Giáng Sinh là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch thời Trung Cổ ở Châu Âu, không chỉ dành cho người giàu mà còn cả nông dân. Giáng Sinh, kì nghỉ dài nhất trong năm, thường kéo dài suốt mười hai ngày, là dịp mà mọi người ngừng làm việc, trang trí nhà cửa và đốt củi Yule (một khúc gỗ lớn) trong lò sưởi. Mọi người trao đổi quà tặng, tận hưởng các buổi lễ đầy màu sắc tại nhà thờ và tham gia những bữa tiệc thịnh soạn với nhiều món ăn ngon – một điều hiếm hoi trong năm. Cũng như ngày nay, Giáng Sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất đối với nhiều người, với vô vàn bài hát, điệu nhảy, kịch câm và trò chơi dân gian.
Lịch Trung Cổ ở Châu Âu cũng không thiếu các ngày lễ khác đâu nhé. Mỗi mùa đều có một lễ hội Kitô giáo đặc biệt của riêng mình, thường dựa trên các truyền thống ngoại giáo cổ xưa hơn. Các ngày lễ thời Trung Cổ là cơ hội để mọi người có được những phút nghỉ ngơi quý giá sau chuỗi ngày lao động vất vả, và để giao lưu trong những bữa ăn gia đình. Thay vì thực đơn nghèo nàn thường ngày, người nghèo sẽ có cơ hội thưởng thức những món hiếm như thịt và cá. Bàn ăn của người giàu thì được trang trí bằng những món lạ như thịt công nướng! Giáng Sinh kéo dài hơn hẳn các ngày lễ khác, bắt đầu từ đêm Giáng Sinh, ngày 24 tháng 12, đến Ngày thứ mười hai (Twelfth Day), tức ngày 5 tháng 1. Nông dân thường được lãnh chúa cho phép nghỉ trọn hai tuần lễ do giữa mùa đông là thời điểm nông nghiệp ít bận rộn. Mùa lễ hội này cũng bao gồm việc tặng quà và trang trí nhà cửa bằng những vòng hoa và dây thường xuân. Có một đoạn văn miêu tả về London thế kỷ 12 của William Fitzstephen như thế này:
Nhà cửa của mọi người, cũng như các nhà thờ trong giáo xứ của họ, đều được trang hoàng bằng cây nhựa ruồi, cây thường xuân, nguyệt quế và bất cứ thứ cây gì còn xanh tươi vào mùa đó của năm.
(trích dẫn trong Gies, 100)
Cây nhựa ruồi, với những chiếc lá màu xanh đậm bóng và quả mọng màu đỏ tươi, đã được coi là vật trang trí mùa đông lý tưởng từ thời cổ đại. Người Celt cổ đại coi loài cây này là linh thiêng và có khả năng xua đuổi tà ma, trong khi người La Mã dùng nó làm quà tặng để thể hiện sự kính trọng và thiện chí. Cây tầm gửi là một vật trang trí lâu đời khác mà người xưa cho rằng có khả năng mang lại sự màu mỡ, bảo vệ mùa màng và xua đuổi phù thủy. Rất lâu trước khi cây thông Noel trở thành tâm điểm trang trí vào thế kỷ 19, một vòng kép bằng tầm gửi đã là trung tâm trang trí trong nhiều gia đình, nơi các cặp đôi trao nhau nụ hôn, và phải hái một quả tầm gửi sau mỗi lần như thế.
Nhà Thờ: Trung Tâm ngày Đại lễ
Lễ Giáng Sinh xưa kia luôn xoay quanh nhà thờ địa phương, đặc biệt trong các cộng đồng tôn giáo sùng đạo thời Trung Cổ. Dần dần, các buổi lễ quan trọng trở nên cầu kỳ hơn, và Giáng Sinh cũng thế. Vào khoảng thế kỷ thứ 9, một hình thức mới ra đời: “đối đáp thánh ca.” Vào dịp Giáng Sinh, giữa các phần hát sẽ có thêm những câu đối đáp hỏi-đáp. Một bên của dàn hợp xướng sẽ hát “Quem quaertitis in praesepe?” (“Các ngươi tìm ai trong máng cỏ?”), và bên kia sẽ trả lời. Hình thức này phát triển thành những vở kịch Giáng Sinh với các vai như Ba Vua và vua Herod. Còn trong vở kịch “Các Nhà Tiên Tri”, một linh mục sẽ đối thoại với các nhà tiên tri như Jeremiah, Daniel, Moses, còn các bạn nam trong dàn hợp xướng sẽ đóng các vai nhỏ như con lừa hoặc ác quỷ.
Ngày 28 tháng 12 là Lễ Các Thánh Anh Hài, tưởng nhớ cuộc tàn sát trẻ sơ sinh của vua Herod nhằm giết Chúa Giê-su. Vào ngày này, có một truyền thống khá thú vị là các em bé trong dàn đồng ca sẽ thay thế các vị giám mục và giáo sĩ cấp cao để tổ chức nghi lễ, thậm chí còn dẫn đầu một đám rước. Lễ Cắt Bì vào ngày 1 tháng 1, còn được gọi là “Lễ Những Kẻ Ngốc,” thậm chí còn kỳ lạ hơn. Các giáo sĩ cấp thấp sẽ mặc trang phục lộn trái, dắt lừa vào nhà thờ, và khi đến bàn thờ, họ sẽ đốt nhang làm từ giày cũ, ăn xúc xích, uống rượu vang và kêu be be như lừa!
Nếu không được mời đến lâu đài của lãnh chúa gần nhất, các giáo sĩ tại gia cũng sẽ ăn mừng bằng một bữa thịnh soạn. Họ có thể ăn thịt chim sơn ca, vịt, cá hồi, hoặc thậm chí là dê con. Chúng ta còn biết rằng một vị tu viện trưởng của Tu viện Ramsey ở Anh luôn dành riêng cho mình một con lợn rừng vào mỗi bữa tối Giáng Sinh đấy. Ngay cả các nhà sư cũng có kha khá phần thưởng vào dịp Giáng Sinh. Chế độ ăn uống trong tu viện thời Trung Cổ vốn đã khá tốt, nhưng bữa tiệc Giáng Sinh sẽ gồm nhiều thịt và cá hơn bình thường. Ở các tu viện như Tu viện Cluny ở Pháp, các tu sĩ còn nhận áo choàng mới và được tắm một trong hai lần tắm hàng năm (vì họ không được phép tắm nhiều hơn!).
Tiệc Giáng sinh của giới quý tộc
Với giới quý tộc sống sung túc trong những lâu đài và dinh thự, Giáng sinh là dịp để trao nhau những món quà xa xỉ như quần áo sang trọng hay trang sức lộng lẫy, đánh dấu một mùa lễ hội vui vẻ. Ngoài 25 tháng Mười Hai, họ còn có thêm một đợt tặng quà khác vào đúng ngày đầu năm mới. Những món quà này được gọi là ‘quà đầu năm’, và được xem là điềm báo vận may của họ trong cả năm sắp tới. Tuy vậy, cũng như ngày nay, niềm vui Giáng sinh thực sự của nhiều người đơn giản nằm ở những món ăn hấp dẫn.
Được tổ chức trong Đại Sảnh của lâu đài hay trang viên, tiệc Giáng Sinh của giới quý tộc thường rất lộng lẫy, với trần nhà cao vút kết cấu bằng gỗ quý cùng ít nhất một lò sưởi rực lửa. Không gian càng trở nên ấn tượng hơn với những dây trang trí bằng cây nhựa ruồi, dây thường xuân và các loại cây xanh theo mùa. Bàn tiệc được chuẩn bị với dao, thìa, cùng một lát bánh mì dày (tận dụng làm dĩa ăn thịt). Khách được tận hưởng sự xa hoa khi khăn trải bàn được thay mới sau mỗi món ăn. Hai người khách cùng dùng chung một chậu rửa tay (vì họ ăn bốc trừ các món lỏng), một tô đựng súp và các món hầm, và một bát nhỏ đựng muối.
Được phục vụ như bữa trưa sớm, món đầu tiên thường là súp, nước dùng hoặc món hầm loãng với chút thịt. Món thứ hai có thể là món hầm rau củ (porray) với tỏi tây và hành. Vào những ngày thường, người giàu đã có may mắn được ăn thịt như thỏ, gà, nhưng vào dịp Giáng Sinh, các món ngon hạng sang hơn sẽ được dọn lên như cá (cá hồi, cá trích, cá hồi chấm) và hải sản (lươn, hàu, cua). Thịt được nướng trên xiên ngay trên lò lửa. Ngoài đùi bò và cừu, họ còn có thịt bê, thịt nai, ngỗng, gà trống thiến, heo sữa, vịt, chim choi choi, chim sơn ca và sếu, v.v. Một món ăn Giáng sinh đặc biệt đầu bếp chuẩn bị để gây ấn tượng có thể là đầu lợn rừng trên khay, hay thiên nga và công nướng nguyên con với cả lông vũ. Các loại nước sốt đậm đà được dùng kèm, làm từ vụn bánh mì, rượu vang/giấm, các loại thảo mộc và gia vị.
Tráng miệng thường bao gồm các loại sữa trứng trái cây, bánh ngọt, các loại hạt, phô mai cùng hoa quả nhập khẩu đắt tiền như cam, sung và chà là. Còn có cả entremet – những món ăn vặt trang trí công phu phủ đường và mật ong – được phục vụ trước món tráng miệng thật sự vào Giáng Sinh và các dịp lễ lớn khác. Thức uống bao gồm vang đỏ và trắng (chia sẻ chung cốc với bạn cùng bàn), được uống ngay khi còn tươi mới vì thời hạn sử dụng ngắn. Rượu vang thường được pha loãng với nước hoặc thêm mật ong hoặc đường. Còn có rượu táo và bia, mặc dù bia làm từ ngũ cốc lên men với men bia được xem là thức uống dành cho tầng lớp thấp hơn. Bia làm từ hoa bia mãi đến cuối thời Trung Cổ mới xuất hiện. Tráng miệng có thể được phục vụ kèm một bình rượu vang tẩm gia vị.
Trong lúc bữa tiệc thịnh soạn diễn ra ở Đại Sảnh, người hầu trong lâu đài cũng không bị lãng quên. Truyền thống Giáng Sinh sẽ mang đến cho họ những món ăn ngon hơn thường lệ như ngỗng và gà mái. Cuối cùng, những món thừa sẽ được đem ra cho người nghèo đang đợi bên ngoài lâu đài.
Bàn tiệc tại trang viên có thể xuất hiện những vị khách bất ngờ: nông dân nô lệ trong vùng cũng được tận hưởng chút không khí Giáng sinh khi theo truyền thống, họ được mời đến dùng bữa tại trang viên vào ngày lễ này. Ở một số nơi, lời mời này chỉ dành cho hai người may mắn, thường là một người nông dân nghèo nhất và một người giàu nhất, và họ còn được mời thêm hai người bạn đi cùng họ. Đáng tiếc, phần lớn nông dân được mời đến phải tự đem theo đĩa và củi đốt của họ, và tất cả thức ăn cũng chính là do họ sản xuất ra. Tuy nhiên, họ được uống bia miễn phí và đây cũng là một dịp để nhìn thấy cuộc sống của giới giàu có ra sao, tạm thời quên đi mùa đông ảm đạm ở vùng nông thôn.
Đọc thêm:
Giáng Sinh của Nông Dân
Rõ ràng là Giáng Sinh của nông dân ít long trọng hơn nhiều so với những người sống ở các trang viên hay lâu đài. Thậm chí mùa lễ này còn không bắt đầu tốt đẹp cho họ. Nông nô, vốn đã phải trả đủ loại thuế phí trong năm, còn phải dâng “quà” Giáng Sinh cho lãnh chúa là bánh mì, trứng hoặc thậm chí một con gà trống hay vài con gà mái quý giá. Ngược lại, người lao động tự do trong khu đất, đặc biệt là những người quan trọng như người chăn cừu, chăn lợn và chăn bò, được lãnh chúa tặng quà, thường là thức ăn, đồ uống, quần áo và củi đốt. Truyền thống này kéo dài đến nhiều thế kỷ sau, khi người hầu trong nhà cũng nhận được một hộp quà vào ngày 26 tháng 12 (vì vậy ở Anh mới có ngày đó gọi là Boxing Day). Quà cho trẻ em từ các gia đình nông dân nghèo thường là đồ chơi đơn giản như quay, còi, cà kheo, bi, búp bê và các hình nộm bằng gỗ hoặc đất sét.
Nông dân cũng trang trí nhà của họ giống như tầng lớp quý tộc, thường sử dụng các loại cây xanh sẵn có như cây nhựa ruồi. Họ còn giữ lại một truyền thống xưa cũ, có lẽ từ thời ngoại giáo, là đốt khúc gỗ Giáng Sinh (Yule Log). Thực chất đây là một phần khá lớn của thân cây, được đốt vào đêm Giáng Sinh trong mọi loại nhà và cháy liên tục trong mười hai ngày lễ. Trong các bữa ăn đặc biệt, nông dân được ăn thịt – một món ngon hiếm có (thường là thịt luộc) – cùng với phô mai, trứng, bánh ngọt và uống bia. Bia chắc chắn là không thiếu, vì thường được phụ nữ nông dân tự nấu ủ.
Ngày 1 tháng 1 rất quan trọng vì mọi người mong có vận may trong năm tới. Một niềm tin bắt đầu phát triển, giống như cách người giàu trao đổi quà vào ngày này, đó là vị khách đầu tiên đến thăm nhà mình trong ngày đầu năm mới là vô cùng hệ trọng. Được gọi là “first-footing” (xông đất), người khách đầu tiên này có một số đặc điểm được coi là may mắn: nam giới có nước da ngăm, tốt nhất là tóc sáng màu và quan trọng nữa là bàn chân bẹt!
Giải Trí Giáng Sinh Thời Trung Cổ
Thời Giáng Sinh ngập tràn các hoạt động vui chơi giải trí. Uống rượu bia chắc chắn là thú vui phổ biến nhất, đến mức mà tình trạng chè chén quá đà cũng hay xảy ra. Để phòng ngừa bạo loạn, các lãnh chúa thường phải thuê lính gác canh chừng điền trang của mình. Ghi chép từ một thái ấp gần Nhà thờ Thánh Paul ở London cho thấy, lính gác được bố trí từ ngày Giáng Sinh đến Lễ Hiển Linh và được thưởng “một ngọn lửa sưởi ấm trong đại sảnh, ổ bánh mì trắng, thức ăn nấu chín và 4.5 lít bia mỗi ngày” (trích dẫn trong cuốn sách của tác giả Gies, 208). Dù thời ấy uống nhiều rượu bia như vậy là chuyện bình thường, và bia cũng được ủ khá nhạt, nhưng với 4.5 lít bia cho mỗi lính gác thì cũng lạ là họ không tự nổi loạn trước!
Các tu sĩ mang các vở kịch lưu diễn đến biểu diễn tại các tư gia, kể lại những sự kiện quan trọng trong Kinh thánh, đặc biệt là các chủ đề theo mùa, như cuộc tàn sát trẻ em vô tội của Vua Herod. Tương tự, trong các thành phố, các phường hội thời trung cổ tổ chức các cuộc diễu hành công cộng, với các toa xe chở những người ăn mặc như các nhân vật trong câu chuyện Giáng Sinh từ Kinh thánh. Những đoàn nghệ sĩ hóa trang đeo mặt nạ được gọi là “mummers” cũng đi dọc khắp các con phố, kèm theo ban nhạc. Đôi khi có tới hơn 100 người tham gia, họ mặc những trang phục kỳ dị như lãnh chúa, hồng y, hiệp sĩ, thậm chí đột nhập vào nhà dân để khiêu vũ và chơi xúc xắc. Nhận thức ăn và đồ uống từ gia chủ, mummers thường biểu diễn các vở kịch ngắn với các cảnh quen thuộc, như Thánh George và rồng.
Các trò chơi như đánh bài, xúc xắc (bao gồm cả một chút đánh bạc) hoặc các trò chơi bàn như cờ vua, cờ đam, cờ caro, cũng phổ biến không kém. Một trò chơi Giáng Sinh truyền thống có tên là “vua của hạt đậu”. Người tìm thấy một hạt đậu được giấu trong ổ bánh mì hoặc chiếc bánh đặc biệt sẽ trở thành “vua” hoặc “nữ hoàng” của bữa tiệc. Người này sau đó có quyền ra lệnh cho tất cả những người khác, bắt chước bất cứ điều gì mà vua hoặc nữ hoàng làm trên bàn tiệc. Trò chơi này được chơi vào Đêm thứ mười hai (Twelfth Night) và là một ví dụ về trò đùa đảo ngược vai trò rất được ưa chuộng, có nguồn gốc từ lễ hội Saturnalia tháng 12 của người La Mã cổ đại.
Sau bữa tiệc Giáng Sinh, người ta sẽ tiếp tục nhâm nhi rượu vang hoặc bia, hát hò, kể cả những bài hát mừng Giáng Sinh, và nhảy múa theo điệu nhạc từ kèn, sáo, đàn lute và trống. Các nghệ sĩ nhào lộn hay các nghệ sĩ hát rong chuyên nghiệp (minstrels) sẽ biểu diễn những chiêu trò thú vị và ngâm những vần thơ dí dỏm. Chuyện dân gian thì năm nào cũng được đem ra kể lại, mỗi năm lại thêm thắt cho “mặn mà” hơn. Đâu đó là những màn trình diễn rối, và mọi người cùng chơi đủ thể loại trò chơi, mà rất nhiều trong số đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay như bịt mắt bắt dê hay trốn tìm. Có một trò chơi khác là một thành viên trong đoàn sẽ được hóa trang thành một vị thánh trong khi những người khác phải dâng tặng họ một lễ vật (chắc chắn phải là thứ gì đó buồn cười rồi). Người dâng lễ phải làm sao để không cười và chống lại mấy trò lố của vị thánh đó; nếu không, họ sẽ là người hoá thánh tiếp theo. Một trò chơi nữa là “Ông Vua Không Biết Nói Dối”: người được chọn làm “vua” trong bữa tiệc sẽ được quyền hỏi bất kỳ ai một câu, và nếu họ trả lời thành thật thì họ sẽ được phép hỏi ngược lại nhà vua. Những trò chơi kiểu này, tất nhiên, là dịp để mọi người thể hiện sự thông minh và khả năng chơi chữ của mình, để “dìm hàng” hội bạn, hay để dò ý tứ của “người thương”.
Với mấy người năng động hơn thì sẽ có những môn thể thao như so tài sức mạnh, bắn cung, vật lộn, bowling, khúc côn cầu, và bóng đá thời trung cổ – mấy trò này thì chỉ cần đưa bóng đến đích còn luật lệ thì chắc hơi ít hoặc thậm chí không có. Vào mùa đông, trượt băng trên mặt hồ là một hoạt động rất nhiều người thích. Hoặc, dũng cảm hơn thì có thể dùng xương ống chân ngựa cột vào chân, một cây gậy để đẩy, thế là có patin băng rồi.
Kết thúc kỳ lễ
Giáng Sinh xưa cũng vui hết nấc với hội hè, tiệc tùng, thế nên cái lúc quay lại làm việc chắc cũng hơi bị sốc với mấy ông nông dân thời trung cổ. Mà kệ, cũng phải làm cho vui, thế là mấy ổng nghĩ ra cái trò đua cày vào lúc mặt trời mọc của ngày thứ Hai sau Lễ Hiển Linh, người ta gọi nó là “Plough Monday”.
Rồi còn cái ngày 7 tháng Giêng nữa, người ta gọi là Ngày Thánh Distaff. Hôm đó là ngày hội luôn, dành cho mấy trò lố lăng, “đấu đá nam nữ” hài hước, kiểu mấy ông đốt lanh phụ nữ còn mấy bà thì kiếm cách làm ướt sũng mấy ổng (theo Leyser, 225).