Trong các thư văn đề cập đến văn hóa phương Tây chúng ta thường bắt gặp cụm từ “thanh gươm Damocles” nhưng rất ít người biết được nguồn gốc và ý nghĩa của thành ngữ này.
Câu “Thanh gươm Damocles” nổi tiếng bắt nguồn từ một câu chuyện ngụ ngôn đạo đức cổ xưa được nhà triết học La Mã cổ đại Cicero kể lại trong cuốn sách “Tranh luận tại Tusculan” ông viết năm 45 TCN. Nhân vật chính trong câu chuyện của Cicero là vua Dionysius II, một vị quân vương chuyên chế từng cai trị thành phố Syracuse ở Sicilia của Hy Lạp trong thế kỷ thứ năm và thứ tư TCN.
Vua Dionysius II của Syracuse (430-367 TCN) là một người giàu có, thành đạt và rất độc ác. Xuất thân từ một gia đình không mấy khá giả, ông ta bắt đầu sự nghiệp trong vai trò một viên tướng cấp thấp, từng dũng cảm chiến đấu với quân nổi dậy. Chẳng bao lâu sau, do sự yếu kém của các tướng lĩnh cấp cao, thành Syracuse thất thủ và bị người Carthage chiếm giữ. Dionysius cùng các đồng sự cáo buộc các vị chỉ huy cấp cao về tội phản quốc và kích động người dân bầu ra những người chỉ huy khác, trong đó có ông.
Chẳng bao lâu sau, ông được các đồng sự tôn lên làm tổng tư lệnh, nắm quyền sinh sát trong toàn quân. Đến tháng 4 năm 405 TCN, với sự giúp đỡ của quân đánh thuê, Dionysius đã giải phóng thành phố khỏi quân Carthage và ở tuổi 25 đã ngồi lên ngai vàng cai trị thành bang này, rồi chẳng bao lâu sau thì trở thành bạo chúa.
Mặc dù giàu có và quyền lực nhưng Dionysius II lại vô cùng bất hạnh. Do cai trị bằng bàn tay sắt nên ông có rất nhiều kẻ thù, từ đó ông bị dày vò bởi nỗi sợ bị ám sát – đến mức ông phải ngủ trong một căn phòng có hào nước sâu rộng bao quanh và chỉ cho phép các cô con gái ruột cạo râu, cắt tóc cho ông, cấm ngặt các thợ cạo cầm dao cạo đến gần ông. Giống như bất kỳ bạo chúa nào, Dionysius II luôn nhìn thấy những kẻ phản bội và mưu sát trong mỗi một người xung quanh, đến nỗi chỉ dám nói chuyện với mọi người từ một tòa tháp cao.
Để phòng bị, Dionysius II lập một đội vệ sĩ cá nhân gồm hơn 1000 người, được trả lương cao. Trong đội quân đánh thuê, ông bổ nhiệm những người trung thành vào các vị trí chỉ huy và cho xây dựng cung điện hoàng gia cực kỳ kiên cố ở gần khu vực Cảng Lớn ở Syracuse. Người dân không dám phản đối ông ta dưới bất kỳ hình thức nào, sợ bị đàn áp, trả thù.
Một trường hợp được mô tả khi Dionysius chuẩn bị tham gia một trò chơi thể thao đã tháo kiếm của mình đưa cho người vệ sĩ đứng gần nhất. Một vệ sĩ khác nói đùa: “Giao phó cuộc đời đấy nhé”. Người được trao kiếm toét miệng cười. Không ngờ, chỉ vì “trò đùa” này mà Dionysius ngay lập tức ra lệnh xử tử cả hai về tội “hỗn láo”. Tóm lại, Dionysius II luôn sống trong không khí sợ hãi và nghi kỵ.
Đọc thêm
Trong triều đình, Dionysius II có viên cận thần Damocles vốn nổi tiếng có tài xu nịnh. Một ngày nọ, Damocles nói rằng nhà vua là người hạnh phúc nhất trần đời, có cuộc sống người người hằng mong ước. Vị bạo chúa lập tức nghĩ ra một kế hoạch độc lạ, bèn yêu cầu viên cận thần thử đóng vai nhà vua trong ba ngày để trải nghiệm cảm giác sướng vui hạnh phúc như lời y nói. Damocles sẵn sàng đồng ý, vì y rất muốn đắm mình trong cuộc sống xa hoa sang trọng. Theo lệnh của nhà vua, Damocles được mặc những trang phục đắt tiền, nằm trên chiếc giường nạm ngọc của hoàng cung, được phục vụ những bữa ăn đầy sơn hào hải vị và được hầu hạ bởi những cung phi đẹp xinh như tiên nữ.
Tuy nhiên, trong lúc vui vẻ, Damocles vô tình nhìn lên trần nhà và toát mồ hôi lạnh khi nhìn thấy ngay dưới trần nhà một thanh kiếm sắc bén nặng nề treo trên sợi lông đuôi ngựa, chĩa mũi nhọn xuống chiếc giường nạm ngọc mà Damocles dùng để nằm ngủ. Damocles không còn tâm trạng nào để sung sướng và vui vẻ được nữa; y cầu nguyện với tất cả các vị thần rằng sợi lông ngựa có thể chịu được và thanh kiếm sẽ không rơi xuống, đâm xuyên qua ngực.
Damocles cầu xin Dionysus cho phép rời khỏi giường, nhưng bạo chúa nhắc lại rằng chính y đã đồng ý đóng vai nhà vua trong thời gian 3 ngày.
Như vậy, Damocles đã phải sống 3 ngày bên bờ vực cái chết trong nỗi lo âu thắc thỏm thường trực, bất chấp mọi sự xa hoa xung quanh.
Từ đó xuất hiện thành ngữ “Thanh gươm Damocles” mang nghĩa ẩn dụ là mối đe dọa đang rình rập ai đó mặc dù người ấy tưởng chừng đang hưởng mọi sự yên vui, sung sướng…