Blog Lịch Sử

Israel cổ đại: lịch sử các vương quốc và triều đại của người Do Thái 

Kết quả khảo cổ và Thánh kinh giúp các học giả nối kết lịch sử của một trong những dân tộc bất hạnh nhất mà cũng vinh quang nhất của lịch sử loài người. 

By Kim Lưu
Nguồn: Livescience
lich su co dai israel

Kết quả khảo cổ và Thánh kinh giúp các học giả nối kết lịch sử của một trong những dân tộc bất hạnh nhất mà cũng vinh quang nhất của lịch sử loài người. 

Cụm từ “Israel cổ đại” dùng để chỉ các dòng tộc, vương quốc, và triều đại mà người Do Thái đã thiết lập tại vùng Levant (bao gồm nước Israel hiện đại, Palestine, Lebanon, Jordan, và Syria). 

Sơ sử 

Danh từ “Israel” xuất hiện sớm nhất trên một bia đá tìm thấy ở Thebes (Luxor ngày nay), dựng nên bởi pharaoh Merneptah của Ai Cập cổ đại, trị vị khoảng năm 1213TCN-1203TCN. Văn bản khắc trên đó kể về một chiến dịch quân sự trong vùng Levant, nói rằng vua Merneptah đã “bình định” toàn vùng “Israel” cùng với các vương quốc và thành bang khác trong vùng. 

Thánh kinh Do Thái (bộ Cựu Ước của Kitô giáo) khẳng định rằng người Do Thái đã tị nạn ở xứ Ai Cập trước khi xuất hành băng qua sa mạc, tiến vào vùng Levant, chiếm đất của các dân bản xứ, như người Canaan, rồi lập vùng định cư. Không rõ sự kiện ấy diễn ra thời điểm nào, nhưng có lẽ khoảng 3000 năm trước.  

Nhưng tính xác thực của Thánh kinh là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Một số học giả cho rằng không hề có sự kiện gọi là “xuất hành” của người Do Thái ra khỏi đất Ai Cập như mô tả trong thánh kinh, trong khi một số khác tin rằng sự kiện này xảy ra vào khoảng thiên niên kỷ thứ 2 TCN. 

James Hoffmeier, khảo cổ gia và giáo sư tại Đại học Quốc tế Chúa Ba Ngôi, Illinois, chỉ ra rằng dân trong vùng Levant đã sống ở Ai Cập cổ đại lúc này lúc khác trong suốt lịch sử của vương quốc này. Thành Ramesses cổ, nhắc tới trong cuộc xuất hành, từng tồn tại, và các nhà khảo cổ còn khám phá ra nó từng thịnh vượng nhiều thế kỷ trước thiên niên kỷ thứ 2 TCN, trước khi bị bỏ hoang khoảng 3,100 năm trước. 

Vua David 

Theo Thánh kinh, David làm vua Israel sau khi giết tên khổng lồ Goliath trong một trận chiến dẫn đến thảm bại của quân Philistine. Sau đó vua David thống lĩnh một loạt chiến dịch biến Israel thành vương quốc hùng mạnh, đóng đô tại Jerusalem. 

Vua David băng, khoảng năm 3000 TCN, con là Salomon kế vị, xây đền thờ Thiên Chúa mà ta gọi là đền Jerusalem Thứ Nhất. Đền thờ quàn Hòm Bia Giao Ước, trong đó có hai tấm bảng đá của Moses khắc 10 Điều Răn. Các chứng tích khảo cổ cho thấy còn có nhiều đền thờ nhỏ hơn trên khắp Israel. 

Thông tin về vị vua huyền thoại David của Do Thái chỉ có trong Thánh kinh. Một số mảnh vụn của tấm bia đá tìm thấy tại khu khảo cổ Tel Dan năm 1993, niên đại khoảng 2800 năm trước, có nhắc tới “Nhà David”. Tuy ý nghĩa những từ này không thực sự rõ ràng, nhưng cũng có thể coi là bằng chứng cho thấy sự tồn tại của nhân vật David. 

Nhưng thiếu bằng chứng khảo cổ chứng minh từng có một vị vua Davia cai quản một vương quốc rộng lớn. Jerusalem hồi đó dân số thưa thớt. 

“Qua hơn một thế kỷ khảo cổ tại Jerusalem, thủ đô vinh quang của Vương Triều Hợp Nhất Israel, ta không tìm thấy đủ bằng chứng thuyết phục về hoạt động xây dựng thời đó.” Giáo sư Finkelstein của Đại học Tel Aviv, cho biết. Ông là tác giả cuốn “One God? One Cut? One Nation: Archaeological and Biblical Persepectives” (NXB De Gruyter, 2010). Vương quốc của vua David có lẽ chỉ là một cái thành nhỏ, chứ không hào nhoáng như mô tả trong Thánh kinh. 

Hơn một thập kỷ trước một đội khảo cổ khai quật khu di tích Khirbet Qeiyafa 3000 năm tuổi, nằm về phía tây Jerusalem. Họ tin rằng khu vực này xưa là đất của David. Thậm chí còn khẳng định đã tìm thấy một cung điện rất có khả năng là của vua David. 

Phân chia bắc nam 

Sau khi vua Salomon băng năm 930, vương quốc chia hai, đàng trong và đàng ngoài. Phía bắc vẫn giữ tên gọi Israel, còn phía nam gọi tên mới là Judah, đặt theo tên chi tộc cai trị vương quốc này. Theo Thánh kinh, sưu cao thuế nặng, và chế độ phu dịch hà khắc là những nguyên nhân chính gây chia tách. 

Sau khi chia tách, vương quốc Israel đàng ngoài bị pharaoh Ai Cập Shishak đánh phá, vây thành Jerusalem và cướp bóc của cải mang về.  

Các thư tịch cổ cho biết thời kỳ này pharaoh Sheshonq I đang trị vị Ai Cập. Sheshonq dấy quân đánh vào Levant và xâm chiếm một số vùng định cư. Nhưng không rõ trong số đó có Jerusalem hay không. Nhiều học giả tin rằng cái tên Shishak và Sheshonq chỉ cùng một pharaoh. 

Vương quốc Israel và Judah cùng tồn tại trong khoảng 2 thế kỷ, và cũng thường xuyên đánh qua đánh lại. Israel còn đánh một nước không phải Do Thái khác là Moab, thuộc Jordan ngày nay. Một bia đá niên đại thế kỷ 9 TCN  do vua Moab dựng kể về xung đột giữa Israel và Moab. Hiện bia này nằm trong bảo tàng Lourve, Paris. 

Đế quốc Assyria 

Khoảng giữa thế kỷ 9 và 7 TCN, Đế quốc Assyria, bắc Iraq ngày nay, bành trướng tới tận biên giới Ai Cập. Trong quá trình đó, đế quốc này tiếp xúc với cả Israel lẫn Judah. Bia kỷ niệm của vua Shalmaneser III khẳng định một vua Israel tên Juhu đã bị buộc phải cống nạp cho vua Assyria Shalmaneser III (trị vì 745 đến 727 TCN). Cái bia này hiện trưng bày tại Bảo tàng Anh. 

Kinh thánh cho biết trong thời gian vua Pekah trị vì Israel, vua Assyria Tiglath-Pileser III (trị vì 745 đến 727) kéo quân đánh các thành phố Israel. Pekah bị hành thích năm 732 khi quân Israel liên tiếp thất bại. Vua mới Hoshea lên ngôi, cai quản những gì còn sót lại. 

Các trình thuật Thánh kinh cho biết Israel là một phần của cuộc chiến lớn hơn giữa Israel và Judah. Quân Assyria về phe Judah, còn vương quốc Aram về phe Israel. 

Hoshea buộc phải cống nạp cho người Assyria, Kinh thánh cho biết. Về sau ông này nổi loạn, nhưng bị các lực lượng Assyria dập tắt khoảng năm 723. Vương quốc Israel đến hồi kết, lãnh thổ còn lại bị sát nhập vào đế quốc Assysia. Nhiều người Israel bị câu lưu tại đế quốc này. Kinh thánh cho biết Judah là vương quốc cuối cùng của người Do Thái còn trụ lại, tuy phải triều cống cho Assyria. 

Năm 705, Sennacherib làm vua Assyria, kéo quân đánh Judah, vây thành Jerusalem năm 701. Cả Kinh thánh lẫn các thư tịch cùng thời đều có nói tới cuộc vây hãm này. Theo Thánh kinh, cuộc vây hãm kết thúc khi Taharqa, quân chủ Nubia và Ai Cập, đánh úp Sennacherib. Thánh kinh khẳng định rằng “Chính đêm ấy, thiên sứ của ĐỨC CHÚA ra đánh chết một trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Át-sua. Ban sáng, khi người ta thức dậy, thì kìa, toàn là thây ma xác chết.” (2 V 19,35) 

Thư tịch chữ hình nêm do người Assyria viết cũng nói rằng Sennacherib chiếm thành Jerusalem thất bại. Họ không nói rõ tại sao, chỉ nói Sannacherib mắc bẫy Hezekiah, vua Judah, tại Jerusalem như “chim mắc vào lồng”, nên vua Assyria chiếm các thành khác của Hezekiah. Thư tịch Assyria khẳng định Hezekiah phải trả mức bồi thường lớn cho vua Sennacherib để ông ta rút quân về nước. 

Judah sụp đổ và cuộc lưu đày Babylon 

Đế quốc Assyria thôn tích Judah bất thành. Hơn một thế kỷ sau cuộc vây thành Jerusalem, vua Babylon là nebuchadnezzar II đã chinh phạt hầu hết đất đai của Assyria, và một lần nữ vây thành Jerusalem. 

Thành bị chiếm năm 587, Đền Thờ bị phá hủy, cả thành phố gần như thành bình địa. Hầu hết người Judah bị mang về Babylon câu thúc. Thánh kinh lẫn thư tịch đương thời đều thuật lại các sự kiện này. 

Số phận Hòm Bia Giao Ước, vốn được thờ kính trong Đền thờ, hiện không rõ thế nào. Một số tác gia cổ đại nói rằng hòm bia đã bị đưa về Babylon, có người thì bảo nó đã bị giấu. Một thiên niên kỷ sau khi đền thờ sụp đổ đã có rất nhiều giai thoại xung quanh vị trí của hòm bia bị mất. 

Gần đây, một số bảng đất sét khắc văn tự chữ hình nêm xuất hiện ở Iraq tiết lộ ít nhiều chi tiết về những người Do Thái đào thoát. Nhiều bảng đất sét này bị các nhà sưu tầm tư nhân mua lại trên thị trường đồ cổ, làm dấy lên tin đồn rằng rất có thể chúng có chứa thông tin về hòm bia. 

Văn tự trên các tấm bảng nói rằng những người Do Thái sống tại ngôi làng tên là Āl-Yahūdu, làng Do Thái trong tiếng Akkad. Những tấm bảng này “do giới lục sự Babylon chép thuê cho các gia đình Do Thái sống ở Āl-Yahūdu và lân cận.” Kathleen Abraham, giáo sư Đại học Leuven, Bỉ, viết trong một bài báo năm 2011. 

Những tấm bảng này cho thấy dân lưu đày và các thế hệ con cháu của họ đã sử dụng ngôn ngữ và chữ viết địa phương, cũng như các thực hành pháp lý của Babylon chỉ ít lâu sau khi họ đến đây,” Abraham viết. 

Cuối cùng người Babylon lại bị đế quốc Ba Tư thôn tính năm 539 TCN, vua Ba Tư là Cyrus Đại Đế (mất khoảng 530TCN) cho phép người Do Thái hồi hương. 

Vương triều Hasmonean 

Đế quốc Ba Tư sụp đổ vào khoảng thế kỷ IV TCN, sau một loạt các thất bại quân sự trước Alexander Đại Đế, nhân vật lỗi lạc xây dựng một đế quốc rộng lớn từ Macedonia tới Afghanistan bằng con đường chinh phạt. Nhưng trước thời Alexander, các lực lượng Hy Lạp cũng đã đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ của Ba Tư, trong đó có Israel.  

Một chiếc mũ giáp có niên đại 2500 năm trước được tìm tháy ở cảng Haifa năm 2007 rất có thể thuộc về một người lính Hy Lạp đã tham gia những trận tấn công như thế. 

Đế quốc của Alexander nhanh chóng sụp đổ sau khi ông mất năm 323 TCN. Seleucus, một thân tướng, chiếm phần lãnh thổ cận đông và dựng nên một đế quốc khác, Israel nằm trong này. Đế quốc Seleucid, như cách gọi của sử gia hiện đại, cha truyền con nối trong dòng họ Seleucid được 250 năm. 

Đế quốc này suy yếu trong thế kỷ thứ 2 TCN. Khi đó, một dòng họ Do Thái có gốc từ tư tế Simon Maccabeus giành quyền tự chủ bán phần, và cuối cùng là độc lập hoàn toàn khỏi ách cai trị nhà Seleucids. Dòng Maccabeus thay nhau cai trị dân Do Thái, được sử gia hiện đại gọi là vương triều Hasmonean. 

Năm 100 TCN, vương triều Hasmonean giành quyền cai trị lãnh thổ từng là nước Israel và Judah, cùng các lãnh thổ khác chưa từng thuộc hai vương quốc này, chẳng hạn các vùng thuộc Jordan. 

Nhưng thành công của vương triều Hasmonean không kéo dài được bao lâu. Đế quốc La Mã trở nên hùng mạnh trong vùng Địa Trung Hải trong thế kỷ thứ nhất TCN, chiếm lãnh thổ ở xứ Anatolia cuối thế kỷ 2 TCN và đầu thế kỷ 1 TCN, áp sát đất đai nhà Hasmonean.  

Tướng La Mã, Gnaeus Pompeius Magnus, thường được gọi là Pompey Đại Đế, lợi dụng lục đục nhà Hasmonean đã khởi binh đánh vương triều này. Jerusalem thất trận trước Pompey năm 63 TCN. Từ đó, lãnh thổ mà vương triều Hasmonean cai trị trở thành thuộc địa của La Mã, do vua chư hầu Herod cai trị. 

Herod Đại Đế 

Tuy thôn tính đất đai của vương triều Hasmonean, nhưng La Mã không trực tiếp cai trị người Israel. Thay vào đó, họ cho phép các quân chủ người Do Thái tiếp tục trị vì các lãnh thổ như những chư hầu, hay phiên vương. 

Nổi tiếng nhất trong số này là Herod Đại Đế (73-4 TCN). Tướng La Mã Mark Antony là người ủng hộ Herod, và viện trợ quân sự cho ông này làm vua Judea. Đổi lại, Antony buộc Herod phải nhường đất cho Cleopatra VII. Những thông tin do Giáo sư sử học cổ điển Barry Strauss viết trong cuốn “The War That Made the Roman Empire: Antony, Cleopatra and Octavian at Actium” (Simon & Schuster, 2022).  

Vua Herod nổi tiếng nhờ các công việc kiến thiết. “Rõ ràng ông ấy [vua Herod] là một trong những nhà kiến thiết vĩ đại nhất trên vùng Đất Thánh, hoạch định và giám sát việc thi công các cung điện, pháo đài, rạp hát, đền thờ, bến cảng, và toàn bộ thành phố Caesarea, và trên hết là công cuộc tái thiết đền thờ Jerusalem,” Geza Vermes, giáo sư Do Thái Học tại Đại học Oxford, Anh, viết trong sách “The True Herod” (Bloomsbury, 2014). 

5/5 - (3 votes)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s