Lịch Sử Thế Chiến II

Máy bay ném bom Lancaster – huyền thoại Thế Chiến II

Máy bay ném bom Avro 683 Lancaster là vũ khí hạng nặng được Không quân Hoàng gia Anh (RAF) bay trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai

Nguồn: World History
may bay nem bom lancaster cua Anh

Máy bay ném bom Avro 683 Lancaster là một chiếc phi cơ bốn động cơ hạng nặng được Không quân Hoàng gia Anh (RAF) cùng các quốc gia đồng minh bay trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-45). Chiếc Lancaster đặc biệt được sử dụng trong các cuộc oanh tạc ban đêm và có thể mang theo những quả bom nặng nhất từng được thả trong Thế chiến II. Trong Chiến dịch Chastise – cuộc tập kích “Dambusters” tháng 5 năm 1943, chính Lancaster là loại máy bay đã thả những quả “bom nảy” xuống các con đập ở vùng Ruhr, Đức.

Nguồn gốc thiết kế

Mẫu Lancaster ban đầu chỉ có hai động cơ, cho đến khi các kỹ sư quyết định tạo ra một chiếc máy bay ném bom bốn động cơ. Nó ra đời từ mẫu máy bay ném bom hạng trung Avro 679 Manchester vốn có hai động cơ. Sau khi chứng kiến các vấn đề mà động cơ và khung sườn của Manchester gặp phải trong các chiến dịch năm 1940, các nhà thiết kế tại hãng Avro bắt tay vào phát triển một chiếc máy bay ném bom lớn hơn và tốt hơn. Bốn động cơ cho phép Lancaster mang một tải trọng bom lớn hơn, bay xa hơn và tăng khả năng quay trở về an toàn ngay cả khi một hoặc nhiều động cơ bị trục trặc, hoặc trúng hỏa lực phòng không hay chiến đấu cơ của đối phương. Nguyên mẫu đầu tiên (mang tên Manchester III) được hoàn thành vào tháng 1 năm 1941. Sau nhiều thay đổi thiết kế, chiếc máy bay ném bom đầu tiên đã thử nghiệm thành công tại căn cứ RAF Waddington ở Lincolnshire. Avro giành được hợp đồng sản xuất hơn 1.000 chiếc máy bay, và được đặt tên chính thức là Lancaster. Vào tháng 10, những chiếc Lancaster đầu tiên chính thức vào hoạt động, nhưng mãi đến tháng 3 năm 1942 thì các phi đội Lancaster đầu tiên mới bắt đầu tác chiến . Cuối cùng, có hơn 7.350 chiếc Lancaster được chế tạo, và phục vụ trong Không quân Hoàng gia Anh (RAF), Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) và Không quân Hoàng gia Canada (RCAF).

Lancaster thể hiện tính năng vượt trội so với các mẫu máy bay tiền nhiệm như Short Stirling và Halifax – đều là loại máy bay ném bom bốn động cơ. Lancaster có khả năng cơ động tốt hơn và có thể mang theo tải trọng bom nặng hơn nhiều, dù Stirling và Halifax vẫn là những chiến hữu song hành cùng Lancaster trên chiến trường. Chuyên gia máy bay D. Mondey từng khẳng định rằng “không ai có thể phủ nhận rằng Avro 683 Lancaster là chiếc máy bay ném bom hạng nặng tốt nhất của Anh trong Thế chiến II, thậm chí có người còn cho rằng nó là chiếc máy bay ném bom hạng nặng tốt nhất của bất kỳ phe nào trong suốt cuộc xung đột” (28). Chiếc máy bay này trở thành ngựa thồ của Bộ chỉ huy Không quân Ném Bom của RAF và được các phi hành đoàn yêu thích nhờ khả năng cơ động cao của mình, ngay cả sau khi trúng đạn từ hỏa lực địch trong các phi vụ oanh tạc đầy rủi ro vào lãnh thổ sâu bên trong của kẻ thù.

Thông số thiết kế và phi đội

Máy bay ném bom Lancaster có chiều dài 21,18m và sải cánh 31,09m. Ban đầu, chiếc máy bay này được trang bị bốn động cơ Rolls-Royce Merlin 12 xi-lanh, mỗi động cơ có công suất 1,145 mã lực (854 kW). Các động cơ này được nâng cấp thường xuyên trong suốt chiến tranh, đôi lúc nhà sản xuất cũng thay đổi luôn. Mỗi động cơ Lancaster truyền lực cho một cánh quạt ba lưỡi. Máy bay đạt tốc độ tối đa 462 km/h với tốc độ bay tiêu chuẩn là 338 km/h. Lancaster có tầm hoạt động lên đến 4.072 km và có thể bay ở độ cao 7.470 m. Nó mang được lượng bom khủng, tầm 6.350 kg gồm nhiều quả bom loại nhỏ, hoặc một quả bom “khủng bố” duy nhất nặng gần 10 tấn có biệt danh là ‘Grand Slam’ – quả bom nặng nhất từng được thả bởi không quân nào trong Thế chiến thứ Hai.

Xưởng lắp ráp Máy bay ném bom Lancaster

Để phòng thủ, nó có tám khẩu súng máy Browning cỡ nòng 0,303 inch (20 mm) đặt trong ba tháp pháo: đuôi (4 khẩu), sống lưng (2 khẩu) và mũi (2 khẩu). Một số máy bay đời sau được trang bị súng máy 0,50 inch (127mm) ở tháp pháo đuôi. Dưới khoang kính của xạ thủ mũi là một khoang kính thứ hai dành cho chuyên viên thả bom. Máy bay Lancaster cũng được trang bị những công nghệ tối tân nhất thời bấy giờ như radar quét H2S cho mục đích đánh bom “mù”. Kíp lái của một chiếc Lancaster gồm bảy người, những người này thường được đào tạo cùng nhau, đồng nghĩa với việc họ là một nhóm gắn kết, đôi khi gồm nhiều quốc tịch khác nhau như Anh, Canada, New Zealand, Nam Phi và Úc. Sĩ quan chỉ huy là phi công chính, ngoài ra còn có phi công phụ/kỹ sư hàng không, hoa tiêu, điện đài viên, chuyên viên thả bom (kiêm luôn xạ thủ mũi khi cần), xạ thủ giữa, và cuối cùng là xạ thủ đuôi, người chiếm vị trí nguy hiểm nhất với cái lạnh thấu xương. Nếu phải bỏ máy bay, họ sẽ có dù và một chiếc phao cứu sinh.

Chiến dịch không kích của máy bay ném bom Lancaster

Máy bay ném bom Lancaster đã tấn công các địa điểm chiến lược như nhà máy. Một ví dụ điển hình là cuộc đột kích vào tháng 8 năm 1942 nhằm vào nhà máy MAN ở Augsburg, miền nam nước Đức, nơi sản xuất động cơ diesel cho tàu ngầm U-boat. Đây là một cuộc không kích ban ngày, mục tiêu không lớn hơn một sân bóng đá. Mười hai chiếc Lancaster đã bay đặc biệt thấp. Tuy nhiên, trước khi đến được Augsburg thì lực lượng phòng không đối phương bắn hạ bảy chiếc. Những chiếc máy bay còn lại trút đạn thành công – tổng cộng 17 quả bom, mỗi quả nặng cả nghìn pound Anh, trúng đích. Cuộc đột kích hủy diệt mục tiêu một cách ngoạn mục, và Đội trưởng Phi đội John Nettleton sau đó được trao Huân chương Chữ thập Victoria. Dẫu vậy, Bộ chỉ huy máy bay ném bom của RAF cũng nhận ra rằng, với tổn thất lớn như vậy, những cuộc không kích ban ngày mà không có máy bay hộ tống sẽ khó mà duy trì được lâu dài (vai trò này sau đó được Không quân Hoa Kỳ đảm nhận, cũng với tổn thất tương tự).

Ban đầu, do số lượng hạn chế, máy bay ném bom gặp vô vàn khó khăn trong việc đánh trúng mục tiêu. Cứ ba chiếc thì may ra mới có một chiếc ném được bom trong vòng bán kính năm dặm từ khu vực cần đánh. Bay đêm, thời tiết xấu, thiết bị radar thiếu tin cậy hoặc kém hiệu quả, cùng với hỏa lực dày đặc của máy bay chiến đấu và pháo phòng không của kẻ địch, biến hy vọng tập kích trúng một mục tiêu cụ thể thành giấc mơ xa vời.

Phi đội may bay lanccaster tác chiến
Phi đội tác chiến

Bộ chỉ huy máy bay ném bom thay đổi chiến thuật, tập hợp các phi đội máy bay ném bom thành lực lượng lớn và gửi họ đi tấn công các mục tiêu đa dạng. Máy bay ném bom Lancaster lúc này chủ yếu oanh tạc diện rộng, không ngần ngại đánh vào nơi dân thường sinh sống để hủy hoại tinh thần chiến đấu của đối phương. Đây là chiến lược gọi là “ném bom vùng” (hay “ném bom mù”) nhằm vào các thành phố của Đức cũng như các mục tiêu ở Ý và các vùng bị chiếm đóng ở châu Âu. Các thành phố lớn của Đức như Berlin, Cologne, Dresden, Essen, Hamburg, Nuremberg và Stuttgart thường xuyên hứng chịu các trận oanh tạc kinh hoàng.

Một cải tiến chiến thuật khác là giúp các máy bay ném bom phối hợp với nhau tốt hơn khi đã đến khu vực mục tiêu. Các đợt oanh kích thường có sự tham gia của hàng trăm, đôi khi lên đến cả nghìn chiếc máy bay ném bom. Chiến thuật là một đợt đầu tiên gồm các máy bay ném bom hạng nhẹ thả bom cháy để xác định mục tiêu, sau đó các máy bay Lancaster sẽ trút bom, đầu tiên là bom nổ rồi mới đến bom cháy để thiêu rụi đống đổ nát. Các thành phố thường được phòng thủ nghiêm ngặt. Các máy bay ném bom phải vượt qua hỏa lực dày đặc của máy bay tiêm kích và các khẩu đội pháo cao xạ – nhiều trong số đó được điều khiển bằng radar. Thậm chí, có những khẩu đội pháo cao xạ được đặt trên tàu hỏa để rượt đuổi máy bay ném bom từ mặt đất. Số thương vong ở mặt đất do những cuộc oanh tạc này gây ra là rất lớn, nhưng nó không làm lung lay tinh thần của địch, giống như những đợt không kích của Không quân Đức vào các thành phố của Anh trước đó. Dù sao đi nữa, Bộ chỉ huy máy bay ném bom vẫn tiếp tục chiến lược ném bom vùng của mình.

Đầu máy bay ném bom Lancaster gắn vũ khí chiến đấu hạng nặng.

Nổi tiếng với vai trò máy bay ném bom hạng nặng, Lancaster cũng thực hiện các nhiệm vụ khác như rải thủy lôi và “dò đường” cho các máy bay ném bom khác. Dần dần, có đến 14 phi đội Lancaster “dò đường” (PFF). Họ thả dù hiệu xuống để các máy bay ném bom Lancaster phía sau có thể dễ dàng xác định khu vực mục tiêu. Mỗi dù hiệu gồm 60 ngọn nến pháo sáng được lập trình màu sắc riêng (để phân biệt với pháo sáng gây nhiễu của Đức). Nến cháy chậm để thắp sáng khu vực mục tiêu trong ba phút. Trong trường hợp sương mù dày đặc thì đuốc cũng được sử dụng.

Trong Thế chiến II, không quân Anh thường dùng các máy bay ném bom Lancaster với phi hành đoàn còn đang huấn luyện để đánh lạc hướng quân địch. Như vậy, những chiếc Lancaster khác có thể dễ dàng mang bom tấn công các mục tiêu chủ chốt. Một chiến thuật khác là thả “Window” – những mảnh thiếc nhỏ được thiết kế để gây nhiễu hệ thống radar của Đức.

Vào mùa xuân năm 1943, sự kết hợp của các phi đội đánh lạc hướng, hệ thống radar tối tân, khả năng liên lạc vô tuyến tốt hơn giữa các phi hành đoàn, thiết bị gây nhiễu và đèn hiệu đánh dấu mục tiêu đã cải thiện đáng kể hiệu quả của các cuộc không kích. Điều này được phản ánh trong báo cáo chính thức sau đây của Bộ chỉ huy máy bay ném bom, mô tả cuộc tập kích Barmen-Wuppertal ở miền đông nước Đức vào cuối tháng 5 năm 1943. Chiến dịch này có sự tham gia của 272 chiếc Lancaster:

611 máy bay, trong tổng số 719, tấn công khu Barmen của thành phố Wuppertal với thắng lợi to lớn. Kỹ thuật đánh lửa đã được sử dụng hiệu quả như một biện pháp bổ sung cho việc đánh dấu mặt đất, giúp đạt được hiệu quả tập trung nhất từ trước tới nay. Thành phố hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng, trải rộng hơn 1.000 mẫu Anh và ảnh hưởng đến 113 nhà máy, cũng như gây tê liệt hoàn toàn hệ thống giao thông và tiện ích công cộng. (Spick, 26)

Một cuộc không kích nổi tiếng cũng sử dụng Lancaster là đợt tấn công chiến hạm Tirpitz của Đức, cùng lớp với chiến hạm Bismarck khét tiếng. Tirpitz neo đậu tại vùng biển phía bắc Na Uy, gần Tromsø, khi bị tấn công vào ngày 12 tháng 11 năm 1944. Con tàu bị đánh chìm bởi một loại bom đặc biệt, ‘Tallboy’ nặng 12.000 lb (5.443 kg).

Lancaster cũng sử dụng một loại bom đặc biệt khác – “Bom diệt hạm”, được thiết kế để xuyên thủng giáp tàu bọc thép. Loại bom này xuất hiện trong cuộc tấn công vào tàu sân bay Graf Zeppelin và tàu tuần dương chiến đấu Gneisnau tại vùng biển Ba Lan vào tháng 8 năm 1942, nhưng đợt không kích này đã không thành công.

Không chỉ có ‘Tallboy’, Lancaster còn được trang bị bom ‘Grand Slam’. Loại bom này được thiết kế để xuyên bê tông và tạo ra một vụ nổ lớn đến mức tái tạo hiệu ứng của một trận động đất. Vào ngày 14 tháng 3 năm 1945, một quả ‘Grand Slam’ đã đánh sập Cầu cạn Bielefeld. Trong suốt cuộc chiến, Lancaster đã thả tổng cộng 41 quả ‘Grand Slam’.

Chiến dịch Dam Busters: Sứ mệnh táo bạo của oanh tạc cơ Lancaster

Những chiếc oanh tạc cơ Lancaster đã góp mặt trong một trong những cuộc không kích nổi tiếng nhất của Thế chiến thứ II – chiến dịch “Dam Busters” hay còn gọi là Chiến dịch Chastise. Với mong muốn gây ngập lụt một khu vực thuộc Thung lũng Ruhr để nhấn chìm các nhà máy của Đức, một loại bom đặc biệt đã được thiết kế. Loại bom này có thể thả trên mặt nước, nảy lên cho đến khi nó va vào đập chứa nước – nơi vốn tập trung khá nhiều hồ chứa lớn tại Đức.

Quả “bom nảy” với mật danh “Upkeep” được thai nghén bởi kỹ sư Barnes Wallis (1887-1979), người cũng đã thiết kế máy bay ném bom Wellington và sau này chịu trách nhiệm tạo ra khẩu “Tallboy”, khắc tinh của thiết giáp hạm Tirpitz. Mỗi quả bom nảy nặng đến 9.250 lb (4.200 kg) – hay đúng hơn là các quả thủy lôi – được thiết kế để phát nổ dưới mặt nước ngay sát chân tường đập. Mẫu bom này được chuyên chở bằng những chiếc Lancaster thuộc Phi đội số 617, đóng quân tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Scampton ở Lincolnshire. Phi đội này đã tập luyện tích cực với loại bom mới này trong suốt sáu tuần. Chỉ huy của 19 tổ lái dày dặn kinh nghiệm là Trung tá không quân Guy Gibson (1918-1944).

Tổng cộng có năm con đập trở thành mục tiêu, nhưng ba trong số đó được ưu tiên hơn cả: Möhne, Eder và Sorpe. Để thả những quả bom xoay tít thò lò ở đúng độ cao cần thiết (quá cao và bom đâm sầm xuống nước trước khi kịp nảy, quá thấp thì chúng sẽ không nảy đủ lực), những chiếc Lancaster được trang bị hai chiếc đèn gắn cố định vào càng hạ cánh, được điều chỉnh góc chiếu để hội tụ các tia sáng ở độ cao chính xác 60 ft (18,3 m) bên dưới máy bay. Ngoài ra, các phi công phải thả bom ở tốc độ bay 240 mph (386 km/h).

Những chiếc Lancaster “Dam Buster” cũng được tùy chỉnh khác, ví dụ như tháo bỏ tháp pháo phía mũi và cửa khoang chứa bom. Lắp đặt hệ thống vô tuyến VHF để Gibson có thể liên lạc và chỉ đạo phi đội là một cải tiến đáng kể khác. Cuộc đột kích táo bạo diễn ra vào đêm ngày 16 tháng 5 năm 1943. Cả hai con đập Eder và Möhne đều bị phá vỡ; trong khi đập Sorpe làm bằng đất chỉ chịu những cú đánh trực tiếp nhưng vẫn đứng vững. Được coi là một chiến công vang dội, Gibson được trao Huân chương Chữ thập Victoria. Cái giá phải trả thật đắt. Tám trong số 19 chiếc Lancaster không trở về căn cứ, 53 người thiệt mạng và ba người sống sót nhưng bị bắn rơi trở thành tù nhân chiến tranh. Về phía Đức, những đợt thủy triều từ các con đập bị vỡ đã quét qua thung lũng bên dưới suốt 50 dặm (80 km), nhấn chìm hơn 100 nhà máy, một số mỏ than và vô số nhà cửa. Hơn 1.300 thường dân thiệt mạng trong trận lụt.

Thiệt hại do biệt đội “Dam Buster” gây ra được khắc phục chóng vánh chỉ trong vài tháng. Dù sao đi nữa, có thể nói thành công lớn nhất của cuộc đột kích chính là nhấn mạnh những lợi ích của chiến thuật ném bom chính xác – tầm thấp – nhắm vào các mục tiêu cụ thể và được thực hiện bởi các tổ lái tinh nhuệ được tuyển chọn kỹ lưỡng, điều mà Bộ chỉ huy oanh tạc cơ sẽ theo đuổi cho đến khi kết thúc chiến tranh. Thật vậy, Phi đội số 617 và nhiều phi đội khác chịu trách nhiệm tấn công nhiều mục tiêu then chốt như các nhà máy vũ khí lớn, kho lọc dầu, căn cứ hải quân và cơ sở hạ tầng giao thông của đối phương.

Lancaster: Khi Chiến tranh dần Hạ màn

Trong giai đoạn cuối của Thế chiến II, sau D-Day vào tháng 6 năm 1944, những chiếc Lancaster được triển khai để hỗ trợ Mặt trận phía Tây đang không ngừng mở rộng. Phi đội Lancaster cuối cùng tham chiến là Phi đội 514 vào tháng 9 năm 1944. Theo Mondey, trong suốt cuộc chiến, máy bay ném bom Lancaster “thực hiện hơn 156.000 lần xuất kích và thả tổng cộng 608.612 tấn bom nổ mạnh, cùng hơn 51 triệu quả bom cháy” (32).

Cuộc không chiến do Bộ Tư lệnh Không quân Ném bom (Bomber Command) tiến hành ở Châu Âu cho đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Các cuộc ném bom bừa bãi nhằm vào dân thường mang lại kết quả không rõ ràng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nhiều người tin rằng các cuộc không kích là một trong số ít những cách mà nước Anh có thể trực tiếp tấn công nước Đức. Anh chịu nhiều thất bại, và mãi đến khi Hoa Kỳ tăng cường tham gia vào cuộc chiến, phe Đồng minh mới bắt đầu xem xét đổ bộ lên lục địa châu Âu.

Những chiến dịch ném bom mà Lancaster đóng vai trò then chốt cũng gây ra một hệ quả khác thường bị bỏ qua. Ảnh hưởng từ các cuộc dội bom lên ngành công nghiệp của Đức cũng như sự cần thiết phải phòng thủ tốt hơn, đã khiến Bộ trưởng Vũ khí Đức Albert Speer (1905-1981) gọi cuộc chiến trên không là “mặt trận thứ hai”, chiếm dụng rất nhiều binh lính và máy móc lẽ ra có thể dùng trên Mặt trận phía Đông chống lại Nga.

Kế thừa Lancaster là mẫu Avro 694 Lincoln với bốn động cơ, tầm hoạt động xa hơn và khả năng bay cao hơn. Được phát triển từ năm 1944, Lincoln có thân dài hơn, sải cánh rộng hơn và súng mạnh hơn. Vào cuộc quá trễ cho Thế chiến II, Lincoln vẫn tham chiến tại Malaysia và Kenya. Sau chiến tranh, một số Lancaster được sử dụng như máy bay trinh sát trong Hải quân Pháp, một số phục vụ cho các bài thử nghiệm bay, và số khác được chuyển đổi thành máy bay vận tải dân dụng – được gọi là Lancastrian. Thậm chí một chiếc Lancaster được dùng cho công tác cứu hộ trên biển, có khả năng thả xuồng cứu sinh. Vào tháng 2 năm 1954, chiếc Lancaster cuối cùng phục vụ cho nước Anh chính thức ngừng hoạt động.

5/5 - (1 vote)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s