La Mã Cổ Đại

Cuộc chiến định hình tiến trình lịch sử La Mã

Thất bại trong Chiến tranh Punic I (264-241BC) trước Roma khiến Carthage mất quyền kiểm soát các hòn đảo Sicilia, Sardinia và Corsica

Cuộc chiến định hình tiến trình lịch sử La Mã

Thất bại trong Chiến tranh Punic I (264-241BC) trước Roma khiến Carthage mất quyền kiểm soát các hòn đảo Sicilia, Sardinia và Corsica án ngữ các hải lộ chính của Địa Trung Hải và phải chuyển hướng mở rộng các thuộc địa mới trên bán đảo Iberia. Vào năm 226 BC, Cộng hoà Roma cử một sứ đoàn tới gặp Hasdrubal, tổng chỉ huy quân đội của Carthage, để thỏa thuận về việc Carthage và Roma sẽ lấy con sông Ebro làm giới tuyến phân chia khu vực ảnh hưởng trên bán đảo. Tuy nhiên, vào năm 221BC, Hasdrubal bị ám sát, và hai năm sau, với việc Hannibal, một người đã thề độc sẽ tiêu diệt Roma, trở thành người kế nhiệm Hasdrubal, thoả thuận giữa Roma và Carthage trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Năm 219BC, tướng Hannibal xua quân tấn công Saguntum, một thành quốc đồng minh của Roma tại bán đảo Iberia, khơi mào cho Chiến tranh Punic II, một cuộc chiến đẫm máu và để lại nhiều hệ quả quan trọng nhất cho tiến trình lịch sử Roma.

I.CHIẾN TRANH PUNIC II, CUỘC TRANH BÁ TÂY ĐỊA TRUNG HẢI

Nhận thấy Roma có khả năng đang đưa một đội quân xâm nhập bán đảo Iberia và một đội quân khác từ đảo Sicilia đến xâm lược Bắc Phi, tướng Hannibal đã chủ động tiến công người Roma trước với ý đồ tiên hạ thủ vi cường. Chỉ với điều kiện đường xá và hậu cần của thời cổ đại, thật khó tin là Hannibal đã cùng 50000 bộ binh, 9000 kị binh và 37 voi chiến thực hiện một lộ trình hành quân dài dằng dặc xuyên qua miền bắc bán đảo Iberia, vượt dãy Pyrenees, băng qua miền nam xứ Gaul và nhất là chinh phục được dãy Alps phủ đầy băng tuyết. Tuy nhiên, Hannibal cũng đã phải mất phân nửa số chiến binh dày dạn trận mạc của mình trong chuyến hành quân này. Có thể do hạm đội của Carthage ở Iberia không đủ sức giao chiến với hạm đội Roma trên Địa Trung Hải, khiến cho hải lộ Địa Trung Hải trở thành bất khả thi, bắt buộc Hannibal phải lựa chọn tuyến đường hành quân kinh khủng đó.

Sự xuất hiện của Hannibal ở miền bắc Italia đã kích động các tộc người Celt ở đây nổi loạn. Tuy nhiên, Hannibal biết rõ rằng ông không thể tạo ra một thế trận tiêu hao ngay trên lãnh thổ kẻ thù mà phải ngay lập tức đưa quân về phía nam nhằm nhanh chóng đập tan lực lượng chủ lực của quân đội Roma. Vào cuối năm 218BC, Hannibal đánh bại một đội quân Roma tại Trebia trong đồng bằng sông Po. Năm tiếp theo, ông tiêu diệt khoảng 15,000 quân Roma cùng với một chấp chính quan tại hồ Trasimene, miền trung Italia. Trận thứ ba của Hannibal, chiến thắng vẻ vang nhất của ông trong toàn bộ chiến dịch trên bán đảo Italia này, đã diễn ra tại Cannae ngày 2 tháng 8 năm 216BC. Hôm đó, bộ binh Carthage giả vờ yếu thế và lui lại trấn giữ trung tâm trận địa, trong khi lực lượng kị binh tinh nhuệ của Hannibal ở hai cánh sau khi xuất sắc đánh tan kị binh Roma đã cùng với khối bộ binh ở trung tâm đóng chặt vòng vây đội hình bộ binh Roma. Trong chiến bại thảm hại ngày đó tại Cannae, gần 50,000 quân Roma đã bị tàn sát.

Sau trận Cannae, con đường tiến về Roma từ phía đông nam được mở ra cho đội quân của Hannibal. Tuy nhiên, dù không còn một quân đoàn Roma nào dám ra đối chiến, nhưng do thiếu các chiến cụ công thành hạng nặng, tướng Hannibal tuy đã bao vây nhưng không thể hạ được thành Roma. Những năm sau đó, Hannibal dẫn quân về phía nam và cố gắng lôi kéo các đồng minh của Roma như các thành Beneventum, Capua, Tarentum và Syracuse đi theo mình. Nghiêm trọng hơn, Hannibal đã chủ ý đánh phá các vùng quê lân cận thành Roma và phần lớn miền nam bán đảo Italia, phá huỷ nhiều nông trại của người dân bán đảo khiến rất nhiều người lâm vào cảnh vô gia cư. Không những thế, người Roma còn vô tình làm trầm trọng thêm chiến nạn mà Hannibal đã gây ra khi thực hiện chính sách tiêu thổ cực đoan của chấp chính quan Fabius Cuncator nhằm cắt bỏ mọi nguồn cung cấp lương thực cho đội quân của Hannibal.

Dù phải gánh chịu nhiều chiến bại khủng khiếp, ý chí kiên cường của Cộng hoà Roma vẫn không bị bẻ gãy. Chỉ trong vòng năm năm sau thảm hoạ Cannae, người Roma đã gửi ra tiền tuyến tận hai mươi lăm quân đoàn mới toanh, và dần chuyển sang phản công. Với việc tướng Hannibal gần như bị cầm chân ở mũi giày phía nam bán đảo Italia, Roma bắt đầu loại dần các đồng minh của Carthage ra khỏi vòng chiến. Mục tiêu đầu tiên của Roma là vua Philip V của Macedonia, người đã tấn công Illyria vào năm 215BC và khơi mào Chiến tranh Macedonia I (215-205BC) với Roma. Năm 211BC, Roma liên minh với Aetolia nhằm chống lại Macedonia, trong đó Aetolia giao chiến trên đất liền, còn Roma thì kềm giữ Macedonia trên biển. Hạm đội Roma đóng tại Brindisium đã phong toả biển Adriatic hoàn hảo tới mức không chiếc thuyền Macedonia nào có thể cập bờ bán đảo Italia. Còn tại Iberia, Roma chiếm lại Saguntum vào năm 214BC, nhưng đen đủi thay, một thất bại ở năm kế tiếp, trong đó hai chấp chính quan đã thiệt mạng, dường như đã đánh đổ vị thế của Rome ở bán đảo này.

Tuy nhiên, vào năm 209BC, Viện Nguyên Lão Roma đã có một quyết định sáng suốt khi cử vị tướng mới hai mươi lăm tuổi là Publius Cornelius Scipio đến Iberia. Tướng Scipio đã nhanh chóng chiếm được thành Carthage Nova, thủ phủ của Carthage tại bán đảo Iberia.

Tướng Hannibal tuy đã đúng khi dự tính lật đổ sự thống trị của Roma bằng cách tấn công vào trung tâm sức mạnh của nó ở Italia và cố gắng làm tan rã liên minh quân sự do nó đứng đầu. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, người Carthage cần phải có một hậu cứ vững chắc và một đường tiếp vận an toàn. Hậu cứ đã được cha của Hannibal là Hamilcar Barca thiết lập ở Iberia, nhưng còn đường tiếp vận an toàn thì đã không bao giờ có. Để đến được chiến trường trên bán đảo Italia, người Carthage chỉ có hai con đường, trong đó hải lộ đi qua Địa Trung Hải thì đã bị hạm đội Roma án ngữ, còn con đường bộ đi qua dãy Alps để vào Italia thì quá nguy hiểm. Quả vậy, vào năm 207BC, khi Chiến tranh Punic II đã ở thế giằng co suốt mười năm, em trai của Hannibal là Hasdrubal Barca đã cố gắng đưa quân vào Italia để hội sư với đội quân của Hannibal với cố gắng tạo ra bước ngoặc cho cuộc chiến. Thế nhưng đội viện binh của Hasdrubal đã bị chặn đứng tại sông Metaurus và bị Scipio đánh bại hoàn toàn tại Sena Gallica ở miền bắc Italia, còn đầu Hasdrubal sau đó bị người Roma bắn vào giữa doanh trại của Hannibal. Thấy rõ thế bế tắc của Hannibal, đến năm 204BC, nhiều đồng minh của Hannibal ở miền nam Italia đã thay đổi chiến tuyến sang chống lại Hannibal. Với tình trạng chiến đấu trên đất địch lại không được tiếp viện trong khi khối đồng minh lại tan rã, chiến bại của Hannibal dường như là một điều khó có thể tránh khỏi.

.

Đòn chí mạng được người Roma tung ra cũng vào năm 204BC khi họ cho Scipio đưa quân đổ bộ từ Sicily lên Utica, một thành nằm sát cạnh bên Carthage. Tuy Roma đưa ra các điều kiện nghị hòa tương đối dễ chịu nhưng Carthage lại từ chối. Sau đó Scipio đã đưa quân về phía tây đánh tan các cánh quân Carthage tại Cirta và Campi Magni để chia cắt Carthage với với thuộc địa Iberia của nó. Năm 203BC, Hannibal được triệu hồi từ Italia về Phi châu để phòng thủ chính quốc. Hannibal đổ bộ lên bờ biển đông nam Carthage tại thành Hadrumetum, rồi sau đó dẫn quân truy đuổi đội quân của Scipio. Hai đội quân chủ lực giáp chiến với nhau vào tháng 10 năm 202BC tại chiến trường Zama, ở đó, Scipio đã khắc chế được đàn voi chiến hung dữ của người Carthage rồi đả bại hoàn toàn Hannibal lừng danh. Với chiến công vĩ đại này, tướng Publius Cornelius Scipio đã được Viện Nguyên Lão Roma ban tặng cho danh hiệu Africanus, tức Anh hùng Phi châu.

Chiến tranh Punic II cuối cùng cũng đã chấm dứt vào năm 201BC với một chiến thắng vẻ vang dành cho Roma, dù đã thực sự đã làm cho Roma hao người tốn của rất nhiều. Thế nhưng không chỉ vậy, hoá ra cuộc chiến mà Hannibal khởi xướng về sau này đã khiến cho xã hội của người Roma phải chịu các vết nội thương cực kì nghiêm trọng, làm thay đổi hẳn tiến trình lịch sử của Roma.

II. CÁC VẾT NỘI THƯƠNG MÀ HANNIBAL GÂY RA CHO ROMA

Vết nội thương thứ nhất, đó là cuộc chiến của Hannibal đã cho thấy cấu trúc quyền lực mà người Roma sử dụng để cai trị bán đảo Italia đã không còn thực sự hữu dụng khi phải chiến đấu với các đối thủ hùng mạnh. Trước Chiến tranh Punic II, Cộng hoà Roma tiến hành chia các thành ở Italia thành ba hạng. Đầu tiên, chính họ là hạng nhất và mọi công dân sinh tại Roma đều có quyền công dân toàn diện. Thứ đến, các thành cùng chủng tộc với người Roma là hạng hai, hạng Latin, với công dân có quyền civitas sine suffragio, tức được hưởng những quyền lợi như công dân Roma trừ quyền bầu cử, nhưng nếu họ đến định cư tại Roma thì họ sẽ trở thành công dân Roma chính thức. Những thành loại này giữ chế độ tự trị, bầu các quan hành chính địa phương riêng, nhưng phải cung cấp lính và chiến đấu dưới sự chỉ huy của các tướng lãnh Roma. Các thành ngoại tộc như người Samnites là hạng ba, hạng Socii, là các đồng minh gắn bó với Roma bằng các hiệp ước song phương, bị mất quyền kiểm soát ngoại vụ và quân sự nhưng được bán tự trị. Hệ thống chia để trị này không trù liệu một sự thăng cấp cho các thành từ hạng dưới lên hạng trên. Chính sự đổi phe của các đồng minh như Beneventum, Capua, Tarentum trong cuộc chiến của Hannibal có thể là dấu hiệu cho thấy họ không hoàn toàn hài lòng với cấu trúc quyền lực cứng nhắc mà Roma thiết lập với các đồng minh. Sau cuộc Chiến tranh Punic II, Roma đã tạo ra một hệ thống cai trị mới có trù liệu một sự thăng-giáng cấp các đồng minh, căn cứ vào sự trung thành và hữu dụng của họ đối với Roma. Cụ thể, bắt đầu từ một Civitetas, tuỳ theo lòng trung và thực lực, thành đó có thể thăng cấp lên Colonia với công dân có quyền Socii, rồi lên Municipia với công dân có quyền Latin, và cuối cùng thành một thủ phủ vùng với toàn bộ dân cư được hưởng trọn quyền công dân Roma. Trong dự tính ban đầu của mình, Cộng hoà Roma muốn tỏ ra hoà đồng với các đồng minh để sử dụng nguồn lực của họ, nhưng về sau hoá ra chính nó đã bị hoà tan trong cái cấu trúc quyền lực tưởng chừng như hợp lý và đắc dụng đó.

Vết nội thương thứ hai, đó là việc Hannibal đã tàn sát rất nhiều công dân Roma trong những chiến thắng đẫm máu của ông tại Trebia, Trasimene, Cannae. Qua đó, người Roma thấy rằng họ sẽ không bao giờ đi xa được nếu đi chinh phục chỉ bằng xương máu công dân gốc của mình, mà cần phải tìm cách mở rộng hàng ngũ công dân Cộng hoà Roma hơn nữa, song song với tiến trình thăng cấp cho các đô thị đồng minh. Điều này hoá ra là lợi bất cập hại. Cái lợi là chiến lực và nhân sự của Roma sẽ dồi dào hơn nhờ lượng công dân được gia tăng, nhưng cùng với nó lại là sự thoái hoá của những phẩm chất mà Cộng hoà Roma lâu nay tự hào về các công dân của mình: tình yêu nước, tính kỉ luật, dạ trung thành, lòng quả cảm và trọng danh dự. Tiến trình mở rộng đồng thời với pha loãng khá nguy hại này sẽ được Roma tiếp tục thực hiện trong các thế kỷ tiếp theo.

Vết nội thương thứ ba, đó là cuộc chiến của Hannibal đã làm xáo trộn trầm trọng cấu trúc xã hội của Roma. Chiến tranh Punic II đã tàn phá các vùng đất canh tác rộng lớn ở miền nam Italia và xua đuổi nhiều nông dân ra khỏi mảnh đất của họ, mặt khác, nó lại khiến một số công dân của Roma lại giàu lên nhanh chóng bằng các của cải cướp được và chiến lợi phẩm chiến tranh. Những kẻ này chèn ép các nông dân nghèo còn bám trụ lại để chiếm hữu đất đai của họ rồi lập nên các latifundia rộng lớn. Bên cạnh đó, cuộc chiến đã làm tăng vọt số nô lệ xuất thân tù binh trên đất Italia, và những nô lệ này đã làm giảm đi số tiền lương trả cho các người làm công. Hầu hết những kẻ bất hạnh kể trên đổ dồn về thành đô đã khiến cho thành Roma trở thành nơi tập trung rất đông các công dân bị bần cùng hoá. Việc một số lượng lớn bần dân tập trung về Roma đã làm gia tăng sức mạnh cho một cơ chế đối trọng với thể chế dân chủ đại nghị ở bề mặt xã hội Roma. Cơ chế đó là chính những mạng lưới khổng lồ của sự bảo trợ, gọi là Clientalia, một mối quan hệ nghĩa vụ qua lại giữa patronus-người bảo trợ, thường là các nhà quý tộc hay cự phú, và các clientes-người được bảo trợ, thường là các công dân nghèo khổ, mà tài sản đáng giá nhất của họ là lá phiếu. Trong cơ chế này, người bảo trợ sẽ chăm sóc các người được bảo trợ về nhiều mặt trong cuộc sống: bị vướng tới pháp luật, cần mượn tiền, cần lời khuyên hay nói chung cần được bảo vệ. Ngược lại, người được bảo trợ ủng hộ về mặt chính trị cho người bảo trợ, cả bỏ phiếu cho ông lẫn đồng minh của ông và góp phần làm gia tăng nhóm người ủng hộ chủ mình. Những thay đổi theo chiều hướng nghiêng hẳn về phương thức Clientalia trong nền dân chủ đại nghị của Roma đã làm cho quyền lực của Viện Nguyên Lão suy yếu và làm xói mòn sức mạnh của thể chế Cộng hoà.

Vết nội thương thứ tư, đó là cuộc chiến của Hannibal đã khởi động sự thay đổi đến tận gốc rễ cách thức mà hệ thống quân sự của Roma vận hành với sự xuất hiện của các vị tướng lãnh có thực quyền vượt lên trên quyền hạn mà nền Cộng hoà ấn định cho họ. Sau Chiến tranh Punic II, khi Roma tiếp tục theo đuổi các cuộc chiến để áp đặt quyền thống trị của nó ra khắp thế giới Địa Trung Hải, đã nảy sinh vấn nạn thiếu hụt trong cơ chế bổ sung quân lực. Nguyên do là vì người Roma thời đó không có một ngân khố chiến tranh như thời hiện đại mà chỉ có những người có đủ tiền tự trang bị mới có thể gia nhập các quân đoàn, nên sự xuất hiện của tầng lớp bần dân thành thị đã thực sự ảnh hưởng xấu đến việc tuyển mộ lính mới của quân đội Roma. Vào những năm 106-102BC, để chiêu binh hàng loạt cho các cuộc chiến đang diễn ra không ngừng, tướng Gaius Marius đã cho nhập ngũ cả những người tình nguyện thay vì chỉ gọi những công dân đến tuổi nghĩa vụ quân sự, hơn thế nữa, ông đã xoá bỏ chính sách nhập ngũ cũ khi tự mình vũ trang đầy đủ cho những tân binh nghèo. Các tân binh được trả một số lương đủ sống và được hứa hẹn sau khi giải ngũ sẽ được lãnh một miếng đất ở các xứ sở bị chinh phục, đã bắt đầu đặt lòng trung thành của họ nơi các vị tướng lãnh, đúng như cách mà những người được bảo trợ chờ đợi ân huệ của người bảo trợ trong hệ thống Clientalia. Như vậy, Gaius Marius đã thay đổi triệt để và vĩnh viễn cách thức mà một người trở thành thành viên của quân đội Roma, và cũng chính ông đã chuyển hướng lòng trung thành của quân đội Roma từ Viện Nguyên Lão sang tay các tướng lãnh. Các vị tướng này một khi đã có sự ủng hộ tuyệt đối của quân đội sẽ dùng nó để dành lấy quyền lực thống trị Roma.

Như vậy, bốn vết nội thương mà cuộc chiến của Hannibal gây ra cho Roma là nghiêm trọng và dường như sẽ ngày một phát tác nặng nề hơn. Dù nền Cộng hoà Roma vẫn tiếp tục bành trướng mạnh mẽ ra bên ngoài, nhưng dần dần từng chút một, sự tổn thương ở bên trong sẽ khiến cho Roma ngày một cực đoan hơn, suy yếu hơn.

III. SỰ SUY YẾU CỦA ROMA HAY DI SẢN CỦA HANNIBAL

Kể từ sau cải cách quân sự của Gaius Marius, thế giới Địa Trung Hải đã run sợ trước những quân đoàn kiểu mới được các tướng lãnh Rome tung ra. Thế nhưng sau khi đã khuất phục hết các ngoại thù, từ sông Orontes cho đến sông Rhine và từ eo biển Gibraltar cho đến eo biển Dardanelles, các tướng lãnh Roma vì tham vọng cá nhân lại quay ra gây chiến với nhau để tranh quyền đoạt vị. Hàng loạt các cuộc nội chiến đã nổ ra, khởi đầu là những cuộc trả đũa tàn nhẫn giữa Gaius Marius và Cornelius Sulla, tiếp đến là cuộc chiến kinh điển giữa Julius Caesar và Gnaius Pompeius, rồi kết thúc với cuộc đọ sức phân định thiên hạ giữa Gaius Octavius và Marcus Antonius. Những cuộc chiến nồi da xáo thịt trong thế kỉ đó đã ngày càng trở nên tàn bạo và bất khoan dung, cho thấy thế hệ cuối cùng của nền Cộng hoà Roma là một sự suy đồi khi so sánh với các vị tiền nhân trung trực và tiết hạnh của họ.

Sau khi người chiến thắng cuối cùng là Gaius Octavius lên ngôi hoàng đế Roma và ổn định nội bộ, Roma lại tiếp tục sự bành trướng khủng khiếp của nó. Chỉ trong hơn một thế kỉ, từ Cải cách của Marius cho đến Thảm họa rừng Teutoberg năm 9, cương thổ của Roma đã mở rộng gần như gấp ba. Những kho của cải khổng lồ cướp được trong các cuộc bành trướng đã làm cho giới thượng lưu Roma được thoả mãn những thú vui ngông cuồng nhất vượt mọi sức tưởng tượng. Nhưng cùng với đó, đám nhà giàu đó cũng này ngày càng tách biệt ra khỏi khối đa số bần dân đang chen chúc nhau trong những khu từ bình dân cho đến tồi tàn của Roma. Đó là một sự sụt giảm asabiya, tức là một xã hội do phân chia quyền lực và của cải không đồng đều đã làm cho các thành viên đánh mất tinh thần cố kết và lòng trung thành với xã hội lúc ban đầu.

Quả thật, dù rằng những quyết định và định hướng của Rome sau Chiến tranh Punic II xem ra có vẻ hợp lý và hiệu quả trong thời gian ngắn hạn, nhưng với độ lùi thời gian, ta đã thấy rằng những quyết định và định hướng đó đem lại các hậu quả hết sức tai hại cho Roma: vị thế địa chính trị của thành đô bị suy giảm, các phẩm tính tốt đẹp của công dân bị tha hoá, sự cố kết xã hội bị phân rã, hàng tướng lãnh lũng đoạn chính quyền. Một sự kiện lịch sử biểu hiệu tất cả những điều trên xuất hiện trong biến cố Nhất niên tứ đế. Khi bốn vị tướng lãnh Galba, Otho, Vitellius và Vespasianus, những người nắm giữ các quân đoàn thiến chiến nhất trấn giữ các tuyến biên giới quan trọng lần lượt kéo quân về thành đô để bày trận đánh nhau ngay trên đường phố Roma năm 69 nhằm tranh giành ngôi hoàng đế, đám bần dân Roma đã tụ tập reo hò cổ vũ vô tư cho các cánh quân đang hỗn chiến cứ như là đang được xem những trò giác đấu trong hí trường vậy.

Như vậy, theo năm tháng, bốn vết nội thương chí mạng gây ra bởi cuộc chiến Punic II tàn khốc của Hannibal đã thực sự tạo nên các hậu quả tiêu cực trầm trọng cho Roma. Bởi thế, một số sử gia quả cũng đã có lý khi gọi Sự suy yếu của Roma bằng một cái tên khác là Di sản của Hannibal.

Những vấn đề nội bộ rối ren kể trên của xã hội Roma vẫn còn có thể xoa dịu bao lâu mà gần ba mươi quân đoàn Roma vẫn bách chiến bách thắng để áp đặt Pax Romana cho toàn thế giới Địa Trung Hải và đem về cho đô thành hoa lệ trên bán đảo Italia hàng núi của cải và hàng đoàn nô lệ từ các dân tộc chiến bại. Nhờ đó mà trong đế chế Roma, những quyền thần và phú gia vẫn được sống xa xỉ và phung phí, những latifundia vẫn được lượng nô lệ đông đảo canh tác, những binh sĩ vẫn được trả lương rồi có một miếng đất lập nghiệp sau khi giải ngũ, và những bần dân vẫn cảm thấy thoả mãn với bánh mì và hí trường… Thế nhưng, khi dòng nước thời cuộc xoay chiều vào cuối thế kỷ II, thì mọi thứ đều bắt đầu bị cuốn đi trong một vòng xoáy chết chóc, và mọi chuyện ở Roma đều ngày một tồi tệ thêm đi.

Lạc Vũ Thái Bình

Huế, 9-2024

Thư mục tham khảo

1. Viện Smithsonian, Lịch sử thế giới-chân dung nhân loại theo dòng sự kiện, 2011, Lê Thị Oanh dịch, Nxb. Dân trí, HN., 2017.

2. Mortimer Chamber, Lịch sử Văn minh Phương Tây, 2000, Nxb. Văn hoá thông tin, HN., 2004.

3. Nigel Rodgers, Rome đế quốc hùng mạnh nhất, 2000, Hàn Thu Vân dịch, Nxb. Phụ nữ, HN., 2008.

4. Peter Turchin, Sự thăng trầm của các đế chế, 2003, Nguyễn Kim Dân dịch, Nxb. Từ điển bách khoa, HN., 2012.

5. John Keegan, Lịch sử chiến tranh, 1993, Thiếu Khanh dịch, Nxb. Lao động, Hn., 2018.

6. Arnold Toynbee, Nghiên cứu lịch sử nhân loại, 1946, Việt Thư dịch, Nxb. Văn hoá thông tin, HN., 2008.

7. Alfred Thayer Mahan, Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1889, Phan Nguyên Trường dịch, Nxb. Tri thức, HN., 2013.

8. Caius Suetonius Tranquillus, Mười hai hoàng đế La Mã, 125, An Khánh dịch, Nxb. Thế giới, HN., 2019.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s