Đại dịch Cúm Tây Ban Nha xảy ra năm 1918 là một trong những trận đại dịch lớn nhất trong lịch sử loài người. Nó xảy ra song song với Thế Chiến I, nên rất nhiều binh sĩ bị nhiễm bệnh. Đại dịch lan rộng toàn cầu, gây ra cái chết cho khoảng 50 triệu người, trong đó phần lớn là những người trong độ tuổi lao động.Cùng với Cái Chết Đen, cúm Tây Ban Nha là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại.
….
Tròn 100 năm đã trôi qua kể từ trận đại dịch 1918, cướp đi 100 triệu sinh mạng. Sự trở lại của nó chỉ là vấn đề thời gian.
Một trăm năm trước, cúm mùa dường như đã kết thúc mà không xảy ra sự cố gì thêm. Những ai bị ốm hầu hết đều đã khỏi, và tỉ lệ tử vong không cao hơn mức bình thường. Tin tức về Thế chiến I mới là thứ thống trị trên các mặt báo, không phải bệnh cúm.
Dịch cúm không bao giờ biến mất
Nhưng mọi thứ thay đổi vào mùa thu. Loại virus vốn không có gì xa lạ trở lại bằng một chủng mới tàn độc càn quét khắp vùng Bắc Mỹ và châu Âu, giết nạn nhân chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày. Trong 4 tháng, Cúm Tây Ban Nha như về sau người ta sẽ gọi lan tràn khắp thế giới, len lỏi tới tận những cộng đồng hẻo lánh nhất. Khi đại dịch bùng phát vào mùa xuân năm sau, ước tính 50 đến 100 triệu người, tương đương 5% dân số thế giới, đã chết.
Một thế kỷ sau, đại dịch 1918 dường như chỉ còn là một câu chuyện kinh dị tương tự như bệnh đậu mùa, dịch hạch, và những căn bệnh mà chúng ta đã đánh bại một phần hoặc hoàn toàn khác. Nhưng cúm chưa bao giờ biến mất – nó vẫn tước đoạt 250 đến 500,000 người mỗi năm. Mức độ nặng nhẹ mỗi năm mỗi khác, và những trận đại dịch có thể bùng phát khi những chủng virut cúm trên động vật hòa trộn với nhau. Sau 1918, các trận đại dịch cúm còn xảy ra vào các năm 1957, 1968, 1977, và 2009.

Xét khuynh hướng đột biến và luôn có mặt trong tự nhiên của cúm, giới chuyên gia đồng ý rằng sớm muộn gì cũng sẽ xuất hiện một chủng virus chết chóc và lây lan như cúm Tây Ban Nha – thậm chí tệ hơn.
“Đại dịch cúm giống như động đất, bão tố, và sóng thần: chúng đến, cơn sau mạnh hơn cơn trước.” Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm và Chính sách tại Đại học Minnesota cho biết. “Nghĩ rằng một sự kiện như dịch cúm 1918 không bao giờ xảy ra nữa là một suy nghĩ ngu ngốc.”
Đại dịch là chuyện sớm muộn
Nhưng thời điểm xảy ra chúng ta không đoán được. “Có khi đang nói chuyện thế này thì nó đã xảy ra rồi.” Cũng không dự đoán được khi xảy ra thì một chủng virus tương tự cúm Tây Ban Nha sẽ diễn biến thế nào – nhưng chúng ta có thể đưa ra vài tiên đoán có cơ sở.
Tác động virus tùy thuộc vào việc chúng ta có tóm được nó đủ sớm để khống chế nó không, Robert Webster, Khoa Bệnh Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng Thánh Jude cho hanh. Có những cơ quan sẽ làm việc đó: tổ theo dõi cúm của tổ chức Y tế Thế giới luôn bám sát sự phát triển của virus tại sáu phòng thí nghiệm trên thế giới, và một tập hợp các phòng thí nghiệm nông nghiệp cũng làm công việc tương tự trên các mẫu phẩm gia súc gia cầm.
“Chúng tôi sẽ giám sát hết mức có thể, nhưng không thể canh chừng từng con chim con heo trên thế giới được, rõ ràng là không thể.” Webster nói. “Chúng ta sẽ cần vận đỏ để kiểm soát được nó.”
Ông tiếp tục, thực tế thì virus chắc chắn sẽ xuất hiện. Và khi đến nó sẽ tỏa khắp năm châu trong vài tuần lễ, xét theo các phương tiện di chuyển ngày nay. “Cúm là một trong những loại virus mà khi đã thâm nhập vào cộng đồng dân cư nó sẽ thực sự cất cánh” Gerardo Chowell, giáo sư dịch tễ học và sinh thống kê học* nói. “Người ta sẽ lây bệnh khoảng một ngày trước khi xuất hiện triệu chứng.”
Trong một thế kỷ qua dân số thế giới đã tăng gấp 4 lần, nên nếu có đại dịch thì số ca nhiễm và tử vong cũng sẽ tăng với tỉ lệ như vậy so với 1918. Đại dịch 1918 giết 50 triệu người, vậy thì ngày nay phải chết 250 triệu mới đủ. Osterholm cho biết. “Rất nhanh chóng sẽ không đủ túi để đựng xác.”

Mức độ nghiêm trọng
Lịch sử cho thấy rằng tỉ lệ tử vong không đồng đều trong dân số. Trong dịch cúm Tây Ban Nha có những nước chết nhiều gấp 30 lần. Ở Ấn Độ chẳng hạn, virus lấy mạng 8% dân số, nhưng tại Đan Mạch chỉ có 1%. Tương tự, trong đại dịch H1N1 2009, ở Mexicô chết gấp 10 lần ở Pháp.
Các chuyên gia tin rằng những khác biệt ấy phụ thuộc vào một số yếu tố, như trước đó cộng đồng ấy có phơi nhiễm với một chủng virus tương tự hay không, và mức độ dễ bị tấn công gen của một số sắc tộc (người Maori bản xứ ở New Zealand dễ chết gấp bảy lần so với trung bình toàn cầu trong đại dịch Cúm 1918).

Các yếu tố liên quan đến tình trạng đói nghèo, như vệ sinh, hạ tầng y tế, và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, Chowell tiếp tục, cũng là tác nhân chính đối với tác động của virus. “Năm 2009 tại Mêxicô nhiều người nhập viện sau khi bệnh đã quá ra, và đã quá trễ,” ông nói. Quyết định như vậy phần lớn là vì lý do kinh tế: đi bác sĩ thì phải nghỉ làm, không có lương. “Tất nhiên không phải người Mêxicô nào cũng vậy, nhưng chắc chắn đúng với những người khó khăn nhất.”
Nếu đại dịch tấn công Mỹ hay bất kỳ nơi nào khác không có chính sách y tế phổ cập, thì kịch bản kinh tế xã hội tương tự gần như chắc chắn sẽ xảy rới với những người không có bảo hiểm. Để tránh những hóa đơn viện phí chất đống, những người không có bảo hiểm tất nhiên phải cố thủ không đến bệnh viện cho tới khi mọi thứ đã trễ. “Chúng tôi đã thấy điều này ở nhiều loại bệnh khác và khả năng tiếp cận y tế của họ.” Vẫn là Chowell cho hay.
✥ Những con bọ chét của Justinian gây cơn đại dịch
✥ Cái chết của George Washington
✥ Con thuyền của Platon và những ẩn dụ chính trị
Biện pháp ứng phó
Vắc-xin là biện pháp tối ưu để chặn đứng đại dịch, Lone Simonsen, chuyên gia dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm của Đại học Roskilde tại Đan Mạch và Đại học George Washington nói. Nhưng trước tiên phải xác định được virus, sau đó mới chế được vắc-xin, và phân phối toàn thế giới – một nhiệm vụ nói thì dễ làm mới khó. Vắc-xin ngừa cúm – mà mãi đến thập niên 1940 mới có – có thể sản xuất nhanh hơn bao giờ hết, tuy thế vẫn cần tới vài tháng. Và giả sử chế vắc-xin thành công thì cũng không đủ cho mọi người, Osterholm nói. “Trong sáu đến chín tháng đầu tiên thì chỉ 1-2% dân số thế giới có thể tiếp cận Vắc-xin.” Một giới hạn khác đó là các loại vắc-xin cúm mùa hiện tại hiệu quả chỉ được 60%.
Chẳng hạn chúng ta có các loại thuốc như Tamiflu để đối phó với cúm, nhưng không đủ nguồn cung để chiến đấu với đại dịch, chủ yếu là vì “thế giới xem cúm mùa là một loại bệnh thông thường,” Webster nói. “Đến khi bùng phát đại dịch thì giới khoa học mới quan tâm tới.”

Vậy nên các bệnh viện sẽ nhanh chóng quá tải, Osterholm nói, thuốc và vắc-xin sẽ cạn gần như ngay lập tức. “Cúm mùa năm nay cũng đã đủ làm hệ thống y tế của Mỹ quá tải, chưa nói tới những năm trầm trọng. Như vậy đủ biết khả năng của chúng ta giới hạn thế nào nếu phải đương đầu với số ca nhiễm tăng vọt.”
Như đã từng xảy ra năm 1918, số ca lây nhiễm và tử vong tăng nhanh, các thành phố hầu như sụp đổ. Các doanh nghiệp, trường học phải đóng cửa; vận tải công cộng ngừng hoạt động; mất điện; xác người chất đống ngoài đường. Lương thực sẽ cạn kiệt, tương tự như vậy với các loại dược phẩm đang giúp duy trì mạng sống cho hàng triệu người đái tháo đường, tim mạch, ức chế miễn dịch.
“Nếu một trận đại dịch khiến gián đoạn sự sản xuất và cung ứng các loại thuốc này thì nhiều người sẽ phải chết,” Osterholm nói. “Tác động liên đới gây ra bởi một đại dịch tương tự 1918 sẽ rất khủng khiếp.”
Hậu quả lâu dài của dịch cúm Tây Ban Nha 1918
Dù virus có tự nó qua đi thì vẫn để lại những hệ quả lâu dài. Virus 1918 “cực kỳ kinh khủng,” Simonsen nói, 95% người chết không quá trẻ hoặc quá già, như thường thấy ở dịch cúm, nhưng là những người trưởng thành khỏe mạnh đang ở độ tuổi lao động sung mãn. Trận đại dịch đã loại bỏ nhanh chóng lực lượng lao động, gây ra tác động sâu sắc tới các gia đình, bỏ lại vô số con côi vợ dại.
Chỉ đến 2005 giới khoa học mới biết điều đó nghĩa là gì khi họ tái dựng lại virus cúm Tây Ban Nha bằng mẫu phẩm lấy từ Brevig Mission, một ngôi làng Alaska có 80 dân hồi đó, và 72 người bị căn bệnh giết chết. Một thi thể nạn nhân đã được tầng đất đóng băng vĩnh cửu bảo quản đủ tốt để các nhà vi khuẩn học phục hồi phổi của anh ta, trong đó vẫn còn chứa gen của con virus.
Khi thí nghiệm con virus phục dựng này trên động vật, các nhà khoa học khám phá ra rằng chủng virus 1918 nhân bản cực tốt. Nó kích thích cơ chế phản ứng miễn dịch tự nhiên gọi là bão cytokine, khi đó cơ thể sẽ rơi vào tình trạng cố sức sản sinh các loại hóa chất vốn để chống trả sự xâm nhập. Cytokines bản thân chúng có tính axit – chịu trách nhiệm cho những cơn đau buốt mà nạn nhân phải trải qua khi bị cúm – nếu sản sinh ra quá nhiều sẽ làm các cơ quan quá tải, gây ra suy sụp toàn bộ hệ thống nội tạng.
Vì người trưởng thành có hệ miễn dịch mạnh hơn trẻ em và người già, nên các nhà nghiên cứu tin rằng họ phản ứng mãnh liệt hơn với cúm, nên dễ chết hơn. “Cuối cùng chúng ta cũng hiểu tại sao virus là mầm bệnh khủng khiếp tới vậy,” Webster nói. “Cơ thể sẽ tự giết chính mình.”

Vài thập kỷ sau dịch cúm Tây Ban Nha, các nhà nghiên cứu đã phát triển nhiều liệu pháp điều hòa hệ miễn dịch để ngăn chặn các cơn bão cytokine. Nhưng nhìn chung đều khiếm khuyết và không phổ biến. “Đối với bão cytokine thì ngày nay chúng ta cũng không khá hơn hồi 1918 là bao,” Osterholm nói. “Có nhiều loại máy giúp bạn thở và tuần hoàn máu, nhưng hậu quả nhìn chung vẫn sẽ rất rất ảm đạm.”
Tức là, cũng như năm 1918 chúng ta mất đi phần lớn những người trưởng thành và trung niên. Và kỳ vọng trong cuộc sống ngày nay cao gấp hàng chục lần một thế kỷ trước, nên cái chết của họ sẽ khốc liệt hơn nhiều đối với nền kinh tế và xã hội. Chowell nói.
Tuy nhiều tin xấu như vậy nhưng vẫn có một cơ hội cứu rỗi cho chúng ta: vắc-xin cúm toàn diện. Người ta đã cuối cùng đã dồn sức cho giấc mơ lâu dài này, và việc phát triển một loại vắc-xin đột phá như vậy đang được thúc đẩy. Nhưng chúng ta chỉ có thể chờ đợi xem nó có đến kịp lúc để ngăn chặn đại dịch hay không.
“Các nghiên cứu đang được tiến hành, và hi vọng rằng trước khi giả thuyết về một con virus xảy ra chúng ta sẽ bào chế được loại vắc-xin toàn diện ấy cho nó.” Webster nói. “Còn hiện tại thì chưa có.”
Tác giả: David Robson
Kim Lưu dịch từ BBC Future