1. Những điểm giống nhau giữa Lưu Bang và Lưu Bị:
• Cả hai đều xuất thân từ tầng lớp dưới của xã hội, có thể nói khố rách áo ôm, Lưu Bị đóng dép bán chiếu, Lưu Bang thủ lĩnh của đám thanh niên du côn trong làng, về sau bỏ tiền mua được chức đình trưởng Tứ Thủy, có thể nói là khá giả hơn một chút
• Cả hai đều lớn lên vào thời kỳ loạn ly, chính quyền đương thời của nhà Tần ( Tần Nhị Thế) – nhà Hán ( Hoàn Đế- Linh Đế) cực kỳ rệu rã, thối nát
• Cả hai đều khởi nghiệp từ khu vực miền đất cực tây của Trung Quốc- vùng đất Ba Thục- Hán Trung ( Tỉnh Quý Châu, Tứ Xuyên ngày nay )- khu vực này địa hình hiểm trở, dễ thủ khó công, thời tiết khắc nghiệt
• Cả hai đều là bậc thầy về chiến thuật thu phục nhân tâm
2. Những điểm khác nhau căn bản
a. Những đối thủ đương thời của Lưu Bang và Lưu Bị
– Tào Tháo là bậc thầy về quân sự và chính trị, không như Hạng Vũ, có thể là một mãnh tướng hổ dữ trên sa trường, nhưng về thủ thuật nhân trị thì dốt nát. Hạng Vũ chôn sống 20 vạn quân Tần, tắm máu thành Hàm Dương, khiến cho dân Tần cực kỳ căm phẫn, lửa đã nhen nhóm, Lưu Bang chỉ việc phất cờ là có người hưởng ứng liền. Còn khả năng thu phục nhân tâm Tào Tháo chỉ có hơn chứ không có kém Lưu Bị, đặc biệt các danh môn sĩ tộc lớn ở Trung Nguyên lúc đó rất ủng hộ họ Tào, những danh môn sĩ tộc này sản sinh ra rất nhiều nhân tài cho chính quyền Tào Ngụy
– Lưu Bang gần như cả cuộc đời chỉ phải dè chừng một mình Hạng Vũ, những đối thủ khác như Chương Hàm, Tư Mã Hân, Đổng Ế, Ngụy Báo, Trần Dư, Điền Quảng đều là hạng giá áo túi cơm, gió chiều nào che chiều ấy, thấy lợi thì phản, cả về nhân phẩm lẫn trí tuệ thì bọn chúng chả có gì xuất chúng
– Trong khi đó, Lưu Bị không chỉ phải đối phó với một mình Tào Tháo mà còn có cả Tôn Quyền hổ cứ Giang Đông. Thế và lực của Tôn Quyền chỉ có hơn chứ không có kém Lưu Bị
b. Đội ngũ nhân sự của Lưu Bang và Lưu Bị ( nhân hòa)
– Về văn, Lưu Bang có 3 nhân vật chính đảm nhiệm 3 mặt khác nhau: Tiêu Hà lo nội chính, hậu cần, Trương Lương lo chiến lược, Trần Bình lo kỳ mưu quỷ kế. Trong khi đó Lưu Bị cũng có Gia Cát Lượng gần như chu toàn mọi công việc, Lý Nghiêm lo việc quân lương, hậu cần, Bàng Thống và Pháp Chính lo mưu kế phản kích, nhưng rủi thay họ Bàng và họ Pháp lại chết quá sớm, khiến cho cơ cấu nhân sự của Lưu Bị bị thiếu hụt
Về võ, Lưu Bang có Tào Tham, Phàn Khoái, Chu Bột, Lư Quán. Lưu Bị cũng có ngũ hổ tướng và Ngụy Diên, nhưng cái mà Lưu Bị không có là một người như Hàn Tín. Hàn Tín đóng vai trò là vị tướng chủ lực giúp Lưu Bang có được cả thiên hạ, những người bên phe Lưu Bị là Quan – Trương – Triệu, chỉ có vũ dũng, đôi khi đột xuất có một vài mưu kế hay nhưng chỉ mang tính bộc phát, không có ý nghĩa chiến lược lâu dài và khả năng thống soái toàn quân như Hàn Tín.
Ngụy Diên có thể phần nào toàn năng hơn ngũ hổ tướng nhưng các kế sách của ông nhiều khi quá mạo hiểm không tính đến hậu quả nếu thất bại- kế sách Tý Ngọ Cốc. Các thế hệ sau của nước Thục như Khương Duy, Quan Hưng & Trương Bào trí và dũng đều không bằng thế hệ tiền nhiệm
– Cái thế của nước Thục lúc đó đúng là nhân tài như lá mùa thu, khi mà Liêu Hóa lãnh tiên phong, Liêu Hóa là ai, tài năng như thế nào thì chắc không cần nói nhiều nữa.
c. Yếu tố địa lợi
Thời của Lưu Bang, khu vực Quan Trung ( tỉnh Thiểm Tây) ngày nay vẫn là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị phồn vinh, nhưng đến thời Lưu Bị, kinh đô nhà Hán đã dời về Lạc Dương ( tỉnh Hà Nam), khu vực Quan Trung- Hán Trung ngày nay đã hoang hóa đi rất nhiều
– Khu vực Quan Trung có thể coi là một khu vực có địa chiến lược đặc biệt, các triều đại như nhà Tần, nhà Hán với Tùy – Đường sau này đều giành được thiên hạ nhờ start- up từ khu vực này.
Và điều quan trọng nhất đó là Lưu Bị chưa hề chiếm được Trường An- trung tâm của Quan Trung ( thành phố Tây An- Thiểm Tây ngày nay). Trường An vẫn là một trọng trấn phía Tây của nhà Ngụy
d. Yếu tố thiên thời
Thủy Kính Tiên Sinh Tư Mã Huy ( thầy của Gia Cát Lượng- Bàng Thống) khi tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị đã phán một câu: Khổng Minh gặp chủ nhưng không gặp thời. Vạn vật có sinh thì phải có diệt, không một ai có thể chống lại quy luật đó
– Ở thời của Lưu Bị, nhà Hán tồn tại ngót nghét hơn 400 năm và đã đến hồi suy vi, nhân dân cũng không còn chí hướng phục hưng nhà Hán, do đó việc một ông họ Lưu chiếm cứ đất Ba Thục rồi giương cao ngọn cờ Phù Lưu diệt Tào không hề được nhân dân hưởng ứng, mà theo về như thời Lưu Bang.
– Ở thời Lưu Bang, nhà Tần vô đạo, Hạng Vũ sau đó lại đi vào vết xe đổ tàn bạo của nhà Tần, nên khi Lưu Bang hô khẩu hiệu diệt Hạng Vũ là lập tức được đông đảo quần chúng ủng hộ
– Chính những sự khác nhau căn bản trên đã giúp Lưu Bang có được đại nghiệp,còn Lưu Bị thì đại nghiệp dang dở