Blog Lịch Sử

Chiến dịch tiêu diệt Osama Bin Laden

Tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden là thắng lợi lớn của Mỹ trước chủ nghĩa khủng bố. Chiến dịch này diễn ra thế nào?

Hầu hết các nhân vật trọng yếu của chính quyền Hoa Kỳ đều xuất hiện

Mạnh Kim

Ngồi trong Phòng Tình huống (Nhà Trắng), Tổng thống Barack Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton cùng một số viên chức an ninh hàng đầu của Mỹ mục kích trực tiếp toàn bộ diễn biến chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden. Không khí trong phòng như đông đặc lại. Cho đến trước khi trực thăng đặc nhiệm của Mỹ chuẩn bị lên đường đến mục tiêu, Nhà Trắng vẫn không biết chắc Bin Laden có mặt ở đó hay không…

Osama Bin Laden, Tháng Ba, 1997
Osama Bin Laden, Tháng Ba, 1997

Dò tìm manh mối

Trong nhiều năm, chiến dịch săn lùng Osama Bin Laden tưởng chừng vô vọng. Hàng chục triệu USD đã được chi ra với nhiều cuộc rình rập, theo dõi và nghe lén nhưng vẫn không mang lại kết quả. Bin Laden vẫn lẫn như chạch. Tình hình bắt đầu lấp lóe hy vọng vào tháng 7.2010, khi một nhóm điệp viên Pakistan làm việc cho CIA phát hiện và bám đuôi một chiếc Suzuki trắng chạy trên đường phố Peshawar (Pakistan). Bảng số xe được ghi lại. Gã tài xế lái chiếc xe trên là đối tượng được CIA dò tìm suốt một thời gian dài. Hắn là một trong những tên đưa tin tín cẩn nhất của Bin Laden. Trong nhiều ngày bám đuôi sát nút, người ta phát hiện tên đưa tin thường lui tới một khu nhà to kín cổng cao tường biệt lập tại Abbottabad, cách thủ đô Islamabad chỉ khoảng 50km. Trước đó vài năm, trong một nhà tù bí mật của CIA tại Đông Âu, Khalid Sheikh Mohammed – gương mặt quyền lực thứ ba của Al-Qaeda – đã cung cấp cho giới điều tra Mỹ mật danh một số tên đưa tin tín cẩn của Bin Laden.

Trong số những cái tên này, CIA đặc biệt chú ý đến một cái tên, bởi một thành viên Al-Qaeda khác – Abu Faraj al-Libi – khai rằng trước khi bị bắt, hắn từng được chính tên đưa tin đó đến gặp với thông báo hắn sẽ được đưa lên vị trí thay thế Khalid Sheikh Mohammed. Chỉ Bin Laden mới có thể thực hiện việc “bổ nhiệm” như vậy. Bin Laden hẳn đã trực tiếp ra lệnh cho tên đưa tin đến gặp Abu Faraj al-Libi. Và như vậy, nếu tìm được tên đưa tin, CIA có thể dò ra được tông tích Bin Laden. Thế là CIA bắt đầu ráo riết mở chiến dịch săn lùng tên đưa tin. Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành hàng loạt cuộc nghe lén và dò e-mail các thành viên gia đình của tên đưa tin. Cuối cùng, họ có được tên thật của hắn. Mật danh là “Abu Ahmed al-Kuwaiti”, hắn tên thật là Sheikh Abu Ahmed, người Pakistan sinh tại Kuwait.

Giữa năm 2010, vận may bắt đầu gõ cửa khi tên đưa tin Abu Ahmed gọi điện cho một người mà CIA đã giám sát lâu nay. Từ cuộc gọi trên, người ta dò ra được vị trí của tên đưa tin. Thế là từ đó, hắn bị theo dõi sát nút. Tháng 8.2010, người ta thấy hắn đến ngôi nhà tại Abbottabad, nơi Abu Faraj al-Libi từng sống. Căn nhà quả là có nhiều chi tiết đáng ngờ. Nằm lọt thỏm trong khuôn viên rộng với bờ tường cao 5m bọc kín xung quanh, ngôi nhà không có điện thoại lẫn Internet. Những người trong nhà sống bí mật, không tiếp xúc với láng giềng và người hàng xóm nào đến gần cũng bị bảo vệ xua đi. Hẳn trong ngôi nhà có một nhân vật cộm cán của Al-Qaeda? Osama Bin Laden chăng? Dù không thể khẳng định, các viên chức tình báo Mỹ vẫn cho rằng việc phát hiện ra ngôi nhà là bí mật cần giữ kín tuyệt đối. Họ không chia sẻ thông tin với bất kỳ đồng minh nào, kể cả Paki- stan.

Cuối năm 2010, vệ tinh tình báo Mỹ chụp những bức ảnh chi tiết về ngôi nhà. Bằng loạt không ảnh, CIA có thể phân tích và phác họa được thói quen sinh hoạt của những người trong nhà. Đến lúc này, người ta gần như chắc chắn rằng Bin Laden có mặt bên trong ngôi nhà. Tháng 2.2011, giám đốc CIA gọi trung tướng hải quân William H. McRaven (chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt phối hợp-JSOC) đến tổng hành dinh CIA và bàn việc không kích mục tiêu. Tướng McRayer, cựu binh dày dạn từng viết một quyển sách về các chiến dịch đặc biệt của Mỹ, bắt đầu làm việc với CIA suốt nhiều tuần sau đó và cuối cùng đưa ra 3 phương án:

1/ Dùng trực thăng chở lính đặc nhiệm đột kích chớp nhoáng;

2/ Tấn công xóa sổ mục tiêu bằng máy bay B-2; và

3/ Hợp tác với tình báo Paki- stan (và chỉ thông báo vài giờ trước khi chiến dịch thật sự khởi động). Ngày 14.3.2011.

Giám đốc CIA mang 3 phương án vào Nhà Trắng. Việc cân nhắc và lượng định khả năng có thể ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao đã xảy ra ngay trong bối cảnh quan hệ Washington-Islamabad đang căng thẳng, bởi sự kiện Raymond A. Davis (nhà thầu làm cho CIA) bị bắt vì đã giết hai người Pakistan ngay trên đường phố đông người ở Lahore vào tháng 1.2011. Vai ý kiến cho rằng một chiến dịch quân sự nhằm vào Bin Laden trên đất Pakistan có thể khiến Raymond A. Davis bị thủ tiêu trong tù, như là phản ứng trả đũa của Chính phủ Pakistan. May sao, Davis được thả vào ngày 16.3.

Trong phiên họp ngày 22.3, Tổng thống Obama rà soát lại ý kiến của nhóm cố vấn. Tỏ ra nghi ngờ khả năng thành công của chiến dịch đột kích bằng trực thăng đặc nhiệm vì có nhiều rủi ro tiềm ẩn, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates ủng hộ giải pháp tấn công bằng bom thông minh. Vài ngày sau, báo cáo của một số viên chức cho biết Mỹ phải cần khoảng 32 quả bom (nặng khoảng 900kg/quả). Vấn đề ở chỗ nếu tấn công bằng cách này, làm sao có thể biết được Bin Laden có mặt trong ngôi nhà, khi tất cả các xác chết đều bị nát người? Phương án tấn công bằng trực thăng chở lính đặc nhiệm lại được ủng hộ. Ngày 28.4.2011, Tổng thống Obama gặp nhóm cố vấn an ninh một lần nữa. Tại cuộc gặp, Giám đốc CIA Panetta nói rằng CIA đã lên kế hoạch chi tiết cho phương án sử dụng đặc nhiệm và đã đến lúc phải hành động. Quanh bàn, các ý kiến vẫn chưa thống nhất. Có lúc trong phòng chẳng ai nói gì. Cuối cùng, Tổng thống Obama lên tiếng: “Tôi sẽ không nói với các vị quyết định của tôi bây giờ. Tôi sẽ trở lại và suy nghĩ thêm”. 16 tiếng sau, Tổng thống Obama đã gút lại sự chọn lựa cuối cùng. 8g sáng thứ sáu 29.4, 4 cố vấn cấp cao được triệu vào Phòng ngoại giao (Nhà Trắng).

Khi nghe họ báo cáo, Tổng thống Obama đã ngắt ngang. “Tiến hành!” – ông nói. Đến lúc ấy, chẳng ai ngoài nhóm an ninh quốc gia trực tiếp làm việc với Tổng thống Obama biết đến chiến dịch. Panetta gọi McRaven và nói: “Tất cả đang trong tay ông đấy, ông bạn! Chúc ông thành công. Tất cả những gì tôi làm bây giờ là cầu nguyện”. Sáng thứ bảy 30.4, Tổng thống Obama bật đèn xanh cho chiến dịch, sau 24 giờ bị hoãn bởi thời tiết. Sau đó, Panetta đi lễ, Tổng thống Obama đánh golf. Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Michael Leiter (mới làm lễ cưới ngày 30.4) phải hoãn chương trình hưởng tuần trăng mật để túc trực theo dõi chiến dịch…

Chủ nhật 1.5, Nhà Trắng đột ngột thông báo hủy chương trình tham quan Chái Tây thường lệ để du khách không làm gián đoạn buổi làm việc cực kỳ bí mật và căng thẳng trong Phòng Tình huống, khi Tổng thống Obama cùng một số viên chức an ninh cấp cao theo dõi trên màn hình tường trình trực tiếp của Panetta từ tổng hành dinh CIA. Thức ăn đồ uống được dọn sẵn trong

phòng. 14g05 trưa 1.5, Panetta trình bày lại tổng thể chiến dịch lần cuối. Trong một giờ kế tiếp, vị giám đốc CIA bắt đầu tường thuật từng chi tiết của chiến dịch. “Họ (hai máy bay Black Hawk chở lính đặc nhiệm) vừa lọt vào biên giới Pakistan” – Panetta nói.

Tiến hành chiến dịch

Chỉ có khoảng vài trăm người với tổng hành dinh tại Dam Neck (bang Virginia), Nhóm 6 (SEAL Team 6) thuộc thủy quân lục chiến Mỹ là một trong những lực lượng tinh nhuệ bậc nhất của quân đội Mỹ. Tên chính thức là “Nhóm phát triển chiến tranh đặc biệt của hải quân” (Naval Special Warfare Development Group-DevGru)SEAL Team 6 – cùng các đội đặc nhiệm khác như Delta Force – nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của JSOC. Chuyên được điều động để thực hiện các nhiệm vụ cực kỳ phức tạp, hoạt động của SEAL Team 6 bí mật đến mức báo cáo của họ chỉ được tường trình trực tiếp với tổng thống trong hầu hết các trường hợp. Cựu đặc nhiệm Craig Sawyer cho biết, thành viên SEAL Team 6 là những người được tuyển lựa lại một cách gắt gao từ những đội đặc nhiệm khác. Các thành viên của SEAL Team 6 phải tập luyện gần như mọi lúc, suốt cả năm. Họ không cho phép thất bại xảy ra. Với một số người, việc “sống” được 3 năm trong SEAL Team 6 là một kỳ tích, bởi mức độ khắc nghiệt của mỗi trường tập luyện. SEAL Team 6 chính là nhóm đặc nhiệm giải cứu thuyền trưởng Mỹ Richard Phillips bị cướp biển Soma- lia bắt làm con tin từ tàu USS Maersk Alabama năm 2009.

Đích thân Tổng thống Obama đã chọn SEAL Team 6 cho nhiệm vụ đặc biệt truy giết Bin Laden. Khoảng 1g sáng thứ hai 2.5.2011 (tức chiều chủ nhật 1.5 tại Washington DC), hai trực thăng Black Hawk chở lính đặc nhiệm SEAL Team 6 cùng một con chó bắt đầu rời Jalalabad tại Đông Afghanistan để trực chỉ Paki stan. Để không bị radar Pakistan phát hiện, họ phải dùng thiết bị phá sóng đặc biệt. Đêm không trăng. Trực thăng bay thẳng đến Abbottabad. Giữa đêm khuya, một số cư dân địa phương bỗng nghe tiếng trực thăng rồi có tiếng súng nổ. Họ cho rằng Al-Qaeda đang tấn công trại lính Pakistan gần đó.

Cuộc ghé thăm bất ngờ nhưng ồn ào của lính Mỹ đã khiến những người trong ngôi nhà thức giấc. Cuộc tấn công diễn ra trong gần 40 phút. Một trong những khoảnh khắc khiến những người mục kích trực tiếp từ màn hình ở Phòng Tình huống (Nhà Trắng) nghẹt thở là lúc một trực thăng Mỹ đột ngột bị trục trặc kỹ thuật, chao đảo rồi rơi xuống sân của ngôi nhà. Cái đuôi của nó chặt đứt một mảng tường. Một trực thăng Chinook được phái đến hỗ trợ. Tuy nhiên, nhóm đặc nhiệm kịp thoát ra an toàn và bắt đầu lao vào bên trong tìm mục tiêu. Họ đụng độ với tên đưa tin (Abu Ahmed) và người anh (hoặc em) của hắn. Hai tên khủng bố bị bắn gục. N

hóm đặc nhiệm tiếp tục dò từng phòng ở tầng trệt rồi phóng lên lầu tìm Bin Laden. Toàn bộ diễn tiến được quay và truyền trực tiếp về tổng hành dinh CIA, rồi được giám đốc CIA Leon Panetta tường trình cho Nhà Trắng từ hệ thống video kết nối. Bên trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng, Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton, Phó Tổng thống Joe Biden cùng một số viên chức an ninh quốc gia cấp cao nghe rõ mồn một những lời trao đổi của đội đặc nhiệm. Cả Phòng Tình huống gần như không một tiếng động. Gương mặt Tổng thống Obama bất động như đá. Cuối cùng, khoảng trước 1g sáng tại Pakistan, đội đặc nhiệm xông lên tầng trên. Họ thấy “Geronimo” – mật danh của Bin Laden được nhóm đặc nhiệm dùng để thông báo về Washington khi họ phát hiện mục tiêu — trong tình trạng không vũ khí. Lính đặc nhiệm lập tức bắn vào chân vợ Bin Ladin và bắn gục tên trùm khủng bố (trúng ngay phía trên mắt trái).

Trong Phòng Tình huống, Tổng thống Obama nghe giám đốc CIA Panetta báo cáo: “Geronimo EKIA” (“Enemy Killed In Action” – Kẻ thù bị giết tại chỗ). Nhóm đặc nhiệm rời đi lúc 1g10 giờ địa phương, mang theo nhiều tài liệu và một số ổ cứng, để lại đám phụ nữ và trẻ em…. Bức ảnh lính đặc nhiệm chụp Bin Laden được xử lý lập tức qua phần mềm nhận dạng với kết quả 95% là Bin Laden. Chỉ có xác Bin Laden được mang lên trực thăng. Trên đường về Afghanistan, đặc nhiệm Mỹ kiểm tra ADN xác Bin Laden rồi đưa đến hàng không mẫu hạm U.S.S. Carl Vinson, bọc trong vải trắng và đặt lên ván thả xuống biển. Chỉ đến lúc trực thăng đặc nhiệm Mỹ rời không phận Pa- kistan, Tổng thống Barack Obama mới điện cho đồng nhiệm Pakistan – Tổng thống Asif Ali Zardari, thông báo về chiến dịch. 11g35 tối, Tổng thống Obama xuất hiện trên truyền hình Mỹ, tuyên bố Bin Laden đã bị giết.

Ngay sau vụ tiêu diệt Bin Laden, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã vội vã “thanh minh thanh nga” bằng bài phân bua mang tựa “Pakistan đã làm tròn trách nhiệm phần của mình”, đăng trên The Washington Post ngày 2.5.2011, với nội dung đại ý rằng Pakistan cũng là nạn nhân của khủng bố và do đó không thể “chứa chấp kẻ gian” ngay trong nhà mình, rằng báo chí Mỹ cứ xỉa xói việc Pakistan “ấm ở hội tề” khi đặt dấu hỏi về sự thành tâm trong cuộc chiến chống khủng bố, rằng những “hoài nghi vô căn cứ như thế từ các hãng thông tấn Mỹ đã không thể hiện sự thật… Tuy nhiên, những cáo buộc tương tự không chỉ là nhận định của giới phân tích truyền thông Mỹ mà còn xuất phát từ Quốc hội Hoa Kỳ và không phải mới xuất hiện từ sau chiến dịch tiêu diệt Bin Laden.

Những nhận định lên án tương tự thật ra đã râm ran từ nhiều năm nay, từ hồi Tổng thống Pervez Musharraf còn tại vị. Tháng 7.2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã buộc tội Chính phủ Pakistan không hợp tác đầy đủ với Mỹ, bởi có những “yếu tố trong bộ máy chính phủ” Pakistan “phải biết rõ Bin Laden trốn ở đâu” (Los Angeles Times 2.5.2011). Wall Street Journal (5.5.2011) nói thêm: giới chức tình báo Mỹ lẫn châu Âu tin rằng, vài viên chức đương nhiệm hoặc nghỉ hưu thuộc lực lượng tình báo hay trong hàng ngũ quân đội Pakistan đã lén lút giúp đỡ Bin Laden, ngoảnh mặt làm ngơ và thậm chí bưng bít thông tin liên quan đến sự có mặt của Bin Laden trên đất Pakistan. Nào có phải trong hang sâu bí mật chốn rừng thiêng nước độc gì cho cam, Bin Laden sống ngay tại Abbottabad, chỉ cách Islamabad vài chục cây số, và ngôi nhà hắn ẩn mình lại cách không xa trại lính Pakistan (thành phố nhỏ Abbottabad có đến ba lữ đoàn quân đội Pakistan, một học viện quân sự và một đơn vị thuộc Sư đoàn quân y). Một chi tiết mỉa mai của sự việc đã được báo chí nhắc đến khi đề cập sự kiện. Đó là vào tháng 4.2011, tại Abbottabad, tướng Ashfaq Parvez Kayani (tổng tư lệnh quân đội Pakistan) đã có mặt tại Học viện quân sự Kakul (được xem là trường West Point của Pakistan) với phát biểu hùng hồn rằng Pakistan đã “bẻ gãy xương sống” bọn khủng bố!

Việc nhiều tên khủng bố “có số má” bị bắt tại Pakistan cho thấy đất nước này là một trong những nơi ẩn náu lý tưởng của khủng bố toàn cầu. Xã hội Pakistan vẫn in đậm văn hóa Hồi giáo và chẳng bao giờ thích sự hiện diện của Mỹ. Một cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) thực hiện đầu năm 2010 cho thấy, chỉ 3% dân Pakistan tỏ ra tin Al- Qaeda là mối đe dọa đối với an ninh, trong khi 68% bày tỏ cái nhìn tiêu cực đối với Mỹ. Bất luận thế nào, Chính phủ Pakistan nói chung và Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) nói riêng đã chẳng bao giờ tạo được niềm tin thật sự đối với Mỹ.

Trước vụ giết Bin Laden chỉ vài ngày, tờ New York Times đã đăng một tài liệu rò rỉ từ Wikileaks, cho thấy Washington đã đánh giá ISI là một “nhóm” nằm trong danh sách gồm 32 tổ chức thuộc “các lực lượng hỗ trợ khủng bố(!), xếp chung “chiếu” với Al-Qaeda, Hamas, Hezbollah, Islamic Jihad… Qua đó, có thể thấy tại sao Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định thực hiện chiến dịch tiêu diệt Bin Laden mà không thông báo cho “đồng minh” Pakistan, với tư cách một cựu giáo sư-tiến sĩ luật, ông biết rõ hành động như vậy là phạm luật. Báo trước cho ISI họa có mà cả đời cũng chẳng khử được Bin Laden!*

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s