Hy Lạp Cổ Đại

Aristophanes – đại thụ hài kịch Hy Lạp cổ đại

Chúng ta biết về hài kịch Hy Lạp Cổ Đại nhờ vào các vở kịch của Aristophanes, một nhà soạn kịch nổi tiếng với sự sáng tạo trong tư duy

nhà hài kịch aristophanes

Aristophanes là một nhà soạn kịch sống ở Athens vào thế kỷ thứ 5 TCN. Ông là cha đẻ của một số vở hài kịch Hy Lạp tiêu biểu còn sót lại, và các tác phẩm của ông góp phần định hình các thể loại nhỏ của Hài kịch Cổ và Hài kịch Trung cổ. Các vở kịch của ông thường đi kèm sự hài hước thô tục, phê phán các nhân vật của công chúng và bình luận về xã hội Athens. Đôi khi, châm biếm trong những tác phẩm của ông quá chân thật, dẫn đến vô vàn xích mích với các chính trị gia – nạn nhân trong kịch của ông. Mặc dù có rất ít thông tin về con người ông, Aristophanes vẫn để lại một sự nghiệp và di sản hết sức cuốn hút.

Thời niên thiếu của Aristophanes

Như nhiều nhân vật cổ đại khác, những gì chúng ta biết về cuộc đời của Aristophanes chủ yếu đến từ các tác giả sau này. Tuy nhiên, nhà viết kịch cũng đề cập đến cuộc sống của mình trong tác phẩm, nhưng do thể loại ông theo đuổi, chúng ta khó lòng chắc chắn về tính chính xác của những nội dung đó. Nếu tổng hợp thông tin từ các tác phẩm của ông, các tác giả khác và các xu hướng xã hội ở Athens thế kỷ thứ 5, chúng ta có thể suy ra một vài điều về cuộc đời Aristophanes.

Chân dung Aristophanes trong một ấn bản các tác phẩm của ông, 1825
Chân dung Aristophanes trong một ấn bản các tác phẩm của ông, 1825

Aristophanes sinh năm 450 TCN tại Athens, ngay sau cuộc xâm lược Hy Lạp lần thứ hai của Ba Tư. Ông sống qua thời kỳ biến động xã hội ở Athens sau khi Chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư kết thúc, kể cả triều đại Peisistratus và các con trai của ông, nhiều cuộc đảo chính và Chiến tranh Peloponnesian. Ông chắc chắn là một công dân Athens chính gốc, có nghĩa là cha mẹ ông đều là công dân, buộc ông phải tham gia quân đội vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Là một nhà viết kịch giỏi về ngôn ngữ, lịch sử và bình luận xã hội, ông được đào tạo chuyên sâu và có thể từng được kèm cặp bởi một người đàn ông Athens khi còn trẻ.

Nhà viết kịch và những góc nhìn hài hước

Năm 427 TCN, ở tuổi 23, Aristophanes cho ra đời vở kịch đầu tiên mang tên The Banqueters (Những người dự tiệc), tác phẩm hiện nay không còn bản hoàn chỉnh. Đây là hơn một thập kỷ sau khi Lễ hội City Dionysia cho phép trình diễn hài kịch, vì vậy ông có thể đã tham dự cả Lễ hội Lenaia và City Dionysia. Ông đã sáng tạo hàng chục vở kịch trong cuộc đời mình, trong đó chỉ có 11 vở còn sót lại.

Một trong số hiếm hoi những tác giả cùng thời với Aristophanes nhắc đến ông trong tác phẩm là Plato. Cụ thể, Aristophanes là một nhân vật đáng chú ý trong Symposium (Hội ngộ) của Platon, một tác phẩm trong đó một nhóm đàn ông, bao gồm cả Socrates, tham dự một bữa tiệc, đưa ra một loạt bài phát biểu về tình yêu. Aristophanes thường tạo ra các tác phẩm nhại lại Socrates, thầy của Plato, nên rất có thể đây là một chi tiết ám chỉ thói quen của nhà viết kịch này. Trong Symposium, Aristophanes là một người đàn ông liên tục chọc ghẹo các thành viên bữa tiệc khác, bản thân ông cũng tỏ ra không nghiêm túc vì chứng nấc cụt xuất hiện dai dẳng xuyên suốt tác phẩm. Bài phát biểu về tình yêu mà Aristophanes đưa ra trong tác phẩm này hiện rất phổ biến, điển hình như mô típ tri kỷ phổ biến: con người trong các mối quan hệ vốn dĩ từng là một thể thống nhất trước khi bị chia cắt thành hai người.

Cách tân hài kịch

Như đã đề cập trong chùm bài viết về sân khấu Hy Lạp thời kỳ này, phần lớn vốn hiểu biết ngày nay của chúng ta về kịch hài cổ điển có được là bắt nguồn từ các tác phẩm của Aristophanes. Dĩ nhiên, có nhiều nhà soạn kịch hài khác sống trước và sau thời kỳ của ông, nhưng tác phẩm của Aristophanes là một trong số ít những vở kịch hài được lưu giữ trọn vẹn từ thời kỳ này. Qua các tác phẩm, Aristophanes đã tạo ra một công thức độc đáo, giúp các học giả ngày nay dễ dàng nhận diện các vở kịch của ông.

Những vở hài kịch của ông thường bắt đầu bằng phần mở đầu (prologue), giới thiệu bối cảnh và tiền đề chính cho khán giả. Giống như bi kịch, Aristophanes triển khai kịch bằng phần parodos, giai đoạn hợp xướng bước lên sân khấu, bắt đầu những phân cảnh đối đáp giữa hợp xướng và diễn viên. Phần giữa vở kịch sẽ bao gồm parabasis (lời độc thoại của hợp xướng) và agon (cuộc tranh luận của các nhân vật với nhau). Các episode (cảnh đối thoại giữa các nhân vật) chủ yếu sẽ được đặt ở nửa sau vở kịch, và cuối cùng sẽ đến phần exodus khi nhân vật và hợp xướng rời khỏi sân khấu.

Ngoài việc tạo ra một cấu trúc đồng nhất cho vở kịch, Aristophanes cũng sử dụng nhiều quy ước ngôn ngữ độc đáo trong các tác phẩm của ông. Tập thơ ca Hy Lạp cổ đại sử dụng các nhịp thơ (meter) cụ thể cho từng thể loại. Aristophanes thường sử dụng nhịp iambic ba bước, đây cũng là nhịp thơ thường xuất hiện trong các vở bi kịch. Aristophanes được coi là bậc thầy trong việc sử dụng nhịp thơ và ngôn ngữ, và điều này có thể bắt nguồn từ nền giáo dục rất tốt mà ông có được.

Hài kịch Cổ điển (Old Comedy), một trong ba thời kỳ của kịch hài, được định hình chủ yếu dựa trên phong cách của Aristophanes. Các tác phẩm của ông tập trung bình luận sắc bén các vấn đề chính trị, thường ở dạng đả kích, châm biếm các chính trị gia Athenian nổi tiếng và những thành viên thuộc giới thượng lưu. Các vở kịch còn kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố triết học và hài hước, khẳng định tài năng ngôn ngữ và nền tảng học vấn uyên thâm của Aristophanes.

Vào giai đoạn cuối đời, Aristophanes ít đề cập đến chính trị gia và giới thượng lưu trong Athenian. Thay vào đó, ông chuyển hướng sang việc nhại lại cuộc sống đời thường, thường châm chọc những vấn đề trong gia đình. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong tác phẩm cuối cùng của ông – Plutus (Thần Tài), đánh dấu giai đoạn chuyển giao từ thời kỳ Hài kịch Cổ điển sang Hài kịch Trung kỳ.

Sự nghiệp trước tác

Aristophanes thời đó “chấp bút” hơn 40 vở kịch, nhưng giờ chỉ còn lại có 11 vở trọn vẹn thôi. Phần lớn mấy vở này được các nhà nghiên cứu xếp vào dạng “Hài kịch Cổ điển”, nhưng vở cuối cùng còn sót lại, “Plutus”, thì lại thuộc dạng “Hài kịch Trung đại”. Hồi xưa mấy vở kịch của ổng cũng giật vài giải thưởng tại lễ hội Lenaia, đặc biệt là các vở “The Archanians”, “The Knights”, và “The Frogs” đều chiếm luôn giải nhất. Dù không chắc ổng có thắng giải ở lễ hội Thành phố Dionysia nhiều hay không, mấy nhà nghiên cứu tin là ổng cũng có “ẵm” một vài giải trong đời. Cả 11 vở còn lại hiện nay đều được giới học thuật để ý tới, nhưng được dịch nhiều nhất vẫn là “The Birds”, “The Clouds”, “Lysistrata”, và “The Frogs”.

Danh sách 11 vở bi hài kịch còn nguyên vẹn của Aristophanes:

  • The Acharnians (425 TCN)
  • The Knights (424 TCN)
  • The Clouds (423 TCN)
  • The Wasps (422 TCN)
  • Peace (421 TCN)
  • The Birds (414 TCN)
  • Lysistrata (411 TCN)
  • Thesmophoriazusae (411 TCN, hay còn được gọi là Women at the Thesmophoria)
  • The Frogs (405 TCN)
  • Ecclesiazusae (392 TCN, hay còn được gọi là The Assemblywomen)
  • Wealth (388 TCN, hay còn được gọi là Plutus)

Aristophanes – Kẻ châm biếm không ai ưa ở Athens cổ đại

Aristophanes nổi tiếng với phong cách hài hước độc đáo, không ngần ngại “cà khịa” các nhân vật chính trị hay giới thượng lưu Athens ngay trong thời đại của ông. Chính vì vậy, mà các tác phẩm của Aristophanes không phải lúc nào cũng được đón nhận nồng nhiệt. Khác với nhiều nhân vật tầm cỡ khác ở Athens thế kỷ thứ 5, Aristophanes chưa bao giờ bị trục xuất vì các vở kịch của mình. Tuy nhiên, cũng có những lúc ông đụng chạm đến những nhân vật quyền lực, tới mức có nguy cơ bị chính quyền Athens sờ gáy.

Một trong những vở kịch gây tranh cãi nhất của Aristophanes cho đến ngày nay chỉ còn lưu lại một vài đoạn ngắn. Vở kịch có tên Babylonians (Người Babylon), được ra mắt chỉ ba năm sau cuộc thay đổi chính quyền ở Athens vào năm 426 TCN, với chính trị gia và tướng lĩnh đầy quyền lực Cleon trở thành lãnh đạo tối cao. Nghe đâu vở hài kịch này đã công kích Cleon và nền dân chủ Athenian lúc bấy giờ, khiến vị chính trị gia này kiện tụng nhà viết kịch. Ở Athens cổ đại, bị kiện đồng nghĩa với nguy cơ bị trục xuất – tức tống cổ một người ra khỏi chính quyền và khỏi thành phố một thời gian. Lần này, Aristophanes thoát tội, nhưng ông cũng suýt bị đuổi khỏi Athens chỉ vì một vở kịch.

Minh họa vở kịch Symposium của Paetro Testa, 1648
Minh họa vở kịch Symposium của Paetro Testa, 1648

Một tác phẩm nổi tiếng khác của Aristophanes, The Clouds (Những đám mây), công kích hệ thống giáo dục ở Athens. Cụ thể, Aristophanes chỉ trích các nhà triết học Ngụy biện, với Socrates là cái tên bị đem ra làm đại diện tiêu biểu. Không rõ bản thân Socrates có phản ứng gì trước những lời chỉ trích này không, nhưng một số người tin rằng Plato, học trò của Socrates, vẫn canh cánh những lời giễu cợt nhằm vào thầy mình. Đó cũng là lý do ông đưa nhân vật Aristophanes vào trong tác phẩm Symposium.

Số khác lại tin rằng Plato và Aristophanes thực ra là bạn, nên mấy màn Aristophanes cà khịa Socrates không gây hậu quả ghê gớm như Cleon. Tuy nhiên, quan điểm của Aristophanes về Socrates và trường phái Ngụy biện không phải điều gì quá lạ lùng trong xã hội Athens. Thậm chí, sự phản đối Socrates trên diện rộng còn góp phần khiến ông sau này bị kết án tử.

Ngoài các chính trị gia và triết gia Hy Lạp, Aristophanes cũng thích đem cả các nhà viết kịch khác ra làm trò cười. Cả vở Thesmophoriazusae lẫn The Frogs (Những con ếch) đều có sự xuất hiện của Euripides, một nhà viết bi kịch nổi tiếng. Trong Thesmophoriazusae, phụ nữ Athens tức giận cách Euripides khắc họa họ trong các vở bi kịch, bèn lên kế hoạch “xử đẹp” ông luôn!

Còn trong The Frogs, thần Dionysus, lo lắng về tình trạng bi kịch sau cái chết của Euripides, bèn lặn lội xuống Âm phủ để mang nhà viết kịch này trở về. Cuộc thi đấu ở Âm phủ nổ ra giữa linh hồn Aeschylus và Euripides nhằm phân định ai mới là nhà viết bi kịch cừ hơn, và kết thúc bằng chiến thắng cho Aeschylus. Một số học giả tin rằng Aristophanes không ưa phong cách kịch thử nghiệm của Euripides khi chúng phá vỡ truyền thống kịch cổ điển của Aeschylus và Sophocles. Nhưng, cũng chả có câu trả lời chính xác nào giải thích được tại sao Aristophanes lại “cà khịa” Euripides những hai lần liền như vậy!

Cuối đời

Không nhiều thông tin về cuộc đời Aristophanes còn sót lại, đặc biệt trong giai đoạn sau này. Tuy nhiên, dựa trên sự chuyển dịch từ thể loại Hài kịch Cổ đại sang Hài kịch Trung đại trong sáng tác của ông, có vẻ tư duy của Aristophanes đã thay đổi vào cuối đời. Ông không còn viết về chính trị hay chiến tranh, thay vào đó, các tác phẩm của ông xoay quanh chủ đề đời sống gia đình và thường nhật. Có lẽ ông thích thú với những đề tài giản dị hơn cho các vở kịch của mình, hoặc cũng có thể do chính quan điểm của ông về nền chính trị Athens và xã hội lúc bấy giờ cũng đã đổi khác.

Ngày mất của Aristophanes cũng bí ẩn chẳng kém. Rất nhiều tác giả đưa ra con số khác nhau, nhưng nhìn chung được cho là nằm trong khoảng 388 đến 380 TCN. Tác phẩm cuối cùng còn lưu giữ của ông ra đời vào năm 388, đó cũng là lý do một số học giả đặt năm mất của ông vào thời điểm này, dù ngày chính xác vẫn chưa được xác định. Nguyên nhân cái chết của ông cũng không rõ ràng; chỉ biết lúc ra đi, Aristophanes đã bước vào độ tuổi 60.

Dù còn thiếu nhiều mảng ghép về cuộc đời Aristophanes bên ngoài các tác phẩm, chúng ta vẫn có thể thoáng nhìn con người ông thông qua các vở hài kịch, hay sự xuất hiện của ông trong tác phẩm của các tác giả khác. Ông đã tạo nên cột mốc vững chắc trong thể loại hài kịch, đánh dấu hai thời kỳ riêng biệt của hài kịch Hy Lạp cổ đại. Các tác phẩm của Aristophanes mang đến cái nhìn sâu sắc về xã hội Athens thế kỷ 5 TCN, đồng thời phô diễn tài năng bậc thầy trong ngôn ngữ và khiếu hài hước độc đáo của ông, gây ảnh hưởng sâu sắc cho thế hệ hài kịch về sau.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s