Sử Trung Quốc

Bàn về tính chất của xã hội Trung Quốc cổ đại

Đã có nhiều nghiên cứu về việc phân loại xã hội cổ đại Trung Quốc. Tác giả đưa ra nhận định mới dựa trên sử liệu cổ

tinh chat xa hoi co dai trung quoc

PGS. Nguyễn Gia Phu

Trích trong sách Một số chuyên đề lịch sử thế giới

Theo quan niệm hiện hành, lịch sử cổ đại Trung Quốc gồm các triều đại: nhà Hạ, nhà Thương, Tây Chu và thời Xuân Thu giai đoạn đầu của thời Đông Chu. Năm được coi là kết thúc của thời Xuân Thu là năm 475 TCN. Lịch sử cổ đại Trung Quốc là lịch sử chế độ chiếm hữu nô lệ. Từ thời Chiến Quốc, tức là giai đoạn lịch sử tiếp theo thời Xuân Thu, Trung Quốc bắt đầu bước vào chế độ phong kiến.

Tuy ý kiến trên được coi là chính thống nhưng có một số học giả nổi tiếng cho rằng chỉ có hai triều Hạ và Thương là xã hội chiếm hữu nô lệ, còn Tây Chu là xã hội phong kiến. Như vậy, sự bất đồng ý kiến trên đây là vấn đề xác định tính chất của xã hội Tây Chu.

Căn cứ chủ yếu để kết luận xã hội Tây Chu là xã hội chiếm hữu nô lệ là “ấp” và “thứ nhân”.

Về vấn đề “ấp”, thiên “Thực hóa chí” của sách “Hán thư” chép:

“Trong thời thịnh trị của Ân Chu, theo Thi Kinh Thư thuật lại, điều chủ yếu là làm cho dân được yên ổn, làm cho họ giàu có và giáo hóa họ…

Mùa xuân, bảo dân ra hết ngoài đồng, mùa đông thì vào hết trong ấp….

Mùa xuân, khi sắp ra đồng, sáng sớm Lý tư ngồi ở điếm bên phải, Lân trưởng ngồi ở điếm bên trái, sau khi ra hết thì trở về, đến chiều cũng như vậy. Những người vào ấp phải xách theo củi, nặng nhẹ chia nhau, những người tóc đã bạc hoa râm thì không phải xách.

Mùa đông, dân vào hết trong ấp, phụ nữ cùng ngõ cùng nhau kéo sợi ban đêm, công của phụ nữ một tháng được bốn mươi lăm ngày. Phải làm cùng nhau như vậy là để tiết kiệm đèn lửa và hợp với tập tục”.

Phái chủ trương Tây Chu là xã hội chiếm hữu nô lệ quả quyết rằng: “Ấp ở đây rất giống trại tập trung lao động. Lý tư và Lân trưởng giống hai ông tướng ngồi ở cổng ấp giám sát sự ra vào của dân”. “Tổ chức trong ấp đã biến thành tính chất của chế độ nô lệ”.

Về vấn đề “thứ nhân”, trên Đại Vu được đúc thời Tây Chu có câu:

“Tích nhữ bang tư tứ bá, nhân lịch sự tự ngự chí ư thứ nhân lục bách thập hựu cửu phu”.

Phái chủ trương Tây Chu là xã hội chiếm hữu nô lệ giải thích rằng “nhân lịch là nô lệ tù binh, ngự là nô lệ gia đình. Vì vậy, cả câu có nghĩa là “Ban cho ngươi… nô lệ tù binh từ nô lệ gia đình đến thứ nhân 659 người”. Qua câu này, có thể thấy 659 nô lệ tù binh có cả thứ nhân và thứ nhân lại để sau nô lệ gia đình, do đó, “thứ nhân khẳng định là nô lệ canh tác” và địa vị của thứ nhân ở dưới nô lệ gia đình.

Do ấp là trại lao động mang tính chất của chế độ nô lệ, thứ nhân là nô lệ canh tác, nên xã hội Tây Chu rõ ràng là xã hội chiếm hữu nô lệ. Còn căn cứ chủ yếu của những người chủ trương xã hội Tây Chu là xã hội phong kiến là:

Đầu thời Tây Chu đã thi hành chính sách phân phong ruộng đất đại quy mô, do đó, tập hợp thành một hệ thống lãnh địa và một hệ thống đẳng cấp.

Thứ dân (tức thứ nhân) chia làm 3 lớp: lớp trên là dân tự do; Lớp giữa là nông nô; Lớp dưới là nô lệ. Nông nô là lực lượng lao động chủ yếu trong nông nghiệp và cũng là tầng lớp có số lượng lớn nhất.

Đến thời Tây Chu, công xã nông thôn đã mang một số tính chất của trang viên phong kiến. Do những căn cứ đó, xã hội Tây Chu dứt khoát là xã hội phong kiến.

Ở Việt Nam, trong các giáo trình lịch sử thế giới cổ đại đã công bố, các tác giả chỉ trình bày cụ thể mà chưa đề cập đến tính chất của xã hội Trung Quốc cổ đại, đồng thời, coi như một quy ước, lấy năm kết thúc thời Chiến Quốc (năm 221 TCN) làm thời điểm kết thúc lịch sử cổ đại của Trung Quốc.

Như vậy, vấn đề tính chất của xã hội Trung Quốc cổ đại, ở Trung Quốc tuy đã có ý kiến chính thống nhưng vẫn tồn tại sự bất đồng, còn ở Việt Nam thì vấn đề này đang tạm thời để ngỏ, vì vậy, chúng tôi muốn phát biểu ý kiến của mình về vấn đề đó.

Vấn đề chúng tôi muốn đặt ra ở đây là:

– Xã hội Trung Quốc cổ đại có phải là xã hội chiếm hữu nô lệ hay không? Xã hội Trung Quốc thời Tây Chu có phải là xã hội phong kiến như Tây Âu không?

Để tìm hiểu những vấn đề này, chúng tôi cũng dựa vào những căn cứ vừa nêu trên của các học giả Trung Quốc, nhưng cách lý giải của chúng tôi hoàn toàn khác.

1. Chúng tôi cho rằng “thứ nhân” hoặc “thứ dân” không phải là nô lệ

Đoạn minh văn trên Đại Vu dẫn trên thực tế có nghĩa là “Ban cho nhà ngươi… tù binh từ người đánh xe đến thứ nhân 659 người”. Chữ “nhân lịch” nghĩa là tù binh chứ không phải nô lệ tù binh, bởi vì tù binh khi mới bị bắt chưa phải nô lệ, về sau tùy theo cách sử dụng mà họ có phải là nô lệ hay không. Nếu họ đã trở thành nô lệ rồi thì chẳng cần phải nói họ là tù binh nữa. Do cố tình giải thích “nhân lịch” là “nô lệ tù binh” nên chữ “thứ nhân” ở phía sau mới bị coi là nô lệ. Hơn nữa, vấn đề địa vị cao hay thấp cũng không tùy thuộc vào việc nói sau hay nói trước. Chữ “thứ nhân” để sau chữ “ngự” (người đánh xe) không có nghĩa địa vị thấp hơn, mà cũng có thể địa vị cao hơn hoặc ngang địa vị người đánh xe. Cần nói thêm rằng, hiện tượng đem thứ nhân để ban cấp là hiện tượng rất cá biệt trong lịch sử Trung Quốc cổ đại.

Trong khi đó, nhiều tài liệu khác cho biết địa vị của thứ nhân chỉ thấp hơn “sĩ” mà thôi. Thiên “Tấn Ngữ” trong sách “Quốc Ngữ” chép: “Công thực cống, đại phu thực ấp, sĩ thực điền, thứ nhân thực lục”, nghĩa là vua, chư hầu sống bằng cống nạp, sĩ sống bằng thu thuế trên ruộng đất, thứ nhân sống bằng sức lao động.

Sách “Tả truyện”, mục Ai Công năm thứ hai chép: Năm 493 TCN, Triều Ưởng nước Tấn trước khi xuất quân tuyên bố rằng: “Nếu thắng được địch thì thượng đại phu được phong một huyện, hạ đại phu được phong một quân, sĩ được hưởng mười vạn mẫu, thứ nhân công thương được trở thành sĩ, nô lệ được giải phóng”.

Qua những tài liệu đó, có thể thấy thứ nhân không phải là nô lệ, càng không phải là tầng lớp có địa vị thấp hơn nô lệ gia đình.

2. Ấp không phải là trại tập trung lao động của nô lệ

Đoạn văn “Thực hóa chí” trong sách “Hán thư” không hề nói ấp là trại tập trung mà ngược lại, ấp là những làng xóm êm đềm. Xung quanh ấp có tường bao bọc, trước ấp có cổng để đi ra cánh đồng. Mỗi ấp đều có tổ chức chức sắc như Lý tư, Lân trưởng. Họ có nhiệm vụ quản lý cư dân trong ấp, tổ chức, chỉ đạo, giám sát công việc sản xuất. Cuộc sống trong các ấp là cuộc sống có tôn ti trật tự, có lễ nghĩa, biết tôn trọng người cao tuổi…

Cư dân trong ấp không phải là nô lệ canh tác mà là nông dân tự do, là thần dân của vua, là thứ nhân hoặc thứ dân vừa nói ở trên. Họ được nhà nước quan tâm để “được sống yên ổn”, được “giàu có” và được “giáo hóa”. Vì vậy, ngay ở dưới đoạn vừa dẫn trên, “Thực thí hóa” của “Hán thư” chép tiếp:

“Trong tháng ấy, những con trai chưa đến tuổi lao động thì đến trường học. Tám tuổi vào tiểu học, học sáu giáp năm phương, các sách và việc tính toán, bắt đầu biết các phép tắc về kẻ lớn người nhỏ trong nhà. Mười lăm tuổi vào đại học, học lễ nhạc của bậc thánh đời trước, do đó mà biết được cái lễ vua tôi trong triều đình. Những kẻ ưu tú khác người được đến hương học ở Tường Tự. Những kẻ hơn người ở Tường Tự được đến kinh đô vua chư hầu học ở trường Thiếu học…”

Con cái những người trong ấp được học hành, nếu ưu tú được học lên mãi để làm quan, càng chứng minh rằng dân ở trong ấp không phải là nô lệ và ấp không phải là trại tập trung lao động.

Ấp là đơn vị cơ sở thời Thương Chu, thứ nhân là quần chúng lao động sản xuất chủ yếu. Nếu ấp là trại tập trung của nô lệ, thứ nhân là nô lệ canh tác thì chẳng lẽ trong xã hội Trung Quốc cổ đại, ngoài dinh thự của vua quan, không còn xóm làng nào khác mà toàn là trại tập trung lao động; và ngoài một bộ phận nhỏ gồm vương, công, khanh đại phu, sĩ, công thương ra toàn bộ dân cư còn là đều là nô lệ cả sao?

Trong lịch sử thế giới, ngay trong xã hội chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp, La Mã cổ đại cũng chưa hề có hiện tượng này xảy ra.

Do thứ nhân không phải là nô lệ, ấp không phải là trại tập trung lao động của nô lệ nên xã hội Tây Chu không phải là xã hội chiếm hữu nô lệ.

3. Trung Quốc thời Tây Chu không có chế độ nông nô và cũng không có trang viên phong kiến

Thời Tây Chu ở Trung Quốc cũng có chính sách phân phong ruộng đất, nhưng những người được nhận phong đất là vua chư hầu, khanh đại phu và sĩ, không giống các lãnh chúa phong kiến Tây Âu. Họ quản lý đất phong của mình qua các tổ chức làng xã để thu thuế khoảng 1/10 chứ không nô dịch từng hộ nông dân và không thu địa tô.

Nông dân Trung Quốc thời kỳ này đều là thần dân của nhà nước. Vì vậy, Kinh thi có câu:

Suất thổ chi tân
Mạc phi vương thần

(Khắp trong bờ cõi
Đều là dân vua
)

“Thực hóa chí” của “Hán thư” chép về tình hình nhận ruộng của nông dân Trung Quốc lúc bấy giờ như sau:

“Dân đến 20 tuổi thì nhận ruộng, 60 tuổi thì trả ruộng”

“Dân nhận ruộng, ruộng loại tốt mỗi suất 100 mẫu, ruộng loại vừa, mỗi suất 200 mẫu, ruộng loại xấu, mỗi suất 300 mẫu”.

Sách “Công Dương truyện” còn cho biết thêm:

“… Đất tốt không được hưởng một mình, đất cằn cỗi không phải một mình chịu, do đó, ba năm một lần đổi ruộng và đổi chỗ ở cho nhau để của cải và sức người đều như nhau”.

Như trên đã nói, con cái nông dân cũng được học hành, học giỏi còn có thể được làm quan. Như vậy, nông dân Trung Quốc thời Tây Chu không bị buộc chặt vào ruộng đất của lãnh chúa hết đời này sang đời khác, không bị nô dịch nặng nề, có thể thay đổi giai cấp… do đó, làm sao có thể gọi họ là nông nô được?

Đơn vị cư trú của nông dân là ấp tức là các thôn xóm. Họ gắn bó với quê hương bởi tình cảm xóm làng và bởi cơ sở kinh tế. Vì vậy, Mạnh Tử nói:

“Chết và dời chỗ ở cũng không ra khỏi xóm làng. Xóm làng cùng chung tỉnh ruộng, ra vào thân mật với nhau, giúp nhau trông nom nhà cửa ruộng nương, săn sóc nhau khi đau ốm, cho nên nhân dân thân ái, hòa thuận với nhau”.

(Đằng Văn Công thượng)

Nông dân trong các thôn xóm đó như trên đã nói, không phải là nông nô, họ cày ruộng công và phải nộp thuế bằng khoảng 1/10 chứ không phải nộp tô, không bị nô dịch.

Nền kinh tế trong xóm làng ấy dẫu rằng cũng mang tính chất tự cấp tự túc nhưng xóm làng ấy không phải là những cơ sở kinh tế đa ngành phục vụ cho mọi nhu cầu của lãnh chúa.

Do vậy, các xóm làng ấy không hề mang tính chất trang viên phong kiến; và một khi nông dân không phải là nông nô, làng xóm không phải là trang viên thì xã hội Tây Chu cũng không phải là xã hội phong kiến như Tây Âu thời trung đại.

4. Xã hội thời Hạ Thương cũng không phải là xã hội chiếm hữu nô lệ

Một số học giả Trung quốc đều nhất trí cho rằng xã hội thời Hạ Thương là xã hội chiếm hữu nô lệ bởi vì quần chúng lao động sản xuất đều là nô lệ. Sự thực không phải như vậy.

Thời Hạ chưa có chữ viết, tư liệu lịch sử rất hạn chế, nhưng qua một vài thông tin như Mạnh Tử nói: “Hạ Hậu thị ngũ thập nhi cống”, nghĩa là thời nhà Hạ, nhận 50 mẫu ruộng và phải nộp thuế. Qua đó có thể biết quần chúng sản xuất lúc bấy giờ không phải là nô lệ mà là nông dân. Thời Thương, tuy số nô lệ trong xã hội tăng lên nhiều nhưng quần chúng cơ bản vẫn là nông dân. Thiên Bàn Canh (thượng) trong Kinh thư chép:

“Bàn Canh dời đô đến đất Ân, dân không thích ở nơi đó. Vì vậy, ông triệu các quý thích và thân cận đến, bảo họ đi truyền với dân rằng: “Vua chúng ta dời nơi ở đến đây là vì coi trọng sinh mệnh của dân, tránh cho dân khỏi chết chóc”.

Để chứng minh Thương là xã hội chiếm hữu nô lệ, có người quả quyết rằng “dân” được nói đến trong thiên Bàn Canh này là nô lệ. Sự thực, nô lệ là những người hoàn toàn mất tự do, làm sao họ dám tỏ ra “không thích ở nơi đó”, và Bàn Canh cần gì phải cử quan lại đến giải thích, vận động họ? Rõ ràng là “dân” ở đây không phải là nô lệ mà là nông dân.

Hơn nữa, thiên này còn chép lại lời của Bàn Canh nói: “Cũng như lưới được mắc vào dây chằng thì suôn sẻ mà không rối, cũng như người nông dân phải cần cù làm ruộng mới có mùa màng tốt để thu hoạch… Nếu các người không sợ gây nên những thiệt hại lớn cho nhân dân xa gần mà mà chỉ như người nông dân lười biếng cầu an, không cố gắng làm lụng, không chịu cày cấy trên đồng ruộng thì làm gì có thóc gạo?”

Đoạn tư liệu trên càng nói rõ rằng người lao động sản xuất trên ruộng đồng là nông dân, hơn nữa là nông dân tự do, bởi vì nếu là nô lệ thì chỉ có cưỡng bức làm việc chứ cần gì phải nói “cần cù”, “cố gắng”.

Ngoài ra, đoạn tư liệu trích trong “Thực hóa chí” dẫn ở đầu bài này không phải chỉ nói về đời Chu mà nói cả tình hình đời Thương: “Trong thời thịnh trị của Ân Chu…”.

Như vậy, không những thời Tây Chu và Thời Xuân Thu không phải là xã hội chiếm hữu nô lệ mà thời Hạ và thời Thương cũng thế.

* * *

Vậy thì xã hội Trung Quốc cổ đại là xã hội gì?

Muốn tìm hiểu vấn đề này thì phải đối chiếu tình hình cụ thể của Trung Quốc về chế độ ruộng đất, giai cấp lao động sản xuất chủ yếu, hình thức bóc lột với các đặc trưng của các phương thức sản xuất trước chủ nghĩa tư bản.

Toàn bộ ruộng đất ở Trung Quốc cổ đại đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước, vì vậy Kinh thi có câu:

“Phổ thiên chi hạ,
Mạc phi vương thổ”

(Khắp dưới gầm trời
Đâu cũng đất vua)

Mãi đến thời Xuân Thu mới bắt đầu có mầm mống của ruộng tư. Giai cấp lao động sản xuất trên ruộng đất là giai cấp nông dân. Họ cày cấy ruộng đất tỉnh điền chia cho. Do vậy, có thể gọi họ là nông dân công xã. Hình thức bóc lột chủ yếu đối với nông dân là thuế 1/9 hoặc 1/10.

Đó là tình hình thực tế kinh tế xã hội ở Trung Quốc cổ đại, và tình hình đó đã bác bỏ quan điểm cho rằng Trung Quốc cổ đại là xã hội chiếm hữu nô lệ. Còn chế độ phong kiến thì sao?

“Phong kiến” vốn là từ được cấu tạo bởi “Phong ấp kiến hầu” nghĩa là phong thái ấp để lập nước chư hầu. Như vậy, bản thân chữ “phong kiến” mới chỉ nói lên hình thức phong đất đai chứ chưa thể hiện được quan hệ giai cấp và phương thức bóc lột của chế độ này.

Vậy bản chất của phương thức sản xuất phong kiến là gì? Đó là một phương thức sản xuất trong đó giai cấp chủ yếu là nông dân và hình thức bóc lột chủ yếu là địa tô. Do đó, nếu xuất phát từ bản chất, chế độ mà ta quen gọi là chế độ phong kiến có thể gọi là chế độ bóc lột địa tô.

Tuy bản chất của cái gọi là chế độ phong kiến như vậy nhưng ở các nơi khác nhau và thời kỳ khác nhau, giai cấp địa chủ, giai cấp nông dân và hình thức bóc lột không giống nhau mà rất đa dạng.

Giai cấp địa chủ gồm: lãnh chúa quý tộc, địa chủ quan lại, địa chủ bình dân (thường gọi là các nhà hào phú). Ngoài ra, ở phương Đông, khi ruộng đất thuộc quyền sở hữu cao nhất của nhà nước thì nhà nước cũng là một loại địa chủ.

Giai cấp nông dân cũng bao gồm nhiều loại: nông nô, tá điền, cố nông, nông dân công xã, nông dân tự canh.

Hình thức bóc lột chủ yếu gồm có địa tô và thuế. Trong trường hợp ruộng đất là thuộc về nhà nước thì thuế tức là tô. Do vậy, cái gọi là chế độ phong kiến, hay nói đúng hơn là chế độ bóc lột địa tô gồm có ba loại hình chính:

  • Chế độ phong kiến dựa trên quan hệ lãnh chúa – nông nô.
  • Chế độ phong kiến dựa trên quan hệ địa chủ – tá điền.
  • Chế độ phong kiến dựa trên quan hệ nhà nước – nông dân.

Vậy thì xã hội Trung Quốc cổ đại phù hợp với loại hình nào? Như trên đã nói, xã hội Trung Quốc không phải là xã hội phong kiến như ở Tây Âu, tức là không phải chế độ phong kiến dựa trên quan hệ lãnh chúa – nông nô, nhưng xã hội Trung Quốc cổ đại từ Hạ đến Xuân Thu là xã hội phong kiến dựa trên quan hệ nhà nước – nông dân. Không những Trung Quốc mà những nước phương Đông cổ đại khác, về đại thể, tình hình cũng tương tự như vậy.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s