Jerusalem là trung tâm linh thiêng của ba tôn giáo lớn: Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Thành phố này nằm giữa biển Địa Trung Hải và Biển Chết, tiếp giáp với Thung lũng Jezreel và vùng đồi núi Galilee ở phía bắc và tây, về phía nam là sa mạc Judean. Jerusalem được bao bọc bởi ba khe núi dốc ở ba hướng: đông, nam và tây. Vượt qua khe núi phía đông và thung lũng Kidron, ta tìm thấy Núi Ô-liu.
![Toàn cảnh thành Jerusalem ngày nay](https://i0.wp.com/lichsuthegioi.net/wp-content/uploads/2023/10/toan-canh-thanh-jerusalem-ngay-nay.webp?resize=1024%2C510&ssl=1)
Lịch sử ghi nhận Jerusalem là một trung tâm đô thị suốt 5.000 năm nay. Ý nghĩa cái tên Jerusalem có còn nhiều tranh cãi, liệu nó xuất phát từ tiếng Sumer nghĩa là “nền móng”, hay tiếng Semitic nghĩa là “đặt nền móng” hay từ vị thần hoàng hôn Shalem của người Canaanite. Tiếng Do Thái cũng có từ “salam” hoặc “shalom” nghĩa là “hòa bình”, dù trong dòng lịch sử ít khi thành phố này được hưởng hòa bình trong khoảng thời gian dài.
Hiện nay, Jerusalem bao gồm phần phía tây hiện đại, được phát triển sau khi Israel lập quốc năm 1948, và phần còn lại gọi là Cổ Thành. Cổ thành được bảo vệ bởi những bức tường và cổng do Suleiman I xây dựng trong thời kỳ Đế chế Ottoman. Bên trong chia thành bốn khu: Khu Do Thái, Khu Cơ đốc, Khu Hồi giáo và Khu phố Armenia.
Khảo cổ học giai đoạn Thánh kinh
Jerusalem cổ đại chủ yếu được biết đến thông qua các trình thuật Thánh kinh và các tác phẩm của nhà sử học Flavius Josephus. Từ thế kỷ 19, người ta mới thực hiện các hoạt động khảo cổ tại Jerusalem nhưng chủ yếu để tìm bằng chứng cho những sự kiện và nhân vật chép trong Kinh thánh, như Vua David và Solomon. Đến nay việc nghiên cứu đã mở rộng và khai thác sâu hơn về lịch sử của thành phố này.
![Trụ đá Mesha do vua Moab cho khắc, niên đại khoảng năm 850 TCN](https://i0.wp.com/lichsuthegioi.net/wp-content/uploads/2023/10/tru-da-moab.webp?resize=450%2C600&ssl=1)
Dấu tích sinh sống của con người xuất hiện từ Thời Cựu Thạch (4500-3400 trước CN) và Trung Kỳ Đồ Đồng II (1800-1500 trước CN). Cuối Thời Đồ Đồng (khoảng 1200 trước CN) thành phố bị Ai Cập xâm lược, dưới triều đại Tuthmose III, nhiều di vật Ai Cập đã được tìm thấy từ thời kỳ này. Đến Thời Đồ Sắt (1200 trước CN), khu vực này xuất hiện Hải Tộc – người Philistine – họ mang theo nghệ thuật làm sắt và công nghệ xe ngựa. Tuy nhiên, phần lớn dấu vết về họ chủ yếu được tìm thấy ở Dải Gaza, nơi họ lập nên nền văn minh của mình.
Những dân tộc định cư đầu tiên ở Israel thường được gọi là “Người Canaan”, một thuật ngữ bao gồm nhiều bộ lạc khác nhau được mô tả trong Sách Sáng Thế. Theo sách này, Đức Chúa Trời đã gọi Áp-ra-ham và dòng dõi của ông đến Ca-na-an. Trong một trình thuật, Áp-ra-ham gặp Melchizedek, “vua của Salem”, ông vua này đã chúc lành và nhìn nhận thần của Áp-ra-ham là đấng tạo ra trời đất. Có khá ít di tích về thời kỳ Người Canaan ở Jerusalem. Jerusalem có lẽ bị người Jebusites chiếm đóng từ 1500-1000 trước CN.
Ở Núi Đền, một cấu trúc bậc thang đá lớn được gọi là “Ophel” đã được khám phá. Ngôn ngữ trên tấm bia Mesha, được đặt bởi Vua Mesha của Moab để kỷ niệm chiến thắng trước Israel, giúp xác định ngữ nghĩa của từ này, có thể liên quan đến một ngọn đồi vững chắc vào khoảng 840 trước CN. Chức năng cụ thể và mối quan hệ của Ophel với thời kỳ Vua David (khoảng 1000 trước CN) vẫn đang được tranh luận giữa các học giả.
Đá Moabite, còn được gọi là Bia Mesha, là một minh chứng về thời kỳ này.
Hai phát hiện quan trọng giúp làm sáng tỏ một số thông tin trong Kinh Thánh:
- 2 Sa-mu-ên 5:1-12 mô tả cách Đa-vít chinh phục Jerusalem. Ông đã sử dụng lối đi bằng đường dẫn nước từ suối Gihon để đột nhập và đánh chiếm thành phố. Đường dẫn nước này được Charles Warren tìm ra vào năm 1867. Ông là một kỹ sư và nhà khảo cổ học người Anh, và ngày nay nó được đặt tên theo ông.
- Đường hầm Siloam, hoặc đường hầm của Hezekiah nối suối Gihon với hồ Siloam trong thành phố. Điều này đã được mô tả trong Các Vua 2 20:20, nơi Vua Hezekiah xây dựng đường hầm phòng thủ người Assyria dưới triều đại của Vua Sennacherib vào khoảng 701 trước CN. Warren và Edward Robinson đã khám phá ra đường hầm này. Họ tìm thấy một dòng chữ cổ, mô tả việc xây dựng và cách hai nhóm công nhân từ hai phía đã gặp nhau giữa chừng. Dòng chữ này là một trong những dấu hiệu sớm nhất của bảng chữ cái Paleo-Hebrew, một biến thể của tiếng Phoenician cổ.
Mộ phần
Trong thành phố, có những ngôi mộ bằng đá của người Canaanite niên đại khoảng 3100-2900 trước Công nguyên. Các ngôi mộ đầu tiên của người Israel xuất hiện vào khoảng năm 800 trước Công nguyên, tiếp theo là các ngôi mộ từ Thời kỳ Đền thờ thứ hai, cuối thời La Mã và đầu Byzantine. Gần Cổng Zion ở phần cổ của thành phố, trong đó có một ngôi mộ được cho nơi an nghỉ của Vua David mà người Do Thái rất sùng kính. Tuy nhiên, rất có thể đây là tác phẩm của quân Thập tự chinh.
Ở Thung lũng Kidron, nhiều ngôi mộ và tượng đài có chữ khắc bằng cả tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp. Trong số đó, có ngôi mộ của Nữ hoàng Helena từ Adiabene, một vùng ở Iraq. Bà đã cải sang đạo Do Thái và cung cấp thực phẩm cho Jerusalem trong nạn đói năm 45-46. Một ngôi mộ quan trọng khác là mộ Sanhedrin, nằm ở phía bắc thành phố. Sanhedrin là Hội Đồng Trị Sự Do Thái thời cổ, gồm 70 thành viên, và ngôi mộ được gọi tên như vậy vì có 70 gian phòng. Có lẽ khu mộ tập thể này là của một dòng họ nào đó.
Jerusalem và Do Thái Giáo
Sách Đệ Nhị Luật dạy rằng dân Israel không thờ phượng ở bất kì nơi nào khác trừ nơi Đức Chúa chỉ định. Truyền thống Thánh kinh tin rằng Jerusalem chính là núi Moriah, nơi tổ phụ Abraham hiến tế con trai độc nhất cho Đức Chúa. Cũng theo Thánh kinh, Vua Salomon đã cho xây dựng Đền Thờ Jerusalem đầu tiên (970-931 TCN). Giới khảo cổ cũng tìm được nhiều hiện vật chứng minh sự tồn tại của ngôi đền này.
![minh hoa den tho salomon](https://i0.wp.com/lichsuthegioi.net/wp-content/uploads/2023/10/minh-hoa-den-tho-salomon.webp?resize=765%2C502&ssl=1)
Tuy nhiên, vào năm 587/586 TCN, Đền thờ Salomon và cả thành phố Jerusalem bị quân đội Babylon, dưới sự lãnh đạo của Nebuchadnezzar II, phá hủy. Giới quý tộc và tư tế Do Thái bị bắt và lưu đày đến Babylon – một sự kiện lịch sử được biết đến là “Cuộc Lưu Đày”. Phần lớn Cựu Ước được biên soạn và hoàn thiện trong giai đoạn này. Khi Đế chế Babylon bị Cyrus Đại đế của Ba Tư chinh phạt, người Do Thái được trở về cố hương, họ tái thiết Jerusalem và Đền Thờ, mở ra giai đoạn gọi là Thời Kỳ Đền Thờ Thứ Hai trong lịch sử Jerusalem.
Vào khoảng năm 330 TCN, Alexander Đại đế chinh phục nhiều khu vực ở Địa Trung Hải, bao gồm cả Jerusalem. Sau khi ông mất, đế chế rộng lớn do ông gầy dựng được các tướng lãnh chia nhỏ, trong đó có Đế quốc Seleucid và Vương triều Ptolemaic tranh giành quyền kiểm soát Israel và Jerusalem trong nhiều năm.
Năm 167 TCN, Antiochus Epiphanes IV, một vị vua của Đế quốc Seleucid, ban hành các biện pháp cấm vận nhằm ngăn cản người Do Thái thực hiện các nghi lễ và tập tục truyền thống. Ông xâm phạm Đền Thờ và ép người Do Thái thờ các vị thần Hy Lạp. Dưới sự lãnh đạo của Mattathias và sau đó là con trai ông, Judah Maccabeus, người Do Thái đã tổ chức một cuộc khởi nghĩa, gọi là Khởi Nghĩa Nhà Maccabean, giành lại Đền thờ. Dân Do Thái sau đó cung hiến Đền thờ và thành lập Vương triều Hasmonean độc lập.
Bình yên chưa được bao lâu thì năm 63 TCN, quân đội La Mã dưới sự chỉ huy của tướng Pompey chinh phạt Jerusalem. Chính quyền Rome đặt Herod làm phiên vương cai trị vùng Palestine ngày nay, trong đó có thành Jerusalem. Herod không chỉ xây dựng các công trình quy mô như pháo đài và cung điện, mà còn trùng tu toàn diện Đền thờ. Công cuộc kiến thiết của Herod vẫn còn tới ngày nay. Phần tường bao quanh Đền thờ do ông xây dựng gọi là Bức tường phía Tây, hay “Bức Tường Than Khóc”, một địa điểm linh thiêng và quan trọng với người Do Thái.
![buc tuong than khoc cua jerusalem](https://i0.wp.com/lichsuthegioi.net/wp-content/uploads/2023/10/buc-tuong-than-khoc-cua-jerusalem.webp?resize=1024%2C677&ssl=1)
Trong khoảng thời gian 66-73, người Do Thái tiếp tục khởi nghĩa chống lại Đế chế La Mã. Tướng Vespasian, vua tương lai của La Mã, chịu trách nhiệm đàn áp khởi nghĩa. Ông sai con trai là Titus vây thành Jerusalem. Năm 70 quân La Mã phá được tường thành và phá hủy Đền thờ. Trong Khu Do Thái của Cổ Thành ngày nay vẫn còn di tích “Ngôi nhà cháy”, từng là tư dinh của một viên quý tộc Do Thái đương thời. “Đường hầm Rabbinic” dẫn khách dưới lòng đất, cho phép họ thấy phần còn sót của Đền thờ và Pháo đài Antonia. Các phần của tường thành do Herod xây dựng và lối vào Đền thờ vẫn tồn tại ở các phía đông và nam của thành phố. Dưới những bậc thang này, tàn tích của những bể tắm nghi lễ – mikavot – còn sót lại.
Từ năm 135-137, dưới thời hoàng đế Hadrian, người Do Thái tiếp tục nổi dây chống La Mã, gọi là Khởi Nghĩa Bar-Kochba nhưng thất bại. Để trừng phạt, vua Hadrian xây đè lên đền thờ Jerusalem vừa phá hủy một ngôi đền khác, đặt lại tên thành phố thành Aelia Capitolina, và cấm người Do Thái định cư tại đó cho đến thế kỷ thứ 4.
Nằm chồng lên khu vực Ki-tô giáo và Do Thái của Cổ Thành là di tích đại lộ cardo từ thế kỷ thứ 2. Bên cạnh con đường này vẫn còn tàn tích của những cửa hàng cổ xưa.
Thời kỳ Kitô giáo
Jerusalem vẫn giữ tầm quan trọng đặc biệt đối với các tín đồ Kitô giáo, những người tiếp tục tôn kính các truyền thống Cựu Ước của người Do Thái. Tuy nhiên, thành phố còn nổi tiếng hơn rất nhiều với các địa điểm linh thiêng gắn liền với những câu chuyện về Chúa Giêsu trong các sách Phúc Âm. Hồ Bethesda gần đây đã được khai quật. Nơi này được xây dựng giữa các ngôi đền ngoại giáo thời kỳ sau của Asclepius và Serapis (rất có thể được xây dựng vào thời Hoàng đế Hadrian), và sau đó bị che phủ bởi các nhà thờ thời Byzantine và Thập tự chinh.
Nhà thờ Mộ Thánh
![Phế tích bức tường vây của Nhà Thờ Mộ Thánh khi xưa](https://i0.wp.com/lichsuthegioi.net/wp-content/uploads/2024/02/nha-tho-mo-thanh-di-tich.webp?resize=768%2C1024&ssl=1)
Địa điểm linh thiêng phổ biến nhất gắn liền với Chúa Giêsu nằm trong khu phức hợp được gọi là Nhà thờ Mộ Thánh. Vào năm 324 sau Công nguyên, Helena, mẹ của Hoàng đế Constantine I, đã hành hương đến Đất Thánh và được cho là đã tìm thấy nhiều địa điểm gắn với Chúa Giêsu nhờ những linh ảnh. Bà tuyên bố đã tìm thấy “Thánh giá thật” trong một cái giếng ở phía tây bắc của Thành phố Cổ cũng như là nơi chôn cất Chúa Giêsu. Constantine đã cho xây dựng một nhà thờ trên khu vực này, sau đó được mở rộng trong thời kỳ Thập tự chinh. Cấu trúc và những cánh cửa còn sót lại cho đến ngày nay đều bắt nguồn từ giai đoạn lịch sử này.
Đọc thêm: Constantine Đại Đế, Kitô Giáo và một La Mã Cải Đạo
Nhà thờ bao gồm một số yếu tố khớp với câu chuyện về cuộc đóng đinh. Ở phía bên phải của lối vào là một cầu thang đưa du khách đến một nhà nguyện bao phủ đồi Calvary, nơi Chúa Giêsu bị hành quyết. Bên trong cánh cửa chính là tảng đá mà các môn đồ của Chúa Giêsu được cho là đã đặt thi thể của ngài lên đó. Điểm trung tâm là ngôi mộ, nằm trong một mái vòm ở trung tâm của nhà thờ.
Các Địa Điểm Linh Thiêng Khác
Vào thời Trung cổ, những người hành hương bắt đầu xác định các địa điểm khác liên quan đến câu chuyện về Chúa Giêsu. Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, người hành hương đi theo lộ trình này, được gọi là Via Dolorosa (“con đường đau khổ”), để tái hiện sự đau khổ của Chúa Giêsu, được gọi là “các chặng đàng Thánh giá”. Cuộc rước kết thúc tại Nhà thờ Mộ Thánh.
Vườn Mộ, một ngôi mộ được chạm khắc trên đá với phiến đá che phủ vẫn còn nguyên vẹn, ở phía bắc của Thành phố Cổ trên Đường Damascus, là một địa điểm được nhiều giáo phái Tin lành ưa thích khi nói đến ngôi mộ của Chúa Giêsu. Được phát hiện vào năm 1894, nơi này sau đó được nhà khảo cổ học người Israel Gabriel Barkay xác định niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 8 hoặc thứ 7 trước Công nguyên. Việc tái sử dụng các ngôi mộ là điều phổ biến, mặc dù điều này sẽ mâu thuẫn với tuyên bố Phúc âm rằng Chúa Giêsu được đặt trong một “ngôi mộ mới”.
Các địa điểm khác liên quan đến các Phúc âm bao gồm:
- Nhà thờ Các Quốc gia trên Núi Ô-liu tại tàn tích của xưởng ép ô-liu được gọi là Gethsemane
- Nhà thờ Thăng Thiên trên đỉnh Núi Ô-liu; địa điểm Chúa Giêsu thăng thiên lên trời
- Tu viện Dormition của Dòng Benedict; nơi người Công giáo tuyên bố rằng Mary, mẹ của Chúa Giêsu, đã “ngủ yên” và được các thiên thần đưa lên thiên đường
- Mộ Mẹ Maria gần Vườn Gethsemane; một địa điểm được các Kitô hữu Chính thống giáo phương Đông công nhận
- Phòng Tiệc Ly, nơi các Kitô hữu tin rằng đây là địa điểm diễn ra “Bữa Tiệc Ly” của Chúa Giêsu. (Căn phòng này là một phần của khu phức hợp được xây dựng trong thời kỳ Thập tự chinh và bao gồm lăng mộ của Vua David ở tầng dưới).
Cộng đồng Kitô hữu Khác ở Jerusalem
Người Kitô hữu Chính thống giáo Armenia tuyên bố rằng họ là những Kitô hữu đầu tiên chiếm giữ một phần của thành phố sau lệnh cấm của Hadrian đối với người Do Thái. Trong Khu phố Armenia là Nhà thờ Thánh James (anh trai của Chúa Giêsu), vị thánh bảo trợ của người Armenia, cũng như các trường học và trung tâm cộng đồng.
Jerusalem đóng vai trò là điểm khởi đầu cho các cuộc hành hương của Kitô giáo đến các địa điểm phúc âm khác như Bethany và Ein Karem. Bethlehem, nơi sinh của Chúa Giêsu, cách khoảng 25 dặm về phía nam.
Kỷ nguyên Byzantine
Năm 330, Hoàng đế Constantine đã chuyển thủ đô La Mã từ Rome sang thành phố Byzantium, và đổi tên thành Constantinople. Trung tâm mới của Đế chế La Mã này tồn tại thêm cả ngàn năm nữa sau sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã. Giai đoạn này chứng kiến nhiều nhà thờ được xây dựng ở Jerusalem, và các nhà khảo cổ tiếp tục khai quật được các di tích trong và xung quanh thành phố. Một trong những khám phá quan trọng là sàn của một nhà thờ thuộc thời Byzantine tại Madaba, Jordan. Được gọi là “Bản đồ Madaba”, đây là bản đồ khảm từ thế kỷ thứ 6 mô tả các địa điểm trải dài từ Li-băng đến Jordan. Ở trung tâm là bản đồ Jerusalem, cho thấy các thánh địa linh thiêng được biết đến vào thời điểm đó. Đây là một trong những bản đồ cổ xưa nhất còn sót lại từ thế giới cổ đại.
Thời kỳ Hồi giáo
Jerusalem thất thủ trước quân đội Hồi giáo vào năm 638. Đến năm 691, vua nhà Umayyad, Abd al-Malik, cho xây dựng một điện thờ linh thiêng, hay còn gọi là Mái vòm Đá (Dome of the Rock), trên nền của Đền thờ Thứ II đã bị phá hủy. Mái vòm Đá là một trong những công trình cổ nhất của kiến trúc Hồi giáo, được biết đến với cái tên Haram-esh Sharif (“Thánh địa Cao quý”). Sau Mecca và Medina, đây là địa điểm linh thiêng thứ ba trong đạo Hồi. Người Hồi giáo cũng tin rằng họ là hậu duệ của Tiên tri Abraham, vì vậy truyền thống cho rằng vị trí của Đền thờ Núi Moriah là hết sức cơ bản trong lịch sử của họ. Bên trong điện thờ là một lan can bằng gỗ bao quanh nền đá nguyên bản. Là một điện thờ linh thiêng chứ không phải thánh đường, công trình này mở cửa cho tất cả du khách.
Nhà Tiên Tri Muhammad
Nhà tiên tri Muhammad đã kể lại trải nghiệm thoát xác của ông, nơi ông du hành đến địa điểm này trong một chuyến hành hương ban đêm. Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nằm ở phía nam của khu phức hợp, được truyền thống cho rằng là nơi ông đã viếng thăm. Ban đầu, Muhammad hướng dẫn các tín đồ quay mặt về thánh địa Jerusalem trong khi cầu nguyện. Sau cuộc chinh phục Mecca, thành phố này mới trở thành trung tâm cầu nguyện của Hồi giáo.
Các cuộc thập tự chinh
Trong Cuộc Thập Tự Chinh Đầu tiên (1095-1102 CE), Cơ Đốc giáo đã phát động cuộc chiến để giải cứu Đất Thánh khỏi sự cai trị của người Hồi giáo. Jerusalem bị chiếm đóng bởi liên minh phương Tây và trở thành một vương quốc độc lập do Raymond IV và Godfrey of Boullion cai trị vào năm 1099. Vương quốc Jerusalem này kéo dài đến năm 1187 khi thành phố bị chiếm lại bởi Saladin (1137-1193). Nhiều nhà thờ và di tích đã được tái thiết trong giai đoạn này, và chúng vẫn có thể được tìm thấy ở nhiều nơi khác nhau trong thành phố.
Khi đứng trên tường thành Jerusalem và nhìn về phía đông, bạn sẽ thấy Thung lũng Kidron và Núi Olives. Thoạt nhìn, bạn sẽ nghĩ đó là hàng ngàn tảng đá, nhưng thật ra đó là những ngôi mộ. Kể từ thời Trung cổ (thậm chí có thể sớm hơn), cả người Do Thái và người Hồi giáo khi qua đời ở nước ngoài đều được đưa về Jerusalem để chôn cất ở đây. Theo truyền thống, sự phục sinh của người chết và phán xét cuối cùng của Chúa sẽ bắt đầu tại địa điểm này.
Jerusalem: Giao Điểm Của Tôn Giáo và Tranh Chấp
Jerusalem vẫn là trung tâm lịch sử của ba tôn giáo lớn. Điều này thường xuyên gây ra căng thẳng và đôi khi là cả bạo động. Ngoài những bất đồng về quyền tiếp cận các địa điểm linh thiêng, Jerusalem cũng đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện lịch sử được sử dụng bởi cả người Do Thái và người Palestine.
Trong cuộc tranh luận liên tục về chủ quyền giữa Israel và Palestine, cả hai đều tuyên bố Jerusalem là thủ đô của họ. Các cuộc khai quật khảo cổ trong thành phố không còn chỉ đơn thuần nghiên cứu về quá khứ, mà còn góp phần vào vấn đề đang diễn ra về việc bên nào có tuyên bố lịch sử lâu đời nhất đối với thành phố, khiến mọi khám phá đều mang màu sắc chính trị.
Tình Trạng Jerusalem Ngày Nay
Trong nhiều thập kỷ, tình trạng của Jerusalem đã được tranh luận bởi Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Vào năm 2016, dân số thành phố là 850.000 người, bao gồm 60% người Do Thái, 36% người Hồi giáo, 1,8% người theo đạo Cơ đốc (và 1,2% không phân loại). Niên giám Thống kê Jerusalem (năm 2000) liệt kê 1.204 giáo đường Do Thái, 158 nhà thờ và 73 nhà thờ Hồi giáo trong thành phố. Mặc dù phần lớn căng thẳng liên quan đến người Do Thái và người Hồi giáo, các giáo phái Cơ đốc thiểu số thường bị vướng vào căng thẳng khi quyền tiếp cận các địa điểm linh thiêng của họ có thể bị ảnh hưởng bởi các cuộc tranh cãi giữa hai nhóm tôn giáo còn lại.
Thật không may, dường như nhiều tuyên bố về Jerusalem sẽ không được giải quyết trong tương lai gần. Tuy nhiên, du khách đến đây vẫn có thể di chuyển từ địa điểm linh thiêng này sang địa điểm khác, lắng nghe âm thanh của tiếng tù và của người Do Thái (shofar), tiếng chuông nhà thờ và tiếng kêu gọi cầu nguyện của Hồi giáo (muezzin). Khu Phố Cổ mang đậm nét trung cổ, chứa đựng mùi hương của gia vị và thức ăn. Đây là một nơi tuyệt vời để suy ngẫm về nguồn gốc và sự phù hợp liên tục của ba tôn giáo lớn phương Tây: Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.