Châu Âu Trung Cổ

Đế quốc Ottoman

Đế quốc Ottoman là gì? Cai trị thời gian nào, khu vực nào? Và quyền lực của họ mạnh tới đâu? Bài viết này trả lời những câu hỏi ấy.

Lịch sử đế quốc ottoman

Đế chế Ottoman, còn được gọi là Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, là một nhà nước hùng mạnh do Osman, một thủ lĩnh người Thổ ở vùng Anatolia, thành lập.

Đế chế này tồn tại từ năm 1299 đến năm 1922 dưới hình thức đế quốc và sau đó thêm hai năm nữa (1922-1924) dưới hình thức một vương quốc Hồi giáo. Ở thời kỳ đỉnh cao vào thế kỷ 16 và 17, quyền lực của Ottoman trải rộng khắp vùng Anatolia, Tây Nam Âu, Hy Lạp đại lục, vùng Balkan, một phần phía bắc Iraq, Azerbaijan, Syria, Palestine, bán đảo Ả Rập, Ai Cập, một phần Bắc Phi, và những hòn đảo lớn ở Địa Trung Hải như Rhodes, Síp, hay Crete.

Dù là lực lượng quân sự mạnh nhất thời bấy giờ, đế chế này dần suy yếu từ cuối thế kỷ 16 cho đến khi bị thay thế bởi Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại sau Thế chiến thứ Nhất.

Sự Trỗi Dậy

Sự trỗi dậy, giai đoạn hoàng kim, và cả sự sụp đổ của Đế chế Ottoman bắt đầu từ thế kỷ 11. Người Thổ Seljuk, những tín đồ Hồi giáo Sunni từ vùng thảo nguyên châu Á, đã chinh phục các vùng lãnh thổ kéo dài từ Ba Tư đến Anatolia, đánh bại Đế chế Byzantine tại trận Manzikert vào năm 1071. Theo thời gian, một số vương quốc nhỏ (beylik) của người Anatolia nổi lên. Osman, người cai trị Bithynia, dần mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua các cuộc xung đột với người Byzantine. Cuối cùng, ông bao vây và chiếm thành Prusa (Bursa) vào năm 1326.

Những vị vua kế vị Osman tiếp tục mở rộng lãnh thổ Ottoman, và thống trị cả Anatolia lẫn phần lớn châu Âu vào cuối thế kỷ 14. Dù người châu Âu đã cố gắng chống lại, đặc biệt là trong các trận Kosovo (1389) và Nicopolis (1396), người Ottoman vẫn không bị khuất phục cho đến khi họ hứng chịu thất bại trước đội quân Timurid của Timur gần Ankara vào năm 1402.

Tuy nhiên, các cường quốc phương Tây không thể tận dụng thời cơ này, dẫn đến một cuộc nội chiến gọi là thời kỳ Ottoman Interregnum hay “thời kỳ hỗn loạn” (1402-1413). Mehmed I, con trai của Sultan Bayezid I, giành chiến thắng và thống nhất lại đế chế Ottoman, khiến ông được xem như vị vua “sáng lập” thứ hai của đế quốc này. Mehmed I khôi phục lại biên giới Ottoman và, vào năm 1453, cháu trai của ông, Mehmed II – “Nhà chinh phạt”, chiếm được Constantinople, thành trì cuối cùng của Đế chế Byzantine, củng cố sự thống trị của Ottoman.

Thời đỉnh cao

Sau khi thâu tóm Constantinople và biến nơi này thành kinh đô mới, Mehmed mở đường cho vô số chiến dịch quân sự, đưa sức ảnh hưởng của Đế chế Ottoman vươn xa về cả phía đông lẫn phía tây. Những vùng lãnh thổ như Serbia, Hy Lạp, và Bosnia lần lượt nằm dưới sự kiểm soát của Ottoman. Ở phía đông, Mehmed khuất phục Trebizond (Trabzon) vào năm 1461. Không những vậy, ông còn thu phục được lòng trung thành của Crimean Tatars (1441-1783) trong năm 1475, củng cố sự thống trị của đế chế Ottoman trên khu vực Biển Đen hàng thế kỷ sau đó.

Dưới thời Selim I, cháu trai của Mehmed, người Ottoman chuyển hướng tập trung về phía đông. Selim nhằm vào Triều đại Safavid của Iran (1501-1736) và Vương quốc Mameluke của Ai Cập (1250-1517). Ông giáng một thất bại nặng nề cho quân Safavid năm 1514 nhưng không truy đuổi tới cùng. Tuy nhiên, Mameluke đã hoàn toàn sụp đổ năm 1517.

Việc xâm chiếm Mameluke mang đến cho Ottoman quyền cai trị các thành phố linh thiêng của Đạo Hồi như Mecca, Medina, và Jerusalem, giúp họ xưng danh Caliph của thế giới Hồi giáo. Xung đột giữa Ottoman và Safavid kéo dài tận ba thế kỷ sau đó, với lãnh thổ ở Iraq và Azerbaijan đổi chủ liên tục cho đến khi hiệp định hòa bình được ký năm 1847.

Suleiman I, con trai của Selim, được tôn vinh là nhà cai trị lừng danh nhất thời Ottoman, mang danh Kanuni (Nhà làm luật) ở phía đông và the Magnificent (Đấng vĩ đại) ở phương tây. Ông gặt hái được nhiều thắng lợi quân sự quan trọng như đoạt thành Belgrade năm 1521, chiếm đảo Rhodes năm 1523. Trận đại thắng trước Hungary ở Mohács năm 1526 gây mất ổn định cho khu vực và khẳng định uy thế tối cao của Ottoman, đồng thời kiềm hãm tầm ảnh hưởng nước Áo. Ở Châu Phi, Algiers chấp nhận quy phục Selim năm 1517, trong khi Tunis rơi vào tay Ottoman năm 1534 dưới thời Suleiman.

Suy tàn

Sau cái chết của Suleiman Đại đế trong một chiến dịch ở Hungary năm 1566, Đế chế Ottoman bước vào giai đoạn chuyển mình khi người con trai duy nhất còn sống của ông – Selim II – lên ngôi. Nhiều sử gia cho rằng đây là dấu mốc bắt đầu sự suy tàn của đế chế. Dù trong mấy chục năm sau đế chế vẫn có mở rộng đôi chút thì thực lực quân sự, hải quân không còn được như xưa nữa. Một số vùng đất quan trọng như Yemen (1567-1570), đảo Síp (1570), Tunis (1574), Fez ở Ma-rốc (1578), Crete (1669), và Podolia ở Ukraine (1672) là những vùng lãnh thổ lớn cuối cùng được thêm vào đế chế.

Năm 1683, quân đội Ottoman thua tan tác trước cuộc vây hãm Vienna, uy danh quân sự sụp đổ theo. Kể từ đó, năm 1699, đế chế Ottoman rơi vào thế yếu, phải cầu hòa vì bị xâm lăng tập thể. Các cường quốc như Áo, Ba Lan, Nga và Venice nhân cơ hội này ép Ottoman phải nhượng bộ lãnh thổ rộng lớn ở châu Âu.

Mất đất chỉ là bước khởi đầu cho những ngày tháng lụi tàn. Người Nga đánh bại Crimean Tatar năm 1783, làm chủ khu vực phía Đông Biển Đen. Cách mạng Hy Lạp (1821-1829) châm ngòi cho các phong trào giành độc lập ở Bulgaria, Serbia, Montenegro và Romania – đến cuối thế kỷ 19, các nước này đều không còn thuộc quyền cai trị của Ottoman. Ai Cập giành quyền tự trị trong thập niên 1830 và rơi vào tay người Anh trong thập niên 1880. Vùng đất Pháp chiếm Algérie vào năm 1830 và Tunis năm 1881. Cuộc chiến tranh Ottoman – Ý năm 1911-1912 kết thúc với việc đất đai cuối cùng ở châu Phi – Libya – bị Ý thôn tính.

Sultan Abdul Hamid II (trị vì 1876-1909) cố cải cách đế chế nhưng gây nhiều tranh cãi vì liên quan đến các cuộc thảm sát người Armenia trong thập niên 1890 (được xem là hành động báo trước cuộc diệt chủng người Armenia từ 1914-1923). Bị đảng Thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ phế truất năm 1909, sự ra đi của Abdul Hamid cũng đánh dấu các vị vua nhà Ottoman chỉ còn đóng vai trò bù nhìn, còn đế chế thì tiếp tục tàn lụi.

Sự tham gia của đế chế Ottoman trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918) phe với phe Liên minh Trung tâm (Đức, Áo -Hung) càng đẩy nhanh sự diệt vong. Sau khi thua trận, lực lượng dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ do Mustafa Kemal dẫn đầu đánh trả xâm lược Hy Lạp trong Chiến tranh giành độc lập Thổ Nhĩ Kỳ (1919-1923). Đế chế Ottoman bị bãi bỏ vào năm 1922, vị vua Ottoman cuối cùng là Abdulmejid II chỉ còn vai trò tượng trưng Caliph của Hồi giáo trong hai năm trước khi bị chính Kemal khai trừ hẳn.

Chính quyền Ottoman

Từ triều đại của Murad I (1362-1389), người đứng đầu Đế chế Ottoman được biết đến với danh hiệu Sultan, một danh xưng nặng tính tôn giáo. Danh hiệu này đã được sử dụng bởi nhiều vị vua khác nhau trên khắp thế giới Hồi giáo thời trung cổ, và thường được hợp pháp hóa bởi sự công nhận của Caliph (lãnh đạo tinh thần của cộng đồng Hồi giáo). Mặc dù về mặt lý thuyết thuộc quyền của Caliph, Sultan sở hữu quyền lực và sự độc lập thực tế, thường vượt trội hơn cả Caliph.

Tuy có một hội đồng cố vấn gồm các tể tướng (vizier), hay còn được gọi là paşa hay pasha, những người hỗ trợ và đôi khi thậm chí thay thế Sultan trong các vấn đề chính trị, nhưng quyết định của Sultan được coi là tối thượng. Các tể tướng này, cùng với các quan chức cấp cao khác, thường được chọn từ những sĩ quan đầy triển vọng của quân đoàn Jannisary ưu tú, chủ yếu là lính nghĩa vụ từ vùng lãnh thổ Balkan bị chinh phục. Đại tể tướng (vizier), hay thủ tướng, giữ vị trí trực tiếp dưới quyền Sultan và thường đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố quyền lực của Sultan.

Gia tộc Köprülü giữ ghế đại tể tướng liên tiếp từ năm 1656 đến 1703, cho thấy tầm ảnh hưởng to lớn của họ.

Mặc dù là người cai trị tối cao, người Ottoman vẫn cho phép các nhà lãnh đạo địa phương duy trì quyền tự trị để đổi lấy lòng trung thành. Trong nhiều trường hợp, các hệ thống quản lý địa phương, đặc biệt là ở vùng Balkan, được bảo lưu dưới sự cai trị của Ottoman.

Chế độ kế vị ngai vàng của Đế chế Ottoman theo kiểu “mạnh được yếu thua”. Hoàng tử tài năng nhất (tiếng Thổ là Şehzade) mới được lên ngôi. Ban đầu, các hoàng tử được phân chia trông coi các khu vực khác nhau để tích lũy kinh nghiệm cả quân sự lẫn chính trị. Nhưng rồi truyền thống này cũng tàn lụi vì tính cạnh tranh khốc liệt giữa những người tranh ngôi, thường xuyên dẫn đến anh em tương tàn.

Đến đời vua Selim II (1566-1574), khi các Sultan dần dần chìm đắm trong chốn hậu cung, thói tham nhũng, độc đoán, và ưu ái người thân bắt đầu lan tràn trong triều đình. Người kế vị thiếu kinh nghiệm thực tế, tạo điều kiện cho quan lại, lực lượng cận vệ, thậm chí là các bà hoàng thao túng Sultan. Những mưu mô trong cung cấm cứ thế mà lũng đoạn chính sự. Vào thế kỷ 17, các Hoàng Thái Hậu (Valide Sultan) còn trực tiếp nắm quyền khi con trai còn nhỏ, nổi tiếng nhất là Kosem Sultan, vợ vua Ahmed I (1603-1617).

Các vị vua sau này cũng tìm cách chấn hưng đế chế. Abdulmejid I (1839-1861) đưa ra cải cách Tanzimat (1839-1876), mong muốn mang lại một số quyền cơ bản như bình đẳng và tự do tôn giáo, đồng thời tái cấu trúc nền tài chính của Ottoman, cố gắng thúc đẩy tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa dân tộc thế tục muốn chính phủ kiểu châu Âu hơn, dẫn đến thời kỳ Hiến pháp đầu tiên (1876-1878), khá ngắn ngủi vì vua Abdul Hamid chống lại cải cách tự do.

Abdul Hamid bị lật đổ vào năm 1909, mở ra thời kỳ Hiến pháp lần thứ hai (1908-1920). Lúc này các Sultan chỉ còn là bù nhìn, bị khống chế bởi các quan đại thần nắm quyền, đặc biệt là đảng Thanh Niên Thổ Nhĩ Kỳ, cầm đầu bởi “Bộ Ba Pasha” (Mehmed Talat, Enver, và Ahmed Cemal). Chính bộ ba này là chủ mưu của cuộc diệt chủng người Armenian (1914-1923), một vết nhơ lớn trong lịch sử đế chế.

Tôn giáo trong đế quốc Ottoman

Đế quốc Ottman lấy đạo Hồi làm gốc. Các Sultans phải bảo vệ tín đồ và có trách nhiệm xiển giáo. Tuy nhiên, đế quốc Ottoman lại rất bao dung với các tôn giáo khác. Như sử gia Stephen Turnbull đã nhận xét:

“Tín đồ Ki-tô giáo dưới sự cai trị của nhà nước Hồi giáo được đối xử khoan dung hơn so với chính các giáo hội Ki-tô giáo đối với nhau. Tuy nhiều nhà thờ bị tịch biên và chuyển đổi thành đền thờ Hồi giáo, và số còn lại bị hạn chế hoạt động. Nhưng như thế vẫn còn là được đãi ngộ, nếu so với viễn cảnh bị các nước phương Tây theo Ki-tô giáo chinh phạt. Có một học giả Byzantine từng viết ‘Chiếc khăn xếp của Sultan vẫn tốt hơn mũ Mitra của giám mục’”. (75-76)

Điển hình như vua Bayezid II (1481-1512) từng chào đón những người Do Thái bị Tây Ban Nha trục xuất năm 1492. Trong khi ấy khắp châu Âu thời Trung Cổ đều ngược đãi dân tộc này. Vua Mehmed – Nhà Chinh Phạt – còn có hẳn một tuyên ngôn bảo đảm an toàn và tự do tôn giáo dành cho Ki-tô giáo trên lãnh thổ của ông.

Nhưng trong dòng chảy lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có những giai đoạn cực đoan và bất khoan dung tôn giáo, sắc tộc hay chủ nghĩa dân tộc. Những cuộc thảm sát tù binh đẫm máu được đi tiên phong bởi Bayezid I (1389-1402) sau Trận Nicopolis (1396), các vụ cướp bóc tài sản trong những thành phố bị đánh chiếm, hay thậm chí là nạn diệt chủng người Armenia bản địa từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, đều là vết nhơ trong lịch sử nước này.

5/5 - (1 vote)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s