– Các tổ chức chính trị, xã hội, văn hóa… dưới các triều đại Hạ – Ân – Chu.
– Các học thuyết cổ điển của Trung quốc (Khổng tử, Lão Tử, Trang Tử, v.v…)
Để biết trình độ của dân tộc Việt Nam chúng ta vào thời thượng cổ thế nào, ta có thể lấy cái văn minh của Trung Quốc cũng trong thời kỳ này làm mực thước để đo lường. Và cũng ở điểm này ta tìm hiểu ảnh hưởng của Trung Quốc bắt đầu lan tràn sang đất Việt qua các biến thiên của Lịch Sử.
Về chính trị, Trung Quốc khởi đầu tổ chức quốc gia và chính trị bằng chế độ phong kiến khi người Hán còn là các bộ lạc dã man, lạc hậu rải rác khắp các nơi trên lãnh thổ Trung Hoa. Trải qua thời kỳ man mọi và du mục, dân tộc Trung Quốc thượng cổ đã biết làm nhà cửa để ẩn náu, chế tạo ra dụng cụ cần thiết, tìm ra mọi phương kế nông nghiệp, sáng lập ra chữ viết để phô diễn ý tưởng tâm tình, các công cuộc văn hóa, chính trị, kinh tế bắt đầu thành hình, tiến triển và đi dần đến chỗ thống nhất.
Trung Quốc rộng lớn mênh mông đã chia ra nhiều địa phương. Mỗi địa phương có một lĩnh tụ cắt cử, và chịu uy quyền của một vị lãnh tụ lớn nhất mà họ tôn thờ là vị Hoàng Đế hay Thiên Tử. Các lãnh tụ nhỏ giờ đó là các chư hầu phải chịu mệnh lệnh của Thiên Tử. Vào thời thái cổ chư hầu có hàng ngàn nước. Đó là tình trạng dưới đời vua Đại Vũ nhà Hạ, nhưng đến vua Vũ Vương nhà Chu các chư hầu đã bớt đi nhiều lắm nghĩa là chỉ còn độ 800 nước. Cho đến đời nhà Tần việc thống nhất được thực hiện sau bao nhiêu cuộc nội chiến liên miên khiến dân chúng lầm than, điêu đứng hết chỗ nói. Cuộc nội chiến này bắt đầu từ đời Tam Đại (đời nhà Hạ, nhà Ân và nhà Chu).
Vũ Vương nhà Chu dẹp được Trụ Vương nhà Ân số chư hầu còn lại là 70 chia ra làm 5 bậc: công, hầu, bá, tử, nam. (Xin coi việc ấn định quyền lợi và trách vụ của họ ở trang sau đây).
1- Xã Hội Và Văn Hóa
Trung Quốc phát triển trước hết về nông nghiệp. Đến đời Hoàng Đế (2704 trước Thiên Chúa) nhân dân đã có đầy đủ các thứ cho đời sống hàng ngày (các thứ ăn uống, mặc, ở, dụng cụ sinh sản) biết làm nghề nhuộm, phát minh thuyền bè, xe cộ, chế tạo cung tên, chầy, cối, v.v…
Đờ i Hoàng Đế có đặt quan Đào Chánh để điều khiển việc làm đồ gốm, quan Mộc Chánh trông nom việc làm các đồ gỗ để cung ứng mọi sự cần thiết xã hội. Hoàng Đế biết dùng đồ gỗ dể dựng nhà cửa. Vợ Ngài là Lão Tổ dạy dân chăn tầm, ươm tơ.
Từ đời Hoàng Đế trở về sau nền văn hóa Trung quốc cũng xuất hiện và tiến triển dần. Qua đời Đường Ngu (2356 trước C.L.) áo quần có vẽ mầu nghĩa là từ sự cần che thân, người ta đã tiến đến sự trang điểm. Đời vua Hạ Vũ đã có khoa trị thủy, có dây làm mực, có thước để đo. Mọi thứ bắt đầu lìa bỏ sự thô sơ để trở nên hoàn bị và có mỹ thuật. Nghệ thuật kiến trúc phát đạt mạnh cho nên đời Hạ Khải có Điếu Đài Toàn, đời vua Hạ Kiệt có Khuynh Cung Dao Đài, đời vua Thương Trụ có Lộc Đài tức là những cung điện nguy nga để yến tiệc chơi bời, chớ chẳng phải chỉ để che mưa gió như thuở trước.
Khi văn tự chưa phát minh, để ghi nhớ công việc người ta chỉ biết thắt nút. Đời Phục Hi đặt ra tám quẻ Càn, Khôn, Tốn, Chấn, Khảm, Ly, Cấn, Đoài (bát quái) để chỉ Trời, đất, gió, sấm, nước, lửa, núi, đầm. Dần dần người ta lấy dấu hiệu thay cho việc thắt nút. Tục truyền đời Hoàng Đế có Thương Hiệt dùng móng thú và dấu chân chim in trên đất, cát để đặt ra văn tự. Văn tự dần dần lại theo lối tượng hình nghĩa là ghi chép hình ảnh của sự vật mà đặt thành chữ.
Cũng từ đời Hoàng Đế người ta dùng Giáp Tý để tính năm tháng và phát minh bói toán (bói cỏ thi). Xét như vậy, giống Hán đã có một nền văn hóa khá cao 27 thế kỷ trước khi Thiên Chúa Giáng Sinh.
2- Trật Tự Xã Hội, Gia Đình
Gi ữ quyền chúa tể trong thiên hạ là Thiên Tử. Thiên Tử có địa vị độc tôn, vô thượng. Theo quan niệm Á Đông, Thiên Tử thay Trời trị dân. Dưới Thiên Tử là các chư hầu được đặt theo cấp bậc: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam và được lĩnh phần thái ấp. Thiên Tử có ngàn dậm đất. Công, Hầu được trăm dậm. Bá được bảy chục dậm. Tử, Nam được năm chục dậm.
Thiên Tử có vạn cỗ xe, chư hầu được ngàn cỗ trở xuống. Có nhiều xe thì có nhiều binh vì xe dùng vào việc chiến tranh.
Y phục của vua, chúa cũng có sự phân biệt. Vua mặc áo màu vàng thêu rồng (hoàng bào) các chư hầu và các quan chức dùng màu khác.
Đế n phi hậu cũng có sự ấn định rõ rệt: Thiên Tử có Đông Cung và Tây Cung và mười hai cung phi (nhưng đến Tần Thủy Hoàng cung A Phòng đã chứa đến ba ngàn mỹ nữ). Chư hầu có chín người.
Thiên Tử được riêng quyền cúng tế trời đất và có những nhạc dùng cho lễ nghi triều trung của Thiên Tử.
Các ch ư hầu hàng năm phải tiến cống Thiên Tử nhân tài, mỹ nữ, báu vật. Mỗi khi Thiên Tử đi chinh phạt, chư hầu có bổn phận đi theo đánh giúp hay tiếp tế binh lính, quân lương.
Dưới chư hầu có các quan đại phu cũng là những nhân vật quan trọng dưới chế độ phong kiến, họ cũng được hưởng quyền thế tập được chia đất, nhưng sau này đại phu được lựa chọn trong đám người hiền vua biết đến hay có người tiến dẫn.
Gia đình của người Trung Quốc thời cổ cũng đã chịu một trật tự nghiêm minh. Ông nội hay người cha là chủ, phụ trách việc khói hương, ra các mệnh lệnh cho mọi người theo. Kế tiếp ông hay cha là người con trưởng hay cháu trưởng (đích tôn). Cha mất, quyền trong gia đình qua tay người con cả, dầu có mẹ hay chị lớn (quyền huynh thế phụ). Đây là một nguyên tắc.
Thường dân chia ra 4 giới: Sĩ, Nông, Công, Thương và không có giai cấp nô lệ như ở La Mã và ở nhiều xã hội Âu Châu. Nhà Nông cũng được trọng như kẻ Sĩ nhưng Thương nhân thì bị khinh khi do đó có sự hạn chế mặc áo đẹp, ở nhà lớn.
Làm dân ph ải trung với Vua, vì Vua là tiêu biểu cao quý nhất cho quốc gia. Bất trung với Vua tức là phạm tội phản quốc. Bất hiếu với Cha Mẹ, tội cũng lớn vào bậc nhất và phải trọng hình…
Việc Quan Chế
Nhà Hạ đặt chức tam công là ba chức lớn nhất triều đình — cửu khanh, 27 đại phu và 81 nguyên sĩ.
Nhà Ân đặt hai quan tướng, sáu quan Thái: Thái Tể, Thái Tôn, Thái Sư, Thái Chúc, Thái Sĩ, Thái Bốc — năm quan: tư đồ, tư mã, tư không, tư sĩ, tư khấu — sáu phủ: tư thể, tư mộc, tư thủy, tư thảo, tư khí, tư hỏa — sáu công: thổ công, kim công, thạch công, thủy công, thú công và thảo công.
Đến nhà Chu có sự canh cải chút ít. Chu Công đặt ra sáu quan: thiên quan, địa quan, xuân quan, hạ quan, thu quan, đông quan. Dưới quyền mỗi quan có 60 thuộc quan. Đứng đầu thiên quan là chức Chủng Tể (sau này tức là chức Tể Tướng) coi tất cả mọi việc chính trị và lý tài trong nước và kiểm soát cả mọi việc trong cung. Đứng đầu địa quan là chức Đại Tư Đồ trông nom các việc thương, việc nông, việc giáo dục và cảnh sát.
Đứng đầu xuân quan là chức Đại Tôn Bá coi việc tế, tự, triều, sính, hội đồng, v.v… Đứng đầu hạ quan là chức Đại Tư Mã coi việc quân sự đánh dẹp, giữ trật tự trong nước.
Đứng đầu thu quan gọi là Đại Tư khấu coi việc dân sự, kiện tụng.
Đứng đầu đông quan là Đại Tư Không, giữ việc khuyến khích công nghệ, nông nghiệp, thổ mộc.
Trên sáu quan có tam công là: Thái s ư, thái phó, thái bảo và tam cô: thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo có nhiệm vụ trông coi, kiểm điểm, đặt để đường lối chính trị trong nước và không dự việc hành chánh.
Pháp Chế
Đờ i thái cổ có 5 hình để trừng phạt các tội nặng nhất — ngoài ra có tội phải xử trị bằng roi da và tội lưu. Qua đời Hạ, Ân, Chu đặt thêm tội chặt chân, gọt đầu và tội đồ, và cuối đời nhà Chu vì sự biến loạn mỗi ngày một nhiều, nhà vua đặt thêm tội bêu đầu, xé xác, lăng trì, mổ muối, v..v..
Binh Chế
Tới nay không có sách nào nói rõ về tổ chức quân sự đời nhà Hạ và nhà Ân. Dưới thời nhà Chu, người ta đặt 5 tên lính là một ngũ — 5 ngũ là một lượng — bốn lượng (100 người) thành một tốt — 5 tốt thành một lữ — 5 lữ thành một sư — 5 sư (12500) thành một quân.
Quân có quan M ạnh Khanh làm Tướng.
Sư có quan Trung Đại Phu làm Súy.
Lữ có quan Hạ Đại Phu cũng làm Súy.
Tốt có quan Thượng Sĩ làm Trưởng.
Lượng có quan Trung Sĩ làm Tư Mã.
Thiên T ử có 6 quân. Chư hầu nào lớn có 3 quân. Chư hầu vừa có 2 quân. Chư hầu nhỏ có 1 quân. Để giúp việc quân sự được mạnh mẽ, nhân dân phải tham gia vào các việc tổ chức sau đây:
N ước chia ra làm nhiều tỉnh. Mỗi tỉnh có 8 nhà.
Bốn tỉnh là một ấp (32 nhà)
Bốn ấp là một khấu (128 nhà)
Bốn khấu là một điện (512 nhà)
M ỗi điện phải chịu một cỗ binh xa, 4 con ngựa, 12 con bò, 3 giáp sĩ, 72 người bộ tốt, 25 người làm việc khuân vác các đồ nặng (tức là dân công nô dịch chiến trường). Tổng số là 100 người.
Điền Chế
Việc chia ruộng đất về đời thái cổ, đến nay chưa rõ ra thế nào, chỉ biết từ đời nhà Hạ triều đình chia 50 mẫu làm một gian — 10 gian là một Tổ. Cứ 10 nhà cấy một khoảng ruộng (?) và quân phân hoa lợi. Nhà nước thu thuế 1/10 tức là cống xuất.
Dưới triều Ân và Chu, nhà vua đặt phép tỉnh điền tức là chia đất ra làm 9 khu hình chữ tỉnh. Những khu ở chung quanh là tư điền. Khu ở giữa là công điền. Mỗi tỉnh phải cho 8 nhà cầy cấy công điền rồi nộp hoa lợi cho Vua.
Dưới đời nhà Ân mỗi tỉnh có 630 mẫu. Mỗi nhà được 70 mẫu. Phép đánh thuế gọi là phép trợ. Qua đời nhà Chu, mỗi tỉnh có 900 mẫu. Mỗi nhà được 100 mẫu. Phép đánh thuế gọi là phép triệt. Cứ xét như trên đây mỗi tỉnh có 8 nhà và mỗi nhà được cầy cấy từ 70 mẫu đến 100 mẫu, ắt rằng dân số của mỗi nhà đây phải khá đông do nhiều gia đình tập hợp lại, trái lại một gia đình thượng cổ có 5 hay 10 người làm thế nào mà khai khẩn được hàng 100 mẫu ruộng trong khi nông nghiệp chưa mở mang, điền khí còn thô sơ. Ta còn có thể coi mỗi nhà ngày xưa ở Trung Quốc như một xóm lớn hay một làng nhỏ ngày nay hoặc một họ mới hợp lý hóa được việc trên đây.
Sử lại chép dưới đời nhà Chu có lệ cứ 20 tuổi thì được chia cho 100 mẫu ruộng và số ruộng này được giữ tới 60 tuổi mới phải trả lại cho nhà Vua. Nhà nào có con thứ nhì gọi là dư phu, đến 16 tuổi được lĩnh 25 mẫu ruộng. Nhờ có phép chia ruộng như vậy nên trong dân gian không có sự chênh lệch quá đáng về tài sản. Theo thiển ý chúng tôi, sự ghi chép trên đây có sự sai lầm vì không thể nào từ đời nhà Ân đến đời nhà Chu tình trạng đất đai lại có thể phân phối như vậy. Nhà Ân cấp cho mỗi nhà 70 mẫu, nhà Chu cấp cho 100 mẫu rồi lại có thể cấp cho những trai tráng từ 20 tuổi mỗi người 100 mẫu . Như vậy số ruộng đất ở đâu ra mà cấp phát nhiều thế và mỗi trai tráng 16 tuổi hay 20 tuổi đảm đương sao được từ 25 đến 100 mẫu? Đây là tài liệu trích trong Việt Nam Sử Lược trang 34. Ngoài ra chúng ta cũng chưa từng thấy nói mẫu ruộng ngày xưa nhỏ hẹp hơn mẫu ruộng ngày nay, để có thể tin một phần nào.
Đến đời Chiến quốc, phép chia đất bỏ đi, dân gian được tự do cầy cấy tùy sức kể từ Lý Khôi làm tướng nước Ngụy và Thương Uởng giữ chức tướng quốc nước Tàu.
Học Chính
Nhà H ạ lập nhà Đông Tự và Tây Tự cho hai cấp đại học và tiểu học. Nhà Ân đặt Hữu Học và Tả học cũng theo ý nghĩa đó. Các nơi này còn là chỗ tập bắn, làm văn và dưỡng đường cho các người già cả.
Nhà Chu l ập nhà Tích Ung hoặc Thành Quân làm trụ sở dạy học cho con cháu vua, quan và những người tuấn tú lựa ở các thôn xã. Ở các Châu, Đảng[i], thì đặt nhà tiểu học gọi là Tự và nhà Tường cho dân chúng. Bấy giờ việc học cũng hạn định về tuổi: từ 8 tuổi đến 14 tuổi cho bậc Tiểu học, từ 15 đến 20 tuổi cho bậc Đại học.
Chương trình Đại học gồm có: Lễ, nhạc, thi, thư.
Ch ương trình Tiểu học có: luân lý, đạo đức và cách ứng đối, v.v.. Văn minh, học thuật Trung Quốc từ đời nhà Chu đến đời Xuân Thu đã tiến nhiều, xét qua các cơ cấu chính trị, kinh tế và xã hội trên đây nếu so với tình trạng của nhiều dân tộc khác bấy giờ. Điều đáng chú ý hơn cả là những học thuyết, tư tưởng và giáo lý đã được đề xướng do mục đích cải tạo hoàn cảnh xã hội Trung Quốc trong giai đoạn này hết sức nhiễu nhương vì nhiều cuộc biến loạn liên miên đã xảy ra giữa các phe nhóm phong kiến và quý tộc trước vấn đề quyền vị và danh vọng. Dân chúng dĩ nhiên là nạn nhân truyền kiếp của tình thế tam phân, ngũ liệt, của các vụ tranh vương đồ bá giữa vua chúa và các chư hầu.
Những nhân vật khả kính đã ra đời trong thời kỳ này là Khổng Tử, Lão Tử và Trang Tử v.v.. Khổng, Lão đã xướng ra hai đạo thuyết tuy khác nhau nhưng đều hướng vào chỗ lập lại trật tự xã hội và giải phóng con người ra khỏi vòng hệ lụy. Nhiều học giả khác cũng góp phần trong cái lâu đài tư tưởng của Trung Quốc như Mặc Địch, Dương Chu, Thân Bất Hại, Hàn Phi, Thi Giảo, Điền Biền, Quỷ Cốc, v.v…
Mặc Địch chủ trương thuyết Kiêm Ái, Dương Chu lập ra thuyết “Vị Ngã”, Thân Bất Hại, Hàn Phi thuộc phái pháp gia đề xướng việc triệt để dùng luật pháp trị thiên hạ…. Qua nhiều thế hệ người đời sau lưu tâm đến đạo thuyết của Khổng Phu Tử và của Lão Tử (tự là Lý Đạm) hơn cả.
Khổng Tử
Kh ổng Tử tên là Khưu, tự là Trọng Ni sinh năm 551 trước Công Lịch tức là năm 25 đời Tương Công nước Lỗ và Linh Vương nhà Chu, ngày 27-8 ở huyện Khước Phụ nước Lỗ, mất năm 479, thọ được 72 tuổi. Ngài xuất thân hàn vi từng làm Ủy Lại coi việc gạt thóc, giữ kho, sau này làm Tư Chức Lại trông nom việc nuôi bò dùng vào việc cúng tế. Đến khi đạo đức của Ngài được người đương thời chú ý, có lần ngài đã giữ chức Tư Không nước Lỗ, nhưng không thi hành được ý muốn cứu dân cứu đời, vãn hồi nhân tâm thế tục. Ngài bỏ đi chu du thiên hạ luôn 13 năm. Ngài từng đặt gót chân ở Tống, Tề, Sở, Vệ, Tần, Thái vẫn không gặp được người tri kỷ. Đến năm 68 tuổi Ngài trở về cố hương (Lỗ) viết sách dạy học, môn sinh có tới 3.000 người.
Ngài đã lấy các quan thư của các thời trước chỉnh đốn thành Kinh Thi, lấy thi ca lịch đại soạn thành Kinh Thư, định đính kính Lễ, kinh Nhạc và làm Kinh Xuân Thu để thuật lịch sử nước Lỗ.
Tư tưởng luân lý đạo đức của Ngài gồm ở mấy điểm: Nhân, hiếu, đễ, trung, thứ và lễ nhạc. Như vậy người ta trước hết phải sửa mình để thành con người đạo đức. Có đạo đức là có tư cách, có nhân phẩm, đây là những yếu tố căn bản tạo nên giá trị của con người, trong gia đình và xã hội. Mà muốn gây được cái đức, người ta phải theo đạo trời là “Nhân” nó bao gồm cả vạn vật trong vũ trụ, nó là sự yêu thương mọi người như yêu thương chính mình vậy. Mạnh Tử sau này giải thích chữ Nhân là “Lòng trắc ẩn, là mối đầu của đức Nhân” mà ta có thể nói cách khác: người có Nhân là người có lòng trắc ẩn. Lòng Nhân đó theo Khổng Tử, trước hết phải đem áp dụng hằng ngày với cái xã hội quanh mình là gia đình, giữa những người thân thiết là cha mẹ, anh em, chị em rồi mới ra đến ngoài. Đức Nhân ở đây phát sinh ra điều Hiếu và Đễ. Nó có thiên hình vạn trạng để thích hợp với mọi người, mọi hoàn cảnh và gây nên những sự tốt lành.
V ới chữ “Trung” Khổng Tử muốn rằng ta phải đem hết tấm lòng của ta đối với người khác (tận kỷ chi tâm) và thi hành chữ “thứ” thì phải xét khi ta làm việc gì cho ai, ta có muốn người ta làm cho ta điều đó không, tức là phải tính lẽ hơn thiệt, lợi hại. Tóm lại, nếu ta làm điều gì cho ai, ta phải xét thấy có lợi, thì hãy làm, cũng như ta làm cho ta vậy. Nếu có sự thiệt thòi cho người ta, ta phải tránh.
Khổng Tử hiểu chữ “Nhân” có nhiều bậc. Đạt được bậc cao nhất của chữ “Nhân” là bậc thánh tức là người siêu quần bạt chúng. Dưới thánh nhân là Quân Tử tức là người có nhân cách, đạo đức, mô phạm để giữ địa vị dìu dắt dân chúng và làm gương mẫu cho họ nữa.
Tuy Kh ổng Tử chủ trương lấy “Đức” mà trị người, nhưng cũng nhận lễ phép là điều cần thiết. Mục đích của lễ phép là giữ mối giềng cho quốc gia, giữ vẻ tôn nghiêm của vua, duy trì trật tự phân minh ngoài xã hội. Ngài còn cho rằng Nhạc cũng phải có, để điều hòa tâm tình con người và chính trị làm bằng Lễ Nhạc là chính trị lý tưởng.
Về phương diện xử thế, Khổng Tử còn nêu ra đạo Trung Dung, Khổng Tử nói người quân tử trong khi xử đối việc đời phải giữ lẽ triết trung, nghĩa là không thiên quá nhiều về một bề nào, không cực đoan, không thái quá, bất thiên bất ỷ, do đó người ta tránh được những điều quá đáng bao giờ cũng có hại. Các nhà Nho của ta chịu ảnh hưởng của thuyết “Trung Dung” thường khuyên kẻ hậu sinh trong mọi cuộc giao dịch trong ngoài nhớ câu: “Hồng thắm thì hồng chóng phai, thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu..”, quả thật là thiết thực như vậy. Một nho gia, ông Tổ Canh Trần Đình Sóc gần đây giải thích Trung Dung một cách khoa học như sau:
“Ta đem thả một khối đặc xuống một thế loãng ví như thả một khúc gỗ xuống một cái hố sâu nước. Khúc gỗ bắt đầu chìm: ta tưởng nó chìm tới đáy, nhưng không, nó chỉ chìm tới chừng nào để đạt tới quân bình giữa trọng lực dìm nó xuống với sức nước đẩy nó lên. Hai bên đều nhau thì nó lơ lửng ở giữa. Ở đây là thế “Hòa” của khối đặc trong hoàn cảnh loãng của nó. Chỗ nó đứng là vị trí an bài đắc kỳ sở ở thế quân bình. Ta nhận thấy ở khối đặc và thế loãng ấy có hai thế lực chống nhau: một thế động và một thế phản động thừa trừ lẫn nhau mà sinh ra một thế thứ ba là thế “Hòa” hay là thế “quân bình” nó đã dung hoà được hai phương diện mâu thuẫn, hai khuynh hướng đối lập của nó.
Cùng một lý ấy ta suy rộng ra thì thấy các vì tinh tú dun dẩy, hấp dẫn nhau vào đúng vị trí của thế quân bình nên vẫn luân chuyển mà không xô xát. Thời tiết được thế quân bình thì vạn vật sinh thành nãy nở, v.v… cho nên người ta nhận lấy cái định luật này để noi theo và ứng dụng vào cuộc đời mới mong thành công trong mọi việc…”
Về chính trị (Khổng Tử còn là nhà chính trị nữa). Khổng Tử nêu lên thuyết chính danh, đó là một tư tưởng chủ yếu của Ngài. Và nếu Khổng Tử có tư tưởng này là vì Ngài sinh ra giữa thời phong kiến, xã hội đang đảo lộn, trật tự đang ngửa nghiêng, nhân tâm đang suy bại. Muốn chấm dứt cái thời đại vô kỷ cương đó, Ngài khuyên các vua chúa và thứ dân phải xử sự cho hợp cái địa vị, cái danh nghĩa của mình, nghĩa là kẻ làm vua phải biết đạo và theo đúng đạo làm vua, kẻ làm tôi, làm cha làm con cũng vậy, đừng ai xâm phạm đến địa vị quyền lợi của kẻ khác, trên dưới một lòng để đi đến chỗ thống nhất cho quốc gia về mọi phương diện.
Tóm lại, từ đấng vương giả dến dân chúng đều phải tuân theo tam cương ngũ thường và liên đới trách nhiệm trước mọi cuộc thịnh suy của dân tộc, xã hội. Mọi điều khuyến cáo này xét ra được khảo sát trong lệ tục nhà Chu trước khi xuất hiện trong Lễ Kinh và Nhạc Kinh mà Ngài đã biên soạn sau nhiều năm đi chu du các nước. Họ Khổng khuyên vua chúa có đức độ trong cái nhiệm vụ thay trời trị dân (thừa thiên thụ mệnh) nhưng phải cố kiêng dùng chế độ võ lực và chuyên chế. Họ Khổng lại tin rằng người ta sinh ra vốn có tính thiện (Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn) và sau này sinh ra gian ác là vì chịu ảnh hưởng xấu xa của những kẻ chung quanh. Như vậy hình phạt để ngăn tội lỗi chỉ nên dùng một cách bất đắc dĩ mà thôi, ngoài ra nên lấy lễ nhạc để cảm hóa lòng người là hơn.
Nho Giáo c ũng phản đối kịch liệt các hôn quân, bạo chúa nên trong Kinh Lễ có câu: Quân mệnh thuận tắc thần hữu thuận mệnh, quân mệnh nghịch tắc thần nghịch mệnh. Rồi một nho giả đã từng viết: Vua là thuyền, dân là nước, nước đỡ thuyền nhưng cũng có thể làm đắm được thuyền. Như vậy nho giáo rõ rệt đã có tinh thần dân chủ và cách mạng ở trong và đã khuyên vua chúa hành động sao cho hợp lòng dân và ý trời. Nếu trái ý dân là vi thiên mệnh thì dân có quyền chống lại.
T ư tưởng này đã phát sinh ra ở một vài quan niệm chính là Người và Trời có mối tương quan hay là có hai trật tự: trật tự thiên nhiên và trật tự nhân sinh mật thiết liên lạc với nhau, hòa hợp với nhau. Nếu so với các tư tưởng chính trị cổ của các nước Âu Châu, Nho Giáo đặt quyền lợi của người dân trên quyền lợi của Vua chúa thì quả là tư tưởng Nho Giáo cấp tiến hơn nhiều. Âu Châu thời xưa coi vua chỉ chịu trách nhiệm với Trời tức là Thượng Đế hay Thiên Chúa mà thôi và dân không có quyền kiểm soát Vua chúa.
Có điều đáng để ý là Nho Giáo không đề cập cách kiểm soát Vua chúa hoặc quyền hành của họ do dân chúng trao cho để ngăn trừ những hành động chuyên chế và lạm dụng. Phải chăng phái trí thức tức nho giả thời xưa không tin ở năng lực của Đại chúng nên chỉ biết kêu cái thiện tâm, thiện chí của các nhà cầm quyền khiến ta phải nghĩ rằng Nho Giáo chỉ biết nêu cao tinh thần đạo đức mà thôi. Ngoài ra về chính trị Nho Giáo đã thiếu hẳn một cái gì thực tế trong căn bản nên không đi tới một kết quả để vãn hồi ngay được nhân tâm, thế tục thuở ấy. Cái quan niệm thật sự và triệt để dân chủ ngày nay là Chính phủ phải là của dân, phụng sự dân và tùy quyền dân (Tổng Thống Abraham Lincoln) đã giải thích chính thể dân chủ ở Hợp Chủng Quốc ngày nay như vậy: The Government Of The People and By The People).
Lão Tử
Bên cạnh Nho Giáo có Lão Giáo là một đạo giáo đã từng được nêu cao như một giáo thuyết khác ở Trung Quốc. Và sau Lão Giáo có Phật Giáo ngoài Nho Giáo. Ba thứ đạo giáo này quan hệ vô cùng cho nền học thuật của Đông Phương, vì vậy đã được ấn định vào các chương trình khoa cử sau này và về mặt thực hành các đạo giáo này đã được hoan nghênh, cổ võ khắp nơi nhưng không gây ra những sự xung đột gắt gao như các tôn giáo khác ở nhiều dân tộc trên thế giới. Vì vậy người ta gọi ba đạo giáo này là “Tam giáo đồng nguyên”.
Phải chăng Khổng Giáo cũng như Lão Giáo hay Phật Giáo đều cũng phát sinh ở mục đích cứu dân, cứu đời, sửa chữa nhân tâm, triệt bỏ mọi tham ý, tà dục và nêu cao tình ưu ái giữa Gia đình, Xã hội và Nhân loại để con người đi tới một tập thể có Hòa bình, Cơm áo, Tự do và Hạnh phúc? Từ nguyên lý đến phương pháp, đến cứu cánh. Nho Phật Lão chỉ khác nhau ít nhiều ở mặt thực hành; chẳng hạn Nho Giáo đi tìm chân lý trên con đường nhân sinh tương đối ở phạm vi nhập thế, mà Lão Trang hay Phật Giáo thì đưa ra những điều cao siêu, huyền diệu ở phạm vi xuất thế, tựu trung cả ba đều mưu sự hòa vui cho nhân loại giải phóng con người trên mọi phương diện.
Dưới đây, chúng tôi xin trích bản khảo luận ngắn về thân thế và tư tưởng của Lão Tử vị lãnh tụ của tư trào phương Nam trên 20 thế kỷ trước và cả ngày nay nữa.
Lão Tử, là người nước Sở, họ là Lý, tên là Nhĩ tự là Đạm. Không rõ ngày sinh và chết vào năm tháng nào, cứ Hồ Thích dẫn chứng thì đại ước thì Ngài sinh vào khoảng năm 570 trước C.L., hơn Khổng Tử chừng 20 tuổi. Ngài từng làm quan Trụ Hạ Sử nước Chu, coi giữ kho sách nhà vua. Ngài tuy làm quan song vẫn tu hành đạo đức, lấy sự tự ẩn vô danh làm chủ. Ở nước Chu lâu ngày, sau thấy nhà Chu suy nhược không thể vãn hồi được bèn bỏ đi, rồi không rõ tung tích thế nào. Sách của Ngài làm ra, chỉ có một bộ Đạo Đức Kinh thôi.
Nh ưng trái với Khổng Tử và Mạnh Tử chú trọng đến nhân nghĩa, lễ nhạc để cứu vãn tình thế đương thời, lập lại trật tự xã hội, Lão Tử tuy cùng quan niệm như Khổng Tử có một trật tự thiên nhiên, nhưng trật tự ấy không có nghĩa bó buộc người đời trong một khuôn khổ nào hết. Chính trị, đạo đức, giáo dục, học vấn đến cả Trời đều không là gì hết (Thiên địa bất nhân) mà lại còn có hại là đàng khác. Lão Tử bài xích hết thảy các tiên vương, tiên thánh: Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ… nên đã dám nói rằng: Làm loạn thiên hạ là ông Nghiêu, ông Thuấn. Làm đói thiên hạ là Thần Nông (Loạn thiên hạ giả Nghiêu dữ Thuấn, cơ thiên hạ giả thần nông); chế độ chính trị nào cũng chỉ là những phương cách bóc lột, đè nén dân chúng của một hay nhiều giai cấp xã hội. Lập ra nhiều phép tắc, luật lệ càng đưa dân chúng đến chỗ nghèo nàn, khốn cực, gian ác, những phương pháp làm giàu càng đưa gia đình đến chỗ bại hoại, suy đốn.
Phủ nhận và bài xích hết thảy mọi qui mô và tổ chức đã sẳn có, Lão Tử nêu ra Vô Vi Chủ Nghĩa.
Sách Đạo Đức Kinh của Ngài khuyên người đời sống Hòa Hợp với thiên nhiên, tự cải hóa, cởi bỏ mọi điều dục vọng. Đứa trẻ sơ sinh là hình ảnh của Thiên nhiên, của đời sống hồn nhiên thuở nguyên thủy. Một khi loài người và Tạo vật đã hòa hợp được với nhau, nghĩa là đều vô tri, vô hám thì không còn sự tranh giành, xô xát thế giới sẽ có hòa bình, hạnh phúc.
Lão Tử là tiên phong cho tư tưởng đương thời, phàm chư tử bách gia đời sau, phần nhiều là gốc ở Lão học. Nội dung của Lão học đại khái như sau đây:
1. Thiên Luận
Tr ước Lão Tử thì trong tư tưởng giới người ta đều cho trời là có ý chí và chủ tể hết thẩy. Đến đời Xuân Thu, Chiến quốc là buổi chiến loạn liên miên, người ta đối với trời bèn sinh lòng hoài nghi, rồi đến oán vọng trách mạ. Lão Tử thuộc giòng quí tộc, thấy chế độ phong kiến đương ở vào cảnh vỡ lở, lại có phẫn khái nhiều, cho nên ngài cho rằng: “Trời đất là bất nhân, xem vạn vật như đồ chó rơm”[1]. Ngài đã không tin trời cho nên mới nêu ra một cái gọi là “Đạo” là cái “tự nhiên hỗn thành trước khi có trời đất, im lặng quạnh quẽ, đứng một mình mà không đổi, chỗ nào cũng đi mà không mỏi, muôn vật trong vũ trụ đều gốc ở đó mà sinh ra.”[2] Tác dụng của Đạo là: “Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật”.[3] Đạo chỉ là tự nhiên không có ý chí, cho nên Ngài lại nói rằng: “Trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên”[4]. Hai chữ “tự nhiên” ấy là không thừa nhận trời làm đấng chủ tể của muôn vật vậy.
2. Vô Vi Luận
Lão T ử đã trọng tự nhiên, cho rằng vạn vật đều có một cái đạo lý “độc lập nhi bất biến, chu hành bất đãi”, là không cần có trời làm chủ tể, cũng không cần đến người gây dựng sắp đặt. Do tư tưởng ấy rồi thành ra tư tưởng phóng nhiệm, tức là lý thuyết Vô Vi. Nhân sinh triết học của Lão Tử là ở thuyết Vô Vi ấy. Ngài cho rằng người ta phải giữ lòng cho bao giờ cũng thanh tĩnh, cái gì cũng để theo lẽ tự nhiên, đừng nên thiết đến cái gì cả “Thường có bỏ hết được cái lòng ham muốn thì mới biết được chỗ huyền diệu của Đạo”[5]. Người đã giữ được đạo thì không ra khỏi cửa mà biết được cả muôn vật trong thiên hạ, không dòm ra ngoài cửa sổ mà biết được cái đạo trời thống trị cả thế gian, người ta hễ muốn đi xa bao nhiêu thì lại càng biết ít bấy nhiêu.[6] Về việc học cũng vậy “càng học càng biết nhiều mối thì lại càng vô ích mà hại cho mình, chứ đã đem tâm trí mà chú vào đạo thì cái biết càng ngày càng ít đi, càng ít mãi cho đến bực vô vi, tuy vô vi nhưng mà không có cái gì là không có ảnh hưởng của mình”.[7]
Về chính trị Lão Tử cũng theo nguyên lý vô vi cho rằng “không làm gì mà dân tự hóa thành hay, cứ yên lặng mà dân tự ngay thẳng.”[8] Tuy nhiên, vô vi không phải là cứ ngồi yên không hành động gì cả đâu, nhưng đã làm việc chính trị thì phải phòng ngừa từ trước, lo việc từ trước, từ lúc chưa có việc gì xẩy ra thì mới được[9]. Ngài cho rằng: “Đạo lớn đã bỏ thì mới đặt ra nhân nghĩa; có kẻ trí tuệ thì mới có những điều gian ác phản nghịch, vì cha con vợ chồng không hòa với nhau nên mới sinh ra hiếu tử, vì quốc gia biến loạn cho nên mới có trung thần”[10], nghĩa là những điều ước thúc của luân lý, đạo đức đều là trái với đạo cả.
Những nhà chính trị biết theo đạo thì không cần lấy nhân nghĩa lễ trí mà dạy dân, chỉ cần khiến cho dân giữ lấy tính giản dị chất phác mà theo tự nhiên. Cái xã hội lý tưởng của Lão Tử là “nước nhỏ ít người, không cần kỳ xảo, văn vật, không cần đến binh mã, quân lính, không cần giao thông, không cần những đồ xa xỉ trang sức, miễn được ăn no, mặc ấm, ở yên, giữ lấy phong tục dịu dàng hòa nhã.”[11]
Nh ưng quan niệm “thiên địa bất nhân”, “thanh tĩnh vô vi”, ấy rất hợp với tư tưởng yếm thế ở xã hội đương thời cùng những ý thức tiêu cực và phẫn oán của giai cấp quý tộc phong kiến đương suy đốn.
Đọc thêm
Trang Tử
Chủ nghĩa xuất thế của Trang Chu cũng theo chủ nghĩa vô vi của Lão Tử mà suy diễn ra. Song vô vi chủ nghĩa của Lão Tử còn có hàm ý vị xử thế, chứ xuất thế chủ nghĩa của Trang Chu thì cho rằng: “Trời đất với ta cùng sinh, vạn vật với ta là một”, cho nên vô thủy vô chung, vô tiểu vô đại, vô yểu, vô thọ, vạn sự vạn vật đều là nhất tề. Nhân thế mà Trang Tử có cái nhân sinh quan tự nhiên nhi thiên, hễ gặp lúc nào sống mà sống là hợp thời, gặp lúc nào chết mà chết là thuận cảnh”[12]. Trang Tử nói: “Kẻ chân nhân ở đời xưa không biết ham sống, ghét chết. Đẻ ra cũng không mừng, chết đi cũng không chống, thoát qua thoát lại, không quên lúc mới sinh, chết cũng để mặc kệ, sinh ra rồi thì thường tự đắc, có chết nữa cũng là trở lại với trời, không cần dụng tâm mà vực đạo, không cần lấy sức người mà giúp trời, như thế gọi là chân nhân vậy”[13]
T ư tưởng Lão Trang quả là một thứ triết học cao siêu kỳ diệu khiến trí não người ta bay bổng lên lên những cảnh giới siêu nhiên huyền diệu chứ không như tư tưởng của Nho Giáo chỉ giữ tinh thần người ta ở trong vòng thực tế tầm thường, ở trong vòng lễ giáo chật hẹp. Bởi vậy tuy trong thời trung cổ và cận cổ, Nho Giáo độc tôn, mà những nhà nho học lỗi lạc vẫn thường nghiên cứu học thuyết của Lão Trang mượn nó làm mối an ủi những nỗi khổ não ở đời.
Tuy nhiên, cái ảnh hưởng trực tiếp của Lão Trang ở trong tư tưởng giới nước ta không lấy gì làm quan trọng lắm, mà cái ảnh hưởng của Lão Giáo bị Đạo giáo lợi dụng lại sâu xa, phổ cập vô cùng. Kể từ đời Tần Hán, Nho học được độc tôn thì học thuyết Lão Trang suy dần. Đến khoảng 147-167 đời Hậu Hán, có Trương Đạo Lăng học được đạo trường sinh rồi lên ở núi Hộc Minh Sơn ở đất Thục làm một bộ Đạo Thư 24 thiên để dẫn dụ nhân dân. Phàm ai nhập môn thì phải nộp năm đấu gạo nên người ta gọi là “ngũ mễ đạo”. Phép trị bệnh của đạo ấy là dùng nước bùa (phù thủy) cho người bệnh uống, hay là viết tên họ người bệnh vào ba tờ giấy, một tờ dán ở trên núi, một tờ chôn ở dưới đất và một tờ ném chìm xuống nước. Con Lăng là Hoành, cháu là Lỗ, cũng tu đạo ở đấy. Đến con Lỗ là Trương Thịnh thì dời đến Long Hổ Sơn ở tỉnh Giang Tây rồi đạo thống kế tục mãi mãi.
Trương Đạo Lăng phụ hội thuyết thần quái của bọn phương sĩ đời Lưỡng Hán và lợi dụng Hư Vô chủ nghĩa cùng Phá Hoại chủ nghĩa của Lão học để lung lạc những kẻ bất bình trong xã hội cho nên kết nạp được rất nhiều tín đồ. Lại nhân văn thể của Lão Tử có vần dễ tụng, có nhiều chỗ mập mờ khó hiểu, hoặc những đoạn thư “thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” có vẻ thần bí, cho nên lại càng khiến người ta sợ hãi và mê tín thêm. Gia dĩ cuối đời Hán sang đời Tần, học Hoàng Lão thịnh hành, những kẻ sùng bái học ấy, lấy điều siêu nhiên cao cả làm chủ, cho nên rất lưu ý về phép trường sinh bất tử, vũ hóa đăng tiên. Từ đó Đạo giáo nghiễm nhiên thành phép tu tiên, đến đời Đông Tấn có Cát Hồng qui định rất là chu đáo, rồi sinh ra vô số những phương thuật và mê tín khác.
Qua đời nhà Đường các thi bá, trí thức như Mạnh Hạo Nhiên, Tống Chi Văn, Vương Duy, Lý Kỳ, Trương Cửu Linh, Lạc Tân Vương, Lưu Vũ Tích, Lý Thương Ẩn v..v.. rất tôn sùng các đạo sĩ. Tỉ dụ Kỳ Đạo Sĩ về quán Ngọc Thanh, Lý Kỳ có bài thơ sau đây:
….
Đại đạo bãn vô ngã
Thanh xuân trường dữ quân
Trung châu nga dĩ đáo
Chí lý đắc nhi văn
Minh chúa giáng hoàng ốc
Thời nhân khán bạch vân
…..
Đại ý: Đạo lớn vốn là vô ngã (không có mình) xuân xanh theo mãi với ông, chỉ thoắt chốc về đến Trung Châu, khiến chúng tôi đươc nghe những sâu sắc kỳ diệu của đạo. Đấng minh chúa từ nhà vàng xuống đón mời, người đời trông mây trắng mà biết đạo sĩ đi về.
Đông Nhạc chân nhân Trương Luyện Sĩ
Cao tình nhã đạm thế gian hi.
Xem như vậy, người tu đạo ở đời Đường có đạo hạnh và đạo tâm thì được cảm tình của nhân dân thế nào.
Dưới đời Tống, địa vị của Đạo cũng rất tốt đẹp. Vua Tống Huy Tông tự xưng là giáo chủ Đạo Quân Hoàng Đế. Song từ Nam Tống (1127-1279 Đạo giáo suy sụp dần, chia ra phái Nam, phái Bắc, mỗi phái truyền đạo theo một thuyết riêng, đó là điều tai hại cho Đạo.
Đế n nhà Kim, nhà Nguyên vào chiếm Trung Ngyên, đạo giáo lại chia rẽ phen nữa, lần nầy thành ba phái: một là Chân Đại Đạo Giáo do Lưu Đức Nhân triều Kim đứng ra, hai là Thái Nhất Giáo do người cháu đời thứ 36 của Trương Đạo Lăng là Trương Tông Diễn vâng lệnh vua Thế Tổ nhà Nguyên quản lĩnh Đạo giáo miền Giang Nam. Ba là Thát Nhất Tam Nguyên giáo do Tiêu Bảo Chân cũng dưới nhà Nguyên sáng lập. Dầu vậy, dưới đời Nguyên, đạo giáo có nhiều phen thất bại: dưới đời Hiến Tông bị thế lực Phật Giáo lấn át — dưới đời Thế Tổ lại có hồi bị cấm chế nữa. Mãi cho đến đời vua Thái Tổ, nhà Minh, khoảng năm Hồng Vũ thứ 10 con cháu Trương Đạo Lăng (tức Trương thiền sư) mới phục hồi được địa vị trước (1377) nhất là dưới triều Minh Thế Tông năm Gia Tĩnh (1522-1566) nhà vua rất tin dùng đạo sĩ để học thuật trường sinh. Triệu Nguyên Tiết được phong làm Thái Nhất chân nhân thường nói chuyện cho vua nghe về huyền lý của Đạo. Thiệu giải thích như sau:
“Chân giáo chỉ thu vào trong một chữ tĩnh. Tĩnh sinh trí, trí sinh sáng, sáng sinh yên. Động sinh mờ, mờ thì tối, tối thì loạn. Đấng thánh quân trị thiên hạ quý vô vi. Chính nho gia cũng vô vi. Khổng Tử có nói: “Vô vi mà trí là vua Thuấn chăng! Nào có làm gì đâu, chỉ tự cung kính ngồi ngoảnh về phía Nam mà thôi”.
Sang đời nhà Thanh, thế lực của đạo giáo dầu suy lạc và không được triều đình tôn trọng cho tới khi khoa học Tây Phương tràn vào Trung Quốc như ánh sáng mặt trời soi vào đám sương mai mù mịt. Đạo giáo bị lung lay đến nền tảng vì những phương thuật mê tín hơn nghìn năm để lại chống sao nổi những kỳ diệu của nền văn minh cơ giới rất đắc lực trong việc phụng sự nhân sinh. Nhân dân dần dần hết tin đạo rồi Dân Quốc cách mệnh nổi lên với các tư tưởng cải cách, duy tân, đạo giáo tan rã nhường không còn gì nữa. Thêm vào đó, chính phủ Quốc Dân đã ra nghiêm lệnh thủ tiêu Đạo giáo và phá hủy cơ sở của nó là Long Hổ Sơn.
Ngày nay h ệ thống tư tưởng và luân lý nước Trung Quốc đang thay đổi mạnh do sự hiện diện của chính phủ Cộng Sản Mao Trạch Đông, Phật Giáo và Nho Giáo ở Trung Quốc cũng đến lượt bị đào thải trước trào lưu mới.
Tuân Huấng
Ngoài nh ững nhà đạo đức, triết gia, khoa học, chính trị trên đây mà một số đáng coi là những ngôi sao sáng trên nền trời văn minh, học thuật của Trung Quốc, người ta còn phải kể đến nhà đại tư tưởng và khoa học Tuân Huống cũng sinh vào thời Chu mạt và ngay thời đó Tuân đã có rất nhiều ảnh hưởng đối với văn học giới nhất là về đời Tây Hán.
Nhưng vào thuở đó danh tiếng của ông không lẫy lừng như các bậc trên đây do ông không ưa tuyên truyền và phô trương. Có thể ví ông như Kant ở Âu Châu đáng lẽ còn nức danh hơn Copercinus người đã tìm ra trái đất tròn, mà vẫn bị lu mờ tên tuổi.
Ông có trí th ức rất uyên bác, những kiến giải rất tinh tế, những sáng tác đặc biệt, những nhận định rất sát với khoa học. Trên 2.000 năm trước đây mà có một nhà khoa học như vậy kể cả ngay trên thế giới chớ chẳng riêng ở Trung Quốc cũng còn là điều hãn hữu lắm thay.
Ông cống hiến gì cho đời bây giờ?
Tư tưởng của ông về triết lý và khoa học ra sao?
Th ời đó tại phương Nam Trung Quốc, và ở nước Tề, theo sách của Tư Mã Thiên người ta rất “mê tín việc đồng bóng, chuộng điềm quái gở”, Tuân Tử (tức Tuân Huống) bài xích kịch liệt những việc cúng mặt trời, lạy mặt trăng, tin thần rắn trên cây lớn, sợ sấm sét, sao sa cùng ma quỷ. Ông nhận rằng mưa gió không đáng sợ mà chỉ là những điều tự nhiên, những hiện tượng rất thường trong trời đất; người ta phải khống chế thời tiết, ngự trị thiên nhiên, lợi dụng thiên nhiên trong đời sống của mình để giải quyết mọi vấn đề xã hội, chính trị, nhân sinh. Nhà đại triết học Russel ngày nay nói: “kẻ thù địch lớn của loài người, chính là loài người vậy.” Còn Tuân Tử nói: Muốn làm xong chính trị của người (tức là dân chủ) phải quét sạch những sự quái gở trong tâm hồn con người. Để tránh sự hỗn độn trong xã hội phải thi hành một chính sách cương quyết và phải áp dụng lễ nhạc mềm mại để điều hòa cùng làm êm dịu việc trị dân, nhiên hậu nước mới có an lạc và thái bình.
Bàn v ề tính tình con người ông nói: “Những điều tự nhiên mà đến mà có là tính. Tính có ham ghét; mừng giận thương vui gọi là tình. Những điều lựa chọn, đắn đo gọi là lo. Tính là sự thành tựu của trời. Tình là bản chất của tính; dục là sự ứng dụng của tình. Cho rằng cái lòng dục có thể được mà đi kiếm nó, đó là cái tình ắt không tránh khỏi. Cho rằng được mà làm, đó là do sự biết. Tính dục nếu không cần thiết phải dẹp bỏ hoặc đè nén bởi người ta còn biết lo lắng, suy xét để thắng bớt nó. Nhân nghĩa đạo đức người ta sinh ra mới tập được. Tập các điều đạo đức phải theo phép dạy bảo của các thánh hiền. Tập các điều lễ nghi phải do âm nhạc nung đúc. Thực lòng giữ điều nhân, điều nghĩa mới có thể khiến xui được điều nhân nghĩa và biến điều nhân nghĩa đạo đức thành tính thứ hai của con người, do đó mới tránh được mọi sự tương tàn, tương sát để đi tới thái bình”.
Lý lu ận của ông đều do phương pháp khoa học thực nghiệm không hoang đường như Trang Chu (Trang Chu nói: Thiên hạ chẳng gì lớn hơn mảnh lông mùa thu. Núi Thái Sơn là nhỏ, chẳng gì thọ hơn đứa con sảo thai. Bành Tổ là yểu).
Tuân T ử nói: “Xưa nay vẫn chung một mực, loại không trái nhau, trước và sau vẫn cùng một lẽ..” Thật là đúng với những quan niệm khoa học đời nay, căn cứ về luật nhân quả, trước những điều biến hóa của vạn vật do những định luật bất di bất dịch chi phối, từ Đông qua Tây, từ kim tới cổ. Đại khái: ở Trung Hoa nước đến độ “không” thì đóng giá. Ở Tây Phương nước đến độ “không” cũng phải như vậy. Ngàn năm về trước cho tới ngàn năm về sau, định luật này không bao giờ thay đổi hay vượt ra ngoài lề lối trên đây. Ông ngược cả với Mặc Tử, Huệ Thi đã đưa ra những điều lầm lạc (Mặc Tử nêu thuyết: Thánh nhân không tự yêu mình giết trộm cướp chớ chẳng giết người… Huệ Thi nói: Núi với vực cũng bằng phẳng như nhau…) Ông tôn thờ Khổng Tử, nhưng sửa đổi mở mang thêm học thuyết của họ Khổng. Ông theo chỗ “hư không lặng lẽ của Lão Trang, lựa góp sự cân nhắc lợi hại của họ Mặc, lấy sự “thành thật sáng suốt” của Tử Tư, Mạnh Kha” rất chú trọng đến Lễ là khuôn phép ở bên ngoài. Theo ông con người không lễ thì không sống, việc không lễ thì không thành, nước không lễ thì không yên… Lương Khải Siêu phê bình Tuân Tử là nhà triết học theo “chủ nghĩa lễ trị!” Lễ trị tức là triết trung giữa hai thứ “Đức trị và Pháp trị” có thể nói là khuôn khổ của thuyết xã hội dân chủ trên lịch sử thế giới ngày nay vậy.
Ngoài t ư tưởng triết học, tư tưởng văn nghệ của ông như trên đây đã nói cũng gây nhiều ảnh hưởng cho văn học đời Lưỡng Hán (Tây Hán và Đông Hán) sau này. Đối với 300 bài thi của văn học phương Bắc, ông nhận định rất rõ ràng. Khi về già ở ẩn tại phương Nam, ông thưởng thức lối văn Sở từ âm điệu và khuôn khổ của nó. Sau này ông tổng hợp văn nghệ hai miền Nam Bắc thành một thứ tân văn học đối với đời bấy giờ nó mở đường cho lối phú và thi nhạc phú đẹp đẽ cho hai triều đại trên đây. Đến cả chế độ giáo dục bằng lối học kinh cũng chịu ảnh hưởng của ông nữa. Còn thiên Khuyến Học của Tuân Tử bàn về các quy mô giáo dục, học chế, tư cách giáo sư ta thấy thật là hết sức sâu sắc, chu đáo. (Bài này trích dịch trong một tạp chí Trung Hoa).
[1] Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật như sô cẩu.
[2] Hữu vật hỗn thành, tiện thiên địa sinh tịch hề, liên hề, độc lập nhi bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên hạ mẫu.
[3] Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.
[4] Thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên.
[5] Thường vô dục dĩ quan kỳ diệu.
[6] Bất xuất hồ tri thiên đạo, bất khuy hữu kiến thiên đạo, kỳ xuất di viễn kỳ tri dĩ thiên.
[7] Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn, tổn chi hữu tổn, dĩ chí ư vô vi. Vô vi nhi vô bất vi.
[8] Vô vi nhi dân tự hóa.
[9] Vi chư ư vị hữu, tri chí ư vi loạn.
[10] Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa, trí tuệ xuất, hữu đại ngụy, lục thân bất hòa, hữu hiếu tử, quốc gia hỗ loạn, hữu trung thần
[11] Tiểu quốc quả dân, sử hữu thập bách chí khí nhi bất dụng, sử dân trọng tử nhi bất viện tỷ. Tuy hữu chu xa, vô sở thừa chi, tuy hữu binh giáp vô sở trần chi, sử dân phục kết thắng nhi dụng chi. Cam kỳ thực, mỹ kỳ phục, an kỳ cư, lạc kỳ túc. Lân quốc tương vong, kê cầu chi thanh tường văn, đan chi Lão Tử bất tương vãng lai.
[12] Yêu thời nhi xử thuận.
[13] Cô nhi chân nhân bất tri duyệt sinh, bất tri ố tử, kỳ xuất bất tố, kỳ nhập bất cử, tiêu nhiên nhi vãng, tiêu nhiên nhi lai nhi dĩ hĩ. Bất vong kỳ sở thủy, bất cầu kỳ sở chung, thu nhi hĩ chi, vong nhi phục chi? Thi chi vi bất dĩ tâm ấp đạo, bất dĩ nhân trợ thiên. Thi vị chân nhân.
[i] Cứ 500 nhà gọi là một Đảng, 12.500 nhà gọi là một Châu.