La Mã Cổ Đại

Augustus Caesar – Hoàng đế La Mã đầu tiên

Augustus là người kế nghiệp nhà độc tài Ceasar, và được nâng lên thành hoàng đế, thiết lập thời đại đế chế trong lịch sử La Mã

bai viet ve augustus hoang de la ma dau tien

Augustus Caesar (27 TCN – 14 CN) là vị hoàng đế đầu tiên và, theo nhiều ghi chép, là vị hoàng đế vĩ đại nhất của Đế chế La Mã. Ông sinh ra với cái tên Gaius Octavius Thurinus vào ngày 23 tháng 9 năm 63 TCN. Octavian được nhận làm con nuôi bởi người chú họ Julius Caesar vào năm 44 TCN, và sau đó lấy tên là Gaius Julius Caesar. Năm 27 TCN, Thượng viện Roma trao cho ông tước hiệu danh giá Augustus (“người lừng lẫy”), và từ đó ông được biết đến với tên đầy đủ Gaius Julius Caesar Augustus.

Bởi vị hoàng đế này được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau trong cuộc đời mình, thông thường sẽ có những quy ước sau để thuận tiện khi nhắc đến các sự kiện:

  • Octavius: Giai đoạn từ 63 đến 44 TCN
  • Octavian: Giai đoạn từ 44 đến 27 TCN
  • Augustus: Giai đoạn từ 27 TCN cho đến khi băng hà vào năm 14 CN.

Tuy nhiên, đáng chú ý là chính bản thân Octavian, không hề sử dụng cái tên Octavian giữa giai đoạn từ năm 44 đến 27 TCN. Thay vào đó ông chọn gắn bó với tên của người chú Julius Caesar để thể hiện sự kế thừa, một quyết định đã dẫn đến lời buộc tội nổi tiếng của Mark Antony như được ghi lại bởi Cicero: “Cậu bé, cậu nợ mọi thứ cho cái tên của mình”.

Tình hình La Mã sau khi Julius Caesar chết

Sau khi Julius Caesar bị ám sát vào tháng 3 năm 44 TCN, Octavian liên minh với người bạn thân và họ hàng của Caesar, Mark Antony. Cùng với một người ủng hộ Caesar khác, Marcus Aemilius Lepidus, Antony và Octavian thành lập Chế Độ Tam Đầu Thứ Hai (The Second Triumvirate) vào tháng 10 năm 43 TCN. Nhiệm vụ đầu tiên của họ dường như là việc thanh trừng có hệ thống bất kỳ đối thủ chính trị nào và giết chết những kẻ ủng hộ cho vụ ám sát Caesar. Những ghi chép cổ đại và hiện đại đều tranh cãi về việc ai trong ba người chịu trách nhiệm nhiều nhất cho các vụ giết người. Một số cho rằng Octavian vô tội trong khi số khác khẳng định ông là người phải gánh chịu nhiều đổ máu nhất.

Sau khi làm trong sạch các thế lực đối lập ở Rome, Chế Độ Tam Đầu Thứ Hai chuyển hướng chú ý đến những kẻ ám sát Caesar. Tại Trận Philippi vào tháng 10 năm 42 TCN, lực lượng của Brutus và Cassius đã bị đánh bại bởi quân đội Tam Đầu Thứ Hai, buộc cả hai kẻ ám sát phải tự sát.

Giữa năm 38 và 36 TCN, Octavian và Lepidus chiến đấu chống lại Sextus Pompeius (con trai của Pompey Magnus, đối thủ vĩ đại của Julius Caesar) để giành quyền cai trị Rome, với Antony trợ giúp từ Ai Cập. Tam Đầu Chế Thứ Hai chiến thắng Pompeius, và Lepidus, ngạo mạn với chiến thắng và tự tin vào sức mạnh của mình, đã xúc phạm Octavian bằng cách ra lệnh cho ông phải rời khỏi Sicily (khu vực diễn ra chiến sự) cùng binh lính. Tuy nhiên, Octavian đề nghị trả cho quân lính của Lepidus nhiều tiền hơn số Lepidus có thể chi, khiến đội quân này đào ngũ sang Octavian. Lepidus bị tước bỏ mọi chức tước ngoại trừ Pontifex Maximus (Đại Tư Tế) và Chế Độ Tam Đầu Thứ Hai chính thức kết thúc.

Augustus, Mark Antony và Cleopatra

Sự Rạn Nứt giữa Octavian và Mark Antony

Tuy nhiên, trong thời gian này, mối quan hệ giữa Octavian và Mark Antony bắt đầu xấu đi. Năm 40 TCN, nhằm củng cố liên minh giữa hai người, Octavian đã gả em gái mình, Octavia Minor, cho Antony. Tuy nhiên, Antony lại liên minh chặt chẽ với Cleopatra VII của Ai Cập (người tình cũ của Julius Caesar và là mẹ của con trai ông – Caesarion) và về sau trở thành người tình của nữ hoàng. Octavian cáo buộc Antony đã ngược đãi em gái mình khi Antony ly dị Octavia để đến với Cleopatra vào năm 33 TCN. Điều này khiến Antony viết cho Octavian: “Điều gì khiến anh khó chịu? Vì tôi ngủ với Cleopatra? Nhưng cô ấy là vợ tôi và tôi đã làm như vậy trong chín năm, không chỉ đơn thuần là gần đây. Liệu có thực sự quan trọng rằng ở đâu, hay với những người phụ nữ nào, để anh có được sự phấn khích của mình?”

Đối với Octavian, hành vi của Antony ở phía Đông, cả về mặt đời sống riêng tư, chính trị và quân sự là không thể chấp nhận được. Ông đã buộc các nữ tư tế của đền thờ Vesta ở Rome giao nộp di chúc của Antony và cho nó được đọc ở Thượng viện La Mã. Bản di chúc để lại các vùng lãnh thổ La Mã cho các con trai của Antony và chứa đựng các hướng dẫn xây dựng một lăng mộ lớn ở Alexandria dành cho Antony và Cleopatra, cùng với các điều khoản khác mà Octavian cảm thấy đe dọa sự vĩ đại của Rome. Chính vì thế, ông lên án Antony là một kẻ phản bội.

Trong số những hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhất của Antony là tuyên bố Caesarion mới là người thừa kế chân chính của Julius Caesar, chứ không phải Octavian. Thượng viện tước bỏ chức quan chấp chính của Antony và tuyên chiến với Cleopatra VII.

Trận Actium và Cái Chết của Antony & Cleopatra

Tại Trận Actium vào ngày 2 tháng 9 năm 31 TCN, lực lượng của Octavian, dưới sự chỉ huy của tướng Marcus Agrippa, đã đánh bại liên quân của Antony và Cleopatra. Quân đội đối phương bị đánh tan tác (nhiều người đã đào ngũ về phía Octavian trước trận chiến) và lực lượng Octavian truy đuổi những người sống sót đến ngày 1 tháng 8 năm 30 TCN. Sau khi mất thành Alexandria, Antony và Cleopatra đã tự sát. Octavian ra lệnh xử tử Caesarion (tuyên bố rằng “hai Caesar là quá nhiều”) và con trai cả của Antony, loại trừ mọi mối đe dọa tiềm tàng đối với Rome.

Augustus trở thành nhân vật số 1

Octavian giờ đây là người cai trị tối cao của Rome và tất cả các vùng lãnh thổ của nó. Tuy nhiên, để tránh lặp lại sai lầm của người cha nuôi – dường như khao khát quyền lực, Octavian đã cẩn thận để thể hiện tất cả các mưu mô chính trị của mình đều vì lợi ích của Cộng hòa La Mã. Vào tháng 1 năm 27 TCN, Octavian khiêm nhường từ bỏ quyền lực của mình, chỉ để nhận chúng trở lại từ Thượng viện biết ơn, cùng lúc đó họ ban cho ông danh hiệu Augustus.

Octavian rất cẩn trọng, không bao giờ công khai gọi mình bằng danh hiệu đó, mà chỉ đơn giản xưng là ‘Princeps’, hay Công Dân Thứ Nhất. Octavian đã khéo léo vận dụng các trò chơi chính trị ở Rome đến mức những lời tuyên bố của ông về việc khôi phục nền Cộng hòa dường như rất nghiêm túc, ngay cả khi ông đạt được quyền lực tối cao, cho phép ông kiểm soát tuyệt đối đối với Rome và các thuộc địa.

Hoàng đế Augustus

Khoảng 19 TCN, Augustus được trao Imperium Maius (quyền lực tối cao) đối với mọi tỉnh thành của Đế chế La Mã, và từ đó ông trở thành hoàng đế tối cao đầu tiên của Rome. Tất cả những hoàng đế về sau đều được đánh giá dựa trên chuẩn mực Augustus đã đặt ra. Đến năm thứ 2 TCN, Augustus được tuyên bố là Pater Patriae (Cha đẻ của Tổ quốc).

Thời kỳ hoàng kim của Augustus

Triều đại của Augustus được xem như một thời kỳ hoàng kim trên mọi phương diện. Pax Romana (Hòa bình La Mã) được Augustus tái lập và duy trì tạo điều kiện cho nền kinh tế, nghệ thuật và nông nghiệp phát triển rực rỡ. Ông tiếp nối những kế hoạch xây dựng do Julius Caesar khởi xướng, tiếp đó là những thiết kế vĩ đại của riêng mình.

Trong bản minh văn nổi tiếng của ông Res Gestae Divi Augusti (Những thành tựu của Augustus Thần thánh), ông tuyên bố đã trùng tu hoặc xây dựng 82 ngôi đền chỉ trong một năm. Những nhà tắm công cộng nổi tiếng của La Mã được xây dựng dưới thời Augustus bởi người cộng sự đắc lực, Agrippa. Nhà thơ Virgil cũng đã hoàn thành sử thi Aeneid dưới sự bảo trợ này. Augustus rất quan tâm đến nghệ thuật và là người bảo trợ cá nhân của nhiều nghệ sĩ.

Những cải cách

Ông đã thực hiện nhiều cải cách toàn diện cũng như các đạo luật để duy trì sự ổn định trong hôn nhân và nâng cao tỷ lệ sinh ở Rome. Ông ra luật cấm ngoại tình, ưu đãi thuế cho các gia đình có hơn ba con và xử phạt các cặp vợ chồng không con. Augustus tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp do chính mình ban hành, ngay cả đến mức trục xuất con gái Julia và cháu gái của mình vì tội ngoại tình.

Băng hà

Augustus mất tại thành phố Nola vào năm 14 sau Công nguyên. Câu nói cuối cùng được công bố chính thức của ông là: “Ta tìm thấy Rome là thành phố của đất sét, và để lại một thành phố bằng đá cẩm thạch,” miêu tả hoàn hảo những thành tựu của Augustus trong suốt triều đại hoàng đế của mình. Tuy nhiên, theo lời vợ ông Livia Drusilla và con trai nuôi Tiberius (trị vì từ năm 14-37), những lời cuối cùng thật sự của ông là “Ta đã diễn tốt vai của mình chứ? Vậy hãy vỗ tay khi ta rời đi.”

Thi thể của Augustus được đưa về Rome, và vào ngày tang lễ, tất cả các cơ sở kinh doanh tại Rome đã đóng cửa để bày tỏ lòng kính trọng đối với vị hoàng đế. Tiberius, người được ông nhận nuôi vào năm 4, trở thành hoàng đế kế vị và đã đọc điếu văn tại lễ tang (cùng với con trai ruột của ông, Drusus). Thi thể của vị hoàng đế được hỏa táng và tro cốt được đặt trong lăng mộ của ông. Cái chết của Augustus được tiếc thương như nỗi đau mất đi một nhà lãnh đạo vĩ đại với tài năng và tầm nhìn to lớn, và ông chính thức được phong làm thần trong ngôi đền La Mã.

5/5 - (2 votes)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s