La Mã Cổ Đại

Cuộc sống của trẻ em thời La Mã Cổ Đại

Cuộc sống trẻ em thời La Mã cổ đại rất khác nhau tùy theo tầng lớp chúng được sinh ra. Tuy nhiên, vẫn có những cơ bản về sinh hoạt và giáo dục

Nguồn: World History

Trẻ em sinh ra tự do ở La Mã Cổ Đại (gọi là ingenuiae) xuất thân từ gia đình công dân La Mã có cuộc sống hoàn toàn khác biệt tùy thuộc vào tầng lớp xã hội. Một ngày trong cuộc sống của những đứa trẻ thuộc tầng lớp thấp kém và những đứa trẻ giàu có hơn là hai thế giới hoàn toàn khác biệt.

Điều kiện sinh hoạt

Ở La Mã Cổ Đại, giống như nhiều thành phố lớn, do không gian xây dựng hạn chế nên nhà ở thường được xây cao tầng để cung cấp chỗ ở cho thật nhiều người. Những khu chung cư đông đúc này, được gọi là insulae, thường có các cửa hàng ở tầng trệt và các tầng trên cao được chia thành các căn hộ. Những gia đình giàu có hơn thường ở các căn hộ rộng hơn ở tầng dưới, trong khi các tầng càng lên cao, căn hộ càng nhỏ và dành cho các gia đình nghèo hơn. Các căn hộ thường chật chội, đôi khi tối tăm và lạnh lẽo, thiếu nước sinh hoạt, không có hệ thống thoát nước và đôi khi phải dùng chung các khu vực nấu nướng. Nhà thơ trào phúng Juvenal (khoảng 55-138 sau CN) từng châm biếm rằng trong thành phố, chỉ có người giàu mới có được giấc ngủ ngon (Sat. 3.236); chỉ những người giàu mới đủ tiền mua sự riêng tư và thoải mái của những căn hộ lớn hơn hoặc một ngôi nhà độc lập (domus) ở ngoại ô thành phố.

Tất cả người La Mã đều bắt đầu ngày mới khi mặt trời mọc hoặc vào khoảng giờ đầu tiên trong ngày. Trẻ em La Mã và gia đình sống trong thành phố sẽ thức dậy trong tiếng ồn ào của đám đông ngày càng đông. Trong tác phẩm Châm Biếm III, Juvenal mô tả thành phố tắc nghẽn, nơi người giàu có thể được khiêng bằng cáng vượt lên trên đám đông, những chiếc xe chất đầy gỗ và đá cẩm thạch lắc lư nguy hiểm giữa dòng người đông đúc. Nhà thơ Martial (khoảng 38 đến 103 sau CN) cũng phàn nàn về tiếng ồn liên tục trong thành phố.

Khi trẻ em và gia đình chuẩn bị cho một ngày mới, họ có thể bắt đầu bằng bữa sáng (lentaculum). Dù người La Mã không nhất thiết phải ăn sáng, nếu có, bữa sáng của một đứa trẻ nghèo có thể chỉ gồm bột mì nấu chín hoặc bánh mì. Tất cả các tầng lớp trong xã hội đều có thể mua thức ăn từ những người bán hàng rong và các cửa hàng thực phẩm, nhưng các gia đình có thu nhập thấp thường xuyên phải phụ thuộc vào các nguồn này hơn.

Lao động trẻ em

Cuộc sống của các gia đình thuộc tầng lớp lao động hẳn là rất khắc nghiệt; tiền lương thấp và đôi khi công việc của họ chỉ mang tính tạm thời. Đối với những gia đình này, con cái họ sẽ phải đi làm từ nhỏ; tuổi thơ rất ngắn ngủi, và nhiều trẻ em phải làm việc vì thu nhập thêm là rất quan trọng với cả gia đình. Rất ít trẻ em nghèo có cơ hội được đi học, mặc dù có một số em may mắn được cha mẹ cho đến trường trong một thời gian ngắn, đủ để học những kỹ năng cần thiết cho công việc sau này. Trong tác phẩm Satyricon của Petronius (được viết vào thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên), một vị khách mời đã mô tả nền giáo dục của mình tập trung vào tính thực tế và hữu ích, tuy nhiên, phần lớn những đứa trẻ nghèo vẫn mù chữ.

Trẻ em được sử dụng trong nhiều lĩnh vực công việc khác nhau. Trên đường phố, ta có thể thấy trẻ rao bán các mặt hàng như trái cây và hoa. Các bé trai đôi khi nối nghiệp cha mình; một người cha làm gương ở Carnuntum đã ghi lại trên bia mộ của con mình rằng cậu bé mười tuổi của ông đã qua đời khi còn đang học nghề làm gương. Người cha này cũng tưởng niệm cô con gái năm tuổi của mình – cô bé cũng bắt đầu phụ giúp cha mẹ (ILS 9094). Các gia đình làm nông thì thường cho con cái làm cùng. Trẻ em có thể được giao những công việc phù hợp với lứa tuổi, bắt đầu bằng việc hái trái cây, nhổ cỏ và đuổi chim.

Một bia một trẻ em La Mã
Một bia một trẻ em La Mã

Một số phụ huynh cho con cái đi học nghề để có triển vọng tài chính tốt hơn so với lao động chân tay chung. Các hợp đồng học nghề yêu cầu độ tuổi khởi điểm là 12 và có thể kéo dài từ sáu tháng đến sáu năm. Các nam thiếu niên học nghề và thủ công có thể học các nghề như dệt, thợ đá, thợ đồng, v.v. Theo bia mộ của mình, cậu bé C. Vettius Capitolinus là một thợ thêu khi qua đời ở tuổi 13 (CIL. VI.6182). Có bằng chứng cho thấy các cô gái cũng được đào tạo trong các lĩnh vực cụ thể như nghề kim hoàn và làm tóc; bé gái chín tuổi, Viccentia, từng là một thợ se chỉ vàng trước khi qua đời sớm (CIL. VI.9213), nhưng nhìn chung, con gái thường làm việc trong nước hoặc bán lẻ.

Trẻ em cũng có thể được tìm thấy làm những công việc kiệt sức và nguy hiểm như khai thác mỏ – nơi mà kích thước nhỏ của chúng trở nên thiết yếu cho một số công việc nhất định. Một số hầm và hành lang trong các mỏ La Mã được khai quật thấp và hẹp đến mức chỉ có trẻ em với các công cụ nhỏ hơn mới có thể làm việc ở đó; chúng sẽ chui xuống các trục để thu thập đá và đưa nó lên bề mặt. Trong Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia Madrid, bia mộ của Quartulus đã cung cấp hình ảnh về một đứa trẻ có thể là thợ mỏ. Quartulus chân trần, mặc một chiếc áo dài rộng rãi, cầm một chiếc cuốc chim và một cái giỏ (CIL. II. 3258).

Nghiên cứu về các vụ tai nạn trẻ em cho thấy một số trong số này có thể liên quan đến công việc, chẳng hạn, một cậu bé đã bị tấn công khi cho bò ăn và một đứa trẻ ba tuổi bị chôn vùi bởi những cọc nhọn khi đang giúp bố mẹ. Hài cốt trẻ em được tìm thấy trong các nghĩa trang cổ đôi khi cho thấy dấu hiệu của lao động chân tay nặng nhọc; hài cốt của trẻ em được khai quật trong một nghĩa trang gần một xưởng giặt và dệt cổ đại bên ngoài Rome cho thấy dấu hiệu của nhiều năm làm việc nặng nhọc.

Giáo dục

Những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình giàu có ở La Mã sẽ sống trong những căn hộ lớn ở thành phố, hoặc trong biệt thự với không chỉ gia đình mà còn cả họ hàng và nô lệ. Trẻ em từ tầng lớp này được kỳ vọng sẽ được học hành bài bản để đảm nhận các vị trí trong xã hội thượng lưu; giáo dục chính thức thường bắt đầu từ năm 7 tuổi.

Một số gia đình thuê gia sư hoặc cho con đi học. Trẻ em trai sẽ được hưởng nền giáo dục La Mã chính thức; cái mà Pliny the Younger (61-112 CE) miêu tả là sự kết hợp giữa đào tạo nghiêm khắc, phép tắc tốt và các tiêu chuẩn đạo đức (Ep. 3.3.3). Trẻ em gái La Mã cũng có thể được học hành đến nơi đến chốn, tuy nhiên, các em đều được hướng tới việc đảm đương vai trò của những nữ chủ nhân thuộc tầng lớp thượng lưu và dự kiến sẽ kết hôn, làm mẹ từ khi còn rất trẻ. Trẻ em được giáo dục bên ngoài gia đình sẽ được người hầu (gọi là paedagogue) đưa đón đến trường, với nhiệm vụ trông nom và đảm bảo an toàn cho con cái họ mỗi khi các em rời khỏi nhà. Một nô lệ cũng có thể đi cùng các em để mang sách vở và dụng cụ học tập. Trẻ em có thể chỉ đi học vào buổi sáng, về nhà ăn trưa (các học sinh lớn tuổi hơn sẽ học thêm cả buổi chiều). Trên đường về nhà, trẻ có thể sẽ có bữa ăn gồm bánh mì, phô mai, ô liu, sung và các loại hạt.

Đọc thêm:

https://lichsu.blog/ai-cap-co-dai-lich-su-va-thanh-tuu-van-minh/
https://lichsu.blog/cha-cua-hoang-de-caligula-ai-la-germanicus/

Vui chơi

Chúng ta có thể hình dung lũ trẻ sau khi đi học về sẽ dành thời gian chơi với thú cưng trong nhà. Mặc dù Pliny the Younger có đề cập đến một đứa trẻ nuôi nhiều thú cưng (Ep. 4.2) và Libanius, nhà hùng biện và giáo viên (314-393 CN), nhớ lại việc nuôi chim bồ câu như một sở thích hồi nhỏ (Or. 1. 4-5), nhiều ý kiến cho rằng trẻ em được nuôi thú cưng thời đó thường thuộc gia đình có điều kiện.

Buổi chiều cũng có thể là cơ hội để bé trai và bố dành thời gian bên nhau. Một trong những hoạt động phổ biến lúc này là cùng đến các khu tắm công cộng. Khu tắm công cộng kiểu La Mã mở cửa cho tất cả mọi người. Hầu hết các thị trấn đều có nhiều tổ hợp tắm; các nhà tắm do nhà nước quản lý, thường lớn hơn các nhà tắm tư nhân và đa dạng tiện nghi giải trí. Không hiếm khi trong các khu phức hợp tắm có cả khu vực chơi bóng, tập thể dục và bơi lội. Sau khi tắm, mọi người có thể mua nước uống và bánh ngọt từ các cửa hàng bên trong.

Bất kể hoàn cảnh xã hội, trẻ em nào cũng chơi đùa. Đây là lúc ta thấy được điểm tương đồng trong cuộc sống của những đứa trẻ thời đó. Trẻ em thuộc tầng lớp lao động phải tranh thủ chơi bất cứ lúc nào chúng có thể, thường là ngoài đường phố. Trẻ em từ các gia đình giàu có sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, chúng có thể chơi giả làm lính hoặc kỵ sĩ đua xe ngựa. Một số đứa trẻ còn được mặc màu áo của đội đua yêu thích (Juv. Sat. 5.143-4). Trò chơi phổ biến với tất cả trẻ em bao gồm trò chơi với xương súc vật, tương tự như trò osselets ngày nay. Xương súc vật thường là xương cừu hoặc xương lợn, hoặc có thể được làm từ những chất liệu đắt tiền hơn như ngà voi, đá, thủy tinh hoặc đá cẩm thạch.

Búp bê làm bằng đất sét, gỗ hoặc ngà voi cũng là món đồ chơi phổ biến, ngoài ra còn có bóng làm từ da nhồi lông hoặc bơm hơi. Những con quay và vòng tròn nhỏ phát ra tiếng leng keng lăn trên phố cũng được trẻ nhỏ yêu thích.

Cuối ngày

Người La Mã có bữa ăn chính, được gọi là “cena”, vào buổi tối. Trẻ em từ các gia đình nghèo thường ăn lúa mì luộc, bánh mì, đậu, tỏi tây và môi cừu. Còn những gia đình khá giả hơn thì có nhiều lựa chọn hơn, bao gồm trái cây, pho mát, trứng, rau, cá và thịt.

Khi ngày tàn, trẻ em La Mã và gia đình họ chuẩn bị đi ngủ. Họ chuẩn bị chậu và bình nước để rửa mặt, đặt các chậu vệ sinh cá nhân ở đúng nơi, dập tắt lửa trong các phòng để sưởi ấm và lấy sáng, cuối cùng là đóng chặt cửa ra vào và cửa sổ.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s