Cuộc cải cách Minh Trị năm 1868 tạo ra những đổi thay sâu sắc cho Nhật Bản: công nghiệp hoá thần tốc, cải tổ mạnh mẽ hệ thống xã hội, và cùng với đó là sự biến mất của lối sống truyền thống.
Văn hoá Samurai lụi tàn, nhưng kỹ thuật chiến đấu của họ – Jiu Jitsu – lại tìm được vai trò mới khi Nhật Bản hiện đại hoá. Những môn võ thuật đình đám của Nhật hôm nay như Judo, Karate, hay xa hơn nữa là Taekwondo Hàn Quốc và Brazilian Jiu-jitsu thực chất không hề “cổ truyền” một chút nào. Chúng đều bắt nguồn từ công cuộc thay da đổi thịt của nước Nhật cuối thế kỷ 19.
Nhật Bản hiện đại hoá: Võ thuật được tạo ra như thế nào?
Thế kỷ 19 chứng kiến làn sóng các quốc gia chạy đua hiện đại hoá, âm thầm mang văn minh Châu Âu lan khắp địa cầu. Giữa khung cảnh ấy, thời Edo (1603-1867) của Nhật kết thúc, chính quyền Tokugawa sụp đổ sau cuộc đảo chính năm 1868, vị Shogun cuối bị phế truất và Minh Trị Thiên Hoàng trở thành người trị vì Đế quốc Nhật Bản.
Cải cách Minh Trị là cả một thời kỳ biến động. Nhật Bản dồn lực phát triển công nghiệp nặng, cải cách sâu rộng chính quyền và xã hội. Các tầng lớp có lối sống truyền thống, điển hình nhất là võ sĩ Samurai, cơ bản không còn chỗ đứng.
Tầng lớp Samurai bị xoá sổ, dần hoà nhập vào các ngành nghề khác. Nhưng chuyên môn chiến đấu của họ thì không mất đi. Jiu-Jitsu – các kỹ thuật đánh tay không cổ truyền – bỗng lỗi thời trong thực chiến, nhưng lại được công nhận là hệ thống rèn luyện thể chất hiệu quả, bắt đầu được tái định hình cho mục đích tự vệ, thể thao và rèn sức khoẻ.
Một mặt, các thanh niên Nhật say mê tiến bộ, nhưng cũng tiếc nuối văn hoá Samurai đã mất, tìm cách lưu giữ tinh thần Nhật Bản qua việc sáng tạo ra các môn võ thuật. Mặt khác, Nhật Bản cần xây dựng quân đội quốc gia hiện đại, và giáo trình huấn luyện khắc nghiệt của các cố vấn quân sự Pháp (1867-1919) càng được đào sâu thêm nhờ kết hợp kỹ thuật từ Judo và Karate.
Khi Judo, Karate lan rộng toàn cầu, một nghịch lý xảy ra. Chúng bị biến tấu một phần, trở thành nền tảng “cổ truyền” cho những môn võ như Taekwondo Hàn Quốc hay Brazilian Jiu-jitsu. Chủ nghĩa dân tộc ở cả hai quốc gia này thôi thúc họ tạo ra môn võ mang bản sắc riêng, nhưng tương tự Nhật Bản, những môn võ mới này dù khoác lên mình vỏ bọc “cổ xưa”, vẫn thực chất là sản phẩm của thời hiện đại.
Judo – Môn võ thuật khoa học và tinh thần của Kano Jigoro
Kano Jigoro (1860-1938) chào đời vào những ngày cuối của Mạc phủ Tokugawa, xuất thân từ một gia đình thuộc tầng lớp shizoku (cựu samurai) giàu có nhờ nghề nấu rượu sake ở vùng Kobe, Nhật Bản. Những biến động từ cuộc Minh Trị Duy Tân mang lại cho ông nhiều cơ hội phát triển. Mặc dù trải qua sự giáo dục nghiêm khắc theo truyền thống samurai ở nhà, ông cũng được học hành bài bản, đúng theo tiêu chuẩn của một cậu bé thuộc tầng lớp của mình thời bấy giờ.
Cuộc chạm trán đầu tiên của Kano với võ thuật xuất phát từ trải nghiệm bị bắt nạt nặng nề khi theo học tại trường Ikuei Gijuku danh tiếng ở Tokyo. Nỗi xấu hổ vì không thể tự vệ thúc đẩy ông tìm đến các kỹ thuật jujutsu của giới samurai.
Mối quan tâm ban đầu này nhanh chóng trở thành đam mê khi ông theo học tại Đại học Tokyo. Tại đây, Kano khổ luyện với nhiều bậc thầy jujutsu, trước khi kết hợp những yếu tố trong tư duy triết học của riêng ông – nhấn mạnh phát triển cả thể chất lẫn tinh thần – để tạo ra một phương pháp giáo dục dựa trên vận động mới với tên gọi: “Jū-Dō” (Nhu đạo).
Tư duy khoa học phương Tây mà Kano được tiếp cận ở trường đại học ảnh hưởng sâu sắc đến ông. Nhu đạo của ông chú trọng vào các kỹ thuật dựa trên cách vận hành cơ học sinh học của cơ thể con người, đi kèm với đó là một giáo trình giảng dạy hiện đại, hệ thống đai đẳng phân cấp, và nhấn mạnh vào randoori (luyện tập đối kháng tự do) thay vì chỉ tập trung vào Kata (bài quyền) như truyền thống.
Cùng với những đổi mới đó, Kano đã biến nguyên tắc cổ điển của jujutsu là “lấy nhu thắng cương” thành một hệ thống kỹ thuật và lý thuyết mới dựa trên việc “sử dụng năng lượng một cách hiệu quả nhất”. Quan trọng hơn hết, Kano mong muốn đưa Judo trở thành nền tảng giáo dục cho cả thể chất và tinh thần, cũng như là một môn nghệ thuật mang tính thẩm mỹ.
Năm 1882, sau khi tốt nghiệp, Kano mở võ đường Kodokan (“nơi dạy đạo”) tại Tokyo. Trong sự nghiệp của mình, ông cũng trở thành nhà giáo dục quan trọng nhất của Nhật Bản và là nhân vật chủ chốt trong công cuộc hiện đại hóa đất nước này. Judo là môn võ thuật Nhật Bản đầu tiên được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới, và trở thành môn thể thao Olympic chính thức vào năm 1964.
Karate – Từ Okinawa đến võ thuật Thế giới
Karate ngày nay được xem là một môn võ thuật tiêu biểu của Nhật Bản. Thế nhưng, nguồn gốc của nó lại bắt nguồn từ đảo Okinawa, nơi từng là vương quốc Ryukyu độc lập trước khi bị Nhật sát nhập vào cuối thế kỷ 19. Vào thời điểm đó, võ thuật Okinawa phát triển một cách biệt lập với đất liền Nhật Bản và cũng ít bị ảnh hưởng bởi võ thuật Trung Hoa.
Một trong những nhân vật chủ chốt của lịch sử Karate hiện đại là Itosu Anko (1831-1915). Ông được cho là người đầu tiên tổng hợp các chiêu thức từ các môn võ Okinawa như Shuri-te, Naha-te, Tomari-te. Võ sư Itosu cũng sáng tạo các bài Kata (quyền) cơ bản gọi là Pinnan (có nghĩa là “bình an”).
Một cột mốc khác là khi học trò của Itosu, Gichin Funakoshi (1868-1957), đưa Karate đến Nhật Bản. Năm 1922, ông trình diễn Karate tại Kodokan (Dojo nổi tiếng của Judo) theo lời mời của người sáng lập Judo, Kano Jigoro. Cũng chính Funakoshi đã biến Karate từ một môn chiến đấu thuần túy trở thành môn võ đạo, chú trọng rèn luyện tinh thần, sự điềm đạm và tính cách. Ông cũng đưa ra “Hai mươi Nguyên Tắc” của Karate để nhấn mạnh tính nhân văn cho môn võ.
Năm 1949, Funakoshi thành lập Hiệp hội Karate Nhật Bản (JKA), đưa Karate trở thành môn võ được giảng dạy rộng rãi nhất Nhật Bản, và lan tỏa ra thế giới. Karate hệ phái Shotokan do ông lập nên là trường phái được tập luyện phổ biến nhất hiện nay.
Taekwondo: Hành trình từ Nhật Bản đến Hàn Quốc
Trong khi lịch sử chính thức của Taekwondo nhấn mạnh một môn võ thuật bản địa kế thừa trực tiếp từ Taekkyon cổ đại của Hàn Quốc, sự thật lại cho thấy một nguồn gốc đáng ngạc nhiên. Taekwondo ít liên quan đến di sản võ thuật Hàn Quốc mà lại gắn chặt với Karate của Nhật Bản hơn nhiều người nghĩ.
Câu chuyện chính thức về nguồn gốc của Taekwondo xoay quanh Choi Hong-Hi, một cựu binh Chiến tranh Triều Tiên, tướng quân đội Hàn Quốc, người sau này đào tẩu sang Bắc Triều Tiên.
Sinh năm 1918 tại Hwa Dae (nay là Bắc Triều Tiên) trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng (1910-1945) tăm tối, Choi gia nhập quân đội Hàn Quốc và phục vụ trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1955).
Ông tự nhận đã dạy đồng đội cách chiến đấu kết hợp Taekkyon với Shotokan Karate mà ông học được trong thời gian sống ở Nhật Bản. Sau chiến tranh, Choi tiếp tục hoàn thiện và quảng bá hệ thống võ thuật của mình. Năm 1955, ông chính thức đặt tên nó là “Taekwon-do”. Tuy nhiên, các kỹ thuật võ thuật được phát triển thành Taekwondo hiện đại không thực sự giống Taekkyon.
Thay vào đó, sau Chiến tranh Triều Tiên, các võ sĩ Karate người Hàn Quốc – trước đó từng sống ở Nhật – trở về quê hương để mở trường dạy võ của riêng mình. Phần lớn những người này tự hào nhấn mạnh nguồn gốc môn võ và dùng từ Karate phiên âm sang tiếng Hàn (gongsu / dangsu). Ngược lại, Choi gần như đơn độc trong việc khẳng định thứ ông dạy có một nền tảng khác biệt với nguồn gốc Nhật Bản.
Như Ugo Moening (2013) nhận xét, “Taekwondo” vào những năm 1950 và 1960 tại Hàn Quốc về kỹ thuật không khác gì Karate ở Nhật Bản (nơi môn võ này ra đời). Dù vậy, ngày nay, Taekwondo với những cú đá mạnh mẽ năng động, các đòn đánh uy lực và kỹ thuật tự vệ thực dụng đã chinh phục hàng triệu người tập trên toàn thế giới. Môn võ này cũng trở thành môn thi đấu tại Thế vận hội Sydney năm 2000. Choi giữ vị thế là “người sáng tạo chính” của Taekwondo.
Khám Phá Lịch Sử Thế Giới
Từ Judo Nhật Bản đến Nhu thuật Brazil (Brazilian Jiu-jitsu)
Cũng giống như Karate góp phần thúc đẩy sự ra đời của Taekwondo Hàn Quốc, môn Judo Nhật Bản có một hành trình tương tự khi du nhập vào Brazil. Người tiên phong cho việc này là Mitsuyo Maeda, một môn sinh của bậc thầy Judo Kano Jigoro. Nhưng thú vị ở chỗ, dọc theo hành trình đó, Judo lại “biến hóa” thành một môn võ hoàn toàn khác. Được phát triển bởi một gia tộc nổi tiếng ở Brazil – nhà Gracie – môn võ thuật ấy trở thành Nhu thuật Brazil (Brazilian Jiu-jitsu hay BJJ).
Truyện kể rằng vào khoảng năm 1917, có một chàng trai trẻ tên Carlos Gracie xem được màn trình diễn Judo ấn tượng của Maeda (lúc này lấy biệt danh là “Bá tước Koma”) tại nhà hát Theatro De Paz ở Belém. Bị cuốn hút, Carlos quyết định theo học Judo trực tiếp từ Maeda và nhanh chóng trở thành một học trò xuất sắc.
Đến năm 1925, Carlos thành lập võ đường “Gracie Jiu-Jitsu” đầu tiên ở Rio de Janeiro. Tuy nhiên, chính em trai ông, Helio, mới là người sau này được tôn vinh như cha đẻ của Nhu thuật Brazil. Theo gia tộc Gracie, Helio đã “cải tiến” Jiu-Jitsu truyền thống bằng cách đưa thêm yếu tố đòn bẩy, giúp nâng cao tính hiệu quả. Dù vậy, làm thế nào Helio chuyển đổi được Judo của Maeda thành BJJ vẫn là một câu hỏi nhiều người tò mò.
Sự thật có thể khiến nhiều người ngạc nhiên: ông ấy đơn giản là… không làm thế. “Jiu-Jitsu” mà nhà Gracie học vào thời điểm đó chính là Judo. Vì vậy, nếu nói chính xác thì Nhu thuật Brazil nên được gọi là Judo Brazil.
Dù thế nào, nhà Gracie vẫn bước vào một hành trình độc đáo. Helio và Carlos trở nên nổi tiếng với những lời thách đấu mở gửi tới các võ sư khác nhằm chứng minh rằng Jiu-Jitsu của họ là tối thượng. Các trận đấu đó giúp danh tiếng nhà Gracie vang xa và khai sinh câu chuyện về “huyền thoại” BJJ: một người nhỏ bé, yếu sức hơn như Helio Gracie có thể dùng lực, đòn bẩy và cách di chuyển thông minh để đánh bại các đối thủ to lớn hơn (một ý tưởng cũng kế thừa từ Judo).
Sức ảnh hưởng của câu chuyện này vô cùng to lớn. Tại giải đấu đầu tiên của Ultimate Fighting Championship (UFC) năm 1993 (một phiên bản hiện đại, đậm chất truyền hình của những trận thách đấu Gracie), con trai Helio là Royce Gracie đã chứng minh BJJ xứng đáng là môn võ đối kháng hiệu quả nhất thế giới. Hiện nay, BJJ là một trong những môn thể thao đối kháng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, và là nền tảng cho các kỹ thuật vật trong giải đấu Võ thuật tổng hợp (MMA). Cũng giống Judo, Karate hay Taekwondo, Nhu thuật Brazil bắt nguồn từ quá trình hiện đại hóa của Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19.