Lịch Sử Hoa Kỳ

Chiến dịch Saratoga (Cách Mạng Mỹ)

Chiến dịch Saratoga là sự kiện đặc biệt quan trọng của Cách mạng Mỹ (1775-1783). Thất bại của Anh tại Saratoga đã buộc nước Pháp tham chiến.

Chiến dịch Saratoga là sự kiện đặc biệt quan trọng của Cách mạng Mỹ (1775-1783). Thất bại của Anh tại Saratoga đã buộc nước Pháp tham chiến.

Chiến dịch Saratoga (từ 20 tháng 6 đến 17 tháng 10, 1777) là một trong những sự kiện quân sự quan trọng nhất của Cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ (1775-1783). Đạo quân Anh dưới sự chỉ huy của tướng John Burgoyne đã xâm lược Thung lũng sông Hudson nhưng bị đánh bại bởi lực lượng Mỹ trong các trận đánh tại Saratoga. Sự đầu hàng của quân đội Burgoyne đã thuyết phục nước Pháp tham chiến.

Kế hoạch của người Anh

Vào đầu năm 1777, khi Cuộc cách mạng Mỹ bước sang năm thứ ba, Bộ trưởng thuộc địa Anh, Lord George Germain, tìm mọi cách để vạch ra những chiến lược mới nhằm đè bẹp cuộc nổi dậy của Mỹ. Con đường dẫn đến chiến thắng đã không còn rõ ràng như trước kia. Thật vậy, bất chấp những thắng lợi lớn của người Anh trong năm trước – bao gồm Trận Long Island và việc chiếm đóng thành phố New York – chiến tranh dường như không có hồi kết. Lục quân Lục địa Mỹ dưới sự chỉ huy của George Washington vẫn còn nguyên vẹn. Mặc dù bị tổn thất sau chiến dịch năm trước, họ vẫn hừng hực khí thế chiến đấu. Đại hội Lục địa vẫn công khai chế giễu chính quyền hoàng gia từ Philadelphia. Để giành chiến thắng, Lord Germain quyết tâm – nước Mỹ non trẻ sẽ phải bị bóp nghẹt đến chết, và đã có một người ở London với một kế hoạch cho hành động như vậy.

Tướng John Burgoyne

Tướng John Burgoyne là một người đa tài. Là một nhà viết kịch nổi tiếng, ông cũng là một quý tộc có xuất thân tốt với tham vọng chính trị. Chính phong thái quý tộc duyên dáng khiến binh lính trìu mến gọi ông là ‘Quý ông Johnny’. Đã phục vụ trong hai năm qua với tư cách là một trong những chỉ huy chiến trường hàng đầu của Anh ở Mỹ, Burgoyne giờ đây đang khao khát quyền chỉ huy độc lập của riêng mình. Vừa ăn trưa với Lord Germain, vừa cưỡi ngựa với Vua George III của Anh, Burgoyne đã phác thảo một kế hoạch cho một chiến dịch quyết định mà ông tuyên bố sẽ giúp Anh thắng trong cuộc chiến này.

Đó sẽ là một cuộc tấn công gồm có hai mũi nhọn: một đạo quân Anh sẽ hành quân xuống phía nam từ Canada, chiếm giữ Pháo đài Ticonderoga quan trọng trước khi tiếp tục dọc theo sông Hudson để chiếm lấy Albany, New York. Một lực lượng thứ cấp của Anh, cũng xuất phát từ Canada, sẽ tiến dọc theo phía tây sông Mohawk trước khi hội quân với đạo chính tại Albany. Việc chiếm giữ sông Hudson – ít nhất về mặt lý thuyết – sẽ cắt đứt liên lạc giữa các thuộc địa phía bắc và phía nam, đồng thời cô lập vùng New England, nơi được coi là trái tim và linh hồn của cuộc nổi loạn.

Sự táo bạo của kế hoạch này rất được lòng nhà vua và Lord Germain – cả hai đã chán ngấy sự rụt rè của các vị tướng Anh khác. Họ không chỉ chấp thuận cuộc thám hiểm mà còn bổ nhiệm Burgoyne lãnh đạo nó. Lord Germain sau đó đã viết thư cho Ngài William Howe, chỉ huy của đạo quân Anh chủ lực ở Thành phố New York, yêu cầu ông hỗ trợ cuộc thám hiểm bằng cách đẩy quân lên phía bắc và hội tụ với Burgoyne tại Albany.

Howe chẳng mấy quan tâm đến việc hỗ trợ một chiến dịch mà gần như phần lớn mọi vinh quang sẽ về tay của Burgoyne, và thay vào đó, ông lên kế hoạch cho chiến dịch Philadelphia mà ông hy vọng sẽ chiếm được thủ đô của Hoa Kỳ cũng như đánh bại đội quân của George Washington. Điều này sẽ biến Howe, chứ không phải Burgoyne, thành anh hùng của cuộc chiến. Tuy nhiên, Howe vẫn xoa dịu mối quan ngại của Germain rằng ông sẵn sàng hành quân hỗ trợ Burgoyne sau khi chiếm được Philadelphia, và vị bộ trưởng đành phải chấp nhận kế hoạch của ông.

Chiếm đóng pháo đài Ticonderoga

Vào ngày 6 tháng 5 năm 1777, Tướng Burgoyne quay trở lại Canada và thấy rằng đội quân gồm 8.300 binh lính của ông đã được tập hợp sẵn. Đây là một lực lượng xâm lược hùng hậu, bao gồm 3.700 lính chính quy Anh, 3.000 lính Đức chuyên nghiệp, 650 dân quân Canada, 400 chiến binh da đỏ Iroquois, và 138 khẩu đại bác do 600 pháo thủ điều khiển. Đội ngũ sĩ quan của Burgoyne cũng vô cùng ấn tượng với Thiếu tướng William Phillips đảm nhận vai trò phó tư lệnh, Chuẩn tướng Simon Fraser chỉ huy đội tiên phong, và Nam tước Friedrich Adolf von Riedesel phụ trách quân Đức. Vào ngày 20 tháng 6, đoàn viễn chinh của Burgoyne khởi hành trên những chiếc thuyền xuôi theo hồ Champlain. Cùng lúc đó, một đoàn thám hiểm thứ hai có 1.800 người dưới sự chỉ huy của Đại tá Barry St. Leger đổ bộ tại Oswego, New York, bắt đầu chiến dịch chinh phục Thung lũng Mohawk.

Burgoyne cho quân đội của mình xuống tàu tại Crown Point, cách mục tiêu đầu tiên của ông là Pháo đài Ticonderoga khoảng 13 km về phía bắc. Mặc dù có danh tiếng là chìa khóa phía bắc, nhưng phe Mỹ đã để các công sự chính của pháo đài rơi vào tình trạng xuống cấp. Pháo đài vốn thiếu thốn nguồn tiếp tế, và đơn vị đồn trú gồm 2.700 người cũng đang bốc hơi nhanh chóng do bệnh tật và đào ngũ. Vị chỉ huy người Mỹ, Tướng Arthur St. Clair, hiểu rằng ông không có đủ nguồn lực để bảo vệ cả Ticonderoga và các công sự phụ trên Núi Độc Lập ở ngay phía bên kia hồ. Do đó, khi quân đội của Burgoyne xuất hiện vào ngày 1 tháng 7, St. Clair phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: bảo vệ pháo đài trong một trận chiến chắc chắn sẽ thất bại, hoặc bỏ rơi pháo đài để cứu lấy quân của mình. Quyết định này trở nên dễ dàng hơn vào ngày 5 tháng 7, khi người Anh đặt đại bác trên đỉnh Đồi Sugar Loaf cao 230 m, một vị trí có tầm nhìn bao quát cả Ticonderoga và Núi Độc Lập. Không muốn để quân của mình chịu một cuộc pháo kích, St. Clair đành ra lệnh rút lui.

Hubbardton và Fort Anne

Quân Mỹ chất đạn dược, lương thực, và phần lớn số thương binh lên mấy chiếc thuyền chèo, bắt đầu cuộc hành trình đến Skenesborough (nay là Whitehall), nằm ở phía nam Hồ Champlain. Trong khi đó, St. Clair dẫn 2.000 lính còn lại rút lui về phía đông, vào vùng lãnh thổ được gọi là New Hampshire Grants (Vermont ngày nay). Sáng ngày 6 tháng 7, quân Anh sửng sốt phát hiện Pháo đài Ticonderoga bị bỏ trống; Burgoyne phấn khích chiếm pháo đài ngay lập tức và cử lực lượng tiên phong do Tướng Fraser dẫn đầu truy đuổi lực lượng đang rút lui của St. Clair. 850 quân của Fraser hành quân suốt ngày hôm đó, nhờ vậy, họ đã bắt kịp hậu quân Mỹ tại thị trấn Hubbardton vào sáng sớm hôm sau. Hậu quân Mỹ với 1.000 lính, do Đại tá Seth Warner chỉ huy, đã đứng vững, dẫn đến một trận đấu súng kịch liệt kéo dài ba giờ. Trong một thời gian, không bên nào có thể giành được thế thượng phong, cho đến khi… tiếng kèn vang lên báo hiệu sự xuất hiện của Nam tước Riedesel và 1.200 lính Đức. Quân Đức, được trang bị những khẩu súng trường ngắn gọn mà chính xác, đã có thể áp sát cánh của quân Mỹ và khiến họ phải bỏ chạy tán loạn vào rừng.

Trong khi Fraser và Riedesel đang đánh nhau với hậu quân của St. Clair ở Hubbardton, đội thuyền chèo Mỹ đang cố gắng hết sức băng qua Hồ Champlain, với lực lượng chủ lực của Burgoyne truy đuổi ngay sau gót. Quân Mỹ, do Đại tá Pierse Long dẫn đầu, cuối cùng đã cập bến tại Skenesborough, trú ẩn trong Pháo đài Anne gần đó, và họ hội quân cùng với 400 dân quân New York dưới sự chỉ huy của Henry Van Rensselaer. Burgoyne đã cử một đội quân Anh truy đuổi Long và Van Rensselaer, dẫn đến một trận chiến đẫm máu khác vào ngày 8 tháng 7 tại Pháo đài Anne. Quân Mỹ cầm cự cho đến khi màn đêm buông xuống, họ đốt pháo đài trước khi rút lui trong đêm. Vào ngày 12 tháng 7, Đại tá Long hội quân cùng lực lượng chính của St. Clair tại Pháo đài Edward, bên dòng sông Hudson, trong khi Burgoyne đặt trụ sở chính tại Skenesborough.

Burgoyne vẫn chẳng hề vội vàng. Ông được chính một công dân hàng đầu của thị trấn tên là Philip Skene đón tiếp. Skene, một người trung thành với chế độ, rất tế nhị “lờ đi” mối quan hệ tình ái của Burgoyne với vợ mình. “Johnny quý tộc” rõ ràng đã trở nên quá tự tin sau những thắng lợi gần đây, ông viết một bức thư gửi cho Huân tước Germaine, háo hức dự đoán sự sụp đổ của vùng New England trước khi mùa hè kết thúc. Vào khoảng thời gian đó, Burgoyne biết tin Howe vẫn chưa khởi hành đến Philadelphia, đồng nghĩa là Howe chẳng thể nào hỗ trợ cho cuộc viễn chinh của Burgoyne; chuyện này lại càng hợp ý Burgoyne, vì ông sẽ không phải san sẻ vinh quang chiến thắng cuối cùng với bất kỳ ai.

Chuyến viễn chinh thứ hai của người Anh

Vào ngày 26 tháng 7, đoàn thám hiểm thứ hai của người Anh do Đại tá Barry St. Leger chỉ huy đã khởi hành. Trong số 1.800 người hành quân cùng St. Leger, có khoảng 800 người Iroquois, đứng đầu là các tù trưởng Joseph Brant, Cornplanter và Sayenqueraghta. Họ là những chiến binh đến từ các bộ tộc Mohawk, Seneca, Cayuga và Onondaga. Được dẫn đường bởi các trinh sát Iroquois, đoàn thám hiểm của St. Leger hành quân đến Pháo đài Stanwix trên sông Mohawk và bao vây pháo đài vào ngày 2 tháng 8.

Pháo đài Stanwix được bảo vệ bởi 750 dân quân dưới sự chỉ huy của Đại tá Peter Gansevoort, người quyết tâm giữ pháo đài bằng mọi giá. Gansevoort kêu gọi lực lượng dân quân hạt Tryon giúp đỡ, và lời kêu gọi của ông đã được Chuẩn tướng Nicholas Herkimer đáp lại. Herkimer tập hợp 800 người và hành quân giải vây Pháo đài Stanwix, lực lượng của Herkimer bao gồm khoảng 100 chiến binh Oneida.

Trận phục kích Oriskany

Vào ngày 6 tháng 8, Herkimer đang hành quân qua làng Oriskany, chỉ cách Pháo đài Stanwix 10 dặm (16 km) về phía đông nam, thì bị phục kích bởi một nhóm quân trung thành và Iroquois do Joseph Brant chỉ huy. Trận chiến kéo dài trong vài giờ, vô cùng căng thẳng và khốc liệt, trước khi các chiến binh của Brant rút lui vào rừng. Vào thời điểm đó, gần một nửa lực lượng Yêu nước đã bị giết hoặc bị thương, bao gồm cả Herkimer, người đã lãnh một vết thương chí mạng. Bên cạnh đó, quân đoàn Yêu nước cũng bị loại bỏ hoàn toàn khỏi cuộc chiến.

Các chiến binh Iroquois của Brant cũng chịu thương vong nặng nề trong trận chiến, hơn nữa, họ còn buộc phải chiến đấu và giết chết anh em Oneida (Oneida là một trong Lục quốc Iroquois). Để trả thù cho sự phản bội này, Brant ngay lập tức dẫn quân Mohawk của mình trong một cuộc đột kích vào làng Oneida của Oriska, khiến người Oneida tấn công một số khu định cư của người Mohawk. Do đó, Trận Oriskany đã gây ra một cuộc nội chiến giữa các bộ tộc Iroquois.

Cuộc vây hãm Pháo đài Stanwix

Trong khi đó, mặc dù St. Leger tiếp tục cuộc bao vây của mình, ông cảm thấy khá bất an, lo lắng rằng một lực lượng Yêu nước khác sẽ xuất hiện từ trong rừng bất cứ ngày nào. Nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của ông dường như đã thành hiện thực vào giữa tháng 8 khi một số trinh sát phe Bảo hoàng báo cáo rằng Tướng Yêu nước Benedict Arnold đang hành quân về phía Pháo đài Stanwix với một lực lượng cứu trợ lớn. Vào ngày 22 tháng 8, do không muốn bị kẹt giữa quân của Arnold và pháo đài, St. Leger quyết định dỡ bỏ vòng vây và rút lui về Canada.

Vài ngày sau khi người Anh rời đi, Arnold đến và chào Đại tá Gansevoort với lòng biết ơn. Đại tá vô cùng ngạc nhiên khi thấy vị tướng người Mỹ chỉ có chưa đầy 100 người. Với một nụ cười, Arnold giải thích cách ông đã sử dụng thủ đoạn để đánh lừa các trinh sát phe Bảo hoàng nghĩ rằng ông có một lực lượng lớn hơn nhiều. Chính nhờ nghệ thuật đánh lừa, Arnold đã cứu được Pháo đài Stanwix.

Tháng Bảy đen tối của Burgoyne

Vào giữa tháng Bảy, tướng Burgoyne rời Skenesborough, chỉ để nhận ra con đường đến Pháo đài Edward đã hoàn toàn bị phá hủy. Lực lượng dân quân Mỹ đã phá cầu và dùng đá, cây cối chắn đường, khiến quân Anh di chuyển chậm như rùa. Mãi đến ngày 29 tháng Bảy, khi quân Anh cuối cùng cũng đến được Pháo đài Edward, nơi này đã bị bỏ hoang từ lâu – St. Clair và quân đội Mỹ của ông đã rút lui sạch sẽ. Không có lương thực, không có quân tiếp viện, nhưng ít nhất Burgoyne đã đến được sông Hudson. Tuy nhiên, bất kỳ cảm giác chiến thắng nào cũng ngay lập tức bị vụ sát hại Jane McCrea lu mờ.

Jane McCrea là vợ người Mỹ của một sĩ quan trung thành với quân Anh trong đội của Burgoyne. Xác chết của cô được tìm thấy gần Pháo đài Edward, bị lột da đầu. Tin tức Jane McCrea bị sát hại bởi một chiến binh người Mỹ bản địa phục vụ phía quân Anh đã lan truyền với tốc độ chóng mặt. Đối với Burgoyne, người nuôi hi vọng tập hợp được sự ủng hộ từ những người trung thành với Đế quốc ở khu vực này, thì đây là một cơn ác mộng truyền thông đích thực. Quân Mỹ không mất thời gian tuyên truyền rầm rộ vụ giết người này, sử dụng nó như bằng chứng cho thấy Burgoyne không thể kiểm soát các đồng minh bản địa của mình, và rằng ông ta có kế hoạch tàn sát các khu định cư của Mỹ.

Thảm bại tại Bennington

Trước khi Burgoyne có thể giải quyết hậu quả từ cái chết của McCrea, ông phải đối mặt với một vấn đề cấp bách hơn nhiều: quân đội Anh sắp cạn kiệt mọi nhu yếu phẩm, trừ… thuốc súng. Vào ngày 11 tháng Tám, Burgoyne cử 600 lính Đức dưới sự chỉ huy của Trung tá Friederich Baum lùng sục vùng nông thôn để tìm thức ăn. Baum dẫn quân của mình đến thị trấn Bennington (nay thuộc bang Vermont), nơi họ mong đợi tìm được đông đảo người ủng hộ phe trung thành, thay vào đó, quân Đức đụng độ trực tiếp với lực lượng dân quân Patriot do Tướng John Stark chỉ huy. Trận Bennington diễn ra vào ngày 15 tháng Tám, Baum bị giết, và toàn bộ lực lượng của ông bị xóa sổ. Không chỉ vậy, một lực lượng Đức thứ hai gồm 600 người nữa đến chiến trường để tiếp viện cho Baum cũng bị lực lượng Mỹ đánh cho tan tác. Tổng cộng, gần 1.000 lính Đức đã thiệt mạng, bị thương hoặc bị bắt làm tù binh.

Burgoyne biết về thất bại tại Bennington vào ngày 17 tháng Tám, gần như cùng thời điểm ông biết tin về việc St. Leger không chiếm được Pháo đài Stanwix. Tệ hơn nữa, các đồng minh bản địa của Burgoyne trở nên điên tiết vì cách quân Anh đối xử với họ sau cái chết của McCrea và bắt đầu đào ngũ hàng loạt, lấy đi các trinh sát mà quân Anh đang rất cần. Lúc này, con đường rút lui của Burgoyne vẫn còn rộng mở, nhưng đó không phải là lựa chọn mà vị tướng này dám cân nhắc. Thay vào đó, ông tiếp tục đẩy quân về phía nam dọc theo sông Hudson, hy vọng sẽ tìm thấy nguồn tiếp tế mà ông tuyệt vọng cần khi đến được Albany.

Burgoyne lâm nguy tại Saratoga

Từ ngày 13 đến 15 tháng 9, Burgoyne cho quân đội vượt sông Hudson tại Saratoga; giờ quân Anh có khoảng 7.000 người. Lúc đó, Burgoyne phát hiện ra bên Quân đội Lục địa do tướng Horatio Gates chỉ huy đã chiếm được Đồi Bemis gần đó – ngọn đồi cao hơn 60 mét so với con sông, bên trên được bao phủ bằng rừng rậm và địa hình gồ ghề. Ở đỉnh đồi, quân Mỹ trú ẩn sau một loạt các công sự được xây dựng bởi kỹ sư người Ba Lan, Tadeusz Kościuszko. Tổng cộng, người Mỹ có khoảng 8.500 lính sẵn sàng chiến đấu.

Burgoyne hiểu rằng ông ta cần hất cẳng quân Mỹ ra khỏi khu vực đồi cao đó để tiếp tục tiến về Albany. Vào sáng ngày 19 tháng 9, ông ra lệnh tấn công, chủ yếu dựa vào một nhóm quân dưới sự chỉ huy của tướng Fraser – họ sẽ vòng qua cánh trái của quân Mỹ để đánh bọc hậu và đẩy toàn bộ lực lượng của Gates xuống sông. Khi quân Anh bắt đầu di chuyển, Benedict Arnold, người vừa tái gia nhập quân đội Mỹ sau trận Fort Stanwix, nhận ra mối nguy hiểm.

Đi cùng với lực lượng súng trường Virginia của Daniel Morgan và bộ binh hạng nhẹ của Henry Dearborn, Arnold tiến đến Freeman’s Farm và chờ cuộc tấn công của Anh. Khi quân của Fraser tiến đến gần, quân Mỹ nổ súng, mở màn cho Trận chiến Freeman’s Farm (hoặc Trận Saratoga thứ nhất). Quân của Arnold chống lại hàng giờ liền đạn súng và lưỡi lê; mãi đến khi trời sập tối thì họ mới rút về căn cứ Bemis Heights. Quân Anh bị chặn đứng, nhưng phải trả giá 556 người thương vong trong khi phe Mỹ chỉ mất 319 người.

Trong vài tuần tiếp theo, cả hai bên đều không di chuyển, cả Burgoyne và Gates đều đợi bên kia ra tay trước. Tuy nhiên, thời gian không ủng hộ quân Anh; hàng ngàn quân Mỹ hăng hái nhờ những chiến thắng gần đây tại Bennington và Freeman’s Farm, đã tiến đến Đồi Bemis để gia nhập đội ngũ của Gates. Ngược lại, Burgoyne ngày càng mất đi người của mình, họ hoặc chết vì vết thương hoặc đào ngũ. Tình hình thêm tệ hại khi Tướng Benjamin Lincoln đã tập hợp được 2.000 dân quân New England và chiếm lại Pháo đài Ticonderoga vào ngày 18 tháng 9, cắt đứt đường rút lui của quân Anh. Burgoyne giờ đây không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tới Albany.

Vẫn còn một tia hy vọng cho chiến dịch đang lung lay của quân Anh. Vào ngày 3 tháng 10, Ngài Henry Clinton, chỉ huy quân đội Anh tại thành phố New York, dẫn theo 3.000 quân đi ngược sông Hudson. Vào ngày 6 tháng 10, Clinton chiếm được hai pháo đài Montgomery và Clinton của quân Mỹ ở vùng cao nguyên New York, trước khi phá bỏ chuỗi phòng thủ bắc ngang sông Hudson và đốt cháy thị trấn Kingston, thủ phủ tạm thời của Tiểu bang New York. Kế hoạch này nhằm hy vọng tướng Clinton có thể gây chuyện đủ lớn để dụ được quân Gates rời Đồi Bemis và cho phép Burgoyne tiếp tục tiến về Albany; nhưng Gates không mắc bẫy, ông ta vẫn án binh bất động. Giải pháp duy nhất cho Burgoyne là tấn công.

Vào ngày 7 tháng 10, Burgoyne cử tướng Fraser cùng một đội quân trinh sát để thăm dò cánh trái của quân Mỹ. Nếu phát hiện ra điểm yếu nào, Burgoyne sẽ ra lệnh tấn công bằng toàn bộ quân đội của mình. Lực lượng trinh sát của Anh bị quân Mỹ chặn lại, dẫn đến Trận chiến Đồi Bemis (hay Trận Saratoga thứ hai). Trong cuộc chiến này, Fraser bị giết, quân Anh bị đánh lui về pháo đài. Với Arnold dẫn đầu, quân Mỹ xông vào vị trí của quân Anh; Arnold bị thương ở chân, nhưng cấp dưới của ông vẫn chiếm được một pháo đài Anh. Đến tối, khoảng 900 quân Anh tử trận, bị thương hoặc bị bắt, trong khi quân Mỹ chỉ thiệt hại khoảng 150 người.

Đầu hàng

Vào ngày 8 tháng 10, quân đội Anh cố gắng rút lui về phía bắc, nhưng một cơn bão bất ngờ đã ngăn họ trốn thoát. Burgoyne ra lệnh cho đội quân mệt mỏi và đói khát đào chiến hào gần thị trấn Saratoga, với hy vọng mong manh rằng quân đội của Clinton sẽ đến giải cứu họ. Tuy nhiên, tình hình ngày càng rõ, việc này sẽ không xảy ra, và Burgoyne buộc phải bước vào đàm phán với Tướng Gates.

Gates, mong muốn nhanh chóng kết thúc mọi chuyện, đã đưa ra các điều khoản đầu hàng cực kỳ khoan dung. Để đổi lấy việc đầu hàng, người Anh được phép rời khỏi và trở về nước Anh. Burgoyne đồng ý và cho đội quân bại trận của mình chính thức đầu hàng vào ngày 17 tháng 10 năm 1777. Hai ban nhạc quân đội đã cùng hòa tấu hai giai điệu ‘Yankee Doodle’ bên phía Mỹ và ‘The British Grenadiers’ bên phía Anh trong buổi lễ.

Khi Quốc hội Lục địa biết được các điều khoản khoan hồng mà Burgoyne được hưởng, họ ngay lập tức bác bỏ thỏa thuận này. Thay vì được trở về Anh, quân đội Anh đã bị cầm tù ở Virginia và ngồi ngoài cuộc chiến trong suốt thời gian còn lại.

Chiến dịch Saratoga đánh dấu lần đầu tiên toàn bộ quân đội Anh đầu hàng người Mỹ. Hơn nữa, sự kiện này đã gây ấn tượng mạnh với bộ ngoại giao Pháp, vốn đang theo dõi cuộc chiến rất sát sao. Pháp ngay lập tức bước vào đàm phán với phía Quốc hội Lục địa về một liên minh tiềm năng và chính thức tham chiến vào đầu năm 1778.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s