Giáo sĩ truyền giáo Dòng Tên người Italia Alessandro Valignano(năm sinh 1539-năm mất 1606) là vị giáo sĩ được Giáo Hội bổ nhiệm làm đức Cha giám quản khu vực Đông Ấn Độ phụ trách các hoạt động truyền giáo và quản lý các giáo sĩ và tín đồ từ khu vực mũi Hảo Vọng đến đảo quốc Nhật Bản kể từ năm 1573. Vì ông có chức trách liên quan Nhật Bản, bản thân Valignano đã đích thân đến Nhật Bản truyền giáo trong 3 lần: lần 1 từ tháng 07 năm 1579 đến tháng 10 năm 1582, lần 2 từ năm 1590-tháng 10 năm 1592 và lần cuối cùng trong giai đoạn từ tháng 8 năm 1598-tháng 1 năm 1603. Như vậy, Valignano đã ăn dằm nằm dề ở Nhật Bản trên dưới 8 năm nên ông đã tận mắt chứng kiến và trải nghiệm nhiều điều thú vị về văn hóa xã hội, phong tục tập quán, kinh tế, chính trị….. của xứ sở và con người đảo quốc Phù Tang cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Nhờ ghi chép của Valignano, chúng ta như xem một cuộn phim mô tả về những chuyện lý thú về Nhật Bản cách đây 400 năm:
“Thực tế là đất đai ở đây luôn có những cơn mưa, đó là nguồn phân bón tự nhiên …”.
“Không thể nói Nhật Bản là một nước nghèo. Ngoài chuyện đất đai với những khoáng chất tự nhiên như đã nói ở trên thì nhiều lãnh chúa Nhật Bản(han chủ) đã có thu nhập tăng lên rất nhanh và có sở hữu một tài sản lớn, vì rằng trên nhiều vùng lãnh thổ có những mỏ bạc lớn. Nêu như họ biết cách sử dụng số bạc đó, biết cách dùng thuỷ ngân tinh lọc bạc và biết một số kỹ thuật khác mà người châu Âu chúng ta thường sử dụng, thì họ sẽ có những mỏ có giá trị như ở Peru hoặc một số mỏ khác như ở Tây Ban Nha; và điều đó cũng giải thích vì sao người Tây Ban Nha lại gọi Nhật Bản là “Các đảo bạc”. Tuy vậy, lượng bạc mà họ khai thác được cũng chỉ đủ để cho người Bồ Đào Nha hàng năm đem đến Macao hơn nửa triệu ducat để đổi lấy hàng hoá do tàu của họ chuyên chở đến và mỗi năm người Nhật thường phải dùng hơn 1.500 picul tơ lụa để may mặc và trang trí. Ngoái ra, còn có rất nhiều nhung, satin cũng như các loại tơ lụa mà người Bồ Đào Nha đem đến cùng với một số lượng lớn trầm hương, đá, gỗ lô hội (aloeswood) va một số thương phẩm rất giá trị khác. Nhật Bản có thể mua được tất cả những thứ đó và phải trả một số lượng bạc lớn. Vì thế không thể gọi là nước nghèo”.
Theo Valignano thì: “Ngoài những mỏ Bạc đó, Nhật Bản còn có Nhiều Mỏ Đồng và lượng Sắt Lớn, đó là nguồn cung cấp cho Philippines, New Spain (bao gồm Mexico, vùng Tây Nam nước Mỹ, Trung Mỹ – tác giả Nguyễn Văn Kim). Họ cũng có thiếc, sun phua và sun phát, từ đó có thể chế ra Thuốc Súng Tốt. Nhật Bản cũng là nước có nhiều bông và gai, người Nhật chỉ cần sử dụng một lượng nhất định cho nhu cầu trong nước còn đa phần được đem xuất sang các nước. Và tôi chưa nói đến thóc gạo, lúa mì, lúa mạch cũng như các loại rau mà nhờ đó người bản địa có thể tự nuôi sống mình không cần đến nguồn cung cấp từ bên ngoài. Thực tế là, vì quan hệ ngoại thương mới thiết lập với Philippines nên rất nhiều tàu thuyền đã rời Nhật Bản với đậu, thịt và một số loại thực phẩm khác. Từ tất cà những điều nêu trên, rõ ràng là về tự nhiên. Nhật Bản là một nước giàu, chứ không hẳn là dân tộc nghèo tài nguyên. Mặc dù, như đã nói ở trên, dân chúng phải chịu cảnh đói khát và nghèo túng cùng cực bởi sự áp bức của các lãnh chúa. Ngoài ra, các cuộc chiến tranh cũng luôn dẫn đến những thay đổi lớn”.
Trong rất nhiều phong tục của người Nhật Bản, giáo sĩ Alessandro Valignano rất chú ý đến Chế độ tặng quà, ông cho rằng việc thường xuyên tặng quà không chỉ là thể hiện tính thân thiện, tôn trọng truyền thống của người Nhật Bản mà qua đó còn là để tranh thủ tình cảm của họ. Trên cơ sở có được niềm tin và tình cảm đó, các giáo sĩ có thể thâm nhập, phát triển tôn giáo đồng thời làm giảm sức ép cũng như mức độ hà khắc trong chính sách cấm đạo của chính quyền phong kiến. Ông viết, “phong tục tặng quá rất phổ biến và thịnh hạnh ở Nhật Bản, điều đó có nghĩa là một người không thể cử người đi thăm hay đến chỗ ai đó mà lại không có thái độ cư xử tương xứng bằng việc đem theo hay là gửi tới trước một món quà gì đó phù hợp với thứ bậc, hoàn cảnh và thời điểm”. Valignano nhận thấy rằng, mặc dầu phong tục đó chỉ thực sự phổ biến trong số các bạn bè thân thích, gia đình, họ tộc nhưng ở Nhật Bản có một nguyên tắc là khi đến thăm một ai đó, đặc biệt là với người có Địa Vị Cao hơn thì không thể không đem theo quà tặng. Nếu như ở thành thị người ta thường mua những món quà lạ, đắt tiền thì ngược lại, tại cac vùng thôn quê người Nhật thường chỉ biếu nhau “cây nhà lá vườn”. Quà biếu thường chỉ là hoa trái, mấy con chim, hải sản… Vấn đề là người nhận quà phải ghi nhớ để trả nghĩa và họ thường phải biếu những món quà tốt, có giá trị hơn trong những dịp thăm đáp lễ.
Bằng lối suy nghĩ giàu ý chí của một người Âu, lại thêm ảnh hưởng của chủ nghĩa khắc kỷ của một giáo sĩ do đó, dù hiểu rõ truyền thống văn hoá và tính hữu dụng của hoạt động tặng quà trong quan hệ xã hội của người Nhật Bản, Valignano cũng không thể không có những bất bình. “Chúng tôi là người châu Âu còn họ là người Nhât Bản, lúc đầu phong tục đó còn có thể chấp nhận được khi các giáo sĩ mới đến Nhật Bản vì phong tục đó được người Nhật Bản coi là hợp thức nên họ luôn gửi cho chúng tôi thứ này, thứ nọ mà những tặng vật đó thường kiếm được ở Nhật Bản nhưng chúng tôi lại phải biếu họ những món quà từ Ấn Độ hoặc Trung Hoa. Nhưng kể từ khi người Nhật Bản một phần là do sự nghèo khổ của họ, một phần là do bản tính luôn chú ý đến lợi nhuận thì quà tặng của chúng tôi phải có giá trị cao hơn của họ, chúng tôi chẳng thu được gì mà mất rất nhiều sau các chuyến đi thăm rồi lại đi thăm nữa. Cha bề trên phải gánh chịu tất cả những thứ đó và thường xuyên phải mua quà hay chuẩn bị sẵn quà để gửi đi các nơi.
Valignano nhiều lần phàn nàn rằng, chi phí cho các chuyến viếng thăm người Nhật Bản, đặc biệt là việc mua quà biếu đã gây thâm hụt đáng kể cho nguồn tài chính của Giáo hội Nhật Bản. Những món quà cho Tono (tức Teno, Thiên hoàng), cho Nobunaga (tức Oda Nobunaga), cho Kampaku dono (tức Toyotomi Hideyoshi) hay cho các lãnh chúa thực sự là nguồn tài sản lớn. Ông viết: “Nói chung, chúng ta phải gửi cho họ những mòn quà giá trị gấp đôi những thứ mà họ đã biếu, nếu không làm như vậy thì họ sẽ không hài lòng, tỏ ra rất khó chịu và sẽ thể hiện rõ bằng lời nói cũng như hành động”. Và, “từ khi lãnh chúa có quyền lực thực sự trong lãnh địa của mình, họ có thể làm bất cứ điều gì tùy theo ý muốn thì điều cần thiết đối với chúng ta là để có được thái độ tử tế, quan hệ hữu hảo với họ cũng như muốn giữ được tín đồ Cơ Đốc giáo vốn là thần dân của họ hay là để tiến hành được công việc cải giáo thì chúng ta không thể nào thoát khỏi vòng quà biếu, thăm hỏi. Nếu như chúng ta không giữ việc biếu quà, chúc tụng, thăm hỏi… thì nhất định sẽ bị coi thường và xúc phạm, chúng ta sẽ thấy họ không coi chúng ta là những người bạn mà là những kẻ phải báo thù”. Những lúc thân tình, Valignano đề nghị các lãnh chúa đã được cải giáo giải thích về chế độ quà biếu này ở Nhật Bản. Câu hỏi của ông chỉ nhận được sự trả lời ngắn gọn là “Không thể nào làm khác được vì đó là phong tục!”.
Đọc thêm
Được nghe nhiều, biết nhiều về người Nhật Bản nên mặc dù đôi khi không khỏi có những phẫn uất, bất bình nhưng nhìn chung giáo sĩ Alessandro Valignano luôn coi trọng và đánh giá cao những phẩm chất cao quý, giàu lý trí, trang nhã, khiêm nhường của người Nhật Bản. Thực ra, trước giáo sĩ Alessandro Valignano, nhiều nhà truyền giáo, thương nhân (người châu Âu) đã có những nhận xét đầy thiện cảm về phẩm cách của cư dân ở đây. Cha Sant Francis Xavier (1506 – 1552), người đã nhiều năm sống ở Nhật Bản cũng cho rằng, dân tộc này rất thiện chí, thực sự hòa hợp, ham tìm hiểu những điều mới lạ. ….”. Năm 1561, giáo sĩ Juan Fernandez khi viết về người Nhật Bản cũng cho rằng họ rất có khả năng, trí nhớ tốt hơn người Tây Ban Nha. Năm 1584, Mexia, người đi cùng với giáo sĩ Alessandro Valignano đến Nhật Bản lần đầu tiên rồi sau đó ông trở về truyền giáo ở Macao cũng viết: “Bởi vì người Nhật Bản ngủ và ăn ít cho nên họ có sự phán xét và trí thông minh tuyệt vời, họ học chữ của chúng ta không đến hai tháng. Họ là những người có năng lực trí nhớ siêu việt, bất cứ cậu bé nào khi được nói qua một điều, dù điều đó là phức tạp, chúng đều lĩnh hội được chính xác, còn người lớn thì đã có thể truyền bá tư tưởng của chúng ta từ khi Cơ Đốc giáo mới du nhập đến như là chính họ đã trưởng thành trong môi trường đó vậy”.
Nãm 1583, sau hơn 3 năm sống ở Nhât Bản, trong bài viết có tên gọi là Sumario, một văn phẩm được coi là có giá trị nhất còn để lại của giáo sĩ Alessandro Valignano.
Ông đã nhận định về đất nước, con người Nhật Bản: 1. Đó là một nước lớn, mọi người đều da trắng, có văn hóa, thận trọng và đáng được thâu hóa;
2. Nhật Bản là nước phương Đông duy nhất, ở đó người ta theo Cơ Đốc giáo vì những lý do xác dáng;
3. Ở Nhật Bản, và chỉ ở Nhật Bản những người được cải đạo lại bao gồm cả những nhân vật cao quý;
4. Nhìn chung, người Nhật Bản có thiên hướng tôn giáo và những nhà tu hành Phật giáo rất được kính trọng. Chúng tôi, những người nói về niềm tin chân lý, với sự chính trực, khả ái của mình hẳn sẽ được kính trọng cao hơn…”.
Đã từng có dip sống, giao tiếp với nhiều cộng đồng dân cư, nhiều dòng văn hóa. giáo sĩ Alessandro Valignano luôn luôn có cái nhìn so sánh về phẩm chất vốn có trong mỗi dân tộc. Trong các dân tộc ở châu Á, ông đánh giá cao bản tính, nhân cách, văn hóa của người Trung Hoa và người Nhật Bản. Cũng trong Sumario, ông nhận xét: “Người ở đây tất cả đều trắng, rất có văn hóa, ngay cả tầng lớp bình dân cũng như nông dân đều được nuôi dưỡng cẩn thận và hết sức lịch thiệp với nhau, có cảm giác như họ được nuôi dạy trong cung đình, họ đã chứng tỏ được sự hơn hẳn so với những người phương Đông khác ngoại trừ người châu Âu chúng ta. Họ là những người có khả năng nhận thức tốt, còn trẻ em thì rất có năng lực trong việc học tập tất cả những môn khoa học và luật định của chúng ta. Chúng có thể thuộc lòng, học đọc, viết ngôn ngữ của chúng ta còn dễ dàng, nhanh hơn trẻ em châu Âu. Thậm chí, các đẳng cấp thấp hơn cũng không thô kệch dốt nát như ở châu Âu; thực tế là ở hầu hết mọi vùng, họ là những người hiểu biết, được nuôi dưỡng chu đáo và có năng lực”.
Trong một tài liệu khác mang tên Principio, giáo sĩ Alessandro Valignano cũng có cái nhìn đầy thiện cảm: “Có thể thấy rằng, người Nhật Bản cao quý, tao nhã, lịch thiệp như thế nào. Không còn nghi ngờ gì nữa, không có dân tộc nào ở châu Âu lại có thể so sánh được với họ về các mặt đó”, ông đặc biệt đánh giá cao đội ngũ trí thức Nhật Bản, tuy rằng cũng có những han chế nhưng ưu điểm của họ là rất thông minh, ham học, có khả năng tự kiềm chế tuyệt vời, sự hòa nhập của họ trong cộng đồng, ở trường học, sự đúng mực và tính chấp hành kỷ luật của người Nhật đều giống như cách thức của người Âu”.
Tuy nhiên, giáo sĩ Alessandro Valignano cũng phát hiện ra những điểm yếu trong tư duy của người Nhật Bản về các lĩnh vực khoa học thực nghiệm, ông cho rằng: “Mặc dù người Nhật Bản rất thông minh, có trí nhớ tốt, nhưng vì cho đến nay họ vẫn chưa có các môn khoa học nên tư duy của họ không có được những nhận thức về các môn khoa học đó như người châu Âu. Nhưng vẫn có thể khẳng định chắc chắn rằng, họ có đủ năng lực để học các môn khoa học đó; thực tế là họ rất khéo tay, cần cù, khi viết họ dùng thỏi mực mài ra và bút, họ dùng nhiều bút với những nét viết nghiêm túc, ngón tay của họ thon thả, nhạy cảm và tự nhiên hơn chúng ta, họ học vẽ và viết chữ La Tinh thường là dễ dáng hơn người châu Âu”.
Bên cạnh những ưu điểm va nhược điểm dó. giáo sĩ Alessandro Valignano cho rằng, bản tính của người Nhật Bản không được tự nhiên, hay e dè, không rộng mở, không hay quan hệ giao tiếp và đôi khi họ cứ khư khư tuân theo những phong cách, phong tục riêng của minh và cho tất cả những điều đó là cao thượng”. Theo giáo sĩ Alessandro Valignano: “Người Nhật Bản có ý thức dân tộc và truyền thống văn hóa rất sâu sắc, tuy rằng lòng tự hào, tự tôn dân tộc đó của họ cũng đồng thời cho thấy những biểu hiện cực đoan. Người Nhật có tình cảm dân tộc mạnh mẽ, có ý thức duy trì phong tục của đất nước và đánh giá thấp về tất cả các dân tộc khác“.
Tuy nhiên, theo giáo sĩ Alessandro Valignano, trong điều kiện văn hoá bản địa và quan hệ xã hội chi phối mạnh mẽ đến suy nghĩ, cuộc sống của mỗi người dân Nhật Bản thì Cơ Đốc giáo không thể dễ dàng có được cơ sở xã hội sâu bền ở xứ sở này. Vấn đề là, bằng mọi cách phải đào tạo cho Giáo hội Nhật Bản một đội ngũ những nhà truyền giáo người bản xứ nhờ đó họ có thể dễ dàng giao hòa với đồng bào mình. Trong trường hợp chính sách cấm đạo được thực hiện khắt khe ở Nhật Bản thì họ cũng dễ dàng lẩn tránh vào cộng đồng dân cư hơn, ông nhận thức rõ ràng rằng: “Người Nhật Bản đầy kiêu hãnh và khôn ngoan nên họ không cho phép người nước ngoài thống trị họ. Vì thế, cách tốt nhất để thiết lập địa vị vững chắc của giáo hội ở Nhật Bản là huấn luyện người bản địa rồi từng bước giao cho họ được toàn quyền thực hiện sứ mệnh truyền giáo ở đây.
Nên chọn ra một số thiếu niên tiêu biểu để đào tạo, phải cho họ học tiếng La Tinh và làm quen với cuộc sống của người châu Âu”. Theo ông “Điều đó là cần thiết, vì không sớm thì muộn, sứ mệnh của giáo hội ở Nhật Bản sẽ không thể duy trì được nếu không chấp nhận người Nhật và giúp đỡ họ trở thành các linh mục. Bởi vì, họ sống trên các hòn đảo, rất xa xôi với các nền văn hóa khác và người bản địa ở đây bị khuôn trong những phong tục của họ cũng như trong sự giao tiếp với bên ngoài. Đặc điểm, điều kiện của họ rất khác với chúng ta ở châu Âu, nếu như không có một số người được cử sang châu Âu để học tập một thời gian thì chắc chắn người Nhật sẽ không đem lại những kết quả như chúng ta mong muốn hoặc sẽ không tiếp thu được linh hồn thực sự của giáo hội chúng ta hoặc họ sẽ không có được sự ngưỡng vọng và kính trọng cần thiết về những gì mà châu Âu có. Nhưng nếu như chúng ta thỉnh thoảng cử một số người đến châu Âu thì chúng ta có thể trông chờ vào họ. Người Nhật sẽ có những nhận thức đúng và khả năng tốt, họ sẽ trở nên từng bước hòa nhập và đồng điệu với chúng ta”.
Nguồn: Tiến sĩ tốt nghiệp Oxford J.F. Moran sưu tầm tập hợp các ghi chép của giáo sĩ châu Âu từng nhận nhiệm vụ truyền giáo ở Nhật Bản viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Latin, tiếng Italia và dịch ra tiếng Anh đưa vào sách The Japanese and Jesuits. Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim trích dịch vài phần sách của Tiến sĩ J.F. Moran ra tiếng Việt biên soạn thành bài viết Nhật Bản cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII qua nhận xét của giáo sĩ Alessandro Valignano(Từ sự phân tích tác phẩm “The Japanese and Jesuits” của Tiến sĩ J.F. Moran).