1. Khái quát về khoa cử thời Trần
Từ sau khi Ngô vương chất dứt một ngàn năm bắc thuộc, các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần nối tiếp nhau giữ vững cơ nghiệp thiên thu. Không chỉ chăm lo quân sự giữ vững biên cương bờ cõi mà thể chế nhà nước, điển chương, chế độ cũng không ngừng được hoàn bị. Ở nước ta thời Lý Thánh Tông đã cho tổ chức khoa Bác sĩ để chọn người hiền, lại mở Văn Miếu là nơi tế tự tiên thánh tiên hiền. Sang đến đời Lý Nhân Tông thì cho mở khoa Minh kinh bác học để chọn người hiền (khoa này lấy Lê Văn Thịnh đỗ đầu). Nhìn chung thể thức khoa cử của triều Lý do vấn đề khuyết sử mà đến nay ta vẫn tương đối “mơ hồ” về phương thức tổ chức khoa thi lẫn đề thi và quy chế bổ nhiệm.
Sang đến thời Trần, mặc dù Phật giáo vẫn giữ vị trí độc tôn trong giai đoạn đầu nhưng Nho giáo đã xác lập một vị trí nhất định. Thời Trần trung bình 7 năm tổ chức một khoa thi (Thái học sinh), ngay dưới thời Trần Thái Tông đã cho định rõ quy chế tam khôi [1], hệ thống giáo dục chia làm quốc học và tư học. Quốc học thì có Quốc tử giá, Quốc học viện còn tư học thì có các trường lớp ở địa phương: “Lập Nhà học ở phủ Thiên Trường, cấm người hương Thiên Thuộc không được học vì sợ khí lực kém đi”[2]. Về định lệ phép thi, theo ghi chép của Toàn thư thì đến đời Trần Anh Tông phép thi được nêu rõ như sau: “Trước hết thi ám tả thiên Y quốc và truyện Mục Thiên thi để loại bớt. Thứ đến kinh nghi, kinh nghĩa, đề thơ (tức thể cổ thi ngũ ngôn trường thiên) hỏi về “Vương độ khoan mãnh”, theo luật “tài nan xạ trĩ”, về phú thì dùng thể 8 vần “đế đức hiếu sinh, hiệp vụ dân tâm”. Kỳ thứ ba thi chế, chiếu, biểu. Kỳ thứ tư thi đối sách” [3]. Đến thời Trần Thuận Tông thì quy định rằng: “Xuống chiếu qui định cách thức thi chọn nhân tài, dùng thể văn bốn kỳ, bãi bỏ phép viết ám tả cổ văn. Kỳ thứ nhất thi một bài kinh nghĩa có các phần phá đề, tiếp ngữ, tiểu giảng, nguyên đề, đại giảng, kết luận, từ 500 chữ trở lên. Kỳ thứ hai thi một bài thơ Đường luật, một bài thơ phú cổ thể, hay thể Ly tao, thể Văn tuyển, cũng từ 500 chữ trở lên. Kỳ thứ ba thi một bài chiếu theo thể Hán, một bài chế, một bài biểu theo thể tứ lục đời Đường. Kỳ thứ tư một bài văn sách, ra đề thì theo kinh, sử hay thời sự, mỗi bài phải 1000 chữ trở lên. Cứ năm trước thi hương thì năm sau thi hội, người đỗ thì vua thi 1 bài văn sách để xếp bậc.” [4].
Mặc dù có nhiều loại hình thi khác nhau, trong khoa cử truyền thống nói chung và thời Trần nói riêng, khoa thi chính yếu và quan trọng nhất là khoa thi Tiến sĩ, gồm 3 cấp: Thi Hương, thi Hội, thi Đình. Trong ba cấp thi này, thi Hương là kì thi đầu tiên, được tổ chức tại địa phương nhằm chọn ra những người có năng lực để lên kinh đô dự thi Hội. Qua được kì thi Hội mới được vào thi Đình để tranh bậc cao thấp về học vị giữa những người đỗ đạt. Thông tin từ chính sử cho biết, dưới thời Trần đã tồn tại cả ba cấp thi này, đó thực sự là một bước tiến vượt bậc so với khoa cử của triều Lý trước đó. Tuy nhiên, những ghi chép về các cấp thi trong thời gian nhà Trần trị vì rất tản mát, do vậy thật khó để có thể phác hoạ lại một cách đầy đủ tình hình khoa cử thời kì này cho sát với hiện thực [5].
Theo nghiên cứu của Viện sử học, trong thời gian 175 năm tồn tại, nhà Trần tổ chức được 14 kì thi Nho học, với 273 người đỗ Thái học sinh [6]. Với mong muốn tăng nhanh trình độ học vấn của quan chức, ngay từ năm 1232 (tức là chỉ 6 năm sau khi nắm quyền cai trị) nhà Trần đã mở khoa thi đầu tiên của vương triều mình. Đây cũng là năm đánh dấu một mốc đặc biệt trong lịch sử giáo dục và khoa cử Nho học Việt Nam – nhà Trần đặt ra học vị Thái học sinh (sau này đổi thành Tiến sĩ), là học vị thuộc hàng cao nhất.
2. Đề thi đình đối thời Trần
2.1. Tổng quan về chế sách
Chế sách 制策 tức là đề bài văn sách do hoàng đế ban hỏi (có thể do hoàng đế trực tiếp viết hoặc đại thần khâm mệnh viết thay nhưng được ban dưới danh nghĩa hoàng đế). Chế 制 ở đây hiểu là mệnh lệnh của vua nên ở cấp thi đình sẽ do hoàng đế đích thân chủ trì nên đề bài phải là chế sách. Ở cấp thi hương và thi hội, người ra đề thường là quan lại nên gọi là sách vấn 策問.
Theo thể thức thời Lê Trung Hưng về trước, mở đầu bài sách vấn hay chế sách thường có một câu thành ngữ làm đề án, để nêu chủ đề trung tâm của sách vấn, sau đó là đến các điều mục hỏi xoay quanh chủ đề trung tâm ấy. Triều Nguyễn thời Minh Mệnh bỏ quy định đề án mà cho hỏi thẳng vào nội dung cổ văn, kim văn. Các quy định còn lại gần giống như quy định thi văn sách triều Thanh được ghi trong Khâm định khoa trường điều lệ của nhà Thanh , như “không tự ý mình lập thành thuyết riêng để mở cái tệ cho học trò đoán ý phụ họa , cũng không cho viện dẫn học vấn nhân phẩm của thần tử bản triều”. Đến thời Tự Đức, năm thứ 27 (1874) lại khôi phục thể thức đề án trong văn sách thi Hương. Tuy nhiên, Chế sách thi Đình thì không có quy định, vì đó là ngự ba, có thể tùy ý vua khi lâm thời ra đề. Ban bố các quy chế là để cho thần hạ tuân hành làm việc.
Chế sách hay Sách vấn về chức năng chỉ là một đề thi, thế nhưng trong truyền thống văn hóa khu vực, nó không chỉ là một đề thi như một công cụ khảo thí đơn giản thông thường mà nó còn là một thể tài văn. Chế sách hay Sách vấn được viết theo một thể thức phù hợp với những tiêu chuẩn của một tác phẩm văn học có thể được tuyển chọn độc lập trong các bộ văn tuyển. [7]
2.2. Chế sách thi đình năm Long Khánh thứ 2 (1374)
Toàn văn Chế sách: “ Hôm qua tể thần dâng văn sách thi Hội, đều thưa về việc “được người”, tạm hợp ý trẫm. Nay mệnh dẫn vào điện đình, thân ban lời hỏi. Trẫm thẹn đức bạc, lạm gánh vác nghiệp lớn của tổ tông, thức khuya dậy sớm, duy lấy việc đó làm cấp bách, mà vẫn chưa được người. Hay là đời nay không có người chăng? Hay là cầu mà chưa có được cách thức chăng? Hay là cầu có cách thức nhưng dùng chưa xứng đáng với tài năng chăng? Hay là dùng xứng đáng tài năng nhưng đối đãi chưa hết lòng chăng? Cầu chưa có cách thức ắt tại trẫm không dốc sức làm, dùng chưa xứng đáng tài năng ắt tại trẫm xem xét chưa tỏ, đối đãi chưa hết lòng ắt tại chí trẫm chưa thành. Sĩ đại phu hãy trình bày những điều cốt yếu của việc làm dốc sức, xem xét kỹ và chí thành để giúp đỡ cho những điểm bất cập của trẫm, để chấn hưng hiệu quả được người, đó là điều trẫm mong mỏi ở sĩ đại phu![8]
Chú thích
[1] Bản in nội các quan bản: Mộc bản khắc năm Chính Hòa 18 (1697) – Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, GS Hà Văn Tấn hiệu đính (1998), Đại Việt sử kí toàn thư (tập II), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.21.
[2] Đại Việt sử kí toàn thư tập II, Sđd, tr.47.
[3] Đại Việt sử kí toàn thư tập II, Sđd, tr.88.
[4] Đại Việt sử kí toàn thư tập II, Sđd, tr.189.
[5] Trần Thái Hà (2023), Giáo dục Nho học thời Trần (thế kỉ XIII – thế kỉ XIV), Khoa Sư phạm Khoa học Xã hội, Trường Đại học Sài Gòn, http://thanhdiavietnamhoc.com/giao-duc-nho-hoc-thoi-tran…/ [7/9/2023]
[6] Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Sử học, 2002. Lịch sử Việt Nam thế kỉ X-đầu thế kỉ XV. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.290.
[7] Đinh Thanh Hiếu (2021), Văn chương khoa cử triều Nguyễn (thi Hội, thi Đình), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.364.
[8] Đinh Thanh Hiếu (2021), Văn chương khoa cử triều Nguyễn (thi Hội, thi Đình), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.367.
Tài liệu tham khảo
1. Bản in nội các quan bản: Mộc bản khắc năm Chính Hòa 18 (1697) – Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, GS Hà Văn Tấn hiệu đính (1998), Đại Việt sử kí toàn thư (tập II), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Sử học, 2002. Lịch sử Việt Nam thế kỉ X-đầu thế kỉ XV. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
3. Đinh Thanh Hiếu (2021), Văn chương khoa cử triều Nguyễn (thi Hội, thi Đình), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Trần Thái Hà (2023), Giáo dục Nho học thời Trần (thế kỉ XIII – thế kỉ XIV), Khoa Sư phạm Khoa học Xã hội, Trường Đại học Sài Gòn, http://thanhdiavietnamhoc.com/giao-duc-nho-hoc-thoi-tran…/ [7/9/2023]
- Chấp bút: Đạm Phong
- Edit: Thế Chiến Vương
- Mọi thắc mắc xin liên hệ: Bacvanuocle@gmail.com