Lưỡng Hà Cổ Đại

Lịch sử thành Babylon cổ đại

Thành cổ Babylon gắn liền với nền văn minh cùng tên, có một lịch sử huy hoàng và hùng mạnh trong thế giới cổ đại

Thành cổ Babylon gắn liền với nền văn minh cùng tên, có một lịch sử huy hoàng và hùng mạnh trong thế giới cổ đại

Babylon là thành phố nổi tiếng nhất của vùng Lưỡng Hà cổ đại, tàn tích của nó tọa lạc tại khu vực Iraq ngày nay, cách thủ đô Baghdad 94 km về phía Tây Nam. Tên Babylon bắt nguồn từ “bav-il” hoặc “bav-ilim” trong tiếng Akkad, có nghĩa là “Cổng của Chúa” (hoặc “Cổng của các vị thần”), sau đó được gọi là Babylon trong tiếng Hy Lạp. Vào thời kỳ hoàng kim, Babylon chính là một trung tâm văn hóa và tôn giáo vô cùng quan trọng.

Thành phố này được các nhà văn Hy Lạp cổ đại nhắc đến với đầy sự ngưỡng mộ. Theo truyền thuyết, Vườn treo Babylon – một trong Bảy Kỳ quan Thế giới Cổ đại từng tọa lạc tại nơi đây. Tuy nhiên, danh tiếng của Babylon phần nào bị hoen ố do nhiều lần xuất hiện với hình ảnh tiêu cực trong Kinh thánh, bắt đầu từ Sáng thế ký 11: 1-9, gắn liền với câu chuyện Tháp Babel huyền thoại.

Babylon được miêu tả có phần ác cảm trong các sách Daniel, Jeremiah, Isaiah, và nổi tiếng nhất là sách Khải Huyền. Học giả Paul Kriwaczek nhận xét rằng chính Kinh thánh đã khiến Babylon mang “tiếng xấu” (167). Dù các câu truyện Kinh thánh không hề có cái nhìn thiện cảm, cũng chính chúng mang lại sự nổi tiếng (hay tai tiếng) lâu dài cho Babylon. Nhờ đó, thành cổ này được nhà khảo cổ học người Đức Robert Koldewey tái khám phá vào năm 1899.

Babylon được thành lập trước triều đại của Sargon Đại đế (trị vì 2334-2279 TCN). Ban đầu, nó dường như chỉ là một thành phố cảng nhỏ bên sông Euphrates, cho đến khi Hammurabi (trị vì 1792-1750 TCN) chọn nơi đây làm kinh đô, khởi đầu Đế chế Babylon hùng mạnh. Sau khi Hammurabi qua đời, đế chế của ông nhanh chóng sụp đổ. Thành phố Babylon bị người Hittite cướp phá vào năm 1595 TCN, sau đó rơi vào tay người Kassites và được đổi tên thành Karanduniash.

Thành phố Babylon lúc đầu thuộc về người Chaldea (thế kỉ 9 trước Công Nguyên). Về sau, đế chế Assyria thống trị vùng đất này (từ thế kỉ 9 đến 7 trước Công Nguyên), rồi lại rơi vào tay vua Nabopolassar (trị vì từ 626-605 trước Công Nguyên) – người sáng lập ra đế chế Tân Babylon. Sau đó người Ba Tư dưới sự dẫn dắt của Cyrus Đại đế (trị vì khoảng 550-530 trước Công Nguyên) đã chinh phục thành Babylon. Dưới thời Đế Chế Ba Tư (550-330 trước Công Nguyên), thành Babylon vẫn được xem như một kinh đô quan trọng cho đến khi rơi vào tay Alexander Đại đế năm 331 trước Công Nguyên.

Sau này, dù rơi vào tay đế chế Seleucid (312-62 trước Công Nguyên), Parthia (247 trước Công Nguyên đến 224 sau Công Nguyên), rồi đế chế Sassan (224-651 sau Công Nguyên), Babylon vẫn là một thành phố giao thương quan trọng. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, ánh hào quang của nó đã phai mờ đi nhiều kể từ thời hoàng kim dưới hai triều vua Hammurabi và Nebuchadnezzar II (trị vì 605/604-562 trước Công Nguyên). Sau cuộc xâm lược của người Hồi giáo Ả Rập hồi thế kỉ thứ 7, thành phố dần đi vào suy tàn, và người ta bỏ hoang nó hoàn toàn.

Trong suốt nhiều thế kỉ, Babylon chỉ tồn tại trong mấy cuốn kinh sách và chuyện kể. Mãi đến thế kỉ 19, thành phố này mới được tái khám phá. Hồi thập niên 1980, chính quyền tổng thống Saddam Hussein đã lên kế hoạch trùng tu thành phố, bao gồm việc xây lại hẳn Cổng Ishtar (cổng thật hiện diện tại Bảo tàng Pergamon ở Berlin, Đức). Sau bao nỗ lực, thành phố cổ đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2019.

Thành phố cảng và Hamurabi

Thành phố cổ Babylon được nhắc đến lần đầu tiên trong một bản khắc từ thời vua Sargon xứ Akkad. Vào thời điểm đó, có vẻ Babylon từng là một thành phố cảng nhỏ nhưng phát đạt bên bờ sông. Dưới thời vua Shar-Kali-Sharri của Akkad (trị vì 2223-2198 TCN), hai ngôi đền đã được xây dựng tại Babylon, và sau đó thành phố rơi vào tay Kazallu cho đến khi được giải phóng bởi tộc trưởng Amorite là Sumu-abum (trị vì vào khoảng năm 1895 TCN). Người kế vị của ông, Sumu-la-ilu (còn được gọi là Suma-la-El, trị vì 1880-1845 TCN), là người sáng lập ra vương triều đầu tiên ở Babylon. Vào thời đó đây vẫn là một thành phố cảng nhỏ, chưa gây được tiếng tăm gì mấy so với các quốc gia láng giềng

Vua Sin-Muballit (trị vì 1812-1793 TCN) đã cải tạo thành phố nhưng không thể nâng tầm Babylon vượt qua các quốc gia khác, rốt cuộc đành dẫn quân đội đi đánh Larsa, quốc gia hùng mạnh nhất thời bấy giờ nhưng bị đánh bại. Ông buộc phải thoái vị và nhường ngôi cho con trai, Hammurabi, người bề ngoài tỏ ra phục tùng vua Larsa nhưng bên trong vẫn âm thầm xây dựng và huấn luyện quân đội.

Khi Larsa yêu cầu Hammurabi cung cấp binh lính để đẩy lùi các cuộc xâm lược của người Elamite, ông đã làm theo nhưng ngay sau khi khu vực này được bảo vệ, đã quay sang đánh thành phố Isin và Uruk của Larsa, đồng thời lập liên minh với Lagash và Nippur rồi đánh chiếm trọn vẹn Larsa. Sau đó, ông tiếp tục các chiến dịch chinh phạt, ban hành bộ luật, chinh phục Lưỡng Hà và thiết lập đế chế của riêng mình.

Bộ luật Hammurabi rất nổi tiếng nhưng chỉ là một ví dụ về các chính sách mà ông thực hiện để duy trì hòa bình và khuyến khích sự phát triển thịnh vượng. Ông đã mở rộng và nâng cao các bức tường thành, xây dựng nhiều công trình công cộng vĩ đại, bao gồm các ngôi đền và kênh đào sang trọng, và coi ngoại giao là một phần không thể thiếu trong chính quyền của mình.

Ông đã thành công trong cả ngoại giao và chiến tranh đến nỗi vào năm 1755 TCN, ông đã thống nhất toàn bộ Lưỡng Hà dưới sự cai trị của Babylon. Vào thời điểm này, Babylon trở thành một thành phố lớn và là thành phố lớn nhất thế giới với dân số trên 100.000 người. Thành phố trở nên hùng mạnh và nổi tiếng sau các cuộc chinh phục của Hammurabi đến mức toàn bộ miền nam Lưỡng Hà được gọi với cái tên Babylonia.

Đế chế Assyria và vua Nebuchadnezzar II

Sau khi Hammurabi chết, đế chế của ông tan rã dần. Babylon mất đi tầm vóc, trở nên nhỏ bé cho đến khi bị người Hittite cướp phá dễ dàng vào năm 1595 TCN. Người Kassite chiếm đóng thành phố và đổi tên nó thành Karanduniash. Giữa thế kỷ 14 và 9 TCN, đại kim tự tháp của Babylon – sau này được người đời liên tưởng đến Tháp Babel – đã được xây dựng. Mối liên hệ này có lẽ xuất phát từ việc nhầm lẫn giữa từ “bav-il” (Cổng của các vị thần) của người Akkad với từ “bavel” (hỗn loạn) của người Do Thái.

Trong câu chuyện Sáng Thế, con người hy vọng lưu danh sử sách nên mới bắt đầu xây một tòa tháp cao chọc trời. Điều này khiến Chúa tức giận vì ngài lo lắng rằng, nếu cứ mãi “chiều” họ như thế, chẳng mấy chốc loài người sẽ làm loạn trật tự tự nhiên. Vì vậy, Chúa quyết định làm cho con người không còn nói cùng một ngôn ngữ nữa. Ngài làm họ lộn xộn, và vì không thể hiểu nhau nên tòa tháp mãi dang dở. Chuyên gia Samuel Noah Kramer giải thích câu chuyện này như một nỗ lực để lý giải cho các ziggurat (kim tự tháp) hoang phế, bao gồm cả ziggurat nổi tiếng ở Babylon, mà các học giả người Do Thái đã từng tận mắt thấy hoặc nghe kể lại.

Sau người Kassite, đến lượt người Assyria thống trị vùng đất này. Dưới triều đại của vua Sennacherib (trị vì 705-681 TCN), Babylon liên tục nổi loạn. Cuối cùng, vào năm 689 TCN, hết kiên nhẫn, Sennacherib đã ra lệnh cướp sạch thành phố, san thành bình địa, “dạy cho bọn khác một bài học”. Hành động cực đoan của ông bị coi là bất kính, không chỉ với dân chúng nói chung, mà ngay cả với các cận thần của mình. Vì lẽ đó, Sennacherib sớm bị chính các con trai ám sát, chúng biện minh cho hành động này là để trả thù cho sự tàn phá của Babylon.

Người kế vị, Esarhaddon (trị vì 681-669 TCN), đã khởi xướng công cuộc khôi phục lại vinh quang trước đây của Babylon, đích thân giám sát công việc này. Thành phố sau đó lại nổi dậy chống lại người kế vị của ông, Ashurbanipal (trị vì 668-627 TCN). Dù dập tắt được cuộc nổi loạn, Ashurbanipal không gây thiệt hại nặng nề nào cho Babylon. Thậm chí, ông còn đích thân tẩy rửa các linh hồn ma quỷ – vốn được cho là nguyên nhân gây ra các cuộc nổi loạn. Tiếng tăm của thành phố như một trung tâm học thuật và văn hóa đã được thiết lập vững chắc vào thời điểm này.

Sau khi Đế chế Assyria sụp đổ, vua Chaldean là Nabopolassar lên ngôi ở Babylon. Ông khéo léo xây dựng liên minh, tạo ra Đế chế Tân Babylon. Con trai ông, Nebuchadnezzar Đệ Nhị, nâng cấp thành phố, mở rộng diện tích lên đến 2200 mẫu Anh, khiến Babylon hãnh diện khoe những công trình kiến trúc đẹp nhất và ấn tượng nhất ở toàn bộ vùng Lưỡng Hà.

Những nhà văn cổ đại từng viết về thành phố Babylon, ngoài các học giả Kinh Thánh, ai cũng đề cập đến nó với sự kinh ngạc. Họ say sưa miêu tả ziggurat vĩ đại Etemenanki – “nền tảng của thiên đường và trái đất” – những bức tường đồ sộ, Cổng Ishtar, và cả Vườn Treo Babylon nữa. Nhà sử học Herodotus từng nhận xét về quy mô của thành phố:

Thành phố nằm trên một đồng bằng rộng lớn, có hình vuông hoàn hảo, mỗi chiều dài một trăm hai mươi stadia, vì vậy toàn bộ chu vi là bốn trăm tám mươi stadia. Quy mô là thế, và không có thành phố nào khác sánh được về độ tráng lệ. Trước hết, nó được bao quanh bởi một con hào rộng và sâu, chứa đầy nước, đằng sau đó là một bức tường rộng năm mươi cubit hoàng gia và cao hai trăm. (I.178)

Mặc dù nhiều người tin rằng Herodotus đã phóng đại quá mức kích thước của thành phố (và có thể ông chưa bao giờ thực sự đặt chân đến nơi này), mô tả của ông phần nào lột tả được sự ngưỡng mộ của các nhà văn khác cùng thời về sự tráng lệ của Babylon, đặc biệt là những bức tường thành vĩ đại – một trong những kỳ quan thế giới. Chính dưới thời kỳ Tân Babylon, dưới triều đại của Nebuchadnezzar II (vị vua đã khởi xướng Cuộc lưu đày Babylon của người Do Thái), Vườn treo Babylon được cho là đã được xây dựng, cùng với Cổng Ishtar nổi tiếng. Diodorus Siculus (khoảng 90-30 TCN) đã mô tả rõ ràng nhất về Vườn treo trong tác phẩm Bibliotheca Historica Quyển II.10:

Ngoài những công trình đồ sộ như thành trì Babylon, cung điện,… xứ Babylon ngày xưa còn nổi danh với Khu Vườn Treo. Người ta đồn rằng, vườn này không phải do nữ hoàng Semiramis xây dựng, mà là một vị vua Syria sau này, cốt để chiều lòng một nàng phi tần của mình. Xuất thân từ Ba Tư, nàng phi tần này lúc nào cũng nhớ núi non quê hương, nên đã năn nỉ nhà vua tái hiện lại khung cảnh thiên nhiên Ba Tư ngay giữa Babylon bằng một khu vườn độc đáo.

Khu vườn này trải dài cả trăm mét về mọi phía. Nó được thiết kế tựa như một triền đồi nhân tạo, các tầng cây cỏ hoa lá được xếp chồng lên nhau trông hệt như một nhà hát ngoài trời. Để nâng đỡ toàn bộ khu vườn, người ta xây dựng các dãy hành lang kiên cố. Hành lang cao nhất lên đến tận năm mươi cubit (khoảng 25 mét), ngang với tường thành của kinh đô. Còn tường của khu vườn thì dày tận 6 mét rưỡi, còn lối đi giữa chúng thì rộng khoảng 3 mét chứ chẳng đùa.

Trần của các hành lang được làm bằng những phiến đá dài hơn 4 mét, rộng 1 mét rưỡi. Người ta tỉ mỉ dùng nhựa đường, gạch nung, rồi thêm một lớp chì trên cùng để chống thấm nước từ đất trồng cây. Đất thì được đắp dày ơi là dày, đủ để những cây đại thụ bám rễ vững chắc Mặt đất được trồng vô số loại cây, đủ kích cỡ, đủ hương sắc – nhìn là thích mắt! Mỗi hành lang của khu vườn đều được thiết kế để đón thật nhiều nắng, và là nơi ở cho các thành viên hoàng gia nữa. Đặc biệt, có hẳn một hành lang bí mật chứa hệ thống dẫn nước từ sông lên tưới cây, công phu đến mức người ngoài nhìn vào chẳng thể nào phát hiện ra.

Đó, Khu Vườn Treo đấy, nghe đã thấy hoành tráng chưa! Xưa mà người ta đã làm được những công trình kỳ vĩ đến thế!

Đoạn trích dưới đây, lấy từ công trình nghiên cứu của nhà sử học Diodorus, nhắc đến Semiramis – một nữ hoàng huyền thoại (có thể dựa trên nhân vật có thật là Nữ hoàng Sammu-Ramat của Assyria, trị vì từ năm 811-806 trước Công nguyên). Cụm từ “nhà vua Syria sau này” mà Diodorus dùng ở đây phỏng theo Herodotus, người gọi vùng Lưỡng Hà là “Assyria”. Các nghiên cứu gần đây tranh luận rằng không phải Babylon, mà chính Nineveh, kinh đô của vua Sennacherib mới là nơi tọa lạc của Vườn Treo. Học giả Christopher Scarre nhận định:

Cung điện của Sennacherib [ở Nineveh] hội tụ đầy đủ những gì thường thấy ở một hoàng cung Assyria tiêu biểu: tượng hộ pháp đồ sộ và những phù điêu chạm khắc cực kỳ tinh xảo (hơn 2.000 phiến đá chạm khắc trải khắp 71 phòng). Ngay cả khu vườn cũng rất đặc biệt. Những nghiên cứu mới đây của nhà Assyria học người Anh – Stephanie Dalley, đặt giả thuyết rằng nơi đây mới chính là Vườn Treo nổi tiếng, một trong Bảy Kỳ Quan Thế Giới Cổ Đại. Các tác giả sau này cho rằng Vườn Treo nằm ở Babylon, nhưng các cuộc tìm kiếm quy mô vẫn không thu được kết quả gì. Những gì Sennacherib miêu tả về khu vườn trong cung điện của mình ở Nineveh lại khớp với Vườn Treo ở nhiều chi tiết đáng chú ý. (231)

Nếu Vườn Treo nằm ở Babylon, hẳn chúng phải tọa lạc ở đâu đó gần trung tâm thành phố. Sông Euphrates chia Babylon thành hai phần, một khu phố cổ và một khu phố mới, nơi có Đền thờ thần Marduk cùng tòa tháp ziggurat sừng sững. Nhiều khả năng khu vườn cũng được đặt ở đây. Dưới triều vua Esarhaddon, đường phố Babylon từng được mở rộng cho phù hợp với nghi lễ rước tượng thần Marduk được tổ chức hàng năm, từ đền thờ chính của ngài trong thành phố tới Đền Lễ Hội Năm Mới tọa lạc bên ngoài Cổng Ishtar. Vua Nebuchadnezzar II về sau còn mở mang đường phố thêm nữa.

Thời Ba Tư chiếm đóng

Đế chế Tân Babylon vẫn tồn tại sau cái chết của Nebuchadnezzar II, và Babylon tiếp tục gây tiếng vang dưới triều đại của Nabonidus (trị vì 556-539 TCN). Ông vua này được xem như “nhà khảo cổ học đầu tiên” vì những nỗ lực khôi phục các di tích cổ xưa (chẳng hạn như ziggurat ở thành phố Ur). Năm 539 TCN, đế chế này sụp đổ khi người Ba Tư dưới sự lãnh đạo của Cyrus Đại đế đánh bại họ trong Trận chiến Opis. Những bức tường thành kiên cố của Babylon khiến quân Ba Tư phải nghĩ ra một kế hoạch khôn ngoan: họ chuyển hướng dòng chảy của sông Euphrates để mực nước sông hạ xuống mức có thể vượt qua.

Trong khi dân cư thành phố lơ là cảnh giác vì mải mê với một trong những lễ hội tôn giáo lớn, quân đội Ba Tư lội sông và tiến thẳng vào thành mà chẳng ai phát hiện. Các ghi chép cho rằng thành phố bị chiếm mà gần như chẳng tốn mấy sức lực, tuy nhiên, nhiều tài liệu thời đó ghi lại những hư hại phải sửa chữa trên tường thành và ở một số khu vực. Do đó, có thể trận chiến không dễ dàng như những gì phía Ba Tư tuyên bố.

Dưới sự cai trị của người Ba Tư, Babylon tiếp tục phát triển rực rỡ như một trung tâm nghệ thuật và giáo dục. Cyrus Đại đế và những người kế vị ông đều đánh giá cao thành phố này, biến nó thành một trong những thủ phủ của đế chế. Toán học, vũ trụ học và thiên văn học của người Babylon được kính trọng, trong đó Thales of Miletus (sống khoảng năm 585 TCN) được cho là đã học tập tại đây. Người ta cũng tin rằng Pythagoras (khoảng 571 – khoảng 497 TCN) đã phát triển định lý toán học nổi tiếng của mình dựa trên một mô hình của người Babylon.

Thời kỳ hậu Alexander

Sau khi Đế chế Achaemenid sụp đổ dưới quân đội Alexander Đại đế vào năm 331 TCN, ông vẫn đối xử với thành phố bằng sự tôn trọng nhất định. Ông ra lệnh cho thuộc hạ không được phá hủy các công trình kiến trúc hay quấy rối người dân. Alexander hy vọng có thể làm đẹp và khôi phục lại thành phố, tiếc là ông đã mất trước khi kế hoạch của mình có thể được thực hiện. Học giả Stephen Bertman có viết:

“Trước khi mất, Alexander Đại đế đã ra lệnh kéo đổ phần kiến trúc bên trên của ziggurat Babylon để có thể xây dựng lại nó với quy mô hoành tráng hơn. Nhưng ông đã không thể sống đủ lâu để hoàn thành dự án của mình. Qua nhiều thế kỷ, mớ gạch vụn của nó đã bị nông dân lấy sạch để xây nên những ước mơ chất phác hơn. Tất cả những gì còn lại của Tháp Babel huyền thoại chỉ là một đầm lầy.” (14)

Sau khi Alexander mất tại Babylon vào năm 323 TCN, trong cuộc Chiến tranh Diadochi, những người kế vị của ông đã đánh nhau vì đế chế nói chung và đặc biệt là vì thành phố này. Chiến tranh diễn ra ác liệt tới mức người dân thành phố phải bỏ trốn để giữ an toàn cho mình (theo một tài liệu cổ thì họ đã bị di dời đi nơi khác). Vào thời Đế chế Parthia cai trị khu vực, Babylon chỉ còn là cái bóng mờ nhạt của quá khứ huy hoàng. Thành phố cứ lụi dần, và ngay cả trong một thời gian phục hưng ngắn ngủi dưới Đế chế Sassanian, nó cũng không bao giờ đạt lại được sự vĩ đại như xưa.

5/5 - (1 vote)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s