Blog Lịch Sử

Đại Kim Tự Tháp Giza (Ai Cập)

Đại Kim Tự Tháp Giza là một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại duy nhất còn tới ngày nay. Nó mang ý nghĩa tâm linh và lịch sử trọng đại

Nguồn: World History

Kim Tự Tháp Giza là hình ảnh biểu tượng cho đất nước Ai Cập và là kỳ quan cuối cùng còn sót lại trong Thất Đại Kỳ Quan thế giới cổ đại. Ngôi kim tự tháp này tọa lạc tại cao nguyên Giza kế bên thành phố Cairo hiện đại, được xây dựng trong khoảng 20 năm dưới thời vua Khufu (2589-2566 TCN, hay còn gọi là Cheops), thuộc vương triều thứ 4.

Cho đến tận năm 1889 khi Tháp Eiffel được xây xong ở Paris, Pháp, thì Kim Tự Tháp mới mất danh hiệu công trình kiến trúc cao nhất do con người tạo ra. Một kỷ lục giữ vững hơn 3000 năm và dường như không có công trình nào có thể phá vỡ. Một số học giả thì cho rằng đỉnh tháp của Nhà thờ Lincoln ở Anh Quốc, hoàn thành năm 1300, mới là công trình vượt qua Kim Tự Tháp, nhưng dù sao thì di tích Ai Cập này vẫn giữ danh hiệu của nó trong một quãng thời gian đáng kinh ngạc.

Kim Tự Tháp Giza cao khoảng 146 mét với đáy rộng đến 230 mét, bao gồm hơn hai triệu khối đá. Một số trong đó có kích thước và trọng lượng lớn khủng khiếp (chẳng hạn như những khối đá hoa cương trong Phòng Nhà Vua). Theo tiêu chuẩn hiện đại thì riêng việc nâng và đặt những khối đá ấy vào đúng vị trí với độ chính xác cao đã dường như là điều bất khả thi.

Kim Tự Tháp Giza được khai quật theo kỹ thuật và nghiên cứu khoa học hiện đại đầu tiên vào năm 1880 bởi ngài William Matthew Flinders Petrie (1853-1942), nhà khảo cổ người Anh đã đặt nền móng tiêu chuẩn cho các hoạt động nghiên cứu khảo cổ học ở Ai Cập và đặc biệt là ở Giza. Ông từng viết về Kim Tự Tháp vào năm 1883 rằng:

“Kim Tự Tháp Giza bị xem như là hiện thân của những nghịch lý; nó thu hút các nhà lý luận hệt như ngọn lửa thu hút thiêu thân.”

Mặc dù rất nhiều giả thuyết khác nhau về mục đích của Kim Tự Tháp vẫn còn, lời giải thích được chấp nhận nhiều nhất là nó được xây để làm lăng mộ cho pharaoh Khufu. Tuy nhiên, chính xác làm cách nào nó được xây dựng vẫn làm đau đầu mọi người ở thời hiện đại. Thuyết cho rằng những đường dốc quấn quanh bên ngoài công trình được dùng để chuyển đá lên những vị trí cao hơn vẫn còn gây tranh cãi. Bên cạnh đó cũng có vô số thuyết “ngoại vi” hoặc kiểu “Thời Đại Mới”, muốn tìm cách giải thích công nghệ tiên tiến cần có để xây công trình này, đề cập đến người ngoài hành tinh hay viễn cảnh họ thường ghé thăm Ai Cập ngày xưa.

Những thuyết này vẫn được tin tưởng mặc cho ngày càng nhiều bằng chứng rằng chính người Ai Cập cổ đại đã xây dựng công trình bằng cách vận dụng công nghệ vốn dĩ cực kỳ phổ biến với họ, đến mức có lẽ họ chả thèm ghi chép lại làm gì. Dù vậy, những lối đi, các trục, cùng các căn phòng bên trong vô cùng phức tạp (Phòng Nhà Vua, Phòng Hoàng Hậu, Sảnh Lớn) và cả Hầm Osiris kế bên, cộng thêm bí ẩn về cách xây dựng và cả việc định hướng theo các hướng chính, đã tiếp tay cho những giả thuyết “ngoại vi” tồn tại dai dẳng.

Nhiều người nghĩ là kim tự tháp được xây bởi nô lệ. Nhưng ngược lại, các nhà khảo cổ học tin rằng những kim tự tháp ở Giza, và nhiều đền thờ khác ở Ai Cập, đều được xây bởi chính người Ai cập, và họ được trả công! Chả có bằng chứng nào chứng minh điều ngược lại, hay là có chuyện nô lệ như trong Kinh Thánh cả.

Năm 1979, các nhà khảo cổ Lehner và Hawass đã tìm ra khu nhà ở của những người thợ xây kim tự tháp Giza. Trước khi khám phá này, người ta đã tìm thấy nhiều tài liệu của Ai Cập Cổ Đại đề cập đến việc chính phủ trả công cho lao động, nhưng không hề nói đến nô lệ hay một nhóm dân tộc nào bị ép làm việc cả. Người Ai Cập từ khắp đất nước hợp sức xây kim tự tháp vì nhiều lý do, và mục đích chính là để làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng cho Pharaoh của họ.

Toàn cảnh di tích quần thể kim tự tháp Giza ngày nay tại Ai Cập

Sự Phát Triển của Kim Tự Tháp

Vào cuối thời kỳ Sơ Triều đại Ai Cập (khoảng 3150-2613 TCN), tể tướng Imhotep (khoảng 2667-2600 TCN) đã sáng tạo ra một lăng mộ hoành tráng cho vị vua của ông, Djoser. Trước khi Djoser lên ngôi (khoảng năm 2670 TCN), các ngôi mộ thường được xây đơn giản bằng bùn và có dạng gò đất, hay còn gọi là Mastabas. Imhotep nghĩ ra một kế hoạch cực kỳ táo bạo, đó là chồng các Mastaba bằng đá lên nhau thành từng bậc để tạo ra một đài tưởng niệm khổng lồ và bền bỉ. Tầm nhìn của ông đã tạo nên Kim tự tháp bậc thang của Djoser ở Saqqara – kim tự tháp lâu đời nhất thế giới còn tồn tại cho đến ngày nay.

Dù vậy, Kim tự tháp bậc thang vẫn chưa phải là một “kim tự tháp thật sự”. Thời Cổ Vương quốc (khoảng 2613-2181 TCN), vua Sneferu (khoảng 2613-2589 TCN) đã cố gắng hoàn thiện ý tưởng của Imhotep và tạo ra những công trình đồ sộ hơn nữa. Nỗ lực đầu tiên, Kim Tự Tháp Gãy ở Meidum, đã thất bại do thiết kế lệch quá xa so với nguyên mẫu của Imhotep. Nhưng Sneferu không nản lòng, ông học từ sai lầm và bắt tay vào xây dựng Kim Tự Tháp Cong – công trình cũng không thành vì tính toán nhầm góc từ chân lên đỉnh. Ông lại rút kinh nghiệm và cho xây dựng thành công Kim Tự Tháp Đỏ, kim tự tháp “thật sự” đầu tiên ở Ai Cập.

Việc xây kim tự tháp đòi hỏi một lượng tài nguyên khổng lồ và cần đến một đội ngũ rất nhiều lao động từ có tay nghề cao đến phổ thông. Các vị vua của Vương triều thứ 4, thường được gọi là “những người xây kim tự tháp”, có thể ra lệnh huy động được lượng nhân lực này vì chính quyền rất ổn định và họ rất giàu có nhờ hoạt động giao thương. Một chính phủ trung ương mạnh và kho bạc dồi dào là hai yếu tố rất quan trọng để xây dựng kim tự tháp, và những thứ này đã được truyền từ Sneferu cho con trai ông, Khufu.

Dường như Khufu đã bắt tay xây dựng lăng mộ vĩ đại của mình ngay sau khi lên ngôi. Các nhà cai trị của Cổ Vương quốc trị vì từ thành phố Memphis và nghĩa địa Saqqara gần đó đã có khu phức hợp kim tự tháp đồ sộ của Djoser. Vùng Dashur cũng đã được Sneferu khai thác. Tuy nhiên, có một khu nghĩa địa cũ hơn gần đó, chính là Giza. Mẹ của Khufu, Hetepheres I (khoảng 2566 TCN), được chôn cất ở nơi này và không có công trình vĩ đại nào khác ở đây để cạnh tranh sự chú ý; vậy nên Khufu đã chọn Giza để đặt nền móng cho kim tự tháp của ông.

Xây Dựng Kim Tự Tháp

Sau khi tìm được chỗ ưng ý, bước đầu tiên để xây kim tự tháp là phải tổ chức các đội làm việc rồi phân chia các thứ cần thiết. Ông tể tướng, người quyền lực thứ hai sau Pharaoh, chính là người chịu trách nhiệm cho việc này đấy. Hemiunu, cháu trai của Khufu, là tể tướng của ông ấy và được cho là người thiết kế và xây dựng Đại Kim Tự Tháp. Cha của Hemiunu, Nefermaat (anh trai của Khufu) cũng từng là tể tướng của Pharaoh Sneferu. Có lẽ Hemiunu đã học được khối thứ về xây dựng từ bố mình.

Phục dựng lại nguyên bản Kim Tự Tháp Giza
Phục dựng lại nguyên bản Kim Tự Tháp Giza

Tể Tướng – Kiến Trúc Sư Cuối Cùng

Tể tướng là kiến trúc sư chính của mọi dự án xây dựng, từ việc kiếm vật liệu, chuyên chở, thuê nhân công, trả lương, hay tất tần tật các việc liên quan khác. Chả có biên lai, thư từ, nhật ký, hay báo cáo chính thức nào từ thời đó nói chính xác Đại Kim Tự Tháp được xây như thế nào hết. Ai cũng thấy kỹ thuật xây dựng con kim tự tháp này xịn sò đến khó hiểu, ngay cả mấy ông tiến sĩ ngày nay cũng còn gãi đầu. Đây, hai nhà Ai Cập học Bob Brier và Hoyt Hobbs có nói về điều này:

“Kim tự tháp to oạch, nên xây nó là một thách thức cả về mặt tổ chức lẫn kỹ thuật. Để xây Đại Kim Tự Tháp của Pharaoh Khufu chẳng hạn, cần hơn hai triệu khối đá, mỗi khối nặng từ hai đến tận sáu mươi tấn, xong phải sắp xếp chúng thành hình chóp hoàn hảo, to bằng hai cái sân bóng đá, cao tận 150 mét. Dự án lớn thế đòi hỏi phải có cực nhiều nhân lực. Rồi nào là lo chuyện ăn ở, sắp xếp công việc cho bọn họ cũng là bài toán đau đầu. Hàng triệu khối đá không chỉ phải được vận chuyển từ mỏ đá về thôi đâu, mà còn phải nâng lên cao, rồi sắp xếp cực kỳ chính xác để tạo ra hình dạng như ta thấy ngày nay.”

Chính cái độ khó của kỹ thuật để “tạo ra hình dạng như mong muốn” làm ai nấy đau đầu mỗi khi cố gắng hình dung xem Đại Kim Tự Tháp được xây như thế nào. Lý thuyết phổ biến nhất hiện nay vẫn là mấy cái đường dốc được xây quanh chân của kim tự tháp và nâng cao dần lên theo quá trình xây dựng. Người ta còn tranh cãi nhiều về thuyết này, nhưng cho rằng dốc kiểu này có thể được đắp khi móng kim tự tháp vững chắc, giúp trong việc kéo và xếp mấy tảng đá to đùng kia một cách chính xác.

Lý Thuyết Về Đường Dốc và Những Vấn Đề Của Nó

Ngoài việc thiếu gỗ ở Ai Cập để làm dốc, góc độ mà người ta phải nâng đá, và thực tế là không thể nào di chuyển đá nặng và những phiến đá granite vào vị trí mà không có cần cẩu (thứ Ai Cập không có), điểm yếu nhất của lý thuyết dùng dốc để xây kim tự tháp là nó hoàn toàn không thực tế. Brier và Hobbs giải thích:

Vấn đề ở đây là vật lý. Góc dốc càng lớn thì càng cần nhiều lực để kéo vật lên. Do đó, để khoảng chục người có thể kéo vật nặng tầm hai tấn lên dốc, góc dốc không thể lớn hơn tám phần trăm. Nếu tính theo hình học, để đạt tới độ cao 146 mét, cái dốc với góc tám phần trăm phải bắt đầu từ tận gần hai cây số so với vị trí kết thúc. Người ta tính là xây cái dốc dài hai cây số và cao tới tận Kim Tự Tháp sẽ cần khối lượng vật liệu chả khác gì xây thêm một kim tự tháp nữa – công nhân sẽ phải xây hết cả hai cái trong tầm hai mươi năm mới xong được. (221)

Một biến thể của cái lý thuyết về dốc là do kiến trúc sư người Pháp Jean-Pierre Houdin đưa ra. Ông này tin dốc được dùng ở bên trong kim tự tháp. Houdin tin có thể người ta dùng dốc bên ngoài ở giai đoạn đầu xây dựng, nhưng khi kim tự tháp cao dần thì công việc được tiến hành bên trong. Đá từ mỏ được mang qua cổng vào và kéo lên dốc vào đúng vị trí. Theo Houdin thì điều này giải thích những đường hầm người ta tìm được bên trong kim tự tháp. Nhưng mà lý thuyết này không tính tới sức nặng của đá hay số người trên dốc cần thiết để kéo chúng lên cái góc trong kim tự tháp và đưa vào đúng vị trí.

Không biến thể nào của cái vụ đường dốc này giải thích được kim tự tháp được xây dựng ra sao, trong khi một khả năng khác hợp lý hơn nằm chình ình ngay bên dưới công trình: mực nước ngầm cao ở cao nguyên Giza. Kỹ sư Robert Carson, trong công trình của ông ấy về Kim Tự Tháp, cho rằng người ta dùng sức nước để xây dựng. Carson cũng tin dốc được dùng nhưng theo cách hợp lý hơn nhiều: dốc bên trong được hỗ trợ bởi sức thủy lực bên dưới và cần trục từ bên trên.

Nước Và Các Thiết Bị Nâng: Khả Năng Hợp Lý Hơn

Mặc dù người Ai Cập không có cần cẩu theo kiểu mình hiểu ngày nay, họ có cái gọi là shaduf: một cái gậy dài với xô và dây ở một đầu, đầu còn lại có đối trọng, thường để kéo nước từ giếng. Sức thủy lực từ bên dưới, cộng với mấy cái cần phía trên, hoàn toàn có thể đã được dùng để chuyển đá bên trong kim tự tháp. Điều này cũng giải thích mấy cái hầm ở trong, cái điều những lý thuyết kia bó tay toàn tập.

Ai cũng thấy là mực nước ngầm ở Giza bây giờ vẫn cao chán, hồi xưa còn cao hơn. Nhà Ai Cập học Zahi Hawass, trong bài về cuộc khai quật Hầm Osiris gần Kim Tự Tháp năm 1999, ghi lại là “việc này thử thách vãi chưởng vì điều kiện nguy hiểm do nước ngầm cao” (381). Cũng trong bài đó, Hawass bảo hồi 1945, mấy tay hướng dẫn ở Giza vẫn thường bơi lội trong cái hầm ngầm này và “mực nước nâng cao trong hầm khiến mấy nhà nghiên cứu cóc học thêm gì được” (379).

Các cuộc khai quật Trục Osiris trước đó – do Selim Hassan thực hiện vào những năm 1930 – và các quan sát của Abdel Moneim Abu Bakr trong những năm 1940, cũng ghi nhận mực nước ngầm cao này. Khảo sát địa chất xác định rằng cao nguyên Giza và khu vực xung quanh từng màu mỡ hơn nhiều so với ngày nay vào thời Cổ Vương quốc, đồng nghĩa mực nước ngầm sẽ cao hơn.

Như vậy, lý thuyết của Carson về sức nước được sử dụng trong việc xây dựng kim tự tháp là hợp lý nhất. Carson tuyên bố đài tưởng niệm “chỉ có thể được xây dựng bằng sức nước; một hệ thống vận chuyển thủy lực đã được thiết lập bên trong Kim tự tháp Lớn” (5). Khai thác sức mạnh của mực nước ngầm cao, những người xây dựng cổ đại hoàn toàn có thể đã xây dựng kim tự tháp hợp lý hơn nhiều so với hình thức hệ thống dốc bên ngoài.

Đại Kim Tự Tháp trong quá khứ – Sự hùng vĩ và nguồn nhân lực

Sau khi phần nội thất hoàn thành, toàn bộ kim tự tháp được bao phủ bởi đá vôi trắng sáng rực rỡ, có thể nhìn thấy từ mọi hướng trong phạm vi hàng dặm xung quanh. Dù Kim tự tháp Lớn ngày nay đã ấn tượng, ta cũng phải thừa nhận rằng đây chỉ là một di tích đổ nát. Đá vôi từ lâu đã rơi rụng và được sử dụng làm vật liệu xây dựng cho thành phố Cairo (giống như cách thành phố Memphis cổ đại gần đó bị khai thác).

Khi hoàn thành, Kim tự tháp Lớn hẳn đã là công trình nổi bật nhất mà người Ai Cập từng thấy. Ngay cả trong tình trạng bị bào mòn rất nhiều, nó vẫn truyền cảm hứng kinh ngạc. Quy mô tuyệt đối của dự án thực sự đáng kinh ngạc. Nhà sử học Marc van de Mieroop mô tả:

“Kích thước [của nó] làm ta choáng ngợp: cao 146 mét, đáy rộng 230 mét. Ước tính nó chứa 2.300.000 khối đá với trọng lượng trung bình 2,75 tấn, một số nặng tới 16 tấn. Khufu trị vì 23 năm, có nghĩa hàng năm có khoảng 100.000 khối đá – tức 285 khối/ngày hoặc một khối mỗi hai phút trong suốt thời gian có ánh sáng – đã được khai thác, vận chuyển, gia công và lắp đặt… Công trình gần như hoàn hảo về thiết kế. Các cạnh được định hướng chính xác về phía các hướng chính và chính xác ở các góc 90 độ.” (58)

Một vài viên đá còn nguyên lớp đánh bóng bên ngoài thời nguyên thủy của nó, cho thấy mức độ cầu kỳ, thẩm mỹ và hoành tráng của công trình gốc
Một vài viên đá còn nguyên lớp đánh bóng bên ngoài thời nguyên thủy của nó, cho thấy mức độ cầu kỳ, thẩm mỹ và hoành tráng của công trình gốc

Những công nhân hoàn thành kỳ tích này là những người lao động lành nghề và không có tay nghề do chính phủ thuê. Họ có thể tự nguyện giúp đỡ để trả nợ hoặc làm công ích, hay được trả công xứng đáng. Mặc dù chế độ nô lệ tồn tại ở Ai Cập cổ đại, di tích này không hề sử dụng nô lệ, dù là người Do Thái hay bất kỳ dân tộc nào khác. Brier và Hobbs giải thích công tác hậu cần:

“Nếu không nhờ hai tháng sông Nile dâng cao nhấn chìm đất nông nghiệp khiến gần như toàn bộ lực lượng lao động nhàn rỗi, thì không thể có công trình này. Vào khoảng thời gian đó, pharaoh cung cấp thức ăn để đổi lấy sức lao động và hứa hẹn sự đối đãi đặc biệt ở thế giới bên kia. Hàng năm trong vòng hai tháng, hàng chục nghìn lao động tập trung từ khắp cả nước để chuyên chở các khối đá đã được nhóm cố định khai thác trong suốt phần còn lại của năm. Giám sát viên tổ chức công nhân thành các đội, dùng xe trượt – thiết bị phù hợp hơn xe có bánh để di chuyển vật nặng trên nền cát. Một con đường đắp cao được bôi trơn bằng nước giúp kéo lên dốc dễ dàng hơn. Không có vữa để giữ các khối đá, chúng khớp với nhau quá chuẩn xác nên các cấu trúc khổng lồ này đã tồn tại hơn 4.000 năm.” (17-18)

Lũ lụt sông Nile hàng năm rất quan trọng đối với người Ai Cập vì nó lắng đọng phù sa màu mỡ từ đáy sông lên khắp các vùng đất nông nghiệp ven bờ, nhưng việc canh tác trong mùa lũ là bất khả thi. Chính phủ đã tạo công ăn việc làm cho nông dân bằng các công trình vĩ đại khi đất đai tạm nghỉ. Chính họ đã nỗ lực đổ mồ hôi để di chuyển những khối đá, dựng bia, xây đền đài, tạo nên những kim tự tháp tiếp tục mê hoặc và truyền cảm hứng cho con người ngày nay.

Tiếp tục khẳng định rằng những công trình này được tạo ra bởi những nô lệ bị ngược đãi vì sắc tộc là hành động coi thường nỗ lực và cả nền văn hóa vĩ đại của người Ai Cập. Sách Exodus trong Kinh thánh chỉ là một huyền thoại văn hóa, không nên coi là tài liệu lịch sử.

Đọc thêm:

https://lichsu.blog/luoc-su-nghe-thuat-ai-cap/
https://lichsu.blog/chu-viet-co-dai-tu-hanh-chinh-den-suc-manh-tam-linh/

Những nỗ lực không tưởng vì đại lăng mộ

Bao công sức lao động của cả dân tộc dường như đều được dồn vào việc xây dựng lăng mộ hoành tráng cho vị vua của họ – người được xem là trung gian giữa thần linh và con người, nên xứng đáng được yên nghỉ nơi tráng lệ nhất. Có vô số giả thuyết xoay quanh về mục đích ban đầu của Đại Kim Tự Tháp, từ những suy đoán huyền ảo cho đến hoàn toàn vô lý, và bạn có thể tìm hiểu sâu hơn ở những nguồn khác. Tuy nhiên, với người Ai Cập cổ đại, đây hoàn toàn là một lăng mộ, là ngôi nhà vĩnh cửu dành cho nhà vua.

Những ngôi mộ được khai quật trên khắp Ai Cập, từ bình dị nhất đến xa hoa bậc nhất như mộ của Tutankhamun, cùng rất nhiều bằng chứng khác, đã cho ta thấy rõ niềm tin của người Ai Cập vào cuộc sống sau khi chết cũng như sự quan tâm đến phần “linh hồn” trong thế giới mới. Vật dụng tuỳ táng luôn được đặt theo người quá cố, và trong những ngôi mộ giàu có hơn còn có văn khắc hoặc tranh vẽ trên tường (trong một số trường hợp, đây chính là các Kim Tự Văn). Đại Kim Tự Tháp đơn giản là “phiên bản” hoành tráng nhất của những ngôi mộ này.

Những người tranh cãi về ý kiến “Đại Kim Tự Tháp chỉ là lăng mộ” chỉ ra rằng chưa xác, châu báu hay dụng cụ tuỳ táng nào được tìm thấy bên trong. Tuy nhiên, lập luận này đã cố tình phớt lờ việc các lăng mộ khác liên tục bị trộm cắp trong suốt chiều dài lịch sử Ai Cập, từ thời xưa cho đến tận nay. Những nhà Ai Cập học từ thế kỷ 19 trở đi đã công nhận rằng Đại Kim Tự Tháp đã bị cướp phá từ thời cổ đại, rất có thể là vào thời Tân Vương Quốc (khoảng 1570-1069 TCN). Đó là khi nghĩa địa Giza bị thay thế bởi khu vực ngày nay được biết đến như Thung Lũng Các Vị Vua gần thành Thebes.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Giza bị quên lãng, có bằng chứng cho thấy các Pharaoh ở Tân Vương Quốc như Ramesses Đại Đế (trị vì 1279-1213 TCN) đặc biệt quan tâm đến khu vực này. Rameses II còn cho xây một ngôi đền nhỏ ở Giza trước tượng Nhân Sư như một biểu tượng vinh danh. Ngoài ra, con trai thứ tư của Ramesses II – Khaemweset – là người đặc biệt tâm huyết với việc gìn giữ các công trình tại đây. Khaemweset chưa từng trị vì nhưng nỗ lực phục chế các di tích trong quá khứ của ông thì rất nổi danh. Thực tế, ông được xem là “nhà Ai Cập học đầu tiên” trên thế giới nhờ những hoạt động bảo tồn, ghi chép, và phục chế các di tích cổ, nhất là tại Giza.

Hơn thế nữa, công trình khai quật Trục Osiris và những khu vực khác quanh Giza cho thấy nơi này vẫn có người lui tới trong suốt Vương Triều 26 thuộc Thời Kỳ Chuyển Tiếp Thứ Ba (khoảng 1069-525 TCN) và kéo dài tới Hậu Kỳ (525-332 TCN). Như vậy, Giza vẫn đóng vai trò nhất định trong suốt lịch sử Ai Cập, chỉ là không được chú tâm như trong thời Cổ Vương Quốc.

Nhà sử học Herodotus, viết vào thế kỷ thứ 5 TCN, ghi chép rằng Đại Kim Tự Tháp đã từng bị cướp phá. Khách tham quan thời nay khi vào Kim Tự Tháp cũng phải đi qua Đường Hầm Trộm Cắp được tạo nên vào khoảng năm 820 sau CN bởi Caliph al-Ma’mun nhằm moi hết châu báu bên trong. Trước và sau vị Caliph này, cũng có vô số kẻ trộm viếng thăm Kim Tự Tháp trước cả những đợt khai quật vào thế kỷ 19. Vì thế, dù báu vật từng được cất giữ trong Kim Tự Tháp vào thời Khufu có là gì đi nữa, chúng đã có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào, từ thời Cổ Vương Quốc đến tận sau này.

Một giả thuyết tái dựng việc kiến thiết Đại Kim Tự Tháp Giza

Đồng bằng Giza và các Kim Tự Tháp Sau Pharaoh Khufu

Sau khi Pharaoh Khufu băng hà, con của ông, Pharaoh Khafre (trị vì 2558-2532 TCN), lên ngôi và bắt đầu xây dựng kim tự tháp của mình ngay kế bên cha. Tiếp đến là Pharaoh Menkaure (trị vì 2532-2503 TCN), người cũng theo truyền thống xây dựng chốn an nghỉ ở Giza. Hai vị Pharaoh này, Khafre và Menkaure, cho xây các khu đền đài đi kèm, ví dụ như Đại Nhân Sư Sphinx được dựng lên dưới triều đại của Khafre, nhưng những công trình này đều có quy mô nhỏ hơn Đại Kim Tự Tháp của Khufu.

Không có gì ngẫu nhiên khi Đại Kim Tự Tháp là kim tự tháp đồ sộ nhất, còn hai kim tự tháp kế tiếp nhỏ dần. Lý do đơn giản: Triều đại Cổ Vương Quốc ngày càng cạn kiệt tài nguyên do dành quá nhiều tâm huyết và vật lực cho việc xây dựng. Người kế vị của Menkaure, Pharaoh Shepseskaf (trị vì 2503-2498 TCN), tuy có đủ ngân sách để hoàn thành quần thể kim tự tháp của cha nhưng lại không dư dả để xây khu lăng mộ cho mình. Ông được chôn trong một mộ mastaba khiêm tốn tại Saqqara.

Dù vậy, Giza vẫn giữ được tầm quan trọng và được triều đình cấp ngân quỹ để duy trì hoạt động. Giza trong nhiều thế kỷ là một khu dân cư trù phú với đền đài, cửa hiệu, chợ búa, nhà cửa và nền kinh tế vững chắc. Những ai ngày nay nhìn Giza như một tiền đồn bí ẩn và hoang vắng rõ ràng đang bỏ qua lịch sử hàng ngàn năm sinh tồn của nó.

Những tưởng tượng về Giza như một vùng đất kỳ lạ và biệt lập đã tạo tiền đề cho nhiều giả thuyết không phù hợp với bản chất thật sự của Giza vào thời nó được kiến tạo. Người ta đồn đại về những đường hầm bí ẩn dưới cao nguyên, bao gồm cả nơi gọi là Trục Osiris, dù các giả thuyết này đều đã bị bác bỏ.

Khu hầm ngầm phức tạp này rất có thể đã được đào để thờ thần Osiris, và cũng có thể nhưng không chắc chắn từng là nơi Pharaoh Khufu an nghỉ. Sử gia Herodotus có đề cập đến Trục Osiris (lúc đó không có cái tên này, mà do nhà khảo cổ Hawass đặt sau) khi mô tả phòng mộ của Khufu được miêu tả là có nước bao quanh.

Các cuộc đào hầm và buồng bên trong Đại Kim Tự Tháp đã tìm thấy những món đồ tạo tác có niên đại từ thời Cổ Vương Quốc cho tới giai đoạn Trung Vương Quốc thứ 3. Tuy nhiên, không có đường hầm nào được tìm thấy bên dưới khu lăng mộ. Thần Osiris, với vai trò chúa tể cõi âm, hẳn cũng được thờ phụng tại Giza. Ngầm mộ để tưởng nhớ vị thần này cũng không hề xa lạ với văn hóa Ai Cập cổ đại.

Mặc dù Đại Kim Tự Tháp Giza, cùng những kim tự tháp nhỏ hơn, đền thờ, và các công trình khác vẫn được dân Ai Cập tôn kính, khu lăng mộ dần rơi vào hoang tàn sau khi đế chế La Mã xâm lược và đô hộ vùng đất này vào năm 30 Trước Công Nguyên. Người La Mã dồn sức phát triển thành phố Alexandria và chú trọng vào nông nghiệp, biến Ai Cập thành một “rổ bánh mì” đúng nghĩa đen.

Bước sang thời hiện đại

Khu di tích cổ đại này gần như bị bỏ quên cho đến chiến dịch Ai Cập của Napoleon từ năm 1798-1801. Napoleon dẫn theo một đội học giả và nhà khoa học với nhiệm vụ ghi nhận nền văn hóa và công trình kiến trúc của Ai Cập cổ. Công việc của Napoleon đã thu hút những người khác cũng đến Ai Cập, truyền cảm hứng cho họ quan sát và triển khai những cuộc khai quật cho riêng mình.

Theo suốt thế kỷ 19, Ai Cập cổ đại trở thành tâm điểm thu hút những con người trên toàn thế giới. Cả những nhà khảo cổ chuyên nghiệp và không chuyên đều đổ về vùng đất này để khai thác hoặc khám phá nền văn minh cổ xưa này vì mục đích cá nhân hay nhân danh nghiên cứu khoa học. Đại Kim Tự Tháp lần đầu được khai quật chuyên nghiệp bởi nhà khảo cổ người Anh Sir William Matthew Flinders Petrie. Công trình nghiên cứu của ông đã đặt nền móng cho tất cả những ai theo sau cho đến tận ngày nay.

Flinders Petrie quan tâm đến việc khám phá từng khía cạnh của Đại Kim Tự Tháp, nhưng ông tuyệt đối không làm tổn hại đến công trình này. Các cuộc khai quật được tiến hành hết sức cẩn trọng, cố gắng bảo toàn tính xác thực lịch sử của kiến trúc mà ông đang nghiên cứu. Dù nghe có vẻ hợp lý ở thời nay, nhiều nhà thám hiểm châu Âu trước Flinders Petrie – cả chuyên và không chuyên – đã gạt bỏ mọi lo ngại về bảo tồn chỉ để truy tìm kho báu cổ xưa và mang hiện vật cho những nhà tài trợ của họ. Flinders Petrie đã đặt ra nền tảng nghiên cứu di tích cổ ở Ai Cập và vẫn được tôn trọng cho đến ngày nay. Nhờ vào tầm nhìn của ông mà chúng ta ngày nay mới có thể chiêm nghiệm và trân trọng Đại Kim Tự Tháp Giza.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s