Sử Ấn Độ

Vài nét về văn minh Ấn Độ cổ đại

Ấn Độ cổ đại có nền văn minh cổ xưa ngang với Ai Cập hoặc Lưỡng Hà. Việc khám phá Ấn Độ khá muộn so với các nền văn minh khác.

Ấn Độ cổ đại có nền văn minh cổ xưa ngang với Ai Cập hoặc Lưỡng Hà. Việc khám phá Ấn Độ khá muộn so với các nền văn minh khác.

Ấn Độ là quốc gia lớn ở Nam Á, có diện tích khoảng 3.3 triệu km, dân số hiện đã vượt qua Trung Quốc, trở thành nước đông dân nhất Thế Giới. Thời Cổ trung đại, Ấn Độ cùng với các nước láng giềng (Pakistan, Bagladesh) hợp thành tiểu lục địa gọi là Hindustan.

Ấn Độ (trong bài viết này hiểu theo nghĩa rộng là Hindustan) là đất nước của những tương phản (về địa hình, khí hậu, chủng tộc, ngôn ngữ) đồng thời là một quốc gia thống nhất trong đa dạng. Phía Nam dãy núi Hymalaya quanh năm tuyết phủ là sa mạc Thar cháy bỏng; giáp với miền Bengal mưa nhiều nhưng rất phì nhiêu và dân cư đông đúc là cao nguyên Dekkan đất rộng người thưa, khô cằn sỏi đá. Thời Trung Đại có lúc Ấn Độ bị chia xẻ thành gần 600 tiểu quốc với hàng nghìn phương ngữ và thổ ngữ, cùng nhưng khác biệt và đối địch về tôn giáo.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình lịch sử, Ấn Độ là một chỉnh thể thống nhất. Chất keo kết dính ở đây chính là nền văn hóa Ấn Độ được thể hiện qua các truyền thống, bản sắc dân tộc, cũng như đời sống tâm linh, phong tục tập quán, kinh sách và sử thi.

Xã hội Ấn Độ truyền thống

Xã hội Ấn Độ là một xã hội đã từng tồn tại chế độ đẳng cấp kiên cố và xơ cứng, phân gia giả tạo cư dân Ấn Độ thành 4 lớp người khác biệt nhau. Bà La Môn, võ sĩ, bình dân và tiện dân. Đây là dấu ấn của những thành kiến tôn giáo cực đoan của Hindu giáo.

Xã hội Ấn Độ truyền thống thấm đượm màu sắc tâm linh, trong đó nổi lên vai trò của Hindu giáo. Ở đây nổi lên những nét điển hình của một xã hội phương Đông. Các giá trị tinh thần được coi trọng, con người luôn tìm cách hòa đồng với một trường tự nhiên, cộng đồng xã hội và thế giới thần linh.

Chính từ xã hội truyền thống đó đã nảy sinh bản sắc văn hóa Ấn Độ, một tinh thần Ấn Độ.

Tôn giáo và triết học Ấn Độ

Ấn Độ là quê hương của một số tôn giáo lớn, và hòa tan vào các tôn giáo đó là nhiều môn phái triết học. Ngày nay, ngoài Đạo Hindu (chiếm 83% dân số), còn có đạo Hồi (11%), Đạo Sikh (2%), Đạo Phật (0.75%), Đạo Jaina (0.5%), và một số khác như Bái Hỏa Giáo, Kitô Giáo, Do Thái v.v.

Đạo Hindu (Ấn Độ Giáo)

Trong xã hội Ấn Độ, Đạo Hindu là một tôn giáo trục, tôn giáo mẹ, mang đậm bản sắc Ấn Độ. Đó là một tôn giáo không có người sáng lập, không có hệ thống giáo đường, chỉ dựa vào các đạo sĩ. Hindu giáo thể hiện sự dung hợp giữa các mặt đối lập, “vừa khắc kỷ vừa túng dục, vừa là tôn giáo của thầy tu vừa là tôn giáo của các vũ nữ”. (K.Marx)

Đạo Hinđu đã được hình thành qua một quá trình phát triển bao gồm ba giai đoạn: Đạo Vệ đà (Védism), Đạo Bà la môn (Brahmamis) và cuối cùng là Ấn Độ giáo hoàn chỉnh (Hinduism).

Cũng vậy, Thần phả của Đạo Hinđu cũng trải qua hai giai đoạn. Lúc đầu đó là những vị Thần tượng trưng cho các lực lượng thiên nhiên: Indra (Thần sấm), Surya (Thần Mặt trời) và Agni (Thần lửa). Về sau các Thần linh tượng trưng cho các sức mạnh trừu tượng hơn, tập hợp trong một cụm “Tam vị nhất thể”, có những mối liên hệ biện chứng với nhau: đó là Brahma (Thần sáng tạo), Visnu (Thần bảo tồn) và Siva (Thần phá huỷ). Cùng với ba vị Thần chủ thể trên là một loạt các vị Thần thứ yếu khác như Thần Parvati (Vợ Siva), Ganesa (con Siva) mình người đầu voi, Laksmi (vợ Visnu) và các Apsara (Tiên nữ)….

Giáo lý cơ bản của Đạo Hindu tập trung trong bốn bộ Kinh Véda cổ xưa cùng với các sách kinh khác (quan trọng nhất là bộ Upanisad) cũng như các luận điểm chứa đựng trong hai bộ sử thi MahabharataRamayana. Nó thuyết giải những quan điểm nằm chung trong dòng mạch tư tưởng phương Đông, nêu lên ý niệm về một vạn vật hoà đồng, một Vũ trụ vi mô (con người) đồng dạng với một Vũ trụ vĩ mô (Vũ trụ).

Đạo Hindu cho rằng có một quy luật siêu nhiên vô hình điều hành sự vận động của mọi vật, con người không thể can thiệp được. Đó là khái niệm Rita (đối với tự nhiên) hay Dharma (đối với xã hội), tương tự như khái niệm đạo, pháp trong triết học Cổ đại Trung Hoa.

Từ đó dẫn đến một phương trình cơ bản quán triệt toàn bộ tư tưởng của Đạo Hindu là: Atman Brahman.

Brahman, cái bản ngã Vũ trụ, cái đại ngã bao chứa trong vạn vật. Con Atman, cái bản ngã cá thể đặc thù trong từng con người, từng sinh vật, chính là một mảnh nhỏ cụ thể và đơn nhất của Brahman. Vậy Brahman cũng chính là Atman và ngược lại.

Các khái niệm khác của Đạo Hindu cũng xuất phát từ phương trình cơ bản trên như các khái niệm Samsara (luân hồi) và Karman (nghiệp báo), thuyết minh về một chu kỳ tuần hoàn và luật nhân quả của những kiếp sống. Đạo Hindu cũng vạch con đường của sự giải thoát bằng khái niệm Moksa (giải thoát), khuyên con người có thể tiếp cận đến cõi giải thoát đó bằng nhiều con đường, quan trọng nhất là bằng chính tấm lòng thành tâm của chúng ta với khái niệm Bhakti (sùng tin). Đạo Hindu sau đó đã phân nhánh thành nhiều môn phái khác nhau, chủ yếu là hai phái Visnu giáo và Shiva giáo, đồng thời nuôi dưỡng cho nhiều môn phái triết học, nổi tiếng nhất là môn phái Védanta đượm tính tư biện siêu hình và môn phải Yoga chủ trương luyện tập, tập trung ý chí để giải phóng tinh thần khỏi những ràng buộc của thể xác, nhằm đạt tới một số năng lực siêu phàm.

Đạo Phật

Trước khi trở thành một tôn giáo lớn thế giới với hơn 300 triệu tín đồ (năm 1986), Đạo Phật đã nảy sinh và trong nhiều thế kỷ đã thịnh hành ở Ấn Độ.

Đạo Phật trước hết là một tôn giáo của đời sống. của con người trong cõi nhân sinh. Tuy cuộc đời của Đức Phật sau này đã được huyền thoại hoá với nhiều truyền thuyết, nhưng Phật Thích Ca đã là một con người thật, một nhân vật lịch sử, một vị Hoàng tử đã từng sống trên nhung lụa ở Kinh thành Kapilavastu (biên giới Ấn Độ – Nêpal ngày nay) rồi giác ngộ xuất gia, tu luyện mà thành Phật, sau đó suốt đời lại đem chân lý giác ngộ cho người đời (1)

Căn bản tư tưởng của Đạo Phật nằm trong quan niệm vô ngã (anatman), vô thường (anitya). Theo đó, có sinh thời có diệt, mọi việc tất đều sẽ qua đi trong quá trình sinh – trụ – dị diệt. Trong cuộc sống phù du, Đức Phật đã đem lại cho chúng ta bốn chân lý quý (Arya – Satya – Tứ diệu đế). Cuộc đời là bể khổ (dukkha) nguyên nhân vì chúng ta quá đắm chìm trong các ham muốn (Samudaya). Vì vậy một khi chúng ta cố gắng diệt được lòng dục (nirodha) thì chúng ta sẽ tìm thấy được con đường giải thoát (Đạo Marga).

Cuộc sống của chúng sinh chính là một chuỗi nhân quả và nghiệp báo (Karman) mà con người ta phải gánh chịu và trả giá. Nhưng nếu một khi đã tĩnh tâm giác ngộ thì chúng ta sẽ có thể tiến tới tiêu đích cuối cùng của sự giải thoát, đó là cõi Niết bàn (Nirvana).

Nhấn mạnh đến khía cạnh “tự giác” hoặc “giác tha”, Phật giáo Ấn Độ sau đó đã chia thành hai tông phái chính: Tiểu thừa (Hinaya) và Đại thừa (Mahayana).

Qua bốn lần hội nghị kết tập các môn đệ tăng ni trong vòng 700 năm, Đạo Phật Ấn Độ đã ngày càng phong phú về kinh sách cũng như về giới luật, và bằng cả hai tuyến đường biển và đường bộ, đã lan toả đến nhiều quốc gia vùng Đông Nam Á và toàn Châu Á.

Đạo Phật ở Ấn Độ là một đối trọng tư tưởng hữu hiệu đối với chế độ đẳng cấp khắt khe, làm cân bằng đời sống tâm linh, là nguồn cảm hứng phong phú cho nhiều công trình kiến trúc điêu khắc, thơ ca giàu tính hướng thiện và vị nhân sinh.

Các tôn giáo khác

Ngoài Đạo Hồi, một tôn giáo có số tín đồ đứng thứ hai sau đạo Hindu nhưng là một tôn giáo có nguồn gốc từ bán đảo Ả Rập, Ấn Độ còn có một số tôn giáo khác đáng kể nhất là Đạo Jaina và Đạo Sikh. Khái niệm cơ bản trong đạo Jaina là chủ nghĩa tu hành khổ hạnh và học thuyết ahimsa (bất mưu hại). Theo đó, các tín đồ rất coi trọng đời sống mọi sinh linh đến độ cực đoan, như ăn cơm thường xuyên phải đeo khẩu trang (sợ ăn phải ruồi, muỗi) đi đâu phải quét ngang lối đi (vì sợ dẫm chết sâu bọ ở dưới đất). Nhưng điều nghịch lí là Đạo Jaina lại cho phép các tín đồ tự huỷ hoại tính mệnh của mình, bằng phương pháp tuyệt thực cho đến khi chết.

Đạo Sikh là một tôn giáo xuất hiện muộn vào khoảng Thế kỷ XVI do pháp sư Nanak sáng lập. Tôn giáo này chủ trương dung hợp ôn hoà hai tôn giáo lớn ở Ấn Độ thời đó là Đạo Hindu và Đạo Hồi. Đạo Sikh có truyền thống là suy tôn các giáo chủ của mình lại thành các guru (tổng số là 10 vị) truyền lại danh hiệu cho nhau. Bộ kinh duy nhất của Đạo Sikh là Adigranth, viết bằng văn xuôi lẫn văn vần. Thời cận hiện đại, các tín đồ Đạo Sikh tập trung ở bang Punjab, lấy Đền Vàng ở thành phố Amritsar làm thánh đường. Có một số phần tử cực đoan của Đạo Sikh đã gây nên tình trạng phức tạp và rối ren trong cộng đồng các tôn giáo ở Ấn Độ.

Văn học

Ấn Độ là một đất nước của Thần linh. Vì vậy, văn học nghệ thuật ở đây đã thấm đượm một khí hậu tôn giáo. Ngôn ngữ biểu đạt trước kia là tiếng Phạn cổ (Sanskrit) sau này là tiếng Hindi.

Sách kinh tôn giáo đã chiếm vị trí hàng đầu trong văn học Cổ đại Ấn Độ. 4 bộ kinh cổ nhất của Đạo Hindu là các bộ Rig-Véda ca tụng các thần linh; Yajur – Véda bao gồm những khúc ca cầu nguyện và Arthada – Véda sưu tập những câu nói ma thuật, phù chú, tổng cộng gồm 10562 câu thơ. Upanishad là bộ kinh quan trọng thứ hai sau bộ Véda, phát triển Đạo Hindu lên đỉnh cao của một học thuyền siêu hình trừu tượng. Phật giáo có nhiều bộ kinh, tiêu biểu là bộ kinh Tam tạng (Tripi – Taka) bao gồm Kinh tạng (Sutra), Luật tạng (Vinaya) và Luận tạng (Abhidharma). Ngoài ra, có thể kể một số các cuốn kinh khác như Arthasastra (Điều lệ về phép nước) và Kamasutra (Sách kinh về tình dục và tình yêu).

Sau các kinh điển, hai bộ sử thi đồ sộ MahabharataRamayana là những tác phẩm phổ cập nhất trong các tầng lớp nhân dân Ấn Độ.

Mahabharata là một tác phẩm vĩ đại (220.000 dòng thơ) kể về những cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai dòng họ thời sơ sử. Nó là cuốn đại bách khoa toàn thư về đời sống của Ấn Độ Cổ đại. Tác phẩm toát lên tư tưởng triết lý cốt lõi, đó là sức mạnh toàn năng của Đạo Pháp (Dharma) một quy luật chi phối toàn bộ đời sống xã hội con người mà không một thế lực nào có thể thắng nổi.

Ramayana ngắn gọn hơn (48.000 dòng thơ) kể lại thiên tình sử đầy phiêu lưu trắc trở của Hoàng tử Rama và nàng Công chúa Sita kiều diễm, chung thuỷ. Sau nhiều chiến công hiển hách cuối cùng Rama đã bị ngã quỵ trước lòng ghen tuông mờ ám và nàng Sita bất hạnh đã phải trở về với mẹ nàng, là nữ thần Đất với những luống cày, nơi nàng đã sinh ra.

Ngoài ra, văn hoá chữ Phạn cổ còn có một số truyện kể tự sự và ngụ ngôn, như tập Pancha Tantra (5 quyển), Katha Saritsaraga (Đại dương những dòng sông của những câu truyện kể) một số vở kịch như Mrisakatika (chiếc xe nhỏ bằng đất nung). các thể loại thơ trữ tình giàu chất nhân văn, như của tác giả Bhattrihari (Thế kỷ VII). Gương mặt vĩ đại nhất của nền văn thơ Ấn Độ Cổ đại chính là Kalidasa, viên ngọc quý trên thi đàn Ấn Độ thời bấy giờ. Những tập thơ của Kalidasa như Sự ra đời của Thần chiến tranh Kumara, Đám mây sứ giả vừa giàu chất trữ tình vừa đậm đà hương vị tôn giáo. Tác phẩm xuất sắc nhất của tác giả được lưu truyền nhiều thế kỷ và nổi tiếng ở cả phương Đông lần phương Tây là vở kịch Sakuntala kể về một chuyện tình éo le trắc trở nhưng cuối cùng đã cập được tới bến bờ hạnh phúc giữa nhà Vua Dusyanta và nàng Sakuntala xinh đẹp.

Từ Thế kỷ XIII trở đi, khi tiếng Phạn trong văn học càng ít được sử dụng, thì các tiếng địa phương khác ở Ấn Độ như Hindi, Bengali có điều kiện phát triển. Một số nhà thơ Ấn đã sáng tác bằng nhiều phương ngữ. Nhà thơ Sandi-Das (Thế kỷ XIV-XV) viết bằng tiếng Bengali, là tác giả tập Tụng ca thần Krisma với những vần điệu gợi cảm kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố nhục cảm và khát vọng thánh thiện. Kabir (1440-1851) đã xuất hiện như một thi sĩ triết gia xuất sắc, có kì vọng hoà hợp Đạo Hindu và Đạo Hồi, tuyên truyền cho lòng khoan dung tôn giáo, để lại tập thơ Bijak nổi tiếng viết bằng tiếng Hindi. Tác giả xuất sắc nhất của nền văn thơ Ấn Độ Trung đại là Tulsi-Das, tác giả cuốn Ramayan. Cuốn sách viết bằng một thứ tiếng Hindi thành thục và điêu luyện, phóng tác lại bộ sử thi Ramayana thời Cổ đại.

Văn học Ấn Độ cận hiện đại đã chứng kiến nhiều gương mặt mới, đáng lưu ý là Premchand (1880-1936), nhà văn bậc thầy của dòng văn học hiện thực Ấn Độ với kiệt tác Godan kể lại cuộc đời bi thảm của một nông dân Ấn Độ.

Nhưng ngôi sao sáng chói nhất trên bầu trời văn học Ấn Độ là thi hào R. Tagore (1861-1941), người đã đem lại vinh quang cho đất nước Ấn Độ với tập Thơ Dâng (Gitanjali) được giải thưởng Nobel năm 1913. Trong những vần thơ của Tagore, lòng yêu nước tha thiết đan xen với tình yêu nhân loại sâu sắc. Ông là người nghệ sĩ biết kết hợp tài tình những tính hoa văn hoá Đông Tây, ca ngợi vẻ đẹp của “Con người – Thượng đế”, cháy bỏng một niềm tin vào con người “như ánh Mặt trời, chỉ có thể bị mây che chứ không bao giờ tắt”.

Tagore đã tự nguyện dấn thân vào một cuộc hành hương suốt đời đi tìm chân lí, tình yêu và ý nghĩa đích thực của cuộc đời, là niềm hãnh diện lớn lao của nhân dân Ấn Độ và của toàn nhân loại.

Nghệ thuật

Cũng như văn học, các loại hình nghệ thuật Ấn Độ thấm đượm chất tâm linh tôn giáo rất sâu đậm của Hindu giáo, Phật giáo và Hồi giáo. Những công trinh mỹ thuật được tạo dựng ở nhiều thời đại khạc nhau, nhiều vùng văn hoá khác nhau, với những phong cách và vật liệu biểu đạt khác nhau (thưởng là sa thạch và cẩm thạch) tạo nên một sự phong phú đa dạng, nhưng vẫn mang một bản sắc văn hoá Ấn Độ rõ nét. Đó là sự kết hợp giữa những khát vọng tâm linh thánh thiện với những khuynh hướng túng dục trần thế.

Từ vương triều Ashoka Tr.CN, ở Ấn Độ đã xuất hiện nhiều cột đá (lat) tượng trưng cho một thứ trụ trời, nổi tiếng nhất là chiếc cột đá ở Sarnat ở vườn Lộc Dã, nơi xưa kia đức Phật Thích Ca đã thuyết pháp bài giảng đầu tiên. Đáng chú ý nhất là chiếc trụ trên đỉnh cột, có khắc hình 4 con sư tử ngồi, dáng vẻ dũng mãnh oai vệ nhìn ra 4 phương, ngày nay được dùng làm biểu tượng cho quốc huy của Cộng hoà Ấn Độ .

Sau hình cột đá là các tháp Phật (Stupa) hinh bán cầu được coi như những nơi tưởng niệm Phật. trong lòng có chứa một ít tro xương của Đức Phật và các vị Bồ Tát. Tháp Sanchi I (còn gọi là Đại Stupa) có niên đại từ Tr.CN, bằng gạch được ốp đá, là một bán cầu cao 15m đường kính 35m, tượng trưng cho “quả trứng Vũ trụ” khổng lồ, chung quanh có hàng rào và hệ thống cổng đá được chạm trổ rất tinh vi, sinh động.

Các đền chùa hang đông là những công trình kiến trúc và hội họa kỳ vĩ của Ấn Độ Cổ đại. Người Ấn đã khắc sâu vào lòng núi và chạm khắc công phu để dựng nên những ngôi chùa cổ kính, bao gồm những điện thờ và những tu viện.

Từ Thế kỷ X trở đi, các công trình kiến trúc Hindu giáo đã thay thế cơ bản, các công trình kiến trúc Phật giáo phổ biến nhất là các kiểu đền tháp Bắc Ấn (Sikhara) xây dựng ngoài trời, có những mái cong hình Parabol, chạm trổ rườm rà, cùng những đến tháp Nam Ấn (Vimana và Kutina), có dáng kiểu một hình tháp đáy vuông nhiều tầng. Nổi tiếng nhất trong các đền tháp Bắc Ấn là cụm đền tháp Kharujaho (bang Madya Prades) trước kia có đến 85 ngôi đền sa thạch với một vành đai trang trí phù điêu hết sức độc đáo, khắc hoa muôn cảnh đời thường; trong đó có hình các đôi nam nữ giao hoan ở những tư thế gợi tình táo bạo nhất, phản ánh sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố đạo tâm linh và yếu tố đời phóng dục. Còn cụm đền độc đáo Nam Ấn là khu Mahabalipuram có 5 ngôi đền được đẽo gọt từ những tảng đá nguyên khối, gợi lên hình dáng những chiếc thiên xa (ratha) của những Thần linh đang vượt mây cưỡi gió.

Các đền tháp Ấn Độ, đặc biệt là loại hình đền tháp Nam Ấn thuộc văn hoá Pallava có nhiều ảnh hưởng đến các đền tháp ở Đông Nam Á, trong đó có những tháp Kalan Chàm nổi tiếng ở Trung Bộ Việt Nam. Trong các công trình kiến trúc chùa đền Phật giáo và Hindu, các tượng phù điêu và bích hoạ đã đóng góp một vai trò hỗ trợ trang trí quan trọng. Người ta có thể lấy nhiều loại hình điêu khắc phong phú của các tượng Phật Thích Ca ở những tư thế khác nhau (thuyết pháp, toạ Thiền và nhập Niết bản); các tượng Phật Adi Đà, Phật Di Lặc và các tượng Bồ Tát.

chữ số ấn độ cổ đại

Hình tượng Phật Thích Ca đã được khắc hoạ theo 4 phong cách chính: Gandhara (có pha trộn ảnh hưởng mỹ thuật Hy Lạp), Mathura, Amavarati và Gupta (phong cảnh cổ điển: quanh đầu có vòng hào quang, mắt gần như nhắm thể hiện sự tập trung tư tưởng, dáng người thanh thoát áo cà sa mỏng sát người).

Đạo Hindu cũng có nhiều tượng Thần linh như Visnu ở tư thế nằm trên rắn, thần Ananta giữa mặt biển mênh mông hoặc cưỡi chim thần Garuda, Shiva ở các tư thế toạ thiền, thổi sáo, cưỡi bò thần Nandin, đặc biệt là ở tư thế nhảy múa trên mình quỷ lùn, 4 tay cầm các báu vật, bàn chân giơ lên quanh một vòng lửa. Đây là bức tượng Shiva Nataraja rất phổ biến ở vùng Nam Á.

Ngoài các tượng Thần Phật, điêu khắc Ấn Độ còn nổi tiếng ở các bức phù điêu, chạm nổi và tượng tròn, như các bức phù điêu Ravana lay chuyển núi Kailasa ở Ellora và đặc biệt là bức Ganga giáng trần ở khu đền Mahabalipuram. Đây là một bức phù điêu lớn nhất thế giới chạm khắc vào vách núi dài 27m, cao 7m miêu tả nữ Thần Sông Hằng từ trên trời xuống đem nguồn sống cho hạ giới, với hàng trăm hình người, vật to nhỏ bên nhau, từ con voi khổng lồ đến loài chuột nhắt.

Từ Thế kỷ XIII trở đi, dưới thời các vương triều Delhi và đế quốc Mogol, nền mỹ thuật Hồi giáo đã du nhập vào Ấn Độ và phát triển rực rỡ. Đó là sự hỗn dung giữa các nền văn hóa Ả Rập, Ba Tư và Hindu tạo nên một phong cách đặc biệt. Loại hình chủ yếu của nền mỹ thuật này là kiến trúc và hội hoạ. Người ta tìm thấy rất ít những tác phẩm điêu khắc có giá trị trong thời kì này, vì giáo lý Đạo Hồi cho rằng, Thánh Allah đã lan toả khắp nơi, do đó nghiêm cấm công việc chạm khắc ngẫu tượng.

Loại hình kiến trúc Hồi giáo điển hình ở Ấn Độ là các giáo đường với những vòm cong đồ sộ, những tháp Minaret cao vút và lối trang trí kỉ hà nghiêm lạnh, những lăng mộ vua chúa. Thế kỷ III, ở Delhi đã xây dựng ngọn tháp Ktub-Minar nổi tiếng cao 73m gồm 5 tầng, ốp sa thạch đỏ bên trong có một cầu thang 376 bậc dẫn lên đỉnh ngọn. Cách tháp không xa còn có cột sắt Mirauli cao 7m đúc từ thế kỷ thứ IV, dầm mưa dãi gió bao đời mà vẫn không hề bị han gỉ. Quanh Delhi còn có những công trình kiến trúc Hồi giáo khác như lăng Hoàng đế Humayun, thành đỏ Lan Kila.

Nổi bật nhất trong các công trình kiến trúc Hồi giáo Ấn Độ là toà lâu đài lăng mộ TajMahal xây dựng ở Agra vào Thế kỷ XVII, là vật kỷ niệm của Hoàng đế Sah Jahal đối với người vợ yêu của mình chẳng may mất sớm.

Nền nghệ thuật Ấn Độ trải qua các thời kỳ Phật giáo Hindu và Hồi giáo đã để lại nhiều di tích thắng cảnh cổ kinh tạo nên ấn tượng choáng ngợp trước một thế giới Thần linh trong đó con người hoà tan vào cái siêu nhiên.

Khoa học và kỹ thuật

Từ thời cổ đại xa xưa, Ấn Độ đã có truyền thống là quê hương của một số phát minh về khoa học – kỹ thuật đáng chú ý.

Thời Véda, ngành thiên văn học Ấn Độ đã ra đời, với cách tính thời gian và lịch pháp. Theo đó, một tháng được quy định là 30 ngày, một năm 12 tháng, cứ 4 năm lại có một năm nhuận. Những cuốn sách thiên văn ở Thế kỷ IV, III Tr.CN đã nói lên đến tên gọi của 28 chòm sao, hiện tượng nhật nguyệt thực, chuyển động của các hành tinh, hinh thể khối cầu của Trái đất; nhà Bác học lớn thời đó là Aryabata đã dự đoán về chuyển động của Trái đất tự quay quanh trục của nó.

Về toán học, Ấn Độ là xứ sở đã phát minh ra phép đếm thập phân, kể cả số 0 (2).

Ấn Độ đã sớm có một nền y học cổ truyền, được xây dựng trên nguyên tắc cơ bản là sự thống nhất giữa con người và thiên nhiên. Các nhà danh y Ấn Y Độ thời Cổ như Sakara và Susruta đã nói đến nhiều loại bệnh và phương pháp chữa bệnh (bằng cây thuốc, vệ sinh thân thể, chế độ ăn uống, chữa bệnh bằng nước, điều tiết hơi thở…).

Nền khoa học – kỹ thuật lâu đời của Ấn Độ đã có những quan hệ giao lưu với các trung tâm văn hoá khác như Hy Lạp, La Mã, Ba Tư, Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bầu không khí của các tôn giáo tâm linh, khoa học – kỹ thuật Ấn Độ sau đó đã có phần nào chững lại, ít tạo ra được những chuyển biến lớn.

Văn hoá Ấn Độ với bề dày 5 thiên niên kỷ, là một trung tâm văn minh lớn của nhân loại, ảnh hưởng của nó lan toả đến nhiều nước Đông Nam Á, Châu Á, trong đó có Việt Nam – thể hiện rõ nhất ở phần đất phía Nam với những nền văn hoá Óc Eo (Nam Bộ) và Champa (Trung Bộ). Văn hoá Ấn Độ giàu chất tâm linh và tính nhân văn, có thể ví như dòng Sông Hằng của đất nước Ấn Độ qua lời của Jawaharlal Nehru: “Dòng Sông Hằng chính là hình ảnh tượng trưng của nền văn hoá và triết học lâu đời của Ấn Độ luôn luôn thay đổi, luôn luôn trôi chảy, nhưng trước sau vẫn là cùng một dòng sông ấy”. Dòng sông văn hoá Ấn Độ ngày nay không ngừng chảy ra biển cả, hoà nhập vào đại dương văn hoá mênh mông của nhân loại.

PTS. TS. NGUYỄN THỪA HỶ

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s