Blog Lịch Sử

Chơi thú cưng ở La Mã cổ đại

Người La Mã cổ đại cũng chơi thú cưng như ngày nay? Dưới đây ta điểm qua một số chủng loại thú cưng của họ, không khác mấy chúng ta

Nguồn: The Collector
Người La Mã cổ đại cũng chơi thú cưng như ngày nay? Dưới đây ta điểm qua một số chủng loại thú cưng của họ, không khác mấy chúng ta

Khi nhắc đến thú nuôi ở thời La Mã cổ đại, có lẽ hình ảnh đầu tiên bạn mường tượng ra là những đấu trường với các cuộc chiến sinh tử. Có lẽ đó là cảnh tế lễ động vật, những đàn gia súc đông đúc ở chợ, ngựa kéo xe hoặc xông pha trận mạc, hoặc một món ngon lạ miệng nào đó được dọn ở bàn tiệc linh đình. Nhưng còn những người bạn lông lá, hay đúng hơn, thú cưng thì sao? Người La Mã cổ đại có nuôi thú cưng không? Và nếu có, họ nuôi những con vật nào?

Những chú chó

Dù bạn có hình dung ra cảnh này hay không, thì nếu xét đến cách người ta thường nghĩ về lính La Mã hay những chính trị gia cứng nhắc, nhiều khả năng chó được dùng để săn bắt, canh gác, hay bảo vệ gia súc. Và bạn đúng rồi! Loài chó thật sự tham gia chiến trận, săn bắn và bảo vệ tài sản – minh chứng rõ nét nhất nằm ngay trên bức khảm “Cave canem” nổi tiếng từ Pompeii. Nhưng không dừng lại ở đó, chó còn đóng vai “người bạn tốt nhất của con người” nữa! Thậm chí, Toynbee, một sử gia Anh có tiếng đã nhận xét rằng “tình yêu thương dành cho chó là một trong những điểm rất cuốn hút trong tính cách người La Mã cổ đại“.

Bia mộ của Helena, 150–200 sau Công nguyên.
Bia mộ của Helena, một chú chó cưng, 150–200 sau Công nguyên.

Người La Mã phân loại chó theo giống, tương tự ta ngày nay. Chẳng hạn như giống Laconian hay Molossian được dùng để săn bắn và bảo vệ gia súc, được miêu tả khá chi tiết trong các tài liệu về nông nghiệp. Còn chó cảnh thì sao? Một giống rất được yêu thích thời đó là Melitan: chó nhỏ lông xù, mõm nhọn, với chân ngắn, thường hay xuất hiện trong các bức tượng và được giới thượng lưu ưa chuộng.

Tuy nhiên, người ta biết rất ít về cuộc sống của chó cảnh trong nhà Chủ nhân chẳng mấy khi chép lại những thứ như vậy, nhưng qua nhiều ngôi mộ và bia tưởng niệm dành cho chó, ta hiểu được rằng chúng cũng được yêu thương, chiều chuộng và nhớ nhung chẳng khác gì các bé cún cưng ngày nay. Một ví dụ là câu khắc này tưởng nhớ Myia, cô chó thân thương của ai đó:

Ôi nàng sao đáng mến thuở còn sống, nằm gọn trong lòng, mãi làm bạn giường chiếu. Thương quá Myia ơi, nàng đã từ giã cõi đời. Nàng chỉ sủa khi tình địch quẩn quanh bên chủ. Tiếc quá Myia ơi, nàng đã vĩnh viễn ra đi. Mộ sâu đã lạnh lẽo ôm lấy nàng, chẳng còn chạy nhảy tung tăng, hay đến bên nũng nịu ta nữa.

Những chú mèo

Có vẻ đáng ngạc nhiên, nhưng mèo không được nuôi phổ biến ở La Mã. Mặc dù có dấu vết về mèo ở đó, được ước đoán là theo chân các nhà thám hiểm Hy Lạp trên những con thuyền. Xương mèo được khai quật có từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, ít được tìm thấy từ thời Cộng Hoà nhưng số lượng gia tăng vào giai đoạn Đế chế.

Mèo ở La Mã chủ yếu được xem như công cụ bắt chuột. Thậm chí, chúng còn phải cạnh tranh gay gắt với chồn để xem ai sẽ đoạt được danh hiệu “kiểm soát loài gặm nhấm” hàng đầu trong các gia đình La Mã! Chỉ cần nhìn vào tranh khảm mèo ở Pompeii là bạn sẽ hiểu cách phần lớn (hay tất cả?) người La Mã nhìn nhận loài mèo ra sao.

Ngoài thị trấn và biệt thự, mèo còn được tìm thấy ở tiền đồn và pháo đài quân sự; nơi chúng trở thành bạn đồng hành quý giá với các binh lính khi giúp đảm bảo an toàn cho nguồn lương thực khỏi lũ chuột. Theo Donald Engels, tác giả cuốn sách Classical Cats, chữ Latin cattus, mang nghĩa mèo, lần đầu được dùng trong ngữ cảnh quân sự (tên gọi cho một đội binh gồm trăm người).

Dù mèo không được khắc bia tưởng niệm như chó, chúng vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong bia mộ, thường là cùng với trẻ em. Tuy không được xem như bạn thân thiết, mèo vẫn rất linh thiêng đối với nữ thần Diana, và được tôn trọng bởi tính cách độc lập, tự do.

Những bạn chim

Có thể bài thơ nổi tiếng của Catullus về chú chim sẻ cưng của người yêu và cái chết của nó (Catullus 2 and 3) sẽ khiến ta cảm tưởng chim được nuôi rất phổ biến. Đúng rằng chim là thú cưng được ưa thích, nhưng có lẽ mang tính biểu tượng cho địa vị xã hội hơn. Những chú chim với tiếng hót tuyệt mỹ, ví dụ như họa mi, có giá trên trời, bằng cả một nô lệ theo ghi chép của Pliny! Không có nghĩa là chủ nhân không yêu thương chim cưng của mình, chỉ là nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật thời đó cho thấy chim thường bị nhốt lồng làm cảnh hoặc cho vui (như vẹt nhại tiếng). Không giống như chó, chim cưng hiếm khi được khắc bia mộ. Thậm chí, nhà thơ Martial còn viết thơ châm biếm về nghi thức chôn cất chim nữa.

Lồng chim được cho là một phát minh đặc trưng của La Mã. Theo Pliny, người La Mã đầu tiên tạo ra chuồng chim cũng là một người La Mã. Dù cho không còn hiện vật cụ thể nào tồn tại, nhiều nguồn tư liệu có đề cập đến các chuồng chim làm bằng vàng, bạc, ngà, hoặc mai rùa.

Ngoài lồng, chim cũng hiện diện trong vườn các biệt thự La Mã nhờ không gian xanh mát với cây cối, bụi rậm, đài phun nước. Nhưng tất nhiên, không thể xem chúng như thú cưng được. Vậy, người La Mã cổ đại nuôi những loại chim nào?

Nero và Brittanicus đều có sở thích nuôi họa mi biết nói. Agrippina nuôi họa mi và thậm chí là một chú khướu biết nói! Một số gia đình quyền quý La Mã có vẹt, loài chim được đem về từ Ấn Độ và là thú cưng khá phổ biến, có cả trong hoàng cung. Chim sẻ, chim cút, vịt, thiên nga, và bồ câu cũng được nuôi, trong đó bồ câu còn được dùng để đưa thư. Công là loài được ưa chuộng vì vẻ ngoài sặc sỡ và được thả tự do trong khuôn viên phủ đệ của chủ nhân. Đáng chú ý, hoàng đế Honorius còn từng rất mực thương yêu… lũ gà, và đá gà cũng là một môn giải trí thời đó.

Điều quan trọng ta nên nhớ đó là những ghi chép có thể đưa ra ấn tượng sai lầm về một xã hội đã rất xa xưa. Một phát hiện thú vị từ Pompeii đã chứng minh điều ngược lại: chuồng chim của một người đàn ông nghèo. Rõ ràng, chẳng có loài chim quý hiếm để khoe khoang nào ở đây, nhưng ít nhiều cho thấy một người yêu chim đã có cách để nuôi chim cảnh trên ban công căn hộ tầng hai. Nhiều khả năng chú nuôi các giống chim nhỏ hót hay như họa mi hay sẻ đồng. Mặt khác, cũng trong thành phố đó, tồn tại một chuồng chim khổng lồ đủ sức cung cấp chim làm kiểng cho toàn khu vực.

Bài tương tự:

https://lichsu.blog/chu-viet-co-dai-tu-hanh-chinh-den-suc-manh-tam-linh/
https://lichsu.blog/giang-sinh-thoi-trung-co-dien-ra-the-nao/

Chơi cá

Nếu chúng ta thay đổi định nghĩa về thú cưng (điều nên làm, bởi người La Mã có quan điểm khác biệt về thú cưng so với chúng ta ngày nay), thì chủ đề này nên bao gồm cả những loài cá được nuôi trong nhà. Chỉ tính riêng ở Pompeii, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hơn 70 hồ nuôi cá trong các biệt thự, và nhiều hồ có cả cá sống bên trong. Mặc dù góp phần thể hiện địa vị xã hội tương tự như các loài chim, nhưng rốt cuộc cá vẫn có thể chỉ là bữa ăn cho gia chủ. Vì vậy, chúng vừa là vật trang trí, vừa là nguồn thức ăn. Đã có tin đồn là một số người La Mã từng khóc thương cho cá chết, hoặc trang điểm cho chúng bằng bông tai và vòng cổ (Pliny từng viết như vậy về diễn giả Hortensius và Antonia, bà của Caligula), nhưng điều này khá hiếm gặp.

Một chủ đề thú vị khác về cá là những hồ cá được xây cạnh biệt thự thời La Mã. Đây là biểu tượng của sự giàu có, thậm chí còn sang trọng hơn so với những hồ cá xây ngay trong nhà của người La Mã giàu có. Columella, một tác giả cổ điển từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, đã từng viết cả một tác phẩm tên “De re rustica” để thảo luận về kiến ​​trúc của các hồ cá này. Columella cũng đưa ra lời khuyên về vị trí đặt hồ để nước biển có thể giúp làm sạch nước, cũng như cách bày trí trong hồ sao cho cá cảm thấy thoải mái như sống trong môi trường tự nhiên. Điều thú vị hơn là biệt thự của Tiberius ở Sperlonga có một phần được gọi là Động Tiberius – một hồ cá nước mặn vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Du khách có thể đến đây tham quan và ngắm cá. Những nơi này, ngoài sự tráng lệ của chính chúng, còn chứa nhiều tác phẩm nghệ thuật, một vài trong số đó hiện nay trưng bày ở bảo tàng ngay cạnh Sperlonga.

Về các loài cá được nuôi trong hồ La Mã, có hai loại: cá để ngắm và cá để ăn. Cá vền, cá bơn, cá đối và một số loài khác là nguồn thực phẩm phổ biến. Cá bàng cũng được ưa chuộng, vừa vì thịt ngon vừa vì tập tính hay nhảy khỏi mặt nước, tạo sự thích thú khi ngắm nhìn. Nhiều loại lươn cũng được rao bán với giá rất cao.

Tất cả sự xa hoa về thủy sinh này đạt đến đỉnh cao trong thời đại đế chế, và sau đó giảm dần, chủ yếu do lòng tham của các hoàng đế và việc tịch thu đất đai từ các chủ đất quý tộc.

Khỉ và các loài thú cưng khác

Theo Scriptores Historiae Augustae, Hoàng đế Elagabalus sở hữu một số gấu, sư tử và báo đã được “giải trừ vũ khí”: chúng bị nhổ răng và móng vuốt, đồng thời được huấn luyện thành vật lấy le khi được lệnh nằm nghỉ trên ghế dài trong các bữa tiệc. Mục đích là để gây sợ hãi cho những vị khách không nghi ngờ về việc các con vật đã bị vô hại hóa.

Một vài hoàng đế khác được biết cũng sử dụng sư tử đã thuần hóa làm thú cưng. Thậm chí, sư tử khá phổ biến đối với người La Mã, và thường được dùng làm thú biểu diễn trong nhà hát hoặc đấu với võ sĩ giác đấu.

Hoàng đế Valerian nổi tiếng với những con gấu của mình, Mica Aurea và Innocentia. Chúng không được thuần hoá và thực ra là sát thủ chuyên giết người.

Rắn cũng là vật nuôi trong một số gia đình La Mã, và người thích nuôi rắn nhất chính là hoàng đế Tiberius. Ông được cho là đã tự tay cho rắn của mình ăn.

Nhiều xác mai rùa được tìm thấy trong các khu vườn ở Pompeii, và các nhà khảo cổ cũng phát hiện hài cốt khỉ khắp vùng Địa Trung Hải. Có vẻ như khỉ là thú cưng phổ biến ở La Mã, đặc biệt là khỉ đuôi dài, mặc dù các bằng chứng khảo cổ cũng cho thấy sự tồn tại của một số loài khỉ khác. Điều thú vị là việc nuôi khỉ không hẳn là biểu hiện của địa vị xã hội.

Con người cũng là thú cưng?

Đây là một điều gây khó chịu với người hiện đại, đến mức nhiều bạn đọc có lẽ không muốn nhắc tới. Tuy nhiên, vì chủ đề này là “thú cưng” ở La Mã Cổ Đại, nên chúng ta nên nhắc đến sự thật là con người, chính xác hơn là trẻ con, đôi khi bị đối xử như “delica” – thú cưng con người. Giống như nhiều loại thú cưng đã nói đến, delicia cũng là một mặt hàng được giới nhà giàu săn đón. Trẻ em bị bắt làm nô lệ từ khắp nơi trong Đế chế, nếu có vẻ ngoài đáng yêu, tính cách nghịch ngợm, và khả năng nói năng lanh lợi, sẽ được bán lại với vai trò “delica”. Khi lớn lên và không còn phù hợp với vai trò này, chúng sẽ bị bán lại như nô lệ bình thường, hoặc được chủ cũ giữ lại để làm việc khác.

Trẻ em thú cưng thường được cho là thú tiêu khiển của các hoàng đế, và thường xuất hiện trong những tình huống gây khó chịu (nhưng đó không phải luật lệ bất di bất dịch). Một số delica được yêu thương, nuôi nấng và gia chủ sẽ đau buồn khi chúng chết, điều này được thể hiện trong thơ của Statius (Silvae), và được chứng thực trong các nguồn khác bao gồm cả bia mộ. Cũng như nhiều từ ngữ khác, từ “deliciium” cũng có nhiều sắc thái ý nghĩa. Đúng, nó có thể hàm ý mối quan hệ chủ-tớ, nơi nô lệ chỉ bị coi như một con vật nuôi. Nhưng từ này cũng có thể ám chỉ một đứa trẻ mồ côi được gia chủ nhận nuôi như con đẻ. Đây là một chủ đề phức tạp và các nghiên cứu về tình trạng của trẻ em ở La Mã cổ đại vẫn đang diễn ra, nhưng sự thật là một số trẻ em thực sự bị coi như vật nuôi.

Kết luận

Như chúng ta đã thấy, có rất nhiều loài động vật được nuôi làm thú cưng ở La Mã, và mức độ tình cảm của chủ nuôi khác nhau rất nhiều. Điều này không quá khác biệt với thời hiện đại. Một số người vẫn coi thú cưng của họ như đồ trang trí, số khác coi chúng như thành viên trong gia đình, và nhiều người tự nhận là cha mẹ của những “em bé”, dù là chó, mèo hay kỳ nhông. Quan điểm cuối cùng này cũng khá phổ biến trong thế giới cổ đại:

“Theo Ptolemy trong cuốn sách VII trong bộ Bình Luận, Massanassa, vua của Mauritania, đã từng đáp lại một cách thích hợp khi có kẻ muốn mua khỉ của ông: ‘Này, phụ nữ ở đất nước các ngươi không sinh con hay sao?’” (Athenaeus, The Learned Banqueters, 12, 518)

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s