Sử Trung Quốc

Nhà Đông Hán

Triều đại nhà Hán kéo dài tổng cộng 400 năm, nhưng không liên tục, mà bị ngắt ra làm hai bởi sự kiện biến pháp của Vương Mãn

Trung Hoa thống nhất dưới thời nhà Hán ngoài việc đối phó giặc Hung Nô và Tây Vực quấy nhiễu còn không ngừng mở rộng lãnh thổ về nam

Trong bài trước nói về Thời Kỳ Tây Hán (Tiền Hán) ta biết rằng Lưu Bang là người dựng nghiệp, lật đổ nhà Tần sáng lập ra triều đại nhà Hán, triều đại có tính bước ngoặt trong lịch sử Trung Quốc. Triều đại nhà Hán kéo dài tổng cộng 400 năm, nhưng không liên tục, mà bị ngắt ra làm hai bởi sự kiện biến pháp của Vương Mãn. Lưu Tú dẹp được loạn Vương Mãn cùng triều đại nhà Tân 15 năm ngắn ngủi của ông ta, tiếp tục xây dựng triều đại nhà Hán thịnh vượng thêm gần 200 năm nữa. Giai đoạn này được giới sử gia gọi là thời kỳ Đông Hán, hay Hậu Hán

Quang Võ

Lưu Tú lên ngôi, hiệu là Quang Võ. Ông thiên đô qua Lạc Dương, nên nhà Hậu Hán cũng có tên là Đông Hán. Cũng như Thương, Chu, thời nào yếu thì dời đô qua Đông.

Trong khoảng trên nửa thế kỉ, ba ông vua đầu có tư cách, cương quyết nên nhà Hán trung hưng được.

Quang Võ ở ngôi trên ba chục năm, lập lại được trật tự trong nước sau hai chục năm nhiễu loạn, chăm lo chính trị, giảm quan, bớt việc, nhẹ thuế khóa, trong nước được thanh bình. Ông lại gây được uy thế ở nước ngoài: sai Mã Viện sang Giao Chỉ (Việt Nam sau này) dẹp cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng vì chính sách tàn bạo của Tô Định; các phiên bang lần lần qui phục.

Thấy thời Vương Mãng nhiều sĩ phu theo Vương, ông cho rằng đạo Nho đã suy, ông lại đề cao đạo đó, mở mang việc học, lập đại học đầu tiên của Trung Quốc (theo Tsui Chi), biểu dương khí tiết, cổ lệ thanh nghị, làm cho sĩ phong rực rỡ: kẻ sĩ biết trọng danh tiết, lễ giáo không sợ quyền quí, không tránh nguy hiểm, thành một giai cấp có uy tín, được triều đình và dân gian kính nể.

Ông phong nhiều công thần làm chư hầu, mà công thần thường ở trong giai cấp đại điền chủ. Thời loạn bọn phú thương càng dễ làm giàu, chiếm địa vị cao. Nhiều nông dân thấy vậy bỏ đất ruộng, ra thành thị làm ăn, đường phố chật những xe, bò, và ngựa của bọn con buôn. Vài ông vua đời sau thấy tình trạng đó bất lợi cho xã hội, lại phải ức thương và khuyến nông.

Triều đình ban lệnh cấm thương nhân bận đồ tơ lụa, có xe và ngựa, người ta đánh thuế họ rất nặng. Khi trật tự xã hội lập lại lần lần được rồi, những lệnh đó bớt ngặt đi, nhưng con cái thương nhân vẫn không được làm quan, không được mua đất. Mặc dầu vậy, họ vẫn phát đạt, và khi người ta có nhiều tiền thì luật pháp nào cũng qua được hết. Thời nào cũng vậys.

Đời Minh đế, Chương đế tương đối còn thịnh trị, rồi từ đó trở đi nhà Hán suy luôn.

Họa ngoại thích và hoạn quan. Giặc Hoàng Cân. Hậu Hán chấm dứt

Các ông vua sau, có ông lên ngôi còn nhỏ quá, có ông ham tửu sắc, bạc nhược, chết non, quyền hành vào tay thái hậu và bọn ngoại thích. Các kẻ sĩ ở triều đình, trung với họ Lưu, muốn trừ bọn ngoại thích thì phải dùng bọn hoạn quan làm tay trong, vì chỉ bọn chúng mới biết rõ những mưu mô hành động của các bà hậu cùng anh em, họ hàng của các bà. Nhưng khi diệt được bọn ngoại thích rồi thì bọn hoạn quan lại hống hách, diệt lại kẻ sĩ để đưa lên ngôi một ông vua chúng có thể lung lạc được. Chúng giết thêm một trăm kẻ sĩ tiết nghĩa cả gan dám chỉ trích chúng; hơn bảy trăm sĩ phu khác hoặc bị giam hoặc bị đuổi về vườn, cấm cố chung thân. Vụ đó, sử gọi là “đảng cố”, ở vào cuối đời Hoàn đế (167 sau Tây lịch).

Non một thế kỉ, triều đình hóa loạn vì luôn luôn các phe, các đảng chống đối nhau, tàn sát nhau. Các họ lớn, một số đại thần sống cực kì xa hoa. Đầy tớ của họ cũng bận áo lụa áo gấm.

Một thân nhân của một hoàng hậu treo ở đòn tay nhà rất nhiều châu ngọc để đêm tối thấy lấp lánh như ngôi sao và tỏa sáng như ánh trăng. Trong vườn, người ta dựng những non bộ bằng vàng, bạc chạm rất khéo.

Một đám cưới mà xe nối đuôi nhau mấy cây số trên đường phố, màn thêu, trướng gấm phất phới, kẻ hầu người hạ lăng xăng chật hai bên lề đường.

Đám tang còn tốn kém hơn nữa. Quan tài phải dùng một thứ gỗ quí từ phía nam sông Dương Tử chở lên kinh đô. Chung quanh mộ trồng cả chục mẫu tùng, bách và dựng những ngôi đền rất đẹp.

Sau vụ đảng cố, từ triều Linh đế, nhà Hán còn suy hơn nữa. “Trong triều, hoạn quan và ngoại thích tranh nhau thay giữ chính quyền, thuế khóa rất nặng, trăm họ khốn đốn. Ngoài xã hội thì bọn vương hầu, quí tộc, phú hào, người nào nhà cửa cũng hằng trăm, ruộng tốt đầy nơi, tôi tớ từng bầy, kẻ tới xu phụ có tới vạn mà đều ăn không ngồi rồi.” Nông dân bị bóc lột quá đỗi, số người đói rét nhan nhản khắp nơi, do đó mà sinh cuộc nổi loạn Hoàng Cân (chít khăn vâng), ở Cự Lộc (Trực Lệ), đông tới 30 vạn người.

Người cầm đầu đảng đó, Trương Giác, theo Đạo giáo. Đã từ trên hai thế kỉ trước, Đạo giáo tin ở thuật trường sinh bất tử, lập được nhiều hội kín trong những điện nho nhỏ, được dân chúng vốn mê tín dị đoan, nhất là trong các thời loạn, gia nhập khá đông. Các quan lại, sĩ phu theo đạo Khổng không ưa họ, mà họ cũng chống lại triều đình. Khi triều đình suy nhược, nổi lên đánh phá các nơi, chiếm các quận, huyện, hi vọng hễ lật được chính quyền thì lập một trật tự mới, một xã hội mới, và đạo của họ sẽ thành quốc giáo.

Thanh thế của Hoàng Cân rất mạnh. Vua Linh đế sai Tào Tháo dẹp được. Theo Eberhard thì hình như trong quân đội của Tháo có nhiều người Hung Nô, mà chính sử tất nhiên không chép.

Hoàng Cân tuy bị dẹp, nhưng dư đảng vẫn còn, trở thành trộm cướp, triều đình phải phái các đại thần làm quan châu, quan mục bốn phương để trừ giặc, do đó sinh ra cái họa “quần hùng cát cứ” (các tướng lĩnh cắt chiếm các miền), làm cho nhà Hán mất sau này.

Trong khi ấy bọn hoạn quan hoành hành, Đổng Trác giết được 2.000 hoạn quan, tự phong làm tướng quốc, nắm chính quyền; các tướng ở ngoài: Viên Thiệu, Tôn Kiên, Lữ Bố, Tào Tháo… nổi lên đánh lẫn nhau, ai cũng tuyên bố là phò vua mà sự thực là tranh nhau vua, tranh được vua rồi mà không giữ nổi kinh đô thì bắt vua đi theo mình, vì vua giữ ấn, có gì xảy ra thì ấn về tay mình, và mới có thể chính thức làm thiên tử được.

Tình hình rối beng, chép lại những cuộc tranh giành của họ chẳng ích lợi gì. Chúng ta chỉ cần biết trong số quần hùng đó, Tào Tháo là tay kiệt hiệt nhất, nắm được vua Hán lâu nhất, tự tôn là Ngụy vương; khi mất, con là Tào Phì kế vị, ép vua Hán Hiến đế nhường ngôi cho mình. Phi lên ngôi hoàng đế tức vua Văn đế nhà Ngụy (220). Nhà Hậu Hán chấm dứt, dài được 196 năm.

Tào Tháo sở dĩ thắng được địch thủ là nhờ rợ Hung Nô giúp sức, và để thưởng công, ông ta cho 19 bộ lạc Hung Nô vào Sơn Tây định cư, dưới sự canh chừng của quan nhà Hán, mong rằng chỉ ít lâu sau họ sẽ Hán hóa hết, không ngờ họ đông quá mà chính quyền trong miền bạc nhược, lần lần họ lập được một tiểu quốc có vua (Thiền vu), gây ra nhiều khó khăn cho người Hán trong bốn thế kỉ sau.

C. CHỐNG NGOẠI XÂM – MỞ MANG ĐỂ QUỐC

1. Dẹp Hung Nô và các bộ lạc ở Tây Vực

Trở lên chúng ta đã xét chính sách đối nội của nhà Hán, tiết này xét về chính sách đối ngoại với:

– Hung Nô ở phương bắc, các bộ lạc Tây Vực ở phía tây,

– Triều Tiên ở đông bắc,

– Các chủng tộc ở đông nam và tây nam.

Chúng ta chưa biết rõ nguồn gốc người Hung Nô; đại khái họ gồm nhiêu bộ lạc Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kì.. do Mông Cổ cầm đầu. Họ là những dân du mục ở Trung Á, nuôi ngựa, bò, cừu, lạc đà…, không xây dựng thị trấn, mới đầu không cày cấy, trồng trọt gì cả, cứ dời chỗ ở hoài tìm nơi nào có cỏ, có nước cho súc vật; mùa lạnh, cánh đồng cỏ bị tuyết phủ thì họ dời xuống phương nam; mùa nóng, tuyết tan họ lại dời lên phương bắc. Họ sống trong những lều bằng da, thức ăn chủ yếu là thịt và sữa ngựa, bò, lạc đà…; quần áo toàn bằng da. Họ suốt ngày sống trên lưng ngựa, thành những kị sĩ và xạ thủ rất tài. Ngay từ tuổi thơ, trẻ con của họ đã cưỡi một con cừu, đeo một cây cung nhỏ đi bắn chim hay chuột, lớn lên một chút chúng bắn thỏ và chồn. Vì vậy mà kị binh của họ vô địch. Nhưng chúng ta đừng tưởng họ là dã man. Họ có một văn minh riêng của họ, khác với văn minh nông nghiệp, thế thôi. Từ cuối thế kỉ III trước Tây lịch, họ đã trồng trọt được một chút, có một tổ chúc xã hội, gần như xã hội phong kiến. Một quí tộc nào đó mạnh hơn hết, cầm đầu, cai trị nhiều bộ lạc, những bộ lạc này lan ra, xâm chiếm các bộ lạc lân cận, và thành ra có ba hạng bộ lạc: bộ lạc làm chúa, bộ lạc thường và bộ lạc nô lệ.

Chúa của họ gọi là Thiền vu. Thiền vu thứ nhì là Mạo Đốn ở đầu đời Hán, muốn bỏ chế độ phong kiến mà bắt chước chế độ trung ương tập quyền của Trung Hoa. Hung Nô hóa mạnh lên, thường đột nhập biên cảnh Trung Hoa cướp phá mùa màng. Vạn lí trường thành không hoàn toàn ngăn cản họ được, hễ Trung Hoa loạn, yếu thì họ vẫn vượt qua được. Vả lại hình như thời đó đã có một số người Trung Hoa di cư qua Hung Nô làm ruộng hoặc thợ thủ công, có kẻ làm cố vấn giúp họ tổ chức hành chánh, chỉ cho họ chiến thuật phải dùng khi tranh đấu với một đạo quân không phải là du mục. Họ không muốn tùy thuộc Trung Hoả về kinh tế: bình thường thì họ đổi ngựa, da… lấy lúa của Trung Hoa, nhưng Trung Hoa có thể không dùng ngựa của họ,.. mà họ cần có lúa của Trung Hoa, vì vậy họ luôn luôn quấy rối các miền Cam Túc, Thiểm Tây, miền tây nam nội Mông Cổ, Sơn Tây, có thời đến gần Tràng An nữa.

Họ muốn tranh hùng với Trung Hoa, cũng muốn làm thiên tử, có một triều đình, bắt chước lễ nghi Trung Hoa. Đầu năm, họ tế tiên vương, tháng năm họ tế trời đất; mỗi lần tế, các vua chư hầu tụ họp cả ở triều đình Thiền vu. Mùa thu, họ hội họp để kiểm kê số dân và số súc vật.

Thường thường, lúc trăng tròn, họ đột nhập Trung Hoa cướp phá, khi trăng khuyết nhiều thì rút lui, đem chiến lợi phẩm về chia nhau. Khi Lưu Bang diệt được Tần, Hung Nô nhân thời loạn ở cuối Tần, Hung Nô đã chiếm được phía bắc Trung Hoa, tới sông Hoàng Hà.

*

Suốt đời Hán, hầu hết các triều đại đều phải đối phó với Hung Nô: khi yếu thì nhường nhịn họ, tặng họ vàng bạc, châu báu, lụa gấm, có khi phải gả cả công chúa, dâng mĩ nhân cho Thiền vu của họ; khi mạnh thì tấn công; chiến phí rất nặng: phải huấn luyện những đạo kị binh mạnh mẽ, phải mua nhiêu ngựa của nước ngoài, phải đưa quân tiến sâu vào đất của địch, có khi xa biên giới cả mấy ngàn cây số, mà vấn đề chuyển vận quân nhu, lương thực rất khó khăn. Lại thêm chiếm được một nơi nào rồi phải lập đồn lũy, đóng quân để giữ, tài chính sẽ hao hụt nhiều, cho nên các vua Hán phải vừa cương vừa nhu, vừa đánh vừa ngoại giao, dùng mưu mô chia rẽ các bộ lạc, liên kết với nước này để chống các nước khác, đề phòng họ tráo trở, ráng thu phục các nước nhỏ ở sát biên giới để họ làm một hàng rào che đỡ Trung Hoa. Dĩ nhiên trước khi đem quân xâm nhập một miền nào, phải có những nhà thám hiểm đò đường, tìm hiểu địa thế, phong tục, nguồn lợi, chính trị miền đó đã. Sau mấy trăm năm kiên nhẫn, hi sinh, dân tộc Trung Hoa đã thắng được mọi khó khăn, tạo được một đế quốc lớn nhất thời đó, mở được đường qua phương Tây, truyền bá được văn minh ra nước ngoài mà cũng tiếp thu được văn minh Ấn Độ, Ba Tư… Đó là công của nhà Hán chẳng những đối với dân tộc họ mà cả với thế giới nữa.

Khi Cao Tổ mới lên ngôi, dân số giảm nhiều, kinh tế suy mà Hung Nô đương thời thịnh, Thiền vu Mạo Đốn đem quân vào đánh cướp, Cao Tổ thân chinh đi dẹp, thua, suýt nguy, may mà thoát được. Biết chưa đủ sức, Cao Tổ phải gả con gái tôn thất cho Thiền vu để cầu hôn. Chính sách dùng hôn nhân để kết thân trong lịch sử Trung Hoa bắt đầu từ đó. Hán hứa cung cấp lương thực, tơ lụa cho Hung Nô và Hung Nô hứa không quấy phá nữa.

Đời Văn đế, Hung Nô chinh phục Tây Vực, một dải đất ở phía tây nước Trung Hoa (tức Tân Cương ngày nay), gồm nhiều nước nhỏ như Lâu Lan (Lobner), Xa Sư (Tourfan), Đại Uyển (Fergana), Sa Xa (Yarkand)… chế ngự các dân tộc du mục ở phía bắc Trường thành, nghiễm nhiên thành một nước đối lập với Trung Hoa, vua Hán phải tặng họ ngọc, lụa để cầu hòa, nhưng càng cho họ càng đòi thêm, cũng nên nhận rằng Trung Quốc hay dùng mưu mô để gạt họ, thành thử vẫn còn những vụ cướp bóc ở biên giới. Hung Nô nhiều khi bắt cóc người Trung Hoa đem về nước, bắt phục vụ cho họ.

Võ đế có hùng tâm hơn, không chịu nhịn nữa, nhất định đánh, để đẩy Hung Nô ra xa biên giới, có vậy mới chấm dút được những quấy phá của họ; bẻ gãy uy quyền của họ ở Cam Túc, như vậy họ khỏi liên kết với Tây Tạng mà nguy cho Trung Quốc; sau cùng – điểm này cũng quan trọng – để bảo vệ đường thông thương qua phương Tây. Ngay từ thời Văn đế, Tràng An đã phát đạt về thương mãi nhờ những đoàn thương nhân chở sản phẩm từ Trung đông qua. Hung Nô mà kiểm soát được đường thông thương đó thì thiệt cho Trung Hoa nhiều. Ngoài ba lí do kể trên, còn lí do thể diện nữa: không lẽ chịu nhục nhã, tặng Hung Nô hoài cả cống phẩm lẫn công chúa.

Trong mươi năm đầu cầm quyền, ông còn lo thu xếp việc trong nước và chuẩn bị, nên chỉ có những đụng độ nhỏ nhưng rất thường với Hung Nô. Từ năm -127 trước Tây lịch, ông mới bắt đầu đại tấn công.

Thời đó, Hung Nô đã vượt Trường thành, xâm nhập miền bắc Trung Hoa, ông đưa quân lên phía nam Hoàng Hà, đánh bại họ, lấy lại được Hà Nam, “giết được hàng ngàn Hung Nô và bắt được cả triệu ngựa, bò, cừu.” Đó là trận đầu.

Sáu năm sau, năm 121, tướng Hán, Hoắc Khứ Bệnh, tiến lên phía tây bắc, tới ranh giới tỉnh Cam Túc ngày nay, lại đại phá được Hung Nô, chia đất chiếm được làm bốn khu vực, mỗi khu vực giao cho một tướng Hán cai trị, và ông đưa dân Trung Hoa qua khai phá, truyền bá văn minh Trung Hoa. Như vậy là: “cánh tay phải của đ:ch bị chặt rồi”, mà con đường thông với Tây Vực đã được mở, quân Hán đi tới đâu thì thương nhân theo tới đó. Năm -119, Hoắc Khứ Bệnh tấn công lần nữa, dùng những đoàn kị mã rất mạnh, Hung Nô bị thiệt hại nhiều, Thiền vu của họ phải chạy trốn, rút lui lên phương bắc, và phía tây, tất cả miền Cam Túc thành thuộc địa của Trung Hoa. Nhưng trong trận đó, quân Hán cũng chết nhiều.

Người Trung Hoa từ đây làm chủ miền Tây Vực, đại khái là miền Tân Cương ngày nay. Dân miền đó bán khai: một số còn là du mục, một số đã trồng trọt, và các bộ lạc thường bị Hung Nô quấy phá, cướp bóc. Võ đế giao hảo với họ, hai bên liên kết vế quân sự để cùng nhau chống Hung Nô.

Trước cuộc tấn công đầu tiên (-127), từ -138, Võ đế đã nhìn xa, sai Trương Khiêm thông sứ Tây Vực, tới tận nước Đại Nhục Chi ở Trung Á, phía bắc Ấn Độ, phía trên sông Indus. Xứ đó của giống người Indo-scythe, cũng bị Hung Nô ức hiếp. Khiêm mạo hiểm qua các nước Ô Tôn, Đại Uyển, Khương Cư (Sogolisne, nay là Boukhara, thuộc Turkestan russe). Hình như Khiêm tới cả Afganistan ngày nay, hồi đó gọi là Đại Hạ nữa. Đến nước nào, Khiêm cũng tuyên dương uy đức nhà Hán.

Về phương diện chính trị, cuộc thông sứ của ông không có kết quả, nhưng trong 13 năm đi khắp miền Trung Á, ông đem về được rất nhiều tin tức chính xác về miền Đại Tây (Grand Ouest) mà trước ông, người Trung Hoa chỉ biết lờ mờ nhờ những lời thuật lại của các đoàn thương nhân. Từ đó Võ đế mới nghĩ tới việc buôn bán với phương Tây mà thương mại của Trung Hoa có dịp phát triển. Lần thông sứ đó thất bại, nhưng Võ đế vẫn chờ cơ hội khác. Vào khoảng đầu thế kỉ thứ II trước Tây lịch, một ông vua Đại Nhục Chi bị Hung Nô chém đầu rồi dùng cái sọ làm bình rượu, triều đình Đại Nhục Chi uất hận. Năm 100, Võ đế nắm lấy cơ hội đó, sai Tô Vũ đi sứ Đại Nhục Chi nữa để hai nước liên kết đánh Hung Nô. Dọc đường Tô Vũ bị Hung Nô bắt, không giết mà cũng không cho về, đành phải tạm ở lại Hung Nô, chăn cừu sống với một phụ nữ Hung Nô trong núi, được một đứa con, sau trốn thoát, chịu không biết bao nhiêu gian nan, tới được Đại Nhục Chi, nhưng lúc này họ hết muốn trả thù Hung Nô rồi, chỉ muốn sống yên ổn, làm ruộng, trồng trọt; Tô Vũ đành trở về tay không, trên đường lại bị Hung Nô bắt một lần nữa.

Tô Vũ đi sứ năm 100 thì năm sau (99), tướng Hán là Lí Quảng Lợi và Lí Lăng thua Hung Nô, Lí Lăng phải tạm đầu hàng đợi cơ hội trả thù, bị Võ đế giết cả ba họ. Chín năm sau (90), Lí Quảng Lợi cũng thua Hung Nô và phải đầu hàng nữa.

Tóm lại, mỗi bên đều có thắng, có bại và nạn Hung Nô vẫn chưa dẹp yên.

Trên đường qua Đại Nhục Chi, Tô Vũ nhận thấy ở nước Đại Uyển (Fergana, phía nam Sogoliané) có một giống ngựa rất hung hăng, gọi là “hãn huyết mã” (ngựa mà mồ hôi đỏ như máu). Võ đế rất thích loại ngựa quí đó, phái người đem một ngàn đồng tiền vàng với một con ngựa bằng vàng để mua hãn huyết mã. Vua Đại Uyển không chịu bán, người đi sứ nổi giận, xúc phạm vua Đại Uyển, rồi trở về nước, giữa đường bị quân Đại Uyển phục kích giết. Võ đế bị nhục, phái ngay 30 vạn quân tấn công Đại Uyển, ba năm chiến đấu mới tới được kinh đô của Đại Uyển. Dân chúng sợ quá, giết vua để xin đầu hàng và xin tặng ba ngàn con ngựa quí. Trên đường về, đoàn quân chiến thắng với ba ngàn con ngựa đó làm cho các nước nhỏ phải kính nể rồi qui phục nhà Hán. Thật là một kết quả bất ngờ. Thế của nhà Hán ở Tây Vực đã khá vững rồi.

Tuy nhiên người Trung Hoa vẫn phải đề phòng Hung Nô; gây sự bất hòa, chia rẽ các bộ lạc Hung Nô, dùng đủ mưu mô do thám, phá hoại, nhờ vậy yên ổn được trong nhiều năm.

Qua đời Tuyên đế, một bộ lạc ở Tây Vực, bộ lạc Ô Tôn, “mắt xanh, râu đỏ, tướng như loài khỉ”, muốn kết thân với Hán, xin cưới công chúa Trung Hoa. Thiền Vu Hung Nô hay tin, đưa tối hậu thư: “Đuổi công chúa Hán về đi, nếu không thì chiến tranh.” Ô Tôn đành phải nhờ Hán che chở. Năm 73 trước Tây lịch, liên quân Hán – Ô Tôn đại thắng quân Hung Nô: 4.000 người chết, 70 vạn ngựa, bò, cừu, lạc đà bị cướp.

Năm sau, Hung Nô tấn công trả thù, thắng được ít trận nhỏ nhưng trong khi rút quân với chiến lợi phẩm về thì chẳng may bị một cơn bão tuyết, 95% quân lính chết rét. Lợi dụng tình thế đó, Hán, Ô Tôn và vài kẻ thù khác của Hung Nô cùng nhau tấn công một lúc: vậy là mùa đông đó, một phần vì chiến tranh, một phần vì đói rét, một phần ba dân và một nửa súc vật của Hung Nô bị giết.

Lại thêm những khó khăn nội bộ nữa: các thủ lĩnh bộ lạc tranh quyền nhau, gây cảnh cốt nhục tương tàn. Trung Hoa do đó được yên trong khoảng 20 năm, rồi năm 54, Hung Nô hết nội loạn, mạnh lên, lại gây hấn, tấn công để trừng phạt Ô Tôn. Hán tức thì đem quân vây kinh đô Hung Nô, giết được Thiền vu của họ. Thiền vu nối ngôi cầu hòa, chỉ xin vua Hán gả cho mình một công chúa. Vua Hán phải chiều lòng, bắt một cung phi tuyệt đẹp, nàng Chiêu Quân, gả cho Hung Nô. Đây là vụ Chiêu Quân cống Hồ, làm đề tài cho các văn nhân thi sĩ đời sau chép lại nỗi lòng đau xót của nàng, cuộc hành trình thê thảm của nàng qua những miền hoang vu, và ngôi mộ của nàng mà “cỏ lúc nào cũng xanh”, như tấm lòng của nàng lúc nào cũng hướng về Hán.

Sau vụ đó, Hán được yên trong nửa thế kỉ: sự tan rã của Hung Nô gần như hoàn toàn, Trung Hoa làm chủ cả Trung Á, cương vực bao quát từ Mông Cổ, Tân Cương đến tận biên giới lãnh thổ Nga, uy danh lừng lẫy. Cả miền Đông Á và Trung Á được hưởng một cuộc thái bình mà sử gia phương Tây gọi là Thái bình Trung Hoa (Pax Sinica), tương đương với Thái bình La Mã (Pax Romana) ở phương Tây. Vì thời đại vẻ vang ấy mà người Trung Hoa tự xưng là người Hán, và người nước ngoài gọi Trung Quốc là người Hán, chữ Trung Quốc là chữ Hán.

Nhưng khi Vương Mãng thoán vị, Trung Hoa loạn lạc, Hung Nô bất bình vì Vương Mãng giáng tước vương của các vua Hung Nô, Tây Vực, Cao Li xuống tước hầu, một số nước ở Tây Vực nghe lời Hung Nô, tuyệt giao với Hán, quay lại làm phản.

*

Đời Hậu Hán, trong mấy triều đại đầu, việc đối ngoại khá tốt đẹp.

Vua Quang Võ lập lại trật tự rồi, nhiều nước ở Tây Vực nghĩ rằng thà chịu lệ thuộc Hán ở xa còn hơn là lệ thuộc Hung Nô ở gần, nên xin Quang Võ bảo hộ. Quang Võ không nhận vì không đủ quân đưa đi Tây Vực Khoảng 45 năm sau T.L Hung Nô bị nhiều nạn hạn hán và một nạn châu chấu, súc vật chết nhiều, dân đói. Nước chia làm hai: bắc sống độc lập, nam lệ thuộc Hán; Quang Võ mưu mô gây sự bất hòa giữa hai bên.

Qua đời sau Minh đế làm tuyệt đường giao thông giữa Bắc và Nam Hung Nô, rồi sai Đậu Cố đánh Bắc Hung Nô, chiếm đất làm đồn điền. Ông lại phái Ban Siêu đi thông sứ các nước Tây Vực. Siêu cũng có óc mạo hiểm như Trương Khiêm, đến nước Thiện Thiện (Chan Chan) thuyết phục vua nước đó bỏ Hung Nô mà liên kết với Hán.

Mới đầu vua Thiện Thiện tiếp ông rất lễ độ, trong khi đó, một phái đoàn của Hung Nô cũng tới, vua Thiện Thiện thay đổi thái độ, lơ là với phái đoàn Hán. Ban Siêu cả gan dùng thuật vào hang cọp để bắt cọp con, nửa đêm sai mười người núp sau nhà của phái đoàn Hung Nô, người nào cũng cầm trống; còn hai mươi sáu người nữa, núp ở phía trước nhà, rồi một mình ông tiến vào đốt nhà. Đêm đó có cơn dông, lửa bốc cao, bọn mười người phía sau đập trống vang trời, phái đoàn Hung Nô hoảng hốt, chạy ra phía trước, bị người Hán bắn chết một phần, phần còn lại chết cháy. Vua Thiện Thiện thấy vậy, vội thề kết thân với Hán. Chưa thấy phái đoàn ngoại giao nào dùng thuật kì dị như vậy.

Sau đó, Ban Siêu tới nước Vu Điền (Khetan) giết một mụ phù thủy quân sư của nhà vua vì mụ dám nhục mạ sứ giả của nhà Hán, đòi sứ giả phải giết một con ngựa vàng mõm đen rồi hai bên mới thương thuyết. Vua Vu Điền thấy vậy cũng hoảng như vua Thiện Thiện và vội xin qui phục nhà Hán, giết hết các sứ giả Hung Nô ở trong nước. Bọn đế quốc Trung Hoa thời đó đâu có thua bọn đế quốc phương Tây thế kỉ XVIII và XIX.

Nhờ phương pháp đó mà Ban Siêu thành công mĩ mãn: Nam Hung Nô và trên 50 nước nhỏ ở Tây Vực đều thông hiếu với nhà Hán. Còn Bắc Hung Nô thì bị Đậu Hiến đánh đuổi qua phía Tây. Năm 69 tuổi, sau 30 năm hoạt động ở Tây Vực, Siêu về nước, nghỉ được một năm rồi chết năm 102 (đời Hòa đế).

Nhà Hán còn giữ được uy quyền ở Tây Vực trong một thời gian nữa, rồi khi suy nhược vì nạn ngoại thích và hoạn quan thì không kiểm soát được miền đó nữa. Nhưng công của Võ đế, của những tướng như Hoắc Khứ Bệnh, Đậu Cố, của những nhà thám hiểm như Trương Khiêm, Ban Siêu không phải là vô ích. Nhờ ngững người đó mà Trung Hoa trong 300 năm đã làm chủ và khai hóa được một miền rộng ở châu Á.

Một hậu quả bất ngờ của công trình dẹp Hung Nô đó của nhà Hán là đẩy nạn Hung Nô từ đông qua tây. Bị Đậu Hiến đời vua Hòa đế đánh đuổi, Bắc Hung Nô chạy qua phương Tây, xâm chiếm lần lần châu Âu và tới thế kỉ thứ V, một Thiền vu kiệt hiệt là Attila (A Đề Lạp) phá tan tành đế quốc La Mã, làm cho châu Âu chìm đắm trong cảnh hắc ám thời Trung cổ. Còn Nam Hung Nô sau sẽ là một trong Ngũ Hồ đời Tấn.

2. Chiếm Triều Tiên

Triều Tiên mới đầu lệ thuộc nhà Thương rồi sau thần phục nhà Chu, đầu đời Hán, phản li Trung Quốc.

Đầu thế kỉ thứ II trước T.L. Triều Tiên đã đóng một vai trò quan trọng trong việc trao đổi hàng hóa, thổ sản với Nhật Bản. Lại thêm vị trí của Triều Tiên ở bên sườn Hung Nô, cho nên năm 108 Hán Võ đế đem thủy và lục quân tấn công Triều Tiên, một là để uy hiếp Hung Nô, hai là để chiếm cái lợi thương mãi với Nhật Bản. Triều Tiên mặc dầu anh dũng, hai lần thắng quân Hán nhưng rồi nước nhỏ, sức yếu, rốt cuộc phải chịu thua.

3. Tiến xuống phía Nam

Đời Tần Thủy Hoàng, đế quốc Trung Hoa đã lan tới Quảng Đông và một phần Bắc bộ nước ta đặt ra ba quận Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận. Trong thời loạn cuối Tần đầu Hán, viên quận úy Nam Hải là Triệu Đà (có sách chép là Triệu Tha) làm chủ cả ba quận đó, gọi là Nam Việt, tự xưng là Nam Việt vương.

Hán Cao Tổ dùng chính sách ôn hòa, chỉ bắt Đà chịu thần phục mình thôi, cho Đà giữ tước vương đó.

Qua đời Võ đế, Hán chủ trương xâm lược để mở rộng bờ cõi, không bán sắt cho Nam Việt, dân Nam Việt không đúc được khí giới, rèn được nông cụ, nổi lên phản kháng, người cầm đầu là thừa tướng Lữ Gia, giết những người thân Hán (như Cù Thái hậu, vợ góa của Đà) Võ đế sai Lộ Bạc Đức, Dương Bộc đem quân xuống diệt, bình định Nam Việt, thu vào bản đồ, đặt làm chín quận, chiếm luôn đảo Hải Nam, như vậy là khai thông được đường thương mãi với vài nước ở Nam Dương (Indonésia).

Nhân đà đó, Võ đế tiến quân về phía Tây Nam, bắt các đất Điền (Vân Nam ngày nay), Dạ Lang (Quí Châu ngày nay) phải qui thuận.

Đời Quang Võ, hai bà Trưng nổi lên giết Thái thú Giao Chỉ là Tô Định vì Định ức hiếp dân ta quá, đòi cung cấp cho hắn hổ phách, đồi mồi, san hô, ngọc trai, ngà voi… Hai bà xưng vương được mấy năm, Quang Võ sai Mã Viện sang dẹp.

Việc xâm chiếm miền Nam dễ dàng vì các dân tộc miền đó không đông, sống về nông nghiệp, không hung hăng như các dân du mục phương bắc và phương tây. Vậy là đời Hán, đế quốc Trung Hoa mở rộng rất nhiều phía bắc tới Mãn Châu, Triều Tiên, phía nam tới Đông Dương, bắc Miến Điện, phía tây tới Tây Tạng, phía tây bắc tới Trung Á, rộng hơn cả châu Âu ngày nay.

5/5 - (1 vote)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s