Lịch Sử Châu Á

Viktor Baranov: Thiên tài làm tiền giả ở Liên Xô

Ở Liên Xô, việc sản xuất tiền giả có hình phạt cao nhất là tử hình. Nhưng tòa đã khoan dung với Viktor Baranov.

tien gia lien xo

– Kia kìa, ông ấy đang xách cặp đi loanh quanh để đổi tờ tiền 25 rúp – người bán hoa quả hạ giọng chỉ cho viên thượng sĩ cảnh sát thấy một công dân đáng kính mặc quần sáng màu, đội mũ mùa hè, đang đi giữa những hàng cá trong chợ nông sản ở ngoại ô thành phố Cherkessk, miền Nam nước Nga.

Khi được kiểm tra, các giấy tờ tùy thân của người này đều ổn. Viktor Ivanovich Baranov, cư dân Stavropol. Nhưng bên trong chiếc cặp thì có tới… 1925 rúp toàn bằng giấy bạc mệnh giá 25 rúp mới toanh. Vào lúc khác, chuyện một người đàn ông đi chợ mà lại mang theo số tiền ngang với nửa giá một chiếc ôtô Zaporozhe trong một chiếc cặp tồi tàn cũng chẳng được mấy ai để ý. Nhưng vào tháng 4 năm 1977, toàn bộ lực lượng cảnh sát ở miền nam Liên Xô đã được đặt trong tình trạng báo động – họ đang phải truy lùng những người tiêu thụ tờ 25 rúp giả, loại tiền này bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Những người buôn bán tại chợ đã được cảnh báo – phải báo ngay mọi trường hợp thanh toán bằng tờ 25 rúp mới cứng cho cảnh sát.

Baranov được đưa về đồn. Khi được hỏi “Là ai, làm nghề gì?”, người đàn ông 36 tuổi bình tĩnh nói: “Tôi là kẻ làm tiền giả!”. Và đó là câu trả lời trung thực – Viktor Baranov đúng là kẻ sản xuất tiền giả xuất sắc nhất trong toàn bộ lịch sử Liên Xô.

Viktor Baranov

NHÀ PHÁT MINH TỰ HỌC

Viktor Baranov mê tiền từ bé. Nhưng không phải bởi giá trị vật chất, mà cậu bị thu hút bởi giá trị nghệ thuật của những tờ tiền: những đường lượn sóng đẹp mắt, những hình vẽ chính xác và màu sắc khác thường. Cậu bé có thể dành hàng giờ để chiêm ngắm những tờ tiền cũ thời Sa hoàng, sau đó cố gắng tái hiện bức vẽ trên một tờ giấy. Victor vẽ đẹp nhưng chưa vội phát huy tài năng. Đi nghĩa vụ quân sự về, anh được đào tạo thành thợ lát gỗ cao cấp làm việc tại một công ty xây dựng.

Nhưng khi còn trẻ, một tài năng khác của anh chàng đã bộc lộ trọn vẹn – niềm đam mê phát minh. Anh ta đã nghĩ ra thiết bị phân loại khoai tây, thùng gấp để vận chuyển bao bì thủy tinh và thậm chí cả phương tiện di chuyển một bánh. Đây không phải những phát minh điên rồ như kiểu động cơ vĩnh cửu mà là những thứ hoàn toàn hữu dụng. Nhưng trở ngại ở chỗ: bất cứ nơi nào Baranov tiếp cận với các đề xuất hợp lý hóa của mình, ông đều bị từ chối.

Thật đáng buồn với chiếc ô tô một bánh – họ thậm chí còn không nghe anh trình bày, cũng không nhìn vào các bản vẽ. Và quan trọng nhất: cần có ít nhất 30.000 rúp để làm ra thành phẩm. Số tiền ấy quá lớn, khi thời ấy (cuối thập niên 1960 đầu 1970) lương kỹ sư trung bình chỉ 120-150 rúp/tháng, có làm việc tới già cũng không kiếm nổi. Và Baranov quyết định đi bằng con đường khác: nếu không thể đạt được số tiền cần thiết bằng cách bán sức lao động thì hãy thử tự in.

CON ĐƯỜNG DÀI CHO Ý TƯỞNG

Ngày nay, thông tin về in nổi và in chìm cũng như các công nghệ được sử dụng để in tiền (bất hợp pháp) có thể dễ dàng tìm thấy trên Internet. Còn thời Liên Xô thì nguồn thông tin duy nhất là thư viện. Nhưng thư viện địa phương không hề có những cuốn sách cần thiết, nên Baranov đã lặn lội đến thủ đô Moscow.

Thời đó, Thư viện Quốc gia mang tên Lenin mở cửa tự do. Ở đó, từ sáng đến tối, Victor miệt mài sao chép (bằng cách viết tay) những nội dung cần thiết từ những cuốn sách về công nghệ in ấn. Tại các hiệu sách cũ, anh ta tìm mua các sách nước ngoài về những kiến ​​​​thức cơ bản cho kỹ thuật in kẽm và cách tạo ra khuôn in âm bản.

Sau khi nghiên cứu hết tài liệu, Baranov nhận ra rằng để kiếm tiền, anh ta sẽ phải thông thạo hơn 20 chuyên ngành. Nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi, nhưng Viktor Baranov vẫn quyết không sờn chí.

Anh phải mất 4 năm để học cách làm giấy có chất lượng và hình mờ theo đúng yêu cầu của giấy in tiền. Việc thử nghiệm mực intaglio mất thêm 2 năm nữa. Baranov đã dành 3 năm để chế tạo những khuôn in bằng gỗ và cao su cũng như lắp ráp một chiếc máy in tiền tự chế trong nhà kho của mình. Anh ta đặt mua các chi tiết máy từ bạn bè ở nhà máy cơ khí Stavropol và mua chui các thuốc tạo màu cần thiết từ các công nhân nhà máy hóa chất.

Máy in chỉ bắt đầu hoạt động vào năm 1976. Ban đầu, Baranov in tờ 50 rúp. Rất giống thật. Khó mà phân biệt được với tờ tiền gốc. Tuy nhiên, người có con mắt hội họa tinh tường có thể nhận ngay ra rằng ánh mắt trên chân dung ở tờ tiền của Baranov đã khiến Lenin trẻ ra cả chục tuổi so với trên tờ tiền thật.

Cần biết, tiền giấy Liên Xô thời ấy có các mệnh giá như sau: 100 rúp, 50 rúp, 25 rúp, 10 rúp, 5 rúp, 3 rúp và 1 rúp. Trong các thập niên 1960 – 1970, nhà nước Liên Xô phát hành tiền giấy mệnh giá 100 rúp với số lượng rất ít nên loại tiền này thường bị “soi” rất kỹ, sẽ gặp nhiều nguy cơ bị phát hiện nếu làm giả.

THÁCH THỨC TỪ ĐỒNG 25 RÚP

Ban đầu, Victor Baranov quyết định chọn tờ 50 rúp để “đưa vào sản xuất”. Nhưng anh ta không vội vã, mà chỉ in tiền với số lượng rất khiêm tốn. Sau một thời gian tiêu thụ thử nghiệm, Baranov tin chắc rằng không ai có thể phân biệt tiền giấy của mình với tiền thật, nhất là sau khi anh ta chỉnh sửa “thần nhãn” của Lenin. Chuyện này diễn ra trong vài tháng và ngay cả người thân của Victor cũng không thể nghi ngờ điều gì. Khi vợ hỏi số tiền đó ở đâu mà có, anh trả lời rằng đó là tiền thưởng từ công việc ở công ty hoặc phần thưởng cho những phát minh bổ sung.

Để giảm khả năng bị phát hiện, Baranov không vào các cửa hàng lớn mà ra chợ dùng tiền giả mua hàng vặt để nhận về tiền thừa là tiền thật. Đưa tiền cho vợ để chi tiêu, anh ta không bao giờ đưa quá giới hạn hợp lý. Tưởng chừng với khả năng in tiền giấy siêu hạng như thế này, Baranov có thể nhanh chóng thực hiện phát minh để đời (xe ô tô 1 bánh). Nhưng Baranov nhanh chóng chán ý tưởng về chiếc xe 1 bánh, vì cảm thấy hứng thú hơn với việc chinh phục đỉnh cao tiền giấy. Trong số tất cả các loại tiền giấy của Liên Xô, anh ta thành thạo việc in tiền giấy 50 rúp màu xanh lục, và cho rằng việc này không mấy khó khăn.

Tiền giấy an toàn nhất của Liên Xô là tờ 25 rúp màu hoa cà. Viktor Baranov quyết định chinh phục độ cao này. Và anh ta đã thành công. Sau khi in khoảng 5.000 rúp, Baranov cất chúng vào một chiếc cặp và đem đi tiêu thụ ở Crimea.

Nhưng rồi xảy ra một sự cố oái oăm! Khi đang mua dưa chuột của một bà cụ ở chợ, Victor Baranov chỉ lơ là trong tích tắc và chiếc cặp chứa đầy những tờ tiền 25 rúp sắc nét đã bị kẻ trộm cuỗm mất. Khổ chủ phải trở về nhà và bật máy hết công suất.

“THẬT HƠN CẢ THẬT”!

Không biết tiền giả do Baranov làm ra sẽ lưu hành khắp đất nước trong bao lâu, nhưng “thiên tài” của chúng ta đã mắc phải một sai lầm sơ đẳng. Trong lúc sửa lại các khuôn in, anh ta không để ý rằng một khuôn đã bị lộn ngược. Kết quả là các tờ tiền có đường lượn sóng khác nhau. Người bình thường sẽ không chú ý đến điều này, nhưng một nhân viên kiểm ngân tinh tường từ Ngân hàng nhà nước đã phát hiện ra sự khác biệt và báo cáo với chính quyền. Thế là guồng máy cảnh sát bắt đầu quay.

Đến năm 1977, thông qua nỗ lực chung của Bộ Nội vụ và KGB, 46 tờ tiền giả có mệnh giá 50 rúp và 416 tờ tiền mệnh giá 25 rúp đã được phát hiện. Để phân tích chúng, cần phải có sự tham gia của các chuyên gia kỹ thuật in ấn tiền tệ. Họ đã rất ngạc nhiên khi nhận thấy rằng hàng giả vượt trội gấp nhiều lần so với hàng gốc về độ hoàn hảo trong sản xuất và mức độ bảo mật. Riêng tờ 25 rúp của Baranov được thừa nhận là “thật hơn cả thật”!

Ban chuyên án đặc biệt lập tức được thành lập. Ban đầu, các nhà điều tra cho rằng các nhân viên của Ủy ban in tiền quốc gia (Gosznak) có liên quan đến sự việc. Cũng có luồng ý kiến cho rằng ở đây có bàn tay của CIA. Chính quyền không thể tin rằng những tờ tiền giả hoàn hảo như vậy lại do một họa sĩ tự học làm ra. Trong khi đó, mọi dấu hiệu đều chỉ ra rằng việc sản xuất và tiêu thụ hàng giả xuất phát từ đâu đó ở phía nam Liên Xô.

Dần dần, mọi chỉ dấu điều tra đều cho thấy rõ rằng thành phố Stavropol chính là trung tâm sản xuất. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, cảnh sát chìm cũng đặt mục đích vô hiệu hóa toàn bộ nhóm làm tiền giả chứ không chỉ một người. Khi Baranov bị bắt và đã thú nhận, cảnh sát vẫn cho rằng vai trò của anh ta chỉ là kẻ tiêu thụ cho một băng nhóm làm tiền giả có tổ chức.

Chỉ đến khi Baranov cho họ xem chiếc máy của mình trong nhà kho ở góc vườn, và trong một thực nghiệm điều tra, anh ta đã tạo ra các hình mờ trên giấy, cuộn các hình nổi và hình chìm, xén tờ giấy bạc đúng kích thước thật và đóng số serie bằng một con dấu đặc biệt, thì các nhà điều tra mới há hốc mồm trước “phép lạ” đang được thực hiện trước mắt họ.

Baranov ngay lập tức được đưa lên máy bay và đưa đến Moscow, nơi bắt đầu các cuộc thẩm vấn, thực nghiệm điều tra và những buổi làm việc với các chuyên gia của Gosznak. Trích kết luận điều tra:

“Các tờ tiền giả loại 25 và 50 rúp do V.I. Baranov sản xuất có hình dáng gần giống với tiền thật và rất khó nhận dạng khi lưu hành. Việc này rất nguy hiểm vì có thể gây mất lòng tin của người dân vào tiền thật”.

QUAN TRỌNG LÀ Ý TƯỞNG CHỨ KHÔNG PHẢI KẾT QUẢ

Ở Liên Xô, việc sản xuất tiền giả được coi là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và hình phạt cao nhất cho tội này là tử hình. Nhưng tòa đã khoan dung với Viktor Baranov. Nhiều yếu tố đã được tính đến: việc anh ta sẵn sàng hợp tác điều tra và hành động một mình (không phải tội phạm có tổ chức). Số lượng tiền giả được in ra không lớn cũng đóng một vai trò nào đó – 33.454 rúp (trong đó 23.525 rúp đã được tiêu thụ). Kết cuộc, anh ta bị kết án 12 năm tù.

Viktor chấp hành toàn bộ bản án. Năm 1990, ông trở về quê hương Stavropol. Baranov đã không trở nên nổi tiếng, cũng như không ra nước ngoài, nơi ông ta có thể thể hiện hết tài năng của mình. Ông lấy vợ (người vợ đầu đã ly dị ông trong thời gian ông đang ngồi tù), tham gia kinh doanh nhưng không mấy thành công.

Trả lời phỏng vấn, Viktor Baranov cho biết ông không bao giờ quan tâm đến tiền bạc như một phương tiện làm giàu. Ông chỉ thích phát minh ra điều gì đó mới mẻ; chỉ quan tâm về bản thân quá trình chứ không phải kết quả. Và thế là chiếc xe một bánh vẫn nằm trên giấy. Nhà phát minh kém may của chúng ta nay đã 83 tuổi, sống khiêm tốn trong một căn hộ hai phòng ở trung tâm Stavropol và không còn nghĩ đến những phát minh mới nữa. Thời thế thay đổi nhiều rồi…

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s