1. Khái lược về Đông cung quan
Khái niệm Đông cung quan là một khái niệm tương đối mới xuất hiện vào thời Lê sơ ở nước ta. Theo khảo cứu của chúng tôi về thư tịch chính sử cũng như tư sử thì trước thời Lê việc phân cấp bộ máy chính quyền chưa chính thức đặt bộ phận “Đông cung quan” mà phải đến thời Lê Thánh Tông khi tiến hành hiệu định quan chế mới chính thức đặt quy chuẩn về bộ phận này.
Trước hết về khái niệm Đông cung 東宮, trong sách Lã Thị Xuân Thu – Thiên Thẩm Ứng 《呂氏春秋·審應》 viết rằng: “寡人之在東宮之時,聞之議。”東漢高誘註曰:“昭王,襄王之子也;東宮,世子也。” Nghĩa là: “Quả nhân khi còn ở tại Đông cung đã nghe chuyện này” Cao Dụ thời Đông Hán chú rằng: “Chiêu vương là con của Tương Vương, Đông cung tức là thế tử vậy”. Như vậy Đông cung là một biệt xưng dùng để chỉ Thái tử. Ngoài biệt xưng Đông cung, còn một số từ khác để chỉ Thái tử như: Nguyên lương, Trữ quân, Tự quân,…
Thái tử là trữ quân, người sẽ kế vị trở thành hoàng đế trong tương lai. Do vậy mà ngôi vị Thái tử thường được lựa chọn theo 3 nguyên tắc là: Lập đích, lập trưởng cuối cùng là lập hiền. Người được chọn làm Thái tử thường được cho ở Đông cung, được hoàng đế kí thác cho các bậc lương thần dạy dỗ phụ tá để trang bị tri thức trị quốc an dân. Đồng thời cũng cắt đặt một bộ phận quan lại phụ tá Đông cung chuyên tham mưu, phục vụ các hoạt động học tập, vi chính của Thái tử đó chính là Đông cung quan.
Như vậy Đông cung quan 東宮官 là các chức quan có nhiệm vụ phục tá giúp đỡ Thái tử học tập và làm việc, phục dịch các yêu cầu của Thái Tử . Đông cung quan có nguồn gốc từ thời Thương, Chu có nhiệm vụ dạy dỗ, bảo vệ Thái tử là trữ quân người sẽ kế vị trong tương lai. Sau triều Thương, Chu các triều đại phong kiến khác đề đặt các chức quan liên quan đến công việc của Đông Cung.
2. Lịch sử hình thành và phát triển Đông cung quan tại Trung Quốc.
Thời Thương – Chu: Thời nhà Thương và nhà Chu là giai đoạn khởi thủy của “Đông cung quan”, trách nhiệm chủ yếu là dạy dỗ trữ quân. Sách “Thông điển” phần “Chức quan” có nhắc đến các chức: Sư, Bảo, Thái phó, Thiếu phó. Trong đó, Thái phó, Thiếu phó lo việc dạy dỗ đạo quân thần phụ tử, chức Sư dạy về tri thức, chức Bảo dạy về tu thân.
Tần – Hán: Trong giai đoạn nhà Tần và nhà Hán này quy mô của “Đông cung quan” đã được mở rộng hơn so với giai đoạn trước. Các chức quan đặt ra nhằm giúp Thái tử học tập và rèn luyện cũng nhiều hơn. Thái tử Thái phó phụ trách dạy dỗ Thái Tử, Thái tử Thiếu phó thì phụ đạo giúp cho Thái tử quản lý Đông cung. Một số thuộc quan dưới Thái tử như Tẩy mã phụ trách giúp Thái tử học về chính sự, công văn. Thái tử môn Đại phu quản lý về quân túc vệ tại Đông cung. Xá nhân ban đầu chịu trách nhiệm bảo vệ và canh gác Đông cung nhưng sau này kiêm cả “bí thư” và hầu cận Thái tử. Ngoài ra còn có Thái tử Tân khách phụ trách việc lễ nghi khuyên nhủ Thái tử nếu có khuyết điểm.
Lưỡng Tấn – Nam Bắc triều: Thời Tây Tấn thiết lập Lục phó (tức Tam sư và Tam thiếu), thường theo hầu cận Thái tử gồm các chức: Thái tử Thái sư, Thái tử Thái phó, Thái tử Thái bảo; Thái tử Thiếu sư, Thái tử Thiếu phó, Thái tử Thiếu bảo. Thường phụ trách giúp Thái tử học tập và phụ tá cho Thái tử, số lượng nhiều ít không đồng nhất. Lúc này giúp Thái tử quản lý sự vụ Đông cung là Chiêm sự. Nhìn chung Đông cung trong giai đoạn này cũng tương đối hoàn chỉnh: Có quy định riêng, thị vệ, hạ nhân, quan đại thần phụ tá,…
Thời Tùy: Thời Tùy vẫn tiếp tục chế độ lục phó tức là có Tam sư và Tam thiếu dạy dỗ phụ giúp Thái tử. Không thiết lập chức Chiêm sự nhưng thiết lập các chức Môn Hạ phường, Điển Hiệu sách, Tả hữu hai vệ. Môn Hạ phường quản lý việc kinh sách, cửa cung, túc trực, ăn uống, thuốc men, làm gương cho 6 cục. Điển Thư phường kiêm quản sự vụ trong Đông cung: ngựa xe, quân túc vệ.
Thời Đường: Sang thời Đường, chế độ quan lại ở Đông cung bắt đầu được hoàn thiện hơn nữa. Từ thời Đường về sau chức danh Tam sư và Tam thiếu trở thành hư hàm thường sử dụng để gia tặng chứ không thường đặt thực chức nữa. Ngược lại lấy Chiêm Sĩ phủ quản lý các sự vụ trong Đông cung như quy định, hậu hạ túc trực hoặc việc bên ngoài Đông Cung như chùa chiền, quân túc vệ, Tả hữu Tư ngự, Tả hữu Giam môn,… Tựu chung lại có thể xem như một Thượng thư tỉnh quy mô nhỏ, chuyên quản lý công việc hành chính. Ngoài ra đổi tên Môn Hạ phường thành Tả Xuân phường, Điển Hiệu sách đổi thành Hữu Xuân phường, đều thuộc Chiêm Sĩ phủ.
Thời Tống: Thời Tống các chức quan tại Đông cung không cố định, thông thường dùng kiêm nhiệm. Chẳng hạn như: Thừa tướng kiêm Sự phó, Tham chính kiêm Thái tử Tân khách. Đồng thời nhà Tống cũng là triều đại đầu tiên thiết lập chế độ Thị độc, Thị giảng cùng Tư Thiện đường với nhiệm vụ chủ yếu giúp Thái tử đọc sách, thiết lập Dực Thiện Củ can gián giúp Thái tử sửa khuyết điểm.
Thời Nguyên: Thời Nguyên chính trị tương đối hỗn loạn, không đặt thường trực các chức Tam sư Tam thiếu và ngay cả Chiêm Sĩ phủ cũng không thiết đặt thường bị hủy bỏ. Ngay cả tên gọi cũng có sự thay đổi thành: Huy Chính viện, Trữ Khánh Sử ty, Trữ Chính viện, Cung Phó phủ.
Thời Minh: Thời Minh đã cho khôi phục Chiêm Sĩ phủ đồng thời cho mở rộng, biên dưới Chiêm Sĩ phủ cho thiết lập Tả Xuân phường, Hữu Xuân phường, Tư Kinh cục và các cơ quan khác như: Thống phủ, phường, Chính sự cục. Trong đó Tả-Hữu Xuân phường thiết lập Đại học sĩ chưởng quản đặt thêm các chức: Thứ tử, Dụ đức, Trung doãn, Tán thiện, Tư trực lang. Kinh Cục quan đặt các chức Tẩy mã, Giáo thư, Chính tự. Đồng thời đặt Đại Bản Đường thu thập sách vở kim cổ, mời danh Nho bốn phương dạy học cho Thái tử, Thân vương. Thiết lập Văn Hoa đường làm nơi Thái tử đọc sách, tuyển chọn kẻ sĩ có tài trong thiên hạ sung là Thư đồng.
3. Đông cung quan thời Lê sơ
Ở nước ta, từ thời Đinh đã có lệ phong Thái tử, Đinh Tiên Hoàng lập Đinh Hạng Lang làm Thái tử, đến thời Tiền Lê thì Lê Đại Hành cho lập Trung Tông Lê Long Việt làm Thái tử tuy nhiên không rõ có thiết lập Đông cung là nơi ở riêng của Thái tử không. Sang đến thời Lý mới có lệ đặt Đông cung làm nơi Thái tử ở, theo ghi chép của Toàn thư thì người đầu tiên được phong làm Đông cung thái tử là Lý Thái Tông (Lý Phật Mã). Tiếp đó là các hoàng đế Thánh Tông, Nhân Tông nhà Lý cũng đều được lập làm Đông cung Thái tử khi còn rất nhỏ tuổi (Lý Thánh Tông năm 5 tuổi, Lý Nhân Tông sau khi sinh ra một ngày). Sau triều Lý, các hoàng đế triều Trần cũng sớm định ngôi Đông cung để an định xã tắc, như việc Thánh Tông Trần Hoảng vừa mới sinh ra đã được lập làm Thái tử [1] rồi việc Thánh Tông lập Nhân Tông làm Hoàng Thái tử, lập Anh Tông làm Hoàng Thái tôn [2] cũng cho thấy việc các hoàng đế thời Lý Trần rất quan trọng việc lập trữ.
Chưa rõ thời Lý-Trần đã đặt các chức chức “Đông cung quan” hay chưa nhưng cõ lẽ đã thiết đặt một số chức quan dạy học cho Thái tử và phụ tác việc chính trị. Như ở thời Lý, vua Lý Thái Tông lên ngôi cũng tiến hành phong chức cho bề tôi khi còn ở Đông cung. Toàn thư chép: “Mùa đông, tháng 10, ngày mồng một, vua băng ở điện Trường Xuân. Thái tử lên ngôi ở trước linh cữu; đổi niên hiệu là Long Thụy Thái Bình năm thứ 1. Truy tôn tên thụy cho Đại Hành Hoàng Đế, miếu hiệu là Thái Tông, mẹ họ Mai làm Kim Thiên Hoàng Thái Hậu. Đặt quốc hiệu là Đại Việt. Ban quan tước cho các bề tôi cũ ở Đông cung theo thứ bậc khác nhau. Cho Bùi Hựu làm Văn minh điện đại học sĩ” [3]. Đến thời Trần, vua Trần Thánh Tông đã hạ lệnh tuyển chọn người có đức hạnh và Nho học trong thiên hạ vào hầu Đông cung [4] đồng thời ở thời Trần cũng đặt ra nơi học dành cho Hoàng Thái tử và Đông cung Thái tử: “Nhà học của Hoàng Thái tử gọi là Tư Thiện đường, nhà học của Đông cung Thái tử gọi là Toát trai” [5] Tôi cho rằng phần này Toàn thư đã chép lầm vì Hoàng Thái tử và Đông cung Thái tử là hai khái niệm tương đương. Có lẽ Toàn thư đã chép nhầm phần nhà học của Hoàng tử thành Đông cung Thái tử chăng, như lệ nhà Tống lấy Tư Thiện đường là nơi đọc sách của Thái tử cho nên rất có thể ở đây Toát trai là nơi học của Hoàng tử mà Toàn thư đã nhầm lẫn thành Đông cung Thái tử? Đến thời Hồ thì có việc Hán Thương sai bộ Lễ thi chọn nhân tài, đỗ được 170 người. Lấy Hồ Ngạn, Lê Củng Thần sung làm Thái học sinh lý hành; bọn Cù Xương Triều 6 người sung làm Tư Thiện đường học sinh (Cũng có thể đây là lệ từ thời Trần) [6].
Riêng việc dạy học cho Thái tử thì các sử liệu chính thống đều không chép rõ có đặt đủ Lục phó (Tam sư và Tam thiếu) hay không nhưng Toàn thư có nhắc đến việc Trần Khắc Chung từng dạy học cho Minh Tông khi ông còn ở Đông cung, khi mất Trần Khắc Chung được tặng Thiếu sư (một trong 3 chức của hàng Tam thiếu), Toàn thư đề cập ông làm chức “sư bảo” vì ông được phong Thiếu bảo năm Khai Thái thứ 3 (1326), lại là thầy dạy (sư) của hoàng tử (sau là thái tử) Vượng nên gọi là “sư bảo”, như vậy ta bước đầu thấy được nhà Trần có đặt riêng hệ thống “Đông cung quan” đồng thời cũng cho quan thần kiêm nhiệm việc dạy học.
Qua ghi chép của các bộ chính sử nước ta cho thấy hệ thống quan lại ở Đông cung phụ tá cho Thái tử ở hai triều Lý – Trần đã cơ bản được hình thành ta chưa thể khẳng định hệ thống này đã hoàn bị hay chưa vì vấn đề sử liệu ghi chép tương đối hạn hẹp. Mặc dù Toàn thư có chép việc vua Lý Thái Tông ban chức cho các bề tôi cũ nhưng không chép cụ thể các bề tôi cũ ở Đông cung là ai từng đảm nhận chức vụ gì.
Kể từ khi Thái Tổ Cao Hoàng đế nhà Lê đánh bại giặc Minh khôi phục cơ đồ thì đã bắt đầu đặt lại quan chức, khôi phục văn hiến. Vua Thái tổ cho lập hoàng tử Lê Nguyên Long làm Thái tử nhưng không thấy đặt cơ quan riêng biệt để dạy dỗ Thái tử học tập hay phụ đạo cho Thái tử. Đến thời Lê Thánh Tông khi tiến hành hiệu định quan chế mới chính thức đặt các chức “Đông cung quan” để dạy dỗ phụ tá Thái tử. Các chức quan này không biệt lập phần lớn sử dụng kiêm chức. Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng Đông cung quan thời Lê đã có cơ cấu và quy định rõ ràng.
Theo ghi chép của các tài liệu chính sử cũng như tư sử, Đông cung quan thời Lê gồm có: Chiêm Sự viện, Tả Xuân phường, Hữu Xuân phường.
Về chức năng và cơ cấu của từng bộ phận được quy định như sau:
Chiêm sự viện là cơ quan trông coi và quán xuyến mọi công việc của Đông cung chủ yếu là nội sự. Đứng đầu Chiêm Sự viện là Chiêm sự, hàng chính ngũ phẩm, dưới Chiêm sự là thiếu Chiêm sự, hàng tòng ngũ phẩm.
Đứng đầu Tả Xuân phường là quan Tả Thứ tử (chính tam phẩm), giúp việc là Tả Trung doãn. Những vị quan này có trách nhiệm hầu cận bên Thái tử, chỉ bảo và khuyên răng Thái tử, giải thích các tờ khải, tấu mà bên dưới dâng lên khi Thái tử không hiểu. Ngoài ra các chức Tả Thứ tử còn quản lý Ty Kinh cục là cơ quan chuyên quản lý việc kinh điển sổ sách, văn thư giấy tờ của Thái tử. Ngoài ra còn các cơ quan như Điển thiết chuyên lo việc trần thiết của Đông cung, Dược tàng chuyên quản lý thuốc men, Điển thiện kiểm soát thức ăn cho Thái tử, Cung môn chuyên trông coi canh gác tại Đông cung.
Đứng đầu Hữu Xuân phường là quan Hữu Thứ tử (chính tam phẩm), giúp cho Hữu Thứ tử là Hữu Trung doãn. Những vị quan này có trách nhiệm dâng nạp tờ khải tấu cho Thái tử. Nếu trong nội dung từ khải tấu cho chỗ nào chưa rõ ràng, thiếu sót thì quan Hữu Thứ tử và Hữu Trung Doãn sẽ có nhiệm vụ hiệu đính tham khảo điển cố và những chữ khó. Nếu Hoàng đế đi vắng, Thái tử được lệnh giám quốc thì Hữu Xuân phường sẽ làm nhiệm vụ truyền đạt lệnh thư của Thái tử xuống bên dưới [7].
Theo ghi chép của văn bản Thiên Nam dư hạ tập A334/1 [8] thì cơ cấu quan chế Đông cung thời Lê Thánh Tông quy định như sau:
• Tòng nhất phẩm: Thái tử Thái sư, Thái tử Thái phó, Thái tử Thái bảo.
• Tòng nhị phẩm: Thái tử Thiếu sư, Thái tử Thiếu phó, Thái tử Thiếu bảo
• Chính tam phẩm: Tả Thứ tử, Hữu Thứ tử
• Tòng tam phẩm: Tả Dụ Đức, Hữu Dụ đức
• Chính tứ phẩm: Tả Xuân phường, Hữu Xuân phường, Tả Trung doãn, Hữu Trung doãn
• Tòng tứ phẩm: Tả Tán thiện, Hữu Tán thiện
• Tòng ngũ phẩm: Tả Thuyết thư, Hữu Thuyết thư
• Tòng lục phẩm : Tả Hữu Tư giảng
• Chính ngũ phẩm: Chiêm sự
• Tòng ngũ phẩm: Thiếu chiêm sự
• Tòng bát phẩm: Thủ lĩnh
• Tòng bát phẩm: Điển sử
• Tòng thất phẩm: Tẩy mã
• Tòng thất phẩm: Điển hàn
• Tòng bát phẩm: Cục chính của 4 cục Chưởng Liễn, Điển Tàng, Trân Tu, Công Tác, Điển cứu.
• Chính cửu phẩm: Cục phó của 4 cục Chưởng Liễn, Điển Tàng, Trân Tu, Công Tác
Nếu như đối chiếu các ghi chép về quan chế thời Lê sơ qua các văn bản Hán Nôm hiện còn như: Thiên Nam dư hạ tập A.334/1, Lê triều quan chế, Lê triều hội điển, Lịch triều hiến chương loại chí và phần lời chua chép nội dung Thiên Nam dư hạ tập trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì có thể thấy một số phẩm trật chức quan cũng như quy định số lượng và tên chức quan có sự không đồng nhất. Nhưng nhìn chung văn bản Thiên Nam dư hạ tập A334/1 là đầy đủ nhất và có phân định rõ nhất từng cơ quan và bộ phận lẫn chức năng riêng biệt.
Có thể thấy Đông cung quan là một trong những bộ phận quan trọng trong cơ cấu quan lại triều đình. Tùy vào yêu cầu và bối cảnh lịch sử khác nhau nên mỗi triều đại đều sẽ có định chế Đông cung quan khác nhau. Nhưng chủ yếu càng về sau Đông cung quan chỉ là kiêm chức mà thôi.
Chú thích:
[1] Toàn thư chép: “Tháng 9, ngày 25, hoàng đích trưởng tử là Hoảng sinh, lập làm Đông cung thái tử. Đại xá”
[2] Toàn thư chép: “Mùa thu, tháng 9, ngày 17, hoàng trưởng tôn Thuyên sinh, lập làm hoàng thái tôn, ít lâu sau lập làm Đông cung hoàng thái tử.”
[3] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 1998, Đại Việt sử ký toàn thư (tâp 1), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 270.
[4] Toàn thư chép: “Chọn người nho học có đức hạnh trong thiên hạ vào hầu Đông Cung”
[5] Đại Việt sử ký toàn thư (tâp 2), Sđd, tr.119.
[6] Đại Việt sử ký toàn thư (tâp 2), Sđd, tr.210
[7] 新唐書- 百官誌
[8] 天南南下集 A.334/1
Tài liệu tham khảo
1. Viện khoa học xã hội Việt Nam, 1998, Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Đặng Xuân Bảng (Viện sử học dịch), 1997, Sử học bị khảo, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội, Hà Nội.
3. Nguyễn Minh Tường, 2019, Tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ Việt Nam (Từ năm 938-1884), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Đỗ Văn Ninh, 2019 (Tái bản), Từ điển chức quan Việt Nam , Nxb Thông tấn, Hà Nội.
5. Lê Kim Ngân (1963), Tổ chức chính quyền trung ương dưới thời Lê Thánh Tông (1460-1497), Bộ giáo dục quốc gia, Sài Gòn.
6. Phan Huy Chú (2006), Viện Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện sử học dịch, Lịch triều hiến chương loại chí (tập 2), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện sử học dịch (2002), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
8. Lê triều quan chế điển lệ 黎 朝 官 制 典 例, kí hiệu A.382 VNCHN.
9. Lê triều quan chế 黎 朝 官 制, kí hiệu A.52 VNCHN.
10. Thiên Nam dư hạ tập 天南餘暇集,kí hiệu A.33.4/1-10 VNCHN.