Các chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử, khảo cổ học và niên đại học cho rằng nền văn minh đã hình thành trên Trái đất khoảng 5.000 năm trước. Họ khẳng định điều này dựa trên việc thiếu các hiện vật đáng tin cậy cung cấp bằng chứng thuyết phục về các nền văn hóa có trước người Sumer và Ai Cập. Khi các tác giả như John Anthony West, Robert Schoch và Graham Hancock đề xuất rằng các công trình kiến trúc trên Cao nguyên Giza ở Ai Cập có thể lâu đời hơn đáng kể so với những gì người ta tin ngày nay, cộng đồng học thuật đã nhanh chóng bác bỏ những đề xuất này.
Thật không may, không có bằng chứng bằng văn bản nào được tìm thấy để xác nhận niên đại sớm hơn cho việc tạo ra các đồ vật như kim tự tháp. Do đó, cái mốc 5.000 năm dường như được công nhận là phù hợp với trình tự thời gian về sự phát triển của nền văn minh nhân loại.
Nhưng chúng ta sẽ phải thay đổi cách hiểu về quá khứ nếu có bằng chứng không thể chối cãi về việc từng tồn tại những nền văn minh có niên đại không phải 5-6 nghìn năm mà tới hàng triệu năm? Liệu điều này có trở thành lý do để viết lại lịch sử loài người?
Huyền thoại hay hiện thực: Cây cầu Rama trong truyền thống Hindu
Có một bằng chứng như vậy ở Ấn Độ. Đó là một chuỗi bãi đá vôi nằm ở eo biển Palk ngoài khơi rìa phía đông nam của Ấn Độ. Một bãi cạn trong hình thù dải đất dài và hẹp bao gồm cát, bùn phù sa, đá và sỏi nhỏ được lắng đọng theo thời gian. Dải đất này từng được cho là hình thành tự nhiên, nhưng những hình ảnh do vệ tinh NASA chụp đã chứng minh ngược lại, dải đất này từng là một con đập vượt biển, kéo dài 29 km từ lục địa Ấn Độ đến Sri Lanka ngày nay. Con đập đã sụp đổ từ lâu, chỉ còn hình bóng lờ mờ như một cây cầu lớn chìm không sâu bên dưới bề mặt đại dương. Người Ấn Độ gọi đó là cầu Rama, và từ thời thực dân nó được gọi là “cầu Adam”.
Trong truyền thống dân gian Hindu, dải đất này là cây cầu được xây dựng bởi Rama (hóa thân của thần Vishnu) như được mô tả trong sử thi nổi tiếng Ramayana. Từ xa xưa, nó được gọi là “Cầu Rama” hay Rama Setu.
Rama là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong thần thoại Hindu. Sử thi Ramayana, cuốn sách mô tả cuộc đời của ông, được coi là tác phẩm kinh điển đã được thử thách qua thời gian. Sách kể về thời kỳ khi các vị thần imanas bay trong không trung, còn những người khổng lồ và ác quỷ thì đi lại trên mặt đất.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích sử thi Ramayana và đi đến kết luận rằng cầu Adam thực chất là cấu trúc được mô tả trong sách này.
Kết nối sử thi Ramayana với Cây cầu của Adam
Rama, theo Ramayana, bị đày đi lưu vong vì lời hứa của cha anh nhiều năm trước. Trong một loạt sự việc diễn ra, vợ của Rama là Sita bị quỷ vương mười đầu Ravana bắt cóc và đưa về vương quốc của hắn trên đảo Lanka (Sri Lanka ngày nay). Rama đã tập hợp một đội quân bao gồm một nhóm lớn người vượn Vanaras để đi cứu Sita.
Sita bị giam giữ trên đảo Lanka. Rama không thể vận chuyển lực lượng lớn binh sĩ người vượn của mình vượt biển ra đảo, may sao được thần biển Varuna khuyên nên xây một cây cầu bắc qua mặt nước. Rama nhờ đến sự giúp đỡ của các Vanara để xây cầu. Người Vanara đã xây dựng một con đập giữa đất liền và Lanka từ những tảng đá khổng lồ.
Theo sử thi, toàn bộ công trình xây dựng cầu này kéo dài 5 ngày và cầu rất dài (khoảng 48 km theo phép đo lường ngày nay). Sau khi hoàn thành, cây cầu cho phép Rama cùng đội quân Vanara của mình kéo đến Lanka. Ở đó, chàng đã đánh bại Ravana và cứu được nàng Sita.
Về niên đại của các sự kiện được mô tả, theo truyền thuyết của Ấn Độ giáo, Rama sống ở Treta Yuga, thời kỳ bắt đầu từ 2.165.000 năm trước và kéo dài cho đến khoảng 869.000 năm trước.
Thoạt tiên, điều này có vẻ vô lý. Theo mô tả trong sử thi, Rama và nhiều nhân vật trong Ramayana trông giống hệt con người như chúng ta biết ngày nay. Nhưng như vậy thì làm sao giải thích được những nhân vật như quỷ vương mười đầu Ravana và những nhân vật kỳ lạ khác xuất hiện trên các trang của Ramayana.
Đọc thêm
Bằng chứng về khai thác đá và xây dựng cầu nhân tạo
Trước khi có thể nói chắc chắn rằng Cầu Adam là cây cầu huyền thoại, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn về bản thân vật thể này. Vào năm 1480 sau Công nguyên, do một cơn bão biển kèm sóng thần, cây cầu bằng đất đá trên biển đã bị phá hủy và đến nay nó là một chuỗi các đảo san hô, bãi cạn nằm xen cùng các vùng nước giữa chúng, không phù hợp để đi lại. Trung bình mỗi thế kỷ một lần, những trận bão lớn như vậy lại làm xói mòn các hòn đảo. Thiệt hại nghiêm trọng cuối cùng được ghi nhận vào năm 1964. Tiến sĩ Badrinarayanan, người đứng đầu cuộc nghiên cứu về cây cầu và trước đây từng là giám đốc Cơ quan Khảo sát Địa chất Ấn Độ, sau khi nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng cây cầu không thể được xây dựng nếu không có sự can thiệp của con người.
Trong quá trình làm việc, nhóm của ông đã khoan 10 giếng ở khu vực Cầu Adam. Thật bất ngờ: dưới lớp đất sâu 6 mét, họ phát hiện ra một lớp cát vôi, san hô và đá cuội dày đặc. Các nhà khoa học thậm chí còn ngạc nhiên hơn khi ở độ sâu 4-5 mét, họ bắt gặp một lớp cát rời và bên dưới là đá cứng.
Một nhóm thợ lặn đã xuống để kiểm tra cây cầu bằng mắt. Những tảng đá mà họ nhìn thấy không phải là những khối đá biển điển hình. Người ta xác định rằng những khối đá này vốn được kè ở hai bên đập. Tiến sĩ Badrinarayanan cũng chỉ ra rằng có bằng chứng về việc khai thác đá cổ xưa ở những khu vực này. Nhóm của ông kết luận rằng vật liệu từ cả hai bờ đã được ai đó đặt xuống cát đáy biển để tạo thành một con đập.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét thêm bằng chứng liên kết cấu trúc này với Ramayana, đặc biệt là tuyên bố rằng nó được xây dựng trong thời Treta Yuga (thời đại thứ hai trong 4 thời đại thế giới theo quan niệm của triết học Ấn Độ cổ đại).
Trước hết, đối tượng đáng quan tâm nhất là Vanaras – những người khỉ đã xây dựng cây cầu này cho Rama.
Theo Ramayana, Vanaras là con của các vị thần được sinh ra dưới hình thù loài khỉ. Các vị thần đã sinh ra các Vanara ngay sau khi Rama ra đời để giúp chàng trong cuộc chiến chống lại Ravana.
Những người vượn này là ai? Liệu những câu chuyện về Vanara trong thần thoại có mô tả được tổ tiên sớm nhất của chúng ta không? Có phải những câu chuyện ấy đang nói về giai đoạn cổ xưa của loài người? Vâng, rất có thể.
Khoảng 2,5 triệu năm trước, trước sự khởi đầu của Treta Yuga, đã có một bước đột phá đáng kể trong quá trình tiến hóa của loài người. Chính trong thời kỳ đó, như dữ liệu của nhân chủng học hiện đại chỉ ra, chủng loài “Homo” đã xuất hiện. Những đại diện đầu tiên của Homo habilis (người khéo léo) bắt đầu sử dụng các công cụ để làm việc.
Khoảng 1,8 triệu năm trước, Homo erectus (trực nhân, người đứng thẳng) và Homo ergaster (người thượng cổ) xuất hiện. Homo ergaster chủ yếu sống ở lục địa Châu Phi, trong khi “anh em họ” Homo erectus của nó lan rộng khắp Âu Á. Phân tích cho thấy sự khác biệt về thể tích hộp sọ giữa hai loài, trong đó Homo ergaster có hộp sọ nhỏ hơn so với Homo erectus. Xương của Homo erectus cho thấy sức mạnh thể chất của họ vượt trội hơn so với con người ngày nay.
Ngoài những thay đổi về thể chất này, những địa điểm tìm thấy xương Homo erectus cho thấy những người nguyên thủy này sống trong các cộng đồng nhỏ, sử dụng lều cỏ làm nơi trú ẩn tạm thời, mặc quần áo và chế tạo công cụ bằng đá. Nói tóm lại, họ bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu ban đầu của nền văn minh, một đặc điểm trước đây chưa từng thấy ở bất kỳ nhóm linh trưởng nào khác.
Những “người khỉ” này thực sự sống trong thời Treta Yuga. Vậy các vanara trong thần thoại là tổ tiên của chúng ta?
Điều thú vị cần lưu ý là cái tên Cầu Adam xuất phát từ một truyền thuyết Hồi giáo kể rằng Adam, người đàn ông đầu tiên trên Trái đất, đang đi qua cây cầu này thì bị trục xuất khỏi thiên đường. Phải chăng Adam, “người đàn ông đầu tiên” và họ hàng xa của chúng ta, cũng là Homo erectus?..