Groma là công cụ khảo sát của La Mã cổ đại, hiện vật hoàn chỉnh khai quật được ở thành phố cổ Pompeii nặng khoảng 5 kg.
Công cụ này sử dụng một hình chữ thập xoay với quả dọi treo ở cả bốn đầu. Tâm hình chữ thập là điểm tham chiếu (cắm cọc hoặc đặt cột mốc, đá đánh dấu) để lập bản đồ không gian. Sai số tuyến tính khoảng 1 m trên mỗi 710 m.
Centuriation (lưới La Mã) được sử dụng từ thế kỷ IV trước Công nguyên; dùng Groma chia đường sá, kênh rạch và các lô đất nông nghiệp thành những lưới vuông trên bản đồ. Hệ thống này không cố định mà luôn thay đổi với khoảng 80 kiểu ô vuông khác nhau tuỳ thời kỳ và tình hình thực tế.
Ví dụ hệ thống ô 20×20 actus (1 actus = 710 m tức 2400 thước La Mã) được sử dụng để cấp đất cho 100 gia đình di cư thời kỳ thuộc địa hoá một vùng đất mới. Hai hình vuông 1×1 actus ghép lại sẽ thành hình chữ nhật, đây là diện tích đất mà một cặp bò có thể cày xới trong một ngày. Ở các đô thị, người ta sử dụng các đơn vị nhỏ hơn để quy hoạch, chẳng hạn nhà ở đo đạc ở mức mỗi 5 thước La Mã.
Việc đo đạc và cấp đất cho cựu binh chỉ bắt đầu từ thời nhà độc tài Sulla (138–78 TCN). Nguyên do là nhờ cải cách Marius, quân đội La Mã có thành phần đa số là tầng lớp công dân nghèo không có đất, những người này nhận mức lương ít ỏi và một phần chiến lợi phẩm (nếu có), còn đâu tay trắng khi xuất ngũ. Mảnh đất (diện tích thay đổi tuỳ thời kỳ và lãnh đạo) được cấp với văn bản chứng nhận, đã đảm bảo họ đủ khả năng nuôi sống bản thân và gia đình khi nghỉ hưu. Do vậy những người lính của Sulla rất sùng bái lãnh tụ của mình và sẵn sàng cầm vũ khí bảo vệ đất đai mà Sulla đã cấp cho họ.
Quá trình đô thị hóa của La Mã cổ đại vẫn ảnh hưởng đến một số vùng ở Italia, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Rumani hiện nay, với các mạng lưới đường sá, kênh thoát nước, đất đai.

