La Mã Cổ Đại

Quân đội của Alexander Đại Đế – Tổ chức và chiến đấu

Alxander Đại Đế là vị thống soái vĩ đại vào bậc nhất trong lịch sử loài người, chỉ trong thời gian ngắn ông đã chinh phạt từ châu Âu tới Ấn Độ. Quân đội của ông có nhiều điểm nổi bật.

quan doi cua alexander dai de

Trong lịch sử, chưa từng có một vị tư lệnh nào tự mình giành chiến thắng trong một trận chiến. Để thành công, người lãnh đạo cần sự hỗ trợ của một đội quân được huấn luyện kỹ càng, sẵn sàng theo chân vị tướng lĩnh bất chấp mọi giá, dù là thắng vẻ vang hay bại thảm hại. Ví dụ tiêu biểu là Leonidas khi ông dũng cảm dẫn 300 chiến binh Sparta đến thất bại hiển nhiên tại Thermopylae.

Lịch sử cũng chứng kiến các nhà lãnh đạo tài ba như Julius Caesar, Hannibal, và sau này là Napoleon. Tuy nhiên, cả ba vị tướng này đều phải bày tỏ lòng kính trọng đối với một cá nhân duy nhất và đội quân của ông ta: Alexander Đại Đế, người đã chinh phục gần như toàn bộ thế giới vào thời của mình.

Alexander thừa hưởng từ cha mình, Vua Philip của Macedonia, một đội quân linh hoạt, được đào tạo bài bản, khác với bất kỳ đội quân nào từng tồn tại. Họ đoàn kết vì một mục đích duy nhất và chiến đấu như một thể thống nhất. Alexander nhận ra điều này và từng nói: “Hãy nhớ rằng số phận của tất cả phụ thuộc vào hành vi của mỗi người”.

Mặc dù thành công của Alexander có sự đóng góp không nhỏ từ tầm nhìn của vua cha, những chiến thắng của chàng vua trẻ trên chiến trường là minh chứng cho sự ra đời của đội hình chiến đấu phalanx từ thời kỳ Hy Lạp cổ đại.

Chiến tranh ở Hy Lạp thời trước Alexander

Khoảng năm 700 TCN, các thành phố như Corinth, Sparta và Argos đã tạo ra một đội hình chiến đấu chặt chẽ được gọi là phalanx. Lý do cho sự phát triển này một phần là do Hy Lạp đang thay đổi. Hy Lạp bước ra từ thời kỳ tăm tối trong lịch sử – giai đoạn được nhắc đến trong thơ của Homer. Đây cũng là thời điểm xuất hiện của các thành bang (polis) cùng sự mở rộng các thuộc địa từ Ionia cho đến tận Sicily. Với sự bùng nổ của thương mại và việc mở rộng lãnh thổ, mỗi thành phố vì lý do chính trị và kinh tế, buộc phải học cách tự vệ.

Sparta: Thành bang quân sự điển hình

Hai thành bang hùng mạnh nổi lên thống trị Hy Lạp. Trong khi Athens trở thành cường quốc hải quân, Sparta dễ dàng vươn lên với hình mẫu thành bang quân sự điển hình, áp dụng luật lệ nghiêm ngặt và huấn luyện quân sự khắc nghiệt cho mọi công dân nam giới. Đây chính là nơi khai sinh ra những chiến binh công dân. Mỗi người Sparta đều có trách nhiệm bảo vệ thành phố trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Mặc dù học đủ để đọc viết, trẻ em Sparta quan trọng hơn là rèn luyện để chịu đựng gian khổ, chinh phục trong chiến đấu, chiến đấu như một tập thể hơn là một cá nhân. Bản thân thành bang này hệt như một doanh trại khổng lồ. Sức mạnh từ mô hình huấn luyện khắc nghiệt này thể hiện rõ nét khi Hy Lạp bị xâm lược bởi người Ba Tư dưới sự chỉ huy của Darius I và sau đó là Xerxes.

Phalanx Hy Lạp và cuộc chiến với Ba Tư

Người lính Hy Lạp lúc này là một hoplite, được đặt tên theo hoplon – tấm khiên của mình. Họ cũng đội mũ Corinthian che gần hết khuôn mặt, ngoại trừ phần chữ T để hở mắt, mũi và miệng (điểm yếu của loại mũ này là hạn chế tầm nhìn). Về sau Vua Philip đã thay thế mũ Corinthian bằng mũ Phrygian giúp binh sĩ nghe và nhìn tốt hơn.

linh-hoplite-hy-lap
Minh họa trang phục và vũ khí một lính Hoplite Hy Lạp điển hình

Một hoplite mặc giáp che ống chân, áo giáp đúc ôm lấy thân trên, mặc kèm áo dài có nếp để bảo vệ bụng và bẹn. Vũ khí của họ là một cây giáo dài từ 1.5 đến 2.5 mét chuyên dùng để đâm. Để chiến đấu, các hoplite hành quân với đội hình tập trung, chặt chẽ, hay còn gọi là phalanx. Cách cầm khiên sẽ bảo vệ bên trái của mình và bên phải của đồng đội. Phong cách chiến đấu này mang tính tấn công, thẳng tiến và đâm thẳng vào trung tâm của quân địch.

Philip II và Alexander Đại Đế: Cải cách Quân đội Macedonia

Khi Philip II lên ngôi vua Macedonia vào năm 359 trước Công nguyên, ông thừa hưởng một đội quân tương đối yếu kém. Ngay lập tức, ông bắt đầu tiến hành một loạt cải cách quân sự. Cùng nhau, Alexander và cha của mình đã tạo ra một đội quân khác biệt hoàn toàn so với bất cứ đội quân nào mà thế giới cổ đại từng thấy.

Những cuộc chiến tranh trước đó như Chiến tranh Ba Tư và Chiến tranh Peloponnesus đã chứng minh rằng những phương thức cũ không còn đáng tin cậy. Philip đã biến một nhóm người thiếu kỷ luật trở thành một đội quân đáng gờm. Hầu hết các nhà sử học tin rằng Philip đã phát triển ý tưởng của mình khi còn là con tin ở Thebes, nơi ông quan sát đội quân Sacred Band khét tiếng của họ.

Những thay đổi căn bản

Đầu tiên, ông tăng quy mô quân đội từ 10.000 lên 24.000, và mở rộng kỵ binh từ 600 lên 3.500; đây không còn là một đội quân chỉ gồm những chiến binh-công dân nữa. Ngoài ra, ông còn thành lập một đội ngũ kỹ sư để phát triển các loại vũ khí công thành như tháp và máy phóng. Sau này, Alexander đã sử dụng những tháp công thành này với hiệu quả tàn khốc tại Tyre (6.000 người bị giết và 30.000 người bị bắt làm nô lệ).

Kỷ luật và Tổ chức

Đặc điểm đặc thù của đội hình phalanx đòi hỏi sự rèn luyện liên tục, và cả hai nhà lãnh đạo đều yêu cầu sự tuân thủ nghiêm ngặt; những hình phạt sẽ được áp dụng cho những kẻ vi phạm. Giống như Alexander sau này, Philip yêu cầu quân lính thề trung thành với nhà vua. Ông cũng trang bị đồng phục cho quân đội – một ý tưởng đơn giản mang lại cho mỗi người lính ý thức đoàn kết.

Ngoài những điều kể trên, còn có logic đằng sau những gì họ đã làm; mỗi người lính sẽ không còn trung thành với một tỉnh hoặc thị trấn cụ thể nào nữa, mà giờ đây anh ta sẽ chỉ trung thành với nhà vua mà thôi. Những người đàn ông thiện chiến đã chiến đấu cho Philip và Alexander phải luôn tận tâm với vua của họ và vinh quang của Macedonia.

Lòng trung thành và sự tái cấu trúc này đã trở nên rõ ràng trong chiến thắng của Philip trước Athens và Thebes (với sự giúp đỡ của Alexander lúc đó mới mười tám tuổi) tại Trận Chaeronea; một trận chiến đã chứng minh sức mạnh và quyền lực của Macedonia.

Cải cách cấu trúc trong Phalanx

Philip đã hoàn toàn tái cấu trúc quân đội. Việc đầu tiên là tổ chức lại đội hình phalanx, cung cấp cho mỗi đơn vị riêng một chỉ huy – từ đó nâng cao hiệu quả liên lạc. Đơn vị chiến đấu cơ bản trở thành đơn vị taxes, thường bao gồm 1.540 người và do một taxiarch chỉ huy.

Mỗi taxes được chia thành các phân khu riêng biệt. Một taxes gồm có ba lochoi (mỗi lochoi do một lochagos chỉ huy) hoặc 512 người lính. Mỗi lochoi gồm 32 dekas (một hàng mười người – sau này là mười sáu). Mỗi người lính chỉ chiếm hai cubit không gian cho đến khi trận chiến thực sự diễn ra, anh ta mới chỉ dùng một cubit.

Chiêm ngưỡng những cảnh xung trận tuyệt đẹp trong bộ phim Alexander 2004 để biết cách quân đội của ông chiến đấu như thế nào

Sự thay đổi trong chiến thuật quân đội Macedonia

Philip đã cách mạng hóa quân đội Macedonia bằng cách thay đổi vũ khí chính từ giáo của lính hoplite thành sarissa – loại giáo dài 5,5 đến 6 mét. Sarissa có ưu điểm vượt trội so với các loại giáo ngắn hơn của đối phương. Tuy nhiên, chiều dài của sarissa gây khó khăn trong việc sử dụng, đòi hỏi cả sức mạnh và sự khéo léo. Lúc này, chiến binh hoplite trở thành pezhetairoi (cận vệ bộ binh). Giống như người tiền nhiệm, họ cũng mang một chiếc khiên (aspis) tương tự như hoplon, nhưng do kích thước của sarissa (cần sử dụng cả hai tay) chiếc khiên được đeo bằng một chiếc dây đeo qua vai. Ngoài sarissa, mỗi người đàn ông còn sở hữu một thanh kiếm hai lưỡi nhỏ hơn (xiphos) để cận chiến.

Chiến thuật Phalanx

Phương trận phalanx có một nhược điểm duy nhất là hoạt động tốt nhất trên địa hình bằng phẳng. Tuy nhiên, bất chấp nhược điểm này, Alexander đã sử dụng nó hiệu quả đến đáng kinh ngạc. Trong hầu hết các chiến dịch, đội hình quân đội của Alexander vẫn giữ nguyên. Nhưng do bản chất của chiến trường, một số thay đổi đã được thực hiện ở Hydaspes, nơi các cung thủ đóng vai trò dẫn đầu cuộc chiến chống lại voi của Porus.

Các pezhetairoi ở trung tâm; các hypaspist ở bên phải họ với kỵ binh ở hai bên sườn. Cung thủ và bộ binh hạng nhẹ bổ sung phục vụ ở sườn ngoài và phía sau. Các pezhetairoi được huấn luyện để duy trì hàng ngũ trong mọi tình huống, mặc dù họ có thể tách rời nhanh chóng và linh hoạt khi cần thiết; điều này thể hiện rõ trong trận Gaugamela chống lại xe ngựa có lưỡi hái của Darius. Trong trận chiến, năm hàng phía trước hạ sarissa của họ xuống đất song song với mặt đất trong khi các hàng phía sau (thường đội mũ rơm vành rộng hoặc kausia thay cho mũ sắt) mang sarissa của họ thẳng đứng.

Lực lượng Hypaspist

Như đã đề cập trước đó, ở bên phải của các pezhetairoi là những hypaspist cơ động hơn nhiều. Mặc dù không được trang bị vũ khí nặng, chỉ mang một cây giáo ngắn hơn hoặc một cây lao, họ đóng một vai trò đặc biệt trong quân đội của cả Philip và Alexander. Họ được tuyển dụng vì kỹ năng và vóc dáng, đòi hỏi một trình độ đào tạo đặc biệt. Phần lớn họ xuất thân từ tầng lớp nông dân Macedonia, không có liên kết bộ tộc hoặc khu vực, có nghĩa là họ chỉ trung thành với nhà vua.

Có ba tầng lớp hypaspist riêng biệt: “hoàng gia” phục vụ như vệ sĩ của nhà vua cũng như lính canh tại các bữa tiệc và sự kiện chính thức; một lực lượng tinh nhuệ được gọi là argyraspids (khiên bạc); và cuối cùng là quân đoàn hypaspist thực tế. Một nhóm cựu chiến binh đặc biệt trong lực lượng hypaspist được gọi là Khiên Bạc.

Kỵ binh Macedonia trong quân đội Alexander Đại đế

Kỵ binh của Alexander Đại Đế xung phong trong trận Hydaspes (Phim Alexander, 2004)

Thành phần kỵ binh

Kỵ binh đóng vai trò là mũi tấn công chủ lực của quân đội, tạo ra những bước đột phá quyết định vào đội hình đối phương – điều được thể hiện rõ ràng trong các trận chiến tại Granicus, Issus và Gaugamela. Kỵ binh được chia thành hai nhóm: Kỵ binh Companion (trung quân) và Kỵ binh prodromoi (tiền phong). Nhóm sau linh hoạt hơn, bao gồm lính kỵ binh vùng Balkan được sử dụng chủ yếu làm trinh sát.

Kỵ binh Companion quan trọng hơn, ban đầu do Philotas chỉ huy và sau đó là Cleitus và Hephaestion. Họ được chia thành tám đội hình, mỗi đội 200 người trang bị giáo dài ba mét nhưng mang ít giáp trụ. Do giá trị to lớn của kỵ binh (có tới 1.000 ngựa chết tại Gaugamela), nguồn cung ngựa dự bị luôn được đảm bảo. Đương nhiên, đội hình quan trọng nhất là đội của Alexander. Alexander và Kỵ binh Hoàng gia luôn chiến đấu ở cánh phải, trong khi Parmenio chỉ huy Kỵ binh Thessalian ở cánh trái.

Chiến thuật hiệu quả

Chiến thuật vẫn đơn giản: bộ binh pezhetairoi (mang giáo dài) sẽ tấn công vào trung tâm của quân địch theo góc nghiêng, trong khi kỵ binh sẽ tấn công và đục thủng các cánh. Giống như đội hình phalanx (phương trận) hoplite bị bỏ rơi trước đây, quân đội mới được thiết kế để tấn công và duy trì là một vũ khí thuần túy mang tính công kích. Mặc dù các binh sĩ được đào tạo tốt luôn cần thiết, nhưng một đội quân cần có những nhà lãnh đạo tài ba. Bên cạnh Alexander, lực lượng vượt qua Hellespont có một số sĩ quan giỏi, gồm Parmenio, Perdiccas, Coenus, Cleitus, Ptolemy và Hephaestion.

Bộ chỉ huy tập trung

Alexander điều hành quân đội từ lều hoàng gia, nơi hội đồng chiến tranh sẽ họp trong một gian lớn. Chiếc lều cũng có tiền sảnh, kho vũ khí và khu riêng cho nhà vua. Chiếc lều luôn được bảo vệ bởi một biệt đội lính hypaspists (mang khiên đặc biệt). Mặc dù Alexander luôn lắng nghe ý kiến của các tham mưu, quyết định cuối cùng vẫn là của ông. Điều này thể hiện rõ nhất trước trận chiến Gaugamela khi Parmenio và một số sĩ quan khác đề nghị Alexander tấn công Darius vào ban đêm, nhưng Alexander thẳng thừng từ chối: “Ta không đánh trận một cách lén lút.”

Lực lượng nòng cốt và sự bổ sung

Khi tiến vào châu Á, vị vua trẻ mang theo 12.000 lính phalanx – 9.000 pezhetairoi và 3.000 hypaspists. Ông cũng mang theo hơn 7.000 bộ binh Hy Lạp, phần lớn được sử dụng để bảo vệ các vùng đất bị chinh phục trong vai trò quân đồn trú.

Mặc dù đội quân vượt qua Hellespont vào năm 334 TCN hầu hết là người Macedonia, nhưng vẫn có đại diện từ khắp Hy Lạp: Agrianian, Triballian, Paeonian và Illyrian. Vì Alexander cũng là người đứng đầu Liên minh Corinth, một số quốc gia Hy Lạp đã cung cấp thêm bộ binh, kỵ binh và chiến hạm. Nhiều lính đánh thuê này nói các phương ngữ khác nhau và đến từ các khu vực có lịch sử căng thẳng sắc tộc lâu dài. May mắn thay, sự căng thẳng này đã được giữ ở mức tối thiểu.

Sau khi đánh bại Darius III tại Gaugamela vào năm 331 TCN, Alexander nhận ra rằng cần phải thay thế số lượng quân bị cạn kiệt, chào đón những tân binh mới vào quân đội, trong đó có một số người Ba Tư. Một số cựu binh được gửi về nhà. Tất cả các tân binh, đến từ Macedonia hoặc được tuyển dụng từ địa phương, đều được huấn luyện theo phong cách chiến đấu của người Macedonia.

Alexander Đại Đế – Bậc Thầy Về Nghệ Thuật Lãnh Đạo

Đạo quân Macedonia thiện chiến bậc nhất lịch sử cũng khó mà đạt được những thành tựu vang dội nếu thiếu vắng tài năng lãnh đạo xuất chúng của Alexander Đại Đế. Trong cuốn sách “Masters of Command: Alexander, Hannibal and Caesar” (Những Bậc Thầy Chỉ Huy: Alexander, Hannibal và Caesar), tác giả Barry Strauss liệt kê các phẩm chất cần thiết của một nhà lãnh đạo vĩ đại, bao gồm sự sáng suốt, táo bạo, linh hoạt, chiến lược và khả năng gây kinh hoàng cho kẻ địch. Alexander hội tụ tất cả những phẩm chất ấy.

Sự tôn trọng dành cho đối thủ, nhưng không hề e sợ

Dù thể hiện sự kính trọng đối với kẻ thù như sau trận Issus, ông không hề sợ hãi bất cứ ai. Ông từng nói: “Ta không sợ một đội quân sư tử do cừu dẫn dắt; ta sợ một đội quân cừu do sư tử chỉ huy.” Một trong những năng lực đáng nể của Alexander là khả năng dự đoán chiến lược của đối phương, thường xuyên dụ họ vào địa hình do mình lựa chọn, một lần nữa được thể hiện rõ nét tại Gaugamela. Trong suốt quá trình chinh phục Ba Tư, Alexander không nhất thiết phải nghiền nát Darius; ông chỉ muốn chinh phục.

Tấm gương về sự xả thân và sẻ chia

Alexander được binh lính của mình tin tưởng và tôn trọng vì ông luôn chiến đấu bên cạnh họ, chia sẻ bữa ăn với họ, và từ chối uống nước khi không có đủ nước cho tất cả. Đơn giản, ông luôn là tấm gương sáng. Như trận Gaugamela đã minh chứng, ông có khả năng khơi dậy tinh thần chiến đấu của quân sĩ. Plutarch, trong tác phẩm “Cuộc đời của Alexander Đại Đế” miêu tả:

“…ông có một bài diễn văn rất dài trước quân Thessalia và các đội quân Hy Lạp khác, và khi thấy họ cổ vũ, kêu gọi ông dẫn họ chống lại quân man di, ông chuyển cây giáo sang tay trái và tay phải giơ lên trời… nguyện cầu, nếu ông thực sự là dòng dõi của Zeus, hãy bảo vệ và tiếp sức cho người Hy Lạp… và sau những lời động viên và cổ vũ nhau, kỵ binh xông lên với tốc độ tối đa vào phía kẻ thù…”

Lời hiệu triệu hào hùng trước trận chiến

Trong “The Campaigns of Alexander” (Những Chiến Dịch Của Alexander), Arrian trích dẫn lời Alexander khi ông nói với quân đội của mình:

“…chúng ta, người Macedonia từ bao đời nay đã được rèn luyện trong trường đời khắc nghiệt đầy nguy hiểm và chiến tranh. [Nhà vua so sánh hai đội quân – của Macedonia và của Ba Tư]… và cuối cùng, về hai con người ở vị trí chỉ huy tối cao? Các người có Alexander, họ có Darius.”

Binh hùng tướng mạnh, chiến thuật hoàn mỹ

Trước Philip và Alexander, quân Ba Tư dưới thời Darius I và Xerxes đã bị đánh bại bởi một lực lượng nhỏ hơn – những người Hy Lạp chiến đấu với một phong cách chưa từng thấy đối với người Ba Tư. Vào thời Alexander, quân đội giúp ông chinh phục cả Hy Lạp và Ba Tư đã được hoàn thiện. Ông băng qua châu Á đến Ấn Độ, thường xuyên chiến đấu với một lực lượng đông đảo hơn. Việc sử dụng phalanx và kỵ binh tài tình, kết hợp với khả năng chỉ huy bẩm sinh, khiến kẻ thù của ông luôn trong thế phòng thủ, giúp ông chưa từng thua một trận nào.

Di sản của Alexander Đại Đế trường tồn cùng năm tháng, quyết tâm của ông đã đưa văn hóa Hy Lạp đến châu Á. Ông xây dựng những thành phố vĩ đại và thay đổi vĩnh viễn phong tục tập quán của những cư dân nơi đây.

5/5 - (4 votes)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s