Thông thường, khi nói về mức độ nóng hoặc lạnh của một vật, của thời tiết hay nhiệt độ cơ thể, chúng ta đều nhắc đến độ C.
Chỉ có điều hầu như không ai nói gì về xuất xứ của ký hiệu C đi kèm con số chỉ nhiệt độ. Xin nói ngay: C là chữ viết tắt tên họ của Celcius Anders, nhà khoa học người Thụy Điển, tác giả thang đo nhiệt độ “Bách phân” – tức là thang Centigrade với 100 mức (độ), về sau được đổi tên thành thang Celsius để tránh nhầm lẫn với thuật ngữ centigrade trong tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp vốn là một khái niệm dung để chỉ một đơn vị đo góc (1/10000 của một góc vuông). Đáng tiếc là điều này đã không được nói đến trong chương trình giảng dạy ở trường.
NGƯỜI CÓ NHIỀU CỐNG HIẾN KHOA HỌC
Thiên tài tương lai Anders Celcius sinh năm 1701 trong một gia đình trí thức lớn, bao gồm các nhà toán học, nhà thiên văn học, nhà thần học tiếng tăm và thậm chí cả các diễn viên và nhà thơ nổi tiếng khắp Thụy Điển!
Celcius từng là giáo sư toán học và thiên văn học tại Đại học Uppsala. Đây là trường đại học lâu đời nhất ở Bắc Âu, được thành lập từ thế kỷ 15.
Ngoài thang nhiệt độ (sẽ nói kỹ sau) Celcius còn có nhiều khám phá quan trọng.
Thí dụ, trong quá trình nghiên cứu hiện tượng Bắc cực quang, ông đã phát hiện ra rằng kim la bàn bắt đầu lệch vào thời điểm xuất hiện vầng hào quang, và ánh sáng vầng quang càng mạnh thì độ lệch của kim càng lớn. Celcius chính là người đầu tiên trong lịch sử đưa ra giả thuyết hợp lý rằng hiệu ứng Bắc cực quang có liên quan đến từ tính.
Thật vậy, như các nhà vật lý về sau đã xác nhận, cực quang xảy ra khi từ quyển Trái đất nhận được luồng gió mặt trời thổi vào. Các hạt tích điện đã gây ra sự phát sáng như vậy.
Celcius đã góp phần khẳng định tính đúng đắn trong một xác quyết cho rằng Trái đất có hình elip chứ không phải là hình cầu hoàn hảo.
Dĩ nhiên khám phá này không quá to lớn ồn ào nhưng rất quan trọng đối với khoa học. Celcius không phải là tác giả nhưng ông đã có thể xác nhận một giả thuyết quan trọng. Được biết, trước đó, nhà bác học vĩ đại Isaac Newton cho rằng Trái đất không phải hình cầu mà có hình elip.
Celcius đã thực hiện một loạt chuyến đi để khẳng định hoặc bác bỏ ý tưởng của Newton. Ông đã đo độ dài vĩ tuyến theo phương pháp đo kinh tuyến. Và kết quả đã giúp ông xác nhận giả thuyết của Newton. Hành tinh của chúng ta hóa ra hơi phình ra ở giữa (vùng xích đạo) và bị dẹt ở hai cực, gần giống hình dạng của quả bí ngô.
Chính phát hiện “ăn theo Newton” này đã mang lại cho ông danh tiếng lẫy lừng. Giới thượng lưu Thụy Điển vinh danh ông như một người anh hùng và ông đã dùng tiền thưởng của chính phủ để tài trợ cho việc xây dựng một đài thiên văn mới.
Trong khi đó, những khám phá chính của ông – thang đo nhiệt độ và cực quang – thì phải muộn hơn mới được công nhận.
Đọc thêm
THANG NHIỆT ĐỘ CELCIUS
Anders Celcius đề nghị xây dựng một thang đo tùy thuộc vào nhiệt độ ở thời điểm mà nước thay đổi trạng thái. Cả giới khoa học lẫn bình dân đều thích ý tưởng này và nhanh chóng áp dụng thực tiễn vì nó đơn giản và dễ hiểu.
Ban đầu, thang đo độ C được biên soạn hoàn toàn ngược so với phiên bản thông dụng ngày nay. Ông lấy cái gọi là điểm ba của nước là 100 độ. Xin được mở ngoặc nói rõ: ĐIỂM BA là nhiệt điểm gần như tương đương với 0 độ trong quan niệm thông thường của chúng ta ngày nay – tức là nhiệt độ khi băng bắt đầu tan, hay nói cách khác, ở nhiệt độ này, nước có thể ở dạng lỏng, nước đá và hơi nước.
Nhưng khái niệm nhiệt độ “Celsius” ở dạng hiện tại được đưa ra bởi nhà sinh vật học nổi tiếng Carl Linnaeus, người đã biên soạn một bảng phân loại thống nhất về thực vật và động vật mà về cơ bản chúng ta vẫn sử dụng đến tận ngày nay.
Carl Linnaeus đã sử dụng nhiệt kế có thang độ Celcius trong nhà kính của mình, với điểm ba (hay điểm đóng băng của nước) là 0 độ C và điểm sôi là 100 độ C. Như vậy, Carl Linnaeus đã phổ biến thang đo độ C, biến nó thành thang đo tiêu chuẩn.
Anders Celcius qua đời ở tuổi 42 vì bệnh lao (được biết, trên thực tế, ngày trước, khi thuốc kháng sinh chưa ra đời, căn bệnh này cơ bản không thể chữa khỏi).
Nhà khoa học vĩ đại trở thành bất tử không chỉ dưới cái tên thang đo nhiệt độ, tên ông còn được đặt cho Tiểu hành tinh 4169 trong Hệ Mặt trời.
PS: Chúng ta cũng thỉnh thoảng được nghe nói đến thang độ Kelvin. Vậy độ Kelvin (ký hiệu K) là gì? Nam tước Kelvin tên thật là William Thomson, nhà vật lý, toán học, nhà phát minh vĩ đại người Scotland, giáo sư tại Đại học Glasgow. Tước hiệu Kelvin của ông cũng được đặt cho thang nhiệt độ tuyệt đối, vì ông chính là tác giả của lý thuyết độ 0 tuyệt đối (mức thấp nhất của nhiệt độ, không thể có mức thấp hơn). Giá trị của 1 độ Kelvin ngang bằng với 1 độ C, và độ 0 tuyệt đối (0 độ K) tương đương -273,15 độ C (như vậy 0 độ C sẽ bằng 273,15 độ K).
Thang độ K thường được sử dụng trong Vật lý và nhiều môn khoa học chính xác khác, trong khi đó thang độ C chủ yếu thông dụng trong đời sống hàng ngày.