Các cuộc Thập Tự Chinh là một loạt các chiến dịch quân sự do các cường quốc Kitô giáo tổ chức nhằm giành lại Jerusalem và Đất Thánh từ tay người Hồi giáo. Có tám cuộc thập tự chinh được chính thức công nhận diễn ra từ năm 1095 đến 1270 sau Công nguyên, bên cạnh vô số cuộc chiến không chính thức khác. Dù thắng thua thất thường, mục tiêu chiếm giữ Jerusalem và Đất Thánh của người Kitô giáo rốt cuộc vẫn thất bại. Tuy nhiên, lý tưởng thánh chiến tiếp tục tồn tại cho đến tận thế kỷ 16, và bài viết này muốn tìm hiểu những yếu tố thôi thúc cho người tham gia Thập Tự Chinh, từ Giáo hoàng đến cả những chiến binh thấp bé nhất, đặc biệt là trong cuộc hành quân đầu tiên – vốn đặt ra những khuôn mẫu tiêu chuẩn cho các chiến dịch sau này.

Nguyên nhân sâu xa
Tại sao các cuộc Thập tự Chinh lại xảy ra? Một câu hỏi phức tạp với vô vàn câu trả lời. Như sử gia J. Riley-Smith nhấn mạnh:
“Không thể nói đủ về cái sự khắc nghiệt, hoang mang, đáng sợ, nguy hiểm và tốn kém của các cuộc Thập Tự Chinh đối với những người tham gia. Sự hăng hái không ngừng dành cho chúng qua nhiều thế kỷ thật khó để giải thích “. (10)
Ước tính khoảng 90.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em thuộc mọi tầng lớp đã bị các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo thuyết phục tham gia vào cuộc Thập tự chinh thứ nhất (1095-1102 CN). Phải phân tích kỹ động cơ của họ, cũng như của các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo thời đó, mới tìm ra lời giải thích thỏa đáng. Dù suy nghĩ hay động cơ cá nhân là bí ẩn, nhưng những lý do chung khiến Thập Tự Chinh được lan truyền và thực hiện có thể tóm tắt qua những nhân vật và nhóm xã hội chủ chốt sau:
- Hoàng đế Byzantine – Tìm lại lãnh thổ đã mất và đánh bại một đối thủ đáng gờm.
- Giáo hoàng – Củng cố quyền lực của Giáo hoàng ở Ý và vươn lên dẫn đầu Giáo hội Kitô.
- Thương nhân – Độc chiếm các trung tâm thương mại quan trọng do người Hồi giáo nắm giữ và “hốt bạc” từ việc chuyên chở quân Thập Tự đến Trung Đông.
- Giới Hiệp sĩ – Bảo vệ Kitô giáo (tín đồ và thánh địa), thực thi các nguyên tắc hiệp sĩ, vơ vét của cải ở kiếp này và được ân sủng đặc biệt ở kiếp sau.
Đế Chế Byzantine
Đế chế Byzantine đã cai trị Jerusalem cùng nhiều vùng đất linh thiêng khác của người theo Đạo Cơ Đốc trong một thời gian dài. Thế nhưng, vào cuối thế kỷ 11, họ đã để mất những vùng đất này về tay đế chế Seljuk, một bộ tộc Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh. Sau những đợt càn quét liên tiếp vào lãnh thổ Byzantine, quân Seljuk đã khiến cả đế chế phải sững sờ khi đánh bại quân đội Byzantine trong Trận Manzikert năm 1071. Thậm chí, họ còn bắt được Hoàng đế Byzantine Romanos IV Diogenes. Mặc dù được thả sau khoản chuộc khổng lồ, hoàng đế còn buộc phải dâng các thành phố quan trọng như Edessa, Hieropolis, và Antioch cho kẻ địch. Thất bại này gây nên làn sóng xáo trộn trong Đế chế Byzantine khi ngai vàng trở thành mục tiêu tranh giành dữ dội, ngay cả sau khi Romanos trở về Constantinople. Cùng lúc đó, nhiều tướng lĩnh Byzantine ở Tiểu Á (Asia Minor) cũng bỏ vị trí để chạy về tranh quyền đoạt vị.
Nắm bắt thời cơ, quân Seljuk tiến quân thần tốc và thành lập Vương quốc Hồi giáo Rum vào khoảng năm 1078, với kinh đô là Nicaea, một vùng đất mà họ vừa chiếm từ tay Byzantine. Tham vọng của người Seljuk không dừng lại ở đó, năm 1087 họ đã kiểm soát được cả Jerusalem.

Byzantium trải qua giai đoạn bất ổn với hoàng đế này vừa lên ngôi thì lại thoái vị, cho đến khi Alexios I Komnenos (trị vì 1081-1118), một chiến binh kì cựu từng tham gia trận Manzikert, mang lại chút cân bằng. Dù vậy, Alexios vẫn không thể ngăn cản quân Seljuk, thậm chí còn phải chịu trách nhiệm cho những tổn thất lãnh thổ của mình. Do quá lo sợ thế lực của các tướng lĩnh ở Tiểu Á, ông đã làm suy yếu hệ thống phòng thủ tại khu vực này và tập trung lực lượng cho Constantinople. Thêm nữa, Alexios cũng nghi ngờ lòng trung thành của lính đánh thuê Norman của mình, nhất là khi người Norman đang cai trị Sicily và từng phát động các cuộc tấn công vào lãnh thổ Byzantine ở Hy Lạp. Nhận thấy Jerusalem dưới tay Seljuk là cơ hội hoàn hảo để kêu gọi phương Tây hành động, mùa xuân năm 1095, Alexios đã cầu viện các nước Châu Âu, mong họ giúp đánh đuổi Seljuk khỏi vùng Đất Thánh và các vùng Byzantine bị chiếm đóng. Khi ấy, sức mạnh của quân đội Cơ Đốc Giáo chính là thứ vũ khí sắc bén nhất để bảo vệ ngai vàng Byzantine.
Giáo hoàng
Giáo hoàng Urban II (trị vì 1088-1099) tiếp nhận lời kêu gọi của Hoàng đế Byzantine Alexios vào năm 1095, nhưng thực ra đây không phải là lần đầu tiên vị hoàng đế này nhờ vả Giáo hoàng. Trước đó, vào năm 1091, Giáo Hoàng đã hỗ trợ quân cho Byzantium chống lại bộ lạc du mục Pecheneg – vốn đang tấn công khu vực phía Bắc sông Danube trong đế chế. Urban II lại đồng ý giúp sức thêm lần nữa, với nhiều lý do khác nhau.

Chiến dịch Thập Tự Chinh sẽ nâng cao vị thế của Giáo quyền, nhất là khi chính Giáo hoàng sẽ dẫn đầu đội quân liên minh từ các nước phương Tây. Vị trí của Giáo hội sẽ vững chắc hơn tại lãnh thổ Ý, vốn đang gặp vấn đề với Đế chế La Mã Thần Thánh trong thế kỷ trước – thậm chí các Giáo hoàng từng phải rời khỏi Rome để thoát khỏi mối đe doạ này.
Urban II cũng hy vọng có thể tái hợp Giáo hội Cơ đốc giáo Đông (Chính thống) và Tây (Công giáo) dưới sự dẫn dắt của mình, vượt mặt Thượng phụ Constantinople. Hai nhánh của Cơ đốc giáo đã phân ly từ năm 1054 do bất đồng về giáo lý và nghi lễ. Thập Tự Chinh còn có thể thu hút nhiều người tham gia hơn bằng cách nhấn mạnh mối nguy từ Hồi giáo đến các lãnh thổ Cơ Đốc và người Cơ Đốc sống tại đó. Điều quan trọng hơn cả chính là việc Đất Thánh – nơi vô cùng đặc biệt với Cơ Đốc giáo – đã rơi vào tay người khác, đặc biệt là nơi an nghỉ của chúa Jesus, Mộ Thánh ở Jerusalem. Mất mát tại Tây Ban Nha cũng nhắc người ta tình hình nguy cấp của thế giới Cơ Đốc. Dù đến năm 1085 một nửa Tây Ban Nha đã trở lại tay người Cơ Đốc và người Norman đã giành Sicilia về cho Cơ Đốc giáo, Hồi giáo vẫn là mối đe doạ đáng ngại ở châu Âu – điều mà Urban II không quên nhắc nhở mọi người. Thế nên, lời kêu gọi từ Alexios I Komnenos mở ra rất nhiều lợi thế về mặt chính trị và tôn giáo.
Ngày 27 tháng 11 năm 1095, Urban II chính thức kêu gọi Thập Tự Chinh trong buổi diễn thuyết tại Hội đồng Clermont ở Pháp. Thông điệp, được gọi là Đặc xá, nhắm trực tiếp vào các hiệp sĩ, truyền tải rất rõ ràng: bảo vệ Cơ Đốc giáo cũng là một cuộc hành hương, mọi tội lỗi sẽ được xóa sạch, linh hồn sẽ gặt hái vô số phần thưởng ở kiếp sau. Cơ Đốc giáo ăn sâu vào mọi mặt đời sống châu Âu trung cổ – hành hương là điều phổ biến, tu viện luôn đông người, các vị thánh mới liên tục xuất hiện. Khái niệm về tội lỗi rất nặng nề nên lời hứa của Urban II về việc miễn trừ hẳn đã khiến nhiều người xao xuyến. Quan trọng hơn, Giáo hội cho phép chiến dịch bạo lực này vì nó là một cuộc giải phóng chứ không phải tấn công, và mục tiêu là chính đáng, công bằng.
Urban II bắt đầu chuyến đi truyền giảng khắp nước Pháp từ 1095-1096 để chiêu mộ quân Thập Tự Chinh. Ông khuấy động dư luận bằng những câu chuyện phóng đại về việc các di tích Cơ Đốc đang bị ô uế, giáo dân bị tra tấn và đàn áp. Sứ giả và thư tín được gửi đi khắp các xứ Cơ Đốc. Các nhà thờ lớn như ở Limoges, Angers hay Tours thành nơi tuyển quân, các nhà thờ nhỏ và nhất là các tu viện cũng tham gia. Suốt năm 1096, chiến binh từ khắp châu Âu tập trung, sẵn sàng tiến về Jerusalem.
Thương nhân
Ban đầu, lúc Cuộc Thập Tự Chinh đầu tiên diễn ra, mấy ông thương nhân không có can dự nhiều cho lắm. Nhưng từ năm 1200 Công Nguyên trở đi thì khác hẳn nha, họ bắt đầu nhảy vào cuộc để kiếm đường thông thương với phía Đông, thậm chí còn muốn kiểm soát mấy thành phố buôn bán giàu có như Antioch hay Jerusalem.
Không những thế, mấy nhà buôn còn kiếm bộn tiền từ việc chở quân Thập Tự Chinh qua Địa Trung Hải. Từ Cuộc Thập Tự Chinh thứ hai (1147-1149) trở đi, họ còn ký hợp đồng béo bở để chở cả đội quân sang Trung Đông. Các thành phố thương mại của Ý như Venice, Pisa, và Genoa, rồi cả Marseille của Pháp, cạnh tranh với nhau dữ dội, ai cũng muốn giành độc quyền buôn bán giữa Đông và Tây. Nhưng mà, cũng cần nhớ là mấy ông trong các thành phố này không chỉ ham tiền đâu, mà còn cuồng tín lắm. Nhiều người cũng muốn chiến đấu vì Chúa lắm chứ chẳng đùa.
Bài tương tự:
Giới hiệp sĩ và động cơ tham gia Thập Tự Chinh
Đến thế kỷ thứ 11 sau Công nguyên, xã hội ở châu Âu thời trung cổ ngày càng trở nên quân sự hóa. Các chính phủ trung ương đơn giản là không có phương tiện để cai trị hiệu quả trên mọi vùng lãnh thổ của họ. Những người thực sự nắm quyền lực ở cấp địa phương là các địa chủ lớn, các nam tước sở hữu lâu đài và đội quân hiệp sĩ bảo vệ. Các hiệp sĩ, thậm chí cả vua và hoàng tử, cũng tham gia các cuộc thập tự chinh vì tôn giáo, hướng tới phần thưởng ở thế giới bên kia, hay đơn giản là lý tưởng thuần túy về việc bảo vệ các tín đồ Cơ đốc giáo và các địa điểm linh thiêng khỏi những kẻ ngoại đạo.
Điều quan trọng là có lẽ chỉ có sự thù ghét giới hạn về chủng tộc hoặc tôn giáo đối với những kẻ chiếm đoạt vùng Đất Thánh. Mặc dù các giáo sĩ chắc chắn đã sử dụng những công cụ tuyên truyền sẵn có và rao giảng các bài diễn văn kêu gọi trên khắp châu Âu, thực tế là người Hồi giáo hầu như không được biết đến với khán giả của họ, điều đó có nghĩa là bất kỳ hành động bôi nhọ nào cũng sẽ chẳng mấy tác dụng. Người Hồi giáo là kẻ thù bởi vì họ đã chiếm các thánh địa của Cơ đốc giáo, chứ không phải trực tiếp vì họ là người Hồi giáo. Quan điểm quan trọng này được nhà sử học M. Bull nhấn mạnh như sau:
“Cách hiểu phổ biến về các cuộc thập tự chinh ngày nay có xu hướng nghĩ về một cuộc xung đột lớn giữa các tôn giáo được thúc đẩy bởi sự cuồng tín tôn giáo. Nhận thức này gắn liền với những nhạy cảm hiện đại về phân biệt đối xử tôn giáo, và nó cũng có tiếng vang trong các phản ứng đối với các cuộc xung đột chính trị hiện tại ở Trung Đông và các nơi khác. Nhưng đó là một góc nhìn, ít nhất là liên quan đến Cuộc Thập tự chinh thứ nhất, cần được loại bỏ”. (Riley-Smith, 18)

Đối với các hiệp sĩ sẵn sàng tham chiến thì họ có cơ hội để giành chiến lợi phẩm, đất đai và thậm chí có thể được phong quan tước. Nhưng để có thể trang trải cho kinh phí đầu vào đắt đỏ như vũ khí hay áo giáo, họ có thể phải hết bán đất của cải. Các tu viện đã sẵn sàng thu xếp các khoản vay cho những người gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí ban đầu. Ngoài ra còn có ý tưởng về tinh thần hiệp sĩ – rằng một hiệp sĩ phải ‘làm điều đúng đắn’ và bảo vệ không chỉ lợi ích của nhà thờ và thần linh mà còn cả lợi ích của những người yếu đuối và bị áp bức. Vào thế kỷ 11 sau Công nguyên, luật lệ của tinh thần hiệp sĩ vẫn còn sơ khai và do đó quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì tình anh em trong giới quân nhân. Do đó, sự phù hợp của tinh thần hiệp sĩ như một động lực để tham gia Cuộc Thập tự chinh thứ nhất có lẽ liên quan nhiều hơn đến tầm quan trọng của việc được nhìn thấy để làm những gì được mong đợi ở người khác trong giới, và chỉ trong các cuộc thập tự chinh sau này, khía cạnh đạo đức của nó mới trở nên nổi bật hơn trong các bài hát và bài thơ về những hành động táo bạo của các chiến binh thập tự chinh.
Nhiều hiệp sĩ cũng đơn giản là có nghĩa vụ tham gia cùng nam tước hoặc lãnh chúa của họ như một phần của công việc họ thực hiện để kiếm sống. Về mặt kỹ thuật, những người tham gia thập tự chinh là tình nguyện viên, nhưng người ta có thể tưởng tượng rằng ở nhà lo việc bếp núc trong khi lãnh chúa và ân nhân của mình cưỡi ngựa đến Trung Đông không phải là một lựa chọn thiết thực cho các hiệp sĩ đang phục vụ họ. Ngoài ra, nhiều hiệp sĩ đi theo cha hoặc anh em của họ để duy trì mối quan hệ họ hàng và bảo vệ lẫn nhau. Khi các cuộc Thập tự chinh tiếp diễn, truyền thống và kỳ vọng được thiết lập trong các gia đình, vì vậy ít nhất một thành viên của mỗi thế hệ dự kiến sẽ tiếp tục chiến đấu cho chính nghĩa.
Giới bình dân
Không chỉ các hiệp sĩ, ý tưởng về Thập Tự Chinh còn thu hút cả những người lính bộ binh, cung thủ, tùy tùng, và tất cả những người phục vụ hậu cần cho chiến dịch của kỵ binh hiệp sĩ. Lý tưởng này đã lôi cuốn cả thường dân, kể cả phụ nữ, mà ví dụ tiêu biểu nhất là đội quân của nhà thuyết giáo Peter the Hermit khi tập hợp và đến Constantinople vào năm 1096 sau Công nguyên. Đội quân hỗn loạn này, đôi khi được gọi là “Cuộc Thập Tự Chinh của Dân Chúng,” đã nhanh chóng được Alexios I Komnenos đưa đến Tiểu Á. Nhưng họ bỏ qua lời khuyên của người Byzantine, bị phục kích và quét sạch gần Nicaea bởi quân Seljuk vào ngày 21 tháng 10 năm 1096 sau Công nguyên.
Ngoài uy tín và danh dự khi “vác thập tự giá,” (biểu hiện qua phù hiệu thập tự trên áo choàng), người dân thường còn nhận được một số lợi ích thiết thực, ít nhất là từ thế kỷ 13 sau Công nguyên. Chúng bao gồm hoãn nghĩa vụ phong kiến, được ưu tiên giải quyết vụ kiện tại tòa trước khi lên đường, được miễn một số khoản thuế, được hoãn trả nợ, và thậm chí được xóa án tuyệt thông của nhà thờ.
Kết
Nhà sử học C. Tyerman từng nhận định trong cuốn “God’s War” rằng năm 1095 chính là năm 1914 của thời kỳ Trung Cổ – lúc bão tố phẫn nộ đạo đức, lòng tham cá nhân, tuyên truyền chính trị và tôn giáo, áp lực xã hội, và cả sự khao khát phiêu lưu cùng hòa quyện, thôi thúc con người rời bỏ quê hương để dấn thân vào một cuộc hành trình chông gai. Họ hướng tới vùng đất xa lạ, nơi vinh quang và cái chết, hoặc chỉ có cái chết, đang chực chờ.
Thành công của Cuộc Thập tự chinh thứ nhất và việc tái chiếm Jerusalem vào ngày 15 tháng 7 năm 1099 chỉ càng khiến nhiều người muốn “mang lấy thánh giá” rồi lên đường. Lý tưởng Thập tự chinh lan rộng, với nhiều chiến dịch khác nhau, ví dụ như cuộc Reconquista (Tái chiếm Tây Ban Nha khỏi tay người Moor) và các cuộc tấn công vào các nhóm thiểu số ở châu Âu như người Do Thái, dân ngoại giáo, và cả những người bị cho là dị giáo (trong các Cuộc Thập tự chinh ở phương Bắc). Nhiều dòng hiệp sĩ được thành lập để bảo vệ các vùng lãnh thổ chiếm được ở Trung Đông, và thuế má thì cứ thế tăng liên tục để gây quỹ cho những cuộc Thập tự chinh nối tiếp nhau. Quân đội Hồi giáo và Thiên chúa giáo thay nhau thắng rồi bại, khiến các nhà vẽ bản đồ bận rộn suốt bốn thế kỷ sau đó.