Ngày 1 tháng 9 năm 1939 đánh dấu bước ngoặt đẫm máu trong lịch sử. Lục địa già châu u chìm trong cơn lốc chiến tranh suốt sáu năm trời, khi Đức Quốc Xã và đồng minh bành trướng Đệ Tam Đế chế, dẫm nát nhiều quốc gia và khuất phục châu Âu dưới gót giày độc tài.
Hàng chục triệu người bỏ mạng, không chỉ trên sa trường mà còn bởi những cuộc hành quyết hàng loạt và nạn diệt chủng tàn bạo dưới thời Đức Quốc Xã.
Ba Lan là quốc gia đầu tiên hứng chịu cơn thịnh nộ đó.
Bước đệm tới cuộc xâm lược Ba Lan
Hitler lên nắm quyền vào năm 1933. Suốt 12 năm thống trị, Đức Quốc Xã theo đuổi chính sách phục thù, quyết tâm lấy lại vinh quang của Đệ Nhị Đế Chế bằng cách thôn tính các vùng lãnh thổ lân cận, hòng tái thiết lập đế chế đã sụp đổ sau Hiệp ước Versailles vốn khép lại Thế chiến thứ Nhất.
Họ biện minh rằng việc sáp nhập các nước láng giềng nhằm thống nhất cộng đồng người Đức. Tuy vậy, người Đức gốc Ba Lan chỉ chiếm thiểu số, thay vào đó, Đức Quốc Xã cáo buộc Ba Lan đàn áp sắc tộc Đức thiểu số ở đây.
Dù sự thật ra sao, nhiều công dân Đức ở Ba Lan ủng hộ việc sáp nhập về Đức. Miền tây Ba Lan khi đó có một vùng gọi là Hành lang Ba Lan, vốn được cắt ra từ lãnh thổ Đức theo Hiệp ước Versailles, chia cắt nước Đức với Thành phố tự do Danzig (ngày nay là Gdańsk) nơi có đông đảo người Đức sinh sống.
Danzig là một thành phố tự do độc lập thành lập năm 1920, nằm dưới sự bảo hộ của Hội Quốc Liên, nhưng có quan hệ đặc biệt với Ba Lan do đây là cảng duy nhất trong Hành lang Ba Lan.

Đức bắt đầu ra yêu sách với Ba Lan về Danzig. Hitler muốn nối liền lãnh thổ Đức với Danzig, đề xuất xây dựng một tuyến cao tốc đặc quyền chạy xuyên lãnh thổ Ba Lan nối với Danzig và Đông Phổ – vùng đất bị cô lập của Đức. Ba Lan từ chối, lo rằng bất kỳ nhượng bộ nào cũng sẽ làm suy yếu vị thế của họ và giúp Đức có thêm quyền lực trên đất nước Ba Lan.
Sợ hãi trước một nước Đức hiếu chiến đang trỗi dậy, Ba Lan ký liên minh quân sự với Pháp và Anh vào tháng 3 năm 1939, hy vọng điều này sẽ kiềm chế Hitler.
Bất chấp các lý do và toan tính chính trị, Hitler coi thường Ba Lan lẫn người dân nơi đây. Năm 1930, hắn viết rằng người Ba Lan và người Séc chỉ là “đám ô hợp không hơn gì người Sudan hay Ấn Độ.” Hắn cũng tuyên bố nội bộ rằng xâm lược Ba Lan nhằm giành Lebensraum (không gian sống) chứ Danzig không phải vấn đề cốt lõi.
Những tháng trước cuộc xâm lược, chính phủ Đức cáo buộc Ba Lan tiến hành thanh lọc sắc tộc đối với người Đức. Đây là một phần trong Chiến dịch Himmler – nỗ lực tuyên truyền nhằm bôi nhọ Ba Lan trước dư luận trong nước và quốc tế.
Đêm 31 tháng 8, Đức tiến hành hàng loạt vụ tấn công giả cờ dọc biên giới Ba Lan, bao gồm cả Sự kiện Gleiwitz tai tiếng – đặc vụ SS cải trang thành người Ba Lan, chiếm đài phát thanh Gleiwitz trên lãnh thổ Đức và phát đi các thông điệp chống Đức.
Ngày hôm sau, Ba Lan bị xâm lược.
Đức chiếm Ba Lan (1939) – Cuộc chiến chớp nhoáng
Rạng sáng ngày 1 tháng 9 năm 1939, Đức bất ngờ phát động cuộc xâm lược Ba Lan. Những mũi tấn công chính diễn ra từ Đông Phổ (khu vực do Đức nắm giữ) ở phía bắc, Silesia và Slovakia ở phía tây nam, và vùng tây bắc. Phần lớn quân đội Ba Lan bố trí dọc biên giới với Đức và chờ đợi một cuộc tấn công trực diện từ phía tây; do đó họ hoàn toàn bị đánh úp và các mũi tấn công từ những hướng khác nhanh chóng bao vây họ.
Ngay từ những giây phút đầu tiên, quân Ba Lan choáng ngợp trên mọi mặt trận. Trên lý thuyết, họ có tới một triệu quân để chống lại cuộc xâm lược, một con số không hề nhỏ, nhưng Đức huy động hơn 60 sư đoàn – khoảng một triệu rưỡi quân cùng hàng trăm ngàn quân tiếp viện. Không những thế, họ còn được hỗ trợ bởi 2.000 xe tăng, 900 máy bay ném bom và 400 máy bay chiến đấu. Trong khi đó, Ba Lan chỉ hi vọng cầm chân quân Đức đủ lâu để Anh và Pháp kịp huy động quân đội, gửi binh tiếp viện cho đồng minh. Tuy nhiên, mọi hi vọng nhanh chóng bị dập tắt.
Anh và Pháp tuyên chiến với Đức vào ngày 3 tháng 9, nhưng không quốc gia nào triển khai quân đội hỗ trợ Ba Lan. Tồi tệ hơn, Liên Xô mở ra mặt trận thứ hai khi đem quân tấn công Ba Lan từ phía Đông.
Ngay trong những ngày đầu, Đức đã tung tin tuyên truyền rằng Không quân Ba Lan bị không kích, tê liệt ngay trên mặt đất. Đây hiển nhiên chỉ là dối trá. Mặc dù bị bất ngờ chủ yếu bởi hướng tấn công, không quân Ba Lan vẫn phòng thủ quyết liệt.

Tuy nhiên, quân số cũng như phi cơ Ba Lan đều thua kém đối phương. Phi công Ba Lan dù được đào tạo tốt cũng không thể bù đắp khoảng cách chênh lệch và Đức nhanh chóng giành quyền kiểm soát bầu trời. Điều này cho phép Đức triển khai chiến thuật “Chiến tranh chớp nhoáng” (Blitzkrieg) – sử dụng hỏa lực cơ động áp đảo, kết hợp đồng bộ sức mạnh từ nhiều nhánh quân đội khác nhau.
Chiến thuật mới này không chỉ khiến Ba Lan, mà cả phe Đồng Minh choáng váng. Pháp và Anh tuyên chiến, nhưng cho rằng cần thêm vài tháng củng cố quân đội trước khi có thể hỗ trợ cho Ba Lan. Họ tin rằng Ba Lan có thể cầm cự đủ lâu để đợi viện binh.
Tốc độ của chiến dịch xâm lược Đức khiến tất cả các bên sững sờ, ngay cả chính người Đức cũng ấn tượng với hiệu quả của chiến thuật mới. Chỉ trong một tuần đầu, Ba Lan đã thất thủ, buộc phải từ bỏ một vùng lãnh thổ rộng lớn. Trong khi đó, Warsaw hứng chịu những đợt không kích dữ dội ngay từ ngày đầu tiên của cuộc chiến.
Trận chiến tại Bzura và dấu chấm hết
Trận chiến đáng kể nhất trong giai đoạn đầu chiến sự là Trận Bzura, kéo dài từ ngày 9 đến ngày 19 tháng 9. Tập đoàn quân số 8 của Đức tiến sát thủ đô Warsaw từ hướng tây. Do tốc độ tiến quân nhanh, hai bên sườn của tập đoàn quân Đức hở ra cơ hội phản công cho Ba Lan. Quân Ba Lan có được thành công ban đầu, nhưng thất bại bởi ưu thế tuyệt đối của không quân Đức (Luftwaffe).
Ngày 17 tháng 9, Liên Xô bất ngờ tấn công Ba Lan từ phía đông, một hành động chỉ có Đức và Liên Xô biết trước nhờ Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau được ký vào cuối tháng 8/1939.
Lúc này, quân đội Ba Lan đã bị chia cắt và mất khả năng phối hợp tác chiến. Chỉ một ngày sau cuộc xâm lược của Liên Xô, chính phủ Ba Lan lưu vong.
Quân Ba Lan nhận lệnh rút lui, tái tập hợp tại Pháp và không giao chiến với Hồng Quân Liên Xô. Rõ ràng cuộc chiến đã hoàn toàn thất bại, chính phủ Ba Lan chỉ cố gắng bảo toàn phần nào lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn.
Thành phố Lwów thất thủ ngày 22 tháng 9, Warsaw cố thủ thêm vài ngày và chính thức đầu hàng vào 28 tháng 10. Một số khu vực vẫn có quân Ba Lan trụ lại thêm ít ngày, trận đánh cuối cùng trong toàn chiến dịch xâm lược là Trận Kock, diễn ra từ ngày 2-5 tháng 10. Hoạt động quân sự cuối cùng chấm dứt ngày 6 tháng 10.
Theo thỏa thuận, Ba Lan bị hai thế lực hùng mạnh chia đôi. Đức sáp nhập vùng phía tây, Liên Xô kiểm soát vùng phía Đông của đất nước này.
Hệ quả
Hơn 100.000 binh sĩ Ba Lan đã may mắn trốn thoát khỏi vòng vây. Họ được Anh và Pháp chào đón và tiếp tục cuộc chiến chống lại quân Đức trong suốt phần còn lại của Thế Chiến. Đáng chú ý là có rất nhiều phi công Ba Lan đã lái máy bay chiến đấu chống lại quân Đức trong Trận chiến Nước Anh.
Trong khi đó, sự chiếm đóng của Đức ở Ba Lan vô cùng tàn bạo. Khu ổ chuột Warsaw được thành lập và hàng trăm nghìn người Do Thái bị giam giữ. Từ đây, người Do Thái bị đưa hàng loạt đến các trại tập trung và trại hủy diệt do Đức Quốc xã xây dựng trên khắp lãnh thổ Ba Lan.
Trong số 3,3 triệu người Do Thái sống ở Ba Lan trước chiến tranh, chỉ có 380.000 người sống sót.
Người dân tộc Ba Lan cũng phải chịu sự tàn bạo ở quy mô chưa từng có, với hàng triệu người bị sát hại trong thời kỳ chiếm đóng. Cuộc kháng chiến của Ba Lan tiếp tục diễn ra, với các nhóm chiến binh nhỏ hoạt động trên toàn quốc, tấn công những mục tiêu quan trọng và quấy rối quân Đức cho đến tận cùng, trước khi quân Đức bị Liên Xô đánh đuổi.

Cuộc xâm lược Ba Lan là một bài học đáng buồn cho phe Đồng minh. Họ bất lực nhìn Ba Lan bị đánh bại bởi sức mạnh quân sự và học thuyết của Đức. Một chiến dịch thần tốc như vậy chưa từng có tiền lệ. Bảy tháng sau, Pháp cũng chịu chung số phận với Ba Lan, khuất phục trước chiến thuật tương tự của Đức.
Được thúc đẩy bởi niềm tin vào hệ tư tưởng, chiến thuật cách mạng và một lượng lớn ma túy, quân đội Đức Quốc xã dường như không thể ngăn cản.