Thebes là một thị trấn ở miền trung Hy Lạp, có người sinh sống liên tục suốt năm thiên niên kỷ. Thành phố này từng là một trung tâm quan trọng của người Mycenae vào cuối thời kỳ đồ đồng. Trong giai đoạn cổ điển, Thebes trở thành một thành bang quyền lực, tham gia vào cả cuộc chiến tranh Ba Tư và Peloponnesus. Thành phố đạt đến đỉnh cao ảnh hưởng vào đầu thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, thời điểm nó hùng mạnh nhất Hy Lạp cổ đại.

Thebes trong thần thoại
Theo thần thoại Hy Lạp, Thebes được thành lập bởi Kadmos, con trai của Agenor, anh trai của Europa và là tổ tiên của Oedipus. Sau khi tiêu diệt một con rắn khổng lồ (hoặc rồng) được Ares phái đến để bảo vệ Suối Areia, nữ thần Athena hướng dẫn Kadmos gieo răng rắn xuống đất. Từ những chiếc răng ấy, các chiến binh mạnh mẽ trỗi dậy và lập nên thành phố Thebes. Huyền thoại về Kadmos có thể ẩn chứa nguồn gốc phía đông của thành phố, vì tên của ông có thể xuất phát từ từ “qedem” trong tiếng Semit, có nghĩa là phía đông. Ngoài ra, theo Herodotus, chính Kadmos đã giới thiệu bảng chữ cái Phoenicia đến Hy Lạp..

Thủ phủ Thebes, theo truyền thuyết, là nơi sinh của người anh hùng huyền thoại toàn Hy Lạp – Hercules. Nó cũng là nơi Sphinx – một sinh vật thần thoại với đầu phụ nữ và thân sư tử có cánh – xuất hiện và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho toàn vùng cho đến khi câu đố của nó được giải. Câu đố của Sphinx yêu cầu người qua đường xác định sinh vật có thể có hai, ba hoặc bốn chân, có thể di chuyển trong không khí, nước và trên cạn, và di chuyển chậm hơn khi có nhiều chân hơn. Oedipus giải được câu đố – loài người – và trong cơn thịnh nộ, Sphinx nhảy xuống vách đá tự vẫn.
Một câu chuyện thần thoại khác gắn liền với Thebes là cuộc viễn chinh huyền thoại có tên gọi “Bảy chiến binh chống lại Thebes” (đồng thời là chủ đề của vở kịch Hy Lạp cùng tên của nhà soạn kịch Aeschylus thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên). Theo truyền thuyết, cuộc chiến này diễn ra một thế hệ trước Chiến tranh thành Troy. Cuộc chiến bắt đầu giữa hai con trai của Oedipus, Polyneikes bị anh trai mình là Eteokles lưu đày, và người anh cả tranh thủ sự giúp đỡ của quân Achaeans từ Peloponnese để giành lại thành phố. Tuy nhiên, khi vượt qua các bức tường của Thebes, sáu trong số bảy chiến binh, kể cả Polyneikes, bị giết. Dù vậy, những kẻ tấn công vẫn giành chiến thắng và người Thebes bản địa phải chạy trốn về phía bắc.
Huyền thoại này có lẽ là một phép ẩn dụ cho tình hình chung ở Hy Lạp sau khi nền văn minh Mycenaean kết thúc.
Tiểu sử thành Thebes
Nằm tại một vị trí vô cùng chiến lược phía trên vùng cao nguyên thấp bao phủ toàn cảnh vùng đồng bằng Boeotia, Thebes (hay còn được biết đến với tên Kadmeia) lần đầu tiên có người sinh sống vào khoảng thời gian năm 3000 TCN. Do thị trấn hiện đại tọa lạc ngay bên trên vị trí lịch sử này nên việc phục dựng lại một cách chính xác lịch sử của thành phố cổ đại gặp rất nhiều khó khăn. Vào đầu đến giữa thiên niên kỷ thứ ba, người ta tìm thấy bằng chứng về các tòa nhà kiên cố có nền móng chạm khắc trên đá, sân lát đá cuội, tường gạch bùn và hệ thống thoát nước.
SAU KỶ TĂM TỐI TẠI HY LẠP (KHOẢNG 1100 – 700 TCN), THEBES TRỖI DẬY TRỞ THÀNH MỘT THÀNH BANG HY LẠP CÓ TẦM ẢNH HƯỞNG
Từ năm 2500 TCN, ta có thể thấy bằng chứng cho thấy các hoạt động sản xuất và lưu trữ lương thực, len sợi – các khối đá mài, cuộn chỉ dệt, khung dệt đất nung, và các dụng cụ mộc bằng đồng. Hoạt động giao thương, cả trong vùng và các khu vực xa hơn được hé mở qua sự hiện diện của nhiều mặt hàng quý giá như vàng, bạc, ngà voi và các bình đá chịu ảnh hưởng từ nền văn minh Cycladic. Từ năm 2000 TCN, thành phố mở rộng hơn với sự xuất hiện lần đầu của các hố đá và hố chôn cất cùng các ngôi mộ trục (shaft grave) chứa đầy đồ vật quý hiếm.

Từ năm 1700 TCN, khu định cư này trở nên dày đặc hơn, và trong suốt thế kỷ thứ 14 TCN, địa điểm này chạm đến đỉnh cao trong thời kỳ đồ Đồng dưới giai đoạn văn minh Mycenaean. Có bằng chứng cho thấy sự tồn tại của các công trình kiến trúc hoành tráng gồm hai tầng với các bức họa trên tường, các pháo đài kiên cố hơn (có khả năng là thuộc dạng Cyclopean và được nhắc đến trong thiên sử thi Iliad của Homer), các xưởng thủ công (đặc biệt là về đồ trang sức), và các ống dẫn nước xây bằng đá với đường ống đất nung. Các phiến đất sét Linear B (một dạng chữ viết cổ của Hy Lạp) và dấu triện cho thấy khu vực này từng là một trung tâm giao thương quan trọng buôn bán dầu ô liu, gỗ, gia súc, len, và đồ da. Việc phát hiện các bình khuấy Cretan gợi ý rằng mạng lưới giao thương từng trải dài khắp vùng biển Aegea. Từ thế kỷ 13 TCN, các ngôi mộ với buồng rộng được phát hiện kèm theo ghế ngồi và hệ thống thoát nước, một số còn có các bức tranh tường và đồ tùy táng quý giá như trang sức vàng và vũ khí bằng đồng. Sự kết thúc giai đoạn này được đánh dấu bằng bằng chứng về thiệt hại do động đất và hỏa hoạn.
Thebes sau Kỷ Tăm Tối, và những thế kỷ vàng son
Theo sau Thời kỳ Tối Tăm tại Hy Lạp (khoảng 1100-700 TCN), Thebes trỗi dậy thành một thành bang có sức ảnh hưởng lớn và trong suốt bốn thế kỷ sau đó, Thebes liên tục trở thành đối thủ đáng gờm với Athens và Sparta để giành quyền thống trị trong khu vực. Vào năm 480 TCN, Thebes liên minh với Ba Tư khi Xerxes xâm chiếm Hy Lạp. Thành phố này sau đó đóng vai trò quan trọng trong Chiến tranh Peloponnesus từ 431 đến 404 TCN, đứng về phía Sparta chống lại Athens.
Trong thế kỷ thứ 4 TCN, hai nhà lãnh đạo Thebes đạt được danh tiếng vang xa và lâu bền: Ngài Pelopidas – nhân vật chính trong tác phẩm Cuộc đời của các Danh nhân (Plutarch), và Epaminondas – chiến lược gia quân sự lỗi lạc kiêm một học giả về triết học. Hai vị tướng này, Pelopidas chiến đấu tại vùng trung tâm và phía bắc Hy Lạp trong khi Epaminondas hoạt động tại vùng Peloponnese, chính là những người góp phần đưa Thebes lên đến đỉnh cao quyền lực trong khu vực.
Đội Quân Thần Thánh – Sự Độc Đáo và Bi Tráng của Thành Thebes
Một nét độc đáo trong quân đội thành Thebes chính là Đội Quân Thần Thánh. Đây là một đơn vị chiến đấu tinh nhuệ thời cổ đại được thành lập bởi Gorgidas, bao gồm 300 chiến binh đồng tính nam với ý tưởng rằng các binh sĩ sẽ chiến đấu mạnh mẽ hơn khi người yêu kề bên. Lần đầu được sử dụng như một đơn vị độc lập bởi tướng Pelopidas, Đội Quân Thần Thánh đánh bại quân đội Sparta trong trận Tegyra năm 375 TCN. Thậm chí, họ còn giành một thắng lợi to lớn hơn trong trận Leuktra năm 371 TCN, khiến Sparta thảm bại.

Ngày nay, đài chiến thắng được người Thebes dựng nên vẫn còn sừng sững tại chiến trường đó. Đây quả là lời đáp trả ngọt ngào cho sự áp đặt đồn trú của người Sparta tại Thebes từ năm 379 đến 376 TCN. Với chiến tích huy hoàng ấy, Thebes xây dựng thủ phủ mới cho xứ Arcadia tại Megalopolis và vững vàng trở thành thành bang hùng mạnh nhất Hy Lạp. Một chi tiết đáng chú ý là Philip, vị vua tương lai của xứ Macedonia, từng bị Pelopidas bắt giữ khi tham chiến tại Thessaly. Ông bị đưa về Thebes làm con tin và có cơ hội nghiên cứu chiến thuật quân sự tại đây. Đội Quân Thần Thánh duy trì thế bất bại của mình tới tận năm 338 TCN, khi người Macedonia xâm lược.
Năm 364 TCN, Pelopidas hy sinh trên chiến trường Kynoskephalai, nhưng Thebes vẫn giành được thắng lợi, buộc Macedonia phải gia nhập Liên Minh Boeotia do mình dẫn đầu. Không lâu sau đó, trong trận chiến không phân thắng bại tại Mantinea năm 362 TCN, tướng Epaminondas cũng ngã xuống. Mất đi hai vị tướng tài ba, uy thế của Thebes bắt đầu suy yếu, nhường chỗ cho Sparta và Athens trở thành hai thế lực lớn nhất Hy Lạp.
Năm 338 TCN, Thebes liên minh với những kẻ thù cũ là Athens và Corinth để chống lại cuộc xâm lược của vua Philip xứ Macedonia trong trận Chaironeia. Tuy nhiên, Thebes thất bại, và quân Macedonia đồn trú ngay tại thành phố. Sau này, thành Thebes, vốn nổi tiếng với những mưu đồ chống lại các đối thủ trong khu vực, còn bị trừng phạt nặng nề hơn bởi người thừa kế của Philip, Alexander Đại đế. Ông đã phá hủy thành phố và bán người dân làm nô lệ.