Phạm Bá Thủy
Đến giữa thế kỷ 18, đất nước Bồ Đào Nha nhỏ bé đã kiểm soát những lãnh thổ khổng lồ gồm 1/2 Nam Mỹ, một phần châu Phi và nhiều khu vực ở châu Á. Dường như không gì có thể khuất phục được cường quốc vĩ đại này. Nhưng…
BỒ ĐÀO NHA THẾ KỶ 18
Ngày nay Bồ Đào Nha là một quốc gia nhỏ ở phía tây nam bán đảo Iberia, không có ảnh hưởng gì to lớn đến nền kinh tế cũng như chính trị thế giới. Một dạng sân sau của châu Âu. Nhưng Bồ Đào Nha không phải lúc nào cũng như vậy.
Đến giữa thế kỷ 18, đây là một cường quốc thuộc địa lớn trên thế giới, sở hữu các lãnh thổ hải ngoại rộng lớn: Brazil, Paraguay, Mozambique, Angola, Goa, Macau, Malacca, Ceylon…
Bồ Đào Nha nhỏ bé tiến hành thương mại xuyên lục địa và kiểm soát các tuyến đường biển đến Mỹ, Ấn Độ, Tây Phi, Trung Quốc và Đông Nam Á, khẳng định vị thế một quốc gia châu Âu thịnh vượng, ngang hàng với Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Anh.
LISBON
Vào giữa thế kỷ 18, thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha là cảng biển chính của châu Âu. Đường, gia vị, ngà voi, gỗ mun và gỗ gụ, xương cá voi – tất cả của cải trên thế giới đều đến châu Âu qua ngả Lisbon. Về dân số (275 nghìn), thành phố này chỉ đứng sau Paris và London. Thành phố rất giàu có và thật đẹp. Du khách thường nói: “Ai chưa nhìn thấy Lisbon thì chưa biết đến vẻ đẹp trên đời”.
Lisbon còn được gọi là “thành phố của Chúa” – ở châu Âu không có nơi đâu người dân sùng đạo hơn Lisbon. Thành phố có 40 thánh đường và đền thờ, 120 nhà nguyện, 90 tu viện, nơi người dân thị trấn liên tục quyên góp hào phóng, và mỗi ngày lễ thánh, nhà thờ luôn quá tải.
NGÀY 1/11/1755
Ngày 1 tháng 11 hàng năm là Ngày Các Thánh, một lễ trọng của người Công giáo. Vào buổi sáng ngày 1/11/1755, người dân Lisbon mặc trang phục lễ hội, đưa con cái đến nhà thờ. Nắng đẹp trời trong. Một đoàn tàu gồm 28 chiếc đến từ Brazil với 2,5 tấn vàng trị giá tổng cộng 8 triệu reais vừa thả neo trong cảng! Chuông nhà thờ ngân nga hòa quyện lời bản thánh ca “Gaudeamus omnes in Domino, diem festum…” (Tất cả chúng ta hãy vui mừng cùng Chúa, trong ngày lễ… – Latin)
Đúng lúc đó, ở khoảng cách 250 km về phía tây của Lisbon, đáy biển Đại Tây Dương rung chuyển. Mọi con tàu quanh vùng tâm chấn đều lắc lư, chao đảo.
ĐỘNG ĐẤT
Khoảng 9 giờ 20, bỗng có tiếng động ầm ầm, mặt đất rung chuyển dưới chân, nến trong các nhà thờ bập bùng chực tắt, thạch cao từ trần nhà rơi xuống. Chưa có ai hiểu được điều gì cả. Và rồi cú sốc thứ hai ập đến. Những ngọn nến rơi xuống. Tiếng chuông lắc lư vang lên rền rĩ. Đá từ trên trần nhà rơi xuống, những vị thánh và các vị tử đạo buồn bã đứng trong các hốc tường trên cao bay thẳng xuống đầu những người đang kinh hoàng chạy ra khỏi nhà thờ.
Với cú rung chấn thứ ba, mái của các tòa nhà và tường bắt đầu sụp đổ. Những ngôi đền chứa đầy người ngay lập tức trở thành những mồ chôn tập thể.
Mọi chuyện diễn ra chỉ trong vài phút, nhưng cũng đủ để biến thành phố nguy nga thành một đống đổ nát hoang tàn. Có người ngơ ngác nhìn quanh, có người điên cuồng hét lên. Những tiếng rên rỉ và kêu cứu đến từ khắp mọi nơi. Các vị linh mục trong bộ áo choàng đẫm máu hoảng loạn kêu gọi sám hối tội lỗi. Bụi từ hàng trăm tòa nhà rơi xuống đồng loạt bay lên không trung, che khuất ánh mặt trời, khiến bóng tối bao trùm thành phố.
Những người sống sót vội vã chạy đến cảng, nơi được cho là an toàn nhất vì ở đó không có những ngôi nhà cao tầng lúc nào cũng sẵn sàng đổ ập xuống đầu. Nhưng oái oăm thay, một cảnh tượng kinh hoàng đang chờ đợi người dân ở cảng.
Đọc thêm
CƠN THỊNH NỘ CỦA BIỂN
Nước nhanh chóng rời xa khỏi cảng, để lộ đáy. Người ta nhìn thấy những đống rác tích tụ và những xác tàu bị chìm qua nhiều thế kỷ. Những con tàu đang neo đậu ở bến thì ngả nghiêng trên đáy biển…
Và rồi hàng trăm người cùng bật ra tiếng kêu kinh hoàng: nước đang quay trở lại! Một bức tường nước khổng lồ tràn từ biển về phía thành phố. Người dân kinh hãi lao ra phía sau nhưng con sóng cao 17m di chuyển nhanh hơn nên ập vào bến tàu và trong thành phố có chỗ bị ngập sâu tới 5-6m.
Tiếp theo là làn sóng thứ hai, rồi thứ ba.
Nhưng chưa hết.
ĐÁM CHÁY KHỔNG LỒ
Cung điện, nhà thờ và các tòa nhà dân cư ở Lisbon đều được làm bằng đá, nhưng vẫn có sàn gỗ, trần nhà, đồ nội thất… – những thứ dễ bắt lửa. Nến đổ, lò sưởi bị lật, đèn chùm rơi – hàng trăm đám cháy bùng phát trong thành phố. Hàng nghìn người bị thương, bị tàn tật, bị nhốt trong nhà và c.hết trong lửa hoặc ngạt thở trong khói. Hơn 400 bệnh nhân bị thiêu sống tại nhà thương All Saints do không thể chạy thoát ra ngoài.
Không có gì và không có ai để dập lửa. Thành phố bị cháy trong năm ngày. Những người dân sống sót trên những ngọn đồi xung quanh chứng kiến ngọn lửa tàn phá thủ đô, nuốt chửng những gì còn sót lại sau trận động đất và sóng thần.
VUA VÀ BỘ TRƯỞNG
Bộ trưởng Ngoại giao và Quân sự Sebastian José de Carvalho đến dinh thự hoàng gia ở Belem (ngoại ô Lisbon) để bẩm báo tình hình với Vua José I.
Hậu quả của trận động đất: 85% trong số tất cả các tòa nhà bị phá hủy, 53 cung điện, 31 tu viện, 75 nhà nguyện, 32 nhà thờ, cung điện hoàng gia, thánh đường phụ hệ, nhà hát opera bị thiêu rụi, khoảng 100 nghìn cư dân thiệt mạng, thư viện hoàng gia (80 nghìn cuốn sách quý hiếm), kho lưu trữ hoàng gia với các bản đồ và nhật ký tàu của các nhà hàng hải Bồ Đào Nha có niên đại từ thế kỷ 15 bị đốt cháy, những báo cáo vô giá của Bartolomeo Dias và Vasco de Gama bị mất, những giá trị văn hóa được tích lũy trong hai thế kỷ qua, bao gồm các bức tranh của Rubens, Titian, Caravaggio… đã bị thất lạc hoặc hư hỏng không thể cứu vãn…
Bộ trưởng kết thúc báo cáo bằng câu: “Tâu bệ hạ, Lisbon không còn nữa”.
– Bây giờ chúng ta nên làm gì? – Jose I bối rối hỏi.
Carvalho đáp lại bằng một câu đã trở thành lịch sử: “Chúng ta phải chôn người c.hết và nuôi người sống”.
BỘ TRƯỞNG CỦA CÁC TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP
Sau khi nghe báo cáo xong, nhà vua rã rượi đổ sụp trên hai đầu gối. Ông nhất quyết không chịu sống trong cung điện, chỉ muốn sống trong lều. Kể từ bây giờ, chứng sợ bị giam cầm sẽ ám ảnh Jose I đến hết cuộc đời; chỉ cần nghe thấy một âm thanh nhỏ nhất, ông cũng toát mồ hôi lạnh, bật dậy và chạy ra khỏi nhà.
Bộ trưởng Carvalho gánh trên vai gánh nặng khắc phục hậu quả của thảm họa. Điểm đầu tiên trong chương trình “chôn cất người ch.ết” của ông đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Giáo hội, vốn yêu cầu tổ chức tang lễ và chôn cất theo nghi thức Công giáo
Sự ngoan cố của các linh mục đã khiến Carvalho nổi cơn thịnh nộ:
“Xin hãy hiểu, chúng tôi không có thời gian cũng như khả năng cho việc này! Có hàng ngàn xác ch.ết trên đường phố! Nếu không chôn cất khẩn cấp, chúng ta đang đối mặt với dịch bệnh!”.
Nhưng Giáo hội vẫn khăng khăng giữ vững lập trường.
Không đạt được thỏa thuận, Carvalho bắt đầu hành động mà không quan tâm đến điều đó. Theo lệnh của Carvalho, hàng trăm chiếc xà lan chất đầy xác ch.ết được đưa đi thả xuống biển ở ngoài khơi. Quân đội được đưa vào thành phố, lập các khu lều trại tạm cư cho những người dân sống sót, lập bệnh viện dã chiến cho các nạn nhân; những người đàn ông khỏe mạnh bị huy động làm việc để khắc phục hậu quả của thảm họa.
Carvalho tổ chức phân phát miễn phí bánh mì từ các kho quân lương và cung cấp thực phẩm từ các tỉnh lân cận, ấn định mức giá trần cho các nhu yếu phẩm (ai bán giá cao hơn sẽ bị chém đầu). Để chống lại bọn cướp bóc, ngài bộ trưởng đã thuyết phục nhà vua ký sắc lệnh ra lệnh xử t.ử ngay tại chỗ những kẻ hôi của và trộm cướp bị bắt quả tang, mà không cần xét xử. Khắp Lisbon đều có giá treo cổ, trên đó treo thi thể của những tên tội phạm bị hành quyết như một lời cảnh báo, một biện pháp răn đe dành cho những người khác.
LISBON MỚI
Vào ngày 5/12/1755, Carvalho trình lên nhà vua một dự án khôi phục Lisbon, hay đúng hơn là kế hoạch xây dựng một thành phố mới trên địa điểm bị phá hủy, và được phê duyệt. Quân đội bắt đầu dọn dẹp “mặt bằng”, có những tàn tích đã buộc phải dùng pháo binh để phá bỏ. Lisbon mới có những con đường rộng bất thường vào thời đó và trước những câu hỏi ngạc nhiên “tại sao?”, Bộ trưởng trả lời: “Rồi sẽ đến lúc những con đường này sẽ trỏ nên quá chật hẹp!”
Carvalho cấm phát triển nhà cửa trái phép; để xây dựng mỗi tòa nhà trước tiên phải xin phép, sau khi hoàn thiện thì phải qua bước nghiệm thu nghiêm ngặt. “Ủy ban nghiệm thu” đến cùng với một trung đoàn binh lính và họ tổ chức “duyệt binh” quanh tòa nhà. Trong nhịp bước đều rầm rập của cả nghìn con người một lúc, nếu cấu trúc rung chuyển hoặc, lạy Chúa, sụp đổ, công trình không được chấp nhận, tòa nhà sẽ bị đập bỏ không thương tiếc. Đây là cách những ngôi nhà chống động đất đầu tiên xuất hiện ở châu Âu.
15 năm sau, một thành phố xinh đẹp đã xuất hiện tại nơi xảy ra thảm kịch, điều mà người Bồ Đào Nha rất tự hào. Để ghi nhớ công lao phục hưng Lisbon, nhà vua đã ban cho Carvalho danh hiệu Hầu tước de Pombal. Và người dân toàn cõi Bồ Đào Nha đã tỏ lòng biết ơn vị bộ trưởng vĩ đại bằng cách quyên góp tài chính để đúc một tượng đài vinh danh Carvalho đặt ở trung tâm thủ đô.
NHÀ ĐỊA CHẤN HỌC ĐẦU TIÊN
Chưa đầy một năm trôi qua, theo sáng kiến của bộ trưởng Carvalho, một bảng thăm dò đã được gửi đi khắp Bồ Đào Nha với các câu hỏi: Bạn nhận thấy trận động đất kéo dài bao lâu? Đã có bao nhiêu dư chấn? Loại hủy diệt nào đã xảy ra? Các loài động vật có cư xử kỳ lạ không? Điều gì đã xảy ra với các bức tường và giếng nước? Tổng cộng có 13 câu hỏi. Nhiều người đề cập đến những sự kiện xảy ra không chỉ trong và sau thảm họa mà còn rất lâu trước đó. Đây là nỗ lực đầu tiên trong lịch sử nhằm tìm hiểu bản chất của động đất.
Hóa ra khá lâu trước khi thảm kịch xảy ra, một số con sông đã đổi dòng, tràn bờ, một số ngược lại trở nên cạn, mực nước trong giếng dao động, mùi vị và thậm chí cả màu sắc của nước trong các nguồn cũng thay đổi; vật nuôi cho thấy có sự bồn chồn lo lắng, và vài giờ trước trận động đất, chúng có biểu hiện hoảng loạn. Và ngày nay những tờ giấy ố vàng này vẫn còn được lưu giữ tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Bồ Đào Nha, là nguồn thông tin vô giá và được các nhà địa chấn học nghiên cứu kỹ lưỡng.
THIẾU VẮNG LÒNG XÓT THƯƠNG CỦA CHÚA
Thảm kịch Lisbon là một cú sốc không chỉ đối với Bồ Đào Nha mà còn đối với cả châu Âu. Trận động đất lớn ở Lisbon đã gây ra một làn sóng tình cảm vô thần. “Vì tội gì mà Thiên Chúa đã trừng phạt người dân Lisbon, những người ngày đêm cầu nguyện không mệt mỏi? Tại sao Lisbon sùng đạo lại bị phá hủy, mà không phải Paris, vốn đang ngập trong sa đọa?” – không chỉ các nhà tư tưởng và triết gia, mà cả những người theo đạo Cơ đốc bình thường cũng thắc mắc. Tại sao Chúa lại chọn ngày nghỉ lễ của nhà thờ để “trừng phạt”? Vào Ngày Các Thánh, chính những người tụ tập trong nhà thờ đã trở thành nạn nhân đầu tiên của cơn thịnh nộ từ Chúa, trong khi những người hàng xóm kém đạo đức hơn thì ở nhà nên có cơ hội được cứu cao hơn nhiều!
Có người còn lưu ý rằng, trớ trêu thay, gần như tất cả các nhà thờ ở Lisbon đều sụp đổ, nhưng khu phố Rua Formosa, nơi tọa lạc các nhà thổ, hầu như không bị hư hại. Đó có phải là khiếu hài hước của Chúa không?
Không có kẻ bội đạo, không có kẻ dị giáo nào gây ra thiệt hại cho Giáo hội như trận động đất ở Lisbon, điều đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng một Thiên Chúa tốt lành lại có thể rất tàn nhẫn, trừng phạt bừa bãi cả người đúng lẫn người sai. “Chúng ta có cần một vị Chúa như vậy không?” – các nhà hiền triết Voltaire và Rousseau cùng hỏi. Thực ra, chính sau trận động đất ở Lisbon mà chủ nghĩa vô thần đã xuất hiện; niềm tin vào một Thiên Chúa tốt lành đã được thay thế bằng sự nghi ngờ về sự tồn tại của Ngài.
NGÀY TÀN CỦA ĐẾ CHẾ
Vào ngày 1 tháng 11, gần một phần ba cư dân Lisbon đã ch.ết và thành phố phải được xây dựng lại. Ngoài Lisbon, trận động đất còn phá hủy thêm 16 thành phố. Các tỉnh phía nam của Bồ Đào Nha hứng chịu trận sóng thần, nhiều ngôi làng bị cuốn xuống biển và các pháo đài ven biển bị phá hủy.
Sau 5 năm rưỡi, ngày 31/3/1761, Lisbon lại rung chuyển. Không mạnh mẽ như năm 1755, nhưng nhạy cảm. Thành phố rung chuyển trong 7 phút. Những tàn tích còn sót lại sau năm 1755 đã sụp đổ (nhưng những công trình mới xây dụng sau sự kiện 1755 thì không, vì đã được xây theo “tiêu chuẩn chống địa chấn” của Carvalho). Một cơn sóng thần lại tấn công thành phố. Các dư chấn tiếp tục kéo dài suốt đêm. Thiệt hại vượt quá 80 triệu rea.
Thảm họa đã để lại một lỗ hổng đáng kể cho ngân sách đất nước. Cần những khoản tiền khổng lồ để khôi phục thủ đô, các thành phố và thị trấn. Đất nước không bao giờ có thể phục hồi sau một đòn đánh kép như vậy. Bồ Đào Nha dần dần bắt đầu mất đi quyền lực: đơn giản là không có đủ tiền để thực hiện các dự án thuộc địa đầy tham vọng và duy trì sự vĩ đại của mình.