Hy Lạp Cổ Đại

Hy Lạp Cổ Đại: Lịch Sử và Văn Minh

Văn minh Hy Lạp cổ đại chính là nền móng cho toàn bộ văn minh phương Tây như ta biết tới ngày nay. Nó để lại dấu ấn sâu sắc trong văn hóa loài người.

By Nguyễn Hiến Lê
van minh hy lap co dai

Hy Lạp là một quốc gia nằm ở phía đông nam châu Âu, được người Hy Lạp gọi là Hellas hoặc Ellada. Đất nước Hy Lạp bao gồm một phần đất liền và vô số quần đảo.

Hy Lạp cổ đại là cụm từ dùng để chỉ toàn bộ nền văn minh đã hình thành và phát triển trên vùng đất này. Đây là cái nôi của triết học phương Tây (Socrates, Plato và Aristotle), văn học (Homer và Hesiod), toán học (Pythagoras và Euclid), lịch sử (Herodotus), kịch (Sophocles, Euripides và Aristophanes), Thế vận hội Olympic và nền dân chủ.

Quan niệm về vũ trụ nguyên tử lần đầu tiên xuất hiện tại Hy Lạp với công trình của Democritus và Leucippus. Phương pháp nghiên cứu khoa học như ngày nay là sáng kiến của Thales xứ Miletus và những người theo ông. Bảng chữ cái Latinh cũng xuất phát từ Hy Lạp cổ đại, được du nhập vào khu vực này trong thời kỳ người Phoenicia thuộc địa vào thế kỷ thứ 8 TCN. Những người đi đầu trong lĩnh vực vật lý và kỹ thuật như Archimedes, đến từ thuộc địa Syracuse của Hy Lạp, và nhiều nhân vật vĩ đại khác.

Phần đất liền Hy Lạp là một bán đảo lớn được bao bọc ba mặt bởi Địa Trung Hải (phía tây giáp biển Ionia, phía đông giáp biển Aegean). Vùng biển này bao gồm các quần đảo như Cyclades và Dodecanese (có đảo Rhodes), quần đảo Ionia (bao gồm Corcyra), đảo Crete, và bán đảo phía nam được gọi là Peloponnese.

  • Bản đồ các khu vực chính của Hy Lạp cổ đại
  • Vị trí Hy Lạp trên bản đồ thế giới. (Google Maps)

Địa lý Hy Lạp ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hoá của đất nước. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên ít ỏi và được bao quanh bởi biển, người Hy Lạp từ xưa chủ yêu mưu sinh trên biển. 80% diện tích Hy Lạp là đồi núi, chỉ có các con sông nhỏ, địa hình nhiều đá và phần lớn không phù hợp cho nông nghiệp. Vì vậy, người Hy Lạp cổ đại đã sớm di cư đến các đảo lân cận và thành lập các khu định cư dọc theo bờ biển Anatolia (còn được gọi là Tiểu Á, ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Họ trở thành những người đi biển và thương nhân lành nghề. Sở hữu nguồn đá dồi dào cho xây dựng và tay nghề điêu luyện, người Hy Lạp đã kiến tạo một số công trình kiến ​​trúc ấn tượng bậc nhất của thế giới cổ đại.

Nguồn Gốc của Từ “Hellas”

Hy Lạp trong tiếng Việt là phiên âm của từ Hellas.

Cái tên “Hellas” xuất phát từ Hellen, con trai của Deucalion và Pyrrha, những nhân vật nổi bật trong câu chuyện về trận Đại hồng thủy của Ovid trong tác phẩm “Metamorphoses”. Deucalion huyền thoại (con trai của thần Titan Prometheus mang lửa đến cho loài người) chính là vị cứu tinh của nhân loại khỏi Đại Hồng Thủy, tương tự như Noah trong phiên bản Kinh thánh hoặc Utnapishtim trong phiên bản Lưỡng Hà. Deucalion và Pyrrha tái sinh loài người sau khi nước lũ rút bằng cách ném đá biến thành người, người đầu tiên trong số đó là Hellen.

Lưu ý, cái tên Hellen này không liên quan gì tới nhân vật Helen trong sử thi Iliad của Homer.

Thucydides nói về nguồn gốc tên Hellas trong tác phẩm History như sau:

Ban đầu tên Hellas không được dùng để chỉ cả đất nước, và thậm chí còn không hề tồn tại. Thời đó, mỗi bộ tộc tự đặt tên vùng đất của họ. Mạnh nhất trong số đó là Pelasgian. Về sau, khi gia tộc Hellen trở nên hùng mạnh và được các bộ tộc khác thường xuyên nhờ giúp đỡ thì những bộ tộc có mối liên hệ với họ dần được gọi là Hellenes (người Hellen). Dần dà, cái tên này được dùng để chỉ toàn bộ đất nước.

Homer, trong Iliad, dùng tên Hellas để chỉ riêng những người đi theo Achilles từ Phthiotis. Còn khi nói về toàn bộ binh lực Hy Lạp, ông dùng tên Danäans, Argives, hoặc Achaeans để gọi họ.

Người ta chia lịch sử Hy Lạp cổ đại thành các thời kỳ để tiện nghiên cứu, bao gồm:

  • Thời Tiền Sử (Prehistory Greece). Thời kỳ này khá rộng, được chia ra thêm các giai đoạn: Kỷ Tăm Tối (Greek Dark Ages), Văn Minh Aegean và Văn Minh Micenae.
  • Thời Cổ Phong (Archaic Period): 785–481 BC
  • Thời Cổ Điển (Classical Greece): 480–323 BC
  • Thời Hy Lạp Hóa (Hellenistic Greece): 323–30 BC

Đây là cách chia thông dụng nhất, nhưng không phải duy nhất. Bạn có thể bắt gặp đâu đó những cách phân chia khác với những tên gọi khác. Cách gọi trong tiếng Việt có thể cũng khác.

Hy Lạp thời tiền sử

Bằng chứng khảo cổ cho thấy con người đã định cư ở vùng đất Hy Lạp ngày nay từ thời Đồ Đá Cũ, và đã phát triển nông nghiệp, thuần hóa động thực vật vào thời Đồ Đá Mới. Tập trung chủ yếu ở Bắc Hy Lạp, gồm các vùng Thessaly, Macedonia, Sesklo, với các dòng người di cư từ Tiểu Á xuống.

Khu vực Bắc Hy Lạp
Khu vực Bắc Hy Lạp, và biển Aegean

Song song với khu vực Bắc Hy Lạp, văn minh cũng dần hình thành trên quần đảo Cyclades, thuộc biển Aegean (Nổi bật là Dalos, Naxos, Paros), được giới sử học gọi tên là Văn minh Cyclades (Niên đại 3200-1100TCN), chia nhỏ thành Cyclades Sơ kỳ, Cyclades Trung kỳ và Cyclades Hậu kỳ. Đây là thời định hình kiến trúc và nghệ thuật Hy Lạp.

Di chuyển về phía nam ta sẽ bắt gặp đảo Crete, nơi hình thành nền văn minh Minoan rất nổi tiếng, nằm trong số những nền văn minh sớm nhất của loài người.

Vị trí đảo Crete

Nền văn minh trên đảo Crete do nhà khảo cổ học người Đức Sir Arthur Evans khám phá ra. Ông khai quật được cung điện Knossos, niên đại xây dựng khoảng 1900 TCN. Ông vua thời kỳ đó là Minos, nên người ta gọi tên nền văn minh này là Minoan theo tên ông.

Người Minoan có hệ thống chữ viết được đặt tên là Linear A mà hiện vẫn chưa giải mã được. Họ còn phát triển kỹ thuật đóng tàu, xây dựng, làm gốm, nghệ thuật, khoa học và chiến tranh. Các sử gia cổ đại, như Thucydides, chép vua Minos là người đầu tiên xây dựng lực lượng hải quân, dùng đánh chiếm quần đảo Cyclades.

Văn minh Crete sụp đổ có lẽ do nạn khai thác rừng quá mức, dẫn đến cạn kiệt tài nguyên. Lý do khác được quy cho người Mycenae xâm chiếm.

Khoảng năm 1650 và 1550 TCN xảy ra vụ phun núi lửa lớn trên đảo Thera gần đó, gây ra sóng thần nhấn chìm Crete và nền văn minh của người Minoan. Sự kiện này cũng tạo cảm hứng cho triết gia Plato viết tác phẩm Atlantis, kể về một thành phố huyền thoại bị chôn vùi dưới lòng biển.

Nền Văn Minh Mycenae và Thần thoại Hy Lạp

Song song với nền văn minh trên quần đảo Cyclades và đảo Crete trên biển, trên đất liền hình thành nền văn minh Mycenae, khoảng 1900-1100 TCN, nền tảng chính cho Hy Lạp về sau. Nguồn gốc người Mycenae đến nay vẫn còn là bí ẩn.

Sử thi Illiad với cuộc chiến thành Troy nổi tiếng chủ yếu kể về họ.

Người Mycenae đạt được nhiều tiến bộ về kiến trúc, bắt đầu hình thành tín ngưỡng có tổ chức nghi lễ, và phát triển hệ thống chữ viết gọi là Linear B (kế thừa Linear A của người Minoan). Người Mycenae chịu ảnh hưởng nhiều từ người Minoan ở đảo Crete trong cách họ thờ các nữ thần đất và các vị thần bầu trời – hệ thống sau này dần trở thành các vị thần Hy Lạp cổ điển.

Thần thoại Hy Lạp là sản phẩm chính của người Mycenae, bao gồm vô số các câu chuyện kể về sự sáng tạo vũ trụ, thế giới và loài người.

Phiên bản sơ khai của người Mycenae kể về một thế giới đại dương hỗn mang. Thần Eurynome xuất hiện, tách nước và đất liền, và nhảy điệu vũ sáng tạo với mãnh xà Ophion, thú nuôi của bà. Vạn vật được sinh ra từ điệu nhảy này, nên Eurynome được coi là Mẫu Thần, đấng sáng tạo vạn vật.

Phiên bản này được biến tấu thành câu chuyện về thần Titan và cuộc chiến với Zeus cùng chư thần trên đỉnh Olympia dưới thời Hesiod và Homer. Hình tượng mẫu hệ gốc biến chuyển thành phụ hệ, tức đặt nam giới làm chủ.

Vào khoảng năm 1100 TCN, tức cuối thời đồ đồng, các thành phố Mycenae lớn ở phía Tây Nam Hy Lạp bị bỏ hoang. Nguyên nhân có thể do sự xâm lăng của người Hy Lạp gốc Dorians, tuy vẫn còn nhiều giả thuyết khác được đặt ra.

Thời kỳ này hoàn toàn thiếu sử liệu, nên được gọi là Kỷ Tăm Tối Hy Lạp, kéo dài từ 1100-800TCN. Trong giai đoạn này người Hy Lạp vẫn tiếp tục di cư đến vùng đất Tiểu Á và các hòn đảo trong khu vực.

Đến năm 585 TCN xuất hiện triết gia đầu tiên của Hy Lạp, Thales xứ Miletus. Ông có những nghiên cứu khoa học ở vùng duyên hải Tiểu Á, khu vực mà sau này sẽ tạo ra những đột phá về toán học và triết học Hy Lạp.

Hy Lạp Thời kỳ Cổ Phong (Archaic) (800 – 500 TCN) và Cổ Điển (Classical)

Thời kỳ Cổ Phong (Archaic Greece) được đánh dấu bởi sự ra đời của các nước cộng hòa thay cho các chế độ quân chủ (ở Athens là sự chuyển hướng tới thể chế dân chủ). Các thành bang được tổ chức như một thực thể duy nhất (polis), và đồng thời giai đoạn này cũng chứng kiến sự hình thành của các bộ luật (cải cách của Draco ở Athens), Đại hội Panathenaic được thiết lập, cùng với sự ra đời của đồ gốm và điêu khắc Hy Lạp đặc trưng. Đây cũng là thời điểm những đồng tiền đầu tiên được đúc trên vương quốc đảo Aegina.

Chính những yếu tố này đã đặt nền móng cho sự hưng thịnh của Thời kỳ Cổ điển của Hy Lạp cổ đại, kéo dài từ 500-400 TCN hoặc chính xác hơn là 480-323 TCN, tính từ chiến thắng trước người Ba Tư trong trận Salamis đến cái chết của Alexander Đại đế.

Thời kỳ Hoàng kim của Hy Lạp Cổ đại

Đây là thời kỳ Hoàng kim của Athens, khi Pericles khởi xướng việc xây dựng Acropolis và đọc bài điếu văn nổi tiếng của mình cho những người đàn ông đã hy sinh bảo vệ Hy Lạp tại Trận Marathon năm 490 TCN. Hy Lạp đạt đến đỉnh cao trong hầu hết mọi lĩnh vực tri thức của nhân loại trong thời kỳ này, và các nhà tư tưởng và nghệ sĩ vĩ đại của thế giới cổ đại (Phidias, Plato, Aristophanes,…) đã để lại dấu ấn rực rỡ. Leonidas và 300 chiến binh Sparta kiên cường ngã xuống tại Thermopylae, cùng năm đó (480 TCN), Themistocles giành chiến thắng trước hạm đội Ba Tư hùng mạnh tại Salamis, châm ngòi cho thất bại cuối cùng của người Ba Tư trong Trận Plataea năm 479 TCN.

Dân chủ và Triết học Hy Lạp

Chế độ dân chủ (theo nghĩa đen là Demos – người dân và Kratos – quyền lực, tức quyền lực của nhân dân) được thiết lập tại Athens, cho phép tất cả công dân nam giới trên 20 tuổi có tiếng nói trong chính quyền Hy Lạp. Các nhà triết học Tiền Socrates, tiếp bước Thales, đã khởi xướng nền tảng cho phương pháp khoa học trong việc khám phá các hiện tượng tự nhiên. Những nhân vật như Anaximander, Anaximenes, Pythagoras, Democritus, Xenophanes và Heraclitus đã từ bỏ mô hình thần quyền về vũ trụ và cố gắng khám phá nguyên nhân đầu tiên tiềm ẩn của sự sống và vũ trụ.

Những người kế vị họ, trong đó có Euclid và Archimedes, tiếp tục phát triển nền khoa học và triết học Hy Lạp. Tấm gương của Socrates cùng di sản văn chương của Plato và Aristotle cũng đã ảnh hưởng đến văn hóa và xã hội phương Tây trong hơn hai nghìn năm.

Nghệ thuật và Kiến trúc Hy Lạp

Thời kỳ này cũng chứng kiến những tiến bộ trong kiến trúc và nghệ thuật với sự chuyển dịch từ các hình mẫu lý tưởng sang các biểu hiện chân thực hơn. Các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp nổi tiếng như Parthenon Marbles và Discobolus (người ném đĩa) có niên đại từ thời kỳ này cho thấy mối quan tâm của họa sĩ trong việc miêu tả cảm xúc, vẻ đẹp và thành tựu của con người một cách chân thực, ngay cả khi những phẩm chất đó được thể hiện trong các tác phẩm có sự hiện diện của những vị thần bất tử.

Chiến tranh Peloponnesus và Sự suy tàn

Tất cả những bước phát triển về văn hóa này được thúc đẩy nhờ sự trỗi dậy của Athens sau chiến thắng trước người Ba Tư năm 480 TCN. Hòa bình và thịnh vượng sau thất bại của người Ba Tư đã cung cấp tài chính và sự ổn định cho nền văn hóa phát triển rực rỡ. Athens trở thành siêu cường thời bấy giờ sở hữu hải quân hùng mạnh nhất, từ đó yêu cầu cống phẩm từ các thành bang khác và củng cố uy quyền. Athens thành lập Liên minh Delos, một liên minh phòng thủ có mục đích ngăn chặn người Ba Tư khỏi các hành động thù địch tiếp theo.

Tuy nhiên, thành bang Sparta nghi ngờ sự chân thành của Athens và thành lập liên minh của riêng họ để phòng thủ, gọi là Liên minh Peloponnesus (được đặt tên theo khu vực Peloponnese nơi Sparta và các thành bang liên minh tọa lạc). Chiến tranh Peloponnesus nổ ra do căng thẳng leo thang giữa hai liên minh. Khối xung đột thứ nhất (khoảng 460-445 TCN) kết thúc bằng một hiệp ước đình chiến, nhưng cuộc chiến kế tiếp (431-404 TCN) đã khiến Athens sụp đổ hoàn toàn và Sparta trở thành kẻ chiến thắng nhưng kiệt quệ sau cuộc chiến kéo dài với Thebes.

Thời kỳ lịch sử này thường được gọi là Thời kỳ Cổ điển Muộn (khoảng 400-330 TCN). Khoảng trống quyền lực để lại sau sự sụp đổ của hai thành bang hùng mạnh của Hy Lạp đã được lấp đầy bởi Philip II xứ Macedon (382-336 TCN) sau chiến thắng của ông trước lực lượng Athens và đồng minh trong Trận Chaeronea năm 338 TCN.

Philip đã thống nhất các thành bang Hy Lạp dưới sự cai trị của người Macedonia. Sau khi ông bị ám sát vào năm 336 TCN, con trai ông, Alexander Đại đế, lên ngôi và tiếp nối tham vọng của cha mình.

Alexander Đại Đế và Di sản Hy Lạp hóa

Alexander Đại Đế (356-323 TCN) kế thừa kế hoạch của cha mình trong việc xâm lược toàn diện Ba Tư để trả đũa cho cuộc xâm lược Hy Lạp năm 480 TCN. Với gần như toàn bộ Hy Lạp dưới sự chỉ huy của mình, một đội quân thường trực có quy mô và sức mạnh đáng kể, cùng một ngân khố dồi dào, Alexander không cần bận tâm đến các đồng minh hay tham khảo ý kiến của bất kỳ ai về kế hoạch xâm lược của mình. Ông dẫn quân vào Ai Cập, băng qua Tiểu Á, xuyên qua Ba Tư, và cuối cùng đến Ấn Độ. Được Aristotle – học trò vĩ đại của Plato – dạy dỗ từ nhỏ, Alexander đã truyền bá lý tưởng của nền văn minh Hy Lạp thông qua các cuộc chinh phục của mình, truyền tải nghệ thuật, triết học, văn hóa và ngôn ngữ Hy Lạp đến mọi vùng đất ông đặt chân đến.

Thời kỳ Hy Lạp hóa

Năm 323 TCN, Alexander qua đời và đế chế rộng lớn của ông bị chia cắt giữa bốn vị tướng. Điều này khởi đầu cho một giai đoạn được các nhà sử học gọi là Thời kỳ Hy Lạp hóa (323-31 TCN), trong đó tư tưởng và văn hóa Hy Lạp trở nên thống trị ở các khu vực khác nhau dưới ảnh hưởng của các vị tướng này. Sau các cuộc chiến tranh Diadochi (“những người kế vị”, danh hiệu dành cho các tướng lĩnh của Alexander), Antigonus I đã thành lập triều đại Antigonid ở Hy Lạp nhưng sau đó để mất. Cháu trai của ông, Antigonus II Gonatas, đã giành lại ngai vàng vào năm 276 TCN và cai trị đất nước từ cung điện của mình ở Macedon.

Sự can dự của Đế chế La Mã

Nền Cộng hòa La Mã ngày càng can thiệp sâu vào các vấn đề của Hy Lạp trong thời gian này, và vào năm 168 TCN, đánh bại Macedon trong Trận chiến Pydna. Sau thời điểm này, Hy Lạp dần rơi vào tầm ảnh hưởng của La Mã. Vào năm 146 TCN, khu vực này được chỉ định là vùng bảo hộ của La Mã và người La Mã bắt đầu bắt chước thời trang, triết học của Hy Lạp, và ở một mức độ nào đó, cả các giá trị tinh thần. Năm 31 TCN, Octavian Caesar sáp nhập đất nước này như một tỉnh của La Mã sau chiến thắng trước Mark Antony và Cleopatra trong Trận Actium. Octavian trở thành Augustus Caesar và Hy Lạp trở thành một phần của Đế chế La Mã.

5/5 - (5 votes)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s