GS. Lương Ninh
Thuật ngữ “Phương Đông” (Orient) này cùng với “Tiền Á”, “Tiểu Á”… đều là do người Roma đặt ra để chỉ những vùng đất giàu lương thực, thực phẩm, nhiều vàng, ngọc nhưng lại lạc hậu, dễ đánh chiếm, cai trị và bóc lột tuy rằng có không ít điều bí ẩn, kỳ lạ và hoành tráng như cổng thành Babylon, các Pyramids (Kim tự tháp), Mastabas (mộ cổ Ai Cập có hình chóp cụt – kim tự tháp gốc) hay tượng Sphinx (tượng nhân sư)… Các địa danh Tiền Á, Tiểu Á cổ quá, nay không còn được gọi, nhưng phương Đông thì vẫn quen dùng, tùy thời, tùy cảnh. Các nước đế quốc thì gọi là Viễn Đông, Vladivostok với Nga, Far Eastern với Anh, Extreme Orient với Pháp, là nơi họ đến chiếm, cai trị, “bảo hộ” và dĩ nhiên là cả bóc lột.
Ngày nay, thời thế đã khác rồi, phương Đông trở thành nơi có sức tăng trưởng mạnh nhất nhì thế giới, đồng thời cũng là nơi giàu nhất nhì thế giới với các cường quốc kinh tế như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… Ngày xưa, nơi vườn hoa ở Hương Cảng (Hong Kong) thấy có biển “Cấm chó và người Hoa”, nay thì cả Hong Kong đã trở thành lãnh thổ Trung Hoa. Cho nên, các tổ chức ASEM, APEC thu hút Á-Âu, Á-Mỹ, Úc vào với nhau, thương thảo với nhau, thân thiện, bình đẳng. Thế giới không còn phân biệt Đông-Tây, văn minh và lạc hậu, hơn nữa còn là “Diễn đàn bắt đầu chuyển động trên một phương hướng mới là tiến hành đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau của những dân tộc sống ở khu vực rộng lớn này của thế giới. Tổng thống Nga V. Putin từ APEC năm 2006 đã nhấn mạnh rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể thành nơi đi tiên phong trong việc thúc đẩy đối thoại và hòa hợp giữa các nền văn minh (Rossia – Moskova, 23-11-2006).
Thời gian trôi qua, hoàn cảnh đã khác xưa. Năm 1889, thực dân Anh mới đô hộ Ấn Độ chưa tròn nửa thế kỷ, nhà thơ Rudyard Kipling có bài “Bài thơ Đông và Tây” thấm đượm tinh thần chủ nghĩa thực dân thời ấy. Xin tạm dịch như sau:
“Oh! East is East and West is West and never the twain shall meet.
Rudyard Kipling – The Ballad of East and West, 1889
Till Earth and Sky stand presently at God’s great Judgment Seat, but there is neither East nor West, border nor breed, nor birth.
When two strong men stand face to face, though they come from the ends of the earth”.
“Ôi! Đông là Đông, Tây là Tây
Đông, Tây xa cách không ngày gặp nhau,
Tới khi Trời – Đất vào chầu
Trước tòa phán xét Thần cao muôn trùng
Nhưng rồi đâu thấy hình dung
Đông Tây nào có, mênh mông bến bờ,
Hai đầu Trái Đất đợi chờ,
Tháng, năm, nắng, giá bao giờ gặp nhau?
Khi hai tráng sĩ đối đầu
Như vừa xuất hiện từ đâu cuối trời”.
Bài ca sống, nổi tiếng hàng thế kỷ với tuyên ngôn rất thực dân “Đông là Đông, Tây là Tây”! Thời đại đã qua rồi, nhưng lúc nào và như thế nào thì không còn phân biệt nữa?
Từ trước đó, trong khi nghiên cứu lịch sử – xã hội loài người, C. Mác và Ph. Ăngghen đã thấy những đặc điểm riêng biệt của phương Đông, những hạn chế của nó và đã thử giải thích nguyên nhân. Dựa vào ghi chép của bác sĩ Bernier, “thái y” của Hoàng đế Aurengzep (1650-1707), Ph. Ăngghen đã viết trong bức thư gửi cho bạn mình là C. Mác: “Phương Đông nói chung không biết đến chế độ tư hữu ruộng đất, ngay cả dưới hình thức phong kiến của nó; đây chính là chìa khóa của thiên đường phương Đông”. Và, “Những công xã nông thôn thơ mộng ấy, dầu chúng có vô hại thế nào chăng nữa, thì chúng bao giờ cũng đã là cơ sở vững chắc của chế độ chuyên chế phương Đông… rằng chúng đã hạn chế trí tuệ của con người trong những khuôn khổ chật hẹp nhất, làm cho nó trở thành một công cụ ngoan ngoãn của tệ mê tín, khoác cho nó những xiềng xích nô lệ của những quy tắc cổ truyền, làm cho nó mất mọi tính chủ động của lịch sử” (Thư ngày 6 tháng 6, 1853, Toàn tập, T.28) và rồi từ đó phát triển như thế, C. Mác hoàn thành Những hình thái có trước nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, năm 1857-58.
Nhưng những đặc điểm riêng, những hoàn cảnh riêng biệt đã được các nhà nghiên cứu Âu-Mỹ đào sâu thêm, về mặt văn hóa và xã hội, vô hình chung đã khơi rộng thêm khoảng cách Đông-Tây. Trong ý nghĩa đó, phương Đông là trì trệ, bảo thủ, lạc hậu tuy rằng nó là quê hương của các tôn giáo lớn như: Phật giáo, Hindu và Hồi giáo. Hơn thế nữa, không phải chỉ là tôn giáo mà còn là tư duy, triết lý phương Đông về nhân sinh quan, thế giới quan, về những thành tố văn hóa đặc sắc của loài người.
Đáng chú ý là tác phẩm của E.W.Said, có tên Đông phương học (Orientalism). Có người cho rằng dịch như thế chưa thoát ý, bởi tác giả nói về các quan niệm, các thuyết về phương Đông, nói chung, của những người khác. Tôi nghĩ cũng thế thôi. Cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1977, tại New York, rất được chú ý, còn được hoan nghênh, ngưỡng mộ ở nhiều nơi, được dịch ở nhiều nước, cả ở Việt Nam (Nxb Chính trị Quốc gia, 1997, với sự tài trợ của quỹ Ford và sự giúp đỡ của Đại học Canberra, Australia). Tác giả bổ sung, sửa chữa và cập nhật thông tin, ý kiến, ghi trong lời bạt cuối sách, in lần cuối năm 1994.
Từ thiếu thời, tác giả học ở Cận Đông, sau dạy học ở Ai Cập rồi là Giáo sư đại học Mỹ, một điều đặt ra một cách tự nhiên với ông là Hồi giáo với văn hóa phương Đông và Đông phương học nói chung có liên hệ với nhau, tức là cái nhìn về các nền văn minh. Ông dẫn ra ý kiến của các nhà nghiên cứu phương Tây, như Alfred Lyall, nói: “Đầu óc người phương Đông không thích sự chính xác” (tr.43), như Cromer, một quan chức người Anh, nói: “Người phương Đông nói, nghĩ, hành động nói chung trái ngược với người Âu, họ thiếu nghị lực và sáng kiến, quen nịnh bợ, tâng bốc, âm mưu, nên nghiên cứu của tôi cũng là về con người, nhưng là để cai trị họ” (tr.44). Ông cũng dẫn cả R. Kipling với bài thơ Người da trắng:
“Con đường người da trắng đang đi,
Sắt ở dưới chân và những cây leo ở trên đầu.
Ôi thật là tốt cho thế giới khi những người da trắng
Cùng sát cánh nhau đi trên con đường của họ”.
Ông dẫn ra rất nhiều, từ những học giả mở đường, như Champolion người giải mã chữ tượng hình Ai Cập; Wones và Ch. Wilkins, những người đầu tiên dịch Sanskrit; S. Sacy người mở đường nghiên cứu thông thạo ngôn ngữ, chữ viết Do Thái, Ảrập, những quan chức cai trị, như Cromer, đến những nhà thơ, nhà văn như Kipling, Flaubert v.v… Ông dẫn ra rất nhiều người, nổi tiếng nhiều hay ít, cùng với những nghiên cứu, ý tưởng, quan niệm của họ. Tóm lại, đó là một công trình cực kỳ phong phú, đa dạng, chứa đựng một tầm suy nghĩ cao rộng của tác giả.
Có người đã tưởng ông chống lại phương Tây, nhưng không phải thế; Ông giải thích: “Điều làm tôi đặc biệt quan tâm có tính hậu thực dân là đối với các vấn đề địa lý. Dù sao, cuốn Đông phương học cũng là một công trình nghiên cứu dựa trên việc suy nghĩ lại những gì hàng thế kỷ đã được coi là hố ngăn cách không thể vượt qua giữa phương Đông và phương Tây. Mục đích của tôi không phải là làm tiêu tan sự khác biệt, sự khác nhau về dân tộc, văn hóa, mà là để thách thức quan niệm cho rằng bất đồng tức là thù địch và bản chất của sự đối lập tồn tại bất biến và một tổng thể các kiến thức đối địch đều xuất phát từ đó…” (tr.350). Và ông kết luận: “Cuốn Đông phương học có mục đích nhằm giảm bớt tác động của gông cùm đế quốc chủ nghĩa đối với tư duy và các mối quan hệ của con người, đã công khai tham gia vào cuộc đấu tranh đang tiếp tục, ở cả phương Đông lẫn phương Tây” (tr.352).
Người ta có thể thấy đây là một công trình khoa học, triết lý rất sâu, rộng, hướng đến nhiều đối tượng trong xã hội từ giáo sư đại học đến sinh viên và bạn đọc rộng rãi nhưng cũng chính vì thế mà nó vượt trên tầm hiểu biết thông thường và nhất là vượt ra ngoài tầm quan tâm của công chúng thông thường. Tuy nhiên, sự thờ ơ, lạnh nhạt nếu có là không đúng. Phải nói rằng, độc giả không chuyên dễ bị thiếu hào hứng quan tâm, bởi tác giả nói về Đông phương học trên nhiều chiều, nhiều cạnh, nhiều người. Đó thực ra là “một vấn đề đa biên”, nhiều chuyện mà mỗi chuyện không có thứ tự, không có hồi kết thúc, nhưng tất cả đều liên kết với nhau, trong một bố cục chặt chẽ, bác học và hướng tới một mục đích nào đó. Cho nên sự thờ ơ lạnh nhạt với nó thật là không phải. Tôi không tự coi mình có nhiệm vụ giới thiệu tác phẩm nổi tiếng này của E.W. Said mà nêu nó ra như là một mốc phấn đấu tìm chân lý của Đông phương học và cũng để đi tới một phản đề: Ý thức, ý định của E.W. Said là chân lý, mơ ước, lý tưởng nhưng để đi tới đích nhân loại còn trước mắt một chặng đường khá dài. Mặc dù chuẩn bị có lẽ từ giữa thế kỷ, hoàn thành và cho ra mắt năm 1977, nhưng đoạn cuối, trước khi công bố lần cuối, năm 1994, ông vẫn đề cập nóng hổi tới F. Fukuyama và cả S. Huntington…
Việc các cộng đồng dân cư da vàng và da đen, gọi chung là da màu, khác với da trắng vẫn là sự thực, không phải chỉ là tự nhiên mà hình như cả về văn hóa nữa? Năm 1957, K.A. Wittfogel cho ra mắt bạn đọc một tác phẩm rất nổi đình đám vì dường như nó là cơ sở khoa học của sự phân biệt: “Chế độ chuyên chế phương Đông” (Oriental Despotism, a Study of Absolute Power, Yale University Press, New Haven, 1957). Sau đó, I. Habib bình luận, giải thích, tán dương: “Một cách phân tích học thuyết của Wittfogel về chế độ chuyên chế phương Đông” (An Examination of Wittfogel’s Theory of Oriental Despotism, Enquiry, 1962). Lý thuyết này bề ngoài là tán đồng một quan điểm về đặc thù xã hội phương Đông của C. Mác, nhưng đã bổ sung, hoàn chỉnh, nhấn mạnh tính chất riêng biệt của phương Đông, đã được phổ biến, tán dương rộng rãi, ảnh hưởng không nhỏ trên thế giới, đến mức khi trao đổi về Phương thức sản xuất châu Á, không ai lại có thể bỏ qua, không nói tới nơi dù tán đồng hay phê phán. Điều này trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý đối chọi với quan niệm/khẩu hiệu đang phổ biến cùng thời “Gió Đông thổi bạt gió Tây” cũng khá là “chuyên chế phương Đông” của Mao Trạch Đông?
Do đó, người ta thấy E.W. Said dù đầy thiện chí, uyên bác, vẫn chỉ là bài tổng luận, lời kêu gọi, không có kết luận, không vạch ra được ranh giới đúng, sai để theo hay để tránh. Nói chung, đây là vấn đề rất tế nhị, rất phức tạp, nó tùy thuộc rất nhiều ở tầm hiểu biết, tình cảm và thiện chí của mỗi nhà khoa học.
Từ trước tới nay, ta đã thấy không ít nhà nghiên cứu “khoa học thuần tuý” đưa ra những kết luận chính xác và bổ ích, nhưng cũng có những nhà nghiên cứu ít hay nhiều có quan điểm “thực dân”, nên đã dẫn đến những sai lệch đáng tiếc. Chính W. Wolters cũng nhận rằng từ sau năm 1945, phương Đông dần hình thành, trưởng thành một thế hệ các nhà nghiên cứu mới tự đính chính và viết lại lịch sử dân tộc mình.
Điều này khiến người ta nghĩ tới những nghiên cứu vĩ mô: R.P. Palmer viết năm 1793 rằng: Thế kỷ XVIII là Thế kỷ Chiến tranh của các ông vua. Carol Quigley (Đại học Indianapolis) phát triển ý này trong Tiến trình của các nền văn minh, 1979: “Thế kỷ XIX là thế kỷ xung đột của các quốc gia – dân tộc”; Eliot viết tiếp: “Thế kỷ XIX, các cuộc chiến tranh của vua chúa đã tàn lụi thì cuộc chiến tranh của các dân tộc lại bắt đầu”!
Rồi đến thế kỷ XX là thế kỷ xung đột ý thức hệ. Cuộc xung đột này kéo dài từ đầu đến cuối thế kỷ, đến sự kiện ngày 9-11-1987, khi bức tường Berlin bị phá bỏ thì cũng là lúc kết thúc Chiến tranh lạnh.
Đúng lúc này, Francis Fukuyama – giáo sư người Mỹ gốc Nhật cho ra mắt tác phẩm “Sự kết thúc của lịch sử” (The End of History, 1989), công trình đã làm nổi danh ông ở công phu nghiên cứu, phân tích sâu sắc và lời tiên đoán độc đáo nằm ở ngay đầu đề quyển sách. Nhưng vấn đề vẫn là lời tiên đoán có đúng hay không? Chỉ vài năm sau đã xuất hiện ở Âu Mỹ 4-5 công trình đề xuất thế giới hiện nay có không phải chỉ 4-5 mà có thể tới 6-7 nền văn minh và trong tương lai những nền văn minh này sống với nhau thế nào?
Cũng trong Summer School năm 1993, Samuel P. Huntington cảnh báo về sự đụng độ của các nền văn minh (The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order) và cũng hàm ý dự báo đây là cuộc Đụng độ/ Xung đột của thế kỷ XXI. Báo cáo này đến năm 1997 mới in thành sách, sau khi đã diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi và rộng rãi trên thế giới. Chừng mực nào đó nó được xác nhận khi xảy ra sự kiện ngày 11-9-2001 với vụ tấn công tòa Tháp đôi WTC ở New York. Luận đề của Huntington hấp dẫn đến mức có một nhà báo đã viết: “Nếu không có Huntington thì sẽ là ai?”… Luận đề của Fukuyama là sai, lịch sử chưa kết thúc. Đây là những chi tiết mà E.W. Said đã bổ sung vào cuối sách như đã viết ở trên. Lịch sử chưa kết thúc vì chừng nào còn con người tồn tại trên trái đất thì vẫn còn lịch sử, bởi lịch sử là lịch sử của con người, nhưng nó sẽ tiếp diễn như thế nào? Chẳng lẽ cứ chia rẽ hằm hè, đối đầu nhau mãi? Nhưng nói sự dụng độ của các nền văn minh e có to tát quá không? Lại là vấn đề văn minh và không văn minh? Ngày 20-12-2006, nói chuyện tại Trung Đông, Thủ tướng Anh, Tony Blair cảnh báo: “Cuộc chiến ý thức hệ là một thách thức của thế kỷ XXI”.
Có lẽ, những vấn đề vĩ mô cũng chỉ là sự tập hợp những vấn đề vi mô và phải giải quyết thỏa đáng những vấn đề vi mô, chẳng hạn vấn đề Cận Đông, Trung Đông, Đông Bắc Á, Nam Á v.v…
Hội nghị 4 Trường Đại học chủ yếu ở Đông Á (BESETOHIA) ngày 3-11-2006 tại giảng đường Đại học Quốc gia Hà Nội, có một loạt bài tham luận của các Giáo sư Nhật Bản mà theo tôi rất hay, rất có ích, trong đó, xin nhắc tới chủ yếu bài “Đông Á và nền giáo dục Âu Mỹ” của GS. Endo Yasuo. Thời trẻ, học và sống trong nhiều trường đại học Mỹ nên ông hiểu kỹ, thấm sâu giá trị cũng như sự khác biệt của hai nền văn hóa Đông, Tây. Ông đã viết: “Một số trí thức Nhật Bản đã tiếp xúc văn hóa Anh, Mỹ tán dương tinh hoa của nó và bản thân họ cũng học tập những tinh hoa ấy. Điều quan trọng ở đây là trong số họ không phải ai cũng cho rằng nền giáo dục Âu-Mỹ là tuyệt vời để lao vào một cách mù quáng mà vứt bỏ hết nền giáo dục Đông Á xưa. Có thể nói rằng, nhiều nền giáo dục đã không trở thành các quan hệ loại trừ nhau mà tồn tại bổ sung cho nhau. Tất nhiên, tính đa tầng, tính chồng lớp là một minh chứng cho một nền giáo dục phong phú”. Và ông kết luận: “Bởi tôi nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một thời đại mà cần phải dạy cho sinh viên về sự tồn tại của một nền giáo dục vượt qua mọi rào cản khái niệm địa lý mang tính địa chính trị như Âu-Mỹ hay Đông Á và khả năng của nền giáo dục này”.
Cuối cùng, dường như mong mỏi chung của những người có lương tri là sự thấu hiểu, thông cảm, hòa đồng giữa những vùng văn hóa khác nhau, cùng nhau xây dựng một thế giới không có đe dọa, không có áp bức một xã hội. Điều này thật khó nhưng loài người mong muốn như thế. Nhưng như thế, cũng cần có sự thấu hiểu từ mức độ vi mô, để một mặt xóa đi mặc cảm của “dân thuộc địa cũ”, mặt khác cũng gạt bỏ mặc cảm của “các quan thực dân cũ”. Dù sao, chỗ đứng và nhất là điểm xuất phát khác nhau vẫn rất khó tránh khỏi nhận thức, ý kiến khác nhau.
W.Wolters là một học giả uyên bác đã mượn thuật ngữ Mandala của lịch sử cổ đại Ấn Độ, tuy không thật đúng, để coi lịch sử Đông Nam Á nói chung là Thể chế Ngân hà (Galactic Polities), tức phủ nhận thiết chế quốc gia thống nhất, vương quốc, của các nước Đông Nam Á, nhiều vùng thậm chí đến thế kỷ XIX (Thái Lan chẳng hạn), mà tiêu biểu nhất, ông cho là Phù Nam, mặc dù L.P. Briggs và B.P. Groslier gọi Phù Nam là “Nước”, thậm chí là “Đế quốc cổ đại”. Chịu ảnh hưởng và cùng quan điểm với ông có M. Vickery, và đáng tiếc, cả Ch. Iligham, một nhà khảo cổ học chuyên nghiệp, nghiêm túc, trình độ cao, cũng phân vân: Phù Nam là một quốc gia đơn nhất hay là một thiết chế tập hợp những vùng tranh chấp nhau? Còn A. Reid cho rằng: Chămpa là một hình ảnh tiêu biểu của thể chế Mandala (?).
Keith Taylor là một ví dụ khác về một học giả nghiêm túc và uyên bác, chú tâm học chữ Nôm (Hán-Việt) để tìm hiểu từ nguồn gốc văn hóa Việt. Không hiểu sao gần đây ông nhấn mạnh nhiều giai đoạn phong kiến Việt là lịch sử của những cuộc xung đột tranh chấp và coi đó cứ như bản chất là tranh chấp, tản quyền, địa phương chủ nghĩa (?). Ông lại phủ nhận Chămpa có thể không phải là một quốc gia, vương quốc, không là cái gì cả mà là một thuật ngữ/khái niệm gộp chung (Generic term). Điều này lại được tiến sĩ trẻ South Worth hùa theo, gọi Chămpa chỉ là một không gian quần đảo (Archipelagically space) được xác định về mặt chính trị-văn hóa (?), thực chất nó chỉ là những mảnh (scrap) (?).
Hình như phương Đông là kém cỏi, phương Tây không có chiến tranh xung đột phong kiến?
Hoàn toàn không phải thế. Từ khi chế độ phong kiến hình thành, thế kỷ X, châu Âu đã lao vào những cuộc chiến tranh to, nhỏ, liên miên. Trước tiên là 8 cuộc chiến mà lịch sử gọi là Thập tự chinh, vét hết sức người, sức của đi đánh quân “dị giáo” Thổ Nhĩ Kỳ (1096-1270). Tiếp theo là cuộc Chiến tranh 100 năm (1337-1453), tranh giành đất đai giữa Anh và Pháp. Cuộc nội chiến ở Anh gọi là “Chiến tranh hai hoa hồng” giữa hai dòng phong kiến Lancaster và York, đánh nhau trong 30 năm đến kiệt quệ (1455-1485); rồi Chiến tranh Nông dân Đức (1524-1525). Thế kỷ XVII, châu Âu nổ ra cuộc xung đột lớn, gọi là “Chiến tranh tôn giáo” hay “Chiến tranh 30 năm” (1618-1648), lôi kéo nhiều nước châu Âu vào cuộc chiến: Anh, Pháp, Áo, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển… khuấy động châu Âu trong những năm đó và sau đó. Thế kỷ XVII là thế kỷ Cách mạng tư sản Anh, chấn động nước Anh và châu Âu (1642-1688) rồi đến Chiến tranh Pháp – Tây Ban Nha (1635-1659) và Chiến tranh Anh – Hà Lan (1648-1659). Thế kỷ XVIII, châu Âu lại sôi sục lên vì cuộc Chiến tranh 7 năm (1756-1763), đẩy các nước châu Âu đánh nhau dữ dội, gồm: Anh, Pháp, Ý, Áo, Phổ, Thụy Điển. Cuộc chiến vừa ngắt thì xảy ra Chiến tranh Nga – Thổ (1768-1774) v.v… Phải chăng đó chính là cơ sở để Palmer khái quát thế kỷ XVIII là Thế kỷ chiến tranh của các ông vua? Nhưng không chỉ thế kỷ XVIII, mà tất cả: XIV- XVII và XVIII.
Châu Á, nhất là Đông Nam Á, có môi trường sinh thái nhỏ hẹp: sông ngắn, núi thấp, ruộng hẹp ven bờ sông, chen giữa núi đồi. Sông và rừng nhiệt đới, rậm rạp, hẹp và tạp, nguồn sống ít và đa dạng: rau củ, bầu bí, tôm cá, cua ốc, lúa ngô, đậu… Từng vùng riêng biệt, tạo nên những vùng dân cư nhỏ, riêng, thu nhập thấp, dễ hình thành tập quán riêng theo “Chủ nghĩa địa phương”, nhưng mặt khác, trong cuộc sống người ta luôn có nhu cầu trao đổi sản vật với nhau và với bên ngoài. Nhu cầu liên kết với nhau để có thể phát triển sản xuất, lưu thông, bảo vệ quyền lợi của cả cộng đồng, nhất là nhiều khi đồng tộc, đồng ngôn ngữ. Châu Á gió mùa, nhất là Đông Nam Á dường như không lúc nào hoàn toàn chia rẽ, xung đột nhưng cũng không lúc nào hoàn toàn, tuyệt đối thống nhất, tập quyền. Dựa trên các công xã, không thể không có tư tưởng thân dân, nên thân dân và chuyên chế đắp đổi nhau như hình với bóng. Vua chúa thì có tranh giành, hay đánh nhau nhưng xem ra còn ít hơn, từ tốn hơn châu Âu? Giới học giả Âu-Mỹ thường không hiểu được điều này, nên lấy châu Âu với những cánh đồng lúa mì, những cánh rừng ôn đới bạt ngàn, đi ô tô cả buổi không hết, những dãy núi hùng vĩ như Alpes, Pyrenees, Kabkaz, làm thước đo để soi xét châu Á gió mùa thì không bao giờ thích hợp được.
Tóm lại: Từ cuối thế kỷ XIX, khi các nước thực dân châu Âu hoàn thành việc chinh phục Á, Phi và đô hộ với những mức độ khác nhau thì những ông chủ mới, da trắng bắt đầu đặt chân đến xứ sở những người chân lấm tay bùn trồng lúa nước (Le – Nhà quê) sống trong hay ven rừng rậm nhiệt đới ẩm. Dựa trên trình độ văn hóa của thời đại công nghiệp, họ cai trị, bóc lột và nghiên cứu, nghiên cứu để cai trị. Ngành Đông phương học đã được khai sinh và phát triển, đã có những thành tựu vĩ đại, có thể sánh với Darwin trong lĩnh vực sinh học. Cũng từ đó nảy sinh quan niệm về sự khác biệt, giữa thế giới văn minh và thế giới lạc hậu, bảo thủ, trì trệ. Đã có những nhà văn, nhà thơ, ra tuyên ngôn về sự khác biệt “Đông là Đông, Tây là Tây”. Việc nghiên cứu khoa học cũng không thoát khỏi mô hình qua lăng kính của Đông phương học Tây Âu. Công trình Đông phương học (Orientalism) của E.W. Said có ý nghĩa là lời chỉ trích, lời cảnh báo và kêu gọi sự hiểu đúng, đi đúng hướng của Đông phương học.
Thời đại hiện nay đã có nhiều biến đổi với ASEM, APEC, Đông-Tây đã hòa nhập, cùng thương thảo bàn việc làm ăn để cùng phát triển. Tuy nhiên, tư tưởng bao giờ cũng năng động, đi trước dẫn đường xã hội, nhưng tập quán và tâm lý thường có sức ỳ, chậm hơn sự chuyển biến của xã hội. Ngay trong nhận thức xã hội – lịch sử trong nghiên cứu, cũng chưa dễ chuyển biến kịp, vẫn có thể thấy trong một số công trình bóng dáng của cái nhìn về một phương Đông kém cỏi, đặc thù. Nhiệm vụ đặt ra cho Đông phương học ngày nay là có thể phân biệt, tìm ra chân lý, tránh được con đường mòn đã được dạy, đã được học, tránh được mặc cảm thấp hèn nhưng đồng thời cũng tránh được ý nghĩ coi mấy đặc thù là siêu việt rồi, là nhất thế giới.
Trích trong sách Một số chuyên đề lịch sử thế giới