Blog Lịch Sử

Tìm hiểu về kịch Nô (Noh) của Nhật Bản

Nô là một nghệ thuật tôn giáo vì mục đích trước tiên là để giao lưu với thần thánh (cầu khấn và cảm ơn). Qua trung gian của môi thể thiên nhiên, thần thánh khi thì giận dữ gieo tai ách

Trước tiên, Nô là một nghệ thuật tôn giáo vì mục đích trước tiên là để giao lưu với thần thánh (cầu khấn và cảm ơn). Qua trung gian của môi thể thiên nhiên, thần thánh khi thì giận dữ gieo tai ách (hạn hán, bão tố lũ lụt, động đất…) khi thì hiền hòa, gia ân (mưa nhuận, nắng lành, trúng mùa…). Tôn giáo cơ sở của Nhật Bản là Thần Đạo (các thần đại diện cho sức mạnh thiên nhiên, tinh linh cây cỏ và các anh hùng dân tộc) nhưng trong Nô hãy còn có một bộ phận quan trọng là Phật giáo (Mật Tông, Thiền, A Di Đà). Đó là chưa nói đến ảnh hưởng không nhỏ của Lão Trang và Nho giáo.

Thứ đến, Nô là một nghệ thuật dân gian vì qua các buỗi diễn trong lễ hội như Dengaku (Điền nhạc), thắt chặt mối liên hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân với đoàn thể (xã hội nông nghiệp). Đó cũng là cơ hội để tiêu khiển, phát tán ẩn ức và năng lượng dư thừa.

Ba nữa, Nô là một nghệ thuật văn chương vì nó biết vận dụng các nguồn văn học như văn thơ kịch và các nghệ thuật tu từ của dòng thơ Waka dựa trên khả năng liên tưởng (các thủ pháp makura-kotoba, kakekotoba, engo, kotowaza…), các điển cố trong văn chương chữ Hán đến từ các tác phẩm Trung Quốc (Hán thư, Sử ký Tư Mã Thiên, Đường thi…). Chúng là những công phu để đưa một nghệ thuật từ trạng thái thô phác lên một tầm cỡ tinh vi.

Bốn đến, Nô là một nghệ thuật được một giai cấp xã hội đặc biệt là giới vũ sĩ yêu chuộng vì nó thích hợp với nhân sinh quan của họ và đem đến cho những cuộc đời luôn luôn phải trực diện cái chết một niềm an ủi về khả năng cứu độ trong một kiếp sau.

Thứ năm, Nô là một nghệ thuật trình diễn phức hợp (ca, vũ, nhạc, kịch) với mục đích bắt gặp cái đẹp trong tổng thể của nó. Nhìn những y trang cũng như vũ khúc thì đủ rõ. Trong diễn xuất, Nô còn đặt một mục đích có tính siêu hình nghĩa là đi tìm cái “hana” tức tinh hoa của nghệ thuật.

Một đặc điểm khác của Nô là “độc diễn chủ nghĩa”. Không có sự quân bình giữa các vai. Waki chỉ dắt truyện còn kỳ dư Shite độc chiếm sân khấu. Nô cũng có hình thức giống như Rakugo, trong đó người diễn trò có cơ hội nói huyên thiên từ đầu đến cuối và đóng nhiều vai khác nhau.

Nô là một nghệ thuật giản lược trong hình thức, nó có tính tượng trưng nên phải dựa vào nhiều qui ước. Người dự khán phải hiểu ý nghĩa của từng động tác đã cố định hóa (vào khuôn khổ) thì mới thấm thía được ý nghĩa bên ngoài lời nói của vở tuồng.

Khi xem Nô, người ta thường thấy thời gian lẫn lộn vào nhau chứ không có một sự nhất trí như trong kịch Tây phương. Bắt đầu với hiện tại, nó có thể thụt lui vào quá khứ và sau đó trở lại với hiện tại. Nó giống như những flashback thấy nơi điện ảnh

Nô có hai hình thức: Nô mộng huyễn và Nô hiện tại. Thế nhưng về mặt trình diễn thì chúng có điểm chung là cùng sử dụng thủ pháp độc thoại. Một điểm đáng chú ý khác là cách xưng hô trong Nô rất mơ hồ, có khi nhân vật dùng cả ngôi thứ ba đễ nói về mình. Ngày xưa còn có loại Takigi Nô 薪能diễn vào ban đêm dưới ánh đuốc và ở ngoài trời như muốn tô đậm thêm nét tính chật huyền ảo và tôn giáo của sân khấu.

Phát triển của thiết kế sân khấu Nô

Sân khấu trình diễn, múa hát của Nô gọi là Butai (Vũ đài).Thường là một một cái bục rộng và cao đặt trước sân đền chùa, trên bãi cỏ hay bên bờ nước và làm bằng gỗ. Ngày xưa có một thời kỳ nó được thiết kế theo hình bầu dục đặt nằm theo chiều dọc. Điểm nhọn phía trước dính liền với buồng trò, nơi diễn viên bước vào sân khấu. Điểm nhọn phía sau là chỗ vị khách quí là Shôgun, phu nhân của ông và đoàn tùy tùng nam nữ ngồi dự khán. Khán giả khác thì vây chung quanh theo hình bán nguyệt. Ngày nay, sân khấu đã nhất loạt trở thành một cái sàn với bốn cạnh vuông vức như thấy dưới đây:

Dàn dựng sân khấu kịch Noh

Xin được trình bày sân khấu bên trên theo thứ tự từ trái sang phải: 

Kagami-no-ma: 鏡の間Buồng kính tức là buồng trò. Đằng sau buồng trò là Gakuya楽屋, nơi diễn viên chuẩn bị hoặc nghỉ ngơi.

Agemaku: 揚幕hay Kirimaku切幕. Màn ngăn buồng trò với một hành lang gọi là Hashigakari.

Hashigakari: 橋掛Hành lang giống như chiếc cầu bắc từ buồng trò dẫn đến sân khấu, nơi các diễn viên từ đó bước vào. Hành lang này còn là một không gian diễn xuất nữa.

Ba cây tùng: San no matsu: 三の松Cây tùng thứ ba. Ni no matsu: 二の松 Cây tùng thứ hai. Ichi no matsu: 一の松Cây tùng thứ nhất. Đặt ra với mục đích chỉ định vị trí của diễn viên khi trình diễn.

Waki no shômen kensho: 脇の正面見所Chỗ ngồi của khán giả đối mặt với Wakiza (tức chỗ ngồi của vai Waki).

Kagami-ita: 鏡板Tấm phông trên sân khấu, đặt sâu vào trong, trên đó có một cây tùng già (Oimatsu老松) tượng trưng cho thời gian trường cửu.

Atoza: 後座Chỗ ngồi của giàn nhạc: Giàn nhạc ngồi sâu trên sân khấu đằng trước chỗ có cây tùng già. Nhạc cụ gồm trống lớn đặt trước mặt, trống nhỡ, trống con trên vai hay bên hông và ống tiêu.

Kiridoguchi: 切戸口Cửa ngăn bên hông sân khấu và là lối ra vào của nhạc công hay ban hợp xướng. Nó nằm bên tay phải khi nhìn từ vị trí khán giả, đối diện với lối ra vào từ tay trái của diễn viên. Còn gọi là Kirido切戸 (Cửa chia cắt), Wasureguchi 忘口(Cửa bỏ quên) hay Okubyôguchi臆病口 (Cửa đi trốn).

Jôza: 常座Chỗ ngồi qui định của Shite (vai chánh) ở phía tay trái trên sân khấu (khi nhìn từ phía khán giả) để vai này trở về tạm nghỉ sau một động tác trình diễn.

Shirasu: 白洲 “Sân cát trắng” bên dưới sàn sâu khấu, ngăn cách diễn viên với khán giả (ngày nay “cát” chỉ có tính tượng trưng dù có nơi, bãi cát trang trí đẹp như trong một chùa Thiền)

Kensho: 見所Chỗ khán giả ngồi xem.

Kizahashi: 階bậc thang cấp ở chính diện để lên xuống sân khấu.

Jiutai-za: 地謡座Chỗ ban hợp xướng hát các bài theo kiểu dân ca gọi là Jiuta (Địa dao) ngày xưa các con hát mù hát rong hát với đàn shamisen. Ban hợp xướng có từ 8 đến 12 người ngồi thành hàng bên lề phải của sân khấu. Một nhiệm vụ của ban hợp xướng là hát ca từ của các vai khi đang những người này đang bận múa để giúp họ thong thả trong động tác.

Yosumi: 四隅bốn góc cột (hashira) 柱: (A) Fue-bashira (Cột của người thổi tiêu; (B) Waki-bashira (Cột của vai Waki); (C) Sumi-bashira ( hay Metsuke-bashira): (Cột mà diễn viên nhìn vào và dùng làm mốc để sửa lại cho đúng vị trí của mình trên sân khấu vì mặt nạ thường làm cho tầm nhìn của họ bị giới hạn) ; (D) Shite-bashira (Cột của vai Shite); (E) Kyôgen-bashira (Cột của vai Ai Kyôgen); (F): Koken (Cột của người dọn đạo cụ); (G): Arashi Mado: (Cửa nhỏ gần cánh màn buồng trò).

Các soạn giả chính

Soạn giả viết Nô có không ít nhưng số tuồng không rõ soạn giả thì rất nhiều. Dù sao, ta vẫn có thể nêu tên tám nhân vật được xem là xuất sắc hơn cả:

1) Kan.ami Kiyotsugu 観阿弥清次 (Quan A Di, Thanh Thứ, 1333 -1384)

Ông họ Hata秦, sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề thầy dạy Sarugaku vùng Yamada trong xứ Yamato. Ông đã đem yếu tố múa với những ca vũ kịch có tên là kusemai vào Yamato Sarugaku của mình xưa nay vốn chỉ trọng lối diễn xuất có tính hiện thực và sự thú vị trong tình tiết của bản tuồng (serifu). Với hình thức đổi mới này, Kan.ami trở thành đầu lãnh (dayuu) của gánh Yuusaki (sau này sẽ trở thành gánh Kanze) và tham dự trình diễn ở các nghi lễ chùa chiền như tại Kôfukuji (Hưng Phúc Tự) vùng Kyôto. Năm 1375, khi diễn ở đền Imagumano, hai cha con ông được Shôgun Ashikaga Yoshimitsu ưu ái nâng đỡ nên đã xác định được vị trí trên trước của gánh mình trong giới Sarugaku. Con trai ông là Zeami hầu như đã tiếp nhận và phát triển những ý tưởng cơ bản của ông và ghi lại chúng trong tác phẩm lý luận về mỹ học Nô nhan đề Fuushikaden (Phong Tư Hoa Truyền). Trong tác phẩm đó còn có chép lại 3 vở tuồng của Kan.ami là Sotoba Komachi, Jinen Koji và Kayoi Komachi (1). 

2) Zeami Motokiyo 世阿弥元清 (Thế A Di, Nguyên Thanh, 1363-1443?)

Đầu lãnh thứ hai của gánh Kanze và là con trai của Kan.ami Kiyotsugu. Tên hồi nhỏ của ông là Oniyasha (Quỷ Dạ Xoa), còn gọi là Fujiwaka (Đằng Nhược). Lớn lên ông mới xưng tên Zaemon Dayuu Motokiyo. Năm 12 tuổi khi theo cha trình diễn ở đền Imagumano được Shôgun trẻ (18 tuổi) là Yoshimitsu yêu mến vì dáng vẻ đẹp trai và tư chất thông minh. Về sau ông đã tập đại thành hình thức Nô đặc sắc mệnh danh Ca vũ u huyền (Kabu Yuugen Nô). Một phần ba các tuồng lưu hành bây giờ là do ông sáng tác hay cải biên từ những vở tuồng cổ. Ông có kiến thức sâu rộng và biết sử dụng nó một cách phóng khoáng nên đã tổng hợp cái hay cái đẹp của người đi trước làm tăng thêm giá trị cho Nô của mình và đã để lại nhiều danh tác. Chẳng những thế, ông còn viết nhiều truyền thư về mỹ học Nô ví dụ Fuushi Kaden (Phong Tư Hoa Truyền), Kakyô (Hanakagami, Hoa Kính), Shikadôsho (Chí Hoa Đạo Thư), Shuugyoku Tokuka (Thập Ngọc Đắc Hoa) cũng như gom góp những lời phê bình của mình về Nô trong một tác phẩm khác có tên là Sarugaku Dangi (Thân Nhạc Đàm Nghi) (2). Ông gặp khó khăn từ năm 1429, khi Shôgun Yoshinori (Nghĩa Giáo) lên cầm quyền. Ông bị tước quyền diễn Nô trong Sendô Gosho tức hành cung của Thái Thượng Hoàng. Thế rồi người con trai đáng lẽ nối nghiệp ông là Motomasa (Nguyên Nhã) lại chết yểu và chính bản thân ông sau đó cũng bị lưu đày ra ngoài đảo Sado, không có ngày về. 

3) Kanze Juurô Motomasa 観世十郎元雅 ( Quan Thế Thập Lang Nguyên Nhã, ? – 1432)

Đích tử của Zeami, chết sớm. Thay cho lời ai điếu Motomasa, Zeami từng viết trong Museki Isshi (Mộng Tích Nhất Chỉ) rằng: “Tuy anh ấy là con ta đấy nhưng phải nói Motomasa là nhân tài có một không hai”.Trong Kyakuraika (Khước Lai Hoa), ông lại bình phẩm: “Motomasa biết tận đến cái chỗ uyên áo của đạo”. Năm 1342, Motomasa qua đời ở Ano no Tsu, một cái bến vùng Ise lúc mới 30-35 tuổi. Tác phẩm còn lưu lại có các vở Sumidagawa, Morihisa, Yoroboshi, Utaura là những khúc hiện hành cùng với Yoshinoyama, một phế khúc (tuồng không còn được đưa lên sân khấu nữa) hay Matsugasaki, một vở khác nhưng ngày nay đã thất lạc. Hầu hết tác phẩm của Motomasa là những vở Genzai Nô (Nô hiện tại tức là loại Nô với chủ đề hiện thực đời thường, trái ngược với Mugen Nô vốn có tính huyền ảo, ma quái). Qua đó, chúng ta thấy Motomasa có ý hướng thoát ra khỏi ảnh hưởng Nô mộng huyễn của cha và ông nội. Người con mồ côi của Motomasa – cũng tên là Kanze Juurô – sau đó đã trở thành ông tổ của trường phái gọi là Ochi Kanze. 

4) Komparu Zenchiku 金春禅竹 (Kim Xuân Thiền Trúc, 1405-1470?)

Là đầu lãnh gánh Komparu.Tên thật là Ujinobu (Thị Tín) và là con rể của Zeami. Ông là người được Zeami truyền thụ cho hai truyền thư Rikugi (Lục Nghĩa) và Shuugyoku Tokuka (Thập Ngọc Đắc Hoa). Ông lấy Nara làm trung tâm hoạt động và đi diễn ở các vùng lân cận như Ômi, Kawachi, Tamba. Đã xây dựng được cơ sở cho trường phái Komparu. Ông cũng viết nhiều nghị luận về Nô ví dụ như Go.on no Shidai (Ngũ Âm Chi Thứ Đệ), Kabu Zuinô no Ki (Ca Vũ Tủy Não Ký), Rokurin Ichiro no Ki (Lục Luân Nhất Lộ Ký), Shidô Yôshô (Chí Đạo Yếu Sao), Meishukushuu (Minh Túc Tập). Ông muốn đúc kết Ca đạo (Lý luận thơ Waka) và quan điểm về thế giới của nhà Phật để tạo ra cơ sở một lý luận mới và độc đáo cho riêng mình.Tác phẩm của ông có khoảng 10 vở trong đó có Teika, Bashô, Ojio, Ugetsu và Yôkihi. Trong đó ông trình bày một cách cụ thể cấu tạo của cái đẹp mà trước đó, ông đã tìm tòi qua lý luận. 

5) Kanze Kojirô Nobumitsu 観世小次郎信光 (Quan Thế Tiểu Thứ Lang Tín Quang, 1450-1516)

Là con trai thứ 7 của On.ami Motoshige (Âm A Di Nguyên Trọng). Ban đầu ông chuyên chơi trống lớn trong gánh nhà, sau lên đến chức Gon no Kami tương đương với phó ban. Đến khi người anh và cũng là dayuu đời thứ 4 của Kanze là Masamori (Chính Thịnh) qua đời, con của ông này cũng yểu tử, đứa cháu trực hệ lại quá nhỏ để có thể gánh vác đại sự, ông phải đứng ra phò tá để cứu nguy. Nobumitsu được xem như là người đã sáng tác các vở hiện đang lưu hành như Tamanoi, Orochi, Kusenoto, Kochô, Yoshino Tennin, Yuugyôyanagi, Funa Benkei, Koremochi (một cái tên khác của Momijigari), Rashômon, Kôtei. Đó là chưa kể các vở Tomoe Sono, Taisei Taishi hay vở kịch gốc của Dôjôji lúc đó còn mang tên là Kanemaki. Ngược lại, vở Ataka xưa nay vẫn được coi là của ông thì nay bị nghi là do người khác viết. Đặc điểm của Nobumitsu là ông viết nhiều Genzai Nô tức loại Nô có tính hiện thực (nói về cõi người chứ không phải thế giới u linh). Ông đưa lên sân khấu nhiều nhân vật hơn, dùng phông cảnh trang trí (tsukurimono) và đạo cụ (dôguu) đẹp đẽ hơn, giúp vai phụ là Waki diễn xuất sinh động hơn, tạo cơ hội cho Maejite múa ngay trong màn đầu như trong trường hợp các vở Funa Benkei hay Momijigari. Do đó, Nô của ông được xem là năng động, dễ hiểu, nên được đại chúng yêu chuộng. Nhờ vậy ông đã thành công trong sứ mệnh giúp đỡ người Dayuu non trẻ vực dậy gánh hát nhà. Cần nói thêm rằng vở Nô mộng huyễn Yuugyôyanagi của ông cũng đầy tình thơ, Điều này cho ta thấy thêm bộ mặt khác của tài năng ông. 

6) Komparu Zempô 金春禅鳳 (Kim Xuân Thiền Phượng, 1454-1530?)

Ông giữ chức dayuu của gánh Komparu và là cháu nội của Zenchiku.Tên thật của ông là Motoyasu (Nguyên An). Khoảng năm 1501-1504, ông đã đưa gánh rời Nara để lên Kyôto và diễn nhiều đợt Kanjin Nô để phát triển trường phái Komparu. 

Nô của ông thường nhẹ nhàng, tiêu biểu là các vở Arashiyama, Ikuta Atsumori, Hatsuyuki, Ikkaku Sennin…Ngoài ra ông còn trước tác Môtan Shichinshô (Mao Đoan Tư Trân Sao = Sao chép quí báu đầu ngọn bút lông) và tập nghị luận vè nghệ thuật có nhan đề Zempô Zatsudan (Thiền Phượng Tạp Đàm).Cả hai gồm những lời giải thích cụ thể về diễn xuất của Zempô, chúng xứng đáng được xem như những sử liệu quí báu về Nô.

7) Kanze Yajirô Nagatoshi 観世弥次郎長俊Quan Thế Di Thứ Lang Trường Tuấn, 1488-1541)

Ông là trưởng nam của Kojirô Nobumitsu.(Tín Quang). Trong gánh Kanze, ông chuyên đóng vai Waki. Khi Dayuu đời thứ 7 là Mototada (Nguyên Trung) lên nhậm chức thì còn quá trẻ nên ông phụ tá và chỉ đạo, nhiều khi phải thay mặt để đóng vai Shite. Theo lời ông trực tiếp đọc cho người khác vghi lại trong Nôhon Sakusha Chumon (Năng Bản Tác Giả Chú Văn = Danh sách các soạn giả tuồng Nô) thì ông chính là soạn giả của các vở hiện lưu hành,trong đó có Rinzô, Ôyashiro, Shôzon và Enoshima. Ông còn viết các vở Kawamizu, Hanaikusa, Okazaki và Oya-makase nữa. Đặc sắc của Nô Nagatoshi là tính cách lộng lẫy trong hóa trang và phục sức. Nó đã được biểu lộ trong các tình huống như khi chư thần và dị vật bước lên sân khấu các vở Rinzô, Ôyashiro hay Enoshima. 

Với ông, tính cách tiêu khiển của một buổi nhạc hội (show, spectacle) mà khán giả mong đợi chắc chắn được đảm bảo. Điều này, ông đã thừa hưởng từ tác phong của cha mình. Ông không đặt trọng tâm vào vai Shite nhưng cân nhắc để giữ thế quân bình cho mọi vai phụ, ngay cả vai Ai trong Kyôgen cũng nhờ thế mà trở nên năng động hơn.

8) Miyamasu (Cung Tăng) 宮増

So với các soạn giả khác thì Miyamasu là một con người đầy bí ẩn. Tên tuổi, năm sanh tháng đẻ đều không ai biết đến. Có lẽ vì ông nằm trong một gánh hát nhỏ và diễn ở những vùng sâu vùng xa chăng?. Dù vậy, các sách bàn về Nô đáng tin cậy ra đời vào cuối đời Muromachi như Jikadenshô (Tự Gia Truyền Sao) hay Nohon Sakusha Chuumon (Năng Bản Tác Giả Chú Văn) đều có ghi ông là soạn giả của 30 vở tuồng trong đó có Himuro, Kurama Tengu, Eboshiori… Các tư liệu khác lại còn chép rằng ông sở trường đóng vai Waki và là đầu lãnh của một gánh Yamato Sarugaku nhưng những điều này chưa có thể kiểm chứng. Tuy nhiên, có vẻ ông viết nhiều vở Nô lấy hứng từ Soga Monogatari (Truyện Soga), tác phẩm nói về cuộc phục thù của anh em nhà Soga. Ngoài ra, tuồng của ông đậm đà tình người, có lẽ điều này đến từ kinh nghiệm gặt hái trong lúc lưu diễn ở những địa phương xa xôi của cá nhân ông. 

Các loại tuồng

Nô có thể được phân loại theo nhiều loại tùy theo quan điểm và mục đích. Sau đây là một vài tiêu chuẩn đã được dùng để phân loại:

1) Phân loại theo nhân dáng, ví dụ chia thành các nhóm người già, chiến sĩ, quỷ, thần, nam, nữ, đàn bà điên, quái vật. 

2) Phân loại theo tính chất, chủ đề và cấu tạo của bản tuồng, chẳng hạn Nô kiểu đơn, Nô kiểu kép (phức hợp), Nô mộng huyễn, Nô hiện tại, Nô phong lưu, Nô kịch tính, Nô nhân tình thế thái, Nô cố chấp, Nô chúc phước. 

3) Phân loại theo kỹ thuật diễn xuất: Nô vũ, Nô nhạc, Nô ác, Nô đói khát, Nô ốm yếu, Nô hoa hòe, Nô đạm bạc. 

4) Phân loại theo tổ chức trình diễn: Mục thứ nhất, mục thứ hai, mục thứ ba, mục thứ tư và mục thứ năm (xem lời giải thích trong đoạn sau). 

5) Phân loại theo mùa (tứ quí: xuân, hạ, thu, đông) 

6) Phân loại theo sự yêu chuộng nhiều hay ít của khán giả: Nội bách ban (100 vở chính) và ngoại bách ban (100 vở phụ). 

7) Phân loại theo trình độ: Nô luyện tập và Nô truyền thừa. Loại thông thường (Hiramono), loại dành cho lúc học tập (Naraimono), loại chuyên tập (Omonarai). 

8) Gần đây lại có khuynh hướng phân loại tổng hợp ví dụ một vở tuồng có thể dựa một lượt trên các tiểu chuẩn (1), (2) và (3). Thế nhưng cách phân loại kiểu số (4) hay Gobandate là phổ biến hơn cả: 

Gobandate五番建 được trình bày theo hệ thống năm tiết mục được diễn liên tiếp trong một buổi theo thứ tự các lớp độc lập như (1) Thần神, (2) Nam男, (3) Nữ女, (4) Cuồng狂, (5) Quỷ鬼. Cách phân loại này dựa trên quan niệm Tự (giáo đầu), Phá (khai triển) Cấp (kết thúc) của Zeami về việc sắp xếp một buổi diễn Nô. Nó sẽ phải bắt đầu với Tự 序(Thần), sau đó đến Phá 破gồm 3 tiết mục (Nam, Nữ, Cuồng) và kết thúc với Cấp急 (Quỷ) :

1) Lớp đầu tiên (Shobanme) có các tuồng gọi là Kami mono hay Waki mono. Nó vốn có tính cách thứ yếu (Waki = bên cạnh) chỉ dùng để chúc phước quan khách và khán giả hơn là phô diễn tình tiết nghệ thuật. Có khi người ta lược bỏ phân nửa, chỉ giữ lại phần sau, và lúc đó gọi là Bán Năng (Nô phân nửa), với thời lượng ngắn hơn. Nô lớp 1 này còn được gọi là Kami Nô (Thần Năng) bởi vì nhân vật xuất hiện đầu tiên (Maejite) là hóa thân của một vị thần trong hình dáng một lão ông, sau đó (Nochijite) mới hiện ra trong hình ảnh của vị thần. Nội dung của nó nhằm chúc tụng thiên hạ thái bình, quốc thái dân an và trường thọ. Đại biểu cho loại tuồng này là các vở Takasago, Oimatsu, Kusenoto, Arashiyama, Yumiyawata, Saoyama, Naniwa, Tamanoi, Shirahige vv…. Các vị thần ở đây có thể Long vương, các hung thần, các nữ thần và các vị thần dị vật. Có thuyết cho rằng lão ông (Okina) ra chúc mừng là hiện thân của người chủ rạp muốn chào mừng quan khách đến xem. 

2) Lớp thứ hai (Nibanme) gồm các tuồng có nam tính tên Shura mono vì chuyên đề cập đến cảnh chém giết dưới địa ngục A Tu La. (Shura). Nội dung nói về các vũ sĩ lúc sinh thời phạm tội giết người khi chết bị đọa xuống nơi này, cứ phải hồi tưởng lại cảnh chiến đấu và khổ sở vì dù chết đi sống lại vẫn cứ phải tiếp tục chém giết, không sao thoát ra được. Ngoài vở Tamura có nguồn gốc khác, hầu hết là những tuồng bắt nguồn từ chiến sự giữa hai nhà Genji và Taira. Tiêu biểu cho loại này có các vở Atsumori, Tadanori, Sanemori, Yorimasa, Yashima, Kiyotsune, Kanehira, Tamura, Tomoakira vv… 

3) Lớp thứ ba (Sanbanme) gồm các tuồng có tên Kazura mono. Kazura có nghĩa là mái tóc đẹp (xum xuê như một bụi hoa giây). Do đó không lạ gì mà nhân vật chính của nó thường là những mỹ nữ và tuồng thường kèm theo nhiều điệu vũ làm tăng cảm xúc cũng như đậm đà màu sắc u huyền. Mỹ nhân ở đây không những là các công nương thời vương triều nhưng có khi còn là tinh linh hay hồn ma cây cỏ. Không chỉ dành riêng cho phụ nữ. Có khi nhân vật lại là đàn ông đẹp trai như vương tử Narihira hay mang dáng vóc già nua nhưng thanh nhã như cây liễu già thành tinh nữa. Tiêu biểu cho loại này có các vở Izutsu, Teika, Uneme, Matsukaze, Futari Shizuka, Sekidera Komachi, Eguchi, Hajitomi, Obasute, Saigyôzakura, Yuugyôyanagi vv… 

4) Lớp thứ tư (Yonbanme): Tương ứng với các vở gọi là Cuồng trong hệ thống Thần, Nam, Nữ, Cuồng, Quỷ. Tuy nhiên nó còn bao gồm các vở nằm bên ngoài những tuồng đặt trọng tâm vào tính cách cuồng loạn của nhân vật. Có thể xem đây là một loại Nô linh tinh, hỗn tạp và có tính hiện thực, bàn về những chuyện xảy ra trong đời thường (Genzai mono, Sewa mono). Thường thì nó khai thác những chủ đề như cuồng điên vì thương nhớ, vì mất mát hoặc vì cố chấp mà cứ bám víu vào một người nào hay một vật gì. Không chỉ có loại Nữ cuồng mà cả Nam cuồng nữa. Trong loại hình này có nhiều tuồng đậm đà màu sắc văn học. Về những danh tác trong loại tuồng này phải kể đến Hanjo, Hyakuman, Hanagatami, Sakuragawa, Sumidagawa, Semimaru, Hibariyama, Ashigari, Akogi, Fujito vv…Các vở Zatsunô (Tạp Nô) xếp vào mục này là Makiginu, Aridôshi, Ugetsu, Rinzô và Sagi. 

5) Lớp thứ năm (Gobanme): Còn được gọi là Kirinô hay Nô chấm dứt (kiri) chương trình, Onimono (Nô nói về quỷ sứ hay dị vật). Nó được dùng để kết thúc buổi diễn. Nhân vật chính của các vở này thường là những vị khách đến từ bên ngoài cõi người như từ trong núi sâu, từ dưới đáy nước hay từ cung trăng. Tiếng là dị loại nhưng có lúc họ là các vong linh hay những kẻ chỉ tạm làm người trong một thời gian trước khi trở về với thế giới phi nhân gian của mình. Về quỷ thì có các vở Nue, Sasshôseki, Ukai, Nomori, Shari, Raiden…Về trị quỷ và cầu đảo thì phải kể đến Momijigari, Funa Benkei, Taizanpukun, Ôeyama, Rashômon…Về các quí nhân thì có Tôru, Suma Genji, thuộc loại nữ bồ tát thì có Ama và Taema. Đó là chưa kể các vở mà giống dị vật như chiếc cầu đá và con đười ươi (tinh tinh) đóng vai chính như như Shakkyô và Shôjô… Cũng cần lưu ý là có những vở tuồng mang đặc tính của nhiều nhóm một lượt. Chẳng hạn Miwa được xem như tuồng xếp vào lớp (4) nhưng lại có đặc tính của hai lớp (3) và (4). 

Các vở tuồng cơ bản

(được in đậm là tên những vở nổi tiếng) 

Một vở kịch Nô

Sau đây là một số thông tin sơ khởi về nội dung của những vở tuồng cơ bản nghĩa là tuồng hay được trình diễn. Để cô đọng hơn, chúng tôi đã lược đi những thông tin về địa điểm (vùng, địa phương) và thời điểm (mùa, tháng), áo xống phải mặc cũng như thời gian cần thiết (độ dài).

Aisomegawa 藍染川 (Lớp 4 và 5) (Soạn giả: không rõ): Nói về chuyện một người đàn bà bị đánh ghen, chết oan khuất (trầm mình dưới sông Aisomegawa) sau chư thần được rước về trời. 

Akogi 阿漕 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami?) :Truyện một ngư phủ ở vùng biển Akogi vì đánh trộm cá dành vào việc cúng thần nên bị bắt tội và dìm dưới nước, xuống địa ngục, không được siêu sinh. 

Ama 海人 (Lớp 5) (Soạn giả: không rõ):Truyện một vị đại thần đi tìm tông tích người mẹ của mình xuất thân là thợ lặn (ama) ở vùng Shido (Sanuki). 

Aoi no Ue 葵上 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami cải biên): Truyện Công nương Aoi, vợ của ông hoàng Genji Hikaru, bị nàng Rokujô (một tình nhân lớn tuổi của chồng) vì ghen tuông nên dày vò tinh thần đến điên loạn.(Xuất xứ: Truyện Genji). 

Ashigari 芦刈 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami cải biên): Truyện một người đàn ông lưu lạc, cắt lau độ nhật, sau được đoàn tụ với vợ mình. 

Ataka 安宅 (Lớp 4) (Soạn giả: Nobumitsu?): Truyện thày trò tướng Yoshitsune và tùy tùng là Benkei trên đường bôn đào, phải giả làm thày tu để vượt qua ải. Ataka là tên của cửa ải ở vùng Ishikawa, gần bờ biển phía tây Nhật Bản.(Xuất xứ: Gikeiki tức Nghĩa Kinh Ký) 

Adachigahara 安達ケ原 (xem Kurozuka)

Arashiyama 嵐山 (Lớp 1) (Soạn giả: Zempô?): Ca tụng phong cảnh vùng Arashiyama ở Kyôto nơi có hoa anh đào đẹp vì đã được chiết giống từ rừng núi Yoshino (nơi anh đào đẹp nhất nước) về trồng.

Aridôshi 蟻通 (Lớp 1 & lớp 4) (Soạn giả: Zeami): Kể về chuyến viếng thăm (trong tưởng tượng) đền thần Sumiyoshi – ông tổ Waka – của Ki no Tsurayuki, một nhà thơ lỗi lạc.

Atsumori 敦盛 (Lớp 2) (Soạn giả: Zeami) Nhà sư Rensei (trước kia là tướng Kumagai) trở lại chiến trường xưa để cầu siêu cho Công tử Atsumori, người bị ông sát hại trong trận Ichinotani 8 năm về trước (Xuất xứ: Truyện Heike). 

Aya no tsuzumi 綾鼓 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ): Truyện một ông lão làm vườn tương tư một hoàng phi xinh đẹp, mang mối hận lòng qua thế giới bên kia vì bị bà phi đem ra làm trò đùa. Tuồng Koi no omoni 恋の重荷 (Gánh nặng tình yêu) là một bản mà Zeami sau này đã cải biên từ nó. 

Awaji 淡路 (Lớp 1) (Soạn giả: Kan.ami) Thiên hoàng và tùy tùng đi chơi vùng Awaji (nay gần Kobe) gặp hai vị thần xuất hiện dưới dạng lão nông kể cho nghe lịch sử tạo dựng đất nước ở vùng này..

Bashô 芭蕉 (Lớp 3) (Soạn giả: Zenchiku): Con tinh cây chuối (bashô) hiện hình thành một thiếu nữ đến nghe một nhà sư đọc Pháp Hoa Kinh ở một cái am vắng trong núi và hỏi ông xem thảo mộc có thể thành Phật không?

Chikubushima 竹生島 (Lớp 1) (Soạn giả: Zenchiku): Đình thần của Thiên Hoàng Daigo lãnh mệnh đi viếng đền thần bên hồ Biwa xứ Ômi được các vị thần sở tại hóa thành lão già đánh cá và người con gái đồng hành kể lại sự tích phát sinh thiêng liêng của hòn đảo Chikubushima một đêm đột ngột nổi lên giữa lòng hồ. 

Chôbuku Soga 調伏曽我 (Lớp 4 và 5) (Soạn giả: Miyamasu): Kể truyện vị thần Bất Động Minh Vương đã giúp người con trai có hiếu là Hakuô giết được Kudô Suketsune – một bầy tôi của Shôgun Yoritomo – là kẻ thù đã hãm hại cha mình.(Xuất xứ: Truyện Soga)

Chôryô 張良 (Lớp 5) (Soạn giả: Nobumitsu): Truyện Trương Lương, mưu thần của Hán Cao Tổ, thời hàn vi gặp Hoàng Thạch Công (Hòn đá màu vàng) ở cầu Hạ Bì, kiên nhẫn nhặt giày cho ông và được truyền binh pháp (Xuất xứ: Sử Ký).

Daibutsu Kuyô 大仏供養 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ): Kể sự tích Kagekiyo, tướng nhà Taira âm mưu sát hại Shôgun Yoritomo của nhà Minamoto trong buổi lễ cúng dường Đại Phật để phục thù cho chủ nhưng bất thành (Xuất xứ: Truyện Heike và Azuma Kagami)

Daie 大会 (Lớp 5) (Soạn giả: Zenchiku?): Quái vật Tengu (Thiên Cẩu) đền ơn một lão tăng từng cứu mạng mình bằng cách tạo một ảo giác về Đại (pháp) hội (Daie) của Phật Thích Ca trên núi Linh Thứu vì vị tăng này mơ ước được xem nó một lần. Rốt cuộc âm mưu bại lộ.(Xuất xứ: Thập Huấn Sao = Jikkunshô)

Dairokuten 第六天 (Lớp 2 và 5) (Soạn giả: không rõ) : Kể truyện Gedatsu Shônin (Giải Thoát thượng nhân) tức tăng Jôkei (Trinh Khánh) của tông Pháp Tướng viếng đền Ise gặp hai người con gái làng (thật ra là chư thần hóa thân) kể lai lịch và sức mạnh diệt trừ Ma vương tầng trời thứ sáu của thần Susano.o no Mikoto (em trai nữ thần Thái Dương)

Danpuu 檀風 (lớp 5) (Soạn giả: Zeami): Hino no Suketomo, công khanh chống Mạc Phủ bị Mạc phủ Kamakura lưu đày ngoài đảo và âm mưu sát hại. Con ông là Umewaka muốn ra đó cứu cha nhưng việc không xong, lại gặp nguy khốn, nhờ khấn thần Kumano Gongen mới về đến đất liền bình an.

Dôjôji 道成寺 (Lớp 4) (Soạn giả: Nobumitsu cải biên vở Kanemaki (Quấn chuông) đã có trước): Tình yêu mãnh liệt khiến một người con gái đam mê đuổi theo một du tăng khiến ông phải chui vào núp trong đại hồng chung chùa Dôjôji để trốn. Cô gái bèn hóa thành một con mãng xà bao quanh chuông và nổi lửa lên đốt (Xuất xứ: Nhật Bản Pháp Hoa Nghiệm Ký, Đạo Thành Tự Hội Từ). 

Dômyôji 道明寺 (Lớp 1) (Soạn giả: Zeami?): Vị tăng chùa Zenkôji (Thiện Quang Tự) được báo mộng mới cùng các bạn đến Dômyôji (Đạo Minh Tự) viếng thăm và được một ông lão ở đó dẫn chứng về tính cách thiêng liêng của chùa này, nơi thờ Cứu Thế Quan Âm và các thiên vương bảo hộ Phật pháp.

Ebira 箙 (Lớp 2) (Soạn giả: Zeami): Tướng tập đoàn Genji là Kajiwara Kagesue từ cõi địa ngục Tu La trở về kể lại cảnh chiến đấu oanh liệt khi xưa của mình với một túi đựng tên (ebira) làm từ thân cây mai (Xuất xứ: Truyện Heike & Nguyên Bình Thịnh Suy Ký)

Eboshiori 烏帽子折 (Lớp 4) (Soạn giả: Miyamasu) Truyện kể về thời trẻ cua tướng Yoshitsune khi ông còn làm nghề bảo tiêu hộ tống những người buôn bán. Eboshibori là cái nón đen kiểu lạ mắt (đỉnh bẻ qua bên trái) mà ông đội. Nó là chứng tích dòng dõi chiến tướng của gia đình Minamoto nhà ông. 

Eguchi 江口 (Lớp 3) (Soạn giả: Zenchiku): Thuật lại việc tăng Saigyô gặp được Bồ tát Phổ Hiền hóa thân thành người kỹ nữ ở Eguchi để giáo hóa ông.(Xuất xứ: Soạn Tập Sao) 

Ema 絵馬(Lớp 1) (Soạn giả: Không rõ) Chư thần ở đền Ise hóa thân thành hai ông bà già và giải thích cho đặc sứ của Thiên Hoàng về việc treo Ema (miếng gỗ hình chữ nhật để viết lời khấn nguyện rồi đem treo trên cây trong sân đền) và những lợi lộc của hành động đó.

Enoshima 江島 (Lớp 1) (Soạn giả: Nobumitsu): Thần giáng xuống làm lão chài và một người đánh cá trẻ để giải thích cho đặc sứ của Thiên Hoàng việc đảo Enoshima đã trồi từ đáy biển lên. Mục đích của họ là ca ngợi đất nước và cầu cho quốc thái dân an.

Fuji藤 (Lớp 3) (Soạn giả: không rõ) Tinh của hoa Fuji (Tử đằng) hiện ra dưới hình ảnh một thiếu nữ, ca tụng vẻ đẹp của hoa cho nhà sư vân du nghe khi ông này ghé qua vùng Tago no Ura, nổi tiếng có loài hoa Fuji tím ngát xinh đẹp. 

Fujisan 富士山 (Lớp 1) (Soạn giả: Zenchiku): Viên quan tên là Thiệu Kính bên Trung Quốc qua Nhật tìm thuốc trường sinh đến núi Fuji được hai vị sơn thần hóa thân thành hai cô gái xuống gặp và hứa ban cho thuốc.

Fujidaiko 富士太鼓 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami?). Tuồng liên quan đến việc tranh giành việc chơi trống lớn (daiko) trong cung khiến cho tay trống nổi tiếng của đền Sumiyoshi là Fuji phải chết bởi tay một đồng nghiệp.

Fujito 藤戸 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami?) Viên tướng Sasaki Moritsuna trong quân đoàn Genji nhờ chiến công ở cửa sông Fujito được thưởng đất phong ở đó nhưng khi đến nhậm chức đã bị một bà lão đi kiện đòi trả mạng con trai vì ông tướng nói trên nhân sợ tiết lộ một thông tin bí mật và quan trọng, đã giết hại anh, người thường dân đã có công cung cấp thông tin đó cho ông. (Xuất xứ: Truyện Heike) 

Futari Shizuka 二人静 (Lớp 3) (Soạn giả: Zeami): Shizuka Gozen – nàng con hát mặc nam trang và là người yêu của tướng Yoshitsune – hóa thân thành một cô gái quê, yêu cầu đám con gái hái rau ở Yoshino chép kinh để siêu độ cho nàng và người chồng bất hạnh. 

Funabashi 船橋 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami) Thầy trò Yoshitsune và Benkei trên đường đào vong, qua bến đò Sano (một địa danh nổi tiếng trong thơ Vạn Diệp) thì gặp hồn ma hai nam nữ trẻ. Họ cho biết cô gái đã bị gia đình cản trở duyên phận và chết đuối vì bị rút cầu tàu (funabashi) nên lọt xuống sông (Xuất điển: Vạn Diệp Tập quyển 14) 

Funa Benkei 船弁慶 (Lớp 4) (Soạn giả: Nobumitsu): Bị anh là Shôgun Yoritomo nghi ngờ, lùng bắt, thầy trò Yoshitsune và Benkei lên thuyền bôn tẩu nhưng bị hồn ma các tướng nhà Taira bị họ tiêu diệt như Tomomori (Tri Thịnh) vì phục hận, đã gây sóng gió định nhận chìm thuyền trước khi bị khuất phục vì uy vũ của Benkei. 

Gekkyuuden 月宮殿 (xem Tsurukame)

Gendayuu 源太夫 (Lớp 1) (Soạn giả: Zeami): Thần Gendayuu và Tachibana-hime vùng Tatsuta hiện ra dưới dạng ông bà lão để giải thích cho đặc sứ của Thiên Hoàng về uy lực của thanh bảo kiếm Murakumo (Tùng Vân).

Genji Kuyô 源氏供養 (Lớp 3) (Soạn giả: Không rõ): Phật Quân Âm chùa Ishiyama hóa thành nữ sĩ Murasaki Shikibu (tác giả) kể lại Truyện Genji cho một nhà sư vân du và xin ông đọc kinh hồi hướng cho linh hồn chàng. 

Genjô 弦上 (Lớp 1) (Soạn giả: Không rõ): Danh thủ đàn tì bà là Moronaga định qua nhà Đường học nhạc nhưng sau khi gặp hồn ma của Thiên hoàng Murakami và hoàng phi Nashitsubo dưới dạng một cặp vợ chồng già và trao đổi về âm nhạc, bèn không đi nữa.(Xuất xứ: Truyện Heike chương 7).

Genzai shichimen 現在七面 (Lớp 4 hay 5) (Soạn giả: Không rõ): Truyện tăng Nichiren đọc kinh Pháp Hoa để siêu độ cho xà thần sống dưới hồ.

Genzai Tadanori 現在忠度 (Lớp 4) (Soạn giả: Không rõ) Tướng Taira no Tadanori trước khi ra chiến trường đến gặp thày học là thi hào Fujiwara Shunzei để xin đăng một bài thơ đắc ý của mình vào Senzai Wakashuu (Thiên Tải Hòa Ca Tập) mà ông này đang có trách nhiệm biên soạn. Đó cũng là lần gặp gỡ cuối cùng vì sau đó Tadanori tử trận.

Genzai Nue 現在鵺 (Lớp 1) (Soạn giả: không rõ) Tướng Gensammi Yorimasa nhận lệnh đi bắn chết quái điểu Nue đang ám ảnh Thiên hoàng Konoe đến phát bệnh.

Giô 祇王 (Lớp 3) (Soạn giả: không rõ): Nàng Giô, xuất thân con hát, ái thiếp của quyền thần Taira no Kiyomori, bị nàng con hát trẻ hơn và đang lên là Hotoke đoạt lấy tình yêu và địa vị, còn bị Kiyomori bắt múa hát cho tình địch xem. Về sau, hai người trở thành bạn vì nàng Hotoke ý thức được lẽ vô thường nên giác ngộ, nửa đêm tìm đến chỗ mấy mẹ con Giô đang tu hành và giải bày nỗi lòng. (Xuất xứ: Truyện Heike) 

Hachinoki 鉢木 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami?): Cặp vợ chồng nghèo ở vùng Sano tuyết giá đã tiếp đãi chí tình một nhà sư vân du, lấy cả cây cảnh (bonsai) quí ra làm củi đốt cho ông sưởi. Chủ nhân đây là Genzaemon Tsuneyo, một quí tộc địa phương đã sa sút nhưng nhà sư lại là Saimyôji Tokiyori, lãnh đạo Mạc phủ đương thời, đang vi hành. Dĩ nhiên là vì nghĩa cử ấy,Tsuneyo sẽ được trả ơn xứng đáng khi ông có dịp tới Kamakura chầu. 

Hakurakuten 白楽天 (Lớp 1) (Soạn giả: Zeami?): Nhà thơ đời Đường Bạch Lạc Thiên (Hakurakuten) sang Nhật để thử trí thông minh của người bản xứ nhưng bị thần Sumiyoshi giả dạng ngư ông đối đáp rành rẽ bằng thơ Waka và sau đó các thần Ise và Iwashimizu lại nổi gió lớn thổi bay làm họ Bạch phải cuống cuồng quay về nước. 

Hagoromo 羽衣 (Lớp 3) (Soạn giả: Zeami?): Ngư phủ tên Hakuryuu và bạn đi câu cá ở vùng Miho no Matsubara đã dấu áo lông vũ (hagoromo) của một tiên nữ đang xuống trần chơi để đòi cô này phải múa những vũ khúc thượng giới cho xem mới chịu đem trả lại. 

Hashi Benkei 橋弁慶 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami) Nhà sư ngang tàng Benkei gặp chàng tuổi trẻ Yoshitsune (lúc đó hãy còn là thiếu niên Ushiwakamaru) trên cầu Gojô. Sau một cuộc so tài, Benkei đã tâm phục và theo hầu hạ chàng cho đến lúc cả hai cùng chết. (Xuất xứ: Nghĩa Kinh Ký = Gikeiki)

Hajitomi 半蔀 (Lớp 3) Soạn giả: Naitô Zaemon ?) Hồn ma nàng Yuugao (Tịch Nhan, một cuộc tình ngắn ngủi của Genji) đã hiện ra cho nhà sư đang đi cúng dường cho hoa được thấy. Nàng nâng cao liếp tấm cửa lửng (hajiitomi) để kể lại mối tình của nàng và Genji (Xuất xứ: Truyện Genji chương Yuugao) 

Hatsuyuki 初雪 (Lớp 3) (Soạn giả: Zempô): Hatsuyuki (Sơ Tuyết) là tên con gà màu trắng do một nàng con gái ở đền Izumo Taisha nuôi. Hatsuyuki bị chết nên người con gái nhờ thị nữ là Yuugiri cầu siêu cho nó trong vòng 21 ngày. Sau khi xem nó hiện ra và múa, cô ấy mới an tâm vì nó đã về cõi Cực Lạc.

Hanagatami 花筐 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami): Cái lồng bằng hoa, kỷ vật giúp cho nàng Teruhi tái ngộ người tình xưa lúc chàng hãy còn là một vị hoàng tử. Hoàng tử Ôatobe đó sau tức vị và trở thành Thiên Hoàng Keitai. 

Hanjo 班女 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami) Nàng con hát Hanako (biệt danh là Hanjo như nàng Ban Tiệp Dư) làm việc trong một lữ quán, đính ước và trao đổi quạt làm tin với người yêu là viên võ quan Yoshida khi ông ta ghé qua vùng. Sau vì hoàn cảnh chia cách, hai bên lạc nhau, nàng hóa điên và mang chiếc quạt lang thang đi tìm. Rốt cuộc hai người đã gặp lại nhau trong một kết cuộc có hậu. 

Hiun 飛雲 (Lớp 1) (Soạn giả: Không rõ) Một đoàn thầy tu núi (yamabushi) trên đường Shinano được một ông lão vốn là sơn thần hiện ra cho biết là gần bên có một nơi lá hồng (momiji) rất đẹp vào mùa thu.

Hibariyama 雲雀山 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami?) Đại thần Toyonari tin lời dèm pha ra lệnh cho người hầu cận đem con gái mình vào núi Hibariyama mà giết nhưng người ấy không tuân, nhờ kẻ khác nuôi dưỡng và cô thành người con gái bán hoa. Sau cha nàng trên đường đi săn tình cờ đoàn tụ với con.

Higaki 桧垣 (Lớp 3) (Soạn giả: Zeami) Một vị tăng ở Higo tình cờ gặp bà lão gánh nước. Bà cho biết mình từng là con hát ngụ ở Higaki và cũng là nàng thơ của Fujiwara no Osanori, một tác giả trong thi tuyển Gosenshuu (Hậu Tuyển Tập). Nói xong thì biến mất. (Xuất xứ: Hậu Tuyển Tập & Truyện vùng Yamato)

Himuro 氷室 (Lớp 1) (Soạn giả: Miyamasu): Bầy tôi của Thái thượng hoàng Kameyama vào núi Himuro (Băng Thất) thì gặp được một ông già và một người trẻ cho biết họ có bổn phận chế băng (nước đá) để cung cấp cho triều đình.

Hôkazô 放下僧 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami?): Makino no Kojirô muốn trả mối thù cha mới đi tìm anh mình là một người đã xuất gia để trợ lực. Đầu tiên nhà sư ấy từ chối nhưng sau bị em thuyết phục, đành phải nhận lời. Cả hai giả làm người diễn trò (hôka) đến gặp kẻ thù, thừa lúc kẻ kia lơ đểnh mà kết liễu tính mạng.

Hyakuman 百万 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami cải biên Kan.ami?): Hai mẹ con người đất Yoshino đi đến chùa Seiryôji (Thanh Lương Tự) vùng Saga thì gặp người đàn bà tên Hyakuman. Bà này đã hóa điên vì mất con. Đứa bé ở Yoshino bèn nói với mẹ mình rằng Hyakuman mới là mẹ của nó. Khi hỏi lại Hyakuman và thấu rõ nguồn cơn, người mẹ ở Yoshino mới cho biết là Đức Như Lai của Seiryôji đã báo mộng để bà đem con tới trả cho Huyakuman. 

Ikarikazuki 碇潜 (Lớp 2) (Soạn giả: Không rõ) Nhà sư ở kinh đô được một gã trai chài – hóa thân của viên tướng trẻ Taira no Noritsune – kể lại cảnh chiến đấu bi tráng ở cửa biển Dan no Ura và việc tập đoàn Taira tự sát tập thể sau khi thua trận.

Ikuta Atsumori 生田敦盛 (Lớp 2) (Soạn giả: Zenchiku) Đứa học trò nhỏ của tăng Hônen (Pháp Nhiên) cầu thần cho nó được hội ngộ viên tướng trẻ Atsumori mà nó nghĩ là cha mình. Đứa bé đã cùng tùy tùng đến khu rừng Ikuta nơi chiến trường xưa và gặp được vong hồn Atsumori. 

Ikkaku Sennin 一角仙人 (Lớp 4 hay 5) (Soạn giả: Zenpô) Ông tiên một sừng bên ThiênTrúc (Ikkaku Sennin) đã dùng sức thần thông giam long thần trong động đá làm cho trời hạn hán và dân chúng khổ sở. Nhà vua bèn cho mỹ nữ tới dụ dỗ vì hay rằng tiên ta chưa biết mùi trần. Kết quả là tiên say đắm nữ sắc, mất sức thần thông, làm cho đám rồng đang bị giam thoát khỏi động và mưa lại đổ xuống chan hòa (Xuất điển: Thái Bình Ký, quyển 37).

Izutsu 井筒 (Lớp 3) (Soạn giả: Zeami): Nhà sư vân du đến thăm chùa Zaigenji (Tại Nguyên Tự) ở Nara, ai điếu vong hồn vương tử đa tình Ariwara và nàng con gái của Ki no Aritsune. Nàng con gái mới hiện ra gợi lại những cuộc tình của chàng (và nàng) trong đó có những chuyện như Izutsu (Bên thành giếng) đã được đời sau chép lại trong Truyện Ise. (Xuất xứ: Truyện Ise, các đoạn 23, 17 và 24) 

Iwafune 岩船 (Lớp 1) (Soạn giả: Không rõ): Đặc sứ của triều đình đến thăm vùng Sumiyoshi, hải cảng sầm uất nhờ mậu dịch với nước ngoài và và nơi tàu buôn Cao Lệ (Triều Tiên) và Trung Quốc (Đường thổ) qua lại. Đặc sứ ca ngợi cảnh phồn vinh và thái bình của đất nước.

Jinen Koji 自然居士 (Lớp 4) (Soạn giả: Kan.ami): Jinen Koji, một tu sĩ ở Vân Cư Tự sắp đăng đàn thuyết pháp thì có người con gái đem tiến cúng tấm áo đẹp để xin thầy cầu kinh siêu độ cho cha mẹ cô. Để có tiền mua áo, cô đã phải bán mình cho bọn buôn người. Thầy bèn tích cực can thiệp và sau khi chịu bao điều khổ nhục với bọn ác ôn, đã cứu được cô về. 

Kagekiyo 景清 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami?): Dũng tướng Taira no Kagekiyo có một người con gái với kỹ nữ mà ông bỏ không nuôi từ nhỏ. Sau khi ông bị họ Genji lưu đày và trở thành một người hành khất mù lòa, cô gái đã lặn lội từ thủ phủ Kamakura xuống đảo Kyuushuu để thăm cha nhưng lúc đầu mới gặp cô, vì quá tủi hổ, ông đã cố tình dấu tông tích (Xuất xứ: Truyện Heike chương 11). 

Kagetsu 花月 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami?): Thầy tăng vân du xưa kia vì lạc mất con nên chán đời và bỏ đi tu, nay đến chùa Kiyomizu thì tình cờ gặp cô gái trẻ tên Kagetsu (Hoa Nguyệt) làm nghề diễn trò mà ông nghĩ đúng là người con mình đã thất lạc.

Kakitsubata 杜若 (Lớp 3) (Soạn giả: Zeami?): Tinh của hoa đỗ nhược (kakitsubata) hiện thành người con gái đến gặp thầy tăng vân du đang nghỉ chân ở vùng Yatsuhashi (Tám cây cầu) kể cho ông nghe sự tích cuộc tình của mình với vương tử Ariwara no Narihira và nhờ tăng tụng kinh cứu độ cho thành Phật (Xuất xứ: Truyện Ise đoạn 9)

Kamo 賀茂 (Lớp 1) (Soạn giả:Zenchiku): Quan coi đền thần Muro đến tham bái đền Kamo và gặp một người con gái múc nước bên sông Mitarashi. Nàng chính là hóa thân của thần sở tại vốn độ trì cho quốc thái dân an, phong đăng hòa cốc. (Xuất xứ: Sự tích đền thần Kamo = Kamo Jinja Enki)

Kantan 邯鄲 (Lớp 4) (Soạn giả: Không rõ): Nữ chủ nhân quán trọ ở thành Hàm Đan (Kantan) có một cái gối tiên. Lư sinh trên đường du lịch để học đạo ghé ngang quán và nằm ngủ trên cái gối ấy. Trong giấc mơ, chàng thấy đặc sứ triều đình mời mình về làm vua, hưởng cuộc sống vinh hoa. Lúc đó, bên cạnh chàng, bà chủ quán đang nấu một nồi kê…(Xuất xứ: Chẩm Trung Kí & Thái Bình Ký quyển 25) 

Kanyôkyuu 咸陽宮 (Lớp 4) (Soạn giả: Không rõ): Kinh Kha đến cung điện Hàm Dương (Kan.yôkyuu) để ám sát Tần Thủy Hoàng nhưng bị tiếng đàn cầm của Hoa Dương phu nhân mê hoặc đâm ra buồn ngủ và để Thủy Hoàng thoát thân… (Xuất xứ: Truyện Heike chương 5).

Kamo Monogurui 加茂物狂 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ): Người chồng đi chơi vắng nhà 3 năm khi trở về quê thấy một người con gái điên múa hát ở đền thần Kamo mà không nhận ra là vợ mình. Đền Thượng Kamo là nơi thờ Fujiwara no Sanekata và đền Hạ Kamo thờ Ariwara no Narihira (cả hai đều là khách phong lưu, đa tình)

Kanawa 鉄輪 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ) Truyện người đàn bà thường dân vì ghen tuông đã nổi cơn điên loạn, xin thần đền Kibune cho mình biến thành ác quỷ để trù ếm tình địch. Kanawa là cái vòng đội đầu bằng nhánh tùng mà ở đầu mỗi nhánh đều được đốt bằng lửa. Nàng đã giết được chồng và người yêu của anh ta rồi về nhà họ thanh toán hết những người còn lại. (Xuất xứ: Truyện Heike) 

Kanehira 兼平 (Lớp 2) (Soạn giả: không rõ): Hồn ma của mãnh tướng Kanehira kể cho nhà sư vân du cái chết tráng liệt của Minamoto Yoshinaka, chủ tướng của mình, ở cánh rừng Awazu, khi bị quân đồng minh là Yoshitsune tiêu diệt. Kanehira đã chết theo chủ trong trận ấy. (Xuất xứ:Truyện Heike).

Kashiwazaki 柏崎 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami cải biên Enami Zaemon Gorô): Người mẹ của Hanawaka buồn như điên dại, đến chùa Zenkôji để tìm con vì sau khi bố chết và chủ nhân (ngài Kashiwazaki) mất, anh ta đã xuất gia và bỏ mẹ bơ vơ một mình..

Kasuga Ryuujin 春日竜神 (Lớp 1) (Soạn giả: Không rõ): Thần đền Kasuga ngăn cản việc cao tăng Myôun (Minh Vân) muốn sang nhà Đường cầu đạo vì cho rằng ở Nhật đã có sẵn mọi thứ, đi xa làm chi cho mất công. (Xuất xứ: Kokin Chômonjuu = Cổ Kim Trứ Văn Tập)

Kappô 合浦 (Lớp 5) (Soạn giả: Không rõ) Tinh con cá quí được người dân làng ở Kappo (Hợp Phố) cứu khỏi tay người câu và phóng sinh đã đem ngọc trai đến biếu để đền ơn.Sau đó là màn vũ của giao nhân tặng ngọc quí hát mừng đời thịnh trị.

Kayoi Komachi 通小町 (Lớp 4) (Soạn giả: Kan.ami cải biên) Nhà sư ở Yase mỗi ngày chứng kiến một người con gái gánh củi đi qua đi lại. Sau ông được cho biết nàng là vong hồn của mỹ nhân kiêm nhà thơ nữ đời xưa là Ono no Komachi, người đã bắt một kẻ say mê mình (vũ quan Fukakusa) phải đi qua đi lại trước nhà mình đủ 100 lần (momoyo-kayoi) mới cho gặp. (Xuất xứ: Kojitan = Cổ Sự Đàm) 

Kazuraki 葛城 (Lớp 3) (Soạn giả: không rõ) Người con gái sống trên núi gặp gỡ nhóm sơn tăng vào một ngày trời tuyết. Nàng ta cho biết mình là nữ thần núi Kasuraki vì phạm tội nên bị bắt giam trong động đá, phải về đó trước khi trời sáng. (Xuất xứ: Gempei Jôsuiki)

Kikaigashima 鬼界島 (xem Shunkan) 

Kikujidô 菊慈童 (Lớp 4) (Soạn giả: Không rõ): Đặc sứ vua nước Ngụy bên Tàu gặp được người tên Jidô (Từ Đồng) trong núi, tự xưng là thần hạ của Mục vương nhà Chu, sống trước đó 700 năm, nhờ uống thuốc bằng sương rơi trên hoa cúc (Kiku) mà được trường sinh.(Xuất xứ: Thái Bình Ký = Taiheiki)

Kiso 木曽 (Lớp 4) (Soạn giả: Không rõ): Đại tướng họ Genji là Yoshinaka (tức Kiso vì lớn lên và luyện tập võ nghệ trong vùng núi non Kiso) nhờ bộ hạ đến đền thần Hachiman (nơi thờ tổ tiên mình) để tặng lễ vật và cầu xin chiến thắng.

Kinuta 砧 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami): Họ Mỗ ở Ashiya cùng thị nữ Yuugiri lên kinh đô lo việc tố tụng để vợ ở lại quê nhà suốt 3 năm. Một hôm Mỗ mới sai Yuugiri trở về xem tin nhà, thì gặp được người vợ ra đón và kể chuyện đập áo chờ chồng (thực ra nàng vì quá mỏi mòn đã chết rồi) (Xuất xứ: Hán Thư, Mông Cầu, Hòa Hán Lãng Vịnh Tập). 

Kochô 胡蝶 (Lớp 3) (Soạn giả: Nobumitsu): Nhà sư vân du gặp một cô gái xưng là tinh con bướm (kochô) ngày xưa có duyên nợ với một cây mai đẹp trong vùng, nhân đó cũng nói về con bướm của Trang Tử và điệu hồ điệp vũ của chàng Genji.

Kosode Soga 小袖曽我 (Lớp 4) (Soạn giả: Miyamasu): Anh em Soga (Ngũ Lang và Thập Lang) từ giã mẹ để đi đến chỗ khu vực săn bắn dưới chân núi Fuji hòng trả mối thù “giết cha cướp mẹ” họ của người chú. Cuối cùng họ đã toại nguyện.

Kôya Monogurui 高野物狂 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami): Câu chuyện người đầy tớ hóa điên đi lang thang tìm chủ trong khung cảnh Kôyasan, một thánh địa Mật Tông thanh tĩnh, nơi đại sư Kuukai (Không Hải) lập chùa.

Kiyotsune 清経 (Lớp 2) (Soạn giả: Zeami): Đầy tớ của Kiyotsune – viên tướng Taira đã trầm mình tự sát sau khi chiến bại – đem món tóc, kỷ vật của ông – về cho vợ ông ở quê nhà. Trong giấc mộng, bà gặp lại linh hồn Kiyotsune về bên giường dỗ dành an ủi.(Xuất xứ: Truyện Heike & Gempei Jôsuiki)

Kogô 小督 (Lớp 4) (Soạn giả: Không rõ): Nàng Kogô (Tiểu Đốc), thiếp yêu của Thiên hoàng Takakura vì sợ bị hoàng hậu họ Taira (bà Tokuko, con gái quyền thần Kiyomori) đánh ghen nên sợ hãi, phải trốn vào vùng Sagano. Thiên Hoàng sai Minamoto no Nakakuni – cận thần tâm phúc – đi tìm để chuyển bức tâm thư của ông. (Xuất xứ: Truyện Heike chương 6) 

Koi no omoni 恋の重荷 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami): Ông già làm vườn chuyên chăm lo mấy luống cúc trong cung Thái thượng hoàng Toba một hôm dòm trộm bà hoàng phi và sinh lòng yêu, bị bà ta bắt phải đeo một hòn đá nặng như gánh nặng của tình yêu nhưng cũng tạo cho ông cơ hội nuôi hy vọng được nhìn thấy bà một lần nữa. Ông vui lòng làm theo nhưng sau lao lực và khổ muộn mà chết. 

Kokaji 小鍛冶 (Lớp 5) (Soạn giả: Không rõ): Thái thượng hoàng Ichijô được thần báo mộng bèn cho người đi tìm một người rèn kiếm (kokaji) tài giỏi là Munechika nhờ ông ta rèn cho mình một thanh bảo kiếm. Munechika phải cầu chư thần giáng trần để giúp mình làm tròn phận sự 

Kôtei 皇帝 (Lớp 5) (Soạn giả: Nobumitsu) Một ông thần hiện ra dưới dạng cụ già, nói mình từng chịu ơn của nhà vua, dùng cái kính gọi là Minh Vương Kính soi quỷ giúp Đường Huyền Tông chữa bệnh cho Dương Quí Phi đang bị bệnh quỷ ám ảnh. 

Kôu 項羽 (Lớp 5) (Soạn giả: Không rõ) Vong hồn Hạng Vũ (Kôu) )hiện ra bên bờ sông Ô Giang, kể cho người cắt cỏ và ông lái đò nghe về chuyện tranh thiên hạ với Hán Cao Tổ. Vong hồn Ngu Cơ lại xuất hiện trong y trang đệp đẽ, than thở cảnh khổ của mình trong cõi Tu La. (Xuất xứ: Thái Bình Ký, quyển 28), 

Kumasaka 熊坂 (Lớp 5) (Soạn giả: Không rõ): Một nhà tu vùng Akasaka (vong hồn Kumasaka) xin vị tăng vân du càu siêu cho tướng cướp hung hãn Kumasaka, người đã bị Yoshitsune (lúc đó là thiếu niên anh hùng Ushiwakamaru) hạ sát khi hắn định đánh cướp đoàn người buôn vàng. (Xuất xứ: Gikeiki & Heiji Monogatari) 

Kurama Tengu 鞍馬天狗 (Lớp 5) (Soạn giả: Không rõ): Truyện về cuộc gặp gỡ giữa Yoshitsune (Ushiwakamaru ) và con quái vật Tengu (Thiên cẩu) ở chùa Kurama. Tengu hứa mai sau sẽ có cơ hội giúp Yoshitsune khi nào ông cử binh đi đánh dẹp họ Taira (Xuất xứ: Gikeiki). 

Kureha 呉服 (Lớp 1) (Soạn giả: Không rõ): Người con gái may đồ ta (Kurehatori) và người con gái may đồ Tàu (Ayahatori) giải nghĩa về địa danh Kureha. Con tinh của bộ đồ ta xuất hiện, hát chúc thọ và ca ngợi về nghề may Nhật Bản cổ xưa vốn có từ đời Thiên Hoàng Ôjin (Ứng Thần), 

Kurozuka黒塚 (Lớp 5) (Soạn giả: Zenchiku): Một đoàn tăng núi gặp người con gái dân dã làm nghề quay tơ độ nhật nhưng thực ra là một con quỷ cái ăn thịt người.Sau khi trổ hết pháp thuật, quỷ cái đã bị khuất phục bởi một tăng núi tên Yuukei (Hựu Khánh). (Xuất xứ: Shuuishuu = Thập Di Tập, bài số 559). 

Kurumasô 車僧 (Lớp 1) (Soạn giả: không rõ): Thiên Cẩu dụ Kurumasô – vị tăng đi vân du bằng xe – làm điều ác nhưng sau khi đối đáp về Thiền thì bị ông tăng kia hàng phục. 

Kusenoto 久世戸 (Lớp 1) (Soạn giả: Nobumitsu): Đi thăm vùng Kusenoto, địa danh nổi tiếng trong cổ tích, một vị quan trong triều gặp được 2 người đánh cá nghe họ kể về sự tích của vùng đất đó. 

Kuzu 国栖 (Lớp 5) (Soạn giả: không rõ): Thời Nam Bắc Triều, Thiên hoàng Kiyomihara lúc còn bé lưu lạc ở Kuzu trong vùng rừng núi Yoshino, nhờ một cặp vợ chồng già câu cá dấu dưới thuyền nên thoát khỏi bị giặc bắt. Sau hai vợ chồng hiện ra dưới dạng hai vị thần Zaô Gongen, múa một điệu vũ để chúc mừng thiên hoàng. (Xuất xứ: Nguyên Bình Thịnh Suy Ký quyển 14 & Vũ Trị Thập Di Vật Ngữ). 

Makurajidô: 枕慈童 (Lớp 4 ) (Soạn giả: không rõ): Sứ giả nhà Hán đi tìm thuốc tiên gặp một đồng tử tên Jidô (Từ Đồng) (Xuất xứ: Taiheiki, quyển 13) 

Manjuu 満仲 (Loại 4) (Soạn giả: không rõ): Con của Nakamitsu chết thay cho con nhà chủ là Mijomaru sau khi Mijomaru vì không chịu học hành nên cha cậu là Tada Manjuu nhờ Nakamitsu giết bỏ. Nhưng khi Manjuu làm pháp sự cho con thì tăng Eshin dắt Mijomaru về tới. Lúc đó Manjuu mới xin con tha lỗi. 

Matsukaze 松風 (Lớp 3) (Soạn giả: Zeami cải biên): Thầy tăng vân du đến vùng Suma được người xứ đó kể lại truyện của hai chị em gái là Matsukaze (Tùng Phong) và Murasame (Thôn Vũ). Sau đó tăng mới trọ qua đêm trong túp lều của người múc nước triều làm muối và biết thêm về cuộc tình duyên oan trái giữa họ và một viên quan Chuunagon tên Yukihira ngày xưa có đi qua vùng. 

Matsu no o 松尾 (Lớp 1) (Soạn giả: Kan.ami / Zeami?): Đình thần của đương kim Thiên Hoàng đi tham bái nơi thờ thần Matsuo Myôjin được một ông lão kể cho nghe sự tích của đền. Sau đó, chính thần đã hiện ra múa một vũ khúc. 

Matsumushi 松虫 (Lớp 4) (Soạn giả: Zenchiku): Một đêm thu, có người đàn ông đem một lũ bạn đến cửa hàng rượu, uống rượu ngâm thơ. Anh lại cho biết ngày xưa có hai người bạn thân đến chơi ở cánh đồng tùng (matsu) trong vùng, chợt nghe tiếng trùng (mushi) kêu, một người vạch cỏ đi tìm nhưng rồi mất tích, anh kia không tìm ra bạn bèn tự sát theo…Ông hàng rượu đến cánh đồng đó cầu siêu thì thấy chính anh ta hiện ra múa hát về chủ đề tình bạn rượu trong cảnh côn tiếng trùng kêu ran trên cánh đồng. 

Matsuyama Kagami 松山鏡 (Lớp 5) (Soạn giả: không rõ) : Có người con gái giận kế mẫu, ngồi trước tấm kính, kỷ vật của mẹ mình, mà than thở. Vừa lúc đó, vì không siêu sinh được, vong hồn người mẹ hiện ra… 

Matsuyama Tengu 松山天狗 (Lớp 5) (Soạn giả: không rõ): Tăng Saigyô đi đén vùng Matsuyama trên đảo Shikoku gặp vong hồn của Thái thượng hoàng Sutoku phẫn nộ vì bị mất ngôi, sau khi đảo chánh bất thành bèn bị đi đày nên đã hóa thành thiên cẩu gieo tai ách 

Mekari 和布刈 (Lớp 1) (Soạn giả: không rõ, Zenchiku?) Thủ từ đền Hayatomo đang kể lại lịch sử của thần Mekari thì có một ông già vác cần câu và cô gái xách giỏ đựng lá tùng bước vào, trao đổi với ông ta về chuyện nàng Toyotama-hime, con gái Thần Biển, từng lấy chồng trên cõi trần nhưng sau đó bất bình bèn bỏ về biển vì bị chồng biết được bí mật lúc sinh đẻ. 

Miidera 三井寺 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ): Cậu bé Senman bị bọn buôn người bắt đã trở thành chú tiểu và sum họp với được mẹ mình. Trước đó bà khổ sở đi kiếm con nên đã hóa điên, cầm một bó lá trúc và múa hát trước quả chuông của chùa Miidera. 

Michimori 通盛 (Lớp 2) (Soạn giả: Zeami cải biên Sei.ami) Khi một thầy tu vân du đọc kinh ai điếu tập đoàn Heike ở bãi biển Awa no Naruto (Shikoku) thì một ngư ông và bà thợ lặn từ ngoài khơi chèo vào. Được hỏi thăm,họ cho biết mình là tướng Taira no Michimori và bà Kozaishô no Tsubone, người đã tự trầm khi nghe tin chồng chết. Thầy tăng tụng kinh cầu siêu, họ cảm tạ và biến mất. 

Mimosuso 御裳濯 (Lớp 1) (Soạn giả: Zeami): Đình thần của Thiên Hoàng Yuuryaku (Hùng Lược) – một vị vua thời cổ – trên đường viếng thăm đền Ise thì đến một chỗ là Mimosuso – cảnh vật thiên nhiên giống như quả chuông đá nằm trên sông Isuzugawa – thì gặp được lão già hóa thân của thần Okitama giảng giải cho nghe sự tôn nghiêm của báu vật chư thần 

Minase 水無瀬 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ) Tăng ở núi Kôyasan về quê ở Minase thì gặp 2 người con của mình xuất hiện, đòi phải cầu siêu cho linh hồn mẹ chúng. Sau đó thì người mẹ cũng hiện ra, tâm sự mọi nỗi niềm với chồng con rồi nhớ lời tụng niệm của chồng mà vãng sanh. 

Minazukibarae 水無月祓 (Lớp 4) (Soạn giả: Kan.ami & Zeami) Người đàn ông ở kinh đô được đưa đến đền Mioya thì gặp một người đàn bà điên loạn, đang múa may quay cuồng. Anh ta biết là người vợ ngày xưa đã quẫn trí bỏ nhà ra đi bèn dắt về. 

Minobu 身延 (Lớp 3) (Soạn giả: không rõ): Tăng Nhật Liên lúc đang ở trên núi Minobu, có bà sư già đến hỏi đạo rồi để cảm tạ, múa một vũ khúc ca ngợi kinh Pháp Hoa và tán dương núi Minobu như nơi linh địa. 

Mitsuyama 三山 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ): Tăng Ryônin (Lương Nhẫn) đến Yamato, được người dân sở tại kể về thiên tình sử thần thoại của 3 hòn núi thiêng vùng đó gọi là Đại Hòa Tam Sơn. Hai mỹ nhân trong câu chuyện tương tự nơi cõi người là Sakurako và Keiko (người đã tự trầm vì thất tình) lại hiện ra, giành giật tình yêu của người họ cùng yêu là chàng Kiminari.(Xuất xứ: Man.yôshuu = Vạn Diệp Tập). 

Miwa 三輪 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ): kể sự tích nữ thần núi Miwa (Tam Luân Sơn) hiện ra và xin nhà sư Genpin (Huyền Tân) một chiếc áo để mặc khi trời trở lạnh. (Vào thời Kojiki thì đó là một nam thần nhưng đến cuối đời Heian không hiểu sao lại trở thành một nữ thần). Được biết vị thần này sành các ngón văn nghệ như thơ Waka và Thần Nhạc (Kagura). 

Mochizuki 望月 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ) Một gia thần tên Tomofusa nương náu chờ thời để trả thù cho chủ là Mochizuki Akinaga, người đã bị Yasuda no Tomoharu giết. Một hôm Tomoharu vô phúc đến lữ quán mà ông mở ra, Tomofusa cùng với vợ góa con côi của cố chủ lập kế mở một bữa tiệc có ca vũ, tạo dịp trả thù và đạt được mục đích. 

Momijigari 紅葉狩 (Lớp 1) (Soạn giả: Nobumitsu): Tướng nhà Taira là Koremochi (Duy Mậu) dẫn tùy tùng săn nai trong núi gặp một nữ quí tộc và đám thị nữ của bà đang mở tiệc rượu mừng lá hồng nhưng khổ thay, những kẻ đó chỉ là ác quỷ đội lốt người… 

Morihisa 盛久 (Lớp 4) Soạn giả: Motomasa): Tướng Taira là Morihisa (Thịnh Cửu) bị cầm tù được kẻ thù cho phép đi niệm Phật Quan Âm chùa Kiyomizu trước ngày bị xử trảm. Hôm hành hình, lưỡi kiếm của đao phủ bỗng nhiên bị gãy vì cuốn kinh Morihisa mang trên người phát ra hào quang. Shôgun Yoritomo đành phải ân xá cho chàng. (Xuất xứ: Truyện Heike). 

Motomezuka 求塚 (Lớp 4) (Soạn giả: Kan.ami) Mấy nàng con gái hái rau cạnh bờ sông Ikutagawa kể lại một câu chuyện cầu hôn (motome) ngày xưa đã đưa đến kết quả bi đát cho thầy tăng trên đường vân du nghe. Một người trong bọn chỉ cho ông gò đất (tsuka) nơi nàng trinh nữ Unai, chàng Sasada và Chinu, ba nhân vật của mối tình tay ba oan trái, được chôn sau khi họ lần lượt tự sát. (Xuất xứ: Vạn Diệp Tập & Đại Hòa Vật Ngữ). 

Mutsura 六浦 (Lớp 3) (Soạn giả: không rõ): Giữa mùa lá đỏ, cây phong gần chùa Shômyôji ở Mutsura vẫn giữ được màu xanh đã gây ngạc nhiên cho thầy tăng vân du. Có người con gái (tinh cây phong) cho thầy biết ngày xưa cây ấy khi mùa thu tới thì đổi sang sắc đỏ đầu tiên nhưng về sau nó không hề đổi màu nữa từ khi được nghe một bài thơ của chức Chuunagon ở Kamakura là Tamesuke nói rằng lòng khiêm tốn là đạo lý của trời đất. 

Murogimi 室君 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ) Vùng Muro trong xứ Harima xưa mở hội cúng thần, có lệ là các nàng kỹ nữ đến chèo thuyền trước đền và hát những bài trạo ca (hát lúc chèo thuyền). Năm đó, khi ông từ vừa nhắc đến tích xưa chuyện cũ thì một mùi thơm huyền ảo tỏa ra rồi hình bóng phu nhân Idaike – một vị nữ thần của vùng – xuất hiện và múa khiến khách thập phương cảm động nhỏ lệ. 

Nakamitsu 仲光 (xem Manjuu) 

Naniwa 難波 (Lớp 1) (Soạn giả: Zeami): Đình thần tham bái đề Kumano về qua vùng Naniwa (Ôsaka bây giờ) thì gặp một ông lão (hồn ma của học giả thời cổ là Vương Nhân người nước Bách Tế) và một chàng trai (tinh của một cây mai) hiện ra, kể lại chính trị đạo đức thời đó của Thiên hoàng Nintoku (Nhân Đức) rồi múa hát… 

Nara Môde 奈良詣 (xem Daibutsu Kuyô) 

Nishikido 錦戸 (Lớp 4) (Soạn giả: Miyamasu): Con cả của Fujiwara Hidehira – chủ nhân tiểu quốc hoàng kim Hiraizumi – là Nishikido Kunihira không nghe lời trối trăn của cha mà vâng lệnh Shôgun Yoritomo để hãm hại Yoshitsune – người đồng minh của gia đình – đang tị nạn trong vùng ông cai quản. Vì cậu em thứ 3 là Izumi Saburô không chịu làm việc bất nghĩa nên anh cả (Kunihira) và anh hai (Yasuhira) tính kế diệt luôn em mình. 

Nishikigi 錦木 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami): Thầy tăng lên vùng Mutsu gặp người con trai có một thân cây trang trí lộng lẫy như gấm (nishikigi) và một người con gái khoác trên tay một tấm vải. Anh chàng cho biết đã đem cây này (tượng trưng cho tình yêu đẹp đẽ của mình) tới trước nhà nàng mỗi ngày suốt 3 năm mà không được nàng nhận nên cứ phải đứng chờ. 

Ninin Giô 二人祇王 (Giô) (xem Giô) 

Nonomiya 野宮 (Lớp 3) (Soạn giả: Zeami?): Khi đến cung Nonomiya ở vùng Saga, thầy tăng vân du gặp vong hồn một người đàn bà tự xưng là nàng Rokujô, xưa kia là tình nhân của chàng Hikaru Genji. Nàng kể lại chuyện hai xe tranh nhau lấn đường đi trong ngày hội Kamo giữa mình và vương phi Aoi, vợ chính của Genji. 

Nomori 野守 (Lớp 5) (Soạn giả: Zeami): Thầy tăng núi (yamabushi) gặp ông già trong đất Yamato làm nghề canh gác khu vực săn bắn (Nomori) cho biết mình có tấm kính với năng lực soi chiếu thấy hết trời đất vạn vật, thấu tới địa ngục. 

Nue 鵺 (Lớp 5) (Soạn giả: Zeami): Một người chèo thuyền ở vùng Ashiya cho thầy tăng vân du biết mình là con quái điểu Nue xưa vì quấy phá trong cung cấm nên đã bị tướng Gensammi tức Yorimasa bắn hạ. Sau khi làm được công việc đó, Yorimasa đã được nhà vua ban một thanh bảo kiếm.Tăng bèn đọc kinh siêu độ cho quái điểu. (Xuất xứ: Truyện Heike, chương 4) 

Nezame 寝覚 (Lớp 1) (Soạn giả: không rõ): Đặc sứ triều đình đi điều tra về tin vùng Nezame no Toko ở Shinano là nơi có thuốc trường sinh. Ông đã gặp được một lão già tự xưng là Mikaeri no Okina,người nắm được bí mật ấy. 

Obasute 姨捨 (Lớp 3) (Soạn giả: Zeami): Người con trai kinh đô qua núi Obasute (Núi Vứt Bà Già) thì gặp bà lão, hình như xưa là một người đã từng bị bỏ rơi như thế. Dưới ánh trăng, bà kể lại lai lịch của ngọn núi, đồng thời than thở cho cuộc đời vô thường. Trời sáng ra, lữ khách lên đường, chỉ còn bà già một mình ở lại. 

Ochiba 落葉 (Lớp 3) (Soạn giả: Zeami) Người con gái quê chỉ cho nhà sư vân du xem dấu tích của cung điện Ochiba. Tối đến tăng nằm mộng thấy hồn ma nàng Ochiba hiện ra và kể cho nghe tình yêu đối với đại tướng Yuugiri 

Ôhara Gokô 大原御幸 (Lớp 3) (Soạn giả: Zeami?): Sau khi tập đoàn Taira bị đánh tan tác ngoài biển, Thái thượng hoàng Go Shirakawa, người đã xuất gia, tìm đến nơi ẩn cư của Cựu hoàng hậu Kenreimon.in (tức bà Taira no Tokushi) nay về Ôhara (vùng núi non Kyôto) sống nốt những ngày còn lại . Một cuộc trao đổi giữa hai kẻ đã mệt mỏi với cuộc sống. (Xuất xứ: Truyện Heike) 

Okina 翁 (Lớp 1) (Soạn giả: không rõ) Nô để chúc tụng, thành phần lên sân khấu thay đổi thay triều đại nhưng lúc nào ở trung tâm cũng có một ông già (Okina). Vai Okina có thể được xem như hóa thân của vị thần sở tại.Tuồng Okina có tính chất thần chú hơn là văn nghệ. 

Oimatsu 老松 (Lớp 1) (Soạn giả: Zeami) Người ở kinh đô tên Umezu tôn thờ Kitano Tenjin (thi hào Sugawara no Michizane) xuống chùa Anrakuji ở Kyuushuu giữa mùa hoa mai nở, gặp một chàng thanh niên (hồn cây mai) đi với ông già (hồn cây tùng già) cho biết ngày xưa Tenjin rất yêu tùng và mai. 

Ojio 小塩 (Lớp 3 hay 4) (Soạn giả: Zenchiku):Ông già kết hoa trên đầu mời khách viễn phương đi ngắm hoa anh đào hãy đến núi Oijo chơi. Ông già là hóa thân của vương tử tài hoa và đa tình Narihira, ngày xưa có lần đến Ojio thưởng hoa với hoàng hậu (lúc đó còn con gái và là người yêu của chàng), 

Ominameshi 女郎花 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ): Hoa nữ lang (ominameshi) là loài hoa mọc trên phần mộ của một nàng con gái quyên sinh vì tình (nhân vì chàng trai có một thời xao lãng việc viếng thăm, nàng mới sinh lòng oán hận).Khi người tình xưa trở lại, định tiến đến gần bên phần mộ thì thấy hoa kia bỗng héo úa làm chàng đau khổ không kém nên tự sát theo. Thầy tăng vân du được người kể chuyện xin ông cầu siêu để họ khỏi mang tiếng là những kẻ bất chính. Đồng chủ đề với Kayoi Komachi, Teika, Nishikigi và Funabashi. 

Ômu Komachi 鸚鵡小町 (Lớp 3) (Soạn giả: không rõ): Người đẹp Ono no Komachi ngày nào giờ đã là một bà lão trăm tuổi sống cạnh chùa Sekidera.Thái thượng hoàng Yôzei gửi cận thần đem đến tặng nàng một bài thơ nhưng nàng chỉ thêm vào đó 1 chữ “zo” (để nhấn mạnh) thôi, kỳ dư lập lại như két (ômu) bài thơ gốc của ông trong bài thơ họa lại. 

Ôeyama 大江山 (Lớp 5) (Soạn giả: Miyamasu) Minamoto no Raikô và Yamamasa nhận chiếu chỉ đem 50 đồng đội giả dạng thầy tu núi (yamabushi) đi tiểu trừ con quỷ trên núi Ôeyama tên là Shuuten Dôji (Tửu Thôn Đồng Tử), lập kế cho đồng tử uống rượu đến say và cuối cùng dẹp được. 

Orochi 大蛇 (Lớp 1) (Soạn giả: Nobumitsu): Thần Susanoo no Mikoto (em trai Nữ thần Thái Dương) lập kế phục rượu con mãng xà tám thân và giết nó, rốt cuộc giải cứu được nàng Inadahime đang bị bắt làm vật cúng tế (rồi sau lấy nàng làm vợ). 

Ôyashiro 大社 (Lớp 1) (Soạn giả: Nagatoshi): Đình thần đi viếng đền Izumo Taisha gặp được hai người (già và trẻ) kể cho nghe sự tích của đền. Sau đó có Tiểu La Sát Nữ, Long Thần và chư thần cùng hiện ra múa hát 

Raiden 雷電 (Lớp 1) (Soạn giả: không rõ): Một đêm đầu mùa thu, chức tăng chính là Hosshô (Pháp Tính) ở núi Hiei đang mở pháp hội bỗng đến nửa đêm thì hồn ma oan ức của đại thần và văn nhân Sugawara no Michizane xuất hiện. Sau khi cảm tạ công ơn của Hosshô, người từng dạy dỗ mình, ông cho biết sẽ trở thành lôi thần để gieo tai ách cho đám công khanh trong triều vì họ đã hãm hại ông. Oái oăm thay, tăng Hosshô chính là người được Thiên Hoàng ra lệnh khống chế lôi thần. 

Rashômon 羅生門 (Lớp 1) (Soạn giả: Nobumitsu): Minamoto no Raikô, người đã trị được quỷ sứ ở Ôeyama, mở tiệc rượu đêm trong phủ. Bộ hạ của ông có người tên Tsuna nghe nói ở cổng Rashômon lại đang có quỷ đến quấy nhiễu bèn xin chủ cho đi đánh dẹp. Ông đã gặp con quỷ ấy và chặt được tay nó nên nổi tiếng là trang dũng sĩ. (Xuất xứ: Truyện Heike). 

Rôdaiko 籠太鼓 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ) Seki no Seiji đấu khẩu đến mang tội giết người, bị giam nhưng vượt ngục. Vợ vì không khai nơi chốn chồng đang trốn nên bị quan bắt bỏ tù thay. Nhân bên nhà ngục có đặt cái trống canh, bà ta thừa lúc không thấy ai bèn đánh trống và múa như điên cuồng, ký thác tâm sự thương nhớ chồng vào trong tiếng trống làm cho vị quan mũi lòng chịu xét lại án. 

Ryôko 龍虎 (Lớp 1) (Soạn giả: Nobumitsu): Ông tăng du học bên nhà Đường vào núi, gặp hai người tiều phu, do tinh của long thần và hổ thần hóa ra. 

Rinzô 輪蔵 (Lớp 1) (Soạn giả: Nagatoshi): Lữ khách đến đền Kitano Tenmangu nơi thờ thần văn học Sugawara no Michizane thì gặp hồn ma của thiền gia Phó Đại Sĩ giảng cho mình nghe về công phu thu thập và giữ gìn kinh điển nhà Phật. Rinzô là vật để chứa các tạng kinh. 

Saigyôzakura 西行桜 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami): Một đêm nọ, nhà thơ và cũng là cao tăng Saigyô (Tây Hành) gặp con tinh một cây anh đào (sakura) già chỉ cho ông những nơi xem hoa anh đào nổi tiếng nhất trong kinh đô và khẳng định rằng thảo mộc cũng có thể thành Phật. 

Sakahoko 逆矛 (Lớp 1) (Soạn giả: Zeami? Miyamasu?): Đình thần đi thăm đền Tatsuta gặp một ông lão, hóa thân của vị thần được giao phó việc gìn giữ cây mâu thiêng trên thượng giới (ama no sakahoko) mà chư thần đã khuấy biển để thành lập đất nước Nhật Bản. 

Saoyama 佐保山 (Lớp 1) (Soạn giả: Zeami): Truyện Fujiwara no Toshiie khi đi ngắm cảnh sắc ngày xuân bỗng gặp nữ thần núi Saoyama là nàng Saoyama-hime phơi áo (làm bằng sương xuân) trên núi. Saoyama là một địa danh đã nổi tiếng từ thời Vạn Diệp. 

Sagi 鷺 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ): Thiên Hoàng cùng các đình thần viếng vườn ngư uyển Shinsen (Thần Tuyền). Một con cò (sagi) hiện ra trên cây tùng già, múa vũ khúc Sagi no Midare (Lộ Loạn) cho ông xem và được nhà vua đẹp lòng, phong chức quan ngũ phẩm. 

Sakurai no eki 桜井駅 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ): Cuộc gặp gỡ và chia tay giữa hai cha con người bầy tôi trung nghĩa Kusunoki Masashige và Masatsura ở nhà trạm Sakurai no eki. Hai người đều muốn dẹp trừ Mạc phủ để trung hưng vương thất nhưng bất thành 

Sakuragawa 桜川 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami?): Sakurako bán mình cho bọn buôn người, sau hóa cuồng đi nhặt những cánh hoa anh đào rơi rụng trên bờ sông Sakuragawa. Nhận được tin, mẹ cô ra đi tìm con. 

Sanemori 実盛 (Lớp 2) (Soạn giả: Zeami) Hồn ma tướng Taira là Sanemori đến nghe Du Hành thượng nhân (Yugyô shônin) thuyết pháp. Xưa kia, dù tuổi già Sanemori đã nhuộm tóc cho đen để đối đầu với các tướng trẻ Genji trong trận Shinohara (nếu không thì bị chê già và chẳng ai chịu đánh nhau với ông). Sau khi chết, thủ cấp bị chặt của ông được đem ra rửa ngoài ao. Lúc ấy, địch quân mới thấy mái tóc bạc trắng của viên lão tướng. 

Sanshô 三笑 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ): Sanshô hay Tam Tiếu là ba người hiền đời xưa gồm cao tăng Huệ Viễn (giáo chủ Bạch Liên Giáo), Đào Uyên Minh và Lục Tu Tĩnh. Họ gặp nhau, ngắm cảnh thiên nhiên, ngâm thơ uống rượu và bàn luận thế sự. Kịch không thấy có sự kiện, chỉ là bức tranh phong nhã của ba cụ già đậm màu Thiền. 

Seiôbô 西王母 (Lớp 1) (Soạn giả: không rõ) Nhà vua nghe một người con gái (tiên nữ hóa thân) kể rằng cây đào trên thượng giới nghìn năm mới ra trái một một lần và nay là đúng dịp nên rất háo hức. Chẳng bao lâu sau, Tây Vương Mẫu (Seiôbô) giáng lâm cùng với thị nữ, tặng đào tiên cho nhà vua, múa một điệu vũ rồi thăng thiên. (Trích Kara Monogatari = Đường vật ngữ). 

Seiganji 誓願時 (Lớp 3) (Soạn giả: không rõ) Ippen (Nhất Biến) thượng nhân muốn cứu độ ít nhất 60 vạn người vãng sinh bèn tới chùa Seiganji (Thệ Nguyện Tự) để bắt đầu mọi việc. Ban đêm, khi thượng nhân niệm Phật thì có người con gái trong làng cho biết gần bên chùa có ngôi mộ của Izumi Shikibu, một nhà thơ nữ nổi tiếng thời Heian… 

Sekidera Komachi 関寺小町 (Lớp 3) (Soạn giả: Zeami): Một đêm Thất Tịch, các chú tiểu trong chùa Sekidera đến nghe một bà lão già yếu kết am cạnh chùa giảng nghĩa về thơ Waka. Đó là hồn ma của nàng Ono no Komachi ngày xưa nổi tiếng một thời nay đã trăm tuổi (Tham khảo thêm các vở Obasute, Higaki. Ba vở này được gọi là Tam Lão Nữ) 

Semimaru 蝉丸 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami): Nhà thơ mù Semimaru thời Vạn Diệp vốn là một hoàng tử của Thiên hoàng Daigô. Nhà vua cho rằng sở dĩ Seninaru bị mù là vì quả báo của tội lỗi kiếp trước nên ra lệnh cho thần hạ đem vứt ông ta ở con dốc Ôsaka nhưng họ không nỡ, mới cạo đầu, sắm non lá và cây trượng để ông xuất gia rồi bỏ ra về. Trong cảnh khổ như vậy, ông lại tình cờ gặp người một con gái điên và cũng bị cha bỏ rơi là công chúa Sakagami, em gái của mình, một người có mái tóc ngược dị tướng. 

Senju千手 (Lớp 3) (Soạn giả: Zenchiku): Tướng nhà Taira là Shigehira, con trai thứ 5 của Kiyomori, sau khi thua trận bị giải về Kamakura. Nơi đó có bà Senju no Mae đến thăm, cho biết bà không nghe nói ông có xin ân xá. Tất cả là vì Shigehira sám hối việc mình đã tàn phá thành phố Nara và đành chịu chết. Sau đêm hội ngộ giữa hai người, Shigehira bị đem ra hành hình. (Xuất xứ: Truyện Heike chương 10). 

Sesshôseki 殺生石 (Lớp 5) (Soạn giả: Hiyoshi Zâya) Nhà tu vùng Oku đến Shimotsuke nghe chuyện ở đó có hòn đá sát sinh, chim trời bay qua đều bị rớt xuống. Đó là linh hồn của nàng Tamao (hồ tinh) ngày xưa đã theo tà đạo để mê hoặc và hãm hại Thái thượng hoàng Toba, về sau dù bị vũ sĩ Kamakura bắn chết nhưng lòng cố chấp đã khiến bà hóa thành hòn đá. 

Settai 摂待 (Lớp 4) (Soạn giả: Miyamasu): Cuộc gặp gỡ trên bước bôn đào giữa Yoshitsune và đàn bà con nít thuộc gia đình anh em họ Satô, nổi tiếng trung nghĩa, từng có nhiều người theo phò tá ông nhưng nay đều tử trận cả. Sau buổi gặp gỡ, họ bịn rịn chia tay (Xuất xứ: Gikeiki = Nghĩa Kinh Ký, chương 8) 

Shari 舎利 (Lớp 5) (Soạn giả: không rõ): Có vị tăng từ Izumo lên kinh đô để bái kiến ngọc xá lợi (shari) của Đức Phật và 16 vị La Hán.Có người dân địa phương cũng đến xem và tỏ ra cảm kích nhưng giữa khi ấy thì sấm chớp nổi lên và khuôn mặt người làng biến thành mặt quỷ. Lý do là ngày xưa ông ta có lòng tham muốn đoạt lấy ngọc xá lợi. (Xuất xứ: Thái Bình Ký, quyển 8). 

Shakkyô 石橋 (Lớp 1) (Soạn giả: không rõ): Nhà sư Tịch Chiêu trên đường vân du đến tỉnh Sơn Tây (TQ) gặp một cây cầu đá. Một đồng tử hiện ra cho biết đó là cây cầu bắc trên con đường về cõi Tây Thiên nơi có Bồ tát Văn Thù nhưng nó lại trơn trợt khó đi, nếu sẩy chân sẽ rơi xuống vực thẳm. 

Shiga 志賀 (Lớp 1) (Soạn giả: không rõ): Một vị quan trên đường đến vùng Shiga, gặp được hồn ma của nhà thơ đời xưa là Ôtomo no Kuronushi hóa thân thành một lão tiều đang nghỉ chân dưới bóng cây. Vùng Shiga lúc ấy đang đầy những hoa anh đào núi. Ôtomo cho biết ngày nay ông đã trở thành sơn thần trong vùng. (Xuất xứ: Bài tựa của Ki no Tsurayuki viết cho Kokinshuu (Cổ Kim Tập), đoạn nói về Kuronushi) 

Shichikiochi 七騎落 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ): Sự tích hai cha con Doi no Sanehira theo phò Shôgun Yoritomo trong lúc ông còn bị họ Taira đánh đuổi và lưu lạc ở vùng Chiba. Khi ấy đã xảy ra sự cố lạ lùng là để tránh con số 8 xui xẻo, những người đang đào tẩu cần đuổi bớt một người khỏi thuyền để chỉ còn có 7. Vậy ai là người sẽ chịu hy sinh? 

Shirahige 白髭 (Lớp 1) (Soạn giả: không rõ) Được báo mộng, đặc sứ Thiên hoàng bèn đi tham bái Thần Râu Bạc (Shirahige).Tình cờ ông ta gặp một ông lão đi câu về cho biết Thần Râu Bạc là người của đất này trước đây đã từ chối Phật Thích Ca nhưng sau đã nhận lời Phật Dược Sư Như Lai và cho phép Phật giáo được rao truyền. 

Shironushi 代主 (Lớp 1) (Soạn giả: Zeami? Zenchiku?) Một ông lão cho quan giữ đền thần hay là sau hòn núi Katsuragi, núi Kongô là nơi linh địa thứ hai đối với cả ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Nói xong rồi biến mất về phía núi Kongô. Đêm đó có trăng sáng, thần Kotoshironushi của núi Kongô hiện ra và múa một điệu vũ chúc thọ. 

Shun.ei 春栄 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami): Trong trận Uji, tướng Takahashi Gon no kami bắt được thiếu niên Shun.ei nhưng không chịu theo lệnh của Mạc phủ Kamakura giết bỏ. Sau Shun.ei được Kamakura miễn cho tội chết và trở thành dưỡng tử của Gon no kami. 

Shunkan 俊寛 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ): Nhà sư Shunkan âm mưu đảo chánh họ Taira nhưng thất bại bị đày ra Kikaigashima (Quỷ Giới Đảo), một vùng hoang vu. Sau khi các bạn cộng mưu đều được tha, mỗi Shunkan là không ai đoái tới.Thì ra khi ở kinh đô, vì hận thù sâu sắc của họ Taira đối với cá nhân Shunkan, sứ giả đã không thấy có tên của nhà sư trong danh sách được ân xá… 

Shunzei Tadanori 俊成忠度 (Lớp 2) (Soạn giả: Naitô Zaemon?) Sau khi Okabe Tadasumi giết được tướng Taira là Tadanori trong tận Ichinotani rồi, ông đã đem về cho thi hào Fujiwara Shunzei – người dạy Tadanori làm thơ – một kỷ vật của người chết tức bài thơ ngắn nói về hoa anh đào. Khi Shunzei khấn nguyện cho linh hồn học trò mình siêu thăng thì hồn ma của Tadanori hiện ra nguyên hình và trình bày nguyện vọng có được một bài thơ in trong Senzaishuu (Thiên Tải Tập) mà thầy mình đang biên tập. (Xuất xứ: Truyện Heike) 

Shôki 鐘馗 (Lớp 5) (Soạn giả: Zenchiku): Có người ở núi Chung Nam (Trung Quốc ) vào kinh lo việc tố tụng thì gặp linh hồn của Chung Quỳ (Shôki). Ngày xưa họ Chung tuy tài cao nhưng khi thi Tiến sĩ bị đánh trượt đã đập đầu vào thềm điện định tự sát nên được nhà vua cấp áo bào xanh và cho trúng tuyển. Tuy nhiên từ đó Chung hối hận cho cái tính cố chấp bám theo danh lợi của mình, nguyện làm con quỷ bảo hộ nước nhà. 

Shôkun 昭君 (Lớp 5) (Soạn giả: Komparu Konmori): Vì kế hòa thân, nàng Chiêu Quân (Shôkun) bị vua Hán Nguyên Đế gả cho Thiền Vu Hung Nô. Người lân cận mới đến thăm cha mẹ nàng để an ủi. Cha nàng thường mang tấm kính – có chiếu hình ảnh nàng – ra xem để đỡ nhớ con. 

Shôjô 猩々(Lớp 5) (Soạn giả: không rõ): Người đàn ông tên Kôfuu (Cao Phong) sống dưới chân núi Kim Sơn bên sông Dương Tử (TQ) bán rượu nuôi cha mẹ, thường gặp một ông khách trẻ uống rượu rất giỏi. Đó là hóa thân của một con tinh tinh (shôjô) sống dưới biển vốn thích vui đùa, ham bạn bè và mê rượu. 

Shôzon 正尊 (Lớp 4) (Soạn giả: Nagatoshi) Shôzon nhận mật lệnh của Shôgun Yoritomo đi trừ khử người em là Yoshitsune. Yoshitsune không biết anh ta dối trá vẫn tiếp đãi chu đáo. Tuy nhiên tùng giả của Yoshitsune là Benkei cho người rình mò nên khám phá âm mưu và tìm cách bắt sống được Shôzon (Xuất xứ: Truyện Heike, chương 12). 

Sôshiarai 草紙洗 (Lớp 3) (Soạn giả: không rõ) Ôtomo Kuronushi biết không thắng nổi Ono no Komachi ở hội bình thơ sáng hôm sau bèn lẻn vào nhà nàng nghe lén xem nàng đang chuẩn bị cái gì vào đêm hôm trước trận đấu. Một giai thoại văn chương giữa hai nhân vật trong Lục Ca Tiên (tức sáu nhà thơ lớn thời Heian) 

Sotoba Komachi 卒塔婆小町 (Lớp 4) (Soạn giả: Kan.ami): Tăng núi Kôyasan trên đường về kinh đô đến vùng Toba thì gặp nữ thi nhân danh tiếng đời xưa là nàng Ono no Komachi giờ đây xấu xí và già yếu, hổ thẹn vì vóc dáng như người ăn xin của mình, đang ngồi trước một cái tháp cúng dường (sotoba, stupa)… 

Suma Genji 須磨源氏 (Lớp 4 & 5) (Soạn giả: Zeami?): Ông từ đền thần tên ở Hyuuga tên là Fujiwara Okinori đi tham bái đền Ise, dọc đường khi tới bãi Suma thì gặp một lão tiều đang ngắm hoa anh đào. Khi hỏi lai lịch cây hoa, ông ta bảo đó là một cây hoa nổi tiếng và mình là nhân vật chính trong Truyện Genji rồi biến mất. Đêm ấy, trời thanh vắng, hồn ma của hoàng tử Genji hiện xuống và múa vũ khúc Seigaiha (Thanh Hải Ba) cho đến hừng sáng. 

Sumizomezakura 墨染桜 (Lớp 3) (Soạn giả:không rõ): Ueno Mieno, sau khi xuất gia, đi thăm mộ Thiên Hoàng Ninmyô (Nhân Minh) ở Fukukusa và gặp một đôi nam nữ, nhắc lại bài thơ trong Kokinshuu (tức Cổ Kim Hòa Ca Tập) , ý nói đừng để cho cánh hoa bị nhuộm đen (sumizome) và biến mất trong sương đêm. 

Sumidagawa 隅田川 (Lớp 4) (Soạn giả: Motomasa): Có người con gái vùng Kyôto đi về miền Đông, lấy đò qua sông Sumida để tìm đứa con thất lạc. Nàng đã điên loạn vì con mình bị bọn buôn người bắt đi. Nhân ông lái cho biết có lẽ con bà mà ông từng gặp đã bị bệnh chết từ năm ngoái nên nàng khóc than vật vã. Được đưa đến bên nấm mộ, nàng thấy hình bóng đứa con hiện ra bảng lảng nhưng khi ôm choàng nó thì chỉ có không khí. 

Sumiyoshi Môde 住吉詣 (Lớp 3) (Soạn giả: không rõ): Hữu đại thần Hikaru Genji bị tả thiên tới thăm đền thần Sumiyoshi cầu khẩn, mong sao chóng về lại kinh đô.Tình cờ chàng gặp lại nàng Akashi no Ue là người mình đã hứa hôn trong lúc lưu đày. Hai bên nhớ lại lời ước cũ và vui vẻ uống rượu, múa hát, mừng cuộc tái hợp. (Xuất xứ: Truyện Genji, chương Miotsukushi = Phao trôi nổi) 

Tadanobu 忠信 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami): Khi Yoshitsune còn đang lẫn trốn trong vùng rừng núi Yoshino vì bị quân của anh mình vây bắt thì tùy tướng trung nghĩa của ông là Satô Tadanobu vẫn chiến đấu chống bọn tăng binh đang đuổi theo chủ mình. 

Tadanori 忠度 (Lớp 2) (Soạn giả: Zeami): Tăng xưa kia hầu cận nhà thơ Shunzei nay đi tu vân du đến bãi biển Suma chợt thấy một cội cây anh đào. Có ông già làm ruộng muối hiện ra giải thích đó là cái cây đã từng cho tướng Taira no Tadanori ngủ đỗ. Tăng bèn đọc kinh cầu siêu cho viên tướng tài hoa bạc mệnh thì ông lão bèn cho biết mình là hồn ma của Tadanori rồi biến mất. Đêm đó, trong giấc mơ, tăng lại thấy Tadanori hiện về (Xuất xứ: Truyện Heike chương 9) 

Taema 当麻 (Lớp 1) (Soạn giả: Zeami): Tín đồ phái Niệm Phật gặp một ni cô lớn tuổi và người con gái trẻ ở chùa Taemadera ở vùng Yamato, sau mới biết là hồn ma của bà Chuujôhime, một nhân vật truyền thuyết, con gái đại thần họ Fujiwara, đã bỏ nhà để vào núi tu. 

Takasago 高砂 (Lớp 1) (Soạn giả: Zeami): Thần quan Tomonari ở đền Aso lên kinh đô ghé bãi biển Takasago thuộc vùng Harima thì gặp lão ông và lão bà (hiện thân của thần linh) đang quét dọn dưới bóng cây tùng. Họ kể cho ông ta nghe đó là cây tùng Takasago vốn có phép lạ giúp các cặp vợ chồng dù xa cách chân trời góc biển vẫn có thể liên lạc và thông cảm với nhau. 

Take no yuki 竹雪 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami): Naoi Zaemon đi vắng, để con trai là Tsukiwaka ở nhà với mẹ kế. Cậu bị đối xử tàn tệ, bắt phải cởi quần áo đi gạt tuyết trong lùm trúc, đến nỗi chết cóng. Sau được Trúc Lâm Thất Hiền cứu sống lại. (Nội dung giống các vở Tanikô, Matsuyama kagami) 

Tamakazura 玉鬘 (Lớp 4) (Soạn giả: Zenchiku):Tăng vân du gặp một nàng con gái đang chèo thuyền gần đền Quan Âm ở Hatsuse. Sau mới biết đó là vong linh nàng Tamakazura, con gái của nàng Yuugao. Mẹ cô vốn là một người tình cũ của hoàng tử Genji và chính ông tuy ở cương vị bố nuôi cũng có lúc muốn tiến đến với cô làm cô phải lẫn tránh. 

Tamanoi 玉井 (Lớp 1) (Soạn giả: Nobumitsu): Thần Hikohoho bị người anh đoạt mất lưỡi câu không trả nên đi khắp biển để tìm. Chợt đến Long cung gặp nàng con gái đẹp là nàng Tamanoi đứng dưới gốc cây quế. Vừa lúc ấy hai người con gái của Long vương là Toyotama-hime và Tamayori-hime cũng đi múc nước về. Long vương bày tiệc khoản đãi. Thấm thoát 3 năm trôi qua và chàng muốn về lại trần gian. 

Tamura 田村 (Lớp 2) (Soạn giả: Zeami): Thầy tăng vân du từ miền Đông lên kinh đô đến chùa Kiyomizu giữa mùa hoa anh đào đã gặp vong hồn tướng danh tướng Sakanoue Tamura-maro (Tamura), người đã lập được đại công diệt giặc nhờ sự gia hộ của Đức Phật Quan Âm ngàn tay. (Xuất xứ: Sự tích chùa Kiyomizu) (Nội dung tương tự hai vở Ebira và Yashima) 

Tanikô 谷行 (Lớp 4 &5) (Soạn giả: Zenchiku?): Thày tu núi tên là Sotsu no Ajari đến chào gia đình một đệ tử, cậu bé Matsuwaka, để vào tu luyện trong núi sâu. Cậu bé muốn đi theo, ban đầu người mẹ không muốn nhưng sau cũng cam đành. Sau khi cậu lên đường thì bỗng lâm bệnh, Để chữa trị, thầy và bạn đồng hành hối thúc cậu phải làm phép Tanikô nghĩa là để người ta vứt xuống vực sâu rồi phủ đất cát lên trên… 

Tatsuta 竜田 (Lớp 4) (Soạn giả: Zenchiku): Thầy tăng vân du đến vừng Tatsuta – nơi nổi tiếng vào mùa thu có cảnh lá phong đỏ (momiji ) rất đẹp và đã gợi hứng cho nhiều nhà thơ nổi tiếng – gặp được Tatsutahime, vị nữ thần của vùng hiện ra dưới dạng trinh nữ đền thần (miko), và nghe nàng kể lại sự tích của vùng cũng như của ngôi đền. 

Taizanpukun 泰山府君 (Lớp 5) (Soạn giả: Zeami): Con trai của nhà sư Shinzei là quan Chuunagon Sakuramachi tiếc xuân nên làm lễ xin Taizanpukun (thần thổ địa ở Nhật tương ứng với thần núi Thái Sơn bên Trung Quốc) kéo dài mạng sống của hoa anh đào. Sau đó Phủ quân và cáng tiên nữ cầm những nhánh hoa giáng trần múa hát giúp cho hoa anh đào nở rộ trở lại thêm ít lâu, 

Taihei Shôjô 太平猩々(Lớp 5) (Soạn giả: không rõ): Một cải biên của Shôjô nói về hai con tinh tinh ở sông Tầm Dương thích uống rượu. 

Teika 定家 (Lớp 3) (Soạn giả: Zenchiku): Một ngày mưa rào, thầy tăng vân du gặp một người con gái vốn là hồn ma của Công chúa Shokushi đưa ông đến thăm ngôi mộ của mình. Nàng kể cho hay là thi hào Fujiwara no Teika sau khi chết, vì quá yêu nàng nên đã hóa thành giây sắn leo bọc quanh mộ nên nàng bị tiếng đời chê là người không đoan chính.Tăng bèn đọc kinh cầu siêu để giải oan cho nàng. 

Tenko 天鼓 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami?) Thiên Cổ (Tenko) là một cậu bé thời Hậu Hán, lúc xuống trần có đem theo một cái trống con (tsutsumi). Hoàng đế nghe nói muốn chiếm lấy nhưng cậu bé ôm trống vào trốn ở trong núi rồi trầm mình dưới sông Lữ Thủy. Từ đó dù có ai đánh, trống cũng không ra tiếng. Duy có cha chàng là Vương Bá là có thể đánh lên được những thanh âm bi tráng vì lúc đánh, ông bộc lộ lòng nhớ thương con. 

Tôsen 唐船 (Lớp 4) (Soạn giả: Toyama Yoshihiro ?) Thương nhân Trung Quốc tên là Tổ Khánh vì tranh chấp việc buôn bán trên đất Nhật nên bị người Nhật bắt giam, sau được tự do bèn ở lại nước này, lấy vợ và có hai con. Mười ba năm sau, hai con trai lớn của ông từ bên đó qua thăm, xin rước bố và các em về. Mới đầu chính quyền Nhật không chịu nhưng sau đã chấp thuận cho Tổ Khánh và 4 người còn cùng về nước.Trên thuyền, Tổ Khánh vui mừng múa một điệu vũ. 

Tôbôsaku 東方朔 (Lớp 1) (Soạn giả: Zempô) Hồn của nhà hoạt kê Đông Phương Sóc (Tôbôsaku) dưới dạng một lão ông kể lại chuyện về Tây Vương Mẫu, hội bàn đào và những việc xảy ra vào đêm Thất Tịch trong điện Thừa Hoa dưới thời Hán Vũ Đế (Xuất xứ: Đường vật ngữ = Kara Monogatari). 

Tôboku 東北 (Lớp 3) (Soạn giả: Zeami): Các thầy tăng từ miền Đông lai kinh đang ngắm hoa mơ ở Tôbokuin (Đông Bắc Viện). Trước cửa viện lại có “cây mơ bên hiên” (nokiba no ume) có tên là Izumi Shikibu (như tên nhà thơ nữ thời Heian). Các nhà sư đang ngắm thì có người con gái hiện ra cho biết đó là cây do Izumi Shikibu trồng. Đêm đến khi chư tăng đang đọc kinh Pháp Hoa cầu siêu cho nàng thì hồn ma Izumi Shikibu hiện ra cảm tạ. 

Tôei 藤永 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ) Ngài Saimyôji (một lãnh đạo Mạc Phủ Kamakura) trong lúc giả làm nhà sư vi hành ở vùng Ashiya (gần Kobe) đã bắt một người chú (tức Tôei) nhân khi anh mình chết đã mưu toan đoạt của của cháu phải trả lại ấp phong cho đứa bé. 

Tokusa木賊 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami): Một toán nhà sư dắt theo chú tiểu Matsuwaka để chú ta đi tìm cha. Khi đến gần quê hương chú, họ thấy có ông lão và mấy người đàn ông đang chặt cây. Cả đoàn về nhà ông lão qua đêm. Té ra chú tiểu là đứa con thích ca vũ mà ông đã thất lạc. 

Tomoakira知章 (Lớp 2) (Soạn giả: Zeami). Thầy tăng lên kinh đô qua bãi biển Suma thấy có cái tháp đề tên Taira no Tomoakira (Bình Tri Chương), gặp người dân làng cho hay hôm nay là ngày giỗ của Tomoakira, con trai Tomomori, đã chết trong trận Ichinotani. Nói xong thì đi xuống biển và mất dạng. Tăng bèn tụng kinh cầu siêu cho chàng thì vong linh Tomoakira hiện ra và cảm tạ, cho biết mình vẫn bị khốn khổ trong địa ngục tu-la. 

Tôru 融 (Lớp 5) (Soạn giả: Zeami): Đêm trung thu, một lão nhà quê xuất hiện trước mặt thầy tăng từ miền Đông đến kinh đô xem phong cảnh ngôi dinh thự Kawara-no-in ở phường Rokujô. Ông ta xưng mình là đại thầnTôru, khi xưa từng sống ở miền Đông Bắc, rồi biến mất. Lão tăng cầu siêu cho ông và đêm đến, Tôru đã hiện ra trong dáng dấp trẻ trung, phong nhã lúc sinh tiền để cảm ơn. (Xuất xứ: Truyện Ise) 

Tôgan Koji 東岸居士 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami?): Lữ khách đến kinh đô thăm chùa Kiyomizu. Đến trước cửa thì gặp Tôgan Koji (Đông Ngạn cư sĩ) đang thuyết giáo và quyên góp, cũng như giao lưu với khách thập phương.(Tuồng này mô tả sinh hoạt đầu đường của các tu sĩ phái Thì Tông như đã thấy trong Jinen Koji hay Kagetsu). 

Tomoe 巴 (Lớp 2) (Soạn giả: không rõ): Nhà sư đất Kiso lên kinh đô ghé ngang vùng Awazu-no-hara chợt gặp một người con gái đang đi cúng dường vong hồn tướng Genji là Yoshinaka. Cô khóc lóc và xin tăng hãy đọc kinh hồi hướng cho chàng. Sau khi tăng làm pháp sự thì nàng Tomoe Gozen (tướng cận vệ và cũng là thiếp yêu của Yoshinaka) hiện ra với chiến bào và vũ khí là cây giáo dài trên vai để kể lại cái chết anh dũng của chồng. (Xuất xứ: Truyện Heike, chương 9). 

Tomonaga 朝長 (Lớp 2) (Soạn giả: Zeami?): Người chăm sóc Tomonaga hồi nhỏ nay đã đi tu, đến vùng Mino tìm lại dấu vết của chàng. Ông gặp người chủ quán trong vùng kể lại chuyện Tomonaga cùng Yoshitomo của nhà Genji sau khi thất bại trong cuộc binh biến năm Heiji nguyên niên (1159) đã phải đào vong thế nào và tự sát ra sao. (Xuất xứ: Truyện Heiji). 

Torioibune 鳥追船 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ) Người đàn bà có chồng lên kinh đô khiếu kiện 10 năm vẫn chưa về. Kẻ hầu hạ là Ukon đến nhà, bắt hai mẹ con phải lên chiếc thuyền dùng để đi đuổi những loài chim phá hoại mùa màng (torioibune). Chồng về thấy thế muốn giết kẻ hầu cận nhưng vợ cho rằng ông chồng, người đã bỏ vợ con 10 năm không ngó ngàng tới, mới là kẻ quấy. 

Tsuchigumo 土蜘蛛 (Lớp 1) (Soạn giả: không rõ): Raikô, kẻ chuyên trị quỷ, lâm bệnh. Thị nữ Kochô đem thuốc đến cho uống và an ủi. Sau khi nàng đi khuất, một tăng nhân không biết là ai tìm tới phóng ra một sợi tơ làm thành cái màng nhện. Raikô rút kiếm chém thì kẻ đó biến mất. Ông đem kể mọi chuyện cho một kiếm sĩ thì người ấy bèn theo vết máu tìm tới được một cái gò đất và tìm thấy tinh con nhện đất (tsuchigumo) bèn đánh nhau và diệt được nó (Xuất xứ: Truyện Heike) 

Tsuchiguruma 土車 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami): Vũ quan Fukakusa sau khi vợ chết bèn chán đời, bỏ con ở lại, tìm đến chùa Zenkôji, qua đêm trong Như Lai Đường. Ông chợt thấy lão bộc Kojirô trong dáng điệu một kẻ mất trí chở con mình trên chiếc xe tìm tới gặp cha… 

Tsunemasa 経正 (Lớp 2) (Soạn giả: Zeami?): Tăng Gyôkei (Hành Khánh) chùa Ninna làm pháp sự cầu siêu cho tướng Taira no Tsunemasa (Kinh Chính), người đã chết trong trận đánh trên biển miền Tây. Vì muốn cảm tạ nhà sư, giữa khi hành lễ, hồn ma của Tsunemasa hiện ra với cây đàn tì bà ngày xưa chàng vẫn hay dùng. Thế nhưng đàn và múa chẳng được bao lâu, chàng bị gọi về địa ngục tu-la để tiếp tục chuyện chém giết. (Xuất xứ: Truyện Heike, chương 7). 

Tsurukame鶴亀 (Lớp 1) (Soạn giả: không rõ): Đình thần kể lại chuyện Đường Minh Hoàng du nguyệt điện. Sau đó, hạc (tsuru) và rùa (kame) cũng xuất hiện và múa để chúc thọ. Nhà vua cũng múa theo rồi sau đó lui về Trường Sinh Điện. 

Uchito Môde 内外詣 (Lớp 1) (Soạn giả: Kongô Matabê Nagayori): Đặc sứ Thiên Hoàng nhận mệnh tham bái Đại thần cung Ise, nơi thờ Nữ thần Thái Dương. Chức quan đền thần và miko (người phụng sự trong đền) bước ra trình bày sự tích của đền và uy quang của chư thần. Uchi = bên trong, To (bên ngoài), Môde ( = hành hương). 

Ukai 鵜飼 (Lớp 5) (Soạn giả: Enami Zaemon, Zeami cải biên): Tăng người xứ Kai cùng tùy tùng đến bờ sông Isawa xin người địa phương cho ngủ nhờ nhưng bị từ chối vì có lệnh cấm. Họ khuyên nên ra cái đình bên sông mà ngủ. Ở đây hai thầy trò gặp một ông già làm nghề đánh cá bằng cách sử dụng chim còng cọc (commorant) bắt cá thế cho mình, tăng bèn khuyên ông bỏ nghề chứ đừng phạm tội sát sinh như thế nữa. 

Ugetsu 雨月(Lớp 4) (Soạn giả: Zenchiku): Truyện tăng Saigyô đến vùng Sagano xin ngủ lại trong túp lều của một cặp vợ chồng già. Hai người này (rất lãng mạn) đang lưỡng lự xem có nên lợp mái (để che mưa) hay bỏ mái (để ngắm trăng) vì ý thích của họ khác nhau. Nhà sư dựa vào cái ý đó để kết thúc một bài thơ Waka của ông đang làm dang dở để nói lên đạo tâm của mình 

Ukifune 浮舟 (Lớp 3 &4) (Soạn giả: Yokoo Mitsuhisa và Zeami): Thầy tăng vân du đến vùng Uji thì gặp một người con gái kể về giao ước giữa chàng Kaoru và nàng Ukifune (Phù Châu) vốn là hai nhân vật xuất hiện trong phần sau của Truyện Genji. Thế nhưng nhân nàng còn đi lại một người thứ ba nữa nên tâm hồn bị dằn vặt đến nỗi tự trầm dưới sông Uji.(Xuất xứ: Truyện Genji, 10 chương viết về vùng Uji) 

Ume梅 (Lớp 3) (Soạn giả: Kanze Motoakira): Người họ Fujiwara ở kinh đô viếng cảnh mùa xuân vùng Namba. Có người con gái ngâm một câu thơ do Ôtomo no Yakamochi, người biên soạn thi tập Man.yôshuu sáng tác rồi giải thích về ý nghĩa và đạo lý của thơ Waka. Nàng cũng ca tụng hương sắc, dáng dấp đẹp đẽ và công dụng dược thảo của cây mơ. Fujiwara mới biết nàng là tinh linh của cây mơ. 

Umegae 梅枝 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami): Tăng vân du đến một cái am nghèo nàn vùng Sumiyoshi được nữ chủ nhân cho nghe câu chuyện tranh tài đánh trống giữa trong cung giữa hai nhà âm nhạc đền thần là Asama và Fuji, khiến cho một người (Fuji) bị giết chết. Vợ ông ta mới đánh cái trống -vật kỷ niệm của chồng – cho đỡ buồn. Hồn ma của bà hiện ra cảm tạ sau khi được tăng đọc kinh Pháp Hoa để an ủi. 

Uneme 采女 (Lớp 3) (Soạn giả: Zeami?): Một đêm xuân, có nhà sư vân du đến viếng đền Kasuga thì gặp được một cô con gái đang trồng cây trong sân, bảo mình đang cầu cho nguyện ước được thành tựu. Sau đó cô hướng dẫn tăng ra thăm cái ao mà xưa kia có nàng cung nữ (uneme) quyên sinh vì nhà vua đổi lòng, không yêu nàng nữa. Tăng biết rằng nàng là vong linh người cung nữ đó, nay muốn kiếp sau sinh làm con trai để sống cuộc đời thanh tĩnh ở núi Phổ Đà. (Xuất điển: Kokin shuu). 

Ukon 右近 (Lớp 1) (Soạn giả: Zeami. Nobumitsu cải biên): Chức quan đền thần Kashima đi ngắm hoa bất chợt ngâm nga câu thơ của Ariwara no Narihira nói về hoa anh đào, bèn gặp được nữ thần của hoa hiện ra trong đêm trăng mờ và múa cho xem nhiều vũ khúc. 

Unrin.in 雲林院 (Lớp 3 &4) (Soạn giả: Zeami?): Chàng Kinmitsu, người hay đọc Truyện Ise, được báo mộng nên đến thăm đền Unrin.in (Vân Lâm Viện). Trong giấc mộng, Kinmitsu thấy vương tử Narihira, người đã từng hẹn hò với hoàng hậu Nijô (giai thoại mà Truyện Ise có chép) ở Unrin.in hiện ra, múa và kể lại chuyện tình ngày xưa của mình. (Xuất xứ: Truyện Ise & Truyện Genji chương Hana-utage) 

Uno Matsuri 鵜祭 (Lớp 1) (Soạn giả: không rõ): Đình thần bái mệnh đến tham bái đền Kita. Chợt thấy một đám con gái có vẻ khả nghi. Các cô cho biết mình là hóa thân của thần rồi biến mất. Cuối cần thì vị thần Yahiro của đền và con chim còng cọc (uno, cormorant) chuyên bắt cá dùng vào việc cúng tế cũng đã hiện ra. 

Urokogata 鱗形 (Lớp 1) (Soạn giả: không rõ): Hôjô Tokimasa – nhân vật quyền lực của Mạc phủ Kamakura – cùng tùy từng tới Enoshima tham bái nữ thần Benzaiten (vị thần tài năng và phúc lộc) thì gặp một nàng con gái hiện ra đáp lại lời cầu xin.Tokimasa còn đang ngạc nhiên thì chẳng bao lâu, chính nữ thần Benzaiten hiện ra với tất cả uy quang với lá cờ hình thù như 3 vảy cá (Mitsu.urokogata). 

Utou 善知烏 (Lớp 4) (Soạn giả: Zeami?): Tăng vân du đến núi Tateyama nghe nói trên núi ấy có địa ngục bèn muốn xem nhưng sau quá khiếp đảm phải hạ sơn. Dưới chân núi, ông gặp người thợ săn nhờ trao kỷ vật cho vợ mình. Chính ra ông là một hồn ma vì nghề nghiệp đã phạm vô số tội sát sinh, từng giết cả những con chim non (utou) trước mắt cha mẹ chúng nên đang khổ sở trong địa ngục vì bị hành hạ bởi mỏ sắt và móng đồng của chim. (Nội dung tương tự các vở Ukai, Akôgi) 

Utaura 歌占 (Lớp 4) (Soạn giả: Motomasa?) Người dân làng dưới chân núi Hakusan nghe một chàng miko nam cho biết việc bói toán bằng thơ (utaura) rất linh nghiệm nên đi theo để hỏi thăm về bệnh tình của cha mình… (Xuất điển: Taiheiki =Thái Bình Ký, quyển 10). 

Yashima 八島 (Lớp 2) (Soạn giả: Zeami) Nhà sư từ kinh đô đến Yashima trên đảo Shikoku, ghé vào căn lều bỏ hoang của dân làm muối thì gặp một ngư ông và một chàng trẻ tuổi từ bãi biển vừa về tới. Lão già nghẹn ngào kể cho tăng nghe về cuộc tranh hùng giữa hai họ Taira và Genji trong trận Yashima và nhắc lại nhiều kỷ niệm bi tráng về sự dũng cảm của các chiến sĩ hai bên. Tăng chợt hiểu lão già là hồn ma của đại tướng Yoshitsune (Xuất xứ: Truyện Heike, chương 11). 

Yamamba 山姥 (Lớp 1) (Soạn giả: Zeami?): Hyakuma Yamanbalà biệt hiệu của nàng con hát ở kinh đô nổi tiếng vì diễn vai bà chằng tinh trong núi tức Yamamba (Yama-uba), tình cờ gặp được chính nhân vật của vở tuồng ở vùng ranh giới xứ Echigo. Vì lỡ độ đường, nàng và tùy tùng phải qua đêm trong túp lều của một bà già tự xưng là Yamamba. Sau khi bảo nàng con hát múa hát cho mình xem bèn hiện nguyên hình dưới ánh trăng, múa xong rồi biến mất. 

Yôkihi 楊貴妃 (Lớp 3) (Soạn giả: Zenchiku): Theo lệnh Đường Minh Hoàng, người phương sĩ bèn đến gò Mã Ngôi chiêu hồn người đẹp Dương Quí Phi (Yôkihi).Được hướng dẫn đến Thái Chân Điện trong Bồng Lai Cung, phương sĩ bày tỏ lòng nhớ nhung của nhà vua làm nàng cảm động, bèn nhờ phương sĩ đem về tặng nhà vua cành thoa làm kỷ vật và múa khúc Nghê Thường Vũ Y như hồi còn ở cung Ly Sơn. Cùng lúc nàng cho biết mình không còn thể nào trở lại cõi phù thế nữa và ngậm ngùi tiễn chân phương sĩ. (Xuất xứ: Trường Hận Ca và Truyện Genji chương Kiritsubo). 

Yoshino Shizuka 吉野静 (Lớp 3) (Soạn giả: Kan.ami): Nàng Shizuka Gozen, một con hát giỏi nghề ca vũ, thiếp yêu của tướng Yoshitsune, lập mưu với tùy tướng trung thành là Satô Tadanobu tìm cách cứu chàng thoát khỏi tay bọn tăng binh đang bủa vây trong vùng rừng núi Yoshino. Nhờ mưu kế của hai người cầm chân được họ mà Yoshitsune tạm thời thoát hiểm. 

Yoshino Tennin 吉野天人 (Lớp 3) (Soạn giả: Nobumitsu) Người ở kinh đô đến vùng Yoshino xem hoa thì tình cờ gặp một thiếu nữ lời ăn tiếng nói khác người thường (mà sau này anh mới biết là một nàng tiên). Nàng hẹn anh đi dạo dưới trăng, rồi hiện ra và múa điệu vũ Gosetsu (Ngũ Tiết) cổ kính. (Nội dung giống vở Hagoromo) 

Yorimasa 頼政 (Lớp 2) (Soạn giả: Zeami): Du tăng từ Kyôto đi Nara giữa đường ghé làng Uji thì gặp một ông lão giới thiệu cho nghe về những thắng cảnh địa phương rồi đưa ông tới Byôdôin (Bình Đẳng Viện), một công trình kiến trúc nguy nga, chỉ cho xem bãi cỏ nơi ngày xưa võ tướng và nhà thơ Gensammi Yorimasa đã tự sát sau khi nổi loạn bất thành.Thế rồi, ông lão bèn cho biết mình là hồn ma của Yorimasa và biến mất…(Trận cầu Uji là một trận đánh nổi tiếng của Yorimasa). (Xuất xứ: Truyện Heike) 

Yoroboshi 弱法師 (Lớp 4) (Soạn giả: Motomasa): Michitoshi, một vị quan, vì lời vu oan của người khác mà đuổi con trai là Shuntokumaru ra khỏi nhà. Sau đó, khi ông đến chùa Tennôji để làm phật sự để giải oan cho con thì gặp một chú tiểu mù đang chống gậy ăn xin cạnh cổng chùa. Sau đó, ông mới biết chú tiểu mù có tên là Yoroboshi này chính là đứa con mà mình cất công đi tìm bấy lâu. 

Youchi Soga 夜討曽我 (Lớp 4) (Soạn giả: Miyamasu): Hai anh em Soga là Gorô và Juurô lập kế đang đêm tấn công (youchi) kẻ thù là Kudô Suketsune người đã giết cha họ. Thế nhưng sau đó, Juurô bị chém chết tại chỗ trong khi Gorô bị bắt sống giải về Kamakura. Shôgun tuy khen ngợi anh là người con hiếu thảo (biết trả thù nhà như chính mình ngày xưa) nhưng để giữ gìn trật tự và quyền lực của Mạc phủ nên không thể tha tội chết. 

Yôrô 養老 (Lớp 1) (Soạn giả: Zeami): Thiên Hoàng Yuuryaku nghe nói có ngọn suối thiêng bèn cho sứ giả đi thăm dò. Ông đã gặp hai cha con người tiều phu. Họ cho biết tên suối là Yôrô (Dưỡng Lão) vốn có công hiệu tuyệt vời. Sứ giả bèn về triều ngay để báo tin. (Xuất xứ: Thập Huấn Sao = Jikkunshô) 

Yuugao 夕顔 (Lớp 3) (Soạn giả: Zeami?): Tăng vân du đến vùng Gojô (ở Kyôto) chợt nghe tiếng ngâm thơ của một nàng con gái từ bên hàng hiên. Người trong vùng cho ông biết nàng là kẻ từng được nhắc đến trong Truyện Genji. Tăng mới biết đó là nàng Yuugao (Tịch Nhan), ngày xưa có một mối tình ngắn ngủi với hoàng tử Hikaru Genji. Tăng bèn ai điếu vong linh và Yuugao no Ue đã hiện ra với vẻ vui mừng vì đã giác ngộ Phật đạo. 

Yuugyôyanagi 遊行柳 (Lớp 3) (Soạn giả: Nobumitsu): Du Hành thượng nhân vân du tới vùng Shirakawa ở Ôshuu thì gặp một ông lão hướng dẫn tới một cây liễu mục và cho biết xưa kia cao tăng Saigyô có lần nghỉ chân dưới gốc liễu này. Chính ra lão già là tinh của cây liễu già, đang muốn nhờ thượng nhân cầu kinh siêu độ cho mình. Sau khi được thỏa nguyện, mới hiện hình người trong trang phục đẹp đẽ để kể lại sự tích của cây liễu trong văn chương Hòa Hán thay cho lời cảm ơn (Xuất xứ: Shin Kokin Wakashuu = Tân Cổ Kim Hòa Ca Tập). 

Yumiyawata 弓八幡 (Lớp 1) (Soạn giả: Zeami): Đình thần của Thái thượng hoàng Uda đến viếng đền Yawata trên núi Otokoyama, gặp một ông già trên vai mang một cái bọc đựng cung (yumi) và tên (ya), ca ngợi công đức của thần Yawata và chúc thọ.Thần Yawata chính là vị thần võ nghệ (cung tên) của Nhật Bản đã giúp họ trong các cuộc chinh phạt và bình định đất nước. 

Yuki 雪 (Lớp 3) (Soạn giả: không rõ): Thầy tăng vân du giữa đường qua xứ Settsu, gặp lúc trời đổ tuyết lớn, phải chờ cho ngớt. Có nàng con gái (tinh của tuyết) hiện ra nhờ tăng đọc kinh cho mình sở dĩ gây ra bão tuyết vì đang mắc phải mê lầm. Sau khi lòng đã trong sáng ra, nàng vung tay áo cuốn tuyết và trời lại quang đãng. 

Yuya 熊野 (Lớp 3) (Soạn giả: không rõ): Thứ nam của quyền thần Taira no Kiyomori là Munemori.Ông có người thiếp yêu là nàng Yuya. Thế nhưng khi biết mẹ già của nàng lâm bệnh, ông lại tìm nhiều cách ngăn cản không cho nàng về quê thăm bà làm nàng rất sầu khổ. Ngay cả khi có tin báo mẹ nàng đang hấp hối ông vẫn còn bắt nàng tháp tùng mình đi xem hoa. May thay, rốt cuộc ông cũng hiểu tâm sự nàng và cho phép đi thăm mẹ. 

Zegai 是界 (Lớp 5) (Soạn giả: Takeda Hôin Sadamori): Thủ lãnh quái vật thiên cẩu của Trung Quốc tên là Zegaibô chuyên môn dụ dỗ những kẻ ngạo mạn về bè. Lần này hắn muốn ngăn trở việc truyền bá Phật pháp ở Nhật nên giả làm nhà sư núi (yamabushi), chiêu dụ người tên Tarôbô để cùng nhau phá phách chùa Hiei. Thế nhưng chức tăng chính cùa Hiei với sự trợ lực của chư thần và chư thiên đã đánh đuổi được Zegaibô. 

Zenji Soga 禅師曽我 (Lớp 4) (Soạn giả: không rõ): Sau khi hai anh em Soga (Gorô và Juurô) diệt xong kẻ thù là Suketsune và chính họ cũng bị Shôgun Yoritomo giết hại, hai anh em người tùy tùng là Danzaburô và Oniô bèn đem các di vật của chủ mình về quê cho bà mẹ già. Mẹ than khóc con xong bèn bảo họ phải cấp tốc đến ngôi chùa nơi cậu em út nhà Soga là Kugami Zenji (thiền sư Kugami) đang tu hành. Thế nhưng lúc đó Shôgun đã phái người tấn công chùa và bắt sống Kugami giải về Kamakura. (Xuất xứ: Truyện Soga = Soga Monogatari) 

Phân tích các vở tuồng theo chủ đề 

Bên trên chúng ta đã nói đến việc chuyên gia tuồng Nô phân chia các vở tuồng ra làm 5 loại (Thần, Nam, Nữ, Cuồng, Quỷ) để tiện bề tổ chức các buổi diễn. Việc đó giống như anh đầu bếp khéo muốn soạn một mâm đủ các món để mời cỗ. Tuy nhiên cũng có cách phân loại khác, dựa theo nội dung của vở và rất có ích cho việc nghiên cứu văn bản tuồng. Có thể nói đây không phải là cái nhìn từ phía người đầu bếp nhưng là từ phía thực khách. Hình như tất cả các vở Nô đều năm trong 20 hạng mục sau đây: 

1) Loại tuồng tán dương thần đức của Trời,Phật, thần tiên và các vua chuá cổ đại (ví dụ Takasago, Saoyama, Tatsuta, Yôrô…). 

2) Loại tuổng ca ngợi các thần linh, quí nhân, thi nhân và các nhà âm nhạc cũng như cuộc sống thú vị của họ (ví dụ Tôru, Ojio, Ugetsu, Ômu Komachi…) 

3) Loại tuồng giải thích giáo nghĩa và tán dương chư Phật (ví dụ Eguchi, Yamamba, Bashô, Sotoba Komachi …) 

4) Loại tuồng miêu tả các phép lạ và sự linh ứng của Thần Phật (ví dụ Tanikô, Kuzu, Kiso, Shakkyô, Kumano Môde…) 

5) Loại tuồng nói về luân lý, đạo đức và khí tiết của các võ sĩ thời Trung Cổ (ví dụ Hachi-no-ki, Manjuu, Shichikiochi, Zettai…) 

6) Loại tuồng miêu tả sự dũng cảm và tài trí của các võ tướng (Ví dụ Uji Yorimasa, Sanemori, Tadanori, Atsumori…) 

7) Loại tuồng mô tả sự bi thảm và vô ích của chiến tranh (Ví dụ Shunkan tức Kikaigashima, Fujito, Shigehira, Tsunemori…) 

8) Loại tuồng nói về tình cha mẹ đối với con cái (Ví dụ Ama, Take no yuki, Kagekiyo, Tsuchiguruma…) 

9) Loại tuồng nói về tình yêu nam nữ (Ví dụ Funabashi, Nishikigi, Kayoi Komachi, Hanjo…) 

10) Loại tuồng nói về tình yêu thuần khiết, đam mê hay ghen tuông của phụ nữ (Ví dụ Izutsu, Aoi no Ue, Teika, Matsukaze…) 

11) Loại tuồng nói về cái đẹp, sự cô độc, sự nuối tiếc, lòng hoài cựu trong lúc tuổi già (Ví dụ Obasute, Sekidera Komachi, Saigyôzakura, Yuugyôyanagi…) 

12) Loại tuồng nói về “nam sắc”, tình yêu đồng phái (Ví dụ Matsumushi, Kurama Tengu) 

13) Loại tuồng mô tả sự nghèo túng và cuộc đời lao động (Ví dụ Torioibune) 

14) Loại tuồng mô tả việc bán người và mua người (Ví dụ Jinen Koji, Sakuragawa, Sumidagawa, Nobuo…) 

15) Loại tuồng mô tả việc phạm tội sát sanh để làm kế sinh nhai (Ví dụ Ukai, Akogi…) 

16) Loại tuồng nói về sự hoài nghi và khổ não khi đứng trước cuộc đời (Ví dụ Yoroboshi, Seminaru, Kantan, Morihisa…) 

17) Loại tuồng than thở cho cảnh sống hẩm hiu (Ví dụ Nue) 

18) Loại tuồng nói về cái hay đẹp của những hình thức nghệ thuật như Monogurui, Shiraboshi, Miko, Monouri. Ví dụ các vở Hyakuman, Ashigari, Miidera, Hanagatami… 

19) Loại tuồng kịch hóa các thần thoại và truyền thuyết bản địa. Ví dụ Tamanoi, Hagoromo, Dôjôji, Raiden… 

20) Loại tuồng kịch hóa các giai thoại ở Trung Quốc (Đường thổ) và Ấn Độ (Thiên Trúc). Ví dụ Seiôbô, Shôkun, Yôkihi, Kanyôkyuu… 

Đã có tuồng thời phải có tích. Trước tiên tích ấy nằm trong vở. Sách vở Ấn Độ (các bộ kinh Phật) Trung Hoa (Sử Ký, Hán Thư, Đường thi) cũng như Nhật Bản (Cổ Sự Ký, Phong Thổ Ký, Vạn Diệp Tập, Truyện Ise, Truyện Genji, Truyện Yamato và nhất là Truyện Heike). Ngoài ra trong loại tuồng Genzai Nô, đề tài thường phản ánh thực tế xã hội trong con mắt của soạn giả, từ chuyện gia đình ly tán đi tìm nhau, từ sự hoành hành của các nhóm cướp và buôn người, từ chuyện trả thù phục hận (vendetta) cho đến những khó khăn gặp phải trong mậu dịch quốc tế Trung Nhật đương thời. 

Chúng ta cũng nhận thấy rằng tuy ngưỡng mộ văn hóa Trung Hoa (trong Yôkihi, Kanyôkyuu, Chôryô, Tôbôsaku, Tsurukame) nhưng qua các vở Nô như Hakurakuten (thần Nhật Bản buộc Bạch Cư Dị phải về nước), Zegai (thần Nhật Bản phá tan âm mưu quái vật đến từ Trung Quốc), hay hai vở Genjô và Katsuga Ryuujin (long thần ngăn cản các nhà sư đừng qua Trung Quốc du học vì cho biết ở Nhật đã có đủ cả), vở Kureha (đồ ta chê đồ Tàu)…., ta thấy rằng người Nhật rất coi trọng sự độc lập tự chủ của giống nòi mình. 

Trong các vở tuồng thuộc lớp 2, hầu hết nội dung phát xuất từ Truyện Heike. Đặc biệt vai chính các vở đều là các chiến sĩ Taira, phía thua cuộc (Atsumori, Kagekiyo, Sanemori, Shigehira, Munemori, Tsunemasa…). Ngay cả vai chính đến từ binh đoàn Genji cũng là những kẻ mang số phận hẩm hiu (Yoshitsune, Yoshinaka, Tadanobu, Tomoe). Điều này phản ánh tâm lý phục tùng người thắng nhưng thương cảm kẻ thua thường thấy nơi người Nhật. 

Về văn bản, chúng ta thấy Nô có tiến hóa bởi vì có sự gia bút hay cải biên của người đời sau. Phần lớn việc này làm cho vở tuồng hay hơn nhưng vẫn có vài khuyết điểm như thiếu thống nhất hay lệch hướng vì khi thêm bớt, không phải người nào cũng mát tay. 

Cũng phải nói thêm là ngoài những vở thực diễn có một số vở gọi là haikyoku 廃曲 (phế khúc) vì một lý do nào đó. hiện nay không còn được đưa lên sân khấu hay đã được cải biên để trở thành một vở mới. 

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s