Sử Trung Quốc

Đế Chế Mông Cổ: Lịch sử và quá trình bành trướng

Đế quốc Mông Cổ được xây dựng trên lưng ngựa và thiên tài quân sự của các Hãn. Thời cực thịnh, nó trải dài từ đông sang tây

Nguồn: World History
lich su de quoc mong co

Đế chế Mông Cổ (1206-1368) được Thành Cát Tư Hãn (trị vì 1206-1227) thành lập – ông là Hãn vương (“vua của các vị vua”) đầu tiên của dân tộc Mông Cổ. Ông thống nhất các bộ lạc du mục trên thảo nguyên châu Á, xây dựng nên đội quân kỵ binh thiện chiến, nhanh nhẹn, và có chiến thuật đỉnh cao. Thế là, đế chế này thống trị một vùng đất bao la ở Châu Á, trải dài từ Biển Đen đến bán đảo Triều Tiên.

Với khả năng cưỡi ngựa và bắn cung “thần sầu”, người Mông Cổ gần như chẳng có đối thủ ở khu vực Trung Á và các vùng đất xung quanh. Họ đánh bại quân đội ở Iran, Nga, Đông Âu, Trung Quốc, và nhiều nước khác. Con cháu của Thành Cát Tư Hãn chia nhau cai trị các khu vực của đế chế, gọi là tứ đại hãn quốc. Quyền lực nhất phải kể đến nhà Nguyên do Hốt Tất Liệt (trị vì 1260-1279) thành lập.

Cuối cùng, người Mông Cổ dường như hòa vào những nền văn hóa mà họ từng xâm chiếm. Nhiều người cũng bỏ đi tín ngưỡng truyền thống để theo Phật giáo Tây Tạng hoặc Hồi giáo. Điều này cho thấy dân tộc Mông Cổ vừa mất bản sắc, lại còn đánh mất sức mạnh quân sự lừng lẫy một thời. Các hãn quốc đều tan rã vì tranh chấp nội bộ hay bởi các thế lực khác. Mặc dù không tạo ra kỳ quan kiến trúc hay thể chế chính trị nào bền vững, người Mông Cổ vẫn có đóng góp lớn cho thế giới: họ nối liền phương Đông và phương Tây thông qua các con đường thương mại, ngoại giao, và mở ra những hành trình mới cho nhà truyền giáo và các du khách từ Á-Âu đến vùng Viễn Đông.

Du Mục Trên Thảo Nguyên

Người Mông Cổ là những người dân du mục trên thảo nguyên Châu Á, chăn thả cừu, dê, ngựa, lạc đà và bò Tây Tạng. Những bộ tộc này di chuyển theo mùa và sống trong những khu trại tạm thời làm bằng lều nỉ tròn hoặc nhà yurts (gers). Khí hậu của Mông Cổ thường khắc nghiệt, chính điều này tạo nên những bộ quần áo của họ: ấm áp, bền bỉ và thiết thực. Vải nỉ từ lông cừu và lông thú là chất liệu phổ biến nhất để làm quần áo, với kiểu dáng khá giống nhau cho cả nam và nữ: ủng không gót, quần rộng thùng thình, áo khoác dài (deel) thắt lưng da, và một chiếc mũ hình nón có che tai. Trong khi đó, đồ lót được làm từ bông hoặc lụa.

Lều Mông Cổ gọi là yurt
Lều Mông Cổ gọi là yurt

Chế độ ăn của người Mông Cổ chủ yếu dựa trên sữa, với phô mai, sữa chua, bơ và sữa khô (kurut) là thực phẩm chính. Một loại đồ uống có cồn nhẹ, kumis, được làm từ sữa ngựa cái, thường được uống khá nhiều. Vì đàn gia súc quá quan trọng như một nguồn cung cấp sữa, len bền vững, thậm chí cả phân dùng làm nhiên liệu, nên thịt thường có được thông qua hoạt động săn bắn. Trái cây dại và rau củ được thu hái bằng cách kiếm ăn.

Để tích trữ cho mùa đông và cung cấp thịt cho những bữa tiệc đặc biệt như những buổi tụ họp bộ lạc, những cuộc săn đặc biệt được tổ chức. Tại các sự kiện này, một chiến lược được gọi là nerge được sử dụng, ở đó các kỵ sĩ bao quanh một khu vực thảo nguyên rộng lớn và từ từ lùa con mồi – bất cứ thứ gì từ chuột marmot đến sói – vào một khu vực nhỏ hơn, nơi chúng có thể bị giết dễ dàng hơn bởi các cung thủ.

Các kỹ thuật, tổ chức và kỷ luật của lực lượng nerge sẽ phục vụ tốt cho người Mông Cổ khi họ tham chiến. Hầu hết các đặc điểm này của cuộc sống hàng ngày thời trung cổ trong thế giới Mông Cổ vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay bởi những người du mục thảo nguyên trên khắp châu Á.

Mặc dù cuộc sống du mục thường chứng kiến đàn ông làm công việc săn bắn và phụ nữ nấu nướng, nhưng sự phân chia lao động không phải lúc nào cũng rõ ràng, và thường cả hai giới đều có thể thực hiện các nhiệm vụ của đối phương, bao gồm sử dụng cung và cưỡi ngựa.

Phụ nữ chăm sóc động vật, dựng lều và thu dọn trại, điều khiển xe ngựa của bộ lạc, chăm sóc trẻ em, chuẩn bị thực phẩm và tiếp đãi khách. Phụ nữ có nhiều quyền hơn so với hầu hết các nền văn hóa châu Á đương thời khác và có thể cả sở hữu và thừa kế tài sản. Một số phụ nữ thậm chí còn cai trị như những người nhiếp chính trong khoảng thời gian chuyển giao quyền lực giữa các Đại Hãn. Tôn giáo là một khía cạnh trong cuộc sống của người Mông Cổ, nơi phụ nữ cũng đóng vai trò tích cực.

Tín Ngưỡng của Người Mông Cổ

Tôn giáo của người Mông Cổ không có kinh sách hay nghi lễ cụ thể nào. Thay vào đó, niềm tin của họ là sự kết hợp của thuyết vật linh (cho rằng vạn vật đều có linh hồn), tục thờ cúng tổ tiên và Shaman giáo. Họ coi các yếu tố như lửa, đất, nước, núi non, hay các hiện tượng thiên nhiên (như bão) là có linh hồn bên trong. Các Shaman (có thể là nam hoặc nữ) được tin là có khả năng giao tiếp với thế giới linh hồn khi rơi vào trạng thái xuất thần, giúp tìm lại các linh hồn thất lạc và tiên tri tương lai.

Ngoài ra, nhiều tôn giáo khác cũng hiện diện ở Mông Cổ, nổi bật là Thiên Chúa Giáo Nestorian. Từ thế kỷ 14, Phật giáo Tây Tạng (Lạt Ma giáo) trở nên phổ biến hơn, có thể do những yếu tố Shaman tồn tại trong tôn giáo này. Hồi giáo cũng được nhiều người chấp nhận ở các hãn quốc phía Tây.

Quan trọng hơn cả, người Mông Cổ tin vào hai vị thần chính: Nữ thần Đất hoặc Mẹ (Etugen hay Itugen), đại diện cho khả năng sinh sản, và Tengri (Gok Monggke Tenggeri), ‘Trời Xanh’ hoặc ‘Trời Vĩnh Hằng’. Tầng lớp quý tộc tin rằng vị thần Tengri đã ban cho người Mông Cổ quyền thống trị thế giới. Thành Cát Tư Hãn và những người kế vị đã thực thi ý tưởng này một cách tàn khốc, chinh phục gần như toàn bộ lục địa Á Châu và tạo ra đế chế vĩ đại nhất từng xuất hiện trong lịch sử.

Đế Chế Mông Cổ – Công Trình Của Thành Cát Tư Hãn

Các bộ lạc du mục Mông Cổ đã quen với một cuộc sống gian khổ, bản chất cơ động, và được rèn luyện từ nhỏ để cưỡi ngựa và bắn cung. Những phẩm chất này biến họ thành những chiến binh xuất sắc, có thể chịu đựng các chiến dịch dài và phức tạp, di chuyển trên những vùng đất rộng lớn trong thời gian ngắn, và sinh tồn chỉ với nhu yếu phẩm tối thiểu. Ngay cả vai trò của phụ nữ – làm trại và vận chuyển – cũng hỗ trợ đáng kể cho quân đội Mông Cổ, cung cấp hậu cần quan trọng cho các chiến binh. Có lẽ Thành Cát Tư Hãn là nhà lãnh đạo Mông Cổ đầu tiên nhận ra rằng, nếu các bộ lạc và gia tộc có thể đoàn kết, người Mông Cổ sẽ thống trị thế giới.

Sinh ra với cái tên Thiết Mộc Chân vào khoảng năm 1162, Thành Cát Tư Hãn vượt qua tuổi thơ khắc nghiệt bị bỏ rơi và nghèo đói. Ông trở thành một chỉ huy quân sự tài ba dưới trướng Toghril, thủ lĩnh bộ lạc Khắc Liệt. Cuộc đời và thời đại của Thành Cát Tư Hãn được kể trong cuốn “Nguyên triều bí sử”, biên niên sử thế kỷ 13 và là nguồn tư liệu chính đáng tin cậy nhất về đế chế Mông Cổ sơ khai.

Trong khoảng 10 năm từ 1195 đến 1205, Thành Cát Tư Hãn từng bước tự mình xưng hùng, mở rộng lãnh thổ một cách tàn nhẫn – pha trộn giữa ngoại giao, chiến tranh và khủng bố. Nhiều chiến binh đứng trước lựa chọn: theo ông, hoặc là chết. Các bộ lạc như Thát Đát, Khắc Liệt, Nãi Man và Miệt Nhi Khất lần lượt bị khuất phục. Cuối cùng, vào năm 1206, trong một cuộc họp lớn của các thủ lĩnh bộ lạc (kurultai), Thành Cát Tư Hãn chính thức được công nhận là Đại Hãn hay “người cai trị toàn cầu” của người Mông Cổ.

Bản đồ đế quốc Mông Cổ
Bản đồ đế quốc Mông Cổ

Hãn tìm cách hợp nhất lãnh thổ hơn nữa bằng cách biến ngôn ngữ Mông Cổ (trước chỉ được truyền miệng) thành dạng chữ viết, sử dụng chữ viết của người Duy Ngô Nhĩ, đồng thời đưa ra bộ luật lâu dài mang tên Yasa. Thông tin liên lạc được cải thiện đáng kể nhờ việc thành lập hệ thống trạm dịch, nơi sứ giả có thể tiếp tế khi đi khắp đất nước. Đế quốc đã bắt đầu hình thành, nhưng nó sắp trở nên rộng lớn hơn rất nhiều.

Bành trướng: Trung Hoa và Ba Tư

Các lãnh đạo của bộ lạc Mông Cổ vốn đã đạt và duy trì quyền lực của mình bằng cách phân chia chiến lợi phẩm cho những thuộc hạ trung thành. Thành Cát Tư Hãn cũng không khác gì họ. Quân đội Mông Cổ được xây dựng xung quanh một lực lượng nòng cốt gồm 10.000 người, chính là đội cận vệ cá nhân của đại hãn, được gọi là Kesikten. Những chiến binh tinh nhuệ này cũng nắm giữ các vị trí hành chính chủ chốt trên khắp đế chế. Quân đội hùng hậu hơn nữa nhờ nghĩa vụ quân sự bắt buộc với các bộ lạc Mông Cổ và quân trợ chiến từ các đồng minh và vùng lãnh thổ bị chinh phục. Vũ khí tấn công chính là đội kỵ binh hạng nhẹ với các tay cung thiện xạ sử dụng cung tên Mông Cổ đầy uy lực. Ngựa Mông Cổ cũng rất tài giỏi, chẳng những về sự dẻo dai và sức chịu đựng, mà còn về số lượng đông đảo, mang đến cho các kỵ sĩ tới 16 con chiến mã dự phòng, đồng nghĩa với việc một đội quân có thể di chuyển trên những quãng đường dài với tốc độ cực nhanh.

Mục tiêu đầu tiên của Thành Cát Tư Hãn sau khi trở thành Đại Hãn là nước Kim (còn gọi là nhà Kim của người Nữ Chân, 1115-1234) ở phía bắc Trung Quốc. Tốc độ của kỵ binh Mông Cổ kết hợp với chiến thuật gieo rắc kinh hoàng khi xử lý các thành phố bị chiếm đã mang lại hiệu quả cực tốt, buộc nước Kim đang lục đục nội bộ phải rút lui về phía nam. Mục tiêu song hành là nước Tây Hạ của người Đảng Hạng (1038-1227), cũng ở phía bắc Trung Quốc và tương tự, bất lực trước đà tiến công không ngừng của Thành Cát Tư Hãn khắp Đông Á. Mục tiêu thứ ba trong giai đoạn này là nhà Tống ở Trung Quốc (960 – 1279). Giàu có và hùng mạnh hơn các nước láng giềng, nhà Tống tỏ ra khó nhằn hơn, mặc dù Thành Cát Tư Hãn đã cướp phá nhiều thành phố của họ. Nhưng rồi nhà Tống cũng sẽ tới thời tàn… Đến năm 1219, ngay cả Bắc Triều Tiên cũng bị tấn công khi Thành Cát Tư Hãn truy lùng các bộ lạc Khitan ngoan cố đã chạy trốn đến đó.

Tượng Bán Thân Thành Cát Tư Hãn
Tượng Bán Thân Thành Cát Tư Hãn

Dường như có ý định giành lấy danh hiệu “kẻ thống trị toàn cầu”, Thành Cát Tư Hãn quay mũi dùi về phía Tây Á. Từ năm 1218, đế quốc Ba Tư Khwarezm bị tấn công. Một đội quân Mông Cổ với 100.000 chiến binh đã quét sạch và chiếm được những thành phố nổi tiếng như Bukhara và Samarkand. Năm 1221, người Mông Cổ tràn vào miền bắc Afghanistan, năm 1223 một đội quân Nga bị đánh bại tại Kalka, và vùng biển Caspian bị bao vây hoàn toàn khi quân đội khải hoàn. Người Hồi giáo trong khu vực nay gọi Thành Cát Tư Hãn là “Kẻ Bị Nguyền Rủa.” Các thành phố bị phá hủy tan tành tận gốc, dân thường bị thảm sát, thậm chí cả hệ thống thủy lợi cũng bị phá hoại. Thế giới châu Á đã bị đảo lộn trong chưa đầy hai thập kỷ. Thành Cát Tư Hãn qua đời vào ngày 18 tháng 8 năm 1227 vì một căn bệnh không rõ nguyên nhân, nhưng những người kế vị ông đã đảm bảo rằng trật tự thế giới mới của người Mông Cổ sẽ tồn tại lâu hơn nhiều so với người kiến tạo ra nó.

Đánh chiếm châu Âu: Thời Đại Của Oa Khoát Đài Hãn

Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn) đã chia đế chế của mình cho bốn người con trai: Jochi (Truật Xích), Chagatai (Sát Hợp Đài), Tolui (Đà Lôi), và Ogedei (Oa Khoát Đài), mỗi người cai trị một hãn quốc. Nhưng Jochi lại qua đời trước cha mình vào năm 1227. Ogedei trở thành Đại Hãn mới (trị vì 1229-1241) và là người thống trị của tất cả người Mông Cổ. Đế chế thống nhất này tồn tại cho đến năm 1260 CE khi bốn hãn quốc trở nên hoàn toàn tự trị.

Oa Khoát Đài Hãn củng cố bộ máy nhà nước Mông Cổ bằng việc bổ nhiệm các thành viên trong đội vệ sĩ và các đại thần triều đình làm thống đốc khu vực (daruqachi), tiến hành điều tra dân số và áp đặt hệ thống thuế thích hợp (thay vì chỉ tịch thu tài sản đơn giản). Năm 1235, một kinh đô đã được chọn, Karakorum (Qaraqorum) ở Mông Cổ. Hệ thống giao thông trạm phát triển rộng hơn, người ta còn đào và bảo vệ giếng dọc các tuyến đường thương mại, đồng thời cho lực lượng quân sự bảo vệ thương nhân đi lại.

Tạo hình một chiến binh Mông Cổ
Tạo hình một chiến binh Mông Cổ

Về việc chinh phục, Oa Khoát Đài tiếp tục con đường dang dở của cha mình và, với sự giúp đỡ của danh tướng Subutai (Tốc Bất Đài, 1176-1248), còn được gọi là một trong “Tứ Khuyển” của hãn, phát động chiến dịch chống lại nhà Kim vào giai đoạn 1230-1231. Kinh đô Khai Phong của nhà Kim thất thủ vào năm 1233, và chiến dịch năm 1234 dẫn đến cái chết của Hoàng đế Ai Tông (r. 1224 -1234) và sự sụp đổ hoàn toàn của nhà Kim. Triều Tiên cũng bị cướp phá nhiều lần trong giai đoạn này.

Từ năm 1235, Tốc Bất Đài điều phối chiến dịch tấn công toàn bộ Trung Á, chiếm được các thành phố như Tiflis (Tbilisi). Từ năm 1236 đến năm 1242, một đội quân gồm 150.000 người được tổ chức thành năm sư đoàn riêng biệt đã hành quân qua Kazakhstan/Uzbekistan để tấn công Đông Âu xung quanh sông Volga. Chiến thắng đạt được trước người Bulgar, Rus, Ba Lan và Hungary trong nhiều chiến dịch.

Có vẻ như chỉ có cái chết của Oa Khoát Đài vào năm 1241 mới cứu châu Âu khỏi các cuộc xâm lược tiếp theo vì các nhà lãnh đạo Mông Cổ buộc phải trở về Karakorum để bầu ra một hãn mới. Hai vị hãn tiếp theo sẽ là Quý Do Khan (trị vì. 1246-1248) và Mông Kha Hãn (trị vì 1251-1259). Bên cạnh đó, chắc bạn cũng biết đến Hốt Tất Liệt, cháu trai của Thành Cát Tư Hãn, người đã có tham vọng to lớn và đưa các cuộc chinh phục của người Mông Cổ lên một tầm cao mới.

Khốt Tất Liệt – chinh phạt Trung Hoa và Nhật Bản

Khốt Tất Liệt (Kublai Khan) cai trị từ năm 1260 đến 1294. Trước khi lên ngôi, ông đã để lại dấu ấn khi tham gia chiến dịch chinh phạt nhà Tống cùng đại hãn Mông Kha. Dù phải tranh giành ngôi vị Đại Hãn với em trai A Lý Bất Ca (Ariq Boke), Khốt Tất Liệt vẫn giành chiến thắng. Dù đế chế Mông Cổ lúc này bị chia thành bốn hãn quốc, lãnh thổ Khốt Tất Liệt cai quản vẫn là phần giàu có nhất.

Khát vọng của Khốt Tất Liệt còn cao hơn nữa: chinh phục ngôi vị hoàng đế Trung Hoa. Ông lại một lần nữa tấn công nhà Tống, nhưng lần này sử dụng công thành chiến, dùng máy công thành tối tân (kiến thức ông học được từ Tây Á). Trải qua 11 năm, hết thành phố này đến thành phố khác sụp đổ, kinh đô Lâm An thất thủ vào ngày 28 tháng 3 năm 1276, nhà Tống chính thức diệt vong. Ngày 19 tháng 3 năm 1279, sau trận thủy chiến thắng lợi ở Nhai Sơn gần Ma Cao ngày nay, Khốt Tất Liệt dẹp tan tàn dư kháng cự của nhà Tống. Ông đã đạt được điều mà bao đời du mục thảo nguyên trước kia chỉ dám mơ: hạ gục quốc gia Trung Hoa hùng mạnh và giàu có.

Năm 1271, Khốt Tất Liệt xưng đế Trung Hoa, lập nên nhà Nguyên với ý nghĩa là “khởi nguồn” hoặc “trung tâm”. Đại Đô (Bắc Kinh) trở thành kinh đô, còn Thượng Đô ở phía đông bắc là nơi nghỉ mát của hoàng đế. Không chỉ là một nhà chinh phạt, ông cũng rất giỏi trong việc cai trị, chia lãnh thổ rộng lớn thành 12 tỉnh, khuyến khích thương mại, giảm thuế, dùng tiền giấy và cải thiện mạng lưới đường bộ và kênh rạch.

Phân chia bốn Hãn quốc của đế quốc Mông Cổ
Phân chia bốn Hãn quốc của đế quốc Mông Cổ

Tham vọng chinh phạt chưa dừng lại, Khốt Tất Liệt hai lần tấn công Nhật Bản vào năm 1274 và 1281. Hai chiến dịch đều thất bại do sự kháng cự quyết liệt của người Nhật và những cơn bão lớn mà họ gọi là kamikaze (thần phong). Không nản chí, ông tiếp tục mở rộng về phía Đông Nam Á, đánh Việt Nam (1257, 1281, 1286), Miến Điện (1277, 1287) và Java (1292), nhưng kết quả đều không mĩ mãn. Dường như Đế chế Mông Cổ đã đạt đến đỉnh cao của mình, thế kỷ 13 sắp bước vào giai đoạn suy tàn.

Sự Suy Tàn Của Các Hãn Quốc Mông Cổ

Trong khi các Đại Hãn bận rộn với phần phía đông của Đế chế Mông Cổ, các khu vực miền trung và miền tây tự quyết định số phận của chúng. Hãn quốc Kim Trướng (Golden Horde), nằm ở thảo nguyên phía tây Á-Âu, được Batu Khan (mất năm 1255) – cháu trai của Thành Cát Tư Hãn – thành lập khoảng năm 1227. Hãn quốc này tồn tại lâu hơn tất cả, chính thức kết thúc vào năm 1480. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ 14, người Nga và người Litva đã trỗi dậy trong khu vực.

Hãn quốc Y Nhi (Ilkhanate), đặt căn cứ tại Ba Tư, được Hulegu (mất năm 1265), một người cháu trai khác của Thành Cát Tư Hãn, thành lập vào khoảng năm 1260. Hãn quốc liên tục bị Vương triều Mamluk (1261-1517) đe doạ từ phía đông nam và cuối cùng tan rã do tranh chấp nội bộ vào năm 1335. Hãn quốc Sát Hợp Đài (Chagatai Khanate) được thành lập bởi Chagatai (1183-1242), con trai thứ hai của Thành Cát Tư Hãn. Đây là chính quyền Mông Cổ “đậm chất” nhất, khi truyền thống du mục khó mà nhạt phai. Nội bộ lục đục cũng khiến hãn quốc này sụp đổ vào năm 1363.

Tamerlane
Bản đồ đế quốc Tamerlane

Cả ba hãn quốc phía Tây liên tục đánh nhau vì tranh chấp biên giới. Mỗi hãn quốc cuối cùng cũng chấp nhận Hồi giáo làm quốc giáo, nhưng điều này lại trở thành một nguyên nhân khác gây bất đồng trong tầng lớp quý tộc. Lãnh thổ của Hãn quốc Y Nhi và Hãn quốc Sát Hợp Đài cuối cùng bị Timur (Tamerlane1), người sáng lập Đế chế Timurid (1370-1507) thôn tính. Ngay cả nhà Nguyên ở Trung Quốc cũng khuỵu gối trước những cuộc nội chiến quen thuộc giữa các phe phái đối địch. Kinh tế suy yếu, nạn đói và nổi dậy cứ hoành hành, cuối cùng nhà Minh đã thâu tóm Trung Quốc vào năm 1368.

Tóm lại, người Mông Cổ khi xưa đã dễ dàng chinh phục các xã hội định cư, giờ lại trở thành một phần của chúng. Điều đó khiến họ cũng dễ bị lật đổ như bất kỳ chế độ nào khác, bởi những kẻ sẵn sàng nắm bắt ý tưởng và công nghệ mới.

Đế Quốc Mông Cổ: Cầu Nối Phương Đông Và Phương Tây

Nhiều bảo tàng ngày nay hẳn không mấy lưu tâm đến các cổ vật nghệ thuật Mông Cổ, và cũng chẳng có nhiều công trình kiến trúc đồ sộ của người Mông Cổ để lại. Thế nhưng, dân tộc này vẫn ghi dấu ấn đậm nét lên lịch sử trong nhiều khía cạnh khác. Có lẽ, một trong những ảnh hưởng lớn nhất lên văn hóa toàn cầu của họ chính là việc mở ra những kết nối quan trọng đầu tiên giữa phương Đông và phương Tây. Đế chế Mông Cổ – đế chế liền kề lớn nhất lịch sử tính đến thời điểm đó – từng trải dài trên một phần năm thế giới. Chiến binh Mông Cổ từng đối đầu với Hiệp sĩ Teuton ở một đầu lãnh thổ, và chạm trán võ sĩ samurai ở đầu bên kia. Mà cả hai kẻ địch ấy trước đó đều chẳng có chút khái niệm nào về sự tồn tại phía đối phương.

Trước thời Mông Cổ, Trung Quốc và châu Âu luôn xem vùng đất của nhau như xứ sở bí ẩn và đầy quái vật. Khi các sứ thần, nhà truyền giáo, thương nhân và khách lữ hành như Marco Polo (1254-1324) được khuyến khích lưu thông tự do trên khắp châu Á thì giao lưu ngày một tăng. Các ý tưởng và tôn giáo mới được lan truyền mạnh mẽ. Thuốc súng, giấy, kỹ thuật in và la bàn dần trở nên quen thuộc ở phương Tây. Người Mông Cổ cũng đã góp phần ảnh hưởng đến ẩm thực với món hầm Sulen (Shulen) nổi tiếng từ xưa đến nay ở khắp châu Á.

Dĩ nhiên, cũng có những hệ quả chẳng mấy vui vẻ gì, như đại dịch Cái Chết Đen (1347-1352). Bệnh dịch xuất phát từ một vùng hẻo lánh của Trung Quốc, lây lan đến Biển Đen và từ đó sang Venice, tỏa dần ra phần còn lại của châu Âu. Dù vậy, người dân Mông Cổ ngày nay vẫn nhìn lại đế chế xưa với lòng tự hào, như một thời kỳ hoàng kim. Họ vẫn thường xuyên tổ chức nghi lễ ở thủ đô Ulaanbaatar nhằm tôn vinh Thành Cát Tư Hãn, vị vua đặt nền móng cho đế chế oai hùng một thời.

  1. Timur the Lame, còn được gọi là Tamerlane, là một vị vua và nhà chinh phạt người Thổ Nhĩ Kỳ – Mông Cổ, người đã thành lập Đế quốc Timur vào thế kỷ 14. Đế quốc của ông trải dài từ Trung Á đến Ấn Độ, và bao gồm cả các khu vực ngày nay là Afghanistan, Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq. ↩︎
Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s