Ngôi làng Ellora gần thành phố Aurangabad, thuộc bang Maharashtra của Ấn Độ đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới với quần thể gồm nhiều lớp đền thờ hang động. Công trình kiến trúc hùng vĩ và đáng kinh ngạc nhất trong tất cả các hang động ở Ellora chắc chắn là đền Kailash (hay Kailasanatha) – công trình kiến trúc nguyên khối lớn nhất thế giới được đục thẳng vào đá.
Ở Ellora ngày nay bạn có thể tìm thấy các khu bảo tồn đạo Hindu (Ấn giáo) cổ đại (17 hang động ở trung tâm), Phật giáo (12 hang động) và Kỳ Na giáo (5 hang động ở phía bắc). Những ngôi đền Hindu là lâu đời nhất trong số đó. Đạo Kỳ Na (Jain) có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo và cũng lâu đời hơn Phật giáo. Tín đồ Kỳ Na là những người đầu tiên áp dụng phương pháp kiến trúc Hindu để xây dựng các ngôi đền theo biểu trưng hình ngọn núi. Không biết ai đã tạc những ngôi đền hang động này. Có thể những hang động chính của Ellora không phải là sản phẩm của người theo đạo Jain hay đạo Hindu, mà đã được tạo ra bởi những con người từ thời tối cổ. Gần đây người ta phát hiện ra rằng ngôi đền ban đầu được bao phủ hoàn toàn bằng thạch cao màu trắng.
Sẽ không còn ai biết đến nguồn gốc ngôi đền, nhưng chúng ta có thể nói chắc chắn rằng niềm tin vào thần thánh đã thu hút người theo đạo Jain và Phật tử. Đây là lý do tại sao khi tôn giáo của họ phát triển từ Ấn Độ giáo, họ bắt đầu coi trọng các biểu tượng và nhân vật tôn giáo. Điều này có thể được nhìn thấy rõ ràng từ ngôi đền Kailash, được bao phủ toàn bộ bằng những hình chạm khắc vô cùng phức tạp. Điều đặc biệt thú vị là cho đến nay vẫn chưa một ai biết gì về nguồn gốc xuất xứ và ai là người tạo ra ngôi đền Kailash. Các nhà khoa học đã không tìm thấy bất kỳ niên đại nào hoặc thậm chí là dấu vết nhỏ nhất mô tả cấu trúc của ngôi đền.
Một số chuyên gia cho rằng ngôi đền được khắc vào đá chỉ vào khoảng hơn một nghìn năm trước, trong khi những người khác cho rằng ngôi đền đã có nhiều nghìn năm tuổi, và diện mạo ngày nay chỉ là do các nhà sư Phật giáo hay tu sĩ đạo Jain đã thực hiện một vài thay đổi. Những dòng chữ còn sót lại trên tường đã rất cũ và gần như đã bị xóa mờ theo thời gian, ngày nay hầu như không thể đọc và giải mã chúng. Theo người dân địa phương, sự hùng vĩ của ngôi đền truyền tải sự vô tận của vũ trụ và nó được ban phước bởi các nhà hiền triết và đạo sư Hindu.
Kailash bền vững trường tồn, không thể lay chuyển, đến mức thậm chí nhiều nỗ lực của những kẻ xâm lược Padishah Aurangzeb từ Mogul nhằm phá vỡ các cột của ngôi đền và xúc phạm “cấu trúc thần thánh” chỉ dẫn đến tình trạng quân Mogul bị tiêu diệt nhiều thêm. Các tác phẩm điêu khắc voi chỉ bị hư hại nhẹ. Đền Kailash thực sự không phải là công trình được xây dựng theo phương pháp thông thường – toàn bộ cấu trúc được chạm khắc từ một tảng đá khổng lồ và khối đá được đẽo từ trên xuống dưới trong quá trình xây dựng ngôi đền, vì thế không cần sử dụng giàn giáo.
Ngôi đền có kích thước 55 x 36 mét (tổng diện tích mặt bằng là 1980 mét vuông), nằm ở trung tâm của một sân cắt đá có kích thước 58 x 51 mét và ăn sâu 33 mét vào trong đá. Phần dưới của đền là bệ cao 8 mét, trên đặt tượng voi và sư tử cao 3 mét. Ngoài ra, Đền Kailash còn đáng chú ý vì thực tế là nó được bao phủ hoàn toàn bằng những hình chạm khắc bằng đá rất phức tạp. Điều đáng chú ý là quy mô của ngôi đền đá này lớn gấp đôi (và cao gấp rưỡi) so với đền Parthenon nổi tiếng ở Athens (Hy Lạp).
Đọc thêm
Người ta ước tính rằng 200.000 tấn đá đã phải được dỡ bỏ trong quá trình xây dựng ngôi đền. Các nhà khoa học ước tính phải mất 7.000 công nhân và 150 năm mới hoàn thành được công trình này. Điều đáng chú ý là toàn bộ 34 hang động ở Ellora đều không có nguồn gốc tự nhiên, chúng đều được người Hindu chạm khắc thủ công từ đá nguyên khối. Mặc dù, như đã đề cập ở trên, không ai biết chính xác quần thể hang động được tạo ra khi nào nhưng người ta thường chấp nhận rằng nó được tạo ra từ thế kỷ thứ năm đến thế kỷ thứ mười theo Công lịch. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ điều này được thực hiện như thế nào, vì vào thời điểm đó không có công nghệ nào cho phép những công việc tinh vi, phức tạp đến như thế.
Theo giả thuyết, nếu một ngôi đền như vậy được xây dựng ngày nay thì sẽ cần ít nhất 10 máy khai thác JCB nặng 10 tấn (lớn nhất). Hơn nữa, nếu trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày chúng đào được 1000 tấn đá thì chỉ riêng quá trình đào đá sẽ phải mất khoảng 200 ngày làm việc liên tục. Độ chính xác mà việc xử lý đá như vậy có thể được thực hiện là không thể đạt được ngay cả với các công nghệ hiện đại. Trong khi đó, việc cắt từng centimet ngôi đền theo đúng nghĩa đen lại được thực hiện hoàn toàn bằng lao động thủ công, vì vậy thời gian để tạo ra một ngôi đền như vậy chắc chắn vượt ra ngoài khả năng tưởng tượng của chúng ta ngày nay.
Ngôi đền Kailash còn có thêm một bí ẩn bổ sung – đó là những lỗ hẹp bí ẩn được tìm thấy ở khắp mọi nơi trong ngôi đền ở độ cao 1 mét tính từ sàn nhà, hoặc thậm chí thấp hơn. Phát sinh 3 câu hỏi rất khó trả lời: những cái lỗ này để làm gì, tại sao chúng lại được làm thấp như vậy và chúng được tạo ra như thế nào (điều đáng chú ý: chúng rất hẹp nhưng thành trong của chúng mịn đến mức đáng kinh ngạc). Việc lặp lại một kỳ tích như vậy, ngay cả khi sử dụng công nghệ hiện đại, gần như là không thể, nhưng các nhà hiền triết Ấn Độ giáo cổ đại đã có thể làm nên một điều kỳ diệu thực sự nhờ vào sức mạnh tinh thần, sự kiên trì và lòng tận tâm với đức tin của họ.