chim hạc), Mã (con ngựa), Thiền (con ve sầu), Nhiêm xà(con trăn), Mai khôi hoa (hoa hồng), Tân lang (cây cau), Tang (cây dâu tằm), Tô hợp(cây tô hợp), Tử mộc (cây gỗ kiền kiền), Uất kim (cây nghệ), Kỳ (lá cờ), Hồ điệp tử (loại đạn pháo khi nổ thì bung ra tứ phía trông như tổ kén của con bướm).
-Nghị đỉnh (Nghị sẽ là thuỵ hiệu của vua Kiến Phúc), khắc các hình: Nam Đẩu(chòm Tiểu Hùng tinh, còn gọi là Nam Tào), Thuận An hải khẩu (cửa biển Thuận An), Quảng Bình quan (cửa ải Quảng Bình), Bạch Đằng giang (sông Bạch Đằng), Cửu An hà (sông Cửu An ở Hưng Yên, còn gọi là sông Bi), Uyên ương (chim uyên ương), Tượng (con voi), Hồ da tử (con đuông dừa), Lục hoa ngư (cá lóc), Hải đường hoa (hoa hải đường), Mai (cây hoa mai), Biển đậu (cây đậu ván), Quế(cây quế), Đàn mộc(cây gỗ hoàng đàn), Giới (cây rau cải), Hải đạo thuyền (loại chiến thuyền dùng tay chèo trên biển), Trường thương (giáo dài).
-Thuần đỉnh (Thuần sẽ là thuỵ hiệu của vua Đồng Khánh), khắc các hình: Phong(gió), Cần Giờ hải khẩu (cửa biển Cần Giờ), Tản Viên sơn (núi Tản Viên, còn gọi là núi Ba Vì), Thạch Hãn giang (sông Thạch Hãn ở Quảng Trị), Vĩnh Định hà (sông Vĩnh Định ở Quảng Trị), Hoàng oanh (chim vàng anh), Ly ngưu (con bò tót), Bạng (con ngao), Đăng sơn ngư (cá rô), Quỳ hoa(hoa hướng dương), Đào (cây đào), Hoàng đậu (cây đậu nành), Súc sa mật (cây sa nhân), Nam mộc (cây gỗ sao), Hương nhu (cây hương nhu), Đỉnh (loại thuyền thon nhỏ, nhiều tay chèo, dùng để đua thi trong các lễ hội), Bài đao (giá gác đao).
-Tuyên đỉnh (Tuyên sẽ là thuỵ hiệu của vua Khải Định), khắc các hình: Vân(mây), Duệ sơn (núi Duệ, còn gọi là núi Lễ, ở huyện Hương Trà gần kinh thành Huế), Đại Lãnh sơn (núi Đại Lãnh thuộc hệ thống đèo Cả ở giữa Phú Yên và Khánh Hoà), Lam giang (sông Lam ở Nghệ An), Nhĩ hà(sông Hồng), Tần cát liễu (chim yểng), Thỉ (con lợn), Ngoan (con vích), Hậu ngư (con sam), Trân châu hoa (hoa hoè, còn gọi là hoa sói), Long nhãn (cây nhãn), Địa đậu (cây đậu phộng), Yến oa (tổ yến), Bách (cây gỗ bách), Khương(cây gừng), Lê thuyền (một loại thuyền có 12 tay chèo), Nỗ (nỏ bắn tên).
-Dụ đỉnh, khắc các hình: Lôi (sấm), Đà Nẵng hải khẩu (cửa Hàn ở Đà Nẵng), Hải Vân quan (cửa ải Hải Vân), Vệ giang (sông Vệ ở Quảng Ngãi), Vĩnh Điện hà (sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam), Anh vũ (chim vẹt), Dương (con dê), Cáp (con sò huyết), Thạch thủ ngư (cá úc), Thuấn hoa (hoa dâm bụt), Lê(cây lê), Bạch đậu (cây đậu trắng), Phù lưu (cây trầu không), Tùng (cây tùng), Tử tô (cây tía tô), Ô thuyền(loại chiến thuyền sơn đen của lực lượng hải cảnh nhà Nguyễn), Phác đao (đại đao cán dài).
-Huyền đỉnh, khắc các hình: Vũ (mưa), Hồng (cầu vồng), Hoành sơn (đèo Ngang ở giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình), Hậu giang Tiền giang (sông Tiền sông Hậu), Thao hà (sông Thao ở đất tổ Phú Thọ), Thốc thu (chim phù lão), Lộc mã (con hươu), Quế đố (con cà cuống), Mãng xà (con trăn nước), Ngũ diệp lan (cây ngọc lan), Lệ chi (cây vải), Miên (cây bông vải), Nam sâm(cây sâm ta), Tất mộc (cây sơn), Toán (cây tỏi), Xa (cái xe), Hoả phún đồng(ống phun lửa).
Mỗi đỉnh đều có [một bức hoạ thư khắc tên của mỗi đỉnh, và] mười bảy bức hoạ tiết, tức mỗi loại đều có chín cái[6].
Sau một năm, công việc hoàn thành. Lệnh truyền cho các ban sở trực thuộc, sau khi đã tinh chay, chọn ngày lành tháng tốt để dựng đỉnh, đặt trên đá xanh Thanh Hoá. Đến ngày, vua thân hành đến Thế Miếu, tế trọng thể để cáo gia tiên vụ việc. Nghi lễ xong, vua ban sắc chỉ: “Trẫm đã nghiên cứu và tìm hiểu những gì liên quan đến việc đúc đỉnh và việc thể hiện biểu tượng các vật thể của cổ thời. Nhưng các hiện vật cổ còn lưu lại rất hiếm, các biên chép hoặc truyền khẩu không đúng. Người ta còn biết khá nhiều về các vạc sử dụng trong công việc nấu nướng, nhưng các đại đỉnh quan trọng, cao cả, không những các triều đại gần ta không có mà ngay cả thời Tam Đại cũng rất ít chi tiết. Nay, noi theo cổ nhân, và để tiếp nối ý định của các ngài, mà lấy ý thêm bớt, chúng ta đã hoàn thành việc đúc đại đỉnh, số lượng chín chiếc, cao lớn, vững bền, khối lượng đường bệ, không tì vết, không mảy may bất hảo, xứng đáng để dùng làm vật dụng lưu truyền qua các thế hệ. Rồi các con cháu ta, hết thảy, sẽ không ngừng lưu giữ vẹn toàn. Sắc chỉ này phải được công bố khắc ba mươi mốt trực tỉnh và Trấn Tây thành, ngõ hầu khắp nơi đều biết”[7].
3.PHÂN LOẠI CÁC HOẠ THƯ VÀ HOẠ TIẾT TRÊN CỬU ĐỈNH VIỆT NAM
Dựa vào bản văn Đại Nam thực lục thứ ba ở trên, ta có thể nhận ra rằng mỗi đỉnh trong Cửu Đỉnh đều được chạm khắc một hoạ thư và mười bảy hoạ tiết. Về các hoạ thư thì đã rõ ràng, nhưng trước nay nhiều người đã đưa ra nhiều cách sắp xếp các hoạ tiết trên Cửu Đỉnh. Hầu hết đều sắp xếp thành các bộ chín, nhưng mỗi người mỗi ý không thống nhất với nhau. Trong việc này, điểm mấu chốt tôi cho là cần phải bám sát vào bản văn của Đại Nam Thực Lục. Khi đó, ta sẽ có mười bảy bộ hoạ tiết theo sau bộ hoạ thư, thứ tự mỗi thể loại cụ thể như sau: hoạ thư Danh, các hoạ tiết Tinh-Tiết, Hải-Khẩu, Sơn-Quan, Giang, Hà, Điểu-Cầm, Thú-Súc, Thuỷ-Trùng, Ngư-Xà, Hoa, Quả, Lâm, Nông, Mộc, Thái, Thuyền-Xa, Vũ.
Trong mười tám nhóm trình bày sau đây, căn cứ vào bản văn Đại Nam thực lục, thứ tự của từng hoạ tiết của từng đỉnh trong mỗi nhóm sẽ ứng với thứ tự của các đỉnh, tức là Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Hẳn nhiên, độ quan trọng của từng hoạ tiết trong mỗi nhóm sẽ giảm dần từ trên xuống dưới, ứng với thứ tự quan trọng giảm dần của mỗi đỉnh chứa hoạ tiết đó.
Nhóm thứ nhất, chín hoạ thư “Danh”:
-Cao đỉnh: Cao là chóp đỉnh, là thế hệ khởi đầu
-Nhân đỉnh: Nhân là hiền lành, điều thiện
-Chương đỉnh: Chương là giá trị chuẩn mẫu
-Anh đỉnh: Anh là vinh dự, nổi tiếng
-Nghị đỉnh: Nghị là sự cứng rắn, cương quyết
-Thuần đỉnh: Thuần là sự hoàn thiện, thanh khiết
-Tuyên đỉnh: Tuyên là sự truyền cảm tốt đẹp
-Dụ đỉnh: là nguồn gốc sự thịnh vượng
-Huyền đỉnh: là nơi sâu thẳm, là thế hệ sau cùng
Nhóm thứ hai, chín hoạ tiết “Tinh-Tiết”:
-Nhật: mặt trời, tinh cầu rực rỡ nhất bầu trời,
-Nguyệt: mặt trăng, tinh cầu sáng nhất trời đêm,
-Ngũ tinh: vận động của năm hành tinh là yếu tố chủ yếu của thuật chiêm tinh,
-Bắc Đẩu: chòm sao Bắc Đẩu, định tinh quan trọng đệ nhất trong việc định phương vị,
-Nam Đẩu: chòm sao Nam Đẩu định tinh quan trọng thứ hai trong việc định phương vị,
-Phong: gió, yếu tố thời tiết có sự tác động liên tục nhất lên vạn vật,
-Vân: mây, yếu tố thời tiết dễ nhìn thấy nhất,
-Lôi: sấm yếu tố thời tiết bạo liệt nhất,
-Vũ: mưa, yếu tố thời tiết giúp vạn vật sinh dưỡng.
Nhóm thứ ba, chín hoạ tiết “Hải-Khẩu”:
-Đông hải: biển Đông, vùng biển lớn nhất và cũng quan trọng nhất của Việt Nam,
-Nam hải: biển Nam, tức vùng nam Biển Đông hiện nay,
-Tây hải: biển Tây, tức vịnh Thái Lan, vùng biển lớn thứ hai của Việt Nam,
-Hán Ngân: dải Ngân Hà, có lẽ được tính là một vùng biển trên trời của Việt Nam, nên được xếp vào nhóm Hải-hải khẩu này,
-Thuận An hải khẩu: cửa biển Thuận An, địa điểm xung yếu che chắn cho thuỷ lộ dẫn vào kinh thành Huế, là vị trí phòng thủ quan trọng nhất đối với nhà Nguyễn,
-Cần Giờ hải khẩu: cửa biển Cần Giờ, cửa biển chiến lược trọng yếu của vùng Gia Định, căn cứ đánh Tây Sơn của nhà Nguyễn,
-Duệ sơn: núi Duệ, dường như là một nhầm lẫn khi được cho vào nhóm này,
-Đà Nẵng hải khẩu: cửa Hàn ở Đà Nẵng, cửa biển ưu tiên thứ nhì nếu muốn tiếp cận kinh thành Huế,
Hồng: cầu vồng, có lẽ được tính là một loại cửa trên trời nên được xếp vào nhóm Hải-hải khẩu này.
Nhóm thứ tư, chín hoạ tiết “Sơn-Quan”:
-Thiên Tôn sơn: núi Thiên Tôn gần thôn Gia Miêu ở Thanh Hoá, thánh địa phát tích của vương triều Nguyễn,
-Ngự Bình sơn: núi Ngự Bình, bức bình phong có giá trị phong thuỷ tối quan trọng của kinh thành Huế,
-Thương sơn: núi Thương, thường được các nhà phong thuỷ xem là ngọn chủ sơn của hệ thống sơn mạch phía tây kinh thành Huế,
-Hồng sơn: núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh, vùng đất địa linh nhân kiệt,
-Quảng Bình quan: cửa ải Quảng Bình, yết hầu của Lũy Thầy của Đào Duy Từ, che chắn cho Đàng Trong của chúa Nguyễn,
-Tản Viên sơn: núi Tản Viên, ngọn núi thiêng với tích Sơn Tinh-Thuỷ Tinh,
-Đại Lãnh sơn: núi Đại Lãnh, thuộc hệ thống đèo Cả ở giữa Phú Yên và Khánh Hoà, biên giới cổ giữa Đại Việt và Chămpa,
-Hải Vân quan: cửa ải Hải Vân, đệ nhất hùng quan, thuộc hệ thống đèo Hải Vân giữa Huế và Đà Nẵng, án ngữ con đường phía nam tiếp cận kinh thành Huế,
-Hoành sơn: đèo Ngang, ở giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, chúa Nguyễn Hoàng đã theo lời sấm “Hoành sơn nhất đới vạn đại chung thân” của Nguyễn Bỉnh Khiêm để quyết định qua đèo Ngang để vào miền đất phương nam, lập nên đế nghiệp.
Nhóm thứ năm, chín hoạ tiết “Giang”:
-Ngưu Chữ giang: sông Bến Nghé ở Gia Định, nơi vua Gia Long đã quật khởi làm nên đế nghiệp,
-Hương giang: sông Hương, minh đường trong hệ thống cảnh quan phong thuỷ của kinh thành Huế,
-Linh giang: sông Gianh, ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài thời Trịnh – Nguyễn phân tranh,
-Mã giang:sông Mã ở Thanh Hoá, vùng đất quê hương của nhà Nguyễn,
-Bạch Đằng giang: sông Bạch Đằng, chiến địa oai hùng bậc nhất của người Việt Nam,
-Thạch Hãn giang: sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, gần Dinh Cát, căn cứ đầu tiên của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong,
-Lam giang: sông Lam ở Nghệ An,
-Vệ giang: sông Vệ ở Quảng Ngãi,
-Hậu giang Tiền giang: sông Tiền sông Hậu.
Nhóm thứ sáu, chín hoạ tiết “Hà”:
-Vĩnh Tế hà: kênh Vĩnh Tế ở An Giang, vua Gia Long cho đào vào năm 1819,
-Phổ Lợi hà: sông Phổ Lợi ở Huế, được vua Minh Mạng cho đào năm 1835, nối sông Hương với cửa biển Thuận An,
-Lợi Nông hà: sông Lợi Nông ở phía nam kinh thành Huế, còn gọi là sông An Cựu, được vua Gia Long cho đào năm 1814, nguồn nước tưới chính cho vùng An Cựu chuyên trồng các loại lúa quý dùng trong ngự thiện, quê nhà của tác giả Lạc Vũ Thái Bình,
-Lô hà: sông Lô, một con sông tự nhiên lớn ở miền Bắc nhưng lại bị xếp vào nhóm các con sông đào này,
-Cửu An hà: sông Cửu An ở Hưng Yên, còn gọi là sông Bi, được vua Minh Mạng cho đào năm 1835,
-Vĩnh Định hà: sông Vĩnh Định ở Quảng Trị, được vua Minh Mạng cho đào năm 1824,
-Nhĩ hà: sông Hồng, con sông tự nhiên lớn nhất miền Bắc nhưng lại bị xếp vào nhóm các con sông đào này,
-Vĩnh Điện hà: sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam, vua Minh Mạng cho đào năm 1824,
-Thao hà: sông Thao ở đất tổ Phú Thọ.
Ba con sông Hồng, sông Lô và sông Thao quá lớn nên không thể không đưa chúng vào danh sách các con sông. Nhưng vì sự lạnh nhạt của sĩ phu Bắc Hà với nhà Nguyễn mà ba con sông này bị xếp vào chung nhóm với các con sông đào.
Đọc thêm
Nhóm thứ bảy, chín hoạ tiết “Điểu-Cầm”:
-Trĩ: chim trĩ, gắn liền với sự kiện Việt Thường thị dâng chim trĩ trắng cho Chu Thành Vương, lần đầu tiên người Việt được nhắc đến trong sách sử,
-Khổng tước: chim công, loài chim rừng sặc sỡ nhất, thường được xem như nguyên mẫu của phượng hoàng trong truyền thuyết,
-Kê: con gà, loại gia cầm thân thuộc nhất với người Việt Nam,
-Khôi hạc: chim hạc, loài chim tượng trưng cho khí chất trường thọ,
-Uyên ương: chim uyên ương, loài chim tượng trưng cho tình yêu lứa đôi,
-Hoàng oanh: chim vàng anh,
-Tần cát liễu: chim yểng,
-Anh vũ: chim vẹt.
-Thốc thu: chim phù lão.
Nhóm thứ tám, chín hoạ tiết “Thú-Súc”:
-Hổ: con hổ, chúa tể sơn lâm,
-Báo: con beo, thường được nhắc đến kèm theo tên hổ,
-Tê: con tê giác,
-Mã: con ngựa, gắn liền với chiến tranh thời cổ,
-Tượng: con voi, chiến lực quan trọng của quân đội nhà Nguyễn,
-Ly ngưu: con bò tót,
-Thỉ: con lợn, gia cầm quen thuộc của người Việt Nam,
-Dương: con dê, gia cầm quen thuộc ở các vùng núi Việt Nam,
-Lộc mã: con hươu.
Nhóm thứ chín, chín hoạ tiết “Thuỷ-Trùng”:
-Miết: con giải, còn được gọi là hà bá tùng sự,
-Đại mại: con đồi mồi,
-Linh Quy: Rùa Thiêng, một trong Tứ Linh,
-Thiền: con ve sầu,
-Hồ da tử: con đuông dừa, đặc sản miền tây nam Việt Nam
-Bạng: con ngao,
-Ngoan: con vích,
-Cáp: con sò huyết,
-Quế đố: con cà cuống.
Nhóm thứ mười, chín hoạ tiết “Ngư-Xà”
-Long: con rồng, đứng đầu Tứ Linh, loài huyễn thú có những đặc tính của cả ngư-xà,
-Nhân ngư: cá voi, còn được gọi là cá ông, được xem là loài phù trợ người đi biển,
-Ngạc ngư: con cá sấu, hùng mạnh nhất vùng sông nước Việt Nam,
-Nhiêm xà: con trăn,
-Lục hoa ngư: cá lóc,
-Đăng sơn ngư: cá rô,
-Hậu ngư: con sam,
-Thạch thủ ngư: cá úc,
-Mãng xà: con trăn nước.
Nhóm thứ mười một, chín hoạ tiết “Hoa”:
-Tử vi hoa: hoa tường vy,
-Liên hoa: hoa sen,
-Mạt lỵ: hoa nhài,
-Mai khôi hoa: hoa hồng,
-Hải đường hoa: hoa hải đường,
-Quỳ hoa: hoa hướng dương,
-Trân châu hoa: hoa hoè,
-Thuấn hoa: hoa dâm bụt,
-Ngũ diệp lan: cây ngọc lan, khá khiên cưỡng khi được xếp vào nhóm các cây hoa thân mềm.
Nhóm thứ mười hai, chín hoạ tiết “Quả”:
-Ba la mật: cây mít, tên gọi Hán tự đa âm cho thấy có lẽ người phương bắc mới biết đến loại trái cây này,
-Nam trân: cây lòn bon, loại trái cây cứu đói khi chúa Nguyễn Ánh phải trốn quân Tây Sơn ở rừng Ô Gia, nên còn được gọi là Phụng quân mộc,
-Am la: cây xoài, một trái có tên gọi Hán tự đa âm khác,
-Tân lang: cây cau, một thức hằng ngày của người Việt Nam, gắn liền với hôn sự,
-Mai: cây hoa mai, có trái nhưng không ăn được,
-Đào: cây đào,
-Long nhãn: cây nhãn,
-Lê: cây lê,
-Lệ chi: cây vải.
Nhóm thứ mười ba, chín hoạ tiết “Nông”:
-Canh: cây lúa tẻ, loại lương thực tối quan trọng trong văn hoá người Việt Nam
-Nhu: cây lúa nếp, loại lương thực quan trọng trong các ngày lễ, tế của người Việt Nam,
-Lục đậu: cây đậu xanh, loại hoa màu phổ biến nhất của người Việt Nam,
-Tang: cây dâu tằm, loại cây căn cơ cho ngành dệt của người Việt Nam
-Biển đậu: cây đậu ván,
-Hoàng đậu: cây đậu nành,
-Địa đậu: cây đậu phộng,
-Bạch đậu: cây đậu trắng,
-Miên: cây bông vải.
Nhóm thứ mười bốn, chín hoạ tiết “Lâm”:
-Trầm hương: chất trầm hương, một loại hương liệu quý, được lấy từ cây dó bầu chết khô,
-Kì nam: chất kỳ nam, một loại trầm hương cực phẩm, cũng được lấy từ cây dó bầu chết khô,
-Đậu khấu: cây đậu khấu, một vị thuốc trong Đông dược,
-Tô hợp: cây tô hợp, một vị thuốc trong Đông dược,
-Quế: cây quế, một vị thuốc trong Đông dược,
-Súc sa mật: cây sa nhân, hạt và quả là vị thuốc trong Đông dược,
-Yến oa: tổ yến, một vị thuốc trong Đông dược, trong nhóm chỉ mình nó được tìm thấy ở biển,
-Phù lưu: cây trầu không, một thức hằng ngày của người Việt Nam, gắn liền với hôn sự,
-Nam sâm: cây sâm ta.
Nhóm thứ mười lăm, chín hoạ tiết “Mộc”:
-Thiết mộc: cây gỗ lim,
-Ngô đồng: cây ngô đồng,
-Thuận mộc: cây gỗ sưa,
-Tử mộc: cây gỗ kiền kiền,
-Đàn mộc: cây gỗ hoàng đàn,
-Nam mộc: cây gỗ sao
-Bách: cây gỗ bách,
-Tùng: cây tùng,
-Tất mộc: cây sơn.
Nhóm thứ mười sáu, chín hoạ tiết “Thái-Vị”:
-Thông: cây hành lá,
-Cửu: cây hẹ,
-Giới: cây củ kiệu,
-Uất kim: cây nghệ,
-Giới: cây rau cải,
-Hương nhu: cây hương nhu,
-Khương: cây gừng,
-Tử tô: cây tía tô,
-Toán: cây tỏi.
Nhóm thứ mười bảy, chín hoạ tiết “Thuyền-Xa”:
-Đa sách thuyền: thuyền nhiều dây, tức là thuyền chiến kiểu phương Tây,
-Lâu thuyền: thuyền nhiều tầng, dành cho tôn thất,
-Mông đồng thuyền (thuyền chiến có đáy nông, nhiều tay chèo, trang bị nỏ mạnh, có mái gỗ để che tên đạn,
-Kỳ: lá cờ,
-Hải đạo thuyền: loại chiến thuyền dùng tay chèo trên biển,
-Đỉnh: loại thuyền thon nhỏ, nhiều tay chèo, dùng để đua thi trong các lễ hội,
-Lê thuyền: một loại thuyền có 12 tay chèo,
-Ô thuyền: loại chiến thuyền sơn đen của lực lượng hải cảnh nhà Nguyễn,
-Xa: cái xe.
Nhóm thứ mười tám, chín hoạ tiết “Vũ”:
-Đại pháo: súng đồng lớn, nạp tiền, vũ khí chủ lực của quân nhà Nguyễn,
-Luân xa pháo: súng cỡ trung đặt trên bệ đỡ có bánh xe,
-Điểu thương: súng hoả mai,
-Hồ điệp tử: loại đạn pháo khi nổ thì bung ra tứ phía trông như tổ kén của con bướm,
-Trường thương: giáo dài,
-Bài đao: giá gác đao,
-Nỗ: nỏ bắn tên,
-Phác đao: đại đao cán dài
-Hoả phún đồng: ống phun lửa.
Theo cách sắp xếp ở trên, tuy đôi chỗ có sự khiên cưỡng mà tôi đã chỉ ra, nhưng ít ra, đó là quan điểm nguyên thuỷ của những người đã thiết kế hoạ tiết cho Cửu Đỉnh.