Đế quốc Tây La Mã là thuật ngữ hiện đại dùng để chỉ nửa phía tây của Đế quốc La Mã sau khi bị phân chia bởi hoàng đế Diocletian (trị vì 284 – 305 sau Công nguyên) vào khoảng năm 285/286 sau Công nguyên. Tuy nhiên, bản thân người La Mã thời đó không sử dụng thuật ngữ này.
Vào thời kỳ đỉnh cao (khoảng năm 117 sau Công nguyên), Đế quốc La Mã trải dài từ Ý qua Châu Âu đến Quần đảo Anh, băng qua Bắc Phi, xuống Ai Cập và đến tận Lưỡng Hà rồi ngang qua Anatolia. Đến năm 285 sau Công nguyên, lãnh thổ Đế quốc La Mã đã trở nên quá rộng lớn khiến cho việc điều hành mọi tỉnh thành từ trung tâm chính ở Rome không còn khả thi.
Ngay sau khi lên nắm quyền, Diocletian đã phong cho một đồng sự tên là Maximian (trị vì 285/286-305 sau Công nguyên) làm đồng hoàng đế, từ đó chia cắt đế chế thành hai nửa: Đông La Mã (Đế quốc Byzantium) có kinh đô tại Byzantium (sau này là Constantinople) và Tây La Mã được cai trị từ Milan (trong khi đó, Rome trở thành một kinh đô mang tính “nghi lễ” hay biểu tượng). Mặc dù cả hai nửa đều được gọi là ‘Đế quốc La Mã’, Đông La Mã về sau sử dụng tiếng Hy Lạp thay cho tiếng Latin làm ngôn ngữ chính thức và dần đánh mất nhiều nét đặc trưng vốn có của Đế quốc La Mã truyền thống.
Trong khi Đông La Mã phát triển thịnh vượng thì Tây La Mã gặp nhiều khó khăn và cuối cùng sụp đổ vào khoảng năm 476 sau Công nguyên.
Theo thời gian, Tây La Mã dần trở thành nền tảng của Đế quốc La Mã Thần thánh (962-1806 sau Công nguyên) – được xem như sự hồi sinh các giá trị và trật tự của Đế quốc La Mã ở thời kỳ đỉnh cao. Sự hồi sinh này đầu tiên diễn ra dưới triều đại của Charlemagne (trị vì 800-814 sau Công nguyên), tuy nhiên những người kế vị ông đã không giữ được sự thống nhất. Về sau đế quốc chính thức được thành lập bởi Otto I của Đức (trị vì 962-973 sau Công nguyên). Đế quốc La Mã Thần thánh dần mất đi sự gắn kết và quyền lực, trở thành một thể chế lỗi thời không thể thích ứng để cai trị thời kỳ hiện đại. Đế quốc trở nên ngày càng tham nhũng và kém hiệu quả, cuối cùng tan rã vào năm 1806 sau Công nguyên.
Khủng hoảng của đế chế La Mã
Đế chế La Mã được thành lập bởi hoàng đế đầu tiên Augustus (trị vì 27 TCN – 14 CN) và phát triển quyền lực vững chắc xuyên suốt triều đại của Năm Hoàng đế Hiền Minh, được gọi như vậy nhờ sự thịnh vượng và trật tự mà họ duy trì. Năm Hoàng đế Hiền Minh gồm:
- Nerva (trị vì 96-98 CN)
- Trajan (trị vì 98-117 CN)
- Hadrian (trị vì 117-138 CN)
- Antoninus Pius (trị vì 138-161 CN)
- Marcus Aurelius (trị vì 161-180 CN)
Sau Marcus Aurelius, con trai ông là Commodus (trị vì 180-192 CN) trở thành hoàng đế và làm suy yếu quyền lực của La Mã thông qua sự cai trị buông thả và kém hiệu quả. Sau khi Commodus bị ám sát, La Mã trải qua một năm hỗn loạn (được biết đến là Năm của Năm Hoàng đế). Trong thời gian này, năm người đàn ông khác nhau nắm quyền rồi bị phế truất, cho đến khi Septimius Severus (trị vì 193-211 CN) thành lập triều đại Severan và khôi phục trật tự.
Severus lấy lòng quân đội, nhận ra từ sự kiện Năm của Năm Hoàng đế rằng đó là lợi ích tối cao của một vị hoàng đế. Ông cũng làm giảm giá trị tiền tệ để có thể chi trả lương cho quân đội. Severus tiếp tục củng cố tiền lệ về sự lệ thuộc của hoàng đế vào sự ủng hộ của quân đội, do đó làm tổn hại đến vai trò truyền thống của hoàng đế La Mã.
Năm 235 sau Công nguyên, hoàng đế Alexander Severus (trị vì 222-235 CN) bị ám sát bởi chính quân đội của mình, những người cảm thấy ông không thực hiện những điều vì lợi ích của họ. Điều này đẩy La Mã vào thời kỳ được gọi là Khủng hoảng Thế kỷ thứ Ba (hay Khủng hoảng Đế chế, 235-284 CN). Trong giai đoạn đó, 20 hoàng đế đã đến và đi trong gần 50 năm; một con số đáng kinh ngạc khi so sánh với 26 hoàng đế cai trị trong 250 năm giữa Augustus và Alexander Severus.
Cải tổ của Diocletian
Diocletian lên nắm quyền đã khôi phục lại trật tự, và chia quyền cai trị đế chế cho bản thân ở phía đông và Maximian ở phía tây. Khủng hoảng Thế kỷ thứ Ba đã cho thấy việc La Mã lệ thuộc vào một hoàng đế duy nhất nguy hiểm ra sao, bởi cái chết của vị hoàng đế đó có thể dẫn đến bất ổn. Diocletian cũng hiểu rằng đế chế đơn giản là quá rộng lớn để duy trì sự cai trị hiệu quả bởi một cá nhân. Sau sự phân chia, Diocletian thiết lập chế độ tứ đầu chế – sự cai trị của bốn người – theo đó đế chế được tiếp tục chia thành bốn khu vực riêng biệt.
Dưới triều đại của Constantine Đại đế (324-337 CN), đế chế phát triển thịnh vượng trở lại, nhưng không bao giờ còn gắn kết như dưới thời của Năm Hoàng đế Hiền Minh. Đế chế phía Đông thiết lập các hoạt động thương mại sinh lời và trở nên hùng mạnh, trong khi Đế chế phía Tây gặp khó khăn. Vì hai khu vực có xu hướng xem nhau như đối thủ cạnh tranh, họ hoạt động như những thực thể riêng biệt nhưng vẫn có sợi dây liên kết, phụng sự lợi ích riêng.
Chia tách Đông – Tây
Mặc dù vậy, hai nửa của đế chế vẫn tiếp tục phát triển thịnh vượng như nhau cho đến triều đại của Hoàng đế Theodosius I (379-395 sau Công nguyên) khi các lực lượng bên trong và bên ngoài tác động đến việc chia cắt hoàn toàn. Những yếu tố này bao gồm, nhưng không giới hạn ở:
- Bất ổn chính trị
- Lợi ích riêng của hai bên đế chế
- Cuộc xâm lược của các bộ lạc man rợ
- Tham nhũng trong chính quyền
- Quân đội đánh thuê
- Sự phụ thuộc quá mức vào lao động nô lệ
- Thất nghiệp và lạm phát
- Sự trỗi dậy của Cơ đốc giáo
Chi tiết về các nguyên nhân
Như đã đề cập, Rome phía Đông và phía Tây theo đuổi lợi ích riêng thay vì phối hợp hướng tới các mục tiêu chung. Việc thiếu đoàn kết này đã thúc đẩy bất ổn chính trị, trầm trọng hơn do nạn tham nhũng trong chính quyền, đặc biệt là giữa các nhà chức trách cấp tỉnh, những người lạm dụng chức vụ để kiếm lợi cá nhân. Lính đánh thuê người Goth và Hung trong quân đội La Mã thiếu trung thành với Rome. Họ chiến đấu vì tiền và lại cảm thấy không được đối xử theo vị thế mà họ đáng được nhận. Sự phụ thuộc quá mức vào sức lao động nô lệ đã đẩy những người thuộc tầng lớp thấp ra khỏi công việc và buộc họ phải dựa vào trợ cấp công, cộng thêm chính sách phá giá tiền tệ ban đầu dưới thời Septimus Severus đã trở thành chiến lược của các hoàng đế sau này, dẫn đến lạm phát.
Lòng nhiệt thành của Theodosius I trong việc truyền bá Cơ đốc giáo và tiêu diệt những tôn giáo khác cũng được xem là nguyên nhân góp phần khiến La Mã sụp đổ. Trước đó, hệ thống tín ngưỡng đa thần của người La Mã là một tôn giáo nhà nước, gắn kết với chính quyền La Mã. Các vị thần La Mã tập trung sức mạnh vào sự thành công của Rome; trong khi vị Chúa mới theo Cơ đốc giáo không có mối quan tâm đặc biệt nào đến bản thân thành Rome mà ban phước cho tất cả mọi người.
Các học giả cho rằng bản chất của Cơ đốc giáo đã góp phần làm suy yếu sự gắn kết truyền thống mà tôn giáo đa thần mang lại cho đế chế. Quan điểm này đã gây nhiều tranh luận trong nhiều thế kỷ, nhưng việc Theodosius I đàn áp tôn giáo đa thần là một yếu tố hiển nhiên – vì với tư cách hoàng đế của cả phương Đông và phương Tây, ông có quyền để thống nhất Đế chế La Mã nhưng thay vào đó lại chia rẽ đế chế sâu hơn thông qua sự thiếu khoan dung tôn giáo.
Theodosius I và Sự suy yếu của Rome
Theodosius I lên nắm quyền sau một loạt thất bại nghiêm trọng của Rome. Cuộc chiến tranh Gothic 376-382 sau Công nguyên đã làm suy yếu nặng nề Đế chế phía Tây cho dù các trận chiến liên tục được giao chiến bởi lực lượng từ Đế chế phía Đông. Tại Trận chiến Adrianople năm 378 sau Công nguyên, Hoàng đế phía Đông Valens (trị vì 364-378) đã bị Fritigern (mất khoảng 380) của tộc Goth đánh bại.
Nhiều nhà sử học đồng ý rằng đây là sự kiện đánh dấu khởi đầu cho dấu chấm hết của Đế chế La Mã. Hoàng đế Gratian (trị vì Đế chế phía Tây, trị vì. 367-383) đã phong Theodosius lên làm đồng hoàng đế, và khi Gratian qua đời, Theodosius I trở thành hoàng đế của cả hai nửa đế chế. Cách đối xử của Theodosius I với lính đánh thuê người Goth – đặc biệt là trong Trận chiến Frigidus năm 394 sau Công nguyên – đã kích động vua người Goth là Alaric I (trị vì 395-410) cướp phá Rome vào năm 410.
Điều này hoàn toàn không có nghĩa là sự trị vì của Theodosius I trực tiếp dẫn đến sự kết thúc của Đế chế Tây La Mã. Không chỉ có một nguyên nhân duy nhất cho sự suy tàn và sụp đổ của Rome. Quá trình suy yếu quyền lực và uy thế của Rome đã diễn ra từ lâu trước thất bại của Rome tại Adrianople. Tất cả những thách thức và áp lực này đều lên đến đỉnh điểm vào việc phế truất hoàng đế Romulus Augustulus (trị vì 475–476) bởi vua Germanic Odoacer vào ngày 4 tháng 9 năm 476. Đế chế Tây La Mã sụp đổ cùng với sự trỗi dậy của Odoacer, người đã mở ra một kỷ nguyên mới chứng kiến Vương quốc Ý thay thế quyền lực của Rome ở phương Tây.
Đọc thêm về La Mã cổ đại
Vương quốc Italy và sự sụp đổ của Tây La Mã
Mặc dù năm 476 sau Công nguyên (CN) thường được coi là thời điểm kết thúc của Đế chế Tây La Mã, thực thể này vẫn tiếp tục tồn tại dưới sự cai trị của Odoacer (trị vì 476-493 CN). Về mặt chính thức, Odoacer chỉ đơn thuần nắm quyền thay cho vị hoàng đế bị phế truất Julius Nepos (bị hạ bệ bởi tướng Orestes, người đã đưa con trai của mình là Romulus Augustulus lên ngôi). Do đó, một số sử gia và học giả cho rằng cái chết của Julius Nepos vào năm 480 CN mới thực sự đánh dấu sự chấm dứt của Đế chế La Mã.
Sau cái chết của Nepos, Odoacer sáp nhập vùng Dalmatia, động thái này khiến Hoàng đế Zeno (trị vì 474-475, 476-491 CN) của Đế quốc Đông La Mã quan ngại. Zeno, người cho phép Odoacer cai trị, nhận thấy Odoacer đang hành động quá độc lập và dần trở thành một mối đe dọa đáng kể.
Nghi ngờ của Zeno càng được xác thực khi phát hiện ra Odoacer hậu thuẫn cho đối thủ của ông là tướng Illus, trong một cuộc nổi loạn. Để trấn áp Illus, Zeno đã sử dụng thủ lĩnh người Goth Theodoric (sau được biết đến với tên Theodoric Đại đế, trị vì 493-526 CN). Tuy nhiên, Theodoric sau đó đã chĩa mũi giáo của đội quân đáng gờm này chống lại chính Zeno và Constantinople. Học giả Guy Halsall giải thích:
“Người Goth đe dọa Constantinople và tàn phá vùng Balkan, tuy nhiên không thể chiếm đóng kinh đô. Trong khi đó, Zeno núp sau ba lớp tường thành nổi tiếng của kinh thành khó có thể đánh đuổi họ hoàn toàn khỏi lãnh thổ của mình. Giải pháp lúc này là tìm một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Đó chính là Theodoric cùng người Ostrogoth của mình chuyển đến Ý và loại bỏ ‘bạo chúa’ Odoacer.”
Theodoric tiến đánh Ý vào năm 488 CN, cầm đầu quân đội của mình giao chiến với lực lượng của Odoacer trên khắp khu vực trong suốt bốn năm sau đó. Một thỏa hiệp cuối cùng đã được môi giới bởi John, Giám mục xứ Ravenna, theo đó Odoacer và Theodoric sẽ đồng cai trị. Thế nhưng, tại bữa tiệc kỷ niệm kết thúc chiến sự vào năm 493 CN, Theodoric đã ám sát Odoacer và tự xưng vương.
Triều đại của Theodoric mang lại trật tự và thịnh vượng cho khu vực thông qua luật pháp, các dự án xây dựng và sản xuất lương thực gia tăng. Tuy nhiên, sau khi ông qua đời vào năm 526 CN, những người kế vị không duy trì được vương quốc vững chắc như vậy. Hoàng đế Đông La Mã Justinian I (trị vì 527-565 CN) kiên định đặt quyền kiểm soát lên Vương quốc Ý. Ông gặp phải sự kháng cự lớn nhất từ vị vua Ostrogoth, Totila (trị vì 541-552 CN), người đòi quyền tự trị giống như Theodoric từng giành được từ Rome. Justinian I đã cử vị tướng nổi tiếng Belisarius (khoảng 505-565 CN) đến Ý nhưng ngay cả ông cũng không thể đánh bại hoặc qua mặt được Totila. Cuối cùng, tướng Narses (khoảng 480-573 CN) đã đánh bại Totila tại Trận Taginae vào năm 552 CN, trả lại quyền kiểm soát Ý cho Rome cho đến khi người Lombard xâm chiếm vào năm 568 CN.
Đế quốc La Mã Thần Thánh
Người Lombard gia tăng sức mạnh, thiết lập các công quốc trên khắp nước Ý cho đến khi họ bị đánh bại vào năm 774 sau Công nguyên bởi Charlemagne trong Trận chiến Desiderius. Vào thời điểm này, hầu hết người Lombard đã hòa nhập với người dân Ý và người Frank láng giềng; chiến thắng của Charlemagne chỉ đơn giản là đẩy nhanh quá trình này. Cơ đốc giáo lúc bấy giờ là tôn giáo thống trị của châu Âu. Kể từ khi được hợp pháp hóa và truyền bá dưới thời La Mã, nhiều tín đồ Cơ đốc đã từ chối để khái niệm Đế chế La Mã biến mất. Charlemagne xứ Frank được Giáo hoàng Leo III phong làm Hoàng đế La Mã phương Tây vào năm 800 sau Công nguyên và được giao nhiệm vụ bảo vệ và duy trì thông điệp Cơ đốc giáo.
Chiến Công của Charlemagne
Charlemagne trở thành nhà vô địch Cơ đốc giáo ưu việt thời đại của ông, vừa mở rộng đế chế, vừa phát động các cuộc thập tự chinh chống lại người Saracen Hồi giáo, tương tự như cuộc chiến trước đó của ông chống lại người Saxon ngoại giáo (qua Chiến tranh Saxon từ năm 772-804 sau Công nguyên).
Nhiều câu chuyện và bài thơ, bao gồm cả tác phẩm nổi tiếng Chanson de Roland (Bài ca của Roland), được viết ra ca ngợi Charlemagne và các hiệp sĩ của ông vì những cuộc phiêu lưu hiệp nghĩa nhằm bảo vệ giá trị Cơ đốc giáo. Đế chế Cơ đốc mới này tự nhận là hậu duệ trực tiếp của Đế chế La Mã cũ, chỉ với khác biệt là ủng hộ mục tiêu của Chúa Kitô thay vì một vị hoàng đế cá nhân.
Otto I và Đế Chế La Mã Thần Thánh
Charlemagne đặt nền móng cho đế chế mới, nhưng tương tự các vị vua quyền lực và hiệu quả khác, những người kế vị của ông không thể duy trì năng lực trị vì như vậy và đế chế tan rã. Nó được tái thống nhất bởi Otto I của Đức, người đã noi theo gương Charlemagne tìm kiếm quyền lực thông qua các cuộc thập tự chinh chống lại những người không theo đạo Cơ đốc (trong trường hợp này là người Magyar). Tiếp tục liên kết bản thân với Charlemagne, Otto I tự xưng là hoàng đế của Đế chế La Mã Thần thánh của Đức vào năm 962 sau Công nguyên.
Otto I sau đó tiếp tục các chính sách duy trì một quốc gia Cơ đốc giáo theo tấm gương của Charlemagne trong suốt triều đại của mình và đặt ra tiêu chuẩn cho những người kế thừa ông. Đế chế La Mã Thần thánh tiếp tục tự xem mình có vai trò là một thực thể ủng hộ chân lý Cơ đốc thông qua chiến tranh, cho đến khi trải qua quá trình suy tàn: âm mưu chính trị, tham nhũng, chiến tranh gần như liên tục, và xung đột nội bộ không dứt, dẫn đến tan rã vào năm 1806 sau Công nguyên.
Quan Điểm của Voltaire
Nhà văn nổi tiếng người Pháp, Voltaire, trong Chương 70 của tác phẩm Luận về Phong tục và Tinh thần của các Quốc gia năm 1756 sau Công nguyên, đã lưu ý: “Sự kết hợp được gọi và vẫn tự gọi là Đế chế La Mã Thần thánh này không hề thần thánh, cũng không phải La Mã, cũng không phải một Đế chế”. Các nhà sử học sau Voltaire cũng chia sẻ quan điểm này. Đế chế La Mã Thần thánh chỉ là tên gọi. Sau khi hoàng đế cuối cùng, Francis II, thoái vị, Napoleon đã tháo dỡ cấu trúc chính trị hiện có, và lãnh thổ này rơi vào sự kiểm soát của Pháp thông qua Liên minh sông Rhine.
Tổng kết
Sự suy tàn của Đế chế La Mã và các nguyên nhân đã là chủ đề tranh luận suốt nhiều thế kỷ. Mặc dù hiện nay có sự đồng thuận chung về các lý do, không có hai danh sách nào nhấn mạnh cùng một điểm hay có các lý do giống nhau. Halsall đưa ra một cái nhìn sâu sắc về sự sụp đổ của Tây La Mã khi đề cập đến sự suy tàn của thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên:
“Điều trớ trêu nhất là trong thế kỷ trước đó, gần như không thể xác định một nhân vật nào thực sự cố gắng gây ra sự sụp đổ [của Rome]. Tất cả những hành động quyết định dẫn đến việc hạ bệ Đế chế đều được thực hiện bởi những người đang cố gắng tạo cho mình một vị trí tốt hơn trong kiểu cấu trúc đế quốc đã tồn tại vào thế kỷ thứ 4. Trong một câu châm ngôn nổi tiếng, Andre Piganiol đã viết rằng ‘Nền văn minh La Mã không chết một cách tự nhiên; nó đã bị ám sát.’ Cả hai lựa chọn thay thế đều không đúng. Đế chế La Mã không bị sát hại cũng không chết một cách tự nhiên; đế chế đã vô tình tự sát.”
Đế Chế La Mã “Vô Tình Tự Sát”
Quan điểm của Halstall là, do cố gắng duy trì một hệ thống chính phủ và cấu trúc xã hội không còn khả thi, Rome đã tự đẩy mình vào sự diệt vong. Rome đã “vô tình tự sát” bằng cách bám víu vào một mô hình quá khứ đã hết khả năng hoạt động. Việc các thống đốc tỉnh của La Mã đối xử tệ bạc với người Goth – dẫn đến cuộc nổi loạn của người Goth, các cuộc chiến tranh và Trận chiến Adrianople – chỉ là một ví dụ về điều này. Những kẻ được gọi là “man di mọi rợ” không còn chịu đựng sự đối xử tồi tệ từ phía người La Mã như trong quá khứ và người La Mã nghĩ điều này sẽ vẫn tiếp tục.
Những nỗ lực hồi sinh, bảo tồn và áp đặt mô hình Đế chế La Mã lên một kỷ nguyên không còn chống đỡ nổi nó, nên được xem xét như là một nguyên nhân tiềm ẩn đáng kể cho sự sụp đổ của Rome ở phía Tây. Chính niềm đam mê hồi sinh “những ngày vinh quang” của đế quốc này cũng góp phần làm tan rã Đế chế La Mã Thần Thánh. Thời thế đã thay đổi, con người cũng thay đổi theo, một hình thức chính phủ lỗi thời đơn giản là không có hy vọng tồn tại trong bối cảnh chính trị và xã hội mới.
Các hình thức chính phủ, cũng giống như con người, không thể sinh tồn bằng cách sống mãi với quá khứ mà cần thích nghi với những thách thức của hiện tại và tiến tới tương lai. Đế chế La Mã không có tầm nhìn như vậy nên, giống như bất kỳ thực thể nào bám quá chặt vào quá khứ, nó không thể vượt qua những thách thức – vốn dĩ là cơ hội để thay đổi và phát triển.