Sử Việt Nam

Đời sống của người dân Văn Lang

Nhà nước Văn Lang hình thành trên cơ sở liên minh các bộ lạc, dần tiến tới một thể chế thống nhất, thúc đẩy văn hóa phát triển

doi song nguoi dan van lang

Trong gần hai ngàn năm kể từ khi lập quốc đến khi được An Dương Vương Thục Phán hợp nhất với người Tây Âu thành nước Âu Lạc, Văn Lang sống thế nào? Họ đã đạt được những thành tựu văn minh gì? Họ suy nghĩ gì về thế giới? Cho đến nay, ngoài những ghi chép vụn vặn và bằng cái nhìn khinh miệt với “man di” trong các sách sử Trung Hoa thì dường như không có bất cứ sử liệu nào phát xuất trực tiếp và do người bản xứ thực hiện về thời đại này. Vậy nên chúng ta chỉ có thể nhận xét và đánh giá, và chấp nhận rằng khó lòng có thể đầy đủ và khách quan, về 2000 năm này thông qua những di chỉ khảo cổ. May mắn thay, chúng rất phong phú và là bằng chứng rõ ràng về một nền văn minh phát triển, có những bước tiến kỹ thuật vượt bậc, và đời sống tinh thần phong phú.

Hình thành nhà nước

Nếu chấp nhận truyền thuyết thì Văn Lang sẽ có cuộc đời kéo dài từ khoảng 2800 TCN cho đến khi sát nhập với người Tây Âu thành nước Âu Lạc khoảng 257 TCN, tức là gần 2500 tuổi, trở thành một trong những triều đại bền vững nhất trong lịch sử nhân loại và trải qua đầy đủ các bước tiến văn minh lớn của loài người, từ đồ đá sang đồ đồng rồi tới đồ sắt.

Nhưng các sử gia muốn rút ngắn số tuổi ấy lại cho hợp lý và hợp với những bằng chứng khảo cổ. Cụ thể, Văn Lang chỉ thực sự là một nhà nước hoàn chỉnh vào khoảng năm 700-800 TCN. Trước đó là một hệ thống liên minh các bộ lạc lỏng lẻo nhận chung một tổ tiên, chia sẻ một nền văn hóa, ràng buộc với nhau bởi lợi ích kinh tế, và đoàn kết với nhau bởi các đe dọa ngoại xâm. Dần dần bộ lạc Văn Lang trở nên thắng thế về sự giàu có và sức mạnh quân sự, trở thành thủ lĩnh của liên minh ấy.

Việc thường xuyên giao tranh với các tộc người khác khiến vai trò và uy tín của Văn Lang ngày một mạnh. Cho đến thời điểm thích hợp thì theo xu hướng tất yếu của lịch sử, khi các đòi hỏi về phát triển kinh tế, ổn định xã hội, an ninh đời sống, và đối chọi với thù địch, đã trở nên phức tạp vượt quá khả năng quản lý của cơ chế liên minh, thì nhà nước ra đời. Lãnh tự trở thành vua, các bộ lạc trở thành quận, bộ. Các tù trưởng ban đầu có lẽ vẫn giữ vai trò thủ lĩnh bộ lạc. Nhưng khi họ qua đi thì tinh thần bộ lạc yếu dần, quyền lực trung ương, uy thế của nhà vua, và ý thức về sự thống nhất tăng lên. Và chỉ qua vài thế hệ thì nước Văn Lang đã vững chắc về quản lý, ổn định chính trị, và thống nhất trong tâm hồn của người dân. Nhờ thế mà từ thế kỷ thứ VIII, Văn Lang phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Khi người ta đào lên từ lòng đất Đông Sơn (Thanh Hóa), những gì mà nước Văn Lang giai đoạn cực thịnh còn để lại, thì ta chắc chắn rằng VL khi đó đã là một trung tâm văn minh lớn ở phương nam.

Đời sống của người Văn Lang trong thời kỳ còn là một liên minh và sau khi trở thành nhà nước thống nhất là sự tiến triển liên tục về văn hóa, kỹ thuật, kinh tế, và nhận thức đời sống. Hay, vật chất và tinh thần nói chung.

Kỹ nghệ

Từ 3000-1500 TCN, người Văn Lang đã hoàn thiện kỹ thuật chế tác đồ đá đến mức điêu luyện. Những di vật đào được tại Phùng Nguyên (Phú Thọ) phác họa một bức tranh phong phú về đời sống thường ngày của họ: họ làm đẹp bằng các loại trang sức đủ kiểu: vòng tay, lắc chân, khuyên tai, dây chuyền; họ đốn cây, chặt gỗ bằng rìu đá; làm mộc bằng đục, dùi, cưa, bàn mài, bàn dập; chiến đấu bằng giáo, mác, cung tên; và hầu hết mọi công cụ đó đều làm bằng đá với trình độ chế tác đến mức điêu luyện. Với kỹ thuật làm gốm phát triển, họ tự sản xuất cho mình lu, bình, vại để đựng, nồi niêu để nấu nướng, cốc chén để ăn uống. Các sản phẩm gốm không chỉ dừng lại ở mức đáp ứng nhu cầu sử dụng, nhưng đáp ứng cả nhu cầu thẩm mỹ khi các nghệ nhân đã quan tâm với việc tạo hình cân đối và vẽ hoa văn trang trí. Phổ biến trong giai đoạn này là hoa văn lượn sóng và hình chữ S và bố cục đối xứng.

Họ đã bắt đầu biết tới kim loại đồng, và mày mò kỹ thuật làm chủ vật liệu mới này mà chỉ vài thế kỷ sau con cháu họ sẽ trở thành bậc thầy và dần thay thế đồ đá bằng đồ đồng.

Người Văn Lang ở nhà sàn, bên dưới nuôi heo, bò, gà, vịt, là những loại gia súc gia cầm mà người ta tìm thấy xương của chúng trong các mộ táng. Ta vẫn còn thấy hình ảnh này nơi những người dân tộc Mường, họ hàng rất gần với người Việt cổ.* Họ trồng lúa là chính, nhưng vẫn canh tác nhiều loại cây ăn quả.

Trong khoảng 1000-700 TCN, đời sống Văn Lang biến chuyển mãnh liệt khi đồ đồng phát triển, thay đổi diện mạo xã hội, thúc đẩy sản xuất trên ruộng vườn, gia tăng sức chiến đấu trên sa trường, sản xuất những loại trang sức tinh xảo và đẹp đẽ hơn, rèn được những công cụ cứng cáp và phức tạp hơn. Đây chính là thời gian hình thành nhà nước Văn Lang trên nền tảng liên minh các bộ lạc, sẵn sàng bước vào giai đoạn cực thịnh.

Bắt đầu từ thế kỷ VII Văn Lang hoàn toàn là một nước văn minh và giàu có. Họ có thế giới quan để lý giải vạn vật, có luật pháp để duy trì ổn định, có các chuẩn mực để ứng xử trong xã hội, có quân đội lo việc quốc phòng, có các xưởng đúc đồng để chế tác dụng cụ, vũ khí, có các xưởng gồm làm đồ gia dụng. Họ đúc được những chiếc trống đồng với hoa văn tinh xảo và chất liệu tiên tiến. Họ có hầu như mọi thứ cần thiết của một xã hội phát triển. Và ở mức độ phức tạp như vậy của văn minh thì hiển nhiên họ cần phải có một thứ đại loại như chữ viết làm phương tiện trao đổi thông tin. Tiếc là người Việt rơi vào ách đô hộ khi văn minh chưa kịp chín muồi, và 1000 năm cai trị đủ lâu để phương bắc xóa mọi vết tích của nền văn minh ấy. Chỉ có tâm hồn và bản sắc của người Việt là còn giữ được.

Tâm hồn người Văn Lang

Như hầu hết mọi dân tộc khác, người Văn Lang nhìn thấy quỷ thần trong hầu hết mọi hiện tượng tự nhiên, mưa, gió, sấm, chớp, lũ lụt, hạn hán, và trong những gì vĩ đại như núi cao, sông dài, cổ thụ, rừng rậm. Tất cả đều được lễ bái như thần thánh.

Ta cần ghi nhận một khác biệt quan trọng trong cách nhìn nhận thế giới siêu nhiên của Văn Lang so với nhiều dân tộc khác trên thế giới. Trong khi người La Mã ở và Hy Lạp ở phương Tây, người Ai Cập ở châu Phi, các dân tộc vùng Lưỡng Hà ở Cận Động, các dân tộc vùng bán đảo Ả Rập, người Ấn Độ ở phương Đông, đều xây dựng một hệ thống thần linh với đặc tính như người: có yêu có ghét, có ganh tị, mưu mô, tranh giành quyền lực, sinh con đẻ cái, dâm loạn, hưởng thụ, chia bè kết phái, và thường xuyên qua lại với con người, thì người Văn Lang không nghĩ về thần linh như vậy. Với họ thần linh không phải những nhân vật cụ thể, nhưng một thứ gần như “tính chất”. Thần sông không có nghĩa là một vị thần cai quản con sông, mà chính con sông ấy có tính cách thần thiêng và huyền bí.

Tuy có những thành tựu về thiên văn nổi bật, nhưng dường như trăng, sao, các hành tinh không nằm trong thế giới thần thánh của người Văn Lang. Họ tôn kính Mặt Trời như nguồn lực vĩ đại của sự sống chứ không như một vị thần bằng xương bằng thịt, băng qua bầu trời bằng cách cưỡi xe như Helios của Hy Lạp, cưỡi thuyền như Ra của Ai Cập. Thần Nông mới là vị thần chiếm ngôi đầu trong lòng người Văn Lang. Nhưng ngay cả vị thần này được tôn kính không phải vì là đấng cai quản và định đoạt sự được mất của vụ mùa, nhưng là thủy tổ khai sinh nghề nông và truyền bá kỹ thuật trồng lúa cho con người.

Nhưng thần thánh không phải mối bận tâm chính trong tâm hồn người Văn Lang. Tổ tiên và những bậc anh hùng mới là điều họ sùng kính trên hết. Không có bất kỳ tài liệu nào cho ta biết người Văn Lang nghĩ gì về kiếp sau, hay những gì xảy ra sau khi chết. Nhưng họ tiễn đưa người thân quá cố bằng những cỗ quan tài hình thuyền. Ta không rõ chiếc thuyền ấy được xem là phương tiện chuyên chở linh hồn người chết sang thế giới bên kia, cùng với những đồ bồi táng làm dụng cụ cho họ tiêu dùng, hay chỉ là một vật dụng gắn bó với đời sống sông nước của người quá cố khi còn sống và vì vậy cũng thành nơi an nghỉ cho họ. Nhưng dù thế nào thì quan tài hình thuyền cùng rất nhiều đồ bồi táng cũng là ngụ ý cho thấy người Văn Lang tin rằng người chết, hay vong linh của họ, có một mối liên hệ với những gì mà người sống làm cho họ.

Phồn thực là một nét nổi bật khác trong tín ngưỡng của người Văn Lang. Thành công của nông nghiệp là sản lượng dồi dào, cây trồng xanh tốt; thành công của gia đình là con đàn cháu đống; thành công của vương quốc là dân đông, quân mạnh, kho lẫm tràn đầy. Tất cả có chung một động lực: sự sinh sản. Để cụ thể hóa mong ước về sự trù phú và dồi dào, người Văn Lang, có thể do tự họ nghĩ ra hoặc tiếp xúc với các nền văn hóa khác, sử dụng hình ảnh giao hợp nam nữ. Họ khắc, đúc, đục, vẽ những biểu tượng hoặc hình ảnh giao hoan trên đủ mọi vật dụng với niềm tin rằng làm như thế sẽ mang lại may mắn cần thiết. Nhưng khác với nhiều dân tộc, Văn Lang không sáng tạo ra một vị thần nào để lo việc sinh sôi nảy nở. Khi họ sử dụng những hình ảnh giao hợp thì tức là muốn bày tỏ mong ước nhiều hơn là biểu tượng cho sự cầu xin một thế lực nào đó.

Lễ hội, như biểu hiện cho đời sống tinh thần, đã có và đã phức tạp trong thời kỳ Văn Lang, nhưng chúng ta không biết cụ thể họ có bao nhiêu lễ hội một năm, và làm gì trong những lễ hội đó. Trống đồng có lẽ là nguồn tư liệu duy nhất giúp ta hình dung được bầu khí của một lễ hội thời Văn Lang. Và có lẽ lễ hội được mô tả trên các mặt trống là lễ Cầu Mùa, mà trong đó chính trống đồng cũng được sử dụng như một tế khí chính. Ở vị trí trung tâm là một ngôi sao lớn nhiều cánh, tượng trưng cho Mặt Trời, nhưng cũng có thể là một nguồn lực tạo sinh nào đó, được bao quanh bởi các vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng tròn phác họa các biểu tượng, hoặc các hoạt động. Những vòng tròn nằm gần ngôi sao nhất là những hoa văn mang tính biểu tượng, có lẽ là các hành tinh, các vì sao, là biển cả và núi non. Sau những vòng này là một đoàn người nhảy múa xoay quanh Mặt Trời. Có thể thấy họ mặc tế phục, đeo mặt nạ, đội mũ, cầm tế khí, chơi nhạc cụ, mô phỏng những động tác của đời sống như giã gạo, săn bắn, chèo thuyền. Họ chuyển động dường như theo một vũ điệu nhịp nhàng, đồng nhất. Tiếp đến là vòng tròn vẽ các loài động vật, có chim và hưu. Và ngoài cùng là vòng tròn chim lạc, vật tổ của dân Văn Lang. Những vòng tròn ngoài cùng là các hình tam giác, hình tròn, hình chấm bi mà ta không thể chắc chắn được có thực sự biểu tượng cho điều gì cụ thể không hay chỉ là họa tiết trang trí. Trên thân trống họ khắc hình thuyền bè, sông nước, hình cày ruộng, hình nhà sàn. Cũng cần lưu ý rằng không phải tất cả các mặt trống đều khắc chung một họa tiết, nó thay đổi tùy theo loại, nhưng tựu chung tuân theo chung một bố cục đồng tâm như vậy.

Trang phục và lối sống

Các di vật đào được cho ta biết nhiều điều về cuộc sống của người Văn Lang: họ ăn mặc thế nào, họ sinh hoạt ra sao, họ chiến đấu bằng gì.

Ở thời cực thịnh, khi công nghệ đúc đồng phát triển, đời sống của dân chúng sung túc như ta thấy qua những di vật đào được. Họ đựng đồ trong những chiếc thạp lớn bằng đồng, trong bình, trong vại, chạm trổ tinh vi quanh thân với những họa tiết tương tự như trên bề mặt trống đồng; họ nấu ăn bằng nồi niêu, múc đồ ăn bằng những chiếc muôi đồng được tạo hình cầu kỳ phức tạp; họ cắt gọt bằng dao đồng; đêm đến họ thắp sáng bằng những chiếc đèn đồng nhiều kích cỡ và mẫu mã, một số tạo hình trâu, hình nai cõng đèn trên lưng, một số tạo hình người quỳ gối nâng đĩa đèn trên tay; nhà giàu có lẽ còn xông hương bằng một loại bình đặc biệt; họ có chuông đồng có lẽ dùng để triệu tập dân làng hoặc báo động một sự gì đó quan trọng; Ngoài ruộng họ cày bằng rìu đồng và trên sông câu cá bằng những chiếc lưỡi câu đồng. Tất cả những vật dụng ta vừa nêu có điểm chung là được tạo hình cầu kỳ, tinh vi, và cẩn thận, dường như đối với họ tính thẩm mỹ là yếu tố rất quan trọng đi trước cả tính thực dụng. So với sự công phu trong việc chế tác các vật dụng thường ngày ấy, ta ngạc nhiên thấy rằng đồ dùng của chúng ta ngày nay có phẩn giản tiện hơn nhiều.

Người Văn Lang cầu kỳ trong việc chế tạo những đồ vật thường dụng như thế thì không ngạc nhiên gì khi họ còn chăm chú hơn nữa đến trang phục và trang sức đeo trên người. Vẻ bề ngoài là điều tối quan trọng đối với con người ở bất kỳ thời đại hay nền văn minh nào, và thường người ta sẽ vận dụng hết mức những gì mà công nghệ của thời đại cho phép để trang điểm cho ngoại hình. Phụ nữ luôn đi đầu trong lĩnh vực này. Trái với những mô tả sơ sài và hời hợt, đa phần miệt thị, rằng Văn Lang là xứ cởi trần đóng khố, các bằng chứng khảo cổ chỉ ra người con gái Văn Lang có bộ sưu tập trang phục phong phú. Bình nhật họ vấn khăn, mặc váy phủ từ cổ xuống tới gót chân, thắt lưng bằng đai vải, và có một dải khăn vắt ở phần trước bụng thả xuôi xuống. Khi tham gia lao động họ có loại váy chui đầu để dễ dàng xoay sở trong cử động. Ngày lễ họ mặc tế phục, như ta thấy trên hoa văn trống đồng, gồm áo xẻ hai tà, đội mũ cao, đeo mặt nạ. Ta không biết những trang phục này dệt bằng gì, nhưng quan sát các bức tượng đồng tìm được thì hoa văn phức tạp trên trang phục đòi hỏi đòi hỏi công nghệ dệt vải tiên tiến. Ngoài ra họ còn có áo choàng, làm bằng vải, bằng lông chim, hoặc bằng lông ngỗng tùy theo địa vị và sự giàu sang. Trang phục của họ có thể nói là cầu kỳ, và sự cầu kỳ như vậy là hoàn toàn tương xứng với trình độ văn minh và quan niệm thẩm mỹ phát triển của họ.

Trang sức còn công phu hơn. Thiếu nữ Văn Lang đeo trang sức ở hầu như mọi bộ phận trên cơ thể: hoa tai, lắc tay, lắc chân, thắt lưng, vòng đeo bắp tay, vòng cổ, các loại phụ kiện gắn trên áo, đeo bên hông, trâm cài đầu. Và mỗi loại, cũng giống chúng ta ngày nay, có đủ các kiểu dáng và tạo hình để thỏa mãn thú vui lựa chọn của phái nữ.

Phái nam, như hầu hết mọi nền văn minh khác, luôn giản tiện hơn phụ nữ trong việc phục sức. Một phần vì họ thường xuyên phải lao động, một phần vì họ thường xuyên phải chiến đấu, và một phần nữa là vì sức hấp dẫn của nam giới nằm ở những đường nét mạnh mẽ của cơ bắp nhiều hơn là ở trang phục. Nhưng dù giản tiện thế nào thì trang phục của nam và nữ luôn có những nét tương đồng. Khi lao động họ đóng khố, có lẽ ở trần, hoặc mặc loại áo chui đầu giống phái nữ. Giới quý tộc sẽ cầu kỳ hơn, họ đội mũ và khoác áo lông chim. Cũng như phái nữ, nam giới đeo nhiều đồ trang sức nhưng với kiểu dáng mạnh mẽ hơn: lắc tay, lắc chân, vòng cổ, búi tóc, thắt lưng.

Trên sa trường người lính Văn Lang mặc giáp ngực bằng đồng, cận chiến bằng gươm, dao, rìu; đánh xa bằng cung nỏ; đánh gần bằng giáo, mác, qua, mâu. Văn Lang thường xuyên can qua với các nước lân bang: Mân Việt ở phía đông bắc, Nam Cương của Thục Chế ở phía tây bắc. Về sau công cuộc thôn tính của nhà Tần đã buộc các dân tộc Việt này một lần nữa sát nhập với nhau để chống ngoại xâm.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s