Blog Lịch Sử

So sánh các lực lượng quân sự hùng mạnh trong lịch sử loài người

Dưới đây là danh sách một số lực lượng chiến đấu ác liệt, kỷ luật và hiệu quả nhứt trong lịch sử nhân loại.

quan doi mong co

Không phải là một nhiệm vụ dễ dàng gì khi đánh giá tính hiệu quả của một lực lượng quân sự. Phải đánh giá: Năng lực của chỉ huy như thế nào, thừa hưởng được công nghệ gì, thời cơ thuận lợi trong lịch sử ra sao…v..v. Tất nhiên, những thứ này không thể tách rời nhau, nhưng đây là tất cả các yếu tố về một lực lượng quân sự sẽ dành được chiến thắng trong một cuộc đọ sức toàn diện.

Khi xét các yếu tố trên, ta bắt buộc phải đưa ra giới hạn. Bất kỳ một đội quân hiện đại nào cũng có năng lực hủy diệt hoàn toàn các lực lượng cổ đại. Không chỉ vì bom đạn có sát thương cao và súng có thể dễ dàng chế ngự kiếm và khiên, mà bởi vì việc lên kế hoạch chiến thuật, giám sát và trinh sát thời hiện đại quá tân tiến nên việc so sánh trở nên vô nghĩa. Vì lý do này, danh sách được giới hạn trong các lực lượng quân sự trước thời kỳ súng ra đời. Một số đội quân sử dụng súng thời kỳ đầu cũng sẽ được đưa vào vì thời gian nạp đạn lâu sẽ cho phép quân cận chiến có cơ hội thu hẹp khoảng cách giao tranh.

Sau đó là vấn đề địa hình. Các lực lượng quen thuộc với sa mạc nóng rát có thể đã gặp một chút khó khăn khi thích nghi với cuộc chiến có nhiều rừng cây rậm rạp ở Bắc Âu, hay đội kỵ binh Mông Cổ cơ động sẽ phải chiến đấu trong những khu rừng nhiệt đới đầy thách thức ở Trung Mỹ. Tuy nhiên, đó lại là kỹ năng cần thiết của quân đội để có thể chiến đấu tốt ở mọi địa hình, từ đồng bằng cho tới đô thị, trong trường hợp này, địa hình không cần được xem xét kỹ.

Dưới đây là danh sách một số lực lượng chiến đấu ác liệt, kỷ luật và hiệu quả nhứt trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, nếu các lực lượng này phải đối đầu với nhau trong một trận chiến toàn diện, chỉ có đội quân thực sự dành được chiến thắng. Vậy thì các bạn hãy bình chọn cho đội quân mình yêu thích đi nào!

1/. ĐỘI QUÂN MÔNG CỔ THỜI THÀNH CÁT TƯ HÃN

+ Thời điểm – Xuất xứ: Thành Cát Tư Hãn bắt đầu công cuộc chinh phục thế giới vào năm 1209. Trung bình đội quân dã chiến dưới trướng ông vào khoảng 10 vạn người.

+ Thành tích: Đế chế Mông Cổ gần như chính phục hoàn toàn Châu Á, bao gồm Trung Hoa, Thổ, phần lớn Trung Đông, một phần Nga và Đông Âu. Cho tới ngày nay, Mông Cổ là một đế chế tiếp giáp đất liền lớn nhứt trong lịch sử.

+ Trang bị: Lính Mông Cổ có xu hướng được trang bị vũ khí hạng nặng với sự kết hợp của dao găm, chùy và loan đao. Tuy nhiên, công nghệ thực sự đáng gờm của họ lại là cung liên hợp được chế tạo tinh xảo, có tốc độ phát tiễn gấp đôi các cung tên ở Châu Âu cùng thời điểm.

+ Tổ chức – Huấn luyện: Người Châu Âu quan niệm người Mông Cổ là một “đám” quái vật vô kỷ luật, hung dữ là hoàn toàn không chính xác. Đúng là họ rất đáng sợ trong chiến đấu, nhưng chiến thuật của họ cũng đòi hỏi tính kỷ luật cao, được thực thi thông qua hình phạt và phần thưởng, khuyến khích các hành vi dũng cảm và kỷ luật. Đồng thời, Thành Cát Tư Hãn là một chỉ huy tài ba, và kỹ năng tổ chức tiếp tế cho đội quân cơ động, đông đảo của ông là vô song.

+ Trên chiến trường: Thành công đáng kinh ngạc của người Mông Cổ thường là do các cung kỵ mang lại, và đúng là kỹ năng đáng kinh ngạc của những người lính này, kết hợp với chiến thuật giả bộ rút lui khét tiếng của Đại Hãn, đã dẫn tới nhiều chiến thắng cho người Mông Cổ. Tuy nhiên, một mình đội kỵ binh sẽ không đảm bảo được một đế chế rộng lớn như vậy. Người Mông Cổ cũng thường thuê các nghệ nhân người Hoa để chế tạo vũ khí công thành nếu họ cần phải bao vây một thành thị hay pháo đài. Người Mông Cổ cũng đi tiên phong trong một số kỹ thuật nằm vùng và tuyên truyền tiên tiến nhứt mà thế giới từng thấy. Điều này thường khiến các thành thị đầu hàng, ép buộc các công dân phải phục tùng vọ điều kiện.

+ Điểm yếu: Như mọi lực lượng quân sự phụ thuộc vào kỵ binh, Mông Cổ gặp bất lợi lớn tại các địa hình chật hẹp, không có không-thời gian để điều động kịp.

2/. QUÂN ĐỘI LA MÃ

+ Thời điểm – Xuất xứ: Từ năm 509 trước Công Nguyên cho tới năm 476 Công Nguyên, tại vùng Trung Ý ngày nay. Vào thời kỳ đỉnh cao, quân đội La Mã lên tới 70 vạn lính đóng quân khắp vùng lãnh thổ, trong đó một đội quân đơn lẻ cũng có tới 2 vạn 5 ngàn lính.

+ Thành tích: Biên giới phía Tây của Đế chế La Mã chính là Đại Tây Dương trên duyên hải Tây Ban Nha, trải dài tới Đảo Anh ở phía Bắc, Bắc Phi ở phía Nam và sâu tới tận vùng Trung Đông.

+ Trang bị: Quân đội La Mã thường có lực lượng kỵ binh, kỹ sư quân sự hỗ trợ, đem theo vũ khí công thành như máy bắn đá, nhưng xương sống của quân đội lại là lực lượng bộ binh hạng nặng, dàn quân theo đội hình, với giáo dài (còn gọi là pila), khiên và kiếm để cận chiến.

+ Tổ chức – Huấn luyện: La Mã là một quốc gia hiếu chiến, công dân La Mã đều có thể khởi nghiệp bằng cách nhập ngũ, do đó quân đội của họ được huấn luyện rất tốt và có kỷ luật xuyên suốt. Quân đội được phân thành các Quân đoàn Lê dương, với quân số khoảng 800 cho tới 1000 người.

+ Trên chiến trường: Quân đoàn Lê dương La Mã chiến đấu hiệu quả đáng kinh ngạc với vô số lực lượng như quân đội Carthage, các tộc người German, và quân đội Macedonia, thông qua việc sử dụng một đội hình phòng thủ chặt chẽ có chiều sâu 3 hàng, với bộ binh hạng nhẹ ở tuyến đầu và bộ binh hạng nặng ở tuyến sau. Đội hình chặt chẽ này cho phép các cựu binh cấp cao động viên các tân binh (và cũng đảm bảo rằng những người ít kinh nghiệm hơn sẽ là những người đầu tiên thiệt mạng). Một yếu tố quan trọng khác trong chiến thuật của người La Mã là việc sử dụng các công sự bằng gỗ được dựng lên nhanh chóng, đôi khi ngay trong đêm, khiến cho trại của người La Mã trở nên cực kỳ khó bị phá vỡ.

+ Điểm yếu: Đôi khi Đế chế La Mã là nạn nhân của việc thiếu linh hoạt. Nếu họ phải đối mặt với một vị tướng thực sự xuất sắc, họ có thể mắc kẹt trong chính đội hình của mình, không sẵn sàng hoặc không có khả năng theo kịp đối thủ của mình, tỷ như khi Hannibal nghiền nát đội quân La Mã đông đảo trong Trận Cannae.

3/. QUÂN ĐỘI MACEDONIA DƯỚI THỜI ALEXANDER ĐẠI ĐẾ

+ Thời điểm – Xuất xứ: Alexander trị vì từ năm 336 tới năm 323 trước Công Nguyên. Khi ông tung hoành khắp Hy Lạp năm 334, lực lượng dưới trướng ông vào khoảng 2 vạn người.

+ Thành tích: Từ Macedonia, Alexander tiến về phía Đông, ông đi tới đâu thì chinh phục tới đó, làm chủ một dải lãnh thổ mênh mông kéo dài tới tận Sông Ấn.

+ Trang bị: Một trong các cải cách trong lực lượng Macedonia chính là áp dụng trường thương sarissa cho đội hình phalanx, dài hơn hầu hết các loại thương cùng. Đội hình phalanx còn được hỗ trợ bởi kỵ binh và một số vũ khí công thành tiên tiến nhứt thời đó như máy bắn đá và tháp bao vây.

+ Tổ chức – Huấn luyện: Alexander thừa kế toàn bộ thành công từ phụ vương là Philip II, người biến một đội quân yếu ớt và vô kỷ luật thành một cỗ máy hùng mạnh. Ông cho tái tổ chức lực lượng thành đội hình phalanx, thiết lập các hình phạt nghiêm khắc cho sự bất tuân lệnh.

+ Trên chiến trường: Chiến thuật của Alexander rất phong phú. Quân đội Macedonia dàn thành đội hình phalanx theo chiều sâu 8 lớp, tận dụng chiều dài của trường thương, có nghĩa là có tới 5 lớp trường thương nhô ra khỏi hàng đầu trong đội hình này, biến đội hình phalanx thành một bức tường bất khả xâm phạm. Nếu binh lính trong đội hình có kỷ luật kém, sẽ trở thành một thế trận hỗn loạn, dễ dàng bị phá vỡ bởi thọc sườn hoặc kỵ binh. Tuy nhiên, quân đội Macedonia được huấn luyện tốt đến mức họ có thể phân thành nhiều nhóm nhỏ và dựng một lớp tường mới chống lại các đợt tấn công từ bên sườn.

+ Điểm yếu: Thành công của quân đội Macedonia có lẽ không thể tách rời năng lực của chỉ huy. Liệu quân đội Macedonia có cơ hội tỏa sáng không nếu không có tài năng của Alexander dẫn dắt họ? Không thể nói chắc chắn, nhưng sau khi ông qua đời, các cuộc chinh phạt của người Macedonia kết thúc, đế chế tan rã thành nhiều quốc gia kế thừa, và quân đội Macedonia không bao giờ đạt được đỉnh cao như trước.

4/. QUÂN ĐỘI SPARTA

+ Thời điểm – Xuất xứ: Thành bang Sparta, Hy Lạp khoảng thế kỷ 6 tới thế kỷ 4 trước Công Nguyên. Tổng quân số là không rõ, nhưng họ thường xuyên phải chịu đựng cảnh thiếu chiến binh và phải bổ dung hàng ngũ bằng lính đánh thuê và nô lệ (gọi là helot).

+ Thành tích: Sau khi đánh bại thành bang Athens trong Chiến Tranh Peloponnesian, Sparta chánh thức kiểm soát toàn bộ thế giới Hy Lạp.

+ Trang bị: Lính Sparta, như mọi đội quân cổ đại khác, được trang bị một thanh trường thương để đâm gọi là “doru”, cây kiếm ngắn gọi là “xiphos” và một khiên lớn gọi là “hoplon”.

+ Tổ chức – Huấn luyện: Sparta chỉ cho phép những đứa trẻ khỏe mạnh nhứt được huấn luyện thành chiến binh tinh nhuệ. Chúng sống dưới sự giám sát nghiêm ngặt, huấn luyện chỉ để chiến đấu từ khi mới được sanh ra. Quá trình huấn luyện bao gồm huấn luyện thể chất, chiến thuật và triết lý chiến tranh.

+ Trên chiến trường: Người Sparta ưa chuộng đội hình phalanx. Thực vậy, khi nhắc tới người Sparta là nhắc tới chiến thuật này, lớp chiến binh tinh nhuệ của họ được gọi là hoplite. Trong chiến đấu, người Sparta dàn hàng sao cho khiên của họ chồng vào nhau, để lại khoảng trống cho mũi thương nhô ra. Điều này biến họ thành một bức tường bất khả xâm phạm, và bất kỳ đối thủ nào vượt qua được rừng thương như vậy mà còn sống thì cũng sẽ nhanh chóng nằm xuống bởi các lưỡi kiếm Sparta.

+ Điểm yếu: Điểm yếu chính của người Sparta là đạo đức, thay vì sức mạnh quân sự. Họ đối xử tàn bạo với nô lệ helot, do đó nên có nhiều cuộc nổi dậy. Đội quân helot hỗ trợ này đảm nhiệm về các đường tiếp tế, xây dựng công sự và tất cả các phương thức hỗ trợ khác cho người Sparta. Tuyên truyền khéo léo có thể gây ra một cuộc nổi dậy và làm tê liệt lực lượng Sparta.

5/. ĐẠI QUÂN CỦA NAPOLEON

+ Thời điểm – Xuất xứ: Chiến Tranh Napoleon bắt đầu từ năm 1803 cho tới năm 1815 khi Napoleon bị đánh bại tại Waterloo. Đỉnh cao quân số của Đại Quân vào năm 1812 khoảng 50 vạn người.

+ Thành tích: Bao gồm các quốc gia vệ tinh và đồng minh, Đế chế Pháp kiểm soát phần lớn Châu Âu, từ Moscow cho tới Đại Tây Dương, ngoại trừ Đảo Anh.

+ Trang bị: Lực lượng này bao gồm nhiều lính chuyên nghiệp khác nhau, thường được nhận biết bởi trang bị của họ. Có lính cầm súng trường, lính phóng lựu, pháo binh (Đại Quân chủ yếu sử dụng thần công), thương kỵ và khinh kỵ, và một đội quân y và lính kỹ thuật riêng.

+ Tổ chức – Huấn luyện: Với một lực lượng chiến đấu khổng lồ như vậy, được tuyển từ các quốc gia bị chinh phục lẫn đồng minh, nên không có quá trình huấn luyện thống nhứt. Tuy nhiên, tân binh thường được đưa vào các đơn vị có cựu binh nhiều, những người sẽ dạy họ chiến thuật sinh tồn. Trên hết, tuân lệnh được coi trọng và thực thi bằng các hình phạt nghiêm khắc. Đại Quân được phân thành các quân đoàn, mỗi quân đoàn có khả năng hoạt động độc lập dưới quyền các chỉ huy do đích thân Napoleon chọn.

+ Trên chiến trường: Đại Quân có khả năng thực hiện các thao tác phức tạp chính xác một cách đáng kinh ngạc, nếu xét theo kích thước của nó. Trong Trận Austerlitz, Napoleon ra lệnh rút lui khỏi khu vực có lợi về mặt chiến lược nhứt để tạo cảm giác, chỉ để xoay ngược lại và nghiền nát kẻ thù. Sự khéo léo này, kết hợp với kích thước và sự đa dạng trong Đại Quân, khiến nó không thể bị ngăn cản trước bất kỳ lực lượng nào khác ở Châu Âu (mùa đông ở Nga lại là một câu chuyện khác).

+ Điểm yếu: Đại Quân là đội quân đơn lẻ lớn nhứt cho tới thời điểm đó trong lịch sử, và do đó, nó có một số lỗ hổng đặc biệt. Nếu Đại Quân phải đối mặt với một đối thủ sẵn sàng tránh các trận đánh lớn và tiến hành chiến tranh du kích, đó là một thách thức thực sự đối với nó.

6/. QUÂN ĐỘI KHỐI THẠNH VƯỢNG CHUNG BA LAN-LITHUANIA

+ Thời điểm – Xuất xứ: Từ năm 1576 cho tới năm 1770. Quân số tăng vượt bậc từ 3500 người lên tới 10 vạn người.

+ Thành tích: Khối Thạnh Vượng Chung Ba Lan-Lithuania nắm Trung Âu, đoạt được lãnh thổ từ các cuộc chiến chống lại Nga, Thụy Điển và Đế chế Ottoman.

+ Trang bị: Đơn vị quan trọng nhứt trong quân đội Ba Lan-Lithuania là Thánh Dực Kỵ Đoàn (Kỵ binh bay), một đơn vị kỵ binh được trang bị trường thương. Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhứt của đơn vị này là nằm ở đôi cánh. Đôi cánh lớn, nhiều màu và được cố định vào mặt sau của áo giáp. Khung cảnh một đám người có cánh tấn công sẽ gây hỗn loạn và sợ hãi cho bộ binh đối phương. Một giả thuyết cho rằng ngoài yếu tố đe dọa, đôi cánh sẽ tạo ra tiếng vỗ như sấm khi kỵ binh lao tới, khiến ngựa đối phương sợ hãi.

+ Tổ chức – Huấn luyện: Kỵ binh lẫn ngựa đều được huấn luyện từ khi còn nhỏ và liên tục chiến đấu trong thời chiến. Họ thường dàn thành đội hình lớn, tấn công không theo chương sách gì nên đối phương khó mà nắm bắt hay phản công.

+ Trên chiến trường: Cảnh Thánh Dực Kỵ Đoàn xung kích đã thành huyền thoại. Vào thời điểm mà hầu hết các lực lượng quân sự Châu Âu đều chuyển sang sử dụng súng có độ chính xác không cao và thời gian nạp lâu, đội kỵ binh này vẫn giữ truyền thống xung kích, di chuyển rải rác trên chiến trường rộng lớn, đồng thời đè bẹp các đơn vị đối phương. Lực lượng này thường đủ sức đập tan chủ lực đối phương, cho phép phần còn lại của lực lượng Ba Lan áp sát và quét sạch những gì còn lại.

+ Điểm yếu: Nếu có thể chống đỡ được đợt xung kích ban đầu của kỵ binh, đối phương sẽ có cơ hội tốt để phản công và gây ra tổn thất lớn trước khi kỵ binh xoay sở để thực hiện một đợt xung kích khác.

7/. QUÂN ĐOÀN SAMURAI THỜI CHIẾN QUỐC NHẬT

+ Thời điểm – Xuất xứ: Từ năm 1467 cho tới năm 1603. Quân số lúc thạnh lúc suy, nhưng vào lúc cao độ có thể tập hợp gần 10 vạn người.

+ Thành tích: Chức Điền Tín Trưởng (Oda Nobubaga) thống nhứt toàn bộ hòn đảo lớn nhứt Nhật Bản là Honshu.

+ Trang bị: Vũ khí chính của một chiến binh Samurai tinh nhuệ là một thanh đao katana được chế tạo tinh xảo, kèm theo một thanh ngắn hơn gọi là wakizashi. Ngoài ra, họ còn mặc một lớp áo giáp sắt được sơn mài và vẽ những hình ảnh khiến đối thủ khiếp sợ.

+ Tổ chức – Huấn luyện: Các Samurai được đào tạo một cách cẩn thận theo quy tắc “Võ sỹ đạo” (Bushido). Các Samurai cũng liên tục tập luyện, ngay cả khi không có chiến tranh.

+ Trên chiến trường: Các Samurai tiếp cận cuộc chiến một cách kỷ luật và có bài bản. Quân đội của Nobunaga không chỉ bao gồm các Samurai tinh nhuệ. Ông cũng sử dụng bộ binh được tuyển từ tầng lớp nông dân gọi là ashigaru. Do các samurai chủ huy, họ có khả năng tàn phá các lực lượng kỵ binh. Lực lượng ashigaru của Nobunaga đặc biệt sử dụng cung và súng hỏa mai để làm suy yếu kẻ thù trước khi các Samurai xông vào trận đánh.

+ Điểm yếu: Mặt đối mặt, ít người nào có thể địch lại các Samurai. Tuy nhiều, trên chiến trường rộng lớn, nếu một đội quân có đủ dũng cảm để đối mặt, thì có khả năng sẽ đánh bại được đội quân khét tiếng này.

8/. QUÂN ĐỘI THỤY ĐIỂN DƯỚI THỜI GUSTAVUS ADOLPHUS

+ Thời điểm – Xuất xứ: Từ năm 1612 cho tới năm 1632, quân số vào khoảng 15 vạn người, bao gồm lính dự bị.

+ Thành tích: Người Thụy Điển chiếm một phần lớn Ba Lan, đẩy Nga ra khỏi Biển Baltic, và đạt được một số nhượng bộ về mặt chánh trị từ Đức.

+ Trang bị: Gustavus Adolphus là vị tướng đầu tiên nhận ra tầm quan trọng của vũ khí kết hợp. Bộ binh và kỵ binh sử dụng súng trường, và được hỗ trợ bởi pháo hạng nhẹ lẫn hạng nặng, xen kẽ khắp chiến trường.

+ Tổ chức – Huấn luyện: Trước thời Gustavus, quân đội Thụy Điển chủ yếu là dân thường chưa qua đào tạo. Gustavus cho xây dựng một chương trình đào tạo chuyên nghiệp và làm cho nghiệp lính trở thành một sự nghiệp có lợi ích. Quân đội Thụy Điển được tổ chức thành các đơn vị vũ khí tổng hợp nhỏ hơn, linh hoạt hơn, thay vì các khối bộ binh và pháo binh khổng lồ.

+ Trên chiến trường: Thuốc súng thay đổi chiến thuật quân sự ở Châu Âu, nhưng không ai phát huy tối đa tiềm năng của nó trước thời Gustavus Adolphus. Trong khi hầu hết các lực lượng Châu Âu được phân thành đội hình các khối vuông lớn với các đơn vị tương tự nhau, Gustavus cho lực lượng dàn thành các hàng dài và mảnh kết hợp các loại vũ khí trang bị khác nhau. Bằng cách này, quân của ông có thể phản ứng nhanh và linh hoạt hơn, vì pháo binh và bộ binh có thể hỗ trợ lẫn nhau. Ông cũng thay đổi vai trò của kỵ binh từ lực lượng cơ động hỗ trợ sang lực lượng cơ động đảm nhiệm vai trò xung kích, xài kiếm nhiều hơn là xài súng.

+ Điểm yếu: Một phần sức mạnh của quân đội Thụy Điển là lòng trung thành mãnh liệt, kiên định của họ đối với Gustavus. Nếu vị chỉ huy này bị thay thế, họ không thể chiến đấu với kỷ luật như vậy.

9/. QUÂN ĐOÀN JANISSARY TRONG QUÂN ĐỘI OTTOMAN

+ Thời điểm – Xuất xứ: Hoạt động từ năm 1363 cho tới năm 1826, đạt tới đỉnh cao vào thế kỷ 16, có quân số từ 2 vạn cho tới 10 vạn người.

+ Thành tích: Đế chế Ottoman bao trùm toàn bộ Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn Trung Đông, Ai Cập, Đông Nam Âu, và một vài khu vực quan trọng ở Bắc Phi.

+ Trang bị: Quân đoàn Janissary trang bị nhiều loại vũ khí, nhưng thường mang theo một cây súng trường và một thanh loan đao. Từ thế kỷ 16, họ nổi tiếng với kỹ năng sử dụng súng hỏa mai.

+ Tổ chức – Huấn luyện: Quân đoàn Janissary thường tách biệt với phần còn lại của quân đội Ottoman. Khi mới thành lập, Quân đoàn Janissary bao gồm các thanh niên được tuyển chọn từ các đối thủ Cơ Đốc nhân bị đánh bại, buộc phải cải đạo và trải qua một chương trình huấn luyện được thiết kế để chuẩn bị cho họ cuộc sống như một chiến binh. Họ phải chịu kỷ luật nghiêm ngặt, bao gồm cả chế độ độc thân, để theo đuổi kỷ luật và chuyên nghiệp.

+ Trên chiến trường: Quân đoàn Janissary là đội xung kích tinh nhuệ của quân đội Ottoman. Họ tấn công đội hình đối phương, thăm dò các điểm trọng yếu và đục lỗ hệ thống phòng thủ đối thủ. Sau đó, họ sẽ sử dụng súng hỏa mai và súng ngắn để giao chiến với kẻ thù ở cự ly gần và tạo ra khung cảnh hỗn loạn, phá vỡ kế hoạch chiến đấu của kẻ thù. Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng đội Janissary là một trong các lực lượng đầu tiên ở Châu Âu thành thạo nghệ thuật bắn theo loạt.

+ Điểm yếu: Sức mạnh của lực lượng Janissary luôn gắn liền với sự hỗ trợ mà họ nhận được từ Đế chế Ottoman. Có những thời điểm, đường tiếp tế không thông và đội Janissary phải chiến đấu ở thế bất lợi. Nếu đối mặt với kẻ thù hỗ trợ hậu cần lớn hơn, họ có thể gặp rắc rối nghiêm trọng.

10/. QUÂN ĐỘI CARTHAGE

+ Thời điểm – Xuất xứ: Từ năm 814 cho tới năm 145 trước Công Nguyên. Trong suốt Chiến Tranh Punic lần 2, lực lượng dã chiến Carthage vào khoảng 5 vạn người.

+ Thành tích: Đế chế Carthage bao gồm các vùng lãnh thổ quan trọng ở Bắc Phi và Nam Tây Ban Nha, cùng một số vùng ở Sicily, Sardinia, và Corsica.

+ Trang bị: Bộ binh trang bị một thanh kiếm ngắn, thương dài và khiên. Quân đội Carthage thường thu gom các trang bị rơi ra từ đối thủ. Tuy nhiên, vũ khí đáng sợ nhứt của họ là việc sử dụng chiến tương bọc giáp để khiến kẻ thù khiếp sợ và phá vỡ đội hình của chúng (mặc dù trên thực tế voi có hạn chế trong chiến đấu).

+ Tổ chức – Huấn luyện: Đội quân dựa vào cấp bậc của Carthage được tuyển chọn các công dân, và họ không được đào tạo bài bản. Để bù đắp, Carthage thường xuyên thuê lính đánh thuê từ khắp Địa Trung Hải và cùng với bộ binh chính quy của họ, tổ chức thành các trung đội theo mô hình của Hy Lạp.

+ Trên chiến trường: Người Carthage nổi tiếng với khả năng sẵn sàng đối đầu và thích nghi với các chiến thuật của kẻ thù. 2 chiến thắng tuyệt đẹp của người Carthage tại Cannae và Hồ Trasimene trong Chiến Tranh Punic lần 2 đều là kết quả của việc quân đội đã thích nghi với các chiến thuật mà họ có thể chưa từng thử trước đây. Việc họ chiến thắng một cách hoàn hảo cho thấy sự phối hợp, kỷ luật và quyết liệt đã khiến Carthage trở thành một kẻ đáng ghen tị trong thế giới cổ đại.

+ Điểm yếu: Việc quá phụ thuộc vào lính đánh thuê đã phản ngược lại Carthage. Lính đánh thuê nổi tiếng là không trung thành, và có nghĩa là bất kỳ lực lượng đối đầu nào có đủ tiền đều có thể mua chuộc lực lượng cốt lõi của Carthage.

11/. QUÂN ĐỘI NHÀ CALIPH UMAYYAD

+ Thời điểm – Xuất xứ: Từ năm 661 tới năm 750 ở Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu.

+ Thành tích: Lãnh thổ nhà Caliph Umayyad trải dài từ biên giới với Tây Ban Nha cho tới Ấn Độ, hầu hết Bắc Phi cho tới miền Nam nước Pháp.

+ Trang bị: Trong những cuộc chinh phạt lucq đầu, quân đội Caliph đã chiếm được một số trung tâm sản xuất vũ khí quan trọng, bao gồm cả Damascus. Kết quả là, họ có thể chế tạo loan đao scimitar, kiếm, thương và các công cụ khác với chất lượng cao. Họ cũng được biết tới với kỹ năng sử dụng vũ khí công thành.

+ Tổ chức – Huấn luyện: Người sáng lập nhà Caliph Umayyad, Mu’awiyah I, huấn luyện người của mình một cách nghiêm khắc kỹ năng chiến tranh trên sa mạc và dành được lòng trung thành của họ. Cũng như các lực lượng phong kiến ​ Châu Âu, phần lớn quân đội thường được tạo thành từ các lực lượng lính nghĩa vụ do các tiểu vương riêng lẻ nuôi dưỡng.

+ Trên chiến trường: Nhà Umayyad, như mọi đội quân lớn trong khu vực, ưa thích chiến thuật cơ động. Họ thường sử dụng cung kỵ cơ động, phát tiễn hàng loạt về phía đối thủ, cố gắng phá vỡ đội hình đối phương. Tính chất cơ động giúp lực lượng Umayyad dễ dàng lợi dụng bất kỳ điểm yếu nào trong chiến tuyến của kẻ thù, đánh bại chúng một cách triệt để trước khi bộ binh xáp lá cà.

+ Điểm yếu: Như đã được chứng minh bởi Charles Martel trong Trận Tours, một đội quân có thể chống lại được cung thủ và kỵ binh của nhà Umayyad chắc chắn sẽ đè bẹp được lực lượng bộ binh tương đối yếu của họ.

12/. TẦN QUÂN

+ Thời điểm – Xuất xứ: Từ năm 221 cho tới năm 206 trước Công Nguyên.

+ Thành Tích: Tần quốc lực phục 6 nước, thống nhứt toàn cõi Trung Hoa.

+ Trang bị: Áo giáp của nhà Tần thường bao gồm các lớp kim loại hay da chồng lên nhau. Không có sự đồng nhứt về vũ khí của binh lính, một số mang kiếm, một số mang rìu, một số mang chùy, v.v.

+ Tổ chức – Huấn luyện: Các học giả tuyên bố rằng Đội quân đất nung nổi tiếng thực sự là tàn tích từ một trường quân sự cổ đại, và những người lính đất sét được sử dụng làm hình nộm để huấn luyện. Điều này cho thấy họ nghiêm túc chú trọng vào quá trình huấn luyện và đó là lời giải thích cho sự thành công về mặt quân sự của nhà Tần. Sau khi huấn luyện, binh lính thường được chia thành 5 quân đoàn: tiên phong quân, tả quân và hữu quân, hộ quân và thân quân của tướng lãnh chỉ huy.

+ Trên chiến trường: Cung và nỏ thống trị chiến tranh ở Trung Hoa thậm chí còn nhiều hơn chiến tranh ở Châu Âu. Nỏ xuất hiện ở Trung Hoa sớm hơn nhiều, trong thời kỳ Chiến Quốc. Nhà Tần tận dụng tối đa sự đổi mới này bằng cách sử dụng cung thủ để bảo vệ kỵ binh và bộ binh, điều này giúp cho các chiến binh cận chiến có thể tiếp cận đủ gần để đánh bại đối thủ.

+ Điểm yếu: Nỏ nhà Tần có tầm bắn đáng kinh ngạc vào thời điểm đó. Tuy nhiên, nếu đối thủ có thể khắc phục được, hoặc vượt qua trận mưa tiễn mà không hề hấn gì, quân Tần sẽ khó dành lợi thế.

14/. QUÂN ĐỘI BYZANTINE NHÀ KOMNENIA

+ Thời điểm – Xuất xứ: Từ năm 1084 cho tới năm 1201. Ngay từ buổi đầu sự nghiệp, Alexios đã có thể vận động được đội quân 2 vạn người.

+ Thành tích: Quân đội nhà Komnenia dành lại phần lãnh thổ rộng lớn đã bị mất trong hơn 50 năm quản lý yếu kém gây ra. Rất khó để nói chính xác họ tái chiếm bao nhiêu lãnh thổ, vì các đường biên giới ban đầu còn lâu mới ổn định. Tuy nhiên, dưới thời Alexios và những người kế vị, một phần lãnh thổ đáng kể được thêm vào cho đế chế như vùng Balkan, Tiểu Á, Nga, Ai Cập và Trung Đông.

+ Trang bị: Giống như những chiến binh trước họ nhiều thế kỷ, quân đội nhà Komnenia là lính nhập ngũ, thường trang bị một thương, một kiếm ngắn và một khiên. Tuy nhiên, những người lính xung kích sẽ mặc giáp nặng và mang một cây thương dài hơn. Đội quân này đại diện cho đỉnh cao công nghệ của Byzantine. Sau đó, cũng trong thời đại này, nỏ đã trở thành một bổ sung quan trọng cho kho vũ khí của người Byzantine.

+ Tổ chức – Huấn luyện: Quân đội Byzantine, kể từ khi thành lập, luôn bao gồm các đơn vị khác nhau từ tất cả các ngóc ngách khác nhau trong đế chế và từ các truyền thống quân sự cũng khác nhau. Như vậy, các tân binh được huấn luyện kỹ lưỡng và không được phép sai lệch so với chiến thuật được ban từ trên xuống. Một chuỗi mệnh lệnh chặt chẽ chạy từ các tướng lãnh Byzantine xuống thông qua một hệ thống phân cấp phức tạp đảm bảo quyền kiểm soát tối đa.

+ Trên chiến trường: Quân đội Byzantine đã được rèn luyện trong ngọn lửa thất bại, đặc biệt là khi chống lại người Italo-Norman và người Pecheneg. Từ những thất bại này, người Byzantine, dưới sự lãnh đạo của Alexios, đã học được tầm quan trọng của tính linh hoạt. Alexios bắt đầu thử nghiệm đội hình chiến đấu mới, từ bỏ đội hình kỵ binh gọng kìm điển hình để chuyển sang đội hình “bàn cờ” phức tạp hơn. Ngoài ra, người Byzantine sẵn sàng hơn trong các trận đánh lớn, sử dụng kỵ binh của họ để gây ra tổn thất lớn, nghiền nát hoàn toàn kẻ thù. Trái ngược với các đội quân nổi tiếng khác trong lịch sử, người Byzantine không được lãnh đạo bởi một thiên tài chiến thuật, có nghĩa là chiến thắng thuộc về những người lính hơn là bất kỳ cá nhân chỉ huy nào.

+ Điểm yếu: Bất chấp nhiều cải cách dưới thời Alexios, điểm yếu lớn nhứt của quân đội Byzantine vẫn là tính chất thiếu linh hoạt. Hệ thống phân cấp quá cứng nhắc, có nghĩa là khi đối mặt với các thay đổi chiến thuật mà một số đội quân trong lịch sử có khả năng thực hiện, người Byzantine sẽ không thể phản ứng đủ nhanh để tránh thất bại.

15/. QUÂN ĐỘI MUSCOVY DƯỚI THỜI IVAN BẠO CHÚA

+ Thời điểm – Xuất xứ: Từ năm 1547 cho tới năm 1584, quân số giao động từ 5 vạn cho tới 10 vạn người.

+ Thành tích: Quân đội Muscovy chinh phục Siberia, gây chiến với các quốc gia Đông Âu.

+ Trang bị: Kị nhẹ sử dụng loan đao và cung, trong khi bộ binh, thành phần chủ yếu của quân đội, được cung cấp súng hỏa mai. Pháo dã chiến, được bảo vệ bởi một pháo đài di động nhỏ bằng gỗ gọi là gulyay-gorod.

+ Tổ chức – Huấn luyện: Bộ binh phần lớn là lính đánh thuê hoặc lính nghĩa vụ. Kết quả là, không có một chương trình huấn luyện thống nhứt, mặc dù cuộc sống chiến đấu liên tục. Lực lượng được tổ chức thành các trung đoàn, như trong nhiều thế kỷ qua. Quý tộc thường chỉ huy các đơn vị lớn gồm toàn thường dân nhập ngũ.

+ Trên chiến trường: Quân đội Ivan sử dụng chiến thuật áp đảo. Chỉ có một số ít quân bảo vệ 2 bên sườn, còn phần lớn quân số hợp thành khối khổng lồ chỉ đơn giản là tiến về phía trước và cố phá vỡ phòng tuyến đối phương, đi kèm với từng đợt pháo kích, vốn là điểm nhấn trong chiến lược của Ivan.

+ Điểm yếu: Chiến lược của quân đội Muscovy thường hiệu quả, đặc biệt là khi đánh với người Thát Đát, người Cossack và tộc du mục thảo nguyên khác. Tuy nhiên, một lực lượng đủ lớn để bao vây họ, hoặc đủ tinh vi để thọc sườn họ, sẽ khiến người Muscovy dễ dàng bại trận.

16/. CHINH TƯỚNG HERNAN CORTES VÀ ĐỒNG MINH BẢN ĐỊA

+ Thời điểm – Xuất xứ: Từ năm 1519 cho tới năm 1521 ở Mexico ngày nay. Lực lượng vào khoảng 600 kẻ chinh phục cùng một lượng lớn đồng minh bản địa hỗ trợ.

+ Thành tích: Chinh phục Đế chế Aztec, khu vực trung tâm rộng lớn là Mexico City ngày nay.

+ Trang bị: Đối với kẻ chinh phục, công nghệ là rất quan trọng. Súng không chỉ đoạt mạng, mà còn làm kẻ thù khiếp sợ, và giáp của họ còn chống đỡ được mũi tên làm từ hắc diện thạch của người Aztec. Khi tiếp tục chinh phạt, họ nhận thấy rằng thậm chí không cần những tấm giáp ngực nặng nề được sử dụng trong chiến đấu ở Châu Âu, vì áo giáp da dày thường đủ để phòng hộ rồi.

+ Tổ chức – Huấn luyện: 600 kẻ chinh phục đầu tiên không phải là những kẻ có kỷ luật. Nhiều người trong số đó ra đi vì lòng tham hoặc lòng nhiệt thành tôn giáo. Tuy nhiên, phải cảm ơn 4 vị chỉ huy chủ chốt dưới trướng Cortés, mới có thể biến họ thành lực lượng chiến đấu hiệu quả. Kích thước nhỏ có nghĩa là mối thân tình lớn, dẫn dắt họ trong chuyến hành trình dài chinh phục Tân Thế Giới.

+ Trên chiến trường: Chinh phục Đế chế Aztec dường như là một chiến công gần như bất khả thi. Là một chiến lược gia tài ba, Hernán Cortés còn là một nhà ngoại giao giỏi hơn nữa. Ông có thể chơi với nhóm này để chống lại nhóm kia và thu được hàng ngàn chiến binh bản địa trong quá trình này, cho phép ông giữ thương vong cho nhóm của mình ở mức tối thiểu, tạo thành một đội quân chinh phạt có sát thương lớn trong khi các đồng minh phải chịu phần lớn thiệt hại. Có rất ít ghi chép về các chiến thuật trên thực địa của Cortés, nhưng có thể nói rằng người Aztec đã quen đánh tay đôi với mục đích là bắt nô lệ làm nạn nhân hiến tế, đã không sẵn sàng đối mặt với một bức tường được vũ trang và bọc thép.

+ Điểm yếu: Lật đổ được Đế chế Aztec vẫn là một thành tích đáng kinh ngạc, nhưng với đội quân nhỏ nhoi này, cho dù cộng thêm đồng minh bản địa, khi ra chiến trường lớn vẫn sẽ làm mồi cho thú dữ./.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s