Sử Việt Nam

“Cung” và “Điện” thời Lý – Trần trên Kinh Đô Thăng Long

"Cung" và "Điện" là hai khái niệm khác nhau trong tư duy thiết kế hoàng cung thời phong kiến. Cùng tìm hiểu thời Lý Trần nó như thế nào

"Cung" và "Điện" là hai khái niệm khác nhau trong tư duy thiết kế hoàng cung thời phong kiến. Cùng tìm hiểu thời Lý Trần nó như thế nào

1. Khái niệm “cung” và “điện”

Theo thói quen, người ta thường nói đến từ ghép “Cung điện” để chỉ nơi vua ở hoặc thiết triều. Về nghĩa của từ này cũng rất khó phân biệt. Theo cách giải thích của Hán Việt từ điển thì “Cung” là nhà lớn. Còn từ “Cung điện” là chỗ vua ở (palais royal)(1). Mục từ “Điện” được giải thích như sau: “Điện là cái nhà cao lớn. Hay giải thích từ “Điện – gác” là: Ông Tể tướng xưa gọi là điện gác(2). Như vậy cách giải thích trên giữa “cung” và “điện” cũng chưa được rõ. Đặc biệt cách giải thích tên gọi ông tể tướng là “điện gác” thì có lẽ đã rất xa với thực tế trong cách hiểu của lịch sử nước ta.

Nhưng trên thực tế, trừ một số trường hợp có sự trùng lặp “cung” và “điện” trùng tên nhau(3) còn hầu hết giữa các tên này không trùng nhau trong suốt chiều dài lịch sử mấy trăm năm của triều đại Lý – Trần. Cho dù có những điện xác định được tên gọi khác nhau nhưng địa điểm là cùng một vị trí như điện Kính Thiên. Mặc dù đã được nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận rằng chính tại vị trí điện Kính Thiên thời Lê, thời Lý là điện Càn Nguyên, thời Trần là điện Thiên An. Thực ra không phải như vậy: Trong các bộ chính sử, điện Càn Nguyên được đề cập đến trong các năm: 1010, 1017, 1028, 1030. Từ năm 1030, tên gọi điện Càn Nguyên không được nhắc đến nữa bởi vì ngôi điện này đã được đổi tên thành điện Thiên An ngay từ năm 1030 (4). Điện Thiên An được đề cập đến từ đó cho đến suốt thời Lý- Trần vào các năm: 1030, 1032, 1035, 1044, 1072, 1214, 1237, 1256, 1263, 1289, 1293, 1351, 1371.(5) Như vậy là ngay từ đầu thời Lý, tên gọi “điện Càn Nguyên” đã được thay bằng tên gọi “điện Thiên An”(6). Về trường hợp sự trùng lặp về tên gọi giữa “cung” và “điện” có khả năng là do các nguyên nhân sau:

– Khi viết sử, các nhà chép sử đã không phân biệt tên gọi giữa “cung” và “điện”, và sự nhầm lẫn này là do thói quen.

– Có khả năng một số cung điện ở gần nhau nên có khi người ta quen gọi tên một “cung” hoặc một “điện” nào đó làm đại diện. Có khi những công trình khác như ao, hồ…gần đó chẳng hạn cũng được mang tên gọi trùng tên của “cung” hoặc “điện” đó(7)… Tuy nhiên trường hợp trùng lặp này chỉ có vài cung, điện chiếm tỷ lệ không nhiều.

Khi thống kê, trừ một số trường hợp đặc biệt có sự trùng tên gọi giữa “cung” và “điện” ra, chúng tôi đã thống kê được tên của các “cung” và “điện” cùng những năm xây dựng, trùng tu, qua đó có thể biết được quá trình trùng tu, sửa chữa kinh thành Thăng Long. Đồng thời, qua bảng thống kê (Xem phụ lục I, II) được sắp xếp theo lịch đại cũng có thể giúp cho người đọc hình dung được quá trình mở rộng kinh thành hoặc những sự cố diễn ra trong thời Lý – Trần như: Thiên tai, lũ lụt, động đất, sét đánh, hỏa hoạn, thậm chí cả những sự kiện ly kỳ như rồng vàng hiện lên ở đâu, như thế nào… Đặc biệt bằng những hoạt động thường xuyên diễn ra ở các cung hoặc điện nào đó của các vua, quan và hoàng tộc từ đó có thể giúp cho chúng ta phán đoán được chức năng, tính chất của các cung và điện đó là gì. Chúng tôi nhận thức rằng, công việc khó khăn nhất của công tác nghiên cứu tiếp theo là việc áp dụng, gắn kết những nguồn sử liệu tên gọi này tương ứng với di tích, di chỉ trên thực địa như thế nào, quy mô, kích thước ra sao, trang trí hoa văn mang phong cách gì, tác dụng, công năng của từng cung, điện đó trong các sinh hoạt triều đình biểu hiện như thế nào… Đó là bấy nhiêu những vấn đề cần quan tâm và phải được giải đáp trong tương lai (cho dù chỉ là những giả thuyết khoa học đặt ra).

2. Các điện thời Lý – Trần

Ngày nay, trên mảnh đất Thăng Long lịch sử, người ta chỉ có thể chỉ ra được một cách tương đối chính xác vị trí điện Kính Thiên và một số công trình kiến trúc cung, điện, lầu, gác khác thời Lê (TK XV) thông qua bản phác họa của Hồng Đức bản đồ (di vật còn lại thời đó là Đoan Môn và điện Kính Thiên với hai con rồng đá tạo tác năm 1467. Đoan Môn được nhắc đến sớm nhất trên tấm bia: Long Đọi sơn, Sùng thiện Diên linh tháp bi(9) niên đại 1122… Đoan Môn thời Lý không còn nhưng đã được nhiều nhà nghiên cứu xác định ở vị trí Đoan Môn hiện nay. Ngoài di tích trên, ta cũng có thể xác định được khoảng vị trí của các di tích khác thông qua đoạn mô tả sau đây: “Canh Tuất, Thuận Thiên năm thứ 1 (1010), tháng 7, mùa thu (…), Lại xây dựng các cung điện trong kinh thành, phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả hữu làm điện Tập Hiền, bên hữu dựng điện Giảng Võ, lại mở của Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, của Đan Phượng thông với cung Uy Viễn, hướng chính nam dựng điện Cao Minh, đều có thềm rồng, trong thềm rồng có hành lang dẫn ra xung quanh bốn phía. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An, Long Thụy làm nơi vua nghỉ. Bên tả xây điện Nhật Quang, bên hữu xây điện Nguyệt Minh, phía sau dựng hai cung Thúy Hoa, Long Phụng làm chỗ cho cung nữ ở. Dựng cửa Tường Phù, phía tây gọi là cửa Quảng Phúc, phía nam gọi là cửa Đại Hưng, phía bắc gọi là cửa Diệu Đức(10)… Đoạn mô tả trên, đã cho chúng ta biết tới 8 điện được xây năm 1010 với vị trí gần với nhau, ngoài ra còn có các cửa, các cung khác. Cũng theo đó, dõi theo các sự kiện của các năm, chúng tôi liệt kê sự kiện những năm xây dựng, trùng tu và các sự kiện liên quan đến “cung” và “điện” diễn ra các năm như sau:

Bảng thống kê các sự kiện liên quan đến việc xây dựng, trùng tu, thiên tai… trực tiếp đến các cung và điện thời Lý – Trần

Qua bảng thống kê trên cho thấy, vào giai đoạn đầu mỗi triều đại, công việc xây dựng, trùng tu và các hoạt động, sự kiện liên quan đến các cung và điện diễn ra nhiều hơn giai đoạn cuối triều đại: Đầu triều Lý (TKXI) nhiều sự kiện hơn TKXII; đầu triều đại Trần (TKXIII) được nhắc đến nhiều hơn thế kỷ XIV. Bởi mỗi triều đại lên ngôi, trên thực tế đòi hỏi cần phải sửa sang, xây dựng, một phần là do thực lực kinh tế mạnh hơn, một phần là do tư tưởng muốn khẳng định dấu ấn vương triều, thể hiện qua những quyết sách bằng những công trình quy mô hoàng tráng. Theo thống kê riêng về loại hình “điện” dưới thời Lý- Trần có ít nhất 69 năm đề cập trong đó: thề kỷ XI có đến 25 lần nhắc đến các sự kiện xây dựng, trùng tu và các sự kiện khác, TK XII có 22 lần, TKXIII có 17 lần, TK XIV chỉ có 5 lần; Về “cung” thời Lý – Trần, TK XI có 17 lần, TK XII có 10 lần, TK XIII có 18 lần, TK XIV chỉ có 7 lần.

Khi tìm hiểu về các “cung” và “điện” thời Lý – Trần, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các lần xây dựng, xin kê như sau:

– Năm 1010 có 8 điện: điện Tập Hiền, Giảng Vỏ, Cao Minh, Càn Nguyên, Long An, Long Thụy, Nhật Quang, Nguyệt Minh

– Năm 1011 có 1 điện: điện Hàm Quang

– Năm 1029 có 6: điện Tuyên Đức, Diệu Phù, Văn Minh, Giảng Võ, Phụng Thiên, Trường Xuân

– Năm 1030 có 6: điện Thiên Khánh, Thiên An, Tuyên Đức, Diên Phúc, Văn Minh, Quảng Vũ

– Năm 1054 có 1: điện Vĩnh Thọ

– Năm 1058 có 4: điện Linh Quang, Kế Lễ, Sùng Nghi, Hồ Thiên Bát Giác

– Năm 1072 có 1: điện Tử Thần

– Năm 1156 có 1: điện Thụy Quang

– Năm 1169 có 1: điện Hòa Kính

– Năm 1211 có 1: điện Thái Hậu

– Năm 1391 có 1: điện Thụy Chương.

Tuy không được nhắc đến vào năm 1010 với sự kiện xây dựng, kiến thiết nhưng lại được nhắc đến trong việc trùng tu vào năm 1012 như: Điện Thiên An, Long Thụy, hoặc không đề cập đến sự kiện khởi công nhưng sự kiện các điện được đề cập về việc khánh thành vào các năm: Điện Trùng Minh (1021), Sùng Dương (1025), Cảnh Linh (1132), Diên Sinh (1135), Thiên Thụy (1204).

Theo thống kê bước đầu của chúng tôi trong 3 tác phẩm Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên có đến 69 năm trong biên niên sử có đề cập đến điện, 52 năm đề cập đến cung, trong đó chỉ tính đến các cung và điện có tên khác nhau là: 58 điện và 36 cung. Nhưng ngày nay chúng ta khó có thể hiểu được những cung và điện này có chức năng như thế nào, nó có công năng như thế nào, hay nói khác đi nó có được phân công chức năng chuyên biệt không?. Rất có thể nó đã được phân công chức năng riêng cho từng điện, nhưng đôi khi trừ những trường hợp hoàn cảnh đặc biệt thì nó có thể được sử dụng một cách linh động, linh hoạt chung quanh các hoạt động của nhà vua và triều đình.

3. Chức năng của các điện

Chúng tôi tạm chia ra làm hai loại hoạt động chính

– Những hoạt động mang tính chất nghi thức triều chính như: đăng quang, thiết triều, xử kiện, băng hà

– Những hoạt động mang tính chất giải trí, vui chơi như: Ban yến, ngự tiệc, xem đua thuyền

– Các hoạt động lên ngôi, duyệt binh, băng hà thường diễn ra ở các điện:

+ Sự kiện lên ngôi: Ở điện Thiên An (1214), vua ngự điện Thiên An duyệt cấm quân ở Long Trì (1351).

+ Sự kiện vua băng ở điện: Càn Nguyên, Long An (1020), Trường Xuân (1053), Vĩnh Quang, Hội Tiên (1072), điện Hồ Thiên(11), Điện Thụy Quang (1138, 1175).

Theo thống kê các hoạt động ngự mở tiệc của các vua Lý- Trần thường diễn ra ở các điện: Điện Thiên Khánh (1043, 1044), điện Thiên An (1237), Diên Hiền (1264); Ban yến: điện Thiên An (1237, 1271), điện bát Giác (1238), Diên Hồng (1264).

– Vua xét xử kiện: điện Giảng Võ (1040), điện Thiên Khánh (1065, 1198)…

– Sự kiện vua tham dự các lễ hội, giải trí: đua thuyền: ở điện Hàm Quang (1036), điện Linh Quang (1079), Hội Quang (1079), Linh Quang 1030; vua xem đấu voi ở Long Trì (1293). Ngoài ra còn có các hoạt động khác ở các điện như: Vua ngự điện Thủy Tinh ban mũ Phốc đầu (1058), vua ngự điện Kinh Diên nghe giảng học (1127), vua ngự điện Sùng Chung xem thi Tam Giáo (1179)… Ngoài ra còn rất nhiều tên gọi khác của các điện thời Lý – Trần mà cho đến nay chúng tôi chưa thể xác định được chức năng của chúng. Không biết rằng, chức năng của nó có liên quan gì đến tên gọi không? Trong rất nhiều tên gọi của các điện đó, có nhiều điện đã thể hiện khát vọng trường tồn, vĩnh cửu của vương triều và sự trường thọ của nhà vua như: điện Vạn Thọ, điện Trường Xuân, điện Diên Phúc, điện Diên Thọ…

– Các sự kiện của thiên nhiên như: thiên tai, động đất, sét đánh cũng thường xuyên đề cập đến trong các bộ chính sử: như điện Càn Nguyên bị sét đánh (1017), điện Vĩnh Ninh (1092), điện Thiên An (1256), điện Thụy Chương (1337); điện bị động đất: điện Vĩnh Quang, Vĩnh Nguyên, Hội Tiên (1180), điện Chính Nghị (1213)…

– Việc đổi tên các điện cũng là một việc làm bình thường của các vương triều trong lịch sử. Có những ngôi điện duy trì tên gọi suốt cả triều đại, suốt mấy thế kỷ, nhưng cũng có ngôi điện được thay đổi tên gọi nhiều lần. Điện Càn Nguyên được xây dựng năm 1010 nhưng đến năm 1030 được đổi tên là điện Thiên An. Như chúng ta đã biết, dưới thời Lý vào các năm 1079, 1122, 1130, vua thường đến điện Linh Quang (còn có tên gọi là điện Phong Thủy) để xem đua thuyền. Sử còn ghi: Mỗi khi nhà vua xa giá, nghỉ chân dân dâng cau và trà cho nên tục gọi là Điện Trà(12). Hay điện Song Quốc đến năm 1363 được đặt tên là điện Lạc Thanh.

Các vấn đề: Thủy, hỏa, đạo, tặc cũng là những nguy cơ thường trực tác động đến kinh thành Thăng Long thời Lý – Trần. Trong chính sử, không ít lần đề cập đến những sự cố như cung thất bị đốt cháy do các nguyên nhân khác nhau nhưng phần lớn là do nội bộ các thế lực phong kiến khi soán đoạt nhau gây lên hoặc do giặc ngoại xâm gây ra nhiều nhất là vào cuối Lý, đầu Trần. Sách Việt sử lược chép: năm 1214, vua cùng Thái hậu về Kinh, cung thất bị cháy hết, bèn đi ra cầu Thái Hòa để ở cạnh đền Chúc Thánh, xây căn nhà tranh để ở(13). Cũng tư liệu này, năm 1215 nhà vua phải dựng thảo điện ở nhà Đỗ An, ngõ ngách kinh thành biến thành tro bụi(14). Hầu như trong suốt cả năm 1214, triều đình nhà Lý không được yên ổn, đặc biệt các tháng 4, 6, 7, 8, 9 thường xuyên nổi lên các trận chống trả của Trần Tự Khánh và hành động đốt phá cung điện(15).

Một nguyên nhân tàn phá các cung điện trong kinh thành Thăng Long không thể không đề cập đến đó là giặc ngoại xâm. Vào cuối dời Trần, kinh thành Thăng Long bị giặc Mông – Nguyên tàn phá nặng nề năm 1285, 1288, và giặc Chiêm Thành đốt phá năm 1371. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Toa Đô vào đốt phá cung điện, giết hại nhân dân(16). Cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên toàn thắng, nhà vua trở về Kinh đô, cung điện bị đốt phá không còn gì, nhà vua phải ngự nhà Thị vệ(17). Cuối đời Trần, giặc Chiêm Thành cũng thường xuyên tấn công Đại Việt, Kinh thành Thăng Long nhiều lần bị thất thủ. Trong những lần đó, triều đình nhà Trần phải tạm thời rút lui về bên bờ Bắc sông Hồng, vua nhà Trần từng phải tạm thời đặt cung điện ở chùa Phật Tích 7-8 năm. Sử ghi rõ, năm 1371: Giặc Chiêm Thành vào đốt phá cung điện, cướp lấy con gái, lụa ngọc đem về(18)

– Sự kiện ly kỳ: Rồng hiện lên ở các điện:

Như chúng ta đã biết, triều Lý khi chuyển đô có sự kiện ly kỳ: Khi thuyền của nhà vua vừa cập bến thì xuất hiện rồng hiện lên. Nhà vua cho đó là điềm lành, bèn đổi tên Đại La thành Thăng Long. Hai triều đại Lý – Trần, có ít nhất 12 lần đề cập đến sự kiện rồng hiện lên trên các cung điện: Năm 1065, 1068 (điện Diệu Linh), 1068,1083 (điện Hội Tiên), 1074 (điện Tử Thần, Hội Long), 1012, 1134 (điện Vĩnh Quang), 1136 (điện Sùng Uyên), 1143 (điện Thiên Thọ), 1204 (điện Thiên Thọ, Thiên Thụy), 1205 (điện Thắng Thọ). Điều đặc biệt là, hầu hết các sự kiện ly kỳ này đều được sách Việt sử lược chép lại. Điều đó một lần nữa chứng tỏ rằng, tác giả của sách này chẳng những chú ý đến những sự kiện chính sử mà còn rất chú ý đến những sự kiện ly kỳ mang tính chất dân gian truyền miệng phần nào đó gần gũi với tư liệu của sách Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh cùng thời.

4. Về tên gọi các cung

Về tên gọi các cung được đề cập trong các năm sau: Cung Nghênh Xuân (1010), Thúy Hoa (1010), Khánh thành năm 1021), Long Phụng (1010), Đại Thanh (1011, 1014), Long An (1012), Long Đức (1028, 1053, 1054, 1058), Thái Thanh (1031, 1128, 1137, 1256), Dâm Đàm (1054, 1065), Động Tiên (1054, 1066), Ngoạn Xuân: 1065, Thượng Dương (1073, 1225), Vạn Diên: (1083, 1109), Thánh Thọ (1210), Lâm Quang (1211), Thánh Nghi (1212, 1213, 1214), Vạn Thọ (1225, 1277), Thánh Từ (1230, 1236, 1258, 1294, 1344, 1356), Quan Triều (1230, 1232, 1344), Phượng Hoàng (1236), Thưởng Xuân (1260), Nhân Thọ (1258, 1290), Đông cung Thái Tử (Thoát Trai) (1330), Thượng Liều (1330), Trùng Quang (1331), Kiến Xương (1341).

Từ xuất phát điểm tên gọi để xác định chức năng của các cung là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên nếu chỉ căn cứ vào tên gọi thì chúng ta rất dễ dẫn đến ý kiến chủ quan, áp đặt. Trong khi chúng ta chưa tìm được các tư liệu để nghiên cứu, tìm hiểu thì chúng tôi vẫn có thể nêu một số tên gọi của các “cung” như một giả thuyết để tiếp tục tìm hiểu. Cung Thượng Dương, Thúy Hoa giúp ta liên tưởng đến tên gọi của những công chúa đời Lý và phải chăng đây là cung của những công chúa này đã từng ở?. Cung “Nghênh Thiềm” có nghĩa là cung dùng để ngắm trăng?…

Kinh đô Thăng Long thời Lý – Trần thực sự là kinh đô bề thế, hoành tráng. Trong suốt 1000 năm qua, trải biết bao thăng trầm, chiến tranh, hỏa hoạn, thiên nhiên tàn phá đi nên ngày nay chúng ta không còn lưu giữ được những công trình đó, nhưng qua các nguồn sử liệu đã cho chúng ta biết trong suốt hai triều đại Lý – Trần gần 400 năm, triều đình liên tục tiến hành xây dựng, trùng tu hàng trăm công trình kiến trúc trong đó chỉ tính riêng các cung và điện đã gần 100 nơi. Qua bảng thống kê và phân tích ở trên, chúng ta có thể chia làm 3 thời kỳ lớn tác động đến diện mạo, cảnh quan của Kinh thành Thăng Long thời Lý – Trần:

– Giai đoạn thứ nhất: Đây là giai đoạn chuyển đô từ Hoa Lư về Thăng Long – Buổi đầu nhà Lý đã cho xây dựng nhiều cung, điện trên đất Thăng Long. Công việc xây dựng trùng tu tiếp tục diễn ra rải rác suốt thế kỷ XI, XII

– Đầu thế kỷ XIII (cuối Lý – đầu Trần), Trần Tự Khánh làm loạn, nhiều cung, điện bị đốt phá, kinh thành Thăng Long hoang tàn, sau đó nhà Trần tiếp nối nhà Lý, kinh đô Thăng Long tiếp tục được xây dựng, trùng tu.

– Nửa cuối thời Trần (Cuối thế kỷ cuối thế kỷ XIII, XIV), khoảng từ năm: 1285, 1287, 1288 giặc Mông – Nguyên vào cướp phá Thăng Long, kinh thành một lần nữa bị tàn phá nặng nề, các cung điện bị giặc đốt. Các năm 1385, 1396, 1397, giặc Chiêm Thành tiến hành xâm lược và đốt phá Thăng Long lần nữa. Tiếp sau đó là sự kiện Hồ Quý Ly quyết định chuyển đô về Thanh Hóa khoảng 4 năm thì hoàn thành (1397 – 1400) và tiến hành soán ngôi nhà Trần, lập lên nhà Hồ (1400 – 1407). Nhà Hồ chuyển đô về Tây Đô (Vĩnh Lộc – Thanh Hóa), kinh thành Thăng Long trở thành tiêu điều, đổ nát. Trong suốt 20 năm thuộc Minh là 20 năm đau thương của đất nước, của kinh thành Thăng Long, các di sản còn xót lại cho đến thời điểm đó hầu như đã vĩnh viễn ra đi. Bằng chứng là những tên gọi của nhiều cung, điện thời Lý – Trần trong các bộ sử nhà Lê không còn nhắc đến nữa.

Chú thích:

(1) Đào Duy Anh: Hán Việt từ điển, Nxb. KHXH, H. 1996, quyển Thượng, tr.274.

(2) Đối chiếu bảng thống kê tên gọi của các cung và điện sẽ thấy được sự trùng nhau của một số tên gọi này.

(3) Đào Duy Anh: Hán Việt từ điển, Nxb. KHXH, H. 1996, quyển Thượng, tr.132.

(4) Đào Duy Anh: Hán Việt từ điển, Nxb. KHXH, H. 1996, Q. Thượng, tr.274.

(5) Đối chiếu bảng thống kê tên gọi của các cung và điện sẽ thấy được sự trùng nhau của một số tên gọi này. Chẳng hạn như tên của các điện kèm theo năm được đề cập đến trong các bộ sử như: điện Long An (1010), Cảm Linh (1132), Vạn Thọ (1143), Phượng Minh (1179), Thánh Thọ (1204), Chúc Thánh (1214) với tên của các “Cung” trùng tên gọi được đề cập đến trong các năm: Long An (1012), Cảm Linh (1088, 1128, 1248), Vạn Thọ (1225, 1277), Phượng Hoàng (1236) (chúng ta liên tưởng đến có tên gọi gần với tên gọi của điện Phượng Minh).

(6) Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, QII, 19b, 20a, Bd tr.254.

(7) Chúng tôi sẽ khảo cứu riêng về điện Kính Thiên này trong một dịp khác.

(Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Tháng sáu năm Kỷ Tỵ, năm Thiên Thành thứ 3 (1030), rồng hiện ở nền điện Càn Nguyên. Vua nói, san phẳng nền điện rồi “Trẫm phá điện ấy, san phẳng nền rồi mà rồng thần còn hiện. Có lẽ đó là đất tốt, đá lớn hưng thịnh, chỗ chính giữa trời đất chăng?. Bèn sai hữu ty mở rộng quy mô, nhắm lại phương hướng mà làm lại, đổi tên là điện Thiên An” (Bản Kỷ, QII, 19b, 20a, Bd tr.254).

(9) Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến những văn bản Hán Nôm gốc, loại trừ trường hợp khi biên dịch, theo thói quen người dịch thường không phân biệt giữa “cung”và “điện” thậm chí thường gọi chung là “cung điện”.

(10) Xem Hồng Đức bản đồ, bản Đông Dương Văn khố Tokyo ký hiệu 100891, tờ 5a,b.

(11) Thác bản văn bia lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, No.32724, 32725; Công bố trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập I, Từ Bắc thuộc đến thời Lý (Ecole Francaise Extrem Orient – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Paris – H. 1998; cũng có thể tham khảo Thơ văn Lý – Trần, Nxb. KHXH, H. 1977.

(12) Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển II, tờ 3b, Bản dịch, tập I, tr.241; cũng xem Đại Việt sử ký tiền biên, Bản kỷ, 3b, Bd, Nxb. KHXH, H. 1997, tr.194.

(13) Việt sử lược ghi: năm 1127, mai táng vua Nhân Tông ở điện Hồ Thiên (Việt sử lược, Sđd tr.139), sách Đại Việt sử ký toàn thư lại viết: “Quàn quan tài ở điện Hồ Thiên (BK, QIII, 26a, Bd, TI, tr.295, tờ 28a, Bd, TI, tr.197. Sách Đại Việt sử ký tiền biên, BK, QIII, 32b, Bd tr.260, 261 lại ghi: vua băng ở điện Vĩnh Quang.

(14) Đại Việt sử ký toàn thư, BK, Q5, 11a, TII, 17; TB, BK, Q5, 17a, 331.

(15) Việt sử lược, Sđd tr.191.

(16) Việt sử lược. Sđd tr.193.

(17) Xem Việt sử lược, Sđd, tr.190-191. Tư liệu này còn ghi khá cụ thể: Giáp Tuất Kiến Gia thứ 4 (1214), mùa hạ, tháng 4 (…), này hôm đó, Tự Khánh phát binh cướp lấy vàng bạc hóa vật của kho vua, rồi đón Nguyên Vương xuống hành cung Ly Nhân (Hà Nam) sai Lại Linh đốt các cung thất ở kinh đô đến 19 nơi” (Sđd, tr.190). Tuy nhiên sự kiện cung Vĩnh Thọ bị cháy (năm 1217) (Việt sử lược, Sđd, tr.195) lại không cho biết nguyên nhân?.

(18) Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Quyển V, 66a,b, Bd, tr.369.

(19) Đại Việt sử ký tiền biên, Bản kỷ, Quyển V, tờ 77a, Bd, tr.377.

(20) Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Quyển VII, tờ 39a, Bd tr.154.

Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh: Hán – Việt từ điển., Nxb. KHXH, H. 1996

2. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Sử học, H. 1960.

3. Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam), Viện Cao học thực hành, Viện Viễn Đông bác cổ (Cộng hòa Pháp) (EFEO), 2005 (10 tập).

4. Hồng Đức bản đồ, nguyên bản chữ Hán, Đông Dương văn khố ToKyo (lưu trữ).

5. Việt sử lược (Khuyết danh), bản dịch của Trần Quốc Vượng, 2005.

6. Đại Việt sử ký toàn thư, bộ 4 tập, Nxb. KHXH, H. 1998.

7. Ngô Thì Sĩ: Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb. KHXH, H. 1997.

8. Ủy Ban khoa học xã hội Việt Nam/Thơ văn Lý – Trần (Bộ 3 tập) Nxb. KHXH, H. 1977, 1978.

9. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học 990 năm Vương triều Lý, Nxb. Hà Nội, H. 2000.

10. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học 1000 năm Vương triều Lý, Nxb. Thế giới, H. 2009./.

Nguồn: Nguyễn Quang Hà, 2010, Về các “Cung” và “Điện” thời Lý – Trần trên kinh đô Thăng Long (Bước đầu khảo sát về số lượng, tên gọi, thời điểm xây dựng, tính chất), Tạp chí Hán Nôm,

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s