Lịch Sử Tổng Hợp

9 Phát Minh Cổ Đại Vẫn Được Sử Dùng Tới Ngày Nay

Rất nhiều dụng cụ cơ bản trong cuộc sống hiện nay là phát minh của thời cổ đại. Nhiều thứ không hiện đại như chúng ta tưởng

Nguồn: The Collector
nhung phat minh co dai

Từ buổi bình minh của nền văn minh khoảng 12.000 năm trước, loài người đã trải qua vô vàn thời kỳ sáng tạo và phát minh rực rỡ. Từ nông nghiệp đến kiến trúc, từ giải trí đến chiến tranh, từ chính trị đến kinh tế… mọi mặt của đời sống đều được nhào nặn dưới bàn tay của các nhà phát minh. Dưới đây là 9 phát minh cổ đại mà chúng ta vẫn tin dùng đến tận ngày nay, và chúng có tuổi đời lâu hơn bạn tưởng rất nhiều đấy!

1. La Bàn

Một trong những phát minh quan trọng nhất trong lịch sử thế giới, la bàn đã giúp con người định hướng trên cả đất liền và biển cả. Ngày nay chúng ta có GPS để định vị siêu chính xác, nhưng chỉ mới gần đây thôi, la bàn vẫn là dụng cụ không thể thiếu của các thuyền trưởng để điều hướng tàu của mình.

La bàn Trung Quốc cổ đại
La bàn Trung Quốc cổ đại

La bàn đã có tuổi đời gần 2000 năm, xuất phát từ Trung Quốc thời nhà Hán, khoảng năm 200 đến năm 220 sau Công nguyên. Tuy vậy, trong vài thế kỷ sau khi ra đời, nó được sử dụng cho việc xem phong thủy hơn là để đi đường. Mãi đến khoảng những năm 850 đến 1050 sau Công nguyên, la bàn mới bắt đầu trở thành dụng cụ dẫn đường. Lần đầu tiên la bàn được đề cập ở châu Âu là vào năm 1190, trong cuốn sách De naturis rerum (Về Bản chất của Vạn vật) của Alexander Neckam. Người ta vẫn chưa rõ liệu la bàn lan truyền đến Trung Đông và châu Âu từ Trung Quốc hay là được phát minh độc lập ở những nơi này.

2. Giấy

Trước khi có giấy, chúng ta từng dùng nhiều loại vật liệu khác nhau để ghi chép lại suy nghĩ của mình, có khi bằng hình vẽ và có khi bằng chữ viết. Từ “paper” (giấy) trong tiếng Anh bắt nguồn từ từ “papyrus” trong tiếng La-tinh, và “papyrus” lại bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp. Người ta cho rằng chữ “papyrus” trong tiếng Hy Lạp xuất phát từ chữ “pa-per-aa” trong tiếng Ai Cập, có nghĩa là “thuộc về pharaoh”, vì các pharaoh kiểm soát việc sản xuất chất liệu giấy này.

Dụng cụ làm giấy cổ truyền
Dụng cụ làm giấy cổ truyền

Giấy với hình thức ngày nay được sản xuất theo một cách rất khác, và nó không phát triển từ Ai Cập mà từ Trung Quốc. Quy trình làm giấy từ bột gỗ được cho là do Thái giám Thái Luân thời nhà Hán phát minh, ông sống vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Phương pháp của ông dùng mảnh vải dệt để ép bột giấy ướt, và nó là tiền thân trực tiếp cho cách làm giấy mà chúng ta dùng ngày nay. Mất vài trăm năm để công nghệ này lan truyền sang thế giới Hồi giáo và Cơ đốc giáo.

Dù các thông tin thời nay đã được số hóa, phát minh cổ xưa này vẫn chưa hề lỗi thời. Nhu cầu sử dụng giấy trên toàn cầu vẫn tăng đều trong suốt những thập kỷ vừa qua.

3. Bánh Xe

Bánh xe đá thời cổ đại
Bánh xe đá thời cổ đại

Nền văn minh hiện đại sẽ mang diện mạo rất khác nếu con người thời xưa không sáng tạo ra chiếc bánh xe đơn giản. Vẫn còn mơ hồ về thời gian và nơi bánh xe ra đời. Có khả năng cao là nó được phát minh độc lập bởi nhiều nền văn minh khác nhau. Chính cái đơn giản trong cấu tạo đã mở đường cho bánh xe được dùng rộng rãi, ngay cả bởi những nền văn minh không thật sự cần đến nó.

Bằng chứng sớm nhất về bánh xe xuất hiện tại Lưỡng Hà (Mesopotamia) trong giai đoạn 4500 – 3300 TCN, dưới dạng bàn xoay gốm. Những bánh xe đầu tiên được làm từ ván gỗ đặc. Thiết kế này được cải tiến vào khoảng 2200 – 1550 TCN, trong Thời đại đồ đồng, khi bánh xe có nan hoa và chiến xa xuất hiện lần đầu tiên.

Ngày nay, bánh xe là thứ không thể thiếu cho mọi phương tiện giao thông. Không chỉ trên mặt đất, máy bay cần bánh xe để cất hạ cánh. Thậm chí hệ thống tàu đệm từ (maglev) cũng có bánh xe mở rộng khi di chuyển tốc độ thấp.

Không dừng lại ở vận tải, bánh xe còn rất quan trọng trong các cơ chế máy móc. Nếu không có bánh răng, có lẽ chúng ta vẫn sẽ lạc hậu trong bóng tối!

4. Lịch

hệ thống lịch Maya.
Hệ thống lịch Maya.

Khi xã hội loài người chuyển từ săn bắt – hái lượm sang định cư, trồng trọt trở nên quan trọng. Trồng trọt càng quan trọng, nhu cầu dự đoán chính xác mùa vụ càng lớn. Kể từ đó, lịch, trong tất cả hình thức đa dạng của nó, đã trở thành một công cụ không thể thiếu.

Dù việc tính thời gian đã bắt đầu từ thời kỳ đồ đá mới, nhưng lịch như ta biết thì chỉ mới ra đời vào Thời đại đồ đồng khoảng 3100 TCN. Người Sumer là nền văn minh đầu tiên tạo ra lịch. Lịch Sumer khá giống với lịch chúng ta dùng, chia một năm thành 12 tháng âm lịch, mỗi tháng 29 hoặc 30 ngày. Người Ai Cập cũng làm điều tương tự, nhưng họ còn căn cứ vào ngôi sao Sirius.

Người Babylon lập ra một hệ lịch thêm tháng thứ 13 sau mỗi hai đến ba năm. Hệ lịch này sau đó ảnh hưởng đến lịch Do Thái. Nhiều nền văn minh phát triển lịch riêng với nét độc đáo riêng, như người Trung Quốc kết hợp với hoàng đạo, hay người Aztec có năm dương lịch 18 tháng, mỗi tháng 20 ngày, một “thế kỷ” chỉ có 52 năm. Cũng như một số nền văn minh Trung Mỹ khác, họ thừa hưởng hệ thống từ người Maya – những bậc thầy về toán học và thiên văn học.

5. Bê tông

Đền Pantheon ở Rome.
Đền Pantheon ở Rome. Từ thời cổ đại người La Mã đã sử dụng thành thạo bê tông để xây những công trình còn tới ngày nay

Bê tông là một phần không thể thiếu trong hầu hết các thành phố của nhân loại. Nó cho phép chúng ta xây dựng các công trình vững chắc, bảo vệ cuộc sống khỏi các tác động của thời tiết.

Bê tông thuở sơ khai được làm bằng cách nghiền hoặc đốt thạch cao hoặc đá vôi. Qua hàng trăm năm, thành phần và quy trình sản xuất bê tông đã thay đổi, nhưng công dụng thì vẫn gần như không đổi.

Những người đầu tiên sử dụng vật liệu giống bê tông là các bộ lạc Bedouin Nabataea ở Trung Đông vào khoảng năm 6500 trước Công Nguyên. Kể từ đó, người Ai Cập, người châu Âu sống dọc theo sông Danube, người Trung Quốc và người Hy Lạp đều có những phiên bản bê tông của riêng họ. Bê tông La Mã phát triển mạnh mẽ và cực kỳ tiên tiến vào thời đó.

Bê tông ngày nay là hỗn hợp gồm đá, cát và nước với nhiều hóa chất khác nhau. Các hóa chất được thêm vào tùy thuộc vào loại bê tông và mục đích sử dụng của nó. Vị trí địa lý và khí hậu cũng được tính đến trong quá trình pha trộn.

6. Kính thiên văn

Thấu kính thời kỳ đầu
Thấu kính thời kỳ đầu

Người ta thường cho rằng kính thiên văn được phát minh vào năm 1608 bởi Hans Lippershey, một người chế tạo kính mắt người Hà Lan. Cũng có thông tin rộng rãi rằng nhà thiên văn học nổi tiếng Galileo là một trong những người đầu tiên sử dụng kính thiên văn.

Tuy nhiên, Galileo chỉ ra rằng mọi người đã biết đến và sử dụng kính thiên văn từ hàng ngàn năm trước khi ông hướng mắt lên bầu trời đêm.

Bằng chứng cho giả thuyết đó nằm ở Thấu kính Nimrud, một mảnh đá pha lê được đánh bóng có niên đại 3000 năm tuổi với độ phóng đại gấp 3 lần.

Mặc dù nhiều học giả không tin rằng đây là một phần của kính thiên văn, hoặc liệu nó có được sử dụng để nhìn các ngôi sao và hành tinh hay không, nó chứng minh một sự thật: người Neo-Assyria cổ đại có lượng kiến thức đáng kinh ngạc về thiên văn học.

Dù thế nào đi nữa, Galileo đã tin rằng người cổ đại có kính thiên văn từ rất lâu trước ông, mà ông lại là một chuyên gia về lĩnh vực này!

7. Hệ thống sưởi trung tâm Hypocaust

Hệ thống sưởi ấm từ thời xa xưa, theo Lancashire Post
Hệ thống sưởi ấm từ thời xa xưa, theo Lancashire Post

Hệ thống sưởi trung tâm thường được coi là một tiện nghi hiện đại, nhưng thật ra nó đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước. Vào 7000 năm trước, người Hàn Quốc đã sử dụng một hệ thống gọi là ondol, dẫn nhiệt từ ngọn lửa qua các đường hầm bên dưới sàn nhà.

Phát minh cổ xưa này về sau đã được người Hy Lạp tái phát minh độc lập vài ngàn năm sau, và hệ thống của họ dùng khoảng trống bên dưới sàn nhà được nâng đỡ bởi các trụ. Sau đó, người La Mã áp dụng và nâng cấp hệ thống này để sưởi ấm các biệt thự của giới nhà giàu cũng như các nhà tắm công cộng. Hệ thống này được gọi là hypocaust.

Sau khi Đế chế La Mã sụp đổ, rất nhiều công nghệ không thể được tái tạo và trong cả ngàn năm, người châu Âu quay lại sưởi ấm ngôi nhà của họ đơn giản bằng những đống lửa cơ bản.

8. Rượu vang

Vò rượu La Mã bằng đất nung Vò đất nung La Mã dùng vận chuyển rượu hoặc dầu thời xưa, thế kỷ thứ nhất, qua Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York.
Vò rượu La Mã bằng đất nung Vò đất nung La Mã dùng vận chuyển rượu hoặc dầu thời xưa, thế kỷ thứ nhất, qua Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York.

Ít nhất 8.000 năm nay, rượu vang đã liên tục thách thức sự tỉnh táo của chúng ta. Bằng chứng sớm nhất về việc sản xuất rượu đến từ Georgia (quốc gia ở Đông Âu), vào khoảng 6000 năm trước công nguyên. Cùng thời điểm đó, ở Trung Quốc người ta trộn nho và các loại quả mọng với gạo rồi lên men để tạo ra phiên bản rượu vang của riêng họ.

Tác động đầy mê hoặc của phát minh cổ đại này cực kỳ phổ biến (như bạn có thể đoán), và kết quả là nó lan rộng khắp thế giới cổ đại rồi trở thành một trong những sản phẩm phổ biến nhất trong lịch sử – một xu hướng vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

9. Số không

Ba con số không trên một bộ đếm Số không.
Ba con số không trên một bộ đếm Số không.

Khái niệm về sự hư vô không hẳn là một phát kiến đột phá, nhưng phải mất một khoảng thời gian dài đáng ngạc nhiên người ta mới nhận ra tầm quan trọng của nó như một biểu tượng toán học. Bằng chứng được ghi nhận sớm nhất về khái niệm này được sử dụng dưới dạng chữ viết đến từ khoảng năm 1770 trước Công nguyên ở Ai Cập. Người Ai Cập cổ đại đã sử dụng chữ tượng hình nfr (nghĩa là “đẹp”, “dễ chịu” hoặc “tốt”) để đại diện cho sự hư vô, nhưng nó cũng được sử dụng với nhiều mục đích với.

Người Babylon cũng sử dụng các ký hiệu tượng trưng cho số không, nhưng chúng không được dùng độc lập mà chỉ nằm trong dãy số. Kết quả là nhiều số được viết giống nhau và chỉ có thể được phân biệt dựa vào ngữ cảnh.

Người Hy Lạp đã sử dụng hệ thống của người Babylon nhưng sau đó chuyển đổi các số của họ trở lại thành các ký hiệu Hy Lạp. Dường như họ có vướng mắc về mặt triết lý với số không.

Còn người Trung Quốc đã sử dụng một hệ thống que để đếm, nhưng một lần nữa, số không chỉ được dùng như một khoảng trống giữ chỗ chứ không phải một con số thực sự.

Chính người Ấn Độ vào thế kỷ thứ 3 đến thứ 2 trước Công nguyên đã tạo ra khái niệm về số không như chúng ta biết ngày nay. Số không được coi là một chữ số đứng độc lập và được dùng trong hệ thống thập phân để biểu thị giá trị. Biểu tượng ban đầu cho số không là một dấu chấm lớn, về sau phát triển thành biểu tượng số không mà chúng ta sử dụng hôm nay.

5/5 - (3 votes)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s