Blog Lịch Sử

Bi kịch Repin

Ilya Repin (1844 – 1930) là họa sĩ người Nga nổi tiếng thời cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, từ chối chính quyền mới

bi kich repin

Ilya Repin (1844 – 1930) là họa sĩ người Nga nổi tiếng thời cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Sau Cách mạng tháng Mười Nga, ông bỏ ra nước ngoài và mặc dù được chính quyền Xô viết khẩn thiết mời trở về tham gia làm việc trong lĩnh vực tuyên truyền văn hóa nhưng ông đã một mực từ chối. Không những thế, sau khi ra đi, ông không một lần trở về quê hương và rồi qua đời nơi đất khách. Ở nước ngoài, ông sống như một người cùng khổ, ở tuổi 80 còn phải làm vườn và tự tay vắt sữa dê…

HẠNH PHÚC VÀ ĐẮNG CAY

Ngôi làng Kuokkala tuy nằm trên đất Phần Lan nhưng chỉ cách thành phố St Peterburg của Nga khoảng 45 km, nay được đặt tên là làng Repin. Điểm nhấn của ngôi làng này là khu dinh thự Penaty, nơi Ilya Repin đã trải qua những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình (theo tâm sự của riêng ông), dù đó là những năm tháng cuối đời. Dinh thự Penates hiện nay (đồng thời là nhà tưởng niệm Repin) chỉ thuần túy là phiên bản phục dựng. Năm 1944, dinh thự này đã bị san bằng bởi quân đội Liên Xô. Số là vì một lý do nào đó, quân Phần Lan đã chọn ngôi nhà di tích nơi Repin từng sinh sống làm nơi trú đóng sở chỉ huy. Trước tiên, từ phía bờ biển, quân Liên Xô đã phóng tên lửa Kachiusha đốt rụi dinh thự cùng toàn bộ khu vườn xung quanh. Sau đó, để chắc ăn, họ lại dùng pháo hạng nặng “đào xới” toàn bộ khu vườn. Ngay cả gò đất khá cao có mộ Repin trên đỉnh cũng bị san bằng. May mà những hiện vật trong nhà tưởng niệm hiện nay đều là đồ thật, vì trước khi chiến tranh xảy ra, phía Liên Xô đã xin phép Chính phủ Phần Lan đưa toàn bộ những đồ vật liên quan đến Repin về nước, cất giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật mang tên Repin ở Leningrad.

Khu rừng ngập mặn quanh vịnh Phần Lan gồm hai phần thuộc hai quốc gia – Nga và Phần Lan. Cả hai phần đất này đều gắn với những năm tháng bi kịch nhất trong cuộc đời Repin. Năm 1899, ông mua một trang trại nhỏ ở làng Kuokkla và để cho người tình của mình là Natalia Nordman đứng tên. Để chung sống tự do với người tình nhỏ hơn mình một phần tư thế kỷ, ông đã bỏ vợ và bỏ mặc 4 người con. Ở trang trại Kuokkla, ông cho xây biệt thự (đặt tên là Penaty), quy hoạch lại khu vườn theo ý mình, trồng cây, đào mương, tạo những hồ nước nhỏ.

Mặc dù rất giàu có và nổi tiếng, Repin, người trở thành tác gia kinh điển khi còn sống, vẫn luôn sống một cuộc đời bình dị. Mùa hè ông ngủ ngoài vườn, mùa đông ngủ dưới mái hiên nhà, chỉ dùng túi ngủ, không dùng lò sưởi. Không ít tác phẩm kiệt xuất đã ra đời dưới mái hiên biệt thự Penaty. Repin còn có thú sưu tập vũ khí thời Trung cổ – trong những chuyến đi xa để lấy cảm hứng sáng tác, ông thường ghé vào những ngôi làng cổ, tìm mua những thứ cung tên, giáo mác còn sót lại từ thời Thành Cát Tư Hãn xâm lược nước Nga. Ngoài ra, ông còn là nhà khảo cổ nghiệp dư khá may mắn – có lần ông đào được bộ xương cùng giáp trụ của một chiến tướng người Mông Cổ.

Cũng cần biết rằng, ở Kuokkla, Repin không chỉ làm vườn và sáng tác mà còn thường xuyên tổ chức những buổi tiệc tùng đình đám để thết đãi bạn bè là những người nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ của nước Nga thời bấy giờ. Bên cạnh thực đơn thượng lưu, ông còn đãi khách bằng những món ăn làm từ rau quả vườn nhà. Nhà văn Maxim Gorky, nhạc sĩ Sergey Shlyapin, nhà thơ Korney Chukovsky… là những khách mời thường xuyên. Năm 1916, trong hồi ký của mình, nhà thơ Mayakovky viết rằng có một thời gian khá dài, do không có một xu dính túi, ông từng “sống qua ngày” bằng những bữa tiệc ở nhà Repin (!).

LƯU VONG TỰ NGUYỆN

Cuộc sống trong biệt thự Penaty cứ trôi qua bình thường như thế suốt 18 năm ròng. Thế rồi nổ ra cuộc Cách mạng tư sản Nga vào tháng 2/1917. Repin hân hoan chào đón Cách mạng tháng Hai với thành quả là Nga hoàng bị phế truất, Chính phủ lâm thời được thành lập. Nhưng 8 tháng sau đó, ông lại tỏ ra hờ hững với Cách mạng vô sản tháng Mười. Trong những ngày diễn ra Cách mạng tháng Mười, Repin có mặt tại thủ đô St Peterburg, lúc đó ông đang thực hiện bức chân dung cho ngài đại sứ Anh George Buchanan. Nhà danh họa chú tâm vào công việc sáng tác đến mức không để ý chút nào đến những gì đang diễn ra xung quanh.

Thế rồi ngài đại sứ bỗng dưng cuống cuồng thu dọn đồ đạc, chuẩn bị rút khỏi thành phố đang bị quân bôn-sê-vích chiếm quyền kiểm soát. Hai bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời (được thành lập sau Cách mạng tháng Hai), Trechikov và Tereshenko, đều là bạn của Repin, bị chính quyền bôn-sê-vich bắt và xử bắn sau đó không lâu. Repin vội trở về khu trại của mình ở làng Kuokkla lúc bấy giờ đã thuộc Phần Lan, mà Phần Lan thì sau Cách mạng tháng Hai đã giành được độc lập từ đế quốc Nga trước đó. Trong những ngày ấy, chính quyền Xô viết non trẻ đã thực hiện quốc hữu hóa toàn bộ số tiền hiện hữu trong Ngân hàng Đại Nga. Tiền gửi của Repin ở ngân hàng này (từ nguồn bán tranh và thù lao vẽ chân dung) cũng không là ngoại lệ. Thế là một họa sĩ lừng danh thế giới, một người giàu có nhất nhì trong giới văn nghệ sĩ Nga đương thời, bỗng trở nên trắng tay, lại phải chịu tình trạng lưu vong đơn độc ở xứ người. Ilya Repin, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, phải trồng rau màu, nuôi gia súc để có cái mà ăn, tự tay cuốc đất, tự tay vắt sữa dê…

Sống lưu vong ở nước ngoài, Repin vẫn không từ bỏ quốc tịch Nga của mình. Mặc dù chính quyền sở tại nhiều lần đề nghị Repin lấy quốc tịch Phần Lan nhưng ông vẫn khăng khăng từ chối. Ông phát nguyện gắn bó với trang trại Penaty ở làng nhỏ Kuokkla thuộc Phần Lan, dù rất nhiều quốc gia nhiệt tình mời ông làm công dân nước họ.

BẤT MÃN

Trong những năm đầu tồn tại, nước Nga Xô viết dường như không mấy bận tâm đến sự vắng mặt của nhà danh họa vĩ đại Ilya Repin trên đất nước mình. Nhưng sau đó ít lâu, khi nhiều tác phẩm của Repin như Những người kéo thuyền trên sông Volga, Chối từ xưng tội… được sử dụng để tuyên truyền về đời sống cơ cực cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân Nga dưới chế độ Sa hoàng, những người bôn-sê-vích mới nhớ đến ông và tích cực vận động ông trở về Tổ quốc. Đích thân Kliment Voroshilov, ủy viên Dân ủy Nội vụ của chính quyền Xô viết, đã nhiều lần viết thư riêng mời ông về nước, đảm bảo cuộc sống bình yên và tự do sáng tác, nhưng ông vẫn luôn giữ thái độ dè chừng, nếu không nói là thù nghịch, với chính quyền cách mạng. Năm 1926, một phái đoàn của Dân ủy Văn hóa Nga do Isaak Brodsky, học trò cũ của Repin, dẫn đầu, được cử đến Penaty để thăm hỏi nhà danh họa già và mang đến cho ông món quà của Chính phủ Xô viết – chiếc phong bì đựng 2.000 đôla.

Repin rất vui mừng khi được gặp lại những người quen cũ, chân thành cảm ơn món quà của chính quyền, nhưng nhất quyết từ chối lời đề nghị quay về Tổ quốc. Cũng cần thông cảm cho Repin. Trong khoảng thời gian Voroshilov thư từ khuyên nhủ ông về nước thì con gái và cháu ngoại ông bị trục xuất khỏi thành phố Vitevsk, nơi họ đang sinh sống, rồi bị đày đến một vùng xa xôi hẻo lánh thuộc Siberia (vì con rể ông từng là quan chức dưới thời Sa hoàng). Giờ đây, quan điểm của ông đã thay đổi hoàn toàn: nếu trước đây ông từng ủng hộ những người chống đối chế độ Sa hoàng thì nay ông lại nghi ngại những người lật đổ chế độ ấy.

Sự bất mãn của Repin đối với chế độ mới được thể hiện không chỉ qua thái độ hành xử mà còn được đưa vào một số tác phẩm cuối đời của ông, hoặc kín đáo, ẩn dụ, hoặc công khai bày tỏ. Nổi tiếng nhất trong số đó là bức Những người bôn-sê-vích, mô tả một toán Hồng quân đang vây quanh, uy hiếp một em bé đang khư khư ôm chặt ổ bánh mì đen vào ngực. Theo những người đương thời, ban đầu Repin đặt tựa đề cho bức tranh là Những người lính của Trotsky cướp bánh mì của một chú bé, nhưng rồi cảm thấy như vậy là quá cụ thể bèn đổi thành Những người bôn-sê vích mang tính khái quát. Những bức tranh mang tính chống đối chính quyền cách mạng ở Nga của Repin được đám Bạch vệ lưu vong ở nước ngoài rất ưa thích. Tuy nhiên, tính nghệ thuật của những họa phẩm này không cao, vì lúc đó tác giả đã trên dưới 80 tuổi, “bút lực” đã cùn mòn nhiều.

Từ năm 1929, khi đã 85 tuổi, Repin mỗi ngày một xuống sức trông thấy. Đặc biệt, cái chết của bà Natalia Nordman đã quật ngã ông hoàn toàn. Ngày 29/9/1930, Ilya Repin, danh họa vĩ đại của nước Nga và thế giới đã trút hơi thở cuối cùng…

GIAI THOẠI VỀ REPIN

Câu nói “Bức Thuyền cặp nhầm bến đỗ của Repin” đã trở thành thành ngữ hiện đại của người Nga, dùng để chỉ sự nhầm lẫn, kiểu “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Thực ra, bức Thuyền cặp nhầm bến đỗ (mô tả chiếc thuyền của các tu sĩ cặp nhầm vào bến sông nơi các thôn nữ khỏa thân đang tắm) không phải của Repin mà của Lev Soloviev, một họa sĩ không mấy nổi tiếng. Tại một bảo tàng uy tín nọ, do sơ ý, người phụ trách khâu trưng bày đã đặt nhầm bức này vào khu vực treo tranh Repin, khiến công chúng lẫn giới phê bình nghệ thuật cứ chắc mẩm đó là tác phẩm của Repin, mãi hàng chục năm sau mới biết là mình bị “bé cái nhầm”. Một sự trùng hợp thú vị: sự nhầm lẫn trong nội dung tranh và sự nhầm lẫn trong vị trí treo tranh. Từ đó, câu “Bức Thuyền cặp nhầm bến đỗ của Repin” đã trở thành một thành ngữ rất đắt.

5/5 - (1 vote)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s