Blog Lịch Sử

Lược sử thuốc lá

Trước khi trở thành sản phẩm thương mại siêu lợi nhuận, người Mỹ bản địa dùng thuốc lá như một tế phẩm

luoc su thuoc la

Thuốc lá là một sản phẩm gây tranh cãi. Hàng năm, ngành công nghiệp thuốc lá đạt doanh thu hơn 600 tỷ USD bất chấp những nỗ lực to lớn nhằm hạn chế mức tiêu thụ. Trong vài thập kỷ qua, hút thuốc lá đã từ chỗ được coi là một trò tiêu khiển lành tính trở thành một thói quen gây nghiện độc hại, đe dọa sức khỏe (thậm chí tính mạng) không chỉ cho người hút mà cả những người xung quanh.

Ngày nay, thuốc lá mang một hình ảnh tiêu cực, và các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc lá thường bị coi là kẻ cung cấp cái chết. Tuy nhiên, thuốc lá từng được coi là một thú vui lành tính được người Mỹ bản địa yêu thích từ rất lâu trước khi được người châu Âu biết đến và biến nó thành một ngành công nghiệp sinh lợi.

Thuốc lá thời tiền thuộc địa

Người Mỹ bản địa đã trồng và sử dụng thuốc lá từ rất lâu. Loài cây này có nguồn gốc ở Bắc Mỹ. Bằng chứng khảo cổ ở Mexico cho thấy thuốc lá đã được trồng từ năm 1400 TCN và có khả năng đã được sử dụng trên khắp lục địa Bắc Mỹ. Những phát hiện khảo cổ gần đây đã đẩy việc sử dụng thuốc lá về quá khứ xa hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Bằng chứng hiện nay cho thấy cây thuốc lá có thể đã được sử dụng từ khoảng 10.000 năm trước Công nguyên.

Điều được biết chắc chắn là nó đã được người Maya ở Trung Mỹ sử dụng vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Thuốc lá cũng được sử dụng như một phương thuốc chữa nhiều bệnh ở nhiều quốc gia người Mỹ bản địa: người Iroquois dùng để chữa đau tai; người Cherokee dùng làm thuốc giảm đau, nhiều nơi khác – dùng làm thuốc sát trùng. Sự gần gũi của nhiều bộ lạc cũng có nghĩa là các phong tục và truyền thống được chia sẻ với một số nhóm bộ lạc thay vì chỉ dành riêng cho một nhóm. Ở nhiều nơi, thuốc lá quan trọng đến mức nó là loại cây duy nhất được trồng theo quy hoạch.

Thuốc lá cũng được phát triển thành phương thuốc để chữa nhiều loại bệnh như đau tai, đau dạ dày, hen suyễn, đau mắt, sốt, trầm cảm, bỏng và côn trùng cắn.

Vào thời điểm Christopher Columbus đến Tân Thế giới, người Mỹ bản địa đã sử dụng thuốc lá dưới nhiều hình thức khác nhau: cuốn lá lại thành điếu như xì gà, xe nhỏ lá hút qua tẩu và dùng như thuốc hít.

Thuốc lá trong quá trình thuộc địa hóa

Bối cảnh xã hội của châu Mỹ đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi người châu Âu xuất hiện. Việc tạo ra ngành công nghiệp là vô cùng quan trọng, giúp các thuộc địa có thể tự chủ về tài chính. Trong những năm đầu tiên tiếp xúc giữa người châu Âu và người Mỹ bản địa, thuốc lá đã tạo thành một dạng tiền tệ có giá trị giữa hai nhóm người này.

Trong nửa đầu thế kỷ 16, người dân ở châu Âu biết đến thuốc lá và nhu cầu tăng lên đáng kể, đầu tiên là ở bán đảo Iberia, sau đó dần dần về phía bắc và phía tây. Người Pháp Jean Nicot được cho là người đã giới thiệu thuốc lá tới triều đình Pháp.

Cũng như ở châu Mỹ, người dân châu Âu lúc đó vẫn chưa nhận thức được sự nguy hiểm của thuốc lá. Cây này được coi là có đặc tính chữa bệnh. Nhiều thầy thuốc đã viết về nó trong các chuyên luận y học, nhưng việc hút thuốc lá không phải luôn luôn được hưởng ứng.

Một số người cho rằng đó là một thói quen khó chịu và tạo ra mùi hôi. Một trong những người gièm pha là Vua James I của Anh, người cho rằng thói quen hút thuốc lá có hại cho phổi và não, đồng thời tạo mùi hôi và khói giống như trong hỏa ngục. Giáo hoàng Urban VIII cũng ghét cay ghét đắng và đe dọa rút phép thông công đối với bất kỳ ai bị phát hiện hút thuốc trong nhà thờ. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo vẫn không thể cấm thuốc lá hoàn toàn.

Thuốc lá được đưa vào Anh vào khoảng năm 1573 bởi người quản lý hải quân và người buôn bán nô lệ John Hawkins, và được đón chào ngay lập tức, không chỉ được tôn sùng vì những đặc tính chữa bệnh được cho là của nó mà còn được yêu thích hoàn toàn vì tác dụng gây mê của nó.

Ở Nga, Thượng phụ của Giáo hội Chính thống đã lên án việc hút thuốc và coi đó là một tội trọng. Vào năm 1634, dưới sự cai trị của Sa hoàng Michael, việc hút thuốc lá và sử dụng thuốc hít đã bị cấm – những người vi phạm bị phạt bằng đòn roi, rạch mũi và trong trường hợp nặng nhất là án tử hình. Tuy nhiên, luật pháp không được thực thi triệt để – nửa thế kỷ sau, lệnh cấm thuốc lá đã bị Sa hoàng Peter I bãi bỏ.

Tương tự, việc hút thuốc đã bị cấm ở Đế quốc Ottoman vào năm 1633 bởi Sultan Murad IV. Người kế vị của ông, Ibrahim the Mad, đã dỡ bỏ lệnh cấm, nhưng đánh thuế thuốc lá rất nặng. Bất chấp thuế, việc hút thuốc vẫn trở nên phổ biến và được áp dụng trên khắp đế quốc, trở thành trò tiêu khiển được cả nam và nữ yêu thích.

Quá trình giao thương quốc tế đã dẫn đến việc phổ biến thuốc lá đến mọi nơi trên thế giới. Thuốc lá được người Bồ Đào Nha giới thiệu đến Nhật Bản vào năm 1542 và đến Úc vào đầu những năm 1700. Những người buôn bán đã đưa thuốc lá đi khắp nơi, giới thiệu nó với các nền văn minh lớn cho đến các bộ lạc nhỏ. Đối với nhiều người, lần đầu tiên họ tiếp xúc với thuốc lá cũng là lần đầu tiên họ tiếp xúc với người châu Âu. Đối với người Úc bản địa, thuốc lá được ngư dân Indonesia giới thiệu trước khi người châu Âu thực hiện việc xâm chiếm lục địa này.

Thuốc lá quay trở lại Mỹ

Nhân vật thực dân đầu tiên trồng thuốc lá thành công ở châu Mỹ là John Rolfe, người đã đến Jamestown, Virginia vào năm 1609 trong thời điểm đặc biệt khó khăn đối với giới thực dân. Họ vừa trải qua một mùa đông khắc nghiệt và đang phải đối mặt với nạn đói, đồng thời phải vật lộn để tìm mọi cách hỗ trợ tài chính cho mình sau nhiều thất bại trong nỗ lực tạo ra các ngành công nghiệp.

Được Powhatan, tù trưởng bản địa, cấp cho một mảnh đất để làm nông, John Rolfe đã thử gieo hạt giống thuốc lá lấy từ vùng Caribe.

Trang trại thuốc lá của Rolfe cực kỳ thành công và mang lại cho anh một khối tài sản đáng kể. John kết hôn với Pocahontas, con gái của tù trưởng Powhatan, và tiếp tục nỗ lực trong ngành công nghiệp thuốc lá, biến Jamestown thành một trung tâm thương mại quan trọng và xuất khẩu một lượng lớn thuốc lá sang châu Âu.

Thuốc lá được sử dụng rộng rãi như một loại cây trồng thu lợi nhuận trong số những người định cư châu Âu, và những khu vực có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp đã được quy hoạch thành những đồn điền quy mô lớn. Từ đó, thuốc lá cũng trở thành một trong những nền tảng cho hoạt động buôn bán nô lệ từ châu Phi xuyên Đại Tây Dương.

Khi hoạt động buôn bán ngày càng phát triển, nhu cầu về các trang trại thuốc lá lớn hơn và nhu cầu về nguồn nhân lực lao động cũng tăng theo. Trong những năm đầu thuộc địa hóa, phần lớn lao động chân tay là những người hầu được cung cấp theo hợp đồng. Tuy nhiên, nô lệ thuận tiện hơn nhiều. Do đó, việc buôn bán nô lệ bắt đầu bùng nổ khi vô số người châu Phi bị buộc phải rời bỏ nhà cửa ở lục địa Đen, bị vận chuyển trong những điều kiện tồi tàn đến làm việc tại các đồn điền thuốc lá và bông ở Bắc Mỹ, nơi dân số của họ nhanh chóng tăng lên đến hàng triệu.

Ước tính, từ năm 1619 đến năm 1865, nô lệ tại các thuộc địa ở Mỹ đã đóng góp khoảng 410 tỷ giờ công lao động. Quả không ngoa khi nói rằng nền kinh tế Mỹ được xây dựng trên nền tảng máu xương và nước mắt, mồ hôi của nô lệ.

Trong suốt nhiều thế kỷ, ngành công nghiệp thuốc lá tiếp tục phát triển và tồn tại sau sự thay đổi trong nền chính trị Mỹ dẫn đến chủ trương giải phóng nô lệ và một cuộc nội chiến đẫm máu. Năm 1881, một nhà phát minh tên là James Bonsack đã phát minh ra một chiếc máy sản xuất từng điếu thuốc lá nhanh và đều hơn nhiều so với phương pháp cuốn bằng tay từng được sử dụng cho đến thời điểm đó.

Thuốc lá trong thế kỷ 20

Vào cuối thế kỷ 19, người ta bắt đầu nỗ lực cảnh báo về sự nguy hiểm của việc hút thuốc lá, nhưng những nỗ lực này chỉ giới hạn ở những hoạt động nhỏ và những cảnh báo chưa bao giờ đạt đến bất kỳ mức độ nào để có thể tác động đáng kể đến công chúng. Số người mới tham gia hút thuốc luôn cao hơn số người bỏ thuốc, do đó lợi nhuận do thuốc lá mang lại ngày càng gia tăng.

Trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, việc hút thuốc trở nên vô cùng phổ biến đối với phụ nữ cũng như nam giới. Các chiến dịch tiếp thị bắt đầu nhắm mục tiêu vào cả hai nhóm nhân khẩu học này.

Năm 1948, một nghiên cứu của các bác sĩ ở Anh cho thấy có mối tương quan trực tiếp giữa hút thuốc và ung thư phổi, và vào những năm 1960, các bác sĩ ở Mỹ cũng đã chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa hút thuốc và các dạng ung thư khác.

Kể từ đó, những nỗ lực của công chúng nhằm hạn chế việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá đã bắt đầu có động lực. Quảng cáo thuốc lá đã bị loại bỏ khỏi nhiều phương tiện truyền thông và ở nhiều quốc gia, trên các sản phẩm thuốc lá bắt buộc phải có nhãn cảnh báo.

Ngày nay, trên phạm vi toàn cầu, việc sử dụng thuốc lá đang giảm dần. Năm 2023 có 1,3 tỷ người sử dụng thuốc lá so với 1,32 tỷ vào năm 2015. Đến năm 2025, con số này dự kiến ​​sẽ giảm xuống còn 1,25 tỷ. Mặc dù những khác biệt kể trên có vẻ không nhiều, nhưng trong bối cảnh dân số loài người tăng trưởng, chỉ số này sẽ trở nên quan trọng hơn.

5/5 - (1 vote)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s